Seite auswählen

 „Nửa thế kỷ qua, kẻ “chiến thắng” dường như chưa bao giờ hưởng trọn cảm giác chiến thắng thật sự, vẫn ấm ức, tức tối, vẫn hậm hực đấm ngực thình thịch: Tại sao cờ vàng vẫn tung bay trong cộng đồng hải ngoại khắp thế giới…“

 

Trúc Phương

Cờ vàng tại một buổi lễ kỷ niệm Ngày Quân lực VNCH tổ chức ở khu Eden, Falls Church, Virginia

 

Nửa thế kỷ qua, nhà cầm quyền CSVN chưa bao giờ ngưng chủ trương chia rẽ. Đó là một chính sách. Cách nói “bọn ba que đu càng” không phải là “cảm xúc;” và những kẻ sử dụng lối nói này không phải là một bọn vô học. Nó là một tổ chức, được đào tạo và huấn luyện để đánh “ba que” trên “mặt trận đấu tranh tư tưởng.”

 

“Thua làm giặc” là lẽ thường nhưng “thắng” cũng làm giặc! Nửa thế kỷ qua, kẻ “chiến thắng” dường như chưa bao giờ hưởng trọn cảm giác chiến thắng thật sự, vẫn ấm ức, tức tối, vẫn hậm hực đấm ngực thình thịch: Tại sao cờ vàng vẫn tung bay trong cộng đồng hải ngoại khắp thế giới, từ Mỹ sang Úc, từ Pháp đến Canada? Thế thì “ý nghĩa lịch sử” của ngày “đại thắng mùa xuân 1975” là gì? Gọi tên gì bây giờ về sự kiện này cho đúng nhỉ?

 

Nói đến cờ vàng là nhà nước CSVN lập tức điên tiết. Tháng Năm 2023, khi Công ty Royal Australia Mint và Bưu chính Úc phát hành các vật phẩm có hình cờ vàng, Phạm Thu Hằng, phó phát ngôn Bộ Ngoại Giao CSVN, lập tức cau mày: “Chúng tôi lấy làm tiếc và kiên quyết phản đối việc công ty Royal Australia Mint và Bưu chính Úc đã phát hành các vật phẩm với hình ảnh ‘cờ vàng,’ cờ của một chế độ đã không còn tồn tại. Việc này hoàn toàn không phù hợp với xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ Đối tác chiến lược Việt-Úc.”

 

Làm thế quái nào mà cộng đồng người Việt hải ngoại cứ mãi treo “lá cờ của một quốc gia không còn tồn tại, ngoại trừ trong ký ức và trong trí tưởng tượng”; và làm thế nào mà bọn “phản động lưu vong” tiếp tục “luận điệu xuyên tạc cho rằng cờ vàng ba sọc đỏ mới là cờ chính nghĩa trong khi cờ đỏ là cờ máu” nhỉ? Bọn chúng không biết “bố mày là ai” à? Vâng, chúng tôi biết tỏng “bố các anh” là ai. “Bố các anh” chính là những kẻ đưa một thứ chủ nghĩa man rợ vào quê hương, và chúng tôi cũng biết rõ “bố các anh” lẫn các anh tàn phá đất nước này ra sao…

 

Chuyện cờ vàng-cờ đỏ có phải là di chứng những năm hai miền chia cắt bởi chiến tuyến “cộng sản” và “cộng hòa,” giữa bên “thua trận” và phe “thắng trận”? Yếu tố lịch sử và quá khứ là có nhưng không phải là lý do duy nhất và nguyên nhân lớn nhất. Người Việt hải ngoại vẫn tưởng niệm ngày “Quốc hận;” 30 Tháng Tư được xem là “ngày mất nước;” cờ vàng ba sọc với họ là cờ tổ quốc và họ vẫn đứng nghiêm chào trang trọng lá cờ, cùng với Quốc Ca VNCH. Chế độ cộng sản đang cai trị, với họ, là một chế độ không chính danh và không xứng đáng…

 

Với nhà cầm quyền CSVN, thái độ của người Việt hải ngoại là sự hằn học và ấm ức của kẻ “thua cuộc.” Những người “không thức thời” này không hiểu rằng cờ đỏ sao vàng mới là lá cờ được quốc tế công nhận… Nhưng mà, nếu đó là một thực tế không thể phủ nhận thì cũng nên thừa nhận những thực tế khác. Sự “chỉ trích” và “lên án” người hải ngoại của nhà cầm quyền cộng sản không phản ánh đầy đủ bản chất vấn đề.

 

Sự tức giận của người Việt hải ngoại thật ra không chỉ là tâm trạng uất giận của “thế hệ mất nước” sống với quá khứ. Chính hiện tại và thực trạng mới khiến sự căm thù cộng sản của người Việt hải ngoại trở nên không nguôi. Cộng sản với họ chỉ là một bọn ăn hại và tàn phá. Đây mới là yếu tố khiến người Việt hải ngoại thù ghét cộng sản dai dẳng. 30 Tháng Tư có thể chỉ còn là một ký ức cần được khép lại, nếu gần nửa thế kỷ qua Việt Nam đã trở thành một cường quốc khu vực, và nửa thế kỷ qua Việt Nam đã bứt khỏi cái bóng Trung Cộng.

 

Trong thực tế, khi nhìn vấn đề cờ vàng-cờ đỏ với những tranh luận và lý lẽ quen thuộc của bộ máy tuyên truyền cộng sản, có thể thấy rằng chính phe được mặc định là “thắng cuộc” mới là những kẻ thua cuộc. Sự ấm ức và tức tối phát xuất từ chính tâm lý này. Cho đến giờ, sau gần 50 năm đằng đẵng, cờ đỏ vẫn không thể được treo trong các cộng đồng người Việt hải ngoại nói chung (trong khi tại các cộng đồng người Hoa ở nhiều nước thế giới, cờ Trung Cộng – chứ không phải cờ Đài Loan – đã đường hoàng được treo lên).

 

Hóa ra “các bố” chưa chiến thắng, chí ít là trong lòng người. Thế hệ cha anh VNCH đã ra đi gần hết nhưng cờ vàng, dù không được treo trong trụ sở Liên Hiệp Quốc như lá cờ của một chính thể được công nhận một cách chính thức, vẫn tồn tại. Quốc ca VNCH vẫn vang lên, không chỉ vào dịp Quốc Hận 30 Tháng Tư. Cờ vàng không chỉ xuất hiện ở những sự kiện lễ lạc hay Tết nhất. Cờ vàng không chỉ có ở những địa điểm cộng đồng. Cờ vàng thậm chí được treo trong nhà hàng, tiệm ăn, trên ngực áo, trên cà vạt và thậm chí được sơn lên xe. Thế này là thế nào?

 

Là “các đồng chí chúng ta” – sau 50 năm – chưa thắng chứ gì!

Nửa thế kỷ qua, nhà cầm quyền CSVN chưa bao giờ ngưng chủ trương chia rẽ. Đó là một chính sách. Cách nói “bọn ba que đu càng” không phải là “cảm xúc;” và những kẻ sử dụng lối nói này không phải là một bọn vô học. Nó là một tổ chức, được đào tạo và huấn luyện để đánh “ba que” trên “mặt trận đấu tranh tư tưởng.”

 

Các cuộc ra quân của “dư luận viên ba củ” ở những thời điểm cụ thể cho thấy rằng chính quyền cộng sản luôn thiết lập chiến tuyến để phân biệt “địch-ta”, không chỉ đối với người Việt hải ngoại mà cả với người trong nước. Những kẻ từng chiến thắng trên chiến trường nay vẫn cầm AK bàn phím lên mạng tìm diệt kẻ thù. Vấn đề ở chỗ, các chú em bộ đội ngày nay trên trận địa thông tin – dù không còn mang dép râu và đội nón cối mà ngồi trong phòng lạnh – vẫn loay hoay và lúng túng bất lực trên mặt trận giờ đây không còn tiếng “đại bác đêm đêm dội về thành phố…”

 

Bao giờ mới có một cú sốc 30 Tháng Tư về văn hóa để xóa sạch “bóng quân thù”? Xin lỗi, không thắng nổi, đừng mơ! Trận chiến này là trận chiến của tư tưởng, của tư duy, là cuộc giằng co và lấn lướt của khái niệm tự do. Mặt trận này không đánh nhau bằng súng mà bằng… bolero! Chẳng phải tự nhiên mà “nhạc đỏ” chết không kèn không trống và “nhạc vàng” sống dậy từ Bắc đến Nam. Chẳng phải tự nhiên mà sách báo VNCH bây giờ nhan nhản trên mạng để bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng tải đọc.

 

Trúc Phương

Người Việt (30.04.2024)