Seite auswählen

Mục lục

Vì sao người cộng sản thích ăn mừng ‘chiến thắng’?

Ngày 7 Tháng Năm vừa rồi là một ngày vui của cái gọi là “toàn quân toàn dân Việt Nam” nhân kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ nên nhà nước cộng sản Việt Nam tổ chức hết sức rầm rộ.Tôi có đọc được câu “Thù hận hay ăn mừng, cả hai đều bít lối tương lai” của Thái Hạo trên Facebook. Cộng sản ăn mừng suốt từng đấy năm ai dám nói gì đến bọn họ? Thù hận thì là tiêu cực, không thể hợp tác, không thể phát triển đất nước, nó khiến con người ta trở nên bạo lực, trở nên nguy hiểm. Còn ăn mừng vốn dĩ là việc vui vẻ, hân hoan tưởng chừng vô hại.Tuy nhiên, nghe chương trình phát thanh sáng ngày 7 Tháng Năm trên loa phường, tôi lại dấy lên một suy nghĩ khác. Ăn mừng suốt 70 năm về một trận chiến, cộng sản đúng là mặt dày. Người ta nói “không được ngủ quên trên chiến thắng” nhưng 70 năm rồi, cộng sản vẫn tự ru ngủ bản thân, ru ngủ toàn dân.Tôi không nói việc Hà Nội ăn mừng sẽ khiến ai ngứa mắt, ngứa gan hay dấy lên lòng căm thù của kẻ bại trận, nhưng tôi cho rằng việc cộng sản ăn mừng chiến thắng không đơn thuần vì ngoài chiến tranh, xương máu, họ không có gì để thấy tự hào.Để có được một “chiến thắng,” biết bao máu xương của binh lính đã phải đổ xuống. Một chính quyền có lòng nhân đạo sẽ không nhảy múa kỷ niệm, mà sẽ là tưởng nhớ những người đã nằm xuống, bởi tất cả chỉ là một quá khứ đã đi qua.

https://www.nguoi-viet.com/sai-gon-nho/vi-sao-nguoi-cong-san-thich-an-mung-chien-thang/

Việt Nam trình bày báo cáo nhân quyền tại Liên Hợp Quốc

Bộ Ngoại giao cho biết, phát biểu khai mạc và trình bày báo cáo quốc gia của Việt Nam, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt bày tỏ lòng tự hào của đoàn Việt Nam khi đối thoại với các nước đúng vào ngày kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ chính tại Trụ sở LHQ, nơi chứng kiến quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định Geneva năm 1954, những sự kiện lịch sử quan trọng trong công cuộc giải phóng dân tộc, đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân của nhân dân Việt Nam và nhiều dân tộc trên thế giới.Đoàn Việt Nam bày tỏ lòng biết ơn vô hạn với các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh xương máu để đất nước có được ngày hôm nay.Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Với chủ trương coi con người là trung tâm, là mục tiêu và động lực của quá trình đổi mới, phát triển đất nước, Việt Nam đã vươn lên từ một nước nghèo để trở thành một trong những nước có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, hội nhập quốc tế sâu rộng.

https://tienphong.vn/viet-nam-trinh-bay-bao-cao-nhan-quyen-tai-lien-hop-quoc-post1635242.tpo

Hàng trăm người Việt và Khmer Krom biểu tình trước LHQ tố cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền

Trong khi phái đoàn lãnh đạo các bộ ngành của Chính phủ Việt Nam bị đại diện các quốc gia chất vấn, chỉ trích trong phòng họp của Liên Hiệp Quốc về tình trạng đàn áp nhân quyền, ở bên ngoài, người biểu tình nêu bật vấn nạn này ở trong nước. Sáng 07/05/2024, hàng trăm người Việt và người Khmer Krom từ nhiều quốc gia khác nhau tập trung trước trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Geneva, Thuỵ Sĩ, biểu tình phản đối tình trạng đàn áp nhân quyền tại Việt Nam Ước tính có khoảng 150 người Khmers Krom mang theo lá cờ ba màu của Liên đoàn Khmers Kampuchea-Krom (KKF) và hình ảnh của những người Khmer ở các tỉnh Nam Bộ bị cơ quan công an bắt giữ trong thời gian gần đây với các tội danh về “tuyên truyền chống Nhà nước”.  Ông Trần Xa Rộng – Phó Chủ tịch thứ hai của KKF từ Ý cũng đến tham dự cuộc biểu tình, cho biết những người như ông muốn cho thế giới hiểu rõ rằng Chính phủ Việt Nam đã bắt giữ các Phật tử và các nhà sư Khmer Krom không đúng pháp luật. Ông nói với cộng tác viên của Đài Á Châu Tự Do: “Tôi hi vọng rằng các nước tự do trên thế giới này sẽ dùng những biện pháp có thể bắt buộc Chính quyền cộng sản Việt Nam tôn trọng quyền tự do, nhất là về mặt nhân quyền mà Chính quyền cộng sản Việt Nam là thành viên nhưng không áp dụng. Tôi hi vọng rằng những áp lực này sẽ làm chính phủ Cộng sản Việt Nam sẽ thay đổi một cách nào đó đối với người Khmer Krom chúng tôi.” 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vnm-demonstration-in-front-of-un-headquarter-upr-2024-05082024055620.html

EU bực mình vì CSVN hoãn họp cho đến sau khi Putin thăm Hà Nội

Bộ Ngoại giao CSVN làm Liên Âu (EU) bực mình khi thông báo cuộc họp tuần tới với viên chức hàng đầu của họ sẽ hoãn lại.Theo hãng tin Reuters, cuộc họp giữa EU và CSVN liên quan đến các biện pháp trừng phạt Nga vì xâm lăng Ukraine có thể là là trở ngại cho Hà Nội đón chào cuộc viếng thăm của tổng thống Nga Vladimir Putin. Nga là nhà cung cấp võ khí truyền thống hàng đầu mà cũng là đối tác thương mại quan trọng của CSVN. Nhưng mối quan hệ nhiều mặt của CSVN với EU cũng quan trọng không kém.Chế độ Hà Nội lâu nay theo đuổi chính sách “ngoại giao cây tre” thường được hiểu là khi ngả bên này khi nghiêng bên kia với các cường quốc trên thế giới, tùy theo tình thế, hoàn cảnh thời cuộc. Chính vì vậy, khi phần lớn các quốc gia trên thế giới lên án Nga xâm lăng Ukraine, CSVN đã bỏ phiếu trắng trong cuộc họp của LHQ.David O’Sullivan, đặc phái viên của EU phụ trách thi hành các lệnh trừng phạt Nga, có chuyến du hành mấy nước khu vực Đông Nam Á vào tuần tới và dự trù gặp mặt các giới chức Hà Nội vào hai ngày 13 và 14 Tháng Năm. Tuy nhiên, Hà Nội yêu cầu trì hoãn cuộc họp, lấy cớ “các lãnh đạo của họ quá bận để có thể gặp họ”, một nhà ngoại giao yêu cầu giấu tên nói với hãng tin Reuters.Ba nhà ngoại giao khác cũng xác nhận sự trì hoãn cuộc họp mà một người trong số họ nói phía Việt Nam đề nghị dời cuộc họp tới Tháng Bảy.

https://www.nguoi-viet.com/tin-chinh/eu-buc-minh-vi-csvn-hoan-hop-cho-den-sau-khi-putin-tham-ha-noi/

Việt Nam lên tiếng về việc gia nhập BRICS năm 2024

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết là một thành viên có trách nhiệm và tích cực trong cộng đồng quốc tế cũng như triển khai đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, độc lập tự chủ, Việt Nam luôn sẵn sàng tham gia và đóng góp tích cực tại các cơ chế, tổ chức, diễn đàn đa phương toàn cầu cũng như khu vực.”Và cũng như nhiều nước trên thế giới, chúng tôi quan tâm theo dõi tiến trình về mở rộng thành viên của nhóm BRICS”- bà Phạm Thu Hằng nói.Năm 2001, từ viết tắt BRIC lần đầu tiên được đưa ra trong một nghiên cứu nói về tiềm năng tăng trưởng kinh tế của 4 nước: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc. Năm 2009, nhóm BRIC được thành lập với tư cách một câu lạc bộ không chính thức do Nga khởi xướng.Năm 2010, BRIC mở rộng với sự tham gia của Nam Phi trở thành BRICS.Ngày 1-1-2024, BRICS ghi dấu mốc lịch sử khi chào đón 5 thành viên mới là Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Đây là lần mở rộng đầu tiên của BRICS kể từ năm 2010, cho thấy sức mạnh đoàn kết của BRICS và các nước đang phát triển, cũng như quyết tâm hợp tác vì tương lai tốt đẹp hơn.Các quốc gia thuộc khối BRICS chiếm 30% diện tích và 45% dân số trên toàn thế giới.

https://nld.com.vn/viet-nam-len-tieng-ve-viec-gia-nhap-brics-nam-2024-196240509205007056.htm

Chuyên gia nhân quyền LHQ quan ngại về sức khoẻ của TNLT Lê Hữu Minh Tuấn

Một nhóm chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp quốc gửi thư chung bày tỏ sự quan ngại về sức khoẻ của tù nhân lương tâm (TNLT) Lê Hữu Minh Tuấn- người đang mắc nhiều bệnh nguy hiểm nhưng không được chữa trị ở Trại giam Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).Ông Lê Hữu Minh Tuấn, 35 tuổi, là biên tập viên của trang Việt Nam Thời Báo thuộc Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, một tổ chức đấu tranh cho tự do báo chí ở trong nước nhưng không được Nhà nước công nhận.Ông đang thụ án tù 11 năm về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” trong cùng vụ án với Chủ tịch Phạm Chí Dũng và Phó Chủ tịch Nguyễn Tường Thuỵ- người cũng là blogger của Đài Á Châu Tự Do (RFA).Nhóm năm chuyên gia nhân quyền LHQ gửi thư chung đề ngày 05/3 cho Chính phủ Việt Nam về trường hợp của ông Tuấn, và công bố thư này trong ngày 05/5, hai tháng sau khi Hà Nội không phản hồi. Trong thư chung này, năm chuyên gia nhân quyền LHQ nhấn mạnh:“… Chúng tôi bày tỏ mối quan ngại sâu sắc liên quan đến tình trạng sức khỏe của ông Tuấn suy giảm nghiêm trọng trong thời gian ông phải chịu án tù dài hạn 11 năm. Chúng tôi lo ngại rằng tình trạng sức khỏe kém của ông Tuấn dường như trở nên trầm trọng hơn do không được chăm sóc và điều trị y tế đầy đủ trong thời gian bị giam giữ. Chúng tôi còn lo ngại hơn nữa về các báo cáo về điều kiện sống được cho là tồi tệ trong nhà tù…”

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/un-human-rights-specialists-concerned-about-health-of-activist-le-huu-minh-tuan-05062024031526.html

Ông Lê Thanh Hải bị đề nghị kỷ luật vì liên quan vụ Vạn Thịnh Phát

Cụ thể, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ 2010-2015; Ban cán sự đảng UBND thành phố các nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021 và cá nhân các ông: Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân, Nguyễn Thành Phong.Ông Lê Thanh Hải là cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Bí thư Thành ủy, cựu Chủ tịch UBND TP HCM.Ông Lê Hoàng Quân, Nguyễn Thành Phong đều là cựu Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cựu Phó Bí thư Thành ủy, cựu Chủ tịch UBND thành phố.Các sai phạm nghiêm trọng của các cá nhân và tổ chức nêu trên được xác định có liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan và Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) do bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn làm chủ tịch (hiện đang trốn truy nã). Cụ thể, theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, UBND TP HCM và nhiều tổ chức, cá nhân đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quản lý, sử dụng đất, tài chính, tài sản, đầu tư, quy hoạch, xây dựng tại các dự án do Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và ở các gói thầu, dự án do Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) thực hiện. Nhiều tổ chức đảng, đảng viên bị xử lý kỷ luật, nhiều cán bộ, đảng viên bị xử lý hình sự.

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c72pyepxl91o

Thêm một quản trị viên trang ‘Nhật Ký Yêu Nước’ bị kết án 8 năm tù

Sau một phiên tòa diễn ra chớp nhoáng ở Sài Gòn, bị cáo Phan Tất Thành, quản trị viên trang Facebook “Nhật Ký Yêu Nước” bị kết án tám năm tù với cáo buộc “xuyên tạc, chống phá.”Báo Sài Gòn Giải Phóng hôm 8 Tháng Năm dẫn kết luận của Hội Đồng Xét Xử cho rằng bị cáo Thành “đã đăng tải các bài viết có nội dung xuyên tạc không đúng sự thật, đưa lên mạng xã hội với lượng người xem, bình luận rất cao.”Các bài đăng của ông Thành trên trang Facebook “Nhật Ký Yêu Nước” bị quy chụp là “sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế-xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ…”Bản án nêu trên được tuyên sau khi tòa nhận định hành vi của bị cáo Phan Tất Thành “là rất nghiêm trọng và nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến an ninh quốc gia.”Một ngày trước khi phiên tòa diễn ra, tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền (HRW) phát đi thông cáo kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam “trả tự do ngay lập tức và hủy bỏ mọi cáo buộc đối với nhà hoạt động Phan Tất Thành.”Bà Patricia Gossman, phó giám đốc Châu Á của HRW bình luận: “Vận động ôn hòa cho dân chủ và nhân quyền không phải là hành vi phạm tội.”Bà Gossman cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam cần trả tự do cho tất cả những người bị cầm tù hoặc giam giữ chỉ vì bày tỏ quan điểm trái với đường lối của đảng.

https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/them-mot-quan-tri-vien-trang-nhat-ky-yeu-nuoc-bi-ket-an-8-nam-tu/

Cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng bị bắt

Cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng bị bắt giữ về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Bộ Công an Việt Nam loan báo vào ngày thứ Bảy. Vụ việc đánh dấu thêm một cựu quan chức cao cấp nữa bị lọt vào tầm ngắm của chiến dịch bài trừ tham nhũng không khoan nhượng ở Việt Nam.Ông Dũng, tại nhiệm từ năm 2016 đến 2021 và giờ đã nghỉ hưu, bị khởi tố và bắt tạm giam vào ngày 30 tháng 4 do bị cáo buộc dính líu đến một vụ án đưa nhận hối lộ trong khi thi hành công vụ ở tỉnh Lâm Đồng, phát ngôn viên Bộ Công an Trung tướng Tô Ân Xô cho biết trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 4 tháng 5.Không rõ sai phạm bị cáo buộc của ông xảy ra vào thời điểm nào và cụ thể là gì.Trên cương vị bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông Dũng lãnh đạo một cơ quan ngang bộ có trách nhiệm tham mưu tổng hợp, điều phối giúp chính phủ và thủ tướng chính phủ tổ chức hoạt động.Ông cũng là Ủy viên Trung ương Đảng hai khóa 11 và 12 và từng làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam. Ông nghỉ theo chế độ vào năm 2021 sau một nhiệm kì giữ chức bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, theo VnExpress.

https://www.voatiengviet.com/a/cuu-bo-truong-chu-nhiem-van-phong-chinh-phu-viet-nam-bi-bat/7597981.html

Siêu dự án Đại Ninh hơn 25.000 tỷ đồng là gì mà khiến nhiều ‘quan to vào lò’?

Siêu dự án Đại Ninh tại địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã khiến nhiều lãnh đạo, quan chức rơi vào vòng lao lý, với trường hợp mới nhất là ông Mai Tiến Dũng – cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.Lại thêm một sự kiện chấn động chính trường và xã hội Việt Nam.Ông Mai Tiến Dũng, cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Việt Nam, bị Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam vào hôm 30/4.Thông tin do người phát ngôn Bộ Công an là Trung tướng Tô Ân Xô thông báo hôm 4/5 ngay lập tức trở thành tâm điểm của dư luận.Theo ông Tô Ân Xô, cựu Bộ trưởng Mai Tiến Dũng bị khởi tố liên quan đến vụ án “Đưa và nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng và một số địa phương liên quan.Đây chính là vụ án liên quan đến dự án của Công ty Sài Gòn-Đại Ninh.Đến nay, đã gần 14 năm sau ngày khởi công, dự án Đại Ninh vẫn chỉ là một vùng đất bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Xung quanh khu vực đã được người dân dùng để thả bò, phơi nông sản.Dự án có tên đầy đủ là Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh, có diện tích lên đến gần 3.600 ha, với tổng vốn đầu tư là 25.243 tỷ đồng.Địa điểm thực hiện dự án trải rộng trên địa bàn 4 xã Phú Hội, Ninh Gia, Tà Hine và Ninh Loan của huyện Đức Trọng.Cuối năm 2010, UBND tỉnh Lâm Đồng đã cấp giấy chứng nhận cho Công ty Sài Gòn-Đại Ninh để tiến hành xây dựng khu đô thị này.

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c1wxqdlvv1po

Việt Nam mục tiêu có 10 tỷ phú, 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á

Đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu có ít nhất 10 tỷ phú, 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á, theo Nghị quyết vừa ban hành của Chính phủ.Chính phủ ngày 9/5 ban hành Nghị quyết về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.Tại Nghị quyết 41 ban hành tháng 10/2023, Bộ Chính trị đặt mục tiêu tới 2030, Việt Nam phát triển đội ngũ doanh nhân có quy mô, năng lực và trình độ; nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, thế giới. Trong đó, một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt, chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu và làm chủ một số chuỗi giá trị công – nông nghiệp.Tại Nghị quyết vừa ban hành, Chính phủ nêu mục tiêu cụ thể, đến năm 2030, có ít nhất 10 doanh nhân lọt vào danh sách tỷ phú USD thế giới, 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á, do tổ chức uy tín bình chọn.Theo danh sách tỷ phú thế giới năm 2024 Forbes công bố hồi tháng 4, Việt Nam vẫn giữ nguyên số lượng với 6 đại diện là Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương và Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang.

https://vnexpress.net/viet-nam-muc-tieu-co-10-ty-phu-5-doanh-nhan-quyen-luc-nhat-chau-a-4744106.html

Cậu bé Vũng Tàu được tàu USS Kirk hộ tống nay trở thành phó đề đốc Hải quân Mỹ

Một cậu bé ở Vũng Tàu năm 1975 được hải quân Việt Nam Cộng hòa cứu trong đoàn người vượt biên và được tàu chiến của Hải quân Mỹ hộ tống đến Philippines an toàn nay sắp trở thành phó đề đốc Hải quân Mỹ, người lãnh đạo những binh sĩ hải quân chiến lược trong khu vực chiến lược của Washington.Đại tá Hải quân Tuấn Nguyễn, thuộc Đệ Thất Hạm đội Hải quân Hoa Kỳ (Hạm đội 7) có căn cứ ở Yokosuka, Nhật Bản, hôm 23 tháng 3 được Thượng viện Hoa Kỳ chuẩn thuận đề cử làm phó đề đốc.Với sự thăng cấp này, ông bước vào hàng ngũ lãnh đạo cao cấp của Hải quân và được quyền treo cờ để đánh dấu vị trí chỉ huy. Cấp bậc của ông tương đương với chuẩn tướng trong Lục quân, Không quân, Thủy quân Lục chiến, và Lực lương Không gian Hoa Kỳ.Trong một cuộc phỏng vấn với VOA, ông nói ông cảm thấy “cực kì vui mừng và khiêm nhường” vì được lựa chọn. Ông giải thích thêm về công tác của mình ở vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, một trong những khu vực chiến lược của Hải quân Hoa Kỳ

https://www.voatiengviet.com/a/cau-be-vung-tau-duoc-tau-uss-kirk-ho-tong-nay-tro-thanh-pho-de-doc-hai-quan-my/7597682.html

Biển Đông: ‘Trung Quốc âm mưu chia rẽ, Việt Nam và Philippines nên đoàn kết’

Philippines và Việt Nam nên củng cố hợp tác nhằm bảo vệ lợi ích chung trước những “hoạt động cưỡng ép” của Trung Quốc ở Biển Đông, tờ Inquirer của Philippines tường thuật lại nhận định của các học giả tại một viện nghiên cứu thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ. Cả Philippines và Việt Nam đều có tranh chấp gay gắt với Bắc Kinh liên quan đến yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. Vào tháng 1/2024, trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên trong năm, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã đến Việt Nam và ký kết một thỏa thuận hợp tác an ninh hàng hải.Tiến sĩ Lori Forman từ Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á – Thái Bình Dương Daniel K. Inouye (DKI APCSS, Mỹ) nói rằng sự hợp tác giữa Philippines và Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa. “Cho dù tồn tại những khác biệt về ngôn ngữ và hệ thống chính trị, hai quốc gia có chung những lợi ích cốt lõi, tạo nền tảng vững chắc cho sự hợp tác,” Inquirer trích lời bà Forman. Giáo sư Alexander L Vuving từ DKI APCSS nhận xét Việt Nam và Philippines là hai quốc gia dễ bị tổn thương bởi chính sách “chia để trị” của Trung Quốc. “Là những quốc gia nhỏ hơn, Philippines và Việt Nam nên hợp tác để giảm bớt sự chênh lệch quyền lực với Trung Quốc. Hai nước có thể chia sẻ kinh nghiệm và các cách thức hiệu quả nhất để chống lại hành động cưỡng ép,” ông Vuving nói.

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c060rl3j77mo

Tranh cử Nghị Viện Châu Âu: Làn sóng bạo lực cực hữu chống chính trị gia cánh tả

Vào lúc châu Âu bước vào cuộc tranh cử Nghị Viện, một làn sóng bạo lực đang bùng lên tại Đức, với đối tượng chính là các chính trị gia cánh tả, thuộc đảng Xanh và đảng Xã hội. Tối thứ Sáu 03/05/2024, một dân biểu đảng Xã hội bị một nhóm người lạ mặt đánh trọng thương khi đang dán áp phích vận động bầu cử. Thông tín viên Pascal Thibault tường trình từ Berlin : ‘‘Dân biểu Matthias Ecke đang dán áp phích vận động cho cuộc bầu cử Nghị Viện ngày 09/06 tới, vào buổi tối hôm qua, thì bị bốn kẻ lạ mặt hành hung dữ dội. Vị dân biểu đảng Xã hội Dân chủ này đã phải nhập viện để phẫu thuật. Trước đó không lâu, cũng ngay gần đó, một nhà tranh đấu đảng Xanh bị hành hung, rất có thể bởi chính những kẻ nói trên. Nhiều đảng phái tại Đức đã lên án các vụ hành hung. Đảng Xã hội châu Âu họp tại Berlin, đã bày tỏ đoàn kết với các nạn nhân. Điều trớ trêu là tại chính cuộc họp này, đã có nhiều tiếng nói lên án nạn bạo lực cực hữu. Đảng Xã hội châu Âu ra một thông cáo kêu gọi đảng cánh hữu châu Âu từ chối mọi hình thức liên minh với cánh cực hữu.Thủ tướng Đức Olaf Scholz cực lực lên án vụ hành hung nhắm vào dân biểu cùng đảng Xã hội Dân chủ. Lãnh đạo chính phủ Đức nhấn mạnh : ‘‘Hành động bạo lực nói trên là hậu quả của các lời lẽ thù hận. Điều này là hoàn toàn không thể chấp nhận được trong nền dân chủ của chúng ta. Không thể chấp nhận điều này ! Chúng ta, những người có trách nhiệm và đáng được tôn trọng, chúng ta chính là đa số tại Đức !’’.

 https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20240505-tranh-c%E1%BB%AD-ngh%E1%BB%8B-vi%E1%BB%87n-ch%C3%A2u-%C3%A2u-l%C3%A0n-s%C3%B3ng-b%E1%BA%A1o-l%E1%BB%B1c-c%E1%BB%B1c-h%E1%BB%AFu-ch%E1%BB%91ng-l%E1%BA%A1i-c%C3%A1c-ch%C3%ADnh-tr%E1%BB%8B-c%C3%A1nh-t%E1%BA%A3

Kênh đào Phù Nam Techo ‘sẽ đem về 88 triệu USD mỗi năm’

Campuchia kỳ vọng sẽ kiếm được 88 triệu USD phí vận chuyển mỗi năm nhờ dự án kênh đào Phù Nam Techo. Quốc gia này ước tính con số đó sẽ tăng lên 570 triệu USD mỗi năm vào năm 2050.Phó Thủ tướng Campuchia Sun Chanthol, đồng thời là Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Phát triển Campuchia, đã đề cập đến những con số đó trong bài thuyết trình hồi tháng 4/2024, theo báo Khmer Times hôm nay (5/5).Dựa trên tính toán tỷ suất hoàn vốn kinh tế nội bộ (EIRR), ông Sun Chanthol cho rằng dự án kênh đào Phù Nam Techo sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế Campuchia, chẳng hạn như tỷ lệ việc làm, nguồn thu ngân sách quốc gia từ thuế, đô thị hóa, xây dựng và bất động sản.Vị phó thủ tướng cũng nhấn mạnh vào tính khả thi về tài chính của siêu dự án. Ông chỉ ra rằng đối với tất cả các dự án, Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia hoặc Ngân hàng Thế giới chỉ cung cấp tài trợ nếu tính toán EIRR đạt ít nhất 12%.Trong khi đó, theo ông, chỉ số EIRR đối với dự án kênh đào này đạt mức 30%. Ông Chanthol nói rằng đây là một con số chưa từng có, minh chứng cho tiềm năng tài chính to lớn của dự án.Bên cạnh đó, ông Sun Chanthol cũng nêu lên những lợi ích khác mà kênh đào Phù Nam Techo có thể đem đến, như thành lập các khu thương mại và trung tâm hậu cần, phát triển các khu vực vệ tinh mới, mở rộng các khu phát triển nông nghiệp, thủy lợi, nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi.Vào cuối tháng 4/2024, Chủ tịch Thượng viện Hun Sen đã tuyên bố rằng dự án kênh đào Phù Nam Techo sẽ cho phép một số hàng hóa của Campuchia sẽ không cần đi qua Việt Nam, do đó không phải chịu thêm phí. Ông Hun Sen khẳng định việc phát triển hệ thống giao thông đường thủy sẽ thu hút các nhà đầu tư đến Campuchia. Bên cạnh đó, sự thuận tiện về giao thông sẽ khuyến khích các nhà đầu tư hiện có ở nước này tăng cường đầu tư hơn nữa.

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cv2r07ek3vgo

Kênh Đào Funan Techo – tình thế tuyệt vọng của nguồn nước Cửu Long

Chính phủ Campuchia đánh giá kênh đào Funan Techo sẽ mang đến nhiều lợi ích cho Campuchia. Trong khi đó, các chuyên gia lo ngại kênh đào Funan Techo sẽ tác động đáng kể đến tài nguyên nước và môi trường sinh thái đồng bằng sông Cửu Long. Họ đã nhận xét gì về dự án kênh đào này? Theo thông tin trên báo Khmer Times (Campuchia), sau hơn hai năm nghiên cứu về kỹ thuật, pháp lý, kinh tế, môi trường và xã hội cũng như tham vấn liên bộ, dự án hệ thống đường thủy và hậu cần sông Bassac đã được nội các Campuchia công bố lần đầu tiên vào tháng 5.2023. Sau đó, kỳ họp Quốc hội Campuchia khóa VI ngày 19.5.2023 đã phê duyệt dự án với tên gọi chính thức là dự án kênh đào Funan Techo. Ngày 7.6.2023, Chính phủ Campuchia quyết định thành lập một ủy ban liên bộ phụ trách nghiên cứu và thực hiện dự án này. Phó Thủ tướng Sun Chanthol – Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Phát triển Campuchia làm chủ tịch ủy ban liên bộ. Đến ngày 17.10 tại Bắc Kinh, Phó Thủ tướng Sun Chanthol ký kết với đại diện Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc (CRBC) thỏa thuận cho phép CRBC tiến hành nghiên cứu khả thi về dự án kênh đào Funan Techo. Thủ tướng Hun Manet đã hiện diện chứng kiến lễ ký kết. Dự án được CRBC xây dựng theo hợp đồng xây dựng – vận hành – chuyển giao (BOT) với Nhà nước Campuchia. Kinh phí ước tính khoảng 1,7 tỷ USD. Thời gian thi công khoảng bốn năm

https://boxitvn.blogspot.com/2024/05/kenh-ao-funan-techo-tinh-tuyet-vong-cua_7.html#more

Việt Nam : Đối tác mới cho chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Pháp ?

Từ ngày 03 đến ngày 07/05/2024, bộ trưởng Quân Lực Pháp Sébastien Lecornu cùng quốc vụ khanh phụ trách Cựu Chiến binh và Ký ức Patricia Mirallès đến thăm chính thức Việt Nam và dự lễ kỷ niệm 70 năm trận Điện Biên Phủ. Nhân chuyến thăm này, Paris mong muốn tăng cường hợp tác quốc phòng với Việt Nam, để theo đuổi chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương, tiếp tục củng cố những mối quan hệ với các quốc gia trong vùng. Bảy mươi năm sau ngày đánh dấu thất bại của Pháp ở Đông Dương, đây là lần đầu tiên một quan chức cao cấp chính phủ Pháp đến dự lễ kỷ niệm do Việt Nam tổ chức. Sự kiện đánh dấu một sự sang trang trong lịch sử chung của hai nước, bởi vì, « cùng với năm tháng, Pháp và Việt Nam đã học được cách nhìn thẳng lịch sử, không tô vẽ và không thù hận » theo như tuyên bố của bộ trưởng Quân Lực Pháp và quốc vụ khanh bên cạnh bộ Quân Lực trong bài diễn đàn đăng trên tuần báo Valeurs Actuelles.Nhưng chuyến thăm chính thức Việt Nam của lãnh đạo bộ Quốc Phòng Pháp còn minh họa cho tầm mức quan trọng của vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương trong chính sách quốc phòng của Pháp. Đây cũng là lần thứ ba ông Lecornu đến khu vực này kể từ khi ông đảm nhiệm chức bộ trưởng năm 2022. Indonesia có thể sẽ là mục tiêu tiếp theo cho chuyến công du thứ tư của ông Lecornu đến vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương.

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20240507-vi%E1%BB%87t-nam-%C4%91%E1%BB%91i-t%C3%A1c-m%E1%BB%9Bi-cho-chi%E1%BA%BFn-l%C6%B0%E1%BB%A3c-%E1%BA%A5n-%C4%91%E1%BB%99-th%C3%A1i-b%C3%ACnh-d%C6%B0%C6%A1ng-c%E1%BB%A7a-ph%C3%A1

Campuchia và Trung Quốc sẽ tiến hành tập trận chung Rồng Vàng 2024

Quân đội Campuchia và quân đội Trung Quốc sẽ tiến hành đợt tập trận chung “Rồng vàng 2024” tại Xứ Chùa Tháp từ trung tuần đến cuối tháng năm.Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 6 tháng năm loan tin nêu rõ đợt tập trận chung “Rồng vàng 2024” với phía Campuchia được tiến hành theo sự nhất trí giữa quân đội hai nước.Chủ đề đợt tập trận chung lần này là “Hành động chống khủng bố và cứu trợ nhân đạo”.Đợt tập trận chung “Rồng vàng 2024” giữa Campuchia và Trung Quốc năm nay là lần thứ sáu. Lần đầu tiên tập trận chung “Rồng vàng” Campuchia- Trung Quốc diễn ra vào năm 2016.“Rồng vàng 2023” giữa Campuchia và Trung Quốc diễn ra vào tháng tư năm ngoái. Đợt tập trận năm 2023 được Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho là lớn nhất kể từ khi khởi sự.Đợt tập trận chung “Rồng vàng 2023” có hơn 3.000 binh sĩ và hơn 1.000 bộ thiết bị các loại tham giaDữ liệu về đợt tập trận chung “Rồng vàng 2024” giữa quân đội Campuchia và Trung Quốc chưa được công bố.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/cambodia-and-china-to-conduct-joint-military-exercises-golden-dragon-2024-05062024091847.html

EuroCham: Các công ty châu Âu đang bất mãn với Trung Quốc

Số lượng các công ty châu Âu xếp Trung Quốc là điểm đến đầu tư hàng đầu đang tụt xuống mức thấp kỷ lục, Reuters dẫn thông tin từ một nhóm vận động hành lang kinh doanh châu Âu cho biết hôm 10/5, cảnh báo rằng có thể phải mất nhiều năm mới có thể khôi phục niềm tin vào nền kinh tế số 2 thế giới này.Phòng Thương mại Châu Âu (EuroCham) tại Trung Quốc cho biết trong ấn bản khảo sát niềm tin doanh nghiệp mới nhất rằng triển vọng kinh doanh ở Trung Quốc cũng ở mức thấp nhất trong lịch sử 20 năm qua, với hơn 1/4 số người được hỏi thất vọng về tiềm năng tăng trưởng hiện tại của họ và 44% bi quan về triển vọng trong tương lai.Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với những cơn gió ngược và Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi tự lực cánh sinh cũng như yêu cầu các quan chức tiếp tục mô hình phát triển tập trung vào sản xuất được thúc đẩy từ việc vay nợ bất chấp sự phản đối từ phương Tây, các công ty nước ngoài đang cảm thấy ít được chào đón hơn trước.Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EU) Ursula von der Leyen và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 6/5 kêu gọi ông Tập hãy đảm bảo thương mại cân bằng hơn với châu Âu, nhưng nhà lãnh đạo Trung Quốc tỏ rất ít dấu hiệu cho thấy ông sẵn sàng đưa ra những nhượng bộ lớn khi ở Paris.

https://www.voatiengviet.com/a/eurocham-cac-cong-ty-chau-au-dang-bat-man-voi-trung-quoc/7605594.html

Hợp tác Mỹ – Trung vẫn còn khả thi

Mặc dù Mỹ đã từ bỏ chính sách tham gia với Trung Quốc, nhưng chiến lược cạnh tranh đại cường mà nó thay thế, không loại trừ sự hợp tác Mỹ – Trung trong một số lĩnh vực. Một ví dụ điển hình là một trận bóng đá, nơi hai đội quyết chiến nhưng tuân theo các quy tắc và ranh giới nhất định, chỉ đá bóng chứ không đá nhau.Gần đây, khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Bắc Kinh trong nỗ lực giúp ổn định các mối quan hệ với Trung Quốc, nhiều vấn đề mà ông thảo luận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gây tranh cãi sôi nổi. Ví dụ, Blinken cảnh báo Trung Quốc không nên cung cấp vật liệu và công nghệ để hỗ trợ Nga trong cuộc chiến Nga chống Ukraine, và ông phản đối các yêu sách về lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông cùng hành vi quấy rối Philippines (một đồng minh của Hoa Kỳ). Các tranh chấp khác liên quan đến cách giải thích về chính sách “một Trung Quốc” của Mỹ đối với Đài Loan cũng như các biện pháp kiểm soát thương mại và xuất khẩu của Mỹ về công nghệ sang Trung Quốc.Cùng trong thời điểm này, tôi đến thăm Bắc Kinh với tư cách là chủ tịch của “đối thoại song phương” Mỹ – Trung, nơi dân chúng liên lạc với chính phủ của họ, để họ có thể gặp và nói lên quan điểm của mình. Bởi vì những cuộc nói chuyện như vậy không chính thức và không thể chấp nhận được, nên đôi khi chúng có thể thẳng thắn hơn. Lần này, điều đó chắc chắn xảy ra, khi một phái đoàn của Nhóm Chiến lược của tổ chức Aspen gặp một nhóm của Trường Trung ương Đảng có ảnh hưởng ở Bắc Kinh tập hợp – cuộc gặp thứ sáu như vậy giữa hai tổ chức trong thập niên qua.

https://baotiengdan.com/2024/05/07/hop-tac-my-trung-van-con-kha-thi/

Trung Quốc ‘kiên quyết phản đối’ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ

Trung Quốc kiên quyết phản đối việc lạm dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu như danh sách thực thể của Hoa Kỳ, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao nước này nói hôm thứ Sáu (10/5), sau khi Hoa Kỳ bổ sung 37 công ty Trung Quốc vào danh sách hạn chế thương mại vì lo ngại an ninh quốc gia.Một số thực thể đã bị đưa thêm vào danh sách vì sản xuất máy bay không người lái cho quân đội Trung Quốc sử dụng, còn những thực thể khác thì do vận chuyển các mặt hàng bị kiểm soát sang Nga.Phát biểu trong một cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Lâm Kiếm của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Trung Quốc và Nga có quyền thực hiện hợp tác kinh tế và thương mại bình thường, và sự hợp tác đó không nên bị can thiệp.Ông nói Hoa Kỳ tiếp tục chính trị hóa các vấn đề kinh tế và thương mại, đồng thời tăng thêm thuế quan, lạm dụng cái gọi là quy trình xem xét thuế quan 301, “mà điều này đang gây thêm tổn hại”.

https://www.voatiengviet.com/a/7606143.html

Nghị sĩ Mỹ cảnh báo khả năng Washington điều quân tới Ukraine

Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ Hakeem Jeffries tuyên bố, Washington có thể điều quân đến Ukraine trong trường hợp Kiev thất bại trong cuộc xung đột với Nga.Trong cuộc phỏng vấn với đài CBS News hôm 5/5, ông Jeffries đã nhấn mạnh tính cấp thiết trong vấn đề gửi viện trợ quân sự cho Ukraine, đồng thời nhận định Mỹ có khả năng sẽ can thiệp trực tiếp vào cuộc xung đột.“Chúng ta không thể để Ukraine thất bại, vì nếu điều đó xảy ra thì có khả năng Mỹ sẽ phải tham gia vào cuộc xung đột. Không chỉ bằng tiền bạc của chúng ta, mà còn với các quân nhân Mỹ”, ông Jeffries nói.Theo đài RT, tuyên bố trên của Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Pháp Macron gần đây nói rằng bản thân ông để ngỏ khả năng triển khai quân đội của các nước đồng minh phương Tây tới trợ giúp Kiev.“Các quốc gia châu Âu cần tự bảo vệ chính mình. Tôi có một mục tiêu chiến lược rõ ràng rằng Nga không thể chiến thắng ở Ukraine”, ông Macron trong cuộc phỏng vấn với tờ The Economist, nói.Tuy nhiên, giới lãnh đạo nhiều quốc gia châu Âu như Anh, Italia, Hungary và Slovakia đã tỏ ra hoài nghi quan điểm trên của ông Macron. Thủ tướng Slovakia Robert Fico nói rằng, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không có lí do chính đáng nào để điều quân đến Ukraine bởi Kiev không phải là thành viên của khối.

https://vietnamnet.vn/nghi-si-my-canh-bao-kha-nang-washington-dieu-quan-toi-ukraine-2277814.html

Mỹ dẫn đầu cuộc tập trận có khoảng 5.000 quân tham gia gần biên giới Nga

Cuộc tập trận kéo dài 2 tuần dự kiến có sự tham gia của khoảng 5.000 binh sĩ đến từ 6 quốc gia là Mỹ, Anh, Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan. Đan Mạch và Hy Lạp sẽ quan sát cuộc tập trận. Theo hãng tin Sputnik, trong cuộc họp báo hôm 7/5, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết, hơn 50 máy bay sẽ tham gia sự kiện. Đây cũng là “một phần trong chương trình diễn tập toàn cầu quy mô lớn trong năm 2024 của Bộ Quốc phòng Mỹ”.Cuộc tập trận Astral Knight 2024 diễn ra giữa lúc nhiều quan chức phương Tây đề cập tới khả năng triển khai quân tới hỗ trợ Ukraine trong xung đột với Nga. Hôm 6/5, Nga tuyên bố sẽ tiến hành cuộc tập trận tên lửa hạt nhân chiến thuật. Moscow nhấn mạnh, sự kiện được tổ chức nhằm đáp trả “các mối đe dọa khiêu khích từ những nước phương Tây chống lại Nga”.Theo tuyên bố từ Bộ Quốc phòng Nga, cuộc tập trận nhằm mục đích tăng cường “khả năng sẵn sàng của các lực lượng hạt nhân phi chiến lược để thực hiện nhiệm vụ chiến đấu”.Hồi tuần trước, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng giữa lúc tâm lý chống Nga ngày càng leo thang ở phương Tây, các cuộc tập trận hiện do Mỹ dẫn đầu như Steadfast Defender là dấu hiệu rõ ràng về việc NATO đang chuẩn bị cho một “cuộc xung đột tiềm tàng” với Nga. 

https://vietnamnet.vn/my-dan-dau-cuoc-tap-tran-co-khoang-5-000-quan-tham-gia-gan-bien-gioi-nga-2278664.html

Nga tuyên bố đã đánh đuổi quân Ukraine khỏi gần 550km2 lãnh thổ trong năm nay

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết quân đội của ông đã nắm quyền kiểm soát 547km vuông lãnh thổ trong năm nay tại cái mà ông gọi là “các khu vực mới” của Nga, ám chỉ ngoài bốn khu vực của Ukraine mà Moscow nói họ đã sáp nhập.Ông Shoigu, trong bài phát biểu hôm 3/5 với các chỉ huy quân sự cấp cao, cho biết lực lượng Ukraine đang rút lui dọc theo chiến tuyến và quân đội Nga đang phá vỡ cái mà ông gọi là mạng lưới đồn luỹ của Ukraine.“Các đơn vị quân đội Ukraine đang cố gắng bám vào các phòng tuyến riêng lẻ, nhưng trước sự tấn công dữ dội của chúng tôi, họ buộc phải rời bỏ vị trí và rút lui,” ông Shoigu nói.“Trong hai tuần qua, Lực lượng Vũ trang Nga đã giải phóng các khu định cư Novobakhmutivka, Semenivka và Berdychi ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk,” ông nói, đề cập đến cái tên mà Nga sử dụng cho một trong bốn khu vực bị sáp nhập.Tư lệnh cấp cao của Ukraine hôm 28/4 cho biết quân đội bị áp đảo về số lượng của Kyiv đã rút lui về các vị trí mới ở phía tây của ba ngôi làng ở mặt trận phía đông.Moscow nói hồi tháng 9 năm 2022, bảy tháng sau khi xua quân vào Ukraine, rằng họ đã sáp nhập 4 khu vực của Ukraine – Donetsk, Kherson, Luhansk và Zaporizhzhia – vào lãnh thổ chủ quyền của mình mặc dù không kiểm soát hoàn toàn bất kỳ khu vực nào trong số đó.

https://www.voatiengviet.com/a/nga-tuyen-bo-danh-duoi-quan-ukrain-khoi-gan-550km2-lanh-tho-trong-nam-nay/7596842.html

Ukraine phá âm mưu ám sát Zelensky, có 2 đại tá thông đồng

Hôm Thứ Ba, 7 Tháng Năm, các nhà điều tra phản gián Ukraine lật tẩy âm mưu của Nga nhằm ám sát Tổng Thống Volodymyr Zelensky cùng các nhân vật chính trị và quân sự hàng đầu khác, cơ quan an ninh quốc gia Ukraine cho biết.Hai đại tá thuộc Lực Lượng Vệ Binh Quốc Gia Ukraine, lực lượng bảo vệ các viên chức cấp cao, bị bắt giữ vì tình nghi thực hiện âm mưu do Cơ Quan An Ninh Liên Bang Nga vạch ra, một tuyên bố cho biết. Hai đại tá được chiêu mộ trước cuộc xâm lược toàn diện Nga nhắm vào Ukraine hồi Tháng Hai 2022, theo tuyên bố.Tuyên bố dẫn lời người đứng đầu Cơ Quan An Ninh Quốc Gia Ukraine, Vasyl Maliuk, nói rằng âm mưu này báo trước một cuộc tấn công diễn ra trước lễ nhậm chức nhiệm kỳ thứ năm của Tổng Thống Nga Vladimir Putin hôm Thứ Ba. Maliuk cho biết ông đích thân giám sát hoạt động tối mật để theo dõi âm mưu. Tuyên bố của Ukraine liên quan tới dã tâm của Nga trong việc mưu toan ám hại Tổng Thống Zelensky không phải là mới. Zelensky cho biết trong năm 2022 có ít nhất 10 lần ông bị mưu sát giữa lúc cuộc chiến chống Nga kéo dài tới năm thứ ba.

https://www.nguoi-viet.com/the-gioi/ukraine-pha-am-muu-am-sat-zelensky-co-2-dai-ta-thong-dong/

Tiết lộ về ‘lằn ranh đỏ’ khiến NATO can thiệp trực tiếp vào xung đột Ukraine

Theo Sputnik, trong ngày 5/5, tờ La Repubblica của Italia đã trích dẫn một tài liệu mật của NATO, tiết lộ rằng liên minh quân sự này “đã thiết lập 2 lằn ranh đỏ, nhằm can thiệp trực tiếp nếu cuộc xung đột Ukraine đi quá giới hạn”.Nguồn tin của La Repubblica cho biết, lằn ranh đầu tiên là “sự xuất hiện trực tiếp hoặc gián tiếp của một bên thứ ba”. Quốc gia được ám chỉ trong kịch bản này là Belarus, bởi Nga có thể xuyên phá các phòng tuyến của Kiev gần biên giới Ukraine – Belarus.Lằn ranh đỏ thứ hai có liên quan đến những hành vi khiêu khích quân sự của Moscow với Ba Lan, Moldova hoặc các nước vùng Baltic. NATO coi 2 lằn ranh này là “giải pháp cuối cùng”, và có thể triển khai 100.000 quân đồn trú ở châu Âu nếu các ranh giới bị vượt qua.Tuy vậy, La Repubblica nhấn mạnh rằng NATO hiện không có bất kỳ kế hoạch triển khai quân đội nào ở Ukraine. Trên thực tế, nhiều thành viên của liên minh vẫn đang xem xét “các khả năng hành động trong tình huống khẩn cấp”.Kể từ khi cuộc xung đột nổ ra, các thành viên NATO đã liên tục cung cấp viện trợ quân sự và tài chính cho Kiev. Động thái này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Nga, Moscow cho rằng việc phương Tây cấp thêm vũ khí cho Ukraine sẽ chỉ làm căng thẳng leo thang. Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov từng cáo buộc Mỹ và NATO can dự trực tiếp vào vấn đề Ukraine, vì phương Tây không chỉ cung cấp khí tài mà còn đào tạo binh lính Ukraine.

https://vietnamnet.vn/tiet-lo-ve-lan-ranh-do-khien-nato-can-thiep-truc-tiep-vao-xung-dot-ukraine-2277537.html

Mỹ – Philippines diễn tập pháo binh chống đổ bộ trên Biển Đông

Quân đội Philippines cùng đồng minh Mỹ diễn tập bắn pháo, tên lửa với kịch bản mô phỏng ngăn chặn lực lượng đối phương đổ bộ trên Biển Đông.Các đơn vị quân đội Philippines và Mỹ sáng 6/5 diễn tập bắn đạn thật pháo binh và tên lửa ở khu vực duyên hải phía tây bắc đảo Luzon, trong khuôn khổ cuộc tập trận thường niên Balikatan.Khu vực diễn tập nằm trên bãi biển La Paz hướng ra Biển Đông, với kịch bản mô phỏng lực lượng đối phương chuẩn bị đổ bộ lên bãi cát.Pháo binh Mỹ bắt đầu diễn tập bằng cách khai hỏa hơn 50 quả đạn 155 mm nhắm vào mục tiêu nổi, cách bờ biển khoảng 5 km. Tiếp theo, quân đội Philippines phóng loạt rocket để làm suy yếu lực lượng đối phương tiếp cận bờ biển. Hai bên sau đó phối hợp dùng súng máy, tên lửa chống tăng Javelin và đạn pháo để tiêu diệt hoàn toàn nhóm đổ bộ.Tướng Michael Cederholm, chỉ huy Lực lượng Viễn chinh Thứ nhất của thủy quân lục chiến Mỹ, đơn vị tham gia chuỗi tập trận Balikatan kéo dài từ ngày 22/4 đến 10/5, mô tả cuộc diễn tập “được thiết kế theo kịch bản chống đổ bộ”. Ông nói lực lượng hai nước muốn “chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất trong bảo vệ tuyến hàng hải then chốt” ở Biển Đông.”Hoạt động này không nhằm gửi bất kỳ thông điệp nào và không nhắm vào bên thứ ba. Chúng tôi lên kịch bản này để củng cố năng lực hiệp đồng tác chiến”, tướng Cederholm tuyên bố.

https://vnexpress.net/my-philippines-dien-tap-phao-binh-chong-do-bo-tren-bien-dong-4742637.html

Tranh chấp Biển Đông leo thang, Philippines kêu gọi trục xuất nhà ngoại giao Trung Quốc

Cố vấn an ninh quốc gia Philippines hôm thứ Sáu (10/5) kêu gọi trục xuất các nhà ngoại giao Trung Quốc vì cáo buộc rò rỉ cuộc trò chuyện qua điện thoại với một đô đốc Philippines giữa bối cảnh tranh chấp gay gắt trên Biển Đông đang leo thang mạnh mẽ.Ông Eduardo Ano nói trong một tuyên bố rằng Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã dàn dựng “nhiều hành động lôi kéo và phổ biến thông tin méo mó, sai lệch và thông tin nguy hại”, với mục tiêu gieo rắc sự bất hòa, chia rẽ và mất đoàn kết.Ông nói rằng những hành động đó “không thể để diễn ra mà không bị trừng phạt thích đáng”.Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm gọi những bình luận này là khiêu khích và nói rằng các nhà ngoại giao Trung Quốc ở Philippines phải được phép làm công việc của họ.“Trung Quốc nghiêm túc yêu cầu phía Philippines bảo vệ hiệu quả việc thực hiện nghĩa vụ bình thường của các nhân viên ngoại giao Trung Quốc, ngừng xâm phạm và khiêu khích cũng như không phủ nhận sự thật”, ông Lâm nói trong cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh.

https://www.voatiengviet.com/a/7605859.html

 Hungary gọi kế hoạch viện trợ Ukraine của NATO là ‘điên rồ’

Ngoại trưởng Hungary cho biết nước này sẽ không tham gia vào kế hoạch dài hạn của NATO nhằm hỗ trợ Ukraine và gọi đây là “sứ mệnh điên rồ”.”Hungary sẽ đứng ngoài sứ mệnh điên rồ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bất chấp mọi áp lực”, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto ngày 8/5 nói.Các đồng minh NATO hồi tháng 4 nhất trí bắt đầu kế hoạch hỗ trợ quân sự lâu dài cho Ukraine chống lại chiến dịch quân sự của Nga, thông qua việc thành lập một quỹ trị giá 107 tỷ USD. Theo đó, NATO sẽ đảm nhận một số công việc điều phối từ liên minh do Mỹ dẫn đầu được gọi là nhóm Ramstein.Phản ứng trước sáng kiến của NATO, người phát ngôn chính phủ Hungary Zoltan Kovacs cũng cho hay Budapest sẽ không ủng hộ các đề xuất “có thể kéo liên minh đến gần xung đột hơn hoặc chuyển từ liên minh phòng thủ sang tấn công”.Mối quan hệ giữa Hungary và NATO đã trở nên xấu đi vì nước này từng trì hoãn việc phê chuẩn Thụy Điển gia nhập khối và vì mối quan hệ gần gũi giữa Thủ tướng Viktor Orban với Nga. Thụy Điển cuối cùng gia nhập NATO hồi tháng ba. Đặc phái viên Mỹ tại Hungary David Pressman trước đó cho hay NATO đang cảnh báo Budapest về những nguy hiểm trong mối quan hệ ngày càng “thân thiết và mở rộng” với Moskva, đồng thời nếu đây là lựa chọn chính sách của Hungary, liên minh “sẽ phải quyết định cách tốt nhất để bảo vệ lợi ích an ninh cho chính mình”

https://vnexpress.net/hungary-goi-ke-hoach-vien-tro-ukraine-cua-nato-la-dien-ro-4743746.html

Thông điệp thay đổi của ông Putin trong 21 diễn văn Ngày Chiến thắng

Trong 21 lần phát biểu Ngày Chiến thắng, Tổng thống Putin đã cho thấy ông ngày càng cứng rắn và quyết liệt hơn, khi mối quan hệ với phương Tây lao dốc.Ngày Chiến thắng hàng năm của Nga vào 9/5 được coi là dịp lễ tưởng niệm long trọng với những người đã hy sinh vì tổ quốc. Đây cũng là cơ hội để các lãnh đạo Nga truyền tải thông điệp thúc đẩy chương trình nghị sự cũng như tầm nhìn của mình, khi phát biểu trước hàng nghìn quân nhân chuẩn bị duyệt binh, cũng như hàng triệu người Nga theo dõi trên truyền hình.Tổng thống Nga Vladimir Putin luôn tận dụng cơ hội này. Năm nay, giữa Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moskva, ông đã thừa nhận đất nước “đang trải qua giai đoạn chuyển tiếp khó khăn” khi cáo buộc phương Tây kích động xung đột toàn cầu, nhưng đồng thời khẳng định Nga sẵn sàng đối mặt bất kỳ mối đe dọa nào.Đây là bài phát biểu lần thứ 21 của Putin trong lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng, kể từ khi ông nhậm chức nhiệm kỳ đầu tiên năm 2000. Trừ 4 năm đảm nhận vị trí thủ tướng, ông Putin đã là nguyên thủ Nga trong suốt thời gian đó đến nay và vừa bắt đầu nhiệm kỳ thứ 5 hôm 7/5.Trong những diễn văn Ngày Chiến thắng trước đây, ông Putin thường phát đi thông điệp đoàn kết đất nước dựa trên lịch sử hào hùng của Cuộc chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại đánh bại phát xít Đức. Trong hàng chục năm, ông luôn nhấn mạnh quyền bất khả xâm phạm của Nga, khẳng định điều này có được là nhờ tinh thần đoàn kết dân tộc.

https://vnexpress.net/thong-diep-thay-doi-cua-ong-putin-trong-21-dien-van-ngay-chien-thang-4744239.html