Mục lục
Manila cảnh báo Bắc Kinh: Cố tình sát hại người Phi Luật Tân tại Biển Đông là ‘‘hành động gây chiến’’
Tại cuộc Đối thoại về an ninh châu Á Shangri-La tại Singapore, hôm qua, 31/05/2024, tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr. đã vạch ra ‘‘lằn ranh đỏ’’ với Trung cộng. Tổng thống Phi Luật Tân cảnh báo, việc phía Trung cộng cố tình sát hại dù chỉ một công dân Phi Luật Tân sẽ bị coi là một ‘‘hành động gây chiến’’.
Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos (trái) trả lời cử tọa sau phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri-La, Singapore ngày 31/05/2024. AP – Vincent Thian
Theo CNBC, cử tọa tham dự hội nghị đặt câu hỏi: Liệu Manila có coi việc Hải cảnh Trung cộng dùng vòi rồng tấn công giết hại một thủy thủ Phi Luật Tân là một ‘‘lằn ranh đỏ’’ hay không, và khi nào Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ – Phi Luật Tân được kích hoạt? Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. khẳng định một hành động như vậy ‘‘rất, rất gần với điều mà chúng tôi định nghĩa là hành động gây chiến’’. Nguyên thủ Phi Luật Tân cho biết ông tin tưởng là Hoa Kỳ ‘‘cũng cùng chung quan điểm’’.
Căng thẳng gia tăng giữa Phi Luật Tân và Trung cộng tại Biển Đông trong những tháng gần đây, đặc biệt xung quanh khu vực Bãi Cỏ Mây (Seconde Thomas Shoal), do Manila kiểm soát, nhưng Bắc Kinh đòi chủ quyền. Cuối tháng 3/2024, Hải cảnh Trung cộng phun vòi rồng vào tàu Phi Luật Tân tiếp tế cho Bãi Cỏ Mây, khiến ba người bị thương. Đầu tháng 5, cũng vòi rồng của Hải cảnh Trung cộng làm bị thương bốn thủy thủ khác.
Sự hiện diện của Mỹ quan trọng cho ‘‘hòa bình tại khu vực’’
Tổng thống Phi Luật Tân nhấn mạnh Manila hành xử theo đúng Công ước Quốc tế về Luật biển 1982 và phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016, bác bỏ các đòi hỏi chủ quyền Trung cộng tại phần lớn Biển Đông, đồng thời lên án ‘‘các hành động nhằm áp đặt các yêu sách thái quá và vô căn cứ thông qua vũ lực, đe dọa và lừa dối’’ của Trung cộng.
Theo AFP, trong bài phát biểu hôm qua tại Đối thoại Shangri-La, trước phần trả lời cử tọa, tổng thống Marcos Jr. lưu ý ‘‘ảnh hưởng lớn của Trung cộng đối với tình hình an ninh và biến chuyển kinh tế của toàn khu vực là một thực tế thường trực’’, Manila sẽ không bao giờ lựa chọn giữa Mỹ và Trung cộng, bởi cả hai quốc gia ‘‘đều quan trọng’’, nhưng sự hiện diện ‘‘mang lại ổn định’’ của Hoa Kỳ là ‘‘điều hệ trọng cho hòa bình tại khu vực’’.
RFI (01.06.2024)
Chuyên gia: Phi Luật Tân và Việt Nam nên tăng cường hợp tác trước sự bành trướng của Trung cộng ở Biển Đông
Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr. và (cựu) Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng chứng kiến Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và Phi Luật Tân trao đổi các văn bản đã ký tại Hà Nội, ngày 30/1/2024 Hoang Thong Nhat/VNA via AP
Trung cộng, nhiều tuần qua, tiếp tục triển khai đồng thời lực lượng trên khắp các vùng biển khác nhau. Họ tập trận phong tỏa đảo Đài Loan trên thực địa, triển khai tàu chiến ở quân cảng Ream và tập trận với Campuchia tại đây, đưa tàu cảnh sát biển tuần tra trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, phong tỏa bãi Cỏ Mây và bãi cạn Scarborough.
Theo TS. Nagao Satoru, đối với Trung cộng, tất cả các mặt trận này là một. Các hành động của Trung cộng ở Biển Hoa Đông, Đài Loan, Biển Đông, Nam Thái Bình Dương, biên giới Ấn Độ-Trung cộng và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã đồng thời leo thang. Trung cộng có thể kiểm soát những hoạt động này dưới một chính phủ. Đối với Trung cộng, tất cả những khu vực riêng rẽ này chỉ là một khu vực. Khi Hoa Kỳ bị đánh giá thấp, Trung cộng đã cố gắng tối đa hóa lợi ích của mình ở mọi nơi nhiều nhất có thể. Đó là lý do tại sao những căng thẳng trên đã xảy ra ở nhiều nơi cùng một lúc.
Hợp tác khu vực để đối phó với Trung cộng
Trái ngược với khả năng chỉ huy thống nhất của Trung cộng, theo TS. Nagao, đối với các nước láng giềng của Trung cộng, những căng thẳng trên bị “phân mảnh” cho nhiều quốc gia. Nhật Bản chỉ quan tâm biển Hoa Đông, Đài Loan quan tâm đến cuộc tập trận phong tỏa của Trung cộng, Phi Luật Tân quan tâm đến bãi cạn Scarborough và Cỏ Mây, Việt Nam lo bảo vệ bãi Tư Chính, Ấn Độ chỉ nhìn vào biên giới với Trung cộng. Đó là sự khác biệt giữa Trung cộng và các nước khác. Vì vậy, theo vị chuyên gia Nhật Bản về an ninh quốc tế ở Hudson Institue, các nước xung quanh Trung cộng nên phối hợp để đối phó với các chuyển động của nước này.
Câu hỏi đặt ra là liệu chiến lược “nhân nhượng Trung cộng” trên Biển Đông hiện nay của một số nước Đông Nam Á như Việt Nam, Malaysia, Indonesia có hợp lý hay không.
Trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Hoàng Việt cho rằng chiến lược này vừa có điểm hợp lý vừa có điểm chưa hợp lý. Điểm hợp lý là các nước này đều nhỏ yếu hơn Trung cộng nên muốn tránh đối đầu càng nhiều càng tốt. Mặt khác, nước nào cũng muốn tranh thủ Trung cộng để lấy được nhiều lợi ích kinh tế hơn. Cho nên, theo ông Hoàng Việt “bản thân mình chưa nguy hiểm lắm thì họ sẽ giữ im lặng”. Ông giải thích tiếp:
“Về cách này thì Malaysia thậm chí còn nổi tiếng hơn với chính sách ngoại giao được gọi là “ngoại giao im lặng”. Về mặt nào đó thì cách này có thể coi là hợp lý, khi họ khôn khéo tránh căng thẳng và lấy được lợi ích cho nước mình. Nhưng đó chỉ là lợi ích trước mắt thôi. Còn về lâu dài, từ trước đến nay, chưa bao giờ Trung cộng từ bỏ chiến lược độc chiếm biển Đông. Đường lưỡi bò trái pháp luật như thế, Tòa Trọng tài 2016 đã tuyên như thế nhưng họ có chịu từ bỏ đâu. Trung cộng sẽ không bao giờ từ bỏ giấc mộng độc chiếm biển Đông. Nếu Trung cộng đã làm thì họ sẽ nhắm đến tất cả các quốc gia khác chứ không chỉ nhắm đến Phi Luật Tân như hiện nay. Bây giờ thì các quốc gia khác cứ nghĩ là Trung cộng sẽ trừ mình ra, mình có thể ung dung hưởng lợi. Cách nhìn này rất nguy hiểm.”
Trong khi đó, hôm 24/5, Bộ trưởng Quốc phòng Phi Luật Tân Gilberto Teodoro tuyên bố Phi Luật Tân sẽ tiếp tục hợp tác với các nước khác và tiến hành các cuộc tập trận tại vùng biển tranh chấp để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình và tiếp tục phát triển thêm các liên minh.
Góc nhìn Phi Luật Tân: Việt Nam – Phi Luật Tân nên tăng cường hợp tác
Trao đổi với RFA, Tiến sỹ Celia Lamkin, nhà sáng lập “Phong trào Thanh niên Quốc gia vì Biển Tây Phi Luật Tân” (Biển Tây Phi Luật Tân là Biển Đông trong tiếng Việt), nói Phi Luật Tân và Việt Nam nên hợp tác để đối phó với Trung cộng. Mặc dù vấn đề mà cả hai nước phải đối mặt hiện nay là vấn đề chủ quyền và quyền chủ quyền trên Biển Đông trước chính sách bành trướng của Trung cộng, theo TS. Lamkin, điều trước tiên hai nước cần hợp tác không phải là quân sự mà là kinh tế.
Theo TS. Lamkin, Phi Luật Tân thay vì nhập khẩu nhiều sản phẩm từ Trung cộng thì nên nhập khẩu từ Việt Nam: “Chúng ta không nên mua hàng hóa của Trung cộng để rồi họ dùng chính số tiền đó để bắt nạt Phi Luật Tân và Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta, bắt nạt ngư dân của chúng ta và các nước khác,” nhà sáng lập “Phong trào Thanh niên Quốc gia vì Biển Tây Phi Luật Tân” nói với RFA.
Tiếp theo vấn đề kinh tế, bà Lamkin cho rằng Việt Nam và Phi Luật Tân cũng nên tuần tra chung ở Phi Luật Tân và ngược lại. Theo TS. Lamkin, “Việt Nam, Phi Luật Tân và các quốc gia có yêu sách khác ở Biển Đông nên tiến hành tuần tra và tập trận chung ở Biển Tây Phi Luật Tân và Biển Đông của Việt Nam.” Ngoài hợp tác kinh tế và các tuần tra chung trên vùng biển của nhau, TS. Lamkin đề xuất hai nước có thêm các chương trình trao đổi giáo dục và “quảng bá hình ảnh Việt Nam tại Phi Luật Tân như một điểm đến du lịch và ngược lại.”
Hoa Kỳ nên cứng rắn hơn nữa?
Theo TS. Nagao Satoru, chuyên gia về an ninh quốc tế tại Hudson Institute, Trung cộng đẩy mạnh căng thẳng ở Biển Đông vì họ muốn tận dụng tình hình Mỹ suy yếu. Ông Nagao nhớ lại điều đó từng xảy ra khi ông Obama còn là tổng thống Mỹ. Trong cuộc chiến Syria, khi chính quyền Syria định dùng bom hóa học, Tổng thống Obama đã cảnh cáo họ. Nếu chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học thì đó là lằn ranh đỏ để Mỹ can thiệp. Dù vậy, chính quyền Obama vẫn lưỡng lự can thiệp khi chính quyền Syria thực sự sử dụng vũ khí hóa học. Kể từ đó, Trung cộng bắt đầu xây dựng các đảo nhân tạo, còn Nga bắt đầu sáp nhập Crimea và chiếm đóng miền Đông Ukraine. Một khi chính phủ Mỹ bị đánh giá thấp, Trung cộng sẽ lợi dụng tình thế để thu được lợi ích tối đa.
Nhưng khi Tổng thống Obama cứng rắn hơn thì Trung cộng bỏ cuộc. TS. Nagao nhớ lại, khi Trung cộng khảo sát ở Scarborough vào năm 2016, chính quyền Obama cho 6 máy bay tấn công A10 và bay ở độ cao rất thấp phía trên tàu khảo sát Trung cộng để cảnh cáo. Tàu khảo sát Trung cộng đã bỏ cuộc lần đó. Kết quả là bây giờ, không có hòn đảo nhân tạo nào ở Scarborough.
Dự trên các “kinh nghiệm lịch sử” đó, TS Nagao cho rằng ở thời điểm hiện nay, chính quyền Biden nên thể hiện lập trường mạnh mẽ. Bởi vì nếu Mỹ không cứng rắn hơn, ít nhất Trung cộng sẽ hung hăng đến mức tối đa vào cuối cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tiếp theo.
RFA (29.05.2024)
Tổng thống Phi Luật Tân: Quy định mới của hải cảnh Trung cộng ‘đáng lo ngại’
Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr.
Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr hôm 29/4 nói rằng các quy định mới do lực lượng hải cảnh Trung cộng ban hành, vốn có thể dẫn đến việc bắt giữ người nước ngoài ở Biển Đông, là một sự leo thang và “đáng lo ngại”.
Trung cộng, quốc gia có tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Phi Luật Tân và các nước khác, đã ban hành các quy định mới có hiệu lực từ ngày 15 tháng 6 nhằm thực thi luật bảo vệ bờ biển năm 2021 và cho phép giam giữ những người nước ngoài bị nghi ngờ xâm phạm.
Ông Marcos nói với các phóng viên trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Brunei: “Chính sách mới đe dọa giam giữ công dân của chúng tôi, đó là điều khác biệt. Đó là sự leo thang tình hình”.
Phi Luật Tân “sẽ sử dụng bất kỳ đầu mối liên lạc nào với Trung cộng để ngăn chặn các hành động gây hấn” và cho phép ngư dân Phi Luật Tân đánh cá ở Biển Đông, ông Marcos nói.
Ông Marcos nói rằng nếu các hành động hung hăng được xử lý, “thì tất cả chúng ta có thể tiến hành công việc của mình một cách hòa bình”.
Trung cộng thường xuyên cáo buộc các tàu xâm phạm các khu vực trên Biển Đông nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng và đã nhiều lần đụng độ với Phi Luật Tân trong năm qua.
Bộ Ngoại giao Trung cộng cho biết hôm 29/5 rằng các quy định này nhằm tiêu chuẩn hóa việc thực thi pháp luật và duy trì tốt hơn trật tự hàng hải.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung cộng Mao Ninh nói trong một cuộc họp báo thường kỳ: “Không cần bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào phải lo lắng chừng nào không có hành vi bất hợp pháp”.
Bà Mao nói rằng chính phía Phi Luật Tân “thường xuyên kích động tình hình leo thang” ở Biển Đông và nói thêm rằng cánh cửa đối thoại đã mở.
Ông Marcos đã có quan điểm cứng rắn hơn người tiền nhiệm về các hành động của Trung cộng ở Biển Đông, trong khi được tăng cường bởi sự hỗ trợ từ đồng minh quốc phòng Hoa Kỳ, cũng như Nhật Bản và Úc.
VOA (29.05.2024)
Hàng không mẫu hạm 100.000 tấn của Hải quân Hoa Kỳ đi qua Biển Đông
Hình ảnh cho thấy vào ngày 31/1/2024, trong cuộc tập trận hàng hải kéo dài ba ngày do Mỹ và Nhật Bản tổ chức ở Biển Philippine, đội hình máy bay trên Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson đã bay qua Hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt (Richard A. Brooks/AFP qua Getty Images)
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng do các cuộc tập trận quân sự ‘bao vây Đài Loan’ của Trung cộng, Hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt (CVN-71) của Hải quân Hoa Kỳ đã thực hiện các hoạt động bay huấn luyện tại Biển Đông, thể hiện sức mạnh hải quân của Mỹ.
Việc Trung cộng quyết định tổ chức tập trận chỉ vài ngày sau khi tân Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức nhậm chức đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế.
Hôm Chủ Nhật (26/5), Cục Phân phối Thông tin Hình ảnh Quốc phòng (DVIDS) của quân đội Hoa Kỳ đã thông báo về hoạt động của Hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt tại Biển Đông. Hàng không mẫu hạm lớp Nimitz này là soái hạm của Nhóm tác chiến Hàng không mẫu hạm số 9 và đang thực hiện các hoạt động thường xuyên trong khu vực hoạt động của Hạm đội 7 Hoa Kỳ vào ngày hôm đó. Theo thông tin công khai, Hàng không mẫu hạm này có trọng tải hơn 100.000 tấn.
Hải quân Hoa Kỳ tuyên bố rằng Hạm đội 7 của Hoa Kỳ là đơn vị được triển khai tiền phương lớn nhất của Hải quân Hoa Kỳ và đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở bằng cách tiến hành các tương tác và hoạt động thường xuyên với các đồng minh và đối tác.
Cùng ngày, Hải quân Mỹ tiến hành diễn tập trên Hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt và thực hiện bảo dưỡng trực thăng MH-60R Seahawk và tiêm kích tấn công F/A-18E Super Hornet.
Những hành động này nhấn mạnh khả năng sẵn sàng chiến đấu của Hàng không mẫu hạm này cũng như khả năng triển khai sức mạnh và đảm bảo sự ổn định trong khu vực.
Trung cộng đã kết thúc cuộc tập trận quân sự kéo dài hai ngày vào thứ Sáu tuần trước. Cuộc tập trận quân sự quy mô lớn này được cho là nhằm phong tỏa hoàn toàn Đài Loan nhưng không hề gây hoảng loạn ở Đài Loan. Ngược lại, các cuộc tập trận của Trung cộng mang lại cơ hội cho quân đội Mỹ nhìn ra khuyết điểm của quân đội Trung cộng, đồng thời cũng cho thấy Đài Loan có thể dễ dàng bắn hạ máy bay chiến đấu tiên tiến của Trung cộng bất cứ lúc nào.
Theo Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ tuyên bố rằng các cuộc tập trận của quân đội Trung cộng đã mang lại cho quân đội Hoa Kỳ cơ hội hiếm có để “hiểu sâu hơn” cách thức hoạt động của quân đội Trung cộng. “Trên thực tế, những hoạt động này chứng tỏ khả năng thành công của quân đội Trung cộng để đạt được mục tiêu sẽ khó khăn như thế nào”.
Thứ Bảy tuần trước (25/5), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã mạnh mẽ kêu gọi chính quyền Trung cộng kiềm chế và cảnh báo Trung cộng không được lấy những sự việc thường ngày làm cái cớ để thực hiện các hành động khiêu khích quân sự, nếu không có thể dẫn đến tình hình leo thang hơn nữa. Cùng ngày, Đài Loan cũng lên án cuộc tập trận là một “sự khiêu khích trắng trợn”.
Hôm thứ Hai (27/5), phái đoàn lưỡng đảng do ông Michael McCaul, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ dẫn đầu, đã nói với Tổng thống Lại Thanh Đức trong chuyến thăm Đài Loan rằng Hoa Kỳ hoàn toàn cam kết hỗ trợ Đài Loan về mặt quân sự, ngoại giao, và về mặt kinh tế, đồng thời hứa sẽ đẩy nhanh việc cung cấp vũ khí cho Đài Loan để tăng cường răn đe Trung cộng.
Đầu năm nay, USS Theodore Roosevelt đã tham gia nhiều cuộc tập trận ở Tây Thái Bình Dương với các đồng minh chủ chốt là Nhật Bản, Hàn Quốc và Phi Luật Tân. Vào ngày 24/5, Hàng không mẫu hạm này kết thúc chuyến thăm cảng Singapore và sau đó tiếp tục các hoạt động hàng hải khác.
Lý Hạo Nguyệt (The Epoch Times)
NTDVN (28.05.2024)
Nhóm tin tặc có liên hệ với Trung cộng nhắm mục tiêu vào các quốc gia ở Biển Đông
Một nhóm tin tặc mới có liên hệ với Trung cộng, được đặt tên là “Unfading Sea Haze”, được báo cáo là đã hoạt động từ năm 2018. Nhóm này được cho là đã nhắm mục tiêu vào các tổ chức quân sự và chính phủ tại các quốc gia Biển Đông. (Ảnh: Getty Images)
Theo công ty an ninh mạng Bitdefender của Romania, một nhóm tin tặc mới có liên hệ với Trung cộng, được đặt tên là ‘Unfading Sea Haze’, đã hoạt động từ năm 2018, nhắm mục tiêu vào các tổ chức quân sự và chính phủ tại các quốc gia Biển Đông.
Báo cáo của Bitdefender công bố ngày 22/5 chỉ ra rằng hoạt động của nhóm này phù hợp với lợi ích địa chính trị của Trung cộng, tập trung chủ yếu vào các cuộc tấn công tình báo. “Các mục tiêu và bản chất của các cuộc tấn công cho thấy sự liên kết với lợi ích của Trung cộng”, báo cáo nhấn mạnh.
Các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng nhóm này đã tạo ra “một kho vũ khí tinh vi gồm phần mềm độc hại và các công cụ tùy chỉnh”. Đáng chú ý, một trong những kỹ thuật của họ được phát hiện trùng lặp với kỹ thuật của nhóm gián điệp APT41, vốn được biết đến là có sự hậu thuẫn của Trung cộng.
Báo cáo chỉ ra rằng, “Không phát hiện thấy sự trùng lặp nào khác với các công cụ đã biết của APT41. Điểm tương đồng duy nhất này có thể là một dấu hiệu khác cho thấy sự chia sẻ các phương thức lập trình trong giới tin tặc Trung cộng”.
APT41 là một trong nhiều nhóm tác nhân đe dọa liên tục nâng cao (APT) của Trung cộng được biết đến đã thực hiện các hoạt động mạng độc hại nhắm vào các tổ chức, công ty và chính phủ phương Tây.
Các nhóm khác bao gồm APT10 và APT40. Hiện tại, 5 công dân Trung cộng từ nhóm APT41 đã nằm trong danh sách truy nã của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI). Vào năm 2020, 5 thành viên của nhóm APT41 đã bị truy tố về các tội danh liên quan đến các chiến dịch tấn công mạng nhằm đánh cắp bí mật thương mại và thông tin nhạy cảm từ hơn 100 công ty và tổ chức trên toàn thế giới.
Theo báo cáo, nhóm Unfading Sea Haze đã nhắm mục tiêu vào ít nhất 8 nạn nhân, chủ yếu là các mục tiêu quân sự và chính phủ từ năm 2018, và nhóm này “liên tục giành lại quyền truy cập vào các hệ thống đã bị xâm nhập”.
Theo báo cáo, nhóm tin tặc Unfading Sea Haze đã sử dụng nhiều phương thức tinh vi để xâm nhập và thu thập dữ liệu từ các hệ thống mục tiêu. Một trong số đó là gửi email lừa đảo (spear-phishing) chứa tệp ZIP độc hại. Các tệp ZIP này chứa các tệp LNK được ngụy trang dưới dạng tài liệu thông thường, khi được nhấp vào sẽ thực thi các lệnh độc hại.
Một số tên tệp ZIP được sử dụng bao gồm “Data”, “Doc” và “Startechup_fINAL”. Đáng chú ý, từ tháng 3 năm 2024, nhóm này bắt đầu sử dụng các tên tệp ZIP mới như “Assange_Labeled_an_‘Enemy’_of_the_US_in_Secret_Pentagon_Documents102” và “Presidency of Barack Obama”, hoặc các tên gây hiểu nhầm như trình cài đặt, cập nhật và tài liệu của Microsoft Windows Defender.
Sau khi xâm nhập thành công vào các hệ thống mục tiêu, nhóm tin tặc này đã triển khai nhiều công cụ, cả tùy chỉnh lẫn có sẵn, để thu thập dữ liệu.
Một trong số đó là một phần mềm có tên là “xkeylog”. Đây là một công cụ tùy chỉnh có khả năng ghi lại toàn bộ thao tác gõ phím trên máy nạn nhân. Bên cạnh đó, nhóm này còn sử dụng một trình niêm phong dữ liệu trình duyệt nhằm thu thập thông tin được lưu trữ trong các trình duyệt phổ biến như Google Chrome, Firefox, Microsoft Edge và Internet Explorer.
Ngoài ra, Unfading Sea Haze còn phát triển một công cụ tùy chỉnh thứ ba cho phép họ giám sát sự hiện diện của các thiết bị di động trên hệ thống bị xâm nhập. Theo báo cáo, công cụ này liên tục kiểm tra các thiết bị di động cứ sau 10 giây. Nếu phát hiện thiết bị WPD hoặc USB được kết nối, công cụ này sẽ thu thập thông tin chi tiết về thiết bị và gửi về máy chủ điều khiển bởi nhóm tin tặc thông qua yêu cầu HTTP GET.
Theo báo cáo, Unfading Sea Haze còn thu thập dữ liệu từ các ứng dụng nhắn tin như Telegram và Viber, đồng thời sử dụng công cụ nén RAR để thực hiện việc trích xuất dữ liệu thủ công.
Báo cáo nhấn mạnh: “Sự kết hợp giữa các công cụ thủ công và có sẵn, cùng với việc trích xuất dữ liệu thủ công, cho thấy đây là một chiến dịch gián điệp có mục tiêu rõ ràng, tập trung vào việc thu thập thông tin nhạy cảm từ các hệ thống bị xâm nhập”.
Nhóm tin tặc này đã hoạt động bí mật trong hơn 5 năm, một hiện tượng mà báo cáo đánh giá là “đặc biệt đáng lo ngại”, cho thấy “những kẻ tấn công đã thể hiện phương thức tiếp cận hết sức tinh vi đối với các cuộc tấn công mạng”.
Các nhà nghiên cứu cho biết họ công bố phát hiện này với mong muốn “hỗ trợ cộng đồng an ninh mạng trong việc nhận diện và ngăn chặn các nỗ lực gián điệp của Unfading Sea Haze”.
Báo cáo kết luận bằng một số khuyến nghị nhằm giảm thiểu rủi ro từ Unfading Sea Haze và các nhóm tin tặc tương tự. Các nhà nghiên cứu Bitdefender đề xuất ưu tiên quản lý bản vá, thực thi chính sách mật khẩu mạnh, giám sát chặt chẽ lưu lượng mạng và hợp tác với cộng đồng an ninh mạng.
Trung cộng hiện đang có tranh chấp chủ quyền với Brunei, Malaysia, Phi Luật Tân, Việt Nam và Đài Loan đối với các rạn san hô, đảo và đảo san hô ở Biển Đông. Phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) năm 2016 đã bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” của Bắc Kinh đối với khoảng 85% diện tích 2,2 triệu dặm vuông (khoảng 5,7 triệu km vuông) của Biển Đông.
Hồi tháng 2, Phi Luật Tân thông báo các tin tặc có trụ sở tại Trung cộng đã cố gắng xâm nhập vào trang web và hệ thống thư điện tử của tổng thống cùng các cơ quan chính phủ nước này, nhưng không thành công.
Frank Fang (The Epoch Times)
NTDVN (28.05.2024)
Phi Luật Tân phản đối lệnh cấm đánh cá hàng năm của Trung cộng tại Biển Đông
Minh họa: Tàu hải cảnh Trung cộng tìm cách chặn tàu của Phi Luật Tân vào Bãi Cỏ Mây hôm 29/3/2014 Reuters
Phi Luật Tân đã phản đối lệnh cấm đánh cá tại khu vực Biển Đông năm nay do phía Trung cộng đơn phương ban hành.
Bộ Ngoại giao Phi Luật Tân cho biết như vừa nêu ngày 27 tháng 5 và Reuters loan tin.
Theo thông cáo phản đối của Bộ Ngoại giao Chính phủ Phi Luật Tân thì việc áp đặt lệnh cấm đánh bắt hàng năm như thế của phía Trung cộng gây căng thẳng tại Biển Đông. Manila kêu gọi Bắc Kinh “ngưng lại và từ bỏ những hành động phi pháp” phạm đến chủ quyền và quyền chủ quyền của Phi Luật Tân.
Reuters cho biết yêu cầu bình luận về phản đối của phía Phi Luật Tân như vừa nêu mà hãng tin này gửi đến Đại sứ quán Trung cộng ở Manila chưa được phản hồi.
Đối với lệnh cấm đánh bắt tại Biển Đông do phía Trung cộng đưa ra năm nay, Việt Nam hôm 25 tháng tư vừa qua cũng đã chính thức lên tiếng phản đối.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Phạm Thu Hằng, lặp lại rằng “Lệnh cấm đánh bắt của Trung cộng tại Biển Đông không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa; mà còn vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế được xác định theo Công ước Liên hiệp quốc tế Luật Biển (UNCLOS) năm 1982”.
Từ năm 1999, Trung cộng bắt đầu có lệnh đánh bắt tại khu vực Biển Đông. Đây là vùng biển mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền gần đến 90% nằm trong đường đứt khúc do họ tự vạch ra. Đường này vào năm 2016 bị Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế (PCA) ở La Haye tuyên không có cả cơ sở pháp lý và lịch sử. Lệnh cấm năm nay của phía Trung cộng được cho biết kéo dài đến tháng 9.
Lệnh cấm đánh bắt tại Biển Đông và Biển Hoa Đông do Trung cộng đưa ra được áp dụng từ ngày 1 tháng năm đến ngày 16 tháng tám; bao trùm khu vực từ vĩ tuyến 12 đến phía Bắc Đài Loan, trong đó có quần đảo Hoàng Sa mà Trung cộng hoàn tất cưỡng chiếm từ Việt Nam vào năm 1974.
Mỗi khi Trung cộng đơn phương tuyên bố lệnh cấm đánh bắt hải sản tại Biển Đông, Bộ Ngoại giao Việt Nam đều lên tiếng phản đối. Tuy nhiên, Trung cộng vẫn thực thi lệnh và nhiều lần bắt giữ tàu, ngư dân, xua đuổi, tịch thu hải sản, ngư cụ, phun vòi rồng vào tàu cá Việt Nam…
Từ đầu tháng hai năm 2023, Luật Hải Cảnh của Trung cộng bắt đầu có hiệu lực. Luật này cho phép lực lượng chấp pháp Trung cộng dùng vũ khí bắn vào tàu nước ngoài trong vùng nước mà Bắc Kinh đòi chủ quyền.
Vừa qua vào ngày 15 tháng 5, Trung cộng ban hành thêm quy định sẽ có hiệu lực từ ngày 15 tháng 6 cho phép Hải cảnh nước này giam giữ 30 ngày, thậm chí đến 60 ngày trong trường hợp “phức tạp”, mà không qua xét xử đối với người nước ngoài nào bị cho xâm phạm hoặc có hành vi hỗ trợ xâm phạm lãnh hải/vùng biển mà Trung cộng tuyên bố chủ quyền.
RFA (27.05.2024)
Biển Đông : Manila khẳng định tiếp tục xây dựng liên minh an ninh và tập trận chung ở vùng tranh chấp
Bộ trưởng Quốc Phòng Phi Luật Tân, Gilberto Teodoro, hôm 24/05/2024 tuyên bố Manila sẽ tiếp tục xây dựng các liên minh an ninh và tổ chức các cuộc tập trận chung trong vùng biển đang có tranh chấp để bảo vệ lợi ích lãnh thổ của Phi Luật Tân.
Bộ trưởng Quốc Phòng Phi Luật Tân Gilberto Teodoro phát biểu tại Manila, Phi Luật Tân, ngày 24/05/2024. AP – Aaron Favila
Theo AP, tại thủ đô Manila, trong bài phát biểu trước các quan chức cấp cao của quân đội Phi Luật Tân nhân buổi lễ kỷ niệm ngày thành lập lực lượng Hải quân, bộ trưởng Quốc Phòng Phi Luật Tân, Gilberto Teodoro, đã thẳng thừng chỉ trích những hành động ngày càng hung hăng ở Biển Đông, nhấn mạnh Manila sẽ không dung thứ cho những động thái gây hấn và khiêu khích, nhưng không nêu đích danh Trung cộng.
Kể từ khi các tranh chấp chủ quyền giữa Trung cộng và Phlippines gia tăng ở Biển Đông, chính quyền của tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đã tiến hành nhiều bước nhằm xây dựng các liên minh an ninh mới với một số nước châu Á và phương Tây, đồng thời cho phép quân đội Mỹ hiện diện ở nhiều căn cứ của Phi Luật Tân hơn, chiểu theo hiệp ước quốc phòng năm 2014.
Cũng trong ngày hôm qua 24/05, Manila thông báo đã lập một đồn hải cảnh trên đảo Itbayat, vùng cực bắc Phi Luật Tân, cách Đài Loan khoảng 150 km về phía nam, để tăng cường an ninh trước đà « gia tăng quân sự » của Trung cộng gần Đài Loan, theo dõi sự « xâm nhập của nước ngoài » nhằm giúp tuần duyên Phi Luật Tân có biện pháp đáp trả hiệu quả.
Vào cuối tháng 4 đầu tháng 5, quân đội Phi Luật Tân cũng đã tổ chức các cuộc tập trận bắn đạn thật thường niên với lực lượng Mỹ trong và gần vùng biển tranh chấp.
Về phía Trung cộng, trang mạng châu Á Asia Times hôm qua 24/05 trích dẫn thông tin được báo South China Morning Post đăng tải hôm 22/05, theo đó, các nhà khoa học Trung cộng đã nghĩ ra một phương pháp mới để khắc phục những khó khăn đối với hoạt động xây dựng trên cát san hô mềm. Điều này cho phép Trung cộng nâng cao lợi thế cạnh tranh trong việc xây dựng các thực thể nhân tạo ở vùng biển đang có tranh chấp.
RFI (27.05.2024)