Mục lục
Tám tổ chức kêu gọi EU hối thúc Việt Nam cải thiện hồ sơ nhân quyền
Hình minh hoạ: Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, bà Federica Mogherini (trái) và Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh tại cuộc họp báo ở Hà Nội hôm 5/8/2019. Reuters
Nhân dịp Liên minh Châu Âu (EU) và Việt Nam tiến hành Đối thoại Nhân quyền, tám tổ chức nhân quyền và xã hội dân sự của Việt Nam và quốc tế đã viết thư chung kêu gọi EU hối thúc Hà Nội tôn trọng các cam kết quốc tế về nhân quyền.
Thư chung, được các tổ chức trong đó có Hiến chương 19 (Article 19), Manushya Foundation, Diễn đàn Xã hội Dân sự, Mạng lưới Dân chủ Châu Á… được công bố ngày 4/7 khi khối 27 quốc gia EU cùng Việt Nam tổ chức cuộc đối thoại lần thứ 12 tại thủ đô Brussels (Vương quốc Bỉ).
Trong thư chung, tám tổ chức bày tỏ quan ngại về việc chính quyền độc đảng ở Việt Nam tiếp tục hạn chế nghiêm trọng các quyền con người, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận và lập hội, vi phạm các nghĩa vụ của mình theo luật nhân quyền quốc tế cho dù Việt Nam đang là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 và muốn tiếp tục ứng cử vào nhiệm kỳ tiếp theo.
Trong thư chung, các tổ chức ký tên cũng dẫn Báo cáo Biểu đạt Toàn cầu năm 2024 của tổ chức Hiến chương 19 trong đó Việt Nam được xếp vào nhóm “đang gặp khủng hoảng” do bị hạn chế nghiêm trọng về quyền tự do ngôn luận.
“Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng EU, với tư cách là cơ quan ủng hộ nhân quyền tận tâm, nên có hành động quyết đoán để giải quyết những lo ngại này và có lập trường vững chắc và kiên định trong việc bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam,” các tổ chức nói.
Các tổ chức cho rằng Việt Nam có nhiều điều luật chưa đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền như các điều luật 109, 117 và 331 của Bộ luật Hình sự (2015), Luật An ninh mạng (2018) và dự thảo mới Nghị định 72 năm 2013 của Chính phủ có thể sớm yêu cầu người dùng mạng xã hội sử dụng danh tính thật và bắt buộc các nền tảng phải xác minh danh tính người dùng.
“Chúng tôi kêu gọi EU gây áp lực lên Chính phủ Việt Nam để bãi bỏ hoặc sửa đổi các luật này và nhấn mạnh sự cần thiết phải điều chỉnh luật pháp quốc gia của Việt Nam cho phù hợp với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế,” thư chung viết.
Thư chung cũng dẫn báo cáo gần đây của tổ chức Sáng kiến Pháp lý Việt Nam (LIV) nói rằng Chính phủ Việt Nam đã nhắm mục tiêu một cách có hệ thống vào các nhà hoạt động, nhà báo và những người bày tỏ quan điểm bất đồng trên nền tảng kỹ thuật số, sử dụng các điều luật mơ hồ để biện minh cho việc bắt giữ và kiểm duyệt.
Các quy định hạn chế của Bộ luật Hình sự nhằm hình sự hóa các hoạt động được coi là “chống phá Nhà nước’ đã được sử dụng để bắt giữ và đe dọa các nhà báo, nhà hoạt động và lãnh đạo nhiều tổ chức phi chính phủ. Nạn nhân là ba thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, nhà báo Phạm Đoan Trang, Trương Huy San (tức blogger Osin) và nhiều người dùng mạng xã hội khác.
Cô Emilie Palamy Pradichit, người sáng lập tổ chức Manushya Foundation đấu tranh cho nhân quyền và nữ quyền ở châu Á, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) ngày 05/7:
“Với tư cách là người bảo vệ quyền tự do ngôn luận, chúng tôi kêu gọi EU tận dụng ảnh hưởng của mình để buộc Chính phủ Việt Nam sửa đổi luật đàn áp và chấm dứt đàn áp những người thực hiện các quyền cơ bản của họ. Nói lên sự thật trước quyền lực không phải là một tội. Các cam kết của EU về nhân quyền phải được thể hiện bằng hành động quyết liệt nhằm bảo vệ tiếng nói của các nhà hoạt động và nhà báo tại Việt Nam.”
Trong thư chung, các tổ chức kêu gọi EU gây áp lực mạnh mẽ lên Chính phủ Việt Nam để xoá bỏ các các bản án hình sự đối với các nhà báo và nhà hoạt động nổi tiếng và yêu cầu chấm dứt mọi nỗ lực đàn áp quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam.
Các tổ chức cũng kêu gọi EU tiếp tục hỗ trợ các tổ chức xã hội dân sự và những người bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam, tạo điều kiện cho họ lên tiếng và đóng góp vào những thay đổi tích cực.
Theo các tổ chức này, EU nên khuyến khích các công ty công nghệ hoạt động tại Việt Nam sử dụng mọi biện pháp có thể để bảo vệ quyền tự do ngôn luận. Các doanh nghiệp này phải tuân thủ Nguyên tắc Hướng dẫn của Liên Hiệp quốc về Kinh doanh và Nhân quyền (UNGP) và tôn trọng nhân quyền, bao gồm cả quyền tự do ngôn luận.
Các công ty công nghệ phải phản đối các lệnh ngăn chặn và xóa bỏ bài viết do chính quyền Việt Nam yêu cầu và phải bảo đảm rằng họ không gây ra, góp phần hoặc trở thành đồng lõa trong các hành vi vi phạm nhân quyền. Ngay cả trong trường hợp Chính phủ Việt Nam lơ là nghĩa vụ của mình và khi luật pháp hoặc mệnh lệnh trong nước xung đột với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế, các công ty nên tìm cách giảm thiểu tác động tiêu cực đến nhân quyền của các biện pháp đó với sự tham vấn đầy đủ của xã hội dân sự Việt Nam, thư chung viết.
Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam với đề nghị bình luận về lời kêu gọi của tám tổ chức nói trên, tuy nhiên chưa nhận được ngay câu trả lời.
Đối thoại EU-Việt Nam chưa hiệu quả
Tiếng nói của người dân bị ngăn chặn (ảnh minh hoạ- Reuters)
EU và Việt Nam đã trao đổi nhân quyền từ năm 1990 và đã có 11 cuộc đối thoại nhân quyền thường niên. Tuy nhiên, nhiều tổ chức và cá nhân cho rằng vận động của EU không hiệu quả vì cho đến nay Việt Nam gần như không cải thiện một vấn đề nào được khối này nêu ra, như đánh giá của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW).
Theo một nhà hoạt động ở Hà Nội, người không muốn công khai danh tính vì lý do an ninh, nói rằng nếu chỉ xét nhân quyền giới hạn ở quyền trẻ em, người khuyết tật, bình đẳng giới hay LGBT (người đồng giới, người song tính, người chuyển giới) thì Việt Nam có một số bước tiến đáng kể.
Tuy nhiên, theo ông, những tiến bộ này nó chẳng thấm vào đâu so với những chà đạp nhân quyền mà Việt Nam thực hiện trong vài năm gần đây. Ông nói trong tin nhắn gửi RFA ngày 05/7:
“Nếu nhìn tinh ý, Việt Nam chỉ cải thiện những lĩnh vực nhân quyền mà ở đó nó không dính dáng gì đến quyền chính trị và dân sự- điều này đồng nghĩa là người dân vẫn đứng ngoài mọi quyết sách liên quan tới đời sống của họ.
Đảng Cộng sản vẫn độc quyền lãnh đạo mà không chia sẻ quyền lực với ai cả, bởi những quyền như quyền nghiệp đoàn, tự do báo chí, tự do ngôn luận hoặc đảng phái đều không có một chút cải thiện nào mà còn tệ hại.”
Về cách tiếp cận vấn đề nhân quyền Việt Nam của EU, người này cho rằng hoặc là EU ngây thơ và bị Hà Nội dắt mũi, hoặc là vì lợi ích kinh tế mà khối này nhắm mắt trước những chà đạp nhân quyền đó của Việt Nam.
Ông lấy ví dụ để EU ký và phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự Do EU-Việt Nam (EVFTA), Hà Nội đã giả vờ cho những cá nhân đứng ra vận động cho nghiệp đoàn độc lập, trong đó có Vụ trưởng Vụ pháp chế Nguyễn Văn Bình thuộc Bộ Lao động Thương binh Xã hội, với mục đích là để EU tưởng chừng Việt Nam sẽ ký thông qua Công ước 87 của ILO về quyền tự do hiệp hội và bảo vệ quyền được tổ chức công đoàn.
Tuy nhiên, sau khi EU phê chuẩn hiệp định thương mại quan trọng thì Việt Nam bắt bớ hàng loạt những người hoạt động môi trường, và cả những người vận động hành lang cho quyền lao động, nghiệp đoàn như Nguyễn Văn Bình và Trưởng ban Pháp chế và Chính sách của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Vũ Minh Tiến.
Một nhà hoạt động khác ở thành phố Hồ Chí Minh, người cũng muốn ẩn danh vì lý do an ninh, cho rằng EU không thật tâm về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Người này nói:
“Tôi cũng như rất nhiều người tranh đấu ở Việt Nam tin rằng cho đến lúc này, EU thật sự đang nuối tiếc vì đã đưa ra những ràng buộc về nhân quyền và những vấn đề công đoàn lao động với Việt Nam trong chuyện làm ăn, vì bởi thực sự những chi tiết trong các vấn đề đó chỉ làm bữa ăn của các quan chức EU trở nên khó nuốt trước dư luận hơn thôi, chứ ngoài ra thì họ không hề có một sự suy nghĩ nào thật tâm về chuyện Cộng sản Việt Nam đang lừa dối công khai, thậm chí đối phó ngày một bài bản mang tính trình diễn ngoại giao với EU.
Cách mà EU và Hà Nội đưa đẩy nhau về câu chuyện công đoàn lao động, về nhân quyền, nó đang giống như một bài nhảy đôi tango tàn nhẫn trên số phận của những tù nhân tranh đấu vì môi trường của Việt Nam, cũng như hàng loạt các vụ bắt bớ ngày càng tăng.”
Theo người này, trong nhiều năm qua, nhiều tổ chức và cá nhân đã khuyến nghị nhưng EU “dường như cũng đã học được cách giỏi giả mù thực tế, không khác gì Cộng sản Việt Nam.”
Theo nhà hoạt động ở Hà Nội thì EU cần thay đổi cách đối thoại với Việt Nam về nhân quyền. Khối này cần phải gây thêm sức ép, bằng cách nào đó phải buộc Việt Nam cải cách thực sự về nhân quyền.
Theo người này, nếu Việt Nam không cải thiện nhân quyền, EU có thể đưa ra một số trừng phạt kinh tế hoặc là ngưng tài trợ cho các tổ chức nhà nước vì việc tài trợ này chỉ giúp xiết thêm thòng lọng vào cổ người dân Việt Nam trong khi quan chức cộng sản sẽ có thêm tiền và giàu có, quyền lực và vẫn tiếp tục ngả về Trung Quốc.
RFA (05.07.2024)
Báo cáo HRMI 2024: Người dân Việt Nam ‘không an toàn’ trước nhà nước
Báo cáo tóm tắt của HRMI về các chỉ số nhân quyền Việt Nam, 2024. Photo HRMI.
Tổ chức Sáng kiến Đánh giá Nhân quyền (HRMI) vừa công bố báo cáo các chỉ số nhân quyền 2024, đánh giá rằng người dân Việt Nam “không an toàn” trước nhà nước trong khi các quyền tự do dân sự và tự do chính trị đang “ngày càng xấu đi”. Tuy nhiên, truyền thông nhà nước Việt Nam lên án báo cáo của HRMI.
HRMI – một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại New Zealand – hồi tháng trước công bố báo cáo thường niên về tình trạng nhân quyền toàn cầu thông qua các Chỉ số Thực hiện Quyền Kinh tế và Xã hội (SERF) và xếp hạng hiệu suất của mỗi quốc gia bằng cách ấn định điểm số cho 3 tiêu chí chính: chất lượng cuộc sống, an toàn trước nhà nước và trao quyền.
Trong phần báo cáo về Việt Nam, HRMI cho rằng tình trạng nhân quyền của Việt Nam tiếp tục suy giảm trong năm 2023.
Về hạng mục an toàn trước nhà nước, Việt Nam đạt 4,6/10 điểm, giảm 0,3 so với điểm 4,9 vào năm ngoái.
Theo báo cáo mới nhất của HRMI, nhiều người ở Việt Nam “không an toàn” do có những vụ việc bị bắt giữ, tra tấn, ngược đãi, cưỡng bức mất tích, hành quyết hoặc giết người ngoài vòng pháp luật.
Về mục này, dù thiếu dữ liệu để so sánh trong khu vực, song báo cáo HRMI cho rằng mức an toàn của người Việt Nam trước nhà nước “thấp hơn mức trung bình” so với các quốc gia khác.
Theo HRMI, các nhóm có nguy cơ bị vi phạm các quyền này cao nhất là những người ủng hộ nhân quyền, những người có niềm tin chính trị hoặc sắc tộc cụ thể, và các nhà báo.
Về hạng mục trao quyền, Việt Nam bị đánh giá “rất tệ” ở cả 4 chỉ số. Cụ thể, nước này chỉ đạt 2,5 điểm về quyền hội họp và lập hội; 2,8 về bày tỏ quan điểm và biểu đạt; 2,7 về tham gia chính quyền và 2,4 về tôn giáo và tín ngưỡng.
HRMI nhận định rằng Việt Nam có kết quả “kém hơn mức trung bình” về hạng mục trao quyền, với các nhóm có nguy cơ bao gồm những người phản đối hoặc tham gia các hoạt động chính trị bất bạo động, các nhà hoạt động nhân quyền, những người có tín ngưỡng hoặc thực hành tôn giáo riêng của họ, người dân bản địa…
Với 89,4% về quyền chất lượng cuộc sống, HRMI nhận định rằng chỉ số này cho thấy “Việt Nam đang thực hiện tốt hơn mức trung bình” về quyền chất lượng cuộc sống so với các quốc gia khác ở Đông Á.
Con số trên cho biết rằng hiện nay Việt Nam mới chỉ làm được 89,4% những gì có thể làm được với nguồn lực hiện có. Vì bất cứ điều gì dưới 100% cho thấy một quốc gia không đáp ứng nghĩa vụ hiện tại của mình theo luật nhân quyền quốc tế, nên HRMI đánh giá là “Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để đáp ứng nghĩa vụ trước mắt về các quyền kinh tế và xã hội”.
HRMI lưu ý rằng ở Việt Nam một bộ phận lớn người dân chưa được tiếp cận đầy đủ và không thể được hưởng trọn vẹn các quyền về chất lượng cuộc sống. Những nhóm người này bao gồm người bản địa, người thuộc các dân tộc hoặc tín ngưỡng cụ thể, người bị giam giữ và những người bị khởi tố, các nhà hoạt động nhân quyền và những người có địa vị xã hội hoặc kinh tế thấp, cùng những người khác, báo cáo cho biết.
VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ đưa ra ý kiến về báo cáo mới này của HRMI, nhưng chưa được phản hồi.
Trong tuần qua, các trang báo nhà nước của Việt Nam đồng loạt lên án về bản báo cáo mới này của HRMI, trong khi giới hoạt động cho nhân quyền bày tỏ sự đồng tình với báo cáo.
“Đây thực chất vẫn là những luận điệu vô căn cứ, hoàn toàn không dựa trên tình hình thực tế về đảm bảo quyền con người ở Việt Nam”, đài truyền hình Thông tấn VNews của Việt Nam đưa ra quan điểm hôm 1/7. “Những chiêu trò bổn cũ soạn lại này thực chất nhằm chống phá… hạ thấp uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế”, trang web của VNews nêu ý kiến.
Tổ chức HRMI “mượn lời những kẻ cơ hội chính trị, chống phá để chọc ngoáy, công kích Đảng và Nhà nước Việt Nam”, Thông Tấn Xã Việt Nam viết hôm 1/7.
Giới hoat động khi so sánh các chỉ số năm 2024 với các chỉ số trước đó vào năm 2022 và 2023 của HRMI, nhận định rằng tình hình nhân quyền của Việt Nam thiếu tiến bộ và ngày càng xấu đi, trong đó các quyền tự do dân sự và tự do chính trị bị “xâm hại”.
“Tổ chức Sáng kiến Đánh giá Nhân quyền đưa ra kết quả này hoàn toàn chính xác dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế, theo hệ thống luật pháp của các nước dân chủ. Trong khi đó, Việt Nam phản biện dựa vào các luật lệ và lợi ích của họ”, nhà hoạt động nhân quyền Vàng Seo Giả ở bang Minnesota, Mỹ, nêu nhận định cá nhân với VOA.
“Bản báo mới nhất của HRMI cho thấy rõ ràng rằng việc tuân thủ nhân quyền của Việt Nam đang suy giảm dần. Hạng mục an toàn trước nhà nước và trao quyền của nước này phản ánh tình trạng suy thoái đặc biệt đáng lo ngại”, tác giả Aerolyne Reed nhận định trên tạp chí The Vietnamese hôm 2/7.
Nữ nhà báo này quan sát rằng mặc dù chất lượng cuộc sống ở Việt Nam vẫn được đánh giá cao nhưng những lợi ích này không phải ai cũng có thể tiếp cận được, vì theo báo cáo của HRMI, những người cần chất lượng cuộc sống nhất “thường không thể đạt được điều đó”.
VOA (04.07.2024)
HRW kêu gọi EU ‘đối phó’ hiệu quả hơn với tình trạng đàn áp nhân quyền gia tăng ở Việt Nam
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính (phải) bắt tay Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel khi dự hội nghị thượng đỉnh EU-ASEAN tại trụ sở Hội đồng Châu Âu ở Brussels ngày 14/12/2022.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm 3/7 kêu gọi Liên minh châu Âu cân nhắc lại cuộc đối thoại nhân quyền song phương với Việt Nam và áp dụng các biện pháp hiệu quả hơn, gồm cả trừng phạt các lãnh đạo nhà nước, để đối phó với tình trạng đàn áp đang gia tăng của chính quyền Hà Nội.
Tổ chức có trụ sở ở New York, Mỹ, đưa ra lời kêu gọi này căn cứ theo một tờ trình trước cuộc Đối thoại Nhân quyền EU-Việt Nam mà họ đã gửi tới Liên minh châu Âu hồi tháng 5. Vòng đối thoại thường niên năm nay sẽ diễn ra tại Brussels của Bỉ vào ngày 4/7.
Trong thông cáo đưa ra hôm 3/7, HRW nói rằng dù Liên minh châu Âu và Việt Nam đã xúc tiến trao đổi về nhân quyền từ thập niên 1990 nhưng, trong nhiều năm, chính quyền Việt Nam “đạt được rất ít tiến bộ về nhiều vấn đề đã được các giới chức EU nêu ra, và trong mấy năm gần đây chính sách đàn áp đã gia tăng.”
“Các cuộc đối thoại nhân quyền của EU với Việt Nam trước đây có rất ít tác động tới chính sách đàn áp của Hà Nội,” ông Claudio Francavilla, phó giám đốc Vận động Khối EU của HRW nói trong thông cáo. “Lặp lại vết cũ sẽ chẳng mang lại kết quả mới. EU cần có các tiếp cận hiệu quả hơn để giải quyết tình trạng Hà Nội đàn áp các quyền tự do cơ bản.”
HRW đưa ra thống kê rằng có 160 người đang bị giam giữ tại Việt Nam vì lên tiếng phê phán chính quyền và nhắc đến trường hợp của nhà báo Huy Đức cùng luật sư Trần Đình Triển, những người bị bắt giữ mới nhất vì những bài viết ủng hộ dân chủ đăng trên mạng xã hội Facebook.
EU và Việt Nam vừa ký kết thỏa thuận hơn 500 triệu euro tài trợ cho Việt Nam chuyển đổi sang sử dụng nguồn năng lượng tái tạo nhưng, theo HRW, các nhà hoạt động môi trường “càng ngày càng dễ trở thành đối tượng bị nhà cầm quyền đặt vào vòng ngắm.”
Bốn thượng nghị sĩ Mỹ trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ vào tháng trước đã báo động tới Bộ Ngoại giao Mỹ về “môi trường nhân quyền đang xấu đi ở Việt Nam” và kêu gọi Ngoại trưởng Antony Blinken thúc ép Việt Nam trả tự do cho những người bảo vệ nhân quyền đang bị giam cầm, trong đó có những nhà vận động cho quyền môi trường Đặng Đình Bách và Hoàng Thị Minh Hồng.
HRW cho rằng một số vi phạm của chính quyền Việt Nam có liên quan tới Hiệp ước Thương mại Tự do EU-Việt Nam, vốn có hiệu lực từ tháng 8/2020. HRW nhắc tới việc nhà hoạt động Phạm Chí Dũng, từng là blogger của VOA, vẫn đang bị giam cầm sau song sắt vì phải thi hành bản án 15 năm tù “do đã ôn hòa vận động EU tranh thủ nguyện vọng ký hiệp định thương mại của Việt Nam làm đòn bẩy để đạt được những tiến bộ nhân quyền trong nước – một ý kiến đã được HRW và nhiều nhóm nhân quyền khác đồng tình.”
Chính phủ Việt Nam vẫn chưa ký kết Công ước số 87 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về Quyền Tự do Lập hội và Bảo vệ Quyền được Tổ chức, dù trước khi Nghị viện EU bỏ phiếu về Hiệp định thương mại tự do EVFTA hồi tháng 2/2020, Việt Nam đã cam kết cụ thể sẽ thực hiện việc này trong năm 2023, theo HRW.
Sau cuộc Đối thoại Nhân quyền vào tháng 6 năm ngoái, EU và Việt Nam đưa ra thông cáo chung trong đó nói rằng “EU hoan nghênh việc Việt Nam phê chuẩn hầu hết các công ước cốt lõi của ILO, đồng thời khuyến khích Việt Nam phê chuẩn Công ước 87 còn lại, cũng như thông qua nghị định về các tổ chức đại diện cho người lao động.”
Nhưng HRW cho rằng EU “không nên lặp lại các cuộc đối thoại nhân quyền không mang lại kết quả gì ngoài ảo tưởng đã chỉ tên được các vi phạm nhân quyền của Việt Nam.” Tổ chức này cũng kêu gọi EU cân nhắc các công cụ hữu hiệu hơn để gây sức ép, buộc chính quyền Việt Nam “chấm dứt vi phạm” cũng như “áp dụng các lệnh trừng phạt có mục tiêu nhắm vào các cá nhân và tổ chức của Việt Nam phải chịu trách nhiệm về đàn áp nhân quyền một cách có hệ thống ở trong nước, kể cả các lãnh đạo nhà nước.”
“Chỉ bằng cách đặt ra lệnh trừng phạt có mục tiêu và các hậu quả cụ thể về quan hệ thương mại và chính trị mới thể hiện được thông điệp rõ ràng tới Hà Nội rằng EU coi nhân quyền là vấn đề nghiêm túc,” ông Francavilla nói.
VOA đã gửi yêu cầu bình luận về lời kêu gọi của HRW đến Liên minh châu Âu và Bộ Ngoại giao Việt Nam. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao ở Hà Nội nhiều lần bác bỏ những cáo buộc từ HRW và các tổ chức quốc tế về sai phạm nhân quyền của chính quyền Việt Nam, cho rằng họ chỉ giam giữ những người vi phạm phát luật.
Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Geneva, trong buổi đối thoại với Cao ủy LHQ về Nhân quyền hôm 19/6, nói rằng Việt Nam tôn trọng những nỗ lực bảo vệ nhân quyền và cam kết hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Trong thông cáo chung đưa ra năm ngoái, Việt Nam và EU “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục hợp tác và đối thoại cởi mở, thẳng thắn” về việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, bao gồm thông qua Đối thoại Nhân quyền EU-Việt Nam hàng năm, góp phần vào quan hệ đối tác song phương.
VOA (03.07.2024)
HRW: EU cần trừng phạt lãnh đạo Việt Nam thay vì cứ Đối thoại Nhân quyền
Cờ Việt Nam và EU khi ký EVFTA Reuters
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói các cuộc Đối thoại Nhân quyền của Liên minh Châu Âu (EU) với Việt Nam không hiệu quả, thay vào đó EU có thể cân nhắc sử dụng các biện pháp trừng phạt để buộc Hà Nội phải cải thiện hồ sơ nhân quyền.
Lời kêu gọi được đưa ra chỉ một ngày trước Đối thoại nhân quyền EU-Việt Nam thường niên năm 2024 sẽ được tổ chức ở Brussels, Bỉ vào ngày 04/7.
HRW cho rằng EU có thể cân nhắc biện pháp sử dụng hai hiệp định quan trọng là Hiệp định chung về Đối tác và Hợp tác toàn diện giữa EU và Việt Nam (PCA) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA) để làm đòn bẩy buộc Hà Nội phải chấm dứt đàn áp nhân quyền.
Dựa trên Điều 1 của PCA “tôn trọng các nguyên tắc dân chủ và nhân quyền” như một “thành tố thiết yếu” của hiệp ước, EU có thể đình chỉ hai hiệp định trên hoặc áp dụng biện pháp trừng phạt khác đối với Việt Nam.
Ngoài ra, tổ chức nhân quyền có trụ sở chính ở Mỹ cũng đề nghị EU có thể áp dụng các lệnh trừng phạt có mục tiêu nhằm vào các quan chức và tổ chức của Việt Nam chịu trách nhiệm việc đàn áp nhân quyền một cách có hệ thống ở trong nước.
Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Viết Dũng, người từng hai lần bị cầm tù tổng cộng bảy năm vì hai tội danh “gây rối trật tự công cộng” và “tuyên truyền chống nhà nước,” cho rằng hàng năm Việt Nam đều có các cuộc đối thoại nhân quyền với EU và nhiều quốc gia dân chủ trên thế giới nhưng việc đàn áp nhân quyền ngày càng trầm trọng.
Do vậy, EU cần có chế tài cụ thể thay vì kêu gọi chung chung, ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 03/7:
“Tôi thấy rằng lời kêu gọi của tổ chức Theo dõi Nhân quyền dành cho EU rất hay. Theo tôi nhìn nhận hình như vấn đề nhân quyền đối với Việt Nam hiện nay giống như là một trò chơi hơn là những gì được cam kết nghiêm túc.
Bởi vì những điều kiện cũng được đưa vào các hiệp định song phương của hai bên ví dụ như là Hiệp định Hợp tác và Đối tác hoặc là Hiệp định Tự do Thương mại Song phương giữa EU và Việt Nam, tuy nhiên, mặc dù các vi phạm nhân quyền của Hà Nội là rõ ràng nhưng mà điều đó gần như không ảnh hưởng gì đến những hiệp định trên cả.”
Trong thông cáo, HRW nói EU và Việt Nam đã xúc tiến trao đổi về nhân quyền từ những năm 1990 và đã có khoảng 20 cuộc đối thoại nhân quyền tính từ năm 2002, tuy nhiên, từ đó tới nay, Việt Nam gần như không cải thiện một vấn đề nào được EU nêu ra.
Thậm chí, việc đàn áp giới bất đồng chính kiến và xã hội dân sự còn trầm trọng hơn sau khi EVFTA có hiệu lực từ năm 2020, khiến cho chính quyền Việt Nam tự tin hơn về cảm giác được miễn trừ trách nhiệm, tổ chức nhân quyền có trụ sở ở New York (Hoa Kỳ) nói.
Trong cuộc đối thoại năm ngoái, hai bên cam kết cải thiện hơn nữa việc thụ hưởng các quyền dân sự và chính trị. EU đặc biệt nhấn mạnh đến quyền tự do ngôn luận và lập hội.
Tuy nhiên, theo HRW, hồ sơ nhân quyền của Việt Nam không hề cải thiện trong năm qua. Từ sau cuộc đối thoại nhân quyền giữa EU và Việt Nam vào tháng 6/2023, Việt Nam đã kết án tám người vì đã lên tiếng phê phán chính quyền, trong đó có các nhà vận động dân chủ Phan Tất Thành, Dương Tuấn Ngọc, và Nguyễn Văn Lâm với các mức tù giam từ sáu đến tám năm theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự. Bên cạnh đó, có tám nhà hoạt động khác bị bắt với cùng cáo buộc như Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Chí Tuyến, và Phan Vân Bách…
Trong cuộc đối thoại năm ngoái, hai bên ghi nhận vai trò quan trọng của các cơ quan truyền thông, các tổ chức phi chính phủ và các bên liên quan khác, cũng như sự cần thiết đảm bảo môi trường thuận lợi để họ có thể tham gia hiệu quả, bao gồm trong khuôn khổ PCA và EVFTA.
Mặc dù vậy, một tháng sau cuộc đối thoại, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành Chỉ thị mật 24 trong đó yêu cầu toàn bộ hệ thống chính trị và an ninh ngăn chặn xã hội dân sự trong việc định hình chính sách của nhà nước và thành lập các nhóm đối lập chính trị.
Chỉ thị, được tổ chức Dự án 88 tiết lộ, cũng xác định việc thành lập các công đoàn độc lập là một vấn đề an ninh quốc gia cần phải được giải quyết, quán triệt không để thành lập tổ chức của người lao động dưới hình thức dân tộc, tôn giáo.
Cho tới nay, Việt Nam vẫn chưa ký kết Công ước Số 87 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về Quyền Tự do Lập hội và Bảo vệ Quyền được Tổ chức, cho dù trước khi Quốc hội EU bỏ phiếu về EVFTA hồi tháng 2/2020, Việt Nam đã cam kết cụ thể sẽ thực hiện việc này trong năm 2023.
HRW khuyến nghị EU tập trung vào sáu lĩnh vực ưu tiên liên quan tới tình trạng nhân quyền tồi tệ ở Việt Nam, bao gồm những người bị giam giữ vì lý do chính trị, giới hoạt động môi trường, tình trạng đè nén quyền của người lao động, tình trạng đối xử pháp lý không công bằng đối với các bị can và bị cáo hình sự, tình trạng hạn chế quyền tự do đi lại, đàn áp quyền tự do thực hành tôn giáo và tín ngưỡng.
Nhà văn, nhà báo kỳ cựu Võ Thị Hảo cho rằng đề nghị trừng phạt của HRW rất quan trọng. Bà nói:
“Tất cả những biện pháp đó đều hoàn toàn cần thiết và công bằng, vấn đề là 27 nước trong khối EU có kiên quyết thực hiện hay không. Nếu không thực hiện thì ảnh hưởng đến uy tín của khối EU vì cam kết giữa hai bên không phải là chuyện đùa.”
Tuy nhiên, bà thừa nhận các quốc gia thuộc EU thường cân nhắc quyền lợi thương mại, quyền lợi kinh tế hơn, và không muốn rút chân khỏi quốc gia có vị thế địa chính trị như Việt Nam.
Bà Thục Quyên, một nhà hoạt động về nhân quyền và môi trường người Đức gốc Việt, cho rằng để thúc ép khối EU, các tổ chức và cá nhân người Việt ở Châu Âu cũng cần phải nỗ lực. Bà nói trong tin nhắn gửi RFA:
“Nếu muốn EU phải có những biện pháp hữu hiệu thì các hội đoàn Việt Nam tại Âu châu, những người hoạt động …phải từ bỏ thái độ xin xỏ giúp đỡ mà nắm vững những luật lệ EU để đòi hỏi EU phải buộc Việt Nam tôn trọng luật pháp nếu muốn có trao đổi thương mại, nhận những chương trình giúp đỡ.”
Theo HRW, các biện pháp trừng phạt được cân nhắc trong trường hợp chính quyền độc đảng ở Việt Nam lại một lần nữa từ chối phóng thích các nhà bảo vệ nhân quyền và các tù nhân chính trị, không cam kết sửa đổi các điều luật vi phạm nhân quyền và không nới rộng không gian chính trị và dân sự.
Ông Claudio Francavilla, Phó Giám đốc Vận động Khối EU của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền bày tỏ, “Chỉ bằng cách đặt ra các lệnh trừng phạt có mục tiêu và các hậu quả cụ thể về quan hệ thương mại và chính trị mới thể hiện được thông điệp rõ ràng tới Hà Nội rằng EU coi nhân quyền là vấn đề nghiêm túc,” đồng thời cho rằng, “Nếu các cuộc đối thoại nhân quyền không trở thành cơ hội để đặt ra các hậu quả nêu trên và các mốc làm điều kiện để tránh các hậu quả đó, thì vẫn chỉ là một bài diễn tập lấy lệ mà thôi.”
RFA (03.07.2024)
Thêm 37 nhà lập pháp Mỹ yêu cầu không cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam
Một công nhân làm việc tại một nhà máy thép ở tỉnh Bắc Ninh của Việt Nam, cách Hà Nội 40km về phía bắc.
Một nhóm các thành viên của Ủy ban Thép tại Quốc hội Mỹ đã bày tỏ quan ngại của họ tới Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ về việc bộ này xem xét đưa Việt Nam ra khỏi danh sách nền kinh tế phi thị trường theo yêu cầu của quốc gia Đông Nam Á, mà các nhà lập pháp này cho là “một trong những quốc gia kinh doanh thép không công bằng tai hại nhất thế giới.”
Việt Nam bị Mỹ xác định là nền kinh tế phi thị trường trong hơn 20 năm qua và Bộ Công thương Việt Nam hồi tháng 9 đã yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ đánh giá lại tình trạng này khi cho rằng họ cần được đưa ra khỏi danh sách vốn áp dụng cho các vụ kiện chống bán phá giá. Chính quyền Biden vào tháng 10 đã đồng ý xem xét lại tình trạng của Việt Nam và Bộ Thương mại Mỹ dự kiến đưa ra quyết định trong vòng vài tuần nữa.
Trong bức thư chung gửi Bộ trưởng Gina Raimondo, 37 thành viên của ủy ban lưỡng đảng, đại diện cho các khu vực có các nhà sản xuất thép, tại Quốc hội Mỹ viết rằng Việt Nam “vẫn là một ví dụ điển hình về nền kinh tế do chính phủ kiểm soát từ trên xuống và đã trở thành mối đe dọa đáng kể đối với các nhà sản xuất thép theo định hướng thị trường ở Hoa Kỳ.”
Theo các dân biểu của ủy ban, vốn thúc đẩy lợi ích của ngành công nghiệp và công nhân luyện thép Hoa Kỳ, dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và với sự trợ cấp lớn của chính phủ, ngành thép Việt Nam đã chuyển đổi “thành một nhà sản xuất thép lớn và là một trong những nước kinh doanh thép không công bằng tai hại nhất trên thế giới.”
Trích dẫn dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), các nhà lập pháp Mỹ cho biết một nửa sản lượng thép của Việt Nam là dành cho xuất khẩu.
“Ngành sản xuất thép của Mỹ đã chứng kiến những tác động tàn khốc từ việc mở rộng công suất thép phi thị trường của Việt Nam,” các nhà lập pháp nói trong bức thư. “Năm 2010, lượng thép nhập khẩu từ Việt Nam của Mỹ chưa đến 40.000 tấn. Đến năm 2018, lượng nhập khẩu từ Việt Nam vượt 1 triệu tấn.”
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong khi Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của quốc gia Đông Nam Á.
Theo nhóm các dân biểu Mỹ của Ủy ban Thép tại Quốc hội, Việt Nam là nơi các nhà sản xuất thép từ các quốc gia khác như Trung Quốc tìm cách dịch chuyển sản xuất đến đây để tránh các lệnh phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ. Do đó, theo lập luận của họ, trao quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam mà không xem xét đầy đủ và công bằng theo các yếu tố được quy định trong Đạo luật Thuế quan Hoa Kỳ năm 1930 sẽ là “quá sớm và không chính đáng.”
Một người phát ngôn của Bộ Thương mại Mỹ cho VOA biết qua email hôm 3/7 rằng “Bộ đã nhận được bức thư và sẽ trả lời qua các kênh thích hợp.”
Bộ Thương mại Mỹ vào năm 2020 đã khởi xướng một cuộc điều tra về nghi ngờ rằng các sản phẩm thép tấm không gỉ nhập từ Việt Nam là thép Trung Quốc được gia công tại quốc gia Đông Nam Á để xuất sang Mỹ nhằm lẩn tránh thuế.
Chủ tịch Liên minh Các công ty Sản xuất Hoa Kỳ (AAM) Scott Paul nói với VOA trong một lần trả lời phỏng vấn trước đây rằng “có nhiều chỉ dấu cho thấy Trung Quốc có thể đang sử dụng Việt Nam làm nền tảng để xuất khẩu sang Hoa Kỳ và điều này rõ ràng khiến các công ty ở [Mỹ] lo ngại”. AAM cũng đã gửi phản đối lên Bộ Thương mại Mỹ về việc xem xét cấp cho Việt Nam quy chế kinh tế thị trường.
Hàng chục nghị sĩ Mỹ trước đây cũng đã đưa ra quan điểm tương tự về việc Bộ Thương mại xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Họ đã kêu gọi Bộ này không nâng cấp Việt Nam lên kinh tế thị trường khi cho rằng việc này sẽ làm trầm trọng thêm những sự méo mó thương mại đang diễn ra cũng như đe dọa người lao động và các ngành công nghiệp Mỹ.
Dù các nhà sản xuất thép và tôm ở Mỹ phản đối nhưng các nhà bán lẻ và các nhóm kinh doanh khác ủng hộ việc cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Nếu được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường, hàng nhập khẩu của Việt Nam sẽ được giảm thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ. Tại buổi điều trần hồi tháng 5, ông Ted Osius, người đứng đầu Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN, nơi ủng hộ việc nâng cấp cho Việt Nam, nói rằng “Việt Nam đã có nền kinh tế thị trường.”
Việt Nam đã lập luận khi yêu cầu Mỹ đưa ra khỏi danh sách 12 nước bị coi là kinh tế phi thị trường rằng họ đã có những cải cách về kinh tế trong những năm gần đây. Các quan chức Việt Nam, gồm cả Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng và Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn, đã nói rằng việc giữ lại Việt Nam trong danh sách này là điều không tốt cho mối quan hệ ngày càng gắn bó giữa giữa hai nước, mà Washington coi là đối trọng với Trung Quốc.
“Chúng tôi hiểu mong muốn lớn hơn của Chính quyền trong việc hợp tác với các đồng minh và đối tác để giải quyết những thách thức do hành vi ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới,” các thành viên của Ủy ban Thép tại Quốc hội Mỹ viết trong bức thư. “Nhưng cả luật chống bán phá giá của Hoa Kỳ cũng như các ngành công nghiệp và người lao động phụ thuộc vào chúng đều không nên được coi là công cụ mặc cả cho những nỗ lực đó. Sinh kế của những người Mỹ làm việc chăm chỉ, bao gồm nhiều cử tri của chúng ta, phụ thuộc vào điều đó.”
Bộ Thương mại Mỹ cho VOA biết việc đánh giá NME “đòi hỏi phải phân tích chuyên sâu thực tế về 6 yếu tố mà luật pháp yêu cầu chúng tôi phải đánh giá để xác định mức độ tham gia của chính phủ vào nền kinh tế, dẫn đến hoạt động phi thị trường.” Bộ cho biết họ sẽ xem xét tất cả các ý kiến được gửi đến.
(Bản tin được cập nhật với phần trả lời của Bộ Thương mại Mỹ)
VOA (03.07.2024)
Dân biểu California: Cần phóng thích sư Thích Minh Tuệ nếu ông đang bị giam giữ bất công!
Người dân vây quanh sư Thích Minh Tuệ ở Hà Tĩnh hồi tháng 5/2024 (minh họa) AFP
Dân biểu gốc Việt của Hạ viện tiểu bang California gửi thư đề nghị Đại sứ Mỹ tại Việt Nam quan tâm tới trường hợp của sư Thích Minh Tuệ, người bị mất tích lần thứ hai từ tối 12/6/2024.
Ngày 1/7, sau khi sư Thích Minh Tuệ (thế danh Lê Anh Tú) mất tích gần 20 ngày, em trai của ông là Lê Anh Thìn đã thay mặt gia đình gửi đơn trình báo đến công an ba cấp, gồm: xã Ia Tô, huyện Ia Grai và tỉnh Gia Lai với đề nghị giúp đỡ việc tìm kiếm.
Cùng ngày, Dân biểu Tạ Đức Trí gửi thư cho Đại sứ Mỹ Marc Knapper, trong đó ông bày tỏ sự quan ngại về tình trạng của vị tu hành theo 13 hạnh đầu đà của Phật giáo vốn được dư luận trong và ngoài nước quan tâm vài tháng trở lại đây.
Dân biểu Tạ Đức Trí nhắc lại việc ông đã gửi thư cho Uỷ hội Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) vào ngày 4/6 liên quan những lo ngại về tự do tôn giáo ở Việt Nam, sau khi đoàn của sư Thích Minh Tuệ và hơn 70 khất sĩ bị công an bố ráp trong đêm và đưa về các địa phương.
“Thật không may, kể từ khi tôi viết bức thư đó, tình hình của Thích Minh Tuệ trở nên xấu đi và mối quan tâm của tôi đối với tình trạng của ông ngày càng tăng lên đáng kể,” vị dân biểu viết trong thư viết bằng tiếng Anh.
Trong thư được đăng tải lên danh khoản Facebook cá nhân, vị dân biểu từng là thị trưởng thành phố Westminster nơi có nhiều người gốc Việt sinh sống, nói ông không tin tưởng vào khả năng các quan chức chính phủ Việt Nam sẽ đưa ra những tuyên bố trung thực về tình trạng của sư Minh Tuệ hoặc việc ông ấy đồng ý không xuất hiện trước công chúng trong thời gian dài.
“Tôi hy vọng ngài sẽ sát cánh cùng tôi vì tự do tôn giáo như một quyền cơ bản của con người và ngay lập tức kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp tôn giáo đối với Thích Minh Tuệ và trả tự do cho ông nếu trên thực tế ông đang bị giam giữ bất công. Hoa Kỳ phải tiếp tục thúc đẩy vấn đề này bằng mọi cơ hội có được với Chính phủ Việt Nam,” vị dân biểu viết.
Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam và Đại Sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam với đề nghị bình luận về lời kêu gọi của Dân biểu Tạ Đức Trí, nhưng chưa nhận được ngay phản hồi.
Chính quyền không minh bạch trong vụ sư Minh Tuệ
Theo nội dung đơn trình báo của gia đình, sư Thích Minh Tuệ thông báo với người thân ngày ngày 12/6 sẽ rời cốc (theo yêu cầu của một người nào đó) trong thời gian 5 đến 7 ngày rồi sẽ quay lại tiếp tục tu tập theo lời Phật dạy khi nơi tu tập của ông bị nhiều người dân đến đảnh lễ gây mất an ninh trật tự.
Tuy nhiên, cho đến ngày 01/7, vị khất sĩ chưa trở về và gia đình hoàn toàn không hay biết về tình trạng tinh thần và sức khỏe của ông.
Trong một video clip được đăng tải lên kênh Youtube N.S.N ngày 02/7, ông Lê Anh Thìn cho biết nội dung làm việc với nhà chức trách địa phương về anh ruột mình:
“Hôm qua tôi có đi làm việc với cơ quan chức năng và họ nói rằng ông Lê Anh Tú là công dân bình thường, ông không vi phạm pháp luật gì cả, nên họ không có quyền giữ ông ấy.”
Cũng theo lời của ông Thìn, cơ quan công an cũng “không biết thông tin thầy ở đâu và chỉ tiếp nhận đơn để giúp đỡ.” Ông cũng nhắn gửi “qua đây cũng mong mọi người sáng suốt suy nghĩ không nên nghe theo thành phần chống phá nói cơ quan Nhà nước thế này, thế kia.”
Một cư sĩ Phật giáo ở TPHCM theo dõi sát các thông tin về sư Minh Tuệ cho hay, cơ quan chức năng đã buộc những khất sĩ viết đơn cam kết tự nguyện không bộ hành, không khất thực, không mặc y phấn tảo và không để cho hình ảnh của mình phát tán lên mạng xã hội, mặc dù Hiến pháp và Luật Tín ngưỡng Tôn giáo 2016 quy định công dân có quyền theo hoặc không theo một tôn giáo nào.
Cư sĩ Đ.H.T. Hoà cho rằng cách làm của chính quyền không minh bạch và hợp pháp, ông nói trong tin nhắn gửi Đài Á Châu Tự Do (RFA) hôm 2/7:
“Hiện nay bên anh Thìn và gia đình mới làm đơn, chúng ta cần phải chờ xem cách chính quyền phản ứng với câu chuyện này thế nào nhưng mọi chuyện có vẻ đang khá phức tạp.
Vì thầy Thích Minh Tuệ (thế danh Lê Anh Tú) đã có Căn cước công dân, chính quyền địa phương phải bảo đảm cho thầy tất cả các quyền công dân ghi trong Hiến pháp. Còn không thì đừng có ép phải làm từ ban đầu.”
Về an nguy hiện nay của sư Minh Tuệ, vị cư sĩ này nhận định:
“Vì thầy Thích Minh Tuệ đã nói là thầy xả ly và chấp nhận mọi thứ xảy ra với mình như nhân quả. Thầy từng dạy cuộc sống vô thường, sống chết không rõ nên phải tu tập ngay. Họ cho thầy sống ngày nào thì thầy tu ngày đó”
Cũng theo ông này, các vị đồng tu 13 hạnh Đầu đà theo gương của sư Minh Tuệ cũng đã làm căn cước công dân và công an các tỉnh thành nên để cho họ được tự do tu tập chứ không phải cứ liên tục sách nhiễu, gây khó dễ như hiện nay.
Một nhà hoạt động ở Hà Nội, người không muốn công khai danh tính vì lý do an ninh, cho rằng công an tỉnh Gia Lai phải chịu trách nhiệm về tính mạng và sự an toàn cho công dân Lê Anh Tú.
Coi tấm gương tu hành khổ hạnh theo hạnh đầu đà của sư Thích Minh Tuệ là kính chiếu yêu đối với nhiều chùa “quốc doanh” trong nhiều năm trở lại đây, người này nói:
“Tôi không cho rằng mối nguy cho sư Thích Minh Tuệ đến từ phía chính quyền, mà có thể lại đến từ những kẻ đang lợi dụng tu hành để kiếm lợi từ việc cúng dường của dân chúng, vì sự khổ hạnh của ông khiến dân chúng tỉnh ngộ và không còn đến các chùa nặng tính thương mại như bao lâu nay nữa.”
RFA (02.07.2024)