Mục lục
O Sen Ngọc Mai và video cờ vàng: Công an vào cuộc, trung ương ‘xem xét’
Video của ca sĩ Ngọc Mai có hình ảnh lá cờ vàng sọc đỏ của Việt Nam Cộng Hòa đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét. Công an TP HCM cũng đã “làm việc” với cơ quan cũ của ca sĩ.
Sáng 28/5, Công an TP HCM đã có buổi làm việc với Nhạc viện TP HCM liên quan đến vụ ca sĩ Ngọc Mai (tên đầy đủ Lê Như Ngọc Mai, thường gọi là O Sen Ngọc Mai) đăng tải video có hình ảnh cờ vàng ba sọc đỏ.
Báo Pháp luật TP HCM dẫn nguồn tin từ Nhạc viện TP HCM cho hay cơ quan an ninh đã làm việc để nắm thêm thông tin vì trước đây cô từng công tác tại nhạc viện.
Chia sẻ với báo chí, bà Nguyễn Mỹ Hạnh, Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Nhạc viện TP HCM, cho biết cơ quan này đã chấm dứt hợp đồng với giảng viên Ngọc Mai từ năm 2019.
Trao đổi với Pháp luật TP HCM, ông Tạ Minh Tâm, cựu Bí thư Đảng ủy, cựu Phó Giám đốc Nhạc viện TP HCM, cho hay thời điểm Ngọc Mai là giảng viên tại nhạc viện, nữ ca sĩ đã vào Đảng và sinh hoạt ở chi bộ sinh viên.
Tuy nhiên, sau đó Ngọc Mai có báo cáo lại vì vướng bận chuyện gia đình nên không thể tham gia sinh hoạt đảng và đã bị khai trừ đảng.
Sự “vào cuộc” của Công an TP HCM diễn ra ngay sau khi Ngọc Mai đưa lên mạng một video quay cảnh gia đình cô đang ở Mỹ.
Một số người xem video phát hiện căn phòng mà gia đình cô ở trọ có cắm một lá cờ vàng ba sọc đỏ của Việt Nam Cộng hòa.
Ngày 27/5, trang Facebook Tifosi (có gần 300.000 người theo dõi) đã đăng tải bài viết về video nói trên và bình luận rằng ca sĩ Ngọc Mai đã có hành động “qua cầu rút ván”.
Bài đăng cũng nhắc tới việc ca sĩ Ngọc Mai sắp tới sẽ có nhiều chương trình biểu diễn tại Việt Nam và kêu gọi các bộ, ban ngành Việt Nam cần cho ca sĩ Ngọc Mai “hướng đúng về ‘bản chất’”.
Một số tờ báo của chính quyền Việt Nam cũng đã đưa tin về sự việc này, bao gồm báo Công Thương, báo Lao Động.
Vào chiều 28/5, ông Nguyễn Danh Hoàng Việt – Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chia sẻ với báo Tiền Phong rằng bộ này đã nắm được thông tin và đang xác minh.
Lời thanh minh bị xóa
Sau khi video được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, ca sĩ Ngọc Mai đã có lời giải thích trong một bài viết hôm 27/5 trên báo Tuổi Trẻ.
Ca sĩ Ngọc Mai giải thích rằng video trên quay cảnh căn phòng của một gia đình tình nguyện viên ở Mỹ mà cô được sắp xếp ở trọ.
Cô thanh minh rằng đoàn xếp ở đâu thì cô ở đó và video trên là “vô tình bị lọt ra ngoài”.
Đáng lưu ý là bài viết của bảo Tuổi Trẻ sau khi xuất hiện khoảng hai tiếng đồng hồ đã bị gỡ bỏ. Tờ báo không giải thích lý do gỡ bài.
Tương tự, báo Dân trí và trang Việt Báo (thuộc Cục thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng đã xóa bài viết liên quan tới ca sĩ Ngọc Mai.
Bài viết trên hai tờ báo này có cùng nhan đề là: “O Sen” Ngọc Mai lên tiếng về đoạn clip chứa hình ảnh gây tranh cãi.
Sau đó không lâu, nghệ sĩ Giang Quốc Nghiệp, chồng của ca sĩ Ngọc Mai, cũng đã đăng tải một bài viết trên Facebook giải thích sự việc.
Theo anh Quốc Nghiệp, ngôi nhà trong video là của một “cô chú tình nguyện viên” và vợ chồng hai người chỉ tạm thời ở lại đây.
“Sau hơn 2 tuần xa cách, cả gia đình vui mừng gặp lại trong ngôi nhà của một cô chú tình nguyện viên để chờ vô ngôi nhà ở chính. Chồng vợ, cha con hạnh phúc vui đùa nên không để ý xung quanh, không kiểm soát chi tiết gì lọt vào camera.
“Qua việc này Quốc Nghiệp-Ngọc Mai đã rút kinh nghiệm sâu sắc và sẽ không để những việc tương tự xảy ra,” nghệ sỹ xiếc Quốc Nghiệp viết trên trang cá nhân.
Tuy nhiên, tới khoảng 18 giờ ngày 28/5, Nghệ sĩ Quốc Nghiệp đã khóa trang cá nhân.
Biểu tượng cấm kỵ
Đã gần 50 năm trôi qua kể từ khi chính thể Việt Nam Cộng hòa sụp đổ.
Tuy nhiên, với chính quyền do Đảng Cộng sản lãnh đạo hiện nay, các biểu tượng Việt Nam Cộng hòa vẫn là điều cấm kỵ.
Báo chí mọi lúc mọi nơi đều phải kiểm soát chặt, không để lọt các hình ảnh có cờ vàng ba sọc đỏ lên trang báo.
Ở các di tích liên quan đến Việt Nam Cộng hòa, cờ vàng trên các hiện vật lịch sử (như máy bay, xe,…) cũng bị gạch chéo, chẳng hạn tại Dinh Độc Lập.
Trong các nội dung giáo dục và tuyên truyền của chính quyền đối với người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên, lá cờ này là đối tượng cần bị bài xích, phủ nhận.
Điều đó đã hình thành một tâm lý “dị ứng”, thù ghét hoặc cảnh giác ở một bộ phận người dân khi thấy hình ảnh lá cờ vàng ba sọc đỏ, theo đánh giá của một nhà quan sát tại Sài Gòn.
Trên mạng xã hội, có nhiều nhóm chuyên đi lùng các hình ảnh cờ vàng để đả phá, những ai xuất hiện cùng hình ảnh cờ vàng, dù vô tình hay hữu ý, đều trở thành đối tượng bị công kích, mà trường hợp ca sĩ Ngọc Mai chỉ là một trong số đó.
Vào năm 2021, một du học sinh Việt Nam đã giẫm đạp lên một lá cờ vàng ba sọc đỏ được treo trên đường phố tại Úc. Vừa giẫm người này vừa nói mình đại diện cho “90 triệu dân Việt Nam” và buông những lời tục tĩu.
Hồi tháng 2/2023, Hanni Phạm, ca sĩ người Úc gốc Việt và là thành viên nhóm nhạc Hàn Quốc NewJeans, đã bị nhiều người kêu gọi tẩy chay sau khi có người phát hiện trang mạng xã hội của thành viên gia đình cô treo cờ vàng.
Khi đó, trang Facebook Tifosi nói trên cũng đăng tải bài viết chỉ trích ca sĩ Hanni, đồng thời cáo buộc cô lừa dối khán giả.
Những người tẩy chay ca sĩ Hanni cho rằng việc ủng hộ một người có gia đình “theo” VNCH là bội phản đất nước Việt Nam.
Vụ việc này khi đó căng thẳng tới mức khiến Ban Tuyên giáo Trung ương phải chỉ đạo báo chí tránh làm căng thẳng và gây ảnh hưởng tới quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc.
Khi đó, Giáo sư Alex-Thái Đình Võ hiện công tác tại Trung Tâm Việt Nam và Lưu Trữ, Đại học Texas Tech (Mỹ) đã bình luận với BBC News Tiếng Việt:
“Lời kêu gọi tẩy chay cho ta thấy sự độc hại của những sự phân biệt vẫn tồn tại gần 50 năm sau cuộc chiến, dù ở Việt Nam hay ở cộng đồng tỵ nạn hải ngoại. Phần nhiều cũng do giáo dục, giáo dục ở đây là sự bưng bít thông tin về lịch sử, chính trị và xã hội.”
Theo ông, cách phản ứng của giới trẻ cho thấy lỗ hổng trong việc tìm hiểu một cách trung thực và cẩn trọng nhất có thể về lịch sử và văn hóa của chính họ, tức của Việt Nam.
Tới tháng 5/2023, tạp chí thời trang L’Officiel Việt Nam có bài viết nhắc đến ca sĩ Hanni Phạm. Bài viết này cho rằng ca sĩ Hanni “không làm sai” nhưng “vẫn chịu chỉ trích”.
Tương tự với trường hợp của Hanni Phạm, tạp chí này cũng hứng chịu làn sóng tẩy chay.
Không lâu sau, L’Officiel đã đăng bài xin lỗi và cho gỡ bài viết nói trên với lý do đã làm phiền lòng khán giả.
Bài xin lỗi dài hơn 300 chữ của L’Officiel không đề cập đến tên của ca sĩ Hanni Phạm, về gốc Việt Nam Cộng hòa của cô hay cuộc chiến trong quá khứ.
Khoảng thời điểm này, một bạn trẻ từ Sài Gòn bình luận với BBC rằng, vụ việc của tạp chí L’Officiel là minh chứng cho việc những người trẻ tự kiểm duyệt mình bằng việc nhân danh tinh thần dân tộc:
“Thay vì phản biện thì những người dùng mạng xã hội hùa nhau tẩy chay, dập tắt tiếng nói đối ngược với ý chí của mình. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan này được dùng như thứ vũ khí để điều hướng dư luận, tạo ra những đội ngũ troll một cách hữu cơ mà không cần đào tạo.
“Gieo rắc và kích thích lòng thù hận, căm ghét dưới bầu trời chung của tinh thần ái quốc luôn dễ dàng hơn là lý trí tìm hiểu sự thật lịch sử. Chưa kể là người trẻ vẫn đang học về lịch sử thật mơ hồ, chưa hiểu rõ các mặt của một cuộc chiến, ngoài những gì trong sách vở tuyên truyền hay báo chí dưới gông cùm kiểm duyệt,” người này nói.
Cờ Vàng lọt vào video ca sĩ Ngọc Mai: cựu thù còn tha thứ được, cớ gì đồng bào thù địch nhau?
“Pháp, Mỹ hay Trung Quốc mà chúng ta vẫn đối xử một cách hữu hảo thì không có lý do gì với chính những đồng bào của mình chúng ta lại nhìn nhau một cách thù địch” – Nhà văn Nguyễn Viện.
Ngọc Mai, một ca sĩ nổi tiếng ở Việt Nam, hôm 27/5 vừa qua đăng tải một video ghi lại hình ảnh cả gia đình cô đang vui chơi trong một căn phòng. Hình ảnh hai lá cờ Mỹ và cờ Việt Nam Cộng hòa trong phòng lọt vào khung hình camera.
Video này dẫn đến nhiều bình luận tiêu cực của cư dân mạng trong nước.
Ngày 28/5, Chánh Văn phòng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Nguyễn Danh Hoàng Việt, cho báo chí nhà nước biết, bộ này đang xác minh vụ việc này trước khi đưa ra những bước xử lý tiếp theo.
Cùng ngày, sáng 28/5, Công an TPHCM đã có buổi làm việc với Nhạc viện TPHCM – nơi Ngọc Mai từng làm việc. Đại diện trường này cho biết, cơ quan an ninh làm việc để nắm thêm thông tin về quá trình Ngọc Mai đã làm việc trước đây.
Nhà văn Nguyễn Viện, từ TPHCM cho rằng trong vụ việc này, cần phải xem xét kỹ xem nơi mà cô ca sĩ Ngọc Mai ở là nhà riêng hay cô ấy chỉ là khách:
“Nếu mà Quốc nghiệp và Ngọc Mai ở tạm hay ở nhờ nhà người khác thì việc có lá cờ là hết sức bình thường. Đây là một tình huống vô tình thôi tại vì ở trong nhà người ta thì mình không thể tự ý di dời đi được.”
Nói về việc các cơ quan chức năng và cả công an vào cuộc xử lý vụ việc này, ông Nguyễn Viện cho rằng từ góc độ của chế độ đang điều hành đất nước, họ có lý do hợp lý để ngăn chặn hình ảnh lá cờ hay biểu tượng Việt Nam Cộng hòa xuất hiện tự do ở Việt Nam. Ông lý giải:
“Một lá cờ Việt Nam Cộng Hòa xuất hiện ở trong nước nó khác với một lá cờ xuất hiện ở Mỹ.
Họ (nhà nước VN – PV) không muốn khơi dậy, lưu giữ một điều gì đó mà nó mang tính có thể gây chia rẽ dân tộc và thậm chí nếu mà người ta quan tâm tới nó (cờ VNCH – PV) quá thì sẽ trở thành một thái độ chính trị. Và cái thái độ chính trị đó họ (nhà nước VN – PV) có thể khẳng định như là một sự chống đối chế độ.”
Luật sư Bùi Quang Thắng, hiện đang ở Hà Nội, nhận xét về vụ việc này trên trang cá nhân của mình rằng nếu lá cờ vàng có xuất hiện ở nơi nào đó tại Việt Nam thì cũng không phải là điều gì phạm pháp vì cho tới nay, Việt Nam chưa có quy định cờ Việt Nam Cộng hòa là vật bị cấm.
Chồng Ngọc Mai là nghệ sĩ xiếc Giang Quốc Nghiệp, người cũng có mặt trong video, lên tiếng giải thích trên Facebook cá nhân rằng anh và gia đình có kỳ nghỉ tại Mỹ nhận dịp Ngọc Mai có một show diễn từ thiện gây quỹ cho các em khuyết tật, trong chuỗi chương trình “Góp lá mùa xuân” tại nhiều tiểu bang của Mỹ.
Quốc nghiệp cho biết “Để tiết kiệm ngân quỹ cho các em nhỏ Hướng Dương, cả đoàn luôn được các tình nguyện viên chuyên chở và cho ở nhờ. Sau hơn hai tuần xa cách, cả gia đình vui mừng gặp lại trong ngôi nhà của một Cô Chú tình nguyện viên để chờ vô ngôi nhà ở chính. Chồng vợ, cha con hạnh phúc vui đùa nên không để ý chung quanh, không kiểm soát chi tiết những gì lọt vào camera. Qua việc này Quốc Nghiệp và O Sen Ngọc Mai đã rút kinh nghiệm sâu sắc và sẽ không để những việc tương tự xảy ra”.
Phóng viên liên hệ với Hội Văn hóa – khoa học Việt Nam (VCSA) tại Mỹ – ban tổ chức các đêm diễn “Góp lá mùa xuân” để hỏi thêm chi tiết vụ việc nhưng không có ai nghe máy.
Dù đã nhanh chóng xóa video này trên trang facebook cá nhân nhưng ca sĩ Ngọc Mai vẫn bị một loạt các Facebook page lên án, chỉ trích nặng nề.
Nhà văn Võ Thị Hảo, từ Berlin, cho rằng trong quá khứ có rất nhiều quốc gia đã từng xâm lược, đóng quân ở Việt Nam nhưng Việt Nam vẫn giữ quan hệ hữu nghị tốt đẹp, vậy lý do gì lại cấm cản biểu tượng của một quốc gia đã không còn gần nửa thế kỷ?
“Tôi thấy như thế giống như là cộng đồng Việt Nam bắt nạt nhau, triệt hạ nhau. Tại sao những nước từng xâm lược Việt Nam thì Việt Nam biết dùng tình hữu nghị biết chèo kéo, xin xỏ, nhờ giúp đỡ viện trợ thương mại, trong khi người Việt Nam chúng ta lại cứ triệt hạ nhau như vậy.”
Theo nhà văn Nguyễn Viện, hiện vẫn còn một số người trong nước nghi kỵ các biểu tượng của Việt Nam Cộng Hòa vì người ta nghĩ rằng đó là một quốc gia thù địch với chính thể Việt Nam hiện tại. Tuy nhiên, theo ông:
“Bây giờ cuộc chiến nó đã chấm dứt 49 năm rồi. Tôi nghĩ rằng lá cờ đó mình chỉ nên coi nó như là một biểu tượng của một quốc gia đã mất. Trong thực tế nó chỉ còn là một hoài niệm và chúng ta nên tôn trọng sự hoài niệm đó. Nó là một phần của lịch sử và chúng ta không thể chối bỏ nó được.
Pháp, Mỹ hay Trung Quốc mà chúng ta vẫn đối xử một cách hữu hảo thì không có lý do gì với chính những đồng bào của mình chúng ta lại nhìn nhau một cách thù địch.”
Trên thực tế, Hà Nội vẫn luôn cấm đoán, tìm mọi cách ngăn chặn hình ảnh, biểu tượng của Việt Nam Cộng hòa xuất hiện ở Việt Nam. Điển hình như việc Bộ ngoại giao Việt Nam đề nghị Úc dừng lưu hành đồng tiền có cờ Việt Nam Cộng Hòa năm 2023, đóng cửa quán cafe ở Bình Dương trang trí theo phong cách người lính quân lực Việt Nam Cộng hòa…
Vụ đòi Úc rút đồng tiền có cờ vàng: “Việt Nam nên học cách ngoại giao văn minh!”
2023.05.05
Vụ đòi Úc rút đồng tiền có cờ vàng: “Việt Nam nên học cách ngoại giao văn minh!”
Bộ Ngoại giao Việt Nam đòi Chính phủ Úc phải dừng lưu hành đồng tiền lưu niệm 2 đô la có cờ Việt Nam Cộng hòa, người Úc gốc Việt nói cách hành xử này không văn minh.
Công ty Royal Australian Mint hồi đầu tháng 4 phát hành hai đồng tiền có mệnh giá 2 đô la Úc có màu bạc và vàng để kỷ niệm 50 năm ngày quân đội Úc rút khỏi chiến tranh Việt Nam, điều đặc biệt là hai đồng tiền này đều có in biểu tượng lá cờ vàng ba sọc đỏ của Việt Nam Cộng hòa.
Ngày 04/5, trong cuộc họp báo thường kỳ ở Hà Nội, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đề nghị Úc dừng lưu hành các ấn phẩm có in hình “cờ vàng” và không để tái diễn các sự việc tương tự.
Bác sỹ Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch Cộng đồng Người Việt Tự do tại tiểu bang Tây Úc ngày 5/5 nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do
“Theo tôi nghĩ nhà cầm quyền Việt Nam phải nên học cách đối xử ngoại giao văn minh, thứ nhất người Úc ra đồng tiền đó để kỷ niệm một mốc thời gian của lịch sử.
Thời gian đó người Úc đến Việt Nam để giúp miền Nam chiến đấu với cộng sản, Việt Nam Cộng Hòa lúc đó là quốc gia được các nước trên thế giới công nhận, nên bây giờ người Úc kỷ niệm thời điểm lịch sử đó không lẽ người ta lại trưng cờ đỏ sao vàng trong đó?”
Theo ông Dũng, cơ quan ngoại giao của chính quyền Hà Nội cần bỏ tâm trạng tiểu nhân và thù hận, không phải cứ thấy cờ vàng ở đâu là sửng cồ lên. Ông nói:
“Theo suy nghĩ của tôi, họ chiếm miền Nam một cách bất hợp pháp, ngược với công pháp quốc tế cho nên họ mặc cảm tội lỗi và không muốn ai nhìn thấy thời điểm lịch sử đó nữa.”
Theo Chính phủ Úc, có khoảng 60.000 binh lính nước này tham chiến ở miền Nam sát cánh với Quân lực Việt Nam Cộng hoà và đồng minh. Hơn 500 binh sĩ Úc tử trận, 2.400 lính bị thương trong cuộc chiến này.
Sự tham gia của Úc vào cuộc chiến chính thức kết thúc khi Toàn quyền ra tuyên bố vào ngày 11/1/1973. Lực lượng chiến đấu duy nhất còn lại ở Việt Nam là một trung đội bảo vệ toà Đại sứ Úc ở Sài Gòn, đã được rút vào tháng 6 năm 1973.
Cùng năm đó, Úc và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (sau này là CHXHCN Việt Nam) thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai nước nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Toàn diện năm 2009 và Đối tác Chiến lược năm 2018.
Ông Hoàng Ngọc Diêu, chuyên gia công nghệ thông tin hiện đang sống tại Sydney cho rằng, đề nghị của Việt Nam là không hợp lý:
“Nói là nước Úc đừng có tái diễn những chuyện trong quá khứ thì mình thấy là thái quá. Việt Nam là cái gì mà đòi hỏi một quốc gia khác phải làm như vậy?!”
Theo ông, việc Việt Nam nêu chuyện Đối tác Chiến lược với Úc giống như một sự hăm doạ, một hành động không khôn ngoan và không lấy làm gì tốt đẹp với quốc gia khác.
Ông cho biết mặc dù Công ty Royal Australian Mint thuộc Chính phủ Úc nhưng hoạt động độc lập và chịu rất ít sự kiểm soát của nhà nước.
Ông nói truyền thông Úc không đả động gì đến phản ứng của Bộ Ngoại giao Việt Nam trong khi Công ty Royal Australia Mint đã bán hết số đồng xu có in cờ VNCH mà họ phát hành.
Ông có liên lạc với họ và được biết doanh nghiệp này không có kế hoạch cụ thể về việc phát hành thêm nhưng sẽ xem xét vì nhu cầu mua khá lớn.
Nhiều nhà đầu cơ đã mua đồng xu này và rao bán trên mạng với giá từ 1.000 đến 2.000 đô la Úc, ông nói.
Vị chuyên gia công nghệ thông tin nói hoàn toàn không biết việc Úc phát hành đồng xu có in cờ VNCH cho đến khi nhận được thông tin phản đối của Chính phủ Việt Nam.
“Chính phủ Úc không công nhận quốc kỳ của Việt Nam Cộng hòa cũ”
Phát ngôn nhân của Sở Đúc tiền Hoàng gia Úc (Royal Australian Mint) ngày 5/5 phản hồi email của RFA cho biết:
“Thiết kế của đồng xu phản ánh màu sắc của các dải huy chương nghĩa vụ được trao cho những người Úc từng phục vụ tại Việt Nam, bao gồm huy chương Phục vụ Việt Nam, được giới thiệu vào năm 1968. Chính phủ Úc không công nhận quốc kỳ của Việt Nam Cộng hòa cũ.”
Phản ứng của Nhà nước Việt Nam có tác dụng ngược. Nhiều thế hệ trẻ ở Việt Nam không biết về lá cờ vàng ba sọc đỏ của VNCH, tuy nhiên, bằng sự phản ứng dữ dội của Hà Nội giới trẻ sẽ tìm hiểu vì tò mò, ông Diêu nói.
“Trong 48 năm qua, khi mà đụng đến VNCH hay đụng đến lá cờ vàng ba sọc đỏ, nhà cầm quyền Việt Nam luôn có phản ứng gay gắt, thậm chí thái quá.
Đối xử với một chế độ không còn tồn tại một cách đầy hiềm khích và nặng nề.”
Theo ông, Hà Nội có tiêu chuẩn kép. Khi cộng đồng quốc tế lên án vi phạm nhân quyền, Việt Nam lại nói rằng đó là “chuyện nội bộ” nhưng lại phản ứng với việc Úc phát hành tiền xu- một việc hoàn toàn là chuyện nội bộ của một quốc gia xa xôi.
Những phản ứng vặt vãnh như vậy không mang lại gì ngoài biểu hiện yếu ớt và ti tiện của một chế độ độc tài và kém cỏi, ông Diêu kết luận.
Phóng viên gửi email tới Bộ Ngoại giao và Thương mại của Úc và Đại sứ quán Úc tại Hà Nội để đề nghị bình luận về phản ứng của Việt Nam nhưng chưa nhận được phản hồi.
Theo đài SBS Tiếng Việt, quốc kỳ Việt Nam Cộng hòa, hay còn được gọi ngắn gọn là cờ vàng, được nhiều đơn vị hành chính trong cả nước Úc công nhận là lá cờ chính thức đại diện cho Cộng đồng Người Việt Tự do, cộng đồng người Việt tị nạn và con cháu của họ ở Úc.
Ngoài hai đồng tiền 2 đô la do Sở đúc tiền phát hành, Bưu chính Úc cũng phát hành các con tem có hình ảnh Huân chương Việt Nam với dải cờ vàng 3 sọc đỏ, khi xưa dùng để trao cho các quân nhân Úc và các thành viên của các tổ chức từ thiện được công nhận phục vụ tại miền Nam Việt Nam trong Chiến tranh Việt Nam.