Seite auswählen

Putin thăm Việt Nam: Giai đoạn kế tiếp về cuộc cạnh tranh quyền lực của các nước lớn

Diplomat

Tác giả: Khang Vu

Trúc Lam chuyển ngữ

Tiếng Dân

20-6-2024

Tóm tắt: Putin là nhà lãnh đạo đầy quyền lực đến thăm Hà Nội mới nhất, mang theo quà tặng và lời hứa.

Ảnh: Tổng thống Nga Vladimir Putin, thứ hai bên trái, bắt tay các quan chức Việt Nam khi đến sân bay Quốc tế Nội Bài ở Hà Nội hôm thứ Năm, ngày 20/6/2024. Nguồn: Nikita Orlov/ Sputnik/ Kremlin Pool/ AP

Tổng thống Nga Vladimir Putin hiện đang kết thúc chuyến thăm Việt Nam kéo dài hai ngày, trong đó hai nước kỷ niệm 30 năm ký kết Hiệp ước về các nguyên tắc cơ bản của quan hệ Việt-Nga.

Hà Nội và Moscow ký Hiệp ước này năm 1994 thay thế Hiệp ước Hữu nghị năm 1978 sau khi Liên Xô sụp đổ và cùng với [hiệp ước] đó là sự bảo đảm an ninh của Liên Xô cho Việt Nam. Hiệp ước năm 1994 đóng vai trò là một hiệp ước không xâm lược, trong đó cả Hà Nội và Moscow đều cam kết không ký kết bất kỳ thỏa thuận nào với các nước khác, mà có thể làm tổn hại đến lợi ích của nước kia. Quan hệ Việt – Nga hiện nay được tiến hành trong khuôn khổ Hiệp ước 1994. Trước chuyến thăm, Putin có bài bình luận đăng trên báo Nhân Dân của Việt Nam, trong đó ông lưu ý rằng, Việt Nam và Nga có cách tiếp cận tương tự đối với các vấn đề quốc tế.

 

Tuy nhiên, điều khiến chuyến thăm của Putin trở nên quan trọng không phải là việc kỷ niệm hiệp ước nói trên. Chuyến thăm của ông ta diễn ra sau khi Việt Nam tiếp đón Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 9 và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 12 [năm 2023]. Điều này cũng đã đủ nói lên chuyến thăm của Putin phù hợp như thế nào với chính sách đối ngoại đa phương và trung lập của Việt Nam, cũng như việc Nga có thể giúp Việt Nam hiện đại hóa và tân trang lại kho vũ khí quân sự của mình, kế thừa từ thời Liên Xô như thế nào.

 

Nhưng còn một khía cạnh khác đáng để tìm hiểu. Việc lãnh đạo ba cường quốc đến thăm Việt Nam trong thời gian ngắn không hoàn toàn do sự khéo léo trong chính sách đối ngoại của Hà Nội. Dù cũng thực hiện chính sách ngoại giao đa phương, nhưng không có nhiều cường quốc nhỏ nhận được sự quan tâm như Việt Nam. Điều đáng chú ý trong trường hợp Việt Nam là, các cường quốc lớn đang cạnh tranh để chứng tỏ cho Việt Nam thấy rằng họ có thể cung cấp an ninh cho Việt Nam vào thời điểm đất nước này cần nhất.

Việc một quốc gia có cảm thấy an toàn hay không phụ thuộc vào mức độ an ninh mà quốc gia đó yêu cầu và mức độ mà các đối tác của nước đó có thể cung cấp cho họ. Hiện tại, Hà Nội đang tìm cách (1) bảo vệ an ninh chế độ; (2) bảo vệ chủ quyền lãnh thổ; và (3) duy trì môi trường hòa bình và sự ổn định bên ngoài, có lợi cho tăng trưởng kinh tế.

 

Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga đang tìm cách đáp ứng nhu cầu của Việt Nam bằng nguồn cung cấp an ninh của riêng họ nhằm cải thiện quan hệ với một đất nước có vị trí địa lý quan trọng. Hoa Kỳ có thể hỗ trợ Việt Nam đáp ứng các yêu cầu an ninh thứ hai và thứ ba, nhưng không thể làm như vậy đối với an ninh chế độ. Trung Quốc có thể giúp Việt Nam bảo đảm an ninh chế độ và duy trì môi trường bên ngoài ổn định cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam; tuy nhiên, Trung Quốc không thể hoàn toàn thuyết phục Hà Nội về ý định hòa bình. Nga có thể cung cấp cho Hà Nội cả an ninh chế độ lẫn an ninh lãnh thổ, nhưng việc Nga tập trung vào khu vực châu Âu và khả năng quân sự bị hạn chế ở châu Á-Thái Bình Dương có nghĩa là tác động của Nga vào các vấn đề khu vực sẽ bị hạn chế.

Do đó, mỗi cường quốc đều cố gắng thuyết phục Việt Nam rằng họ có thể cải thiện những điều mà họ còn bị hạn chế. Đối với Hoa Kỳ, chuyến thăm của ông Biden là một nỗ lực có ý thức nhằm bảo đảm với Hà Nội về ý định tốt đẹp của họ đối với đảng Cộng sản Việt Nam. Mặt khác, chuyến thăm của ông Tập Cận Bình và việc Việt Nam gia nhập “cộng đồng chung vận mệnh” của Trung Quốc là nỗ lực của Trung Quốc nhằm bảo đảm rằng các tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông không gây tổn hại đến các khía cạnh khác của mối quan hệ song phương. Điều này giải thích rằng, vì sao Trung Quốc chấp nhận các hoạt động cải tạo đảo của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa trong khi họ có phản ứng vũ lực trước các nỗ lực của Philippines nhằm tiếp tế cho tiền đồn của nước này ở Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), một bãi cạn thuộc quần đảo Trường Sa.

 

Do đó, chuyến thăm của Putin nhằm bảo đảm với Hà Nội rằng, bất chấp cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine và sự phụ thuộc ngày càng gia tăng của Nga vào Trung Quốc, Nga sẽ không từ bỏ vai trò của mình ở châu Á-Thái Bình Dương và rằng Việt Nam vẫn là đối tác quan trọng của Nga trong khu vực. Putin lưu ý với Việt Nam rằng, cả Moscow và Hà Nội đều có những đánh giá tương tự nhau về tình hình chính trị ở châu Á – Thái Bình Dương và hai nước ủng hộ một trật tự an ninh Á-Âu mới “bình đẳng, không chia tách, bao trùm và không phân biệt đối xử”. Việt Nam quan trọng đối với chính sách châu Á – Thái Bình Dương của Nga đến mức ông Putin cảm ơn Việt Nam vì “thể hiện lập trường cân bằng” trước “cuộc khủng hoảng Ukraine” thay vì chỉ trích tính trung lập của Hà Nội. Hợp tác Việt-Nga về thăm dò dầu khí ở Biển Đông cũng cần được tiếp tục, bất chấp sự quyết đoán ngày càng gia tăng trên biển của Trung Quốc. Chính phủ Nga mong muốn hợp tác với Việt Nam để phát triển việc sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.

Việc Việt Nam sẵn sàng tiếp đón Putin bất chấp Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội tỏ ra khó chịu và bị cho là có liên kết với trục phản kháng Bắc Triều Tiên, Nga và Trung Quốc do Tổng thống Nga dừng chân ở Bắc Triều Tiên trước khi tới Việt Nam không nên chỉ quy cho tình cảm thân thiện của Hà Nội đối với Putin hay tình đồng chí cũ giữa hai nước. Nếu đúng như vậy, Việt Nam đã không giữ thái độ trung lập trong cuộc chiến Nga-Ukraine. Việt Nam vẫn là một đất nước thực dụng với khả năng phân tích chi phí – lợi ích một cách có ý thức. Hà Nội muốn quốc tế hóa các tranh chấp ở Biển Đông và lôi kéo càng nhiều cường quốc vào việc bảo đảm an ninh cho mình vì không một cường quốc nào có thể cung cấp cho họ tất cả các vấn đề an ninh mà họ cần.

 

Với việc tiếp đón Putin, Hà Nội được nhiều hơn là mất. Đầu tiên, Việt Nam gửi tín hiệu tới Nga rằng Việt Nam hoan nghênh vai trò của Nga ở châu Á – Thái Bình Dương. Chuyện lôi kéo Nga theo mục đích của Hiệp ước 1994 sẽ bảo đảm rằng sự hợp tác ngày càng gia tăng của Nga với Trung Quốc sẽ không làm tổn hại đến lợi ích của Việt Nam do cam kết không xâm lược. Thứ hai, hợp tác chặt chẽ hơn với Nga sẽ không khiến Trung Quốc tức giận bằng việc hợp tác chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ trong khi làm như vậy vẫn cho phép Hà Nội khẳng định chủ quyền lãnh hải của mình với sự giúp đỡ của Nga. Và cuối cùng, nếu Hoa Kỳ coi Việt Nam là một đối tác đủ quan trọng thì chuyến thăm của Putin sẽ không ảnh hưởng đến quỹ đạo đi lên trong quan hệ Mỹ-Việt, cũng giống như việc Việt Nam bỏ phiếu trắng trong các cuộc bỏ phiếu của Liên Hiệp Quốc tố cáo Nga xâm lược Ukraine đã không ngăn cản Biden đến thăm Hà Nội. Việt Nam sẵn sàng chấp nhận những rủi ro nhỏ trong mối quan hệ với Hoa Kỳ để duy trì lựa chọn Nga của họ.

Dù Việt Nam có cố gắng khẳng định vai trò trung gian của mình thông qua chính sách đối ngoại đa phương đến đâu đi nữa, thì đất nước này vẫn là một nước nhỏ, phụ thuộc vào sự cân bằng quyền lực và lợi ích giữa các cường quốc về an ninh. Kịch bản rủi ro nhất đối với Việt Nam là không thể tìm được bất kỳ nước nào sẵn sàng cung cấp an ninh, thay vì kịch bản tiếp đón một lãnh đạo gây tranh cãi như Putin. Thử thách tiếp theo của Hà Nội là làm thế nào để giải quyết các mối quan hệ với các “nhà cung cấp an ninh” Mỹ, Trung Quốc và Nga để sự cạnh tranh của họ trong việc cung cấp an ninh bổ sung cho quyền tự do hành động của Hà Nội thay vì buộc Việt Nam phải chọn phe.

______

Tác giả: Khang Vũ là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại khoa Khoa học Chính trị, Đại học Boston.

Sự thật và dối trá qua chuyến thăm Hà Nội của Putin

 

Blog VOA

Trần Đông A

22-6-2024

 

Ông Tô Lâm (phía trái trên thảm đỏ), và ông Putin, duyệt hàng quân danh dự tại Phủ Chủ Tịch tại Hà Nội, ngày 20-6-2024.

‘Lời nói dối hào nhoáng

Hãy xem xét Tuyên bố chung (TBC) đạt được giữa tổng thống Nga, Vladimir Putin, và lãnh đạo Ba Đình! Theo đó, Tổng bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước (CTN) Tô Lâm và Putin nhất trí làm sâu sắc hơn nữa quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện”, tăng cường tương tác, tạo ra các hình thức và cơ chế hợp tác mới.

Trong TBC có hai điểm giới quan sát cho là quan trọng trong tình hình địa-chính trị thế giới và khu vực hiện nay.

Điểm thứ nhất, hai bên thỏa thuận tăng cường quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện”, đồng thời nhất trí không “gia nhập liên minh hay hiệp ước với bên thứ ba để gây tổn hại cho độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau”. Điểm quan trọng tiếp theo, Tổng thống Nga nhận định rằng Liên bang Nga và Việt Nam có quan điểm giống nhau về tình hình khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Và khu vực này đang là “điểm nóng thứ hai” trong quan hệ quốc tế sau “điểm nóng thứ nhất” ở Châu Âu (1).

Nếu công nhận Châu Á – Thái Bình Dương là “điểm nóng thứ hai” có nghĩa TT Putin gián tiếp thừa nhận tình hình căng thẳng lâu nay trên Biển Đông là một trong những nguồn gốc gây ra “điểm nóng” ấy và đó cũng là mối quan tâm hàng đầu của Việt Nam hiện thời. Dõi theo các diễn biến gần đây nhất có thể thấy, tình hình căng thẳng ấy chính là do Trung Quốc triển khai “chiến lược vùng xám”. Theo đó, lệnh cấm đánh bắt cá từ ngày 1/5 đến 16/9/2024 trên các khu vực biển, trong đó có Biển Đông, không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa, mà còn vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam với vùng đặc quyền kinh tế được xác định theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 (2). Tiếc rằng, TBC giữa hai nước đã không có lấy một lời nào đề cập đến biến cố ngang ngược này từ phía nhà cầm quyền Trung Quốc.

Trong khi đó, dư luận chưa quên một phát ngôn trước đây của Putin từng gây chấn động xã hội Việt Nam. Theo đó, trong một phát biểu tại Quảng Châu, Putin ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh rằng, phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague là không hợp lý… Việc quốc tế hóa vấn đề Biển Đông chỉ làm phức tạp thêm tình hình (3). Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn một mực phủ nhận phán quyết của PCA, một phán quyết bác bỏ các yêu sách vô thiên, vô pháp của Bắc Kinh về các vùng biển chủ quyền của Việt Nam và một số nước ASEAN khác. Cho nên TBC với Việt Nam ngày 20/6, nói rằng, Nga khẳng định tính phổ quát và toàn vẹn của Công ước liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) – là nền tảng pháp lý cho tất cả hoạt động trên biển và đại dương và có vai trò chủ đạo trong phát triển hợp tác ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, nhấn mạnh cần duy trì tính toàn vẹn của Công ước (4) – hoàn toàn là những lời nói dối hào nhoáng.

TBC cũng đề cập tới việc “thúc đẩy tiến trình khách quan hình thành trật tự thế giới đa cực… dựa trên các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc… bao gồm tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền dân tộc tự quyết, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực…” Căn cứ những cơ sở pháp lý tại TBC này, rõ ràng, TT Putin đang đối mặt với lệnh bắt giữ ông, với tư cách là TT Nga, liên quan đến tội ác chiến tranh gây ra cho trẻ em Ukraine. Lệnh này do Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) ban hành ngày 17/3/2023, sau cuộc điều tra về tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người và tội diệt chủng… (5) Không ai được phép lãng quên, cuộc xâm lược của Putin tiến hành chống lại dân thường Ukraine đã và đang ảnh hưởng đến hàng ngàn gia đình Việt Nam sinh sống tại đó, mang đến đau khổ, gây ra đổ nát, tuyệt vọng và tiếp tục đe dọa các công trình văn hóa Việt Nam trên xứ sở Hoa Hướng Dương, cũng như tính mạng của những người dân Việt vẫn còn đang cư trú trong mái nhà của họ ở Ukraine (6). Vậy điều mà TBC gọi là “không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình tranh chấp”, có phải là những lời nói dối đáng hổ thẹn?

Hệ lụy từ các chuyến thăm của Putin

TT Putin vừa làm được điều báo giới gọi là “động thái chiến lược” nhằm củng cố liên minh và chống lại ảnh hưởng của phương Tây khi đi thăm Triều Tiên và Việt Nam. Còn quá sớm để đánh giá hiệu ứng từ các chuyến thăm của TT Putin vừa rời các thủ đô của “hai nước anh em”. Báo chí chính thống của Đảng những ngày này được bật đèn xanh để tung hô lên tận “thiên đình” tình hữu nghị vĩ đại và cảm động Việt – Trung – Nga (như Việt – Trung – Xô ngày nào?) nhưng không một tờ báo nào có trí nhớ để nhắc lại nguồn gốc của quan hệ tay ba – tay tư đáng ngờ trong cái “cấu trúc an ninh đáng tin cậy” mà Putin muốn áp đặt lên hai đàn em cộng sản. Không rõ Tập Cận Bình có ủy thác cho Putin mở rộng “sự hợp tác không giới hạn” lên hai nước đàn em Việt Nam và Triều Tiên từng được Tố Hữu “đúc thành tượng” bằng thi pháp? “Ta thành hai đồng chí, Ta thành hai anh hùng/ Ta thành hai chiến lũy/ Cùng bảo vệ hòa bình/ Kim Nhật Thành – Hồ Chí Minh/ Hai chúng ta là một/ Qua Trung Hoa ta như liền khúc ruột/ Với Liên xô ta chung một mái nhà…” (7).

Giờ này, Đảng CSVN không hề muốn quân và dân nhắc lại cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc tiến công đồng loạt vào các tỉnh biên giới phía Bắc năm 1979. Đảng cũng không muốn nhắc lại quan hệ của CHDCND Triều Tiên với Pol Pot trong giai đoạn chiến tranh biên giới Tây Nam (8). TT Putin thực lòng muốn cả Việt Nam lẫn Triều Tiên hãy quên đi bài học đau thương còn tươi roi rói! Thay vào đó, hãy “ăn mày dĩ vãng” cái lịch sử xa xưa hơn, thời ông Hồ Chí Minh từ Pháp sang Moscow, với ước mơ được gặp lãnh tụ Lê Nin những năm 20 đầu thế kỷ trước… Tham vọng thiết kế một trục mới cho địa-chính trị thời kỳ này, ông Putin muốn cả Kim Jong-un lẫn Nguyễn Phú Trọng và Tô Lâm hãy thực hành bài học: Tất cả chúng ta là một, qua Trung Hoa như liền khúc ruột, với nước Nga ta chung một mái nhà (!)

Hệ lụy này, nếu xảy ra trên thực tế, sẽ là một cơn ác mộng đối với toàn thể dân tộc Việt Nam, một sự đe dọa trực tiếp đến hòa bình và an ninh trong khu vực cũng như trên toàn cầu. Hiệp ước mới giữa Nga và Triều Tiên cho phép hỗ trợ quân sự lập tức đã bị nhiều nước phản ứng. Hàn Quốc triệu tập ngay một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng An ninh Quốc gia và cho biết họ sẽ xem xét việc gửi vũ khí tới Ukraine, điều mà trước đây họ đã loại trừ. Sau cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia, Seoul cho biết sẽ tăng cường hơn nữa hợp tác an ninh với Mỹ và Nhật Bản. Cố vấn An ninh Quốc gia Chang Ho-jin cho biết Seoul sẽ bổ sung 243 mặt hàng mới vào danh sách hàng hóa bị cấm xuất khẩu sang Nga, nâng tổng số lên 1.402 mặt hàng, đồng thời sẽ xem xét lại lập trường của mình trong việc trang bị vũ khí cho Ukraine. Không phải ngẫu nhiên, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng cảnh báo, Hiệp ước mới Nga – Triều cho thấy các cường quốc độc tài đang liên kết với nhau (9).

Chuyên cơ của Putin vừa rời phi trường Nội Bài đã có tin nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về Đông Á, Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Kritenbrink (cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam) thăm Hà Nội hai ngày cuối tuần. Ông Kritenbrink gặp các quan chức cấp cao của chính phủ Việt Nam “để nhấn mạnh cam kết mạnh mẽ của Hoa Kỳ trong việc thực hiện Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Hoa Kỳ – Việt Nam và hợp tác với Việt Nam để hỗ trợ về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP)” (10).

Đằng sau sự mượt mà của ngôn ngữ ngoại giao này, các doanh nghiệp và nhà sản xuất hàng xuất khẩu sang Mỹ nóng lòng muốn biết, tháng 7 tới, liệu Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ bóc nhãn “kinh tế phi thị trường” (NME) cho các sản phẩm của Việt Nam? Thương mại với Hoa Kỳ có thể đạt tới 145 tỷ USD, với EU có thể tới 75 tỷ USD trong năm nay. Còn với Nga, phấn đấu lên 2.5 tỷ USD. Sau hồi “cờ – đèn – kèn – trống” đón rước một tội phạm quốc tế, liệu bát cơm sắp đưa lên miệng người dân rồi đây có bị hất khỏi tay?

Tham khảo:

(1) https://kevevn.vn/20240620/hai-dieu-quan-trong-bac-nhat-trong-thoa-thuat-dat-duoc-giua-putin-vv-va-to-lam-30447105.html

(2) https://www.voatiengviet.com/a/7584773.html

(3) https://vneconomy.vn/putin-ung-ho-trung-quoc-van-de-bien-dong.htm

(4) https://baotintuc.vn/thoi-su/toan-van-tuyen-bo-chung-viet-nam-lien-bang-nga-20240620194530522.htm

(5) https://www.voatiengviet.com/a/toa-an-quoc-te-ra-trat-bat-tong-thong-putin-vi-pham-toi-ac-chien-tranh-/7010236.html

(6) https://www.voatiengviet.com/a/dai-su-ukraine-hanoi-putin-lam-giam-hop-tac-kinh-te-ukraine-viet-nam-ky-thoa-thuan-voi-putin-vo-ich/7660638.html

(7) https://trieuxuan.vn/en/De-hieu-them-tho-To-Huu/

(8) https://chientruongvietnam.com/2018/11/19/cac-quoc-gia-tung-ho-tro-che-do-khmer-do-pol-pot/

(9) https://www.voatiengviet.com/a/7663477.html

(10) https://www.voatiengviet.com/a/7663671.html

Việt Nam không ngại bị chỉ trích khi đón tổng thống Putin bị CPI truy nã vì „tội ác chiến tranh“

 

RFI

Khi tiếp tổng thống Vladimir Putin, Hà Nội muốn „viết tiếp chương mới trong lịch sử quan hệ hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga“ (1). Việt Nam không có lợi khi Nga suy yếu hoặc bị gạt ra ngoài lề trên trường quốc tế vì đối tác chiến lược toàn diện này giúp Hà Nội cân bằng trước những áp lực từ Trung Quốc và Mỹ (2).

Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm tiếp tổng thống Nga Vladimir Putin (T) tại phủ chủ tịch, Hà Nội, Việt Nam, ngày 20/06/2024.

 

Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm tiếp tổng thống Nga Vladimir Putin (T) tại phủ chủ tịch, Hà Nội, Việt Nam, ngày 20/06/2024. AP – Kristina Kormilitsyna

QUẢNG CÁO

Việt Nam đã lường mọi phản ứng khi mời và tiếp đón tổng thống bị Tòa án Hình sự Quốc tế truy nã vì phạm „tội ác chiến tranh“ ở Ukraina.

Chuyến công du của ông Putin được quảng bá rầm rộ hơn hẳn những chuyến thăm cấp Nhà nước trước đó dù Hà Nội phần nào lo ngại bị phương Tây cho là „liên kết ngầm“ khi ông Putin kết hợp với chuyến thăm Bình Nhưỡng (3). Hiện giờ, chỉ có Mỹ lên tiếng chỉ trích nhưng đồng thời cử ngay trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ, phụ trách Đông Á – Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink đến Hà Nội. Đặc sứ Mỹ không bình luận về đối ngoại của Việt Nam nhưng lưu ý „chỉ có Việt Nam có thể quyết định cách tốt nhất để bảo vệ chủ quyền và thúc đẩy các lợi ích“.

Vậy Hà Nội tính toán gì và được lợi gì khi tiếp đón tổng thống Nga Putin ? Phản ứng của các đối tác phương Tây sẽ ra sao ? RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, giảng viên Trường Normale Supérieure, Lyon, Pháp.


RFI : Tổng thống Nga Vladimir Putin đến thăm Việt Nam cấp Nhà nước sau chuyến công du Bắc Triều Tiên trong khi ông Putin đang bị Tòa án Hình sự Quốc tế truy nã vì phạm tội ác chiến tranh ở Ukraina. Mục đích chuyến công du Việt Nam của nguyên thủ Nga là gì ? Việt Nam tính toán gì khi tiếp tổng thống Putin ?

Laurent Gédéon : Đúng vậy, ông Vladimir Putin công du Việt Nam ngày 20/06 theo lời mời của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, được đưa ra khá gần đây, trong cuộc điện đàm ngày 26/03/2024 với tổng thống Nga. Cho nên chuyến công du phản ánh rõ mong muốn của cả Nga lẫn Việt Nam. Công du Việt Nam không phải là chuyện mới đối với tổng thống Nga vì ông đã tới Việt Nam 4 lần : hai chuyến thăm cấp Nhà nước năm 2001, 2013 và hai lần tham gia thượng đỉnh hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương – APEC tại Đà Nẵng năm 2006 và 2017. Chuyến thăm hôm 20/06 ở cấp Nhà nước, với nghi thức cao nhất, là lần thứ năm ông đến Việt Nam và phải nói là đáng kể, đồng thời cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Nga dành cho Việt Nam.

Đối với Hà Nội, chuyến công du của tổng thống Putin mang lại nhiều lợi ích : Tăng uy tín quốc tế của Việt Nam ; gửi thông điệp đến Trung Quốc rằng Việt Nam không đơn độc và có thể dựa vào nhiều nhân tố lớn mạnh, kể cả liên quan đến vấn đề Biển Đông ; gửi thông điệp đến Hoa Kỳ ; tăng cường mối quan hệ với Nga. Nghi lễ đón tiếp trang trọng, nồng nhiệt, nhất là việc chính phủ Việt Nam nhấn mạnh đến tính chất đặc biệt của mối quan hệ với Nga cho thấy rằng đối với Hà Nội, cuộc gặp này là cơ hội để nâng cao mối quan hệ với một đất nước mà họ coi là „một trong những đối tác chính trong chính sách đối ngoại của Việt Nam“, theo phát biểu của chủ tịch nước Tô Lâm. Về mặt ý nghĩa biểu tượng, các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng muốn cho thấy rằng sự ủng hộ của Liên Xô trong chiến tranh Đông Dương và Cam Bốt vẫn chưa bị lãng quên.

Dĩ nhiên, phía Nga cũng được lợi vì chuyến công du giúp Matxcơva khẳng định rằng họ không bị cô lập, họ có bạn ở khắp nơi trên thế giới, giúp tăng cường tính chính đáng ngoại giao của Nga, giữ cân bằng với Trung Quốc, đồng thời gửi thông điệp đến Hoa Kỳ rằng nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập tổng thống Nga đã thất bại. Do đó, có thể thấy sự hội tụ lợi ích giữa Việt Nam và Nga trong khuôn khổ chuyến công du này.

Bối cảnh của chuyến công du cũng rất đặc biệt vì có rất nhiều hoạt động ngoại giao. Trước tiên là kỷ niệm 30 năm Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị, được Việt Nam và Nga ký ngày 16/06/1994. Tiếp theo là sắp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương (tháng 01/1950). Ngoài ra, Việt Nam nằm trong số 12 nước được mời tham dự đối thoại BRICS với các nước đang phát triển, được tổ chức tại Matxcơva ngày 11/06. Cuối cùng, vào đầu tháng 03, Việt Nam và Nga đã tổ chức đối thoại chiến lược lần thứ 13 về ngoại giao, an ninh-quốc phòng.

Về mặt địa chiến lược, cần lưu ý là chuyến công du diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Philippines và Trung Quốc, đặc biệt là vụ va chạm ngày 17/06 giữa thủy thủ hai nước khi tàu của Philippines tiếp viện cho lực lượng đồn trú trên con tàu bị mắc kẹt ở Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal).

RFI : Chuyến thăm của tổng thống Nga Vladimir Putin có những tác động như thế nào đối với Việt Nam ?

Laurent Gédéon : Chuyến công du này cho thấy rõ mong muốn hợp tác chính thức với những mục tiêu được thể hiện chi tiết rõ ràng. Hai nước tăng cường mối quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, kinh tế, công nghệ, nhân đạo, khoa học, năng lượng, giáo dục, du lịch và văn hóa. Chúng ta cũng thấy tổng thống Putin đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề điện hạt nhân dân sự và khả năng các công ty Nga tham gia vào lĩnh vực này ở Việt Nam.

Ngoài ra, vấn đề tăng cường đối tác chiến lược giữa hai nước cũng được đặt ra. Thứ nhất về lĩnh vực vũ khí, theo như tôi biết là không được nêu đích danh, nhưng phải nhắc lại rằng Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Việt Nam. 90% vũ khí được Hà Nội nhập khẩu từ 1995 đến 2015 là của Nga. Cuộc chiến ở Ukraina giúp Nga quảng cáo một số loại vũ khí với các đối tác, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, ở đây chúng ta có thể đặt ra câu hỏi về sự phụ thuộc của Việt Nam, khá là đáng báo động, vào vũ khí Nga nếu nhìn vào bối cảnh tế nhị của cuộc chiến ở Ukraina và sự điều chỉnh thế cân bằng ở Á-Âu, nơi Trung Quốc ngày càng có ảnh hưởng đáng kể. Nga không có hiệp ước phòng thủ chung với Việt Nam, không giống như hiệp ước mà tổng thống Putin vừa tái kích hoạt với Bắc Triều Tiên. Do đó, có thể hỏi liệu Matxcơva có sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam bảo vệ lãnh thổ hay không trong khi Nga cũng phụ thuộc về ngoại giao và công nghệ vào Trung Quốc ? Đây là một câu hỏi rất quan trọng trong bối cảnh vũ khí Nga chiếm gần như toàn bộ trong quân đội Việt Nam.

Tiếp theo là tác động trong lĩnh vực dầu khí khi biết rằng Matxcơva là đối tác ngày càng quan trọng của Việt Nam trong lĩnh vực này. Rất nhiều tập đoàn lớn của Nga như Gazprom chiếm phần lớn hoạt động trong lĩnh vực dầu khí ở Việt Nam. Về mặt kinh tế nói chung, theo số liệu, hợp tác Nga-Việt gia tăng đáng kể, cụ thể trao đổi thương mại song phương đạt 3,63 tỷ đô la năm 2023, tăng 2,3% so với năm trước. Chỉ riêng 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Nga đạt 1,96 tỷ đô la, tăng 51,4% trên một năm. Có rất nhiều nhà đầu tư Nga ở Việt Nam, tham gia vào 186 dự án với tổng số vốn là 984,98 triệu đô la, giúp Nga đứng hàng thứ 28 trong số 145 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Phía Việt Nam đã đầu tư vào 18 dự án ở Nga, với tổng trị giá khoảng 1,63 triệu đô la.

Cuối cùng về hệ quả chính trị hay ngoại giao, có thể chuyến công du của tổng thống Putin không gây tác động quá lớn về mặt ngoại giao cho Việt Nam.

RFI : Vậy hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế sẽ bị ảnh hưởng như thế nào khi Hà Nội tiếp một tổng thống gây chiến ở Ukraina từ ba năm nay ?

Laurent Gédéon : Tôi nghĩ rằng hình ảnh của Việt Nam sẽ ít bị tác động bởi vì Hà Nội khá là kín tiếng về chủ đề Ukraina. Việt Nam vắng mặt trong cuộc bỏ phiếu ngày 02/03/2022 về nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc lên án cuộc xâm lược của Nga ở Ukraina. Sau đó, Việt Nam đã bỏ phiếu chống việc loại Nga khỏi Hội Đồng Nhân Quyền tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ngày 07/04/2022. Gần đây Việt Nam cũng không tham dự hội nghị về hòa bình cho Ukraina, diễn ra ở Thụy Sĩ ngày 15-16/06.

Tại Hà Nội, tổng thống Putin nhấn mạnh đến việc Nga và Việt Nam có cách nhìn „tương đồng“ về tình hình châu Á-Thái Bình Dương. Ông cũng nhấn mạnh đến những nỗ lực của Hà Nội để bảo vệ một trật tự thế giới cân bằng, dựa trên những nguyên tắc bình đẳng của tất cả các nước và không can thiệp vào chuyện nội bộ của nhau“.

Dù trong bối cảnh tế nhị như vậy, việc tái khẳng định mối quan hệ Việt-Nga có lẽ không tác động đến hình ảnh của Hà Nội chừng nào nền „ngoại giao cây tre“ – đa phương, linh hoạt và thận trọng – vẫn vận hành. Đây là chiến lược tập trung phát triển quan hệ đối tác với nhiều nước, đôi khi thuộc các khối đối lập, mà vẫn giữ được độc lập và lợi ích quốc gia. Chính điều này giúp Việt Nam duy trì thế cân bằng giữa các siêu cường đối thủ : Trung Quốc, Nga và Mỹ. Do đó, Nga là một đối trọng hữu ích để Việt Nam đối phó với Trung Quốc và Hoa Kỳ. Về mặt truyền thông ngoại giao, chuyến thăm của Putin là cơ hội để Hà Nội chứng tỏ rằng chính sách đối ngoại của họ là cân bằng, không thiên vị bất kỳ cường quốc nào.

Vì vậy tôi cho rằng Việt Nam sẽ chỉ bị ít hệ quả tiêu cực nhưng thu được lợi ích về kinh tế và ngoại giao nhiều hơn.

RFI : Ngay sau khi ông Putin rời Hà Nội, ông Daniel Kritenbrink, trợ lý ngoại Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương đã đến Việt Nam ngày 21/06. Hoa Kỳ và các nước phương Tây sẽ phản ứng ra như thế nào đối với Việt Nam ? Liệu sẽ có hình thức trừng phạt nào đó hay chỉ là những lời chỉ trích ?

Laurent Gédéon : Việt Nam, giống như Nga, Trung Quốc hoặc Hoa Kỳ, không tham gia Tòa Án Hình Sự Quốc Tế nên không bận tâm đến lệnh bắt của Tòa nhắm vào tổng thống Nga vì bị cáo buộc gây tội ác chiến tranh ở Ukraina. Cần lưu ý là trước chuyến công du Việt Nam, tổng thống Nga đã đến Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất ngày 06/12/2023 và các nước phương Tây chỉ đưa ra những phát biểu phản đối.

Hoa Kỳ đã phản ứng, chủ yếu thông qua phát biểu của người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội. Ông tuyên bố : „Không một nước nào nên trao cho ông Putin một diễn đàn để cổ vũ cuộc chiến xâm lược của ông ta và cho phép ông tác bình thường hóa những tội ác“. Ông cũng nói thêm rằng „nếu ông Putin có thể tự do đi lại, điều đó có thể sẽ khiến những vụ vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế của Nga trở thành chuyện bình thường“. Cho nên Mỹ rất chú ý đến những gì đang diễn ra ở Việt Nam.

Tổng thống Mỹ Joe Biden công du Việt Nam ngày 10-11/09/2023 và hai bên đã ký thỏa thuận „Đối tác chiến lược toàn diện“, mức cao nhất của Hà Nội. Sau đó, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đến thăm Việt Nam ngày 12-13/12/2023. Có thể thấy Việt Nam rất được „chú ý“ vì có tầm quan trọng địa-chính trị ở trong vùng. Trong bối cảnh đó, ít có khả năng Hoa Kỳ, cũng như Liên Hiệp Châu Âu hay những nước phương Tây khác, vượt qua ngưỡng phát biểu bày tỏ bất bình đối với Hà Nội sau chuyến công du của nguyên thủ Nga.

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, giảng viên Trường Normale Supérieure, Lyon.


(1) „Viết tiếp chương mới trong lịch sử quan hệ hữu nghị Việt Nam-Liên bang Nga“, Nhân Dân, 06/2024.

(2) (3) Thayer Consultancy, Background Brief : Russia’s Putin to Visit Vietnam: Scene Setter – 4, June 17, 2024.