Seite auswählen
(minh họa: Hasan Almasi/Unsplash)

Cuộc tranh giành quyền lực trong cung đình Hà Nội đã gần ngã ngũ; các phe phái đã tạm thời thỏa hiệp ở cấp trung ương và tiếp tục cuộc giao đấu ở cấp tỉnh thành. Đáng buồn là trong cơn hỗn loạn chính trị vô tiền khoáng hậu này, gần 100 triệu dân Việt chỉ là khán giả bất đắc dĩ, hóng hớt và vui buồn theo những tin đồn thật giả bất phân. Họ không có tiếng nói nào, không có tác động nào dù nhỏ đến cục diện chính trị của đất nước. Một khi không còn tổ quốc thì thân phận con người thật buồn nản.

Cuối cùng thì ông Vương Đình Huệ – trụ thứ tư trong “tứ trụ” của nhà nước Cộng Sản Việt Nam – đã bị đảng CSVN cho ra khỏi Ban Chấp Hành Trung Ương và Bộ Chính Trị, sắp tới sẽ bị miễn nhiệm chức chủ tịch Quốc Hội trong kỳ họp ngày 20 Tháng Năm sắp tới.

Tháng trước, “một trụ” là ông Võ Văn Thưởng, mới lên chức chủ tịch nước hơn một năm cũng bị đảng cho thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác từ ngày 20 Tháng Ba vì “đã vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm.”

Như vậy “tứ trụ” chỉ còn “hai trụ.” “Một trụ” là ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư, đau ốm triền miên chẳng biết đứt bóng lúc nào, và “một trụ” là ông Phạm Minh Chính, thủ tướng, mang nhiều tai tiếng không biết còn trụ được bao lâu nữa.

Bộ Chính Trị đảng CSVN – tổ chức quyền lực nhất nước – bắt đầu nhiệm kỳ cách đây hơn hai năm (Tháng Giêng, 2021) với 18 ông bà “vua tập thể” nắm quyền sinh sát, nay đã có năm người (Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Bình Minh, Trần Tuấn Anh, Võ Văn Thưởng và mới nhất là Vương Đình Huệ) bị đá ra ngoài. Con số 13 người còn lại trong Bộ Chính Trị, trùng với con số 13 của nhiệm kỳ, dường như báo hiệu giai đoạn lâm chung của đảng đã bắt đầu vì theo lý học Tây phương, số 13 là điềm báo rủi ro và những biến cố trọng đại.

Trên trang báo này, chúng tôi đã có nhiều bài phân tích cơn hỗn loạn ở thượng tầng chính trị Ba Đình hơn một năm qua và phản bác quan điểm của một số nhà quan sát chính trị quốc nội để hầu độc giả, xin phép không nhắc lại. Bây giờ khi cuộc đấu gần tàn, các đấu thủ rơi mặt nạ, lộ ra một lũ đầu trâu mặt ngựa, có người vẫn cố tiếc nuối.

Có phải đây là một tổn thất? Có phải nhân dân thật sự hoang mang? Chúng tôi không thấy như vậy. Có thể sự ra đi của những kẻ như Huệ, Thưởng và những tên khác là một tổn thất cho bè đảng của chúng, nhưng đối với đất nước, loại ra khỏi guồng máy cai trị những kẻ tham nhũng, đạo đức giả và tàn bạo không bao giờ là một tổn thất mà ngược lại. Khi người dân nhìn thấy tận mắt bộ mặt thật xấu xí của những kẻ nhân danh tổ quốc để “ăn không chừa thứ gì” thì sự mở mắt đó tự nó đã là một điều cần thiết trên con đường khai dân trí để dân chủ hóa đất nước.

Trên mạng xã hội, chúng tôi không thấy người dân hoang mang, chỉ thấy các tầng lớp dân chúng, từ trí thức đến người lao động bần hàn, thể hiện một nỗi tò mò thích thú trước những diễn biến của cuộc đấu đá chốn cung đình. Nhiều người đặt vè, vẽ tranh châm biếm, chế lời bài hát để chế giễu các nhân vật bị đá văng khỏi ghế, cũng là để thể hiện niềm vui có phần tội nghiệp của chính họ.

Nhà báo Kim Ngữ, đồng nghiệp của chúng tôi, trong bài viết “Thấy gì qua việc Vương Đình Huệ gãy ghế” đăng trên nhật báo Người Việt nhắn nhủ: “Nhân dân chúng ta hãy thư thả đừng đóng trang Facebook vội mà hãy chờ xem những cảnh tượng trên khán đài chính trị sẽ tiếp tục diễn ra không thua bất kỳ loại phim cung đấu nào của Trung Quốc thời hiện đại.”

Có người lập luận, các nhân vật chóp bu theo nhau gãy ghế chứng tỏ công cuộc chống tham nhũng đã không chừa ai. Thật buồn cười. Cái “lò” chỉ là một thủ đoạn mị dân để che đậy cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ đảng CSVN. Nhưng ở đây phù thủy đang bị âm binh hại.

Do không cao tay ấn như ông Tập Cận Bình “đả hổ diệt ruồi” bên Tàu, ông Trọng phải dựa vào “thanh kiếm” là đội ngũ công an ngưu đầu mã diện do viên tướng Tô Lâm chỉ huy và hậu quả là âm binh lấn lướt phù thủy, chém cả tay chân của ông để giành ghế, thậm chí đe dọa cả chiếc ngai vàng đã mục ruỗng của chính ông ta. Trọng bây giờ ngộ ra thì đã muộn nên trong suốt cuộc chiến gió tanh mưa máu ông ta không hề hé răng, không dám nói lời công đạo để bênh vực cho thủ túc của mình.

***

Nhưng bi đát nhất là người dân. Gần 100 triệu người, trong đó có hơn 5 triệu đảng viên đảng CSVN, chỉ biết giương mắt nhìn tấn bi hài kịch đang diễn ra một cách bất lực. Người ta bàn tán sôi nổi trong các cuộc nhậu, các cữ cà phê xem ai lên ai xuống, ai biển thủ được bao nhiêu, ai sẽ được hạ cánh an toàn và ai sẽ mặc áo sọc đội Juventus (ý nói ở tù)… Điên lắm thì thốt ra vài tiếng chửi thề. Và chỉ vậy thôi.

Vài người lên mạng Facebook chia sẻ những tin tức nóng hổi hoặc đăng những lời bình luận bày tỏ niềm vui hay nỗi bất bình. Nhưng có điều, khi chia sẻ tin tức hoặc bình luận như vậy, gần như ai cũng phải giấu tung tích hoặc dùng những từ ngữ ẩn dụ như mật mã để tránh bị phiền nhiễu. Đồng nghiệp Kim Ngữ lưu ý: “Có một điều quan trọng nhất mà mọi nhân dân phải lo tới, đó là đừng hào hứng quá độ mà viết lời phê phán cái chế độ này, những gương tày liếp của hàng trăm người viết trên Facebook những điều có thật và họ bị lính ông Tô dẫn thẳng vào nhà giam không cần xét xử thì rõ, cảm thán hay cổ vũ, tức tối đều là những trọng tội.”

 

Hai phụ nữ đi ngang qua tấm áp phích tuyên truyền của đảng cộng sản Việt Nam ở trung tâm Hà Nội. (Hình: Andy Soloman/UCG/Universal Images Group via Getty Images)

 

Thật thảm hại. Ở một nước tự xưng là “dân chủ gấp vạn lần tư bản,” người dân chỉ có quyền cúi mặt làm lụng và đóng thuế nuôi một băng đảng côn đồ ăn trên ngồi trốc mà không có quyền yêu nước, không có quyền lên tiếng vì vận mệnh đất nước. Thực tế cuộc đấu đá giành chức giành quyền ở thượng tầng càng làm cho người dân cảm nhận một cách thấm thía thân phận của những kẻ lạc loài trên quê hương mình, những người bị tước mất tổ quốc, dù vẫn đang còn sống trên mảnh đất mà tổ tiên để lại.

Trong những vụ đảng thay ngựa giữa dòng vừa qua, người dân vẫn không thể biết các ông Minh, Đam, Phúc, Tuấn Anh, Thưởng, Huệ phạm tội gì, ở mức độ nào và vì sao họ không bị đưa ra tòa xử theo pháp luật.

Vụ cách chức ông Huệ hôm 26 Tháng Tư chẳng hạn, người ta biết rõ tội lỗi của ông này qua “tin đồn” và mạng xã hội, còn nhà nước chỉ thông báo vắn tắt: “Trung Ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ.” Thông cáo cho ông Huệ thôi chức thậm chí còn sao y thông báo cho ông Thưởng nghỉ việc tháng trước, đúng đến cả dấu chấm dấu phẩy, chỉ thay tên người bị đuổi việc. Thật là đảng CSVN chẳng coi dân ra gì, hành xử như một thế lực chiếm đóng, chẳng có luật lệ, chẳng có pháp quyền gì ở đây cả, chỉ có đảng quyền là trên hết!

***

Những ngày này cộng đồng người Việt ở các nước phát triển đang chuẩn bị kỷ niệm 49 năm ngày Sài Gòn sụp đổ trước cuộc xâm lược của miền Bắc. Tháng Tư Đen làm sống lại bao niềm uất hận, đau buồn. Nhưng xét cho cùng, không chỉ những người Việt tha hương mới bị mất tổ quốc, mới phải đau đáu nỗi niềm “nhớ nước đau lòng con quốc quốc” mà ngay cả người Việt ở trong nước – nếu không ở trong thiểu số quan chức, đảng viên – và nếu còn chút ưu tư về vận mệnh dân tộc thì cũng bị coi là một thứ công dân hạng hai, một loại “phó thường dân” không được phép bày tỏ chính kiến, không được nghe và nói sự thật, nói gì tới những chuyện cao xa hơn như tham gia quốc sự hoặc bỏ phiếu lựa chọn người đại diện cho mình trong guồng máy cai trị.

Khi không có tự do thì người ta cũng không còn tổ quốc. Hiểu như vậy để thông cảm cho nhau trong thời kỳ biến động dữ dội hiện nay.

Thấy gì qua việc Vương Đình Huệ gãy ghế

Kim Ngữ

Người Việt

Cuối cùng thì mọi đồn đoán đã thành sự thật: Vương Đình Huệ, chủ tịch Quốc Hội, về bắt đom đóm, chuẩn bị cho một tương lai khác, ngắn ngủi và đen tối trong bóng đêm hoạn lộ.

Ông Vương Đình Huệ. (Hình: STR/AFP via Getty Images)

 

Ông Huệ không ngã ngựa mà bị đánh văng khỏi ngựa bởi thanh đao của Tô Lâm, bộ trưởng Công An, người vừa mạnh vừa quyết đoán và không chấp nhận thỏa hiệp trước bất kỳ đối thủ chính trị nào.

Bắt ông Phạm Thái Hà, 48 tuổi, trợ lý của ông Huệ, kiêm phó chủ nhiệm Văn Phòng Quốc Hội, là mũi kiếm đã chĩa thẳng vào yết hầu của ông Huệ. Con đường duy nhất muốn sống sót chỉ là buông giáo quy hàng bất kể sau lưng ông Huệ là người đốt lò vĩ đại hay nguyên một nhóm Nghệ Tĩnh phía sau.

Ông Tô Lâm chứng minh sức mạnh vô đối trước mọi đối thủ, không riêng gì ông Huệ, khi nhất quyết giành ngôi bá chủ mà không chấp nhận bất cứ một vị trí nào khác trong cái xứ sở có tới bốn chiếc ghế phân ra cai trị 90 triệu nhân dân cùng non 10 triệu đồng chí.

Câu chữ của Ban Chấp Hành Trung Ương như mọi lần không khác một dấu chấm, ông Huệ được đồng ý thôi giữ chức vụ ủy viên Bộ Chính Trị, ủy viên Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng khóa 13 và chủ tịch Quốc Hội khóa 15.

Nhân dân kháo nhau: Vậy là hạ cánh an toàn. Bè đảng nhìn nhau: Vậy là xong một đối thủ. Bộ Chính Trị bảo nhau: Nhìn đấy mà liệu thần hồn. Cách gì thì chúng ta cũng giải quyết được tin đồn, thứ mà đảng rất sợ bởi từ tin đồn có thể biến dạng thành cách mạng không mấy hồi, giống như các cuộc cách mạng khác nổi đình nổi đám sau một thời gian chín muồi của các thứ tin đồn thất thiệt. iải quyết được tin đồn, thứ mà đảng rất sợ bởi từ tin đồn có thể biến dạng thành cách mạng không mấy hồi, giống như các cuộc

Ông Huệ là người thứ năm tự làm bản kiểm điểm nhận mọi tội lỗi của mình sau khi thằng trợ lý lu loa khai nhận mọi thứ, từ liên lạc đối tác tới lên phương án ăn chia và cuối cùng là một đống tiền không thể đếm bằng tay vì quá lớn. Thằng trợ lý không hề dám chối tội khi biết rằng trong lúc “binh đao nội bộ” này chỉ một cái lắc hay gật đầu thì sinh mạng của nó có thể nhanh hay chậm mà theo chân Bác.

Câu hỏi đặt ra: Điều gì tiếp theo đây?

Ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư, từ khi cuộc chính biến bắt đầu chưa một lần đưa ra ý kiến. Ông lặng lẽ nhìn tay chân mình bị Bộ Trưởng Tô Lâm thanh toán mà không thể quay mặt hay đối diện với sự thật đang ăn vào sinh mệnh chính trị của ông.

Dĩ nhiên không ai dám động tới chiếc ghế tổng bí thư vì nó quá mục nát, hãy để cho nó tự hủy còn hơn là ra tay trong lúc này. Sự thật đó làm ông Trọng buồn nhiều hơn vui. Ông không có lý do gì để lên tiếng tố cáo kẻ xuống tay vì chúng có đụng tới ông đâu? Chúng lại còn ra vẻ hợp tác vô điều kiện đối với chủ trương đốt lò “không vùng cấm” do ông đưa ra, và cái kết quả hai vị trí thuộc loại chiến lược của ông Trọng là Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ bị đốn một cách ngọt ngào cho thấy sức mạnh của ông Tô Lâm đã lên tới không còn đối thủ, mà đối thủ không còn thì chiếc ghế của ông Trọng ai còn dám hó hé khi quỹ thời gian của tuổi tác lẫn nhiệm kỳ ngày càng ngắn lại?

Cái đích cuối cùng mà ông Lâm nhắm tới không còn phải bàn cãi, nhưng cái đích ấy sau khi đạt được liệu ba ghế còn lại có an toàn nữa hay không khi nhân dân hiểu rất rõ tính chất đa nghi và quyết đoán của ông Lâm sẽ không dừng lại mà an hưởng vinh quang. Ông ấy biết rằng nếu ba chiếc ghế còn lại không phải tay chân của mình thì trong tương lai việc ông làm ngày hôm nay sẽ được người khác lập lại và ông phải đối đầu với hiểm nguy khi cuộc đấu đá quyền lực sẽ lại xảy ra.

Nhân dân chúng ta hãy thư thả đừng đóng trang Facebook vội mà hãy chờ xem những cảnh tượng trên khán đài chính trị sẽ tiếp tục diễn ra không thua bất kỳ loại phim cung đấu nào của Trung Quốc thời hiện đại. Chỉ khác một điều, thời của Việt Nam hiện nay không tranh giành ngôi thái hậu hay chánh phi mà bốn chiếc ghế nạm vàng nếu tranh được thì hàng trăm thái hậu, chánh phi sẽ tự động thêm vào gia phả của người chiếm ghế. Hãy nhìn ông Huệ thì rõ, chỉ là chủ tịch Quốc Hội thôi đã có trong tay biết bao thứ mà hoàng đế ngày xưa cũng không dám nghĩ.

Có một điều quan trọng nhất mà mọi nhân dân phải lo tới, đó là đừng hào hứng quá độ mà viết lời phê phán cái chế độ này, những gương tày liếp của hàng trăm người viết trên Facebook những điều có thật và họ bị lính ông Tô dẫn thẳng vào nhà giam không cần xét xử thì rõ, cảm thán hay cổ vũ, tức tối đều là những trọng tội.

Điều hay nhất nhân dân nên làm là im lặng chia sẻ những bài báo có cái tựa như sáng ngày Thứ Sáu, 26 Tháng Tư, vừa tung lên của báo Tuổi trẻ: Ban Chấp Hành Trung Ương đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ chức mọi chức vụ mà đảng giao phó!

Cùng lắm thì thả mặt cười bên dưới để chứng tỏ lòng… biết ơn của mình tới một chủ tịch Quốc Hội, người đã xả thân vì đại nghĩa qua tới Bắc Kinh triều kiến vẫn bị bọn xấu gièm pha và châm chọc. [qd]

Vụ ông Vương Đình Huệ từ chức dưới góc nhìn quốc tế

 

Chiến dịch "đốt lò" đã khiến 5 ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 "thôi chức"
Chiến dịch “đốt lò” đã khiến 5 ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 “thôi chức”
BBC

Vụ việc Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ “thôi chức” một lần nữa cho thấy những xáo trộn ở thượng tầng Việt Nam. Nhiều chuyên gia và báo chí quốc tế đã lại đặt lên câu hỏi về tính ổn định chính trị.

“Bất ổn chính trị” lại một lần nữa là cụm từ được nhiều tờ báo quốc tế sử dụng khi nói về Việt Nam. Chiến dịch chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng bị đặt dấu hỏi.

Nhìn vào tình hình chính trị Việt Nam hiện tại, Giáo sư Carl Thayer, nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam và bang giao quốc tế, nhận định với BBC rằng “các nhà đầu tư nước ngoài sẽ thấy lo lắng mỗi ngày”.

Tờ New York Time có đánh giá tương tự, cho rằng việc ông Huệ thôi chức sẽ gây ra lo lắng cho các nhà đầu tư nước ngoài vừa tới Việt Nam vài năm gần đây.

Trong khi đó, Bloomberg cho rằng những biến chuyển này “không ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế của Việt Nam hay thay đổi các chính sách của chính phủ”.

Ông Vương Đình Huệ xin thôi chức vào ngày 26/4, vài ngày sau khi trợ lý của ông là ông Phạm Thái Hà bị bắt và chỉ hơn một tháng sau khi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bị miễn nhiệm.

Trong thông báo của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về trường hợp Vương Đình Huệ, những cụm từ quen thuộc lại xuất hiện, như “chịu trách nhiệm người đứng đầu” và “vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm”.

‘Xáo trộn chính trị chưa từng có’

Tính từ tháng 12/2022, đã có hai chủ tịch nước, hai phó thủ tướng, một trưởng ban Kinh tế Trung ương và bây giờ là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thôi chức.

Tức là đã có sáu lãnh đạo cấp cao, trong đó có 5 ủy viên Bộ Chính trị, thôi chức trong vòng 17 tháng.

Đánh giá về việc này với BBC News Tiếng Việt, Giáo sư Zachary Abuza từ trường National War College, Đại học National Defense (Mỹ), nhận định rằng Việt Nam đang ở trong “một thời kỳ xáo trộn chính trị chưa từng có”.

“Trong 30 năm theo dõi chính trị Việt Nam, tôi chưa từng thấy thời kỳ nào mà đấu đá nội bộ lại mạnh và quy mô rộng khắp như thế này. Tôi chưa từng thấy nhiều người bị xử lý đến như vậy,” Giáo sư Abuza nói.

Hôm 26/4, sau khi có tin ông Huệ từ chức, AP News đã có bài viết về sự kiện này.

Trong bài viết, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu viên khách mời thuộc Viện ISEAS (Singapore), nhận định việc ông Huệ từ chức “cho thấy rõ sự bất ổn cực độ trong một môi trường chính trị thường tự hào về sự ổn định”.

Ông Giang cho rằng sự ra đi của ông Huệ sẽ “khiến cuộc khủng hoảng kế nhiệm ở Việt Nam càng trở nên trầm trọng”.

Tương tự, tờ New York Times viết rằng việc ông Huệ từ chức “rất có thể sẽ gây thêm nhiều lo lắng cho quan chức ở Việt Nam về một cuộc đấu đá quyền lực ngày càng gay gắt trước cuộc chuyển giao lãnh đạo sắp tới vào năm 2026”.

Tháng 1/2026, Đại hội Đảng lần thứ 14 sẽ diễn ra. Hiện nay, công tác nhân sự cho khóa tới đang được triển khai.

“Vẫn còn nhiều thời gian cho cạnh tranh và đấu đá nội bộ. Và mọi việc đang ngày một trở nên tồi tệ,” Giáo sư Abuza nói khi nhắc tới thời điểm diễn ra Đại hội Đảng 14.

Công cuộc xây dựng Đảng ‘thất bại’

Chụp lại hình ảnh, Ông Vương Đình Huệ từng là một ứng cử viên sáng giá cho vị trí chủ tịch nước sau khi ông Võ Văn Thưởng từ chức
Ông Vương Đình Huệ từng là ứng cử viên sáng giá cho vị trí chủ tịch nước sau khi ông Võ Văn Thưởng từ chức

Theo Reuters, các nhà ngoại giao, quan chức và giới quan sát cho rằng những cuộc cải tổ nhân sự mạnh mẽ tại Việt Nam hiện nay nằm trong nỗ lực chuẩn bị người kế nhiệm cho “vị lãnh đạo già nua” Nguyễn Phú Trọng.

Đánh giá tình hình hiện tại, Giáo sư Carl Thayer cho rằng công cuộc xây dựng đảng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “đã thất bại”.

“Rõ ràng là ông Trọng không thể chọn được người kế nhiệm khi các bè phái đấu đá. Ông Huệ đáng lẽ ra đã có thể giữ chức vì phe của ông ấy sẽ bảo vệ ông Trọng,” ông nói.

Một số nhà quan sát chính trị từng đánh giá với BBC rằng ông Thưởng và ông Huệ là hai ứng cử viên sáng giá kế nhiệm vị trí tổng bí thư.

Theo Giáo sư Thayer, ông Trọng hiện không còn nhiều sức ảnh hưởng và sẽ nghỉ hưu vào cuối nhiệm kỳ.

Ngày 23/3, ngay sau khi ông Thưởng bị miễn nhiệm, BBC đã có cuộc trò chuyện với giáo sư Carl Thayer.

Khi đó, ông nhận định rằng việc ông Thưởng bị miễn nhiệm một lần nữa cho thấy sự không hiệu quả của công tác xây dựng đảng qua ba nhiệm kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

“Sẽ rất khó giải thích việc số lượng ủy viên Bộ Chính trị giảm từ 18 xuống còn 14 trong vòng hai năm. Bởi vậy, người lãnh đạo cấp cao nhất sẽ phải chịu một phần trách nhiệm về việc này,” ông nói.

Giờ đây, với sự ra đi của ông Huệ, số lượng ủy viên Bộ Chính trị chỉ còn 13 người.

Nhiều người có thể bất ngờ với sự ra đi của ông Vương Đình Huệ.

Hồi tháng 10/2023, ông Vương Đình Huệ từng đạt mức phiếu “tín nhiệm cao” thứ nhì trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn.

Cụ thể, ông Huệ nhận được 437 phiếu “tín nhiệm cao” (gần 90,04%), cao hơn nhiều so với 373 phiếu (khoảng 77%) của Thủ tướng Phạm Minh Chính và 329 phiếu (khoảng 68%) của Bộ trưởng Công an Tô Lâm.

Số phiếu “tín nhiệm cao” của ông Huệ chỉ đứng sau Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang (93,14%).

‘Công an đang dần nắm quyền’

Ảnh chụp năm 2016 khi ông Tô Lâm (áo trắng) mới được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị

HOANG DINH NAM/AFP VIA GETTY IMAGES Ảnh chụp năm 2016 khi ông Tô Lâm (áo trắng) mới được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị

Theo Quy định 214-QĐ/TW năm 2020 của Bộ Chính trị, Đại tướng Tô Lâm là một trong số rất ít thành viên Bộ Chính trị đủ tiêu chuẩn để nắm giữ một chức vụ trong “Tứ Trụ”.

Đánh giá về ông Tô Lâm, Giáo sư Abuza cho rằng vị bộ trưởng Công an này đang “lợi dụng chiến dịch chống tham nhũng và biến nó thành vũ khí để lần lượt hạ bệ các đối thủ của mình”.

“Đối với ông Lâm, cách phòng thủ tốt nhất chính là tấn công và rõ ràng là ông ấy đã tham gia vào chiến dịch ‘đốt lò’ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

“Ông ta đã hạ gục hết nhà lãnh đạo này tới nhà lãnh đạo khác, hết doanh nhân này nối tiếp doanh nhân khác. Ông ta thực sự đang ở một vị trí bất khả xâm phạm,” Giáo sư Abuza nói với BBC.

Về vấn đề này, ông David Hutt nhà nghiên cứu từ Viện Trung Âu về Nghiên cứu châu Á (CEIAS) nhận định với BBC vào hôm 26/4 như sau:

“Công an đang dần nắm quyền. Đây không phải là một điều tốt đẹp cho người dân Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp và sự kiềm chế lẫn nhau trong nội bộ Đảng Cộng sản.

“Quan ngại của tôi là về những gì sẽ diễn ra sau Đại hội Đảng năm 2026 nếu các cuộc thanh trừng vẫn còn tiếp diễn. Chính những người có thể leo lên đỉnh cao quyền lực như ông Tô Lâm lại tự thân chẳng hề trong sạch.”

Theo Tổ chức ổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International), chỉ số nhận thức tham nhũng của Việt Nam năm 2023 là 41/100 – xếp hạng 83/180 quốc gia.

‘Đốt lò’ là nỗ lực vô vọng

Chiến dịch “đốt lò” là chương trình hành động trọng tâm của ông Nguyễn Phú Trọng.

Tuy nhiên, với cơ chế độc đảng, với việc Đảng Cộng sản Việt Nam không chịu sự giám sát, không có trách nhiệm giải trình, với một quy trình tuyển chọn nhân sự thiếu minh bạch và chỉ tập trung trong nội bộ đảng, nhiều chuyên gia cho rằng chiến dịch “đốt lò” hay những lời kêu gọi kiểu quan chức tham nhũng “phải biết xấu hổ” của ông Trọng là vô vọng. Tức là, những vụ bắt giữ, những chiến dịch hạ bệ, những lời đe dọa, những lời kêu gọi không thể giúp khắc phục được lỗi mang tính hệ thống, lỗi về thiết kế hệ thống được.

Nhận định về tương lai của chiến dịch chống tham nhũng, ông David Hutt đặt vấn đề:

“Liệu chiến dịch ‘đốt lò’ có khiến Đảng Cộng sản sụp đổ? Liệu ném chuột có làm chiếc bình bị vỡ? Hay liệu rằng chiến dịch chống tham nhũng này sẽ chững lại và khiến nhiều quan chức tham nhũng thoát tội?”

Giáo sư Thayer cho rằng sẽ có hai phe hình thành, một phe của ông Tô Lâm ủng hộ chiến dịch “đốt lò” và một phe muốn chiến dịch này giảm bớt quy mô và sự quyết liệt.

Cũng theo ông Thayer, mục tiêu của chiến dịch “đốt lò” không còn chỉ là loại bỏ nạn tham nhũng mà còn là để tìm ra người ngồi vào chiếc ghế tổng bí thư.

“Hiện tại, những ủy viên Bộ Chính trị chỉ cần có ý nghĩ muốn trở thành tổng bí thư sẽ bị đưa vào tầm ngắm và xem xét đánh giá tiêu chuẩn. [Khi đó], việc điều tra sẽ không bị giới hạn bởi bất kỳ quy chế nào,” ông nói.

‘Bộ máy quan liêu trì trệ’

Những diễn biến trên chính trường Việt Nam có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài lo lắng.

“Chúng ta đã thấy trong quá khứ, mỗi khi Đại hội Đảng đến gần, bộ máy quan liêu càng trở nên cứng nhắc và bảo thủ.

“Đây không phải điều mà các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn. Đấy cũng không phải thời điểm mà họ sẵn sàng đầu tư. Họ muốn các quy trình vận hành suôn sẻ để họ đầu tư và triển khai dự án một cách nhanh chóng. Do đó, Việt Nam đang tự đặt mình vào một thế khó,” Giáo sư Carl Thayer đánh giá.

Về sự ra đi của ông Huệ, bài viết trên Nikkei Asia nhắc tới những lo lắng mới về tính ổn định chính trị của Việt Nam – quốc gia phụ thuộc lớn vào vốn đầu tư nước ngoài và thương mại.

Bài viết nhắc tới việc ông Huệ là tiến sĩ kinh tế, từng làm phó thủ tướng và trưởng ban kinh tế trung ương.

Viết về môi trường đầu tư của Việt Nam sau khi ông Huệ thôi chức, các báo nước ngoài thường nhắc lại vụ án Vạn Thịnh Phát và bà Trương Mỹ Lan.

Trong khi vụ việc của ông Huệ, và trước đó là ông Thưởng, cho thấy sự bất ổn ở cấp cao nhất, thì vụ án Vạn Thịnh Phát cho thấy sự vô năng của cơ quan quản lý nhà nước khi để sai phạm xảy ra trong một thời gian dài. Các vụ việc này có tác động rất lớn vào chính trường, vào nền kinh tế, vào bộ máy hành chính, khiến các nhà đầu tư lo ngại.

Quay trở lại thời điểm ông Thưởng thôi chức chủ tịch nước, đã có nhiều bài báo đề cập tới “sự trì trệ của bộ máy quan liêu” ở Việt Nam.

Khi đó, Reuter đã dẫn lời các chuyên gia cho rằng việc ông Thưởng thôi chức chỉ sau hơn một năm cho thấy chuyển biến khó lường của chính trị Việt Nam, có thể làm giảm uy tín Đảng Cộng sản và khiến bộ máy quan liêu cồng kềnh ngày càng trở nên trì trệ.

Reuters dẫn lời ông Florian Feyerabend, trưởng đại diện tại Việt Nam của Viện KAS (Konrad-Adenauer-Stiftung), nhận định rằng diễn biến gần đây trên chính trường Việt Nam đặt ra câu hỏi về “tính có thể lường trước được, về độ tin cậy và hoạt động nội bộ của hệ thống”, những yếu tố quan trọng đối với các quyết định đầu tư.

Ngày 26/3, chưa tới một tuần sau khi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng từ chức, Bộ trưởng Ngoại Giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã phải trấn an Mỹ về “ổn định chính trị”.

Sau một tháng, Việt Nam lại mất thêm một “trụ” nữa trong “Tứ Trụ”.

Ông Huệ là chuyện nhỏ, thể chế mới là chuyện lớn

 


Cờ Đảng và cờ Việt Nam trên một đường phố Hà Nội hồi năm 2016. Giới quan sát cho rằng, việc ông Vương Đình Huệ mất chức không phải chuyện lớn. Thể chế hiện tại mới là điều quan trọng. Hình minh họa.

Cờ Đảng và cờ Việt Nam trên một đường phố Hà Nội hồi năm 2016. Giới quan sát cho rằng, việc ông Vương Đình Huệ mất chức không phải chuyện lớn. Thể chế hiện tại mới là điều quan trọng. Hình minh họa.

Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng khóa 13 lại họp bất thường thêm một lần nữa để xác định các “tin đồn” về ông Vương Đình Huệ (Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội) là hoàn toàn chính xác, chẳng có chút nào… thất thiệt [1]. Đó cũng là lý do nhiều người sử dụng mạng xã hội đùa như Lê Thượng Tiến vừa đùa: Từ hồi COVID tui đã biết ông bảo vệ công ty làm cho CIA rồi vì ổng nói cái gì đúng cái đó…Nể [2]!

Tuy BCH TƯ đảng khóa 13 chỉ xác định ông Huệ tự nguyện từ nhiệm, từ bỏ tất cả các chức vụ vì có “vi phạm, khuyết điểm” và họ hoàn toàn nhất trí chứ không giải thích lý do nhưng chẳng ai thắc mắc vì “tin đồn” đã đáp ứng “quyền được biết” của các công dân Cộng hòa XHCN Việt Nam. Chẳng có ai ngạc nhiên vì sao chỉ trong vòng một tháng, hai Ủy viên Bộ Chính trị, một đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Nhà nước, một đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Quốc hội cùng tự nguyện từ nhiệm….

Có người như Nguyên Tống nhận xét: Cách mạng đang trong tình thế nguy nan. Số lượng đảng viên trung kiên  cao cấp bị lộ và bị bắt có lẽ nhiều hơn số ngày xưa bị Pháp lẫn Mỹ bắt! Bởi Danh Nguyen – một thân hữu của Nguyên Tống – than: Quân ta bắt quân mình, thốn quá! Nên Thang Vu trấn an: Các đồng chí chưa bị lộ vẫn đông như quân Nguyên nên đừng lo thiếu nguồn. Còn Hung Vuong thì dửng dưng: Toàn lưu manh chính trị, bọn hại nước hại dân thôi! Nguyen Phuc tưng tửng: Lỗi thuộc về toàn dân nhé [3].

Từ thực tế như đã biết, Trần Quốc Quân cho rằng: Với cơ chế này, trong thể chế này, gần như quan chức nào, doanh nhân nào cũng là tù nhân dự bị không số. Nguyễn Hoàng Tuyển góp thêm: Tất cả đang trong nhà tù lớn, ai đặc biệt mới được vinh dự vào nhà tù bé, giờ các đồng chí có thể xây dựng chi bộ đảng vững mạnh trong nhà tù vì đông về số lượng. Huệ Nguyễn Thị Thu – một thân hữu khác của Trần Quốc Quân – tâm sự: Hôm qua Biên tập viên của VTV1 đọc danh sách cán bộ lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc bị kỷ luật dài đến nỗi em phải chuyển kênh vì thấy tăm tối quá! Kinh khủng! Chỉ một tỉnh thôi mà ngần ấy kẻ sai phạm!

Cá nhân ông Vương Đình Huệ không phải là chủ đề chính, vấn đề chính mà dân chúng – những người sử dụng mạng xã hội như các thân hữu của Trần Quốc Quân – luận bàn là thể chế. Ví dụ theo Nghia Vo: Quan lại ai cũng tham nhũng, hư hỏng. Các nhóm lợi ích kiểm soát mọi lĩnh vực. Lừa đảo giả dối khắp nơi. Bằng giả, tiến sĩ dỏm tràn ngập. Dân thì không ngại đâm chém… Có thể nói mô hình phát triển gọi là định hướng XHCN của Việt Nam lúc này đã hoàn toàn sai đường. Còn sống được chỉ nhờ kiều hối, FDI chống đỡ, không có chắc rã rồi. Thấy sai mà vẫn bắt dân phải theo mình là một tội ác. Người ra khỏi nhà nước này cảm thấy cuộc đời mình thật vô nghĩa khi cống hiến cho ảo tưởng giả dối, tưởng đẹp nhưng hại người biết bao nhiêu

Cùng mạch nghĩ ấy, Ton Hoang nhận định: Cái mất lớn nhất, phải cả trăm năm may ra mới khôi phục được là đạo đức, văn hoá, lương tri, phẩm giá. Có khi phải vài thế kỷ! Cũng có người thẳng tuột như Viet Nguyen: Cơ chế này tạo ra lũ ăn cướp, nếu muốn sạch sẽ thì phải xóa đi làm ván mới. Đau nhưng phải làm. Đó chính là trách nhiệm của nhân dân [4].

***

Trong hơn hai năm (từ 1/2021 đến 4/2024), BCH TƯ đảng khóa 13 tụ tập 15 lần trong đó có bảy lần “bất thường” và 11/15 lần chỉ nhằm loại bỏ những cá nhân được giới thiệu là… “mẫu mực”. Không ít người bày tỏ sự ngán ngẩm như Đặng Tuấn Trung: Chưa bao giờ cuộc cờ mịt mù khói lửa như thế này. Máu chảy, đầu rơi lênh láng. Luật rừng được thi triển, cựu binh vào cuộc, mạch phim càng hồi hộp. Long Bùi góp thêm mong muốn có sự thay đổi lãnh đạo cao nhất vì: Cái kiểu nửa nạc nửa mỡ này rất khó làm ăn. Tham thì nhận tham, ăn thì nhận ăn, quyền lực một người cũng được nhưng nó rõ ràng. Đặng Tuấn Trung đáp lại: Đúng vậy! Trách nhiệm đầu tiên của chính quyền là phát triển kinh tế, tạo an sinh xã hội nhưng giờ, lãnh đạo các địa phương nằm im, thở khẽ chỉ vì trò hề củi lò vô pháp. Sai bắt, đúng cũng bắt. Chỉ ngoan là yên thân. Ngày nào cũng nghe tán trò bắt bớ chứ không thấy triển khai dự án, kế hoạch nào, xã hội thì hoang mang xáo trộn [5]

Ngoài việc chia sẻ một ý kiến nhiều người tán thành: Với thể chế này chỉ là may hơn khôn chứ chẳng ai tử tế, trong sạch đâu [6], Võ Anh Dũng thở dài: Thượng thư, Thái thú, Lãnh chúa đã vào tù không ít. Tứ đại Thiên vương cũng lần lượt “bỏ của chạy lấy người” thì… hết biết [7]!

Có người như Anh Pham xem chuyện xử lý hết Chủ tịch Nhà nước đến Chủ tịch Quốc hội là “ăn vã lãnh đạo” và bàn: Vấn đề không còn là cá nhân lãnh đạo không tốt đẹp sạch sẽ mà là nền thuộc loại không sửa được. Trong môi trường như thế khó ai giữ cho mình sạch. Thay vì việc đốt đuốc đi tìm người tài đức để kế thừa, kế nhiệm thì bắt đầu phải tính việc trăm năm bắt đầu từ thiết kế lại những rường cột của nền văn hóa trọng con người, bao dung, đề cao nhân phẩm. Dù bắt đầu ngay thì trăm năm chưa chắc đã gột rửa được bản tính cũ nhưng vẫn cứ nên bắt đầu [8].

Chú thích

[1} https://baochinhphu.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang-dong-y-de-dong-chi-vuong-dinh-hue-thoi-giu-chuc-vu-102240426163708308.htm

[2] https://www.facebook.com/lethuongtien8386/posts/pfbid0W2GtSzpggDcPqG5RVQ3uo32wNgnq71PuyRkhPhg5ooDKNnWTynb7q1xypwUd5FnFl

[3] https://www.facebook.com/nguyen.tong.69/posts/pfbid0VTjGwNGkBZusLYLsbBJAeUZ6KW37fwYDUGkoFaH26Jpsb97U7ugJSinwTeT9BwiVl

[4] https://www.facebook.com/quocquan.tran.7906932/posts/pfbid0pWwEvNByHM6wnzfFp3cMge3M88MkUpFJGYBB8bS4AbYf1JcfEAY8Hnzx6zpQDXm1l

[5] https://www.facebook.com/TuanTrung123/posts/pfbid0k7GumvMZyMrT4Qq3g3H7w97AxByuUqPSyRnmF7peCcFZt7TQXZux2YvgTwNSh8hRl

[6] https://www.facebook.com/photo?fbid=7568084553305563&set=a.5646418502138854

[7] https://www.facebook.com/voanh.dung.758/posts/pfbid0249BPTdp58MVaEe842bMXBgKmV5PSfXe7QrRXTArF6vydETVBbaQrBCS6f34b4qjJl

[8] https://www.facebook.com/gaupvn/posts/pfbid0PaLcHpyG6tzdtV2SyoYoCiCNzBukTUY8yimhEnyrAAHMj3KP3SPjxYJQ9tTsYCEzl

‘Vũ khí Pháp quy’ đã vượt khỏi tầm kiểm soát?

 


Đã một thời chúng ta nói rất nhiều về xây dựng Nhà nước pháp quyền và cải cách tư pháp nhưng nó thực sự đã bị quy định của đảng và cả các tác phẩm của ông Nguyễn Phú Trọng chặn đứng lại. Hình minh hoạ, ông Trọng phát biểu tại một cuộc họp báo ở Hà Nội ngày 1 tháng Hai, 2021.

Đã một thời chúng ta nói rất nhiều về xây dựng Nhà nước pháp quyền và cải cách tư pháp nhưng nó thực sự đã bị quy định của đảng và cả các tác phẩm của ông Nguyễn Phú Trọng chặn đứng lại. Hình minh hoạ, ông Trọng phát biểu tại một cuộc họp báo ở Hà Nội ngày 1 tháng Hai, 2021.

Chính trường Việt Nam chưa bao giờ xáo trộn dữ dội như bây giờ. Chỉ sau hơn 1 năm, hai chủ tịch nước, hai phó thủ tướng và một chủ tịch quốc hội buộc phải từ chức.

Có rất nhiều đồn đoán xung quanh sự việc nhưng dân chỉ biết đến thông báo của Uỷ ban kiểm tra Trung ương với nội dung gần như giống nhau cho tất cả những người vi phạm. Con người là khác nhau về xuất thân, tính cách, vị trí công tác và hành vi vi phạm… nhưng đảng chỉ dùng một “form” để đưa ra cho công chúng.

Tính đồng phục trong quản lý báo chí đã quay trở lại một cách đầy khiên cưỡng giữa một thế giới đang số hoá và tràn ngập thông tin. Bởi vậy tin đồn và báo chí phi chính thống tha hồ bình luận, dẫn dắt và suy đoán… Và rồi, mọi nỗ lực tìm hiểu đều dẫn đến “Các quy định của đảng”.

Các quy định của đảng?

Chưa bao giờ các quy định nội bộ của Đảng cộng sản được các đảng viên lo lắng tìm hiểu và học thuộc như bây giờ. Chưa bao giờ Đảng công khai sử dụng các công cụ “nội bộ” để “hạ bệ” hàng loạt nhân vật cao cấp của Nhà nước một cách chóng vánh trước đôi mắt tròn xoe của nhân dân như bây giờ. Có lẽ cũng chưa bao giờ, sự chuyên chính tung ra những cú “phản công” dứt điểm và nảy lửa vào khái niệm “Nhà nước pháp quyền” và sự độc lập của nền tư pháp như hiện nay?.

Trong những năm gần đây, càng bị bế tắc về lý luận soi đường, Đảng cộng sản Việt Nam càng cực đoan chui sâu vào lý luận, đồng thời xây dựng hệ thống văn bản cho riêng mình, song hành cùng một hệ thống “Quy phạm pháp luật” của Nhà nước.

Theo Quy định số 66/QĐ-TW về Thể loại, thẩm quyền và thể thức ban hành văn bản của Đảng thì Đảng cộng sản Việt nam hiện nay đang có 25 thể loại văn bản và 8 loại văn bản, giấy tờ hành chính. Một hệ thống cơ quan của Đảng vẫn trải dài từ Trung ương đến địa phương, từ thành thị đến tận các bản làng xa xôi, lũng đoạn và can thiệp vào mọi công việc của chính quyền.

Song song với hàng loạt quy định của Đảng được ban hành, thì Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng còn kịp hoàn thiện được một số tác phẩm dày cộm của mình, trở thành “nền tảng lý luận cho công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong giai đoạn mới”.

Ba vũ khí quan trọng để hạ bệ nhau

Từ năm 1980, Đảng cộng sản Việt Nam đã học theo mô hình Liên Xô, đưa Điều 4 vào Hiến pháp, cho phép Đảng cộng sản “lãnh đạo Nhà nước và Xã hội”. Dựa vào đó, Đảng bắt đầu đưa ra các quy định của riêng mình, để len lỏi điều hành toàn bộ cả quốc gia.

Trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng đã “nấp mình trong dân” và lãnh đạo một cách khéo léo qua các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước nhưng gần đây, khi xung đột càng cao lên, số lượng đảng viên lớn và khả năng quản trị khó khăn hơn giữa một thế giới “phẳng hơn”, Đảng đã đưa ra các loại văn bản của mình để quản lý, điều hành và “kỷ luật” lẫn nhau một cách công khai và bài bản hơn.

Bộ ba “đao kiếm” được tung ra gần đây nhất để hạ bệ nhau là:

  • Quy định số 08/QĐ/TW ngày 25/10/2018 về Trách nhiệm nêu gương của Đảng viên
  • Quy định số 37/QĐ-TW ngày 25/10/ 2021 về những Điều đảng viên không được làm;
  • Quy định số 41-QĐ/TW ngày 3/11/2021 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.

Tất cả các Quy định này đều khá ngắn, vừa mơ hồ vừa cụ thể, như những vũ khí vô cùng ảo diệu trong đánh nhau, có khả năng phình to, thu nhỏ; lúc cần thì tạo độ bao phủ lớn, sức công phá mạnh nhưng cũng có thể khoanh vùng, đánh nhẹ và sâu, chỉ cần trúng một mục tiêu nhỏ.

Trong 19 Điều đảng viên không được làm theo Quy định 37/QĐ-TW thì có những mục rất cụ thể, đọc giống như các Điều khoản trong Chương XXIII về “Các tội phạm về tham nhũng” của Bộ luật hình sự như: “Tham ô, hối lộ, nhận tiền, chạy chức, chạy quyền, đánh bạc….” (Điều 14,15); nhưng cũng có những điều rất mơ hồ đọc như một văn bản tôn giáo như: “chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức..” hoặc “thờ ơ, vô cảm với những hành vi sai trái trong xã hội, mê tín, thực hành mê tín, tổ chức tiệc cưới, việc tang xa hoa…” (Điều 18)

Quy trình đánh một “mục tiêu” là Đảng sử dụng Quy định 37/QĐ-TW dựa vào 19 Điều đảng viên không được làm để xác định hành vi vi phạm. Tiếp đến, Đảng sử dụng Quy định số 08/QĐ-TW về Trách nhiệm nêu gương của Đảng viên để quy trách nhiệm “gây dư luận xấu và ảnh hưởng đến uy tín của đảng” rồi cuối cùng rút ra Quy định số 41/QĐ-TW, buộc phải từ chức hoặc đối mặt với Pháp luật của Nhà nước.

Để làm được điều đó, Bộ Công an luôn theo dõi và khởi tố, bắt tạm giam các lãnh đạo công ty sân sau, thu thập bằng chứng để sẵn và tiến hành mặc cả. Cần “nhẹ” thì bỏ qua, nếu “cương” thì thọc lên khai trừ, bắt, xét xử, kết án tù theo Luật hình sự.

Áp dụng cho tất cả cán bộ

Lẽ ra, các văn bản này chỉ là công cụ nội bộ của Đảng cộng sản để giám sát và kỷ luật lẫn nhau trong đảng, nhưng Điều 1 Quy định số 41-QĐ/TW ghi rõ “Áp dụng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị” nghĩa là áp dụng cho toàn bộ đất nước, trên mọi vị trí mà đảng viên đang nắm giữ, dù là vị trí dân sự được dân bầu.

Điều 3 của Quy Định 41/QĐ-TW minh định “Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ”, nghĩa là từ một nhân viên cấp thấp nhất cho đến vị trí lãnh đạo nhà nước cao nhất đều bị đảng “lãnh đạo và quản lý”.

Thời gian trước, Quốc hội đã từng bàn về việc dân được trực tiếp bầu ra trưởng thôn, nhưng không lâu sau đó Nghị quyết liên tịch (số 09/2008/NQLT-CP-UBMTTQVN) đã khoá trái điều này bằng cách Quy định mọi ứng viên phải được báo cáo với Chi uỷ Chi bộ thôn, tổ dân phố để thống nhất danh sách người ra ứng cử (từ 1-2 người).

Như vậy, bằng Quy định nội bộ của mình, Đảng cộng sản đã tước lấy quyền lực trong tay nhân dân, tự chọn cho nhân dân những người lãnh đạo, từ cấp thôn cho đến chủ tịch nước. Đảng đã công nhiên đứng trên pháp luật Việt Nam, cao hơn ý chí và nguyện vọng của nhân dân, tự chọn rồi lại tự phế truất.

Nhân dân chỉ biết đứng nhìn như xem Tivi mà không được biết lý do. Rõ ràng nhân dân không thể không hoang mang khi chỉ cách đây hơn 2 năm, vào ngày 31/3/2021, ông Vương Đình Huệ đã được 100% Đại biểu quốc hội có mặt bầu làm Chủ tịch quốc hội. Các cơ quan truyền thông khi đó đều đồng loạt ca ngợi ông Huệ như một niềm hy vọng cho đất nước, dẫn dắt “cơ quan quyền lực cao nhất” đến những cải tổ pháp lý quan trọng.

Nhưng rồi, cũng chính ông, nếu không từ chức chắc chắn sẽ đối mặt với những hậu quả nặng nề hơn và báo chí có thể bắt đầu viết về ông như những tên tội phạm. Hàng loạt câu hỏi nhức buốt cứ vương vấn trong đầu những người còn suy tư về đất nước rằng thực tế ông đã phạm vào điều gì?

Rút súng bắn vào chân mình

Đã một thời chúng ta nói rất nhiều về xây dựng Nhà nước pháp quyền và cải cách tư pháp nhưng nó thực sự đã bị quy định của đảng và cả các tác phẩm của ông Nguyễn Phú Trọng chặn đứng lại. Ông Trọng đã kiên quyết gắn cái đuôi “xã hội chủ nghĩa” và “đảng lãnh đạo Nhà nước pháp quyền” trong các tác phẩm của mình, sáng tạo và làm lây lan một loại vi rút “nội quy” trong toàn bộ đảng viên đang giữ chức vụ.

Việc “sản xuất vũ khí” là công tác quan trọng nhưng cũng nguy hiểm. Trong khi say sưa đưa ra các quy định nội bộ của riêng mình tưởng như để làm “trong sạch” và vững mạnh đảng của mình, Ông Nguyễn Phú Trọng đã đặt toàn đảng trước một nguy cơ vô tiền khoáng hậu khi các “vũ khí pháp quy” đang vượt khỏi tầm kiểm soát và được sử dụng lung tung.

Với tư cách là đảng trưởng, ông đã tự rút súng bắn vào chân mình khi nhóm lửa, Ông không thể ngờ được rằng hàng loạt Uỷ viên Bộ chính trị có thể ra đi và toàn bộ bộ máy cán bộ công chức như “đóng băng” vì sợ như bây giờ.

Nghiêm trọng hơn, Nhân dân và doanh nghiệp sẽ luôn tự hỏi “điều gì đang xảy ra” trong “Hội kín đó” và tương lai thực sự sẽ ra sao?