Seite auswählen

Tàu BRP Sierra Madre của Phi Luật Tân tại Bãi Cỏ Mây (Bãi cạn Second Thomas)

 

Hai thượng nghị sĩ cấp cao của Đảng Cộng hòa Hoa Kỳ yêu cầu Tổng thống Joe Biden cung cấp danh sách đầy đủ các giải pháp do Ngũ Giác Đài và Bộ Ngoại giao đưa ra để hỗ trợ Phi Luật Tân trong các cuộc đối đầu gần đây với Bắc Kinh về bãi cạn tranh chấp ở Biển Đông.

Trọng tâm của căng thẳng là Bãi Cỏ Mây (Bãi cạn Second Thomas) đang tranh chấp, nơi Phi Luật Tân duy trì một tàu chiến rỉ sét được điều hành bởi một nhóm nhỏ thủy thủ mà nước này đã cố tình cho mắc cạn vào năm 1999 để củng cố các yêu sách hàng hải của mình. Phi Luật Tân thường xuyên gửi tiếp tế ra cho các binh sĩ đồn trú trên con tàu này.

Căng thẳng trên Biển Đông đã trở thành bạo lực trong năm qua, với việc một thủy thủ Phi Luật Tân bị mất một ngón tay trong vụ đụng độ ngày 17/6 mà Manila mô tả là “sự cố ý đâm húc với tốc độ cao” của tàu tuần duyên Trung cộng.

Hoa Kỳ bị ràng buộc bởi một hiệp ước phòng thủ chung kéo dài 7 thập niên nhằm bảo vệ Phi Luật Tân trước một cuộc tấn công vũ trang nhắm vào máy bay hoặc tàu của nước này trên tuyến đường thủy đông đúc.

“Chúng ta phải hồi đáp bằng những biểu hiện rõ ràng và cụ thể về sự ủng hộ của mình. Bất cứ điều gì ngoài điều này đều có nguy cơ khiến chúng ta trông có vẻ không sẵn sàng tôn trọng các cam kết song phương của mình”, lá thư ngày 12 tháng 7 gửi cho ông Biden, được Reuters xem, từ Thượng nghị sĩ Roger Wicker và Thượng nghị sĩ Jim Risch, hai người có vai vế cao nhất trong các đảng viên Cộng hòa tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện và Ủy ban Đối ngoại Thượng viện.

“Chúng tôi yêu cầu chính quyền cung cấp cho chúng tôi danh sách đầy đủ các giải pháp quân sự, ngoại giao và kinh tế do Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng phát triển để hỗ trợ Phi Luật Tân và ngăn chặn sự leo thang hơn nữa của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, bức thư viết.

Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr cho biết Manila cần phải làm nhiều hơn là phản đối “hành động bất hợp pháp” của Trung cộng chống lại hải quân nước này.

Đại sứ Phi Luật Tân tại Washington cho biết Phi Luật Tân chưa yêu cầu Mỹ hỗ trợ tiếp tế quân đội. Hoa Kỳ đang cung cấp một số hỗ trợ tình báo hạn chế cho Phi Luật Tân.

Biển Đông, có vai trò quan trọng đối với thương mại toàn cầu, đã trở thành điểm nóng lớn trong mối quan hệ đầy thử thách giữa Trung cộng và Hoa Kỳ.

Thư của các thượng nghị sĩ kêu gọi chính quyền Biden phải nhanh chóng hỗ trợ Phi Luật Tân “chống lại hành vi hung hăng của Trung cộng….Giới hạn phản ứng của chúng ta ở sự đảm bảo bằng lời nói về khả năng áp dụng Điều IV sẽ phá hoại uy tín và giá trị của những cam kết này”.

 

VOA (18.07.2024)

 

 

 

 

Việt Nam nộp đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ở khu vực giữa Biển Đông

NGUỒN HÌNH ẢNH,VGP Chụp lại hình ảnh,Đoàn đại biểu Việt Nam trao cho đại diện Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên Hợp Quốc (CLCS) Hồ sơ Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Việt Nam tại Khu vực Giữa Biển Đông

 

Hôm 17/7 (giờ Mỹ), đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao cho Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên Hợp Quốc (CLCS) Hồ sơ Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Việt Nam tại Khu vực Giữa Biển Đông (VNM‑C).

Đại sứ Đặng Hoàng Giang – trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc – cùng phái đoàn của Bộ Ngoại giao do ông Trịnh Đức Hải, Đại sứ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, làm trưởng đoàn – đã chính thức nộp hồ sơ đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Việt Nam ở khu vực giữa Biển Đông lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên Hợp Quốc (CLCS).

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng ra Tuyên bố về việc đệ trình nêu trên.

Theo đó, quy trình này được thực hiện dựa trên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), được quy định tại Điều 76 của UNCLOS.

Theo đó, khi quốc gia ven biển có thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải, quốc gia ven biển cần phải nộp đệ trình về các thông tin và dữ liệu liên quan để Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên Hợp Quốc xem xét và ra khuyến nghị về ranh giới của thềm lục địa mở rộng.

Đây là lần đệ trình thứ ba của Việt Nam.

Năm 2009, Việt Nam đã nộp đệ trình riêng về Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở khu vực Bắc Biển Đông và đệ trình chung với Malaysia về Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý đối với khu vực Nam Biển Đông.

Trong công hàm gửi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres về đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở khu vực giữa Biển Đông, Việt Nam một lần nữa khẳng định việc nộp đệ trình này sẽ không ảnh hưởng tới công tác phân định biển giữa Việt Nam và các nước ven biển liên quan trên cơ sở UNCLOS.

Bản đồ các đường yêu sách thềm lục địa mở rộng tại Biển Đông ,Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao Việt Nam

 

 

Lần đệ trình trước đó có gì?

Năm 2009, tại phiên họp toàn thể lần thứ 24 của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên Hợp Quốc tại New York, „đại diện Chính phủ Việt Nam đã trình bày Báo cáo quốc gia xác định ranh giới thềm lục địa vượt quá 200 hải lý tại khu vực phía Bắc Biển Đông“.

Cũng tại phiên họp được tổ chức trong hai ngày 27 và 28/8/2009, đại diện Việt Nam và Malaysia còn trình bày Báo cáo chung Việt Nam-Malaysia về ranh giới thềm lục địa vượt quá 200 hải lý ở khu vực phía Nam Biển Đông.

Việt Nam và Malaysia đã gửi các hồ sơ đăng ký riêng và chung hồi đầu tháng 5 cùng năm, trước thời hạn mà LHQ đặt ra.

Hồ sơ của hai nước đã nhanh chóng bị Trung cộng phản đối.

Một ngày sau khi Việt Nam nộp hồ sơ, đại diện thường trực của Trung cộng tại Liên Hợp Quốc đã gửi công hàm tới cho Tổng thư ký Ban Ki-moon yêu cầu „không xem xét“.

Về phần mình, tuy Trung cộng khi đó không gửi báo cáo đăng ký, nhưng kèm công hàm tới LHQ là bản đồ của Trung cộng, mà Việt Nam tuyên bố là đã „vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông“.

Tại phiên trình bày, trưởng đoàn Việt Nam đã nhấn mạnh rằng báo cáo đã được thực hiện theo đúng các yêu cầu về mặt kỹ thuật và khoa học của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc.

Trưởng đoàn Việt Nam đồng thời khẳng định việc xây dựng và đệ trình báo cáo của Việt Nam lên ủy ban là phù hợp với UNCLOS 1982, không ảnh hưởng đến vấn đề phân định biển và lập trường của các nước liên quan đến tranh chấp về lãnh thổ và biển.

Việt Nam cũng tái khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và nhắc lại chủ trương giải quyết bất đồng thông qua thương lượng hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Tuy Việt Nam đề nghị Liên Hợp Quốc sớm thành lập các tiểu ban để xem xét báo cáo của Việt Nam, Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa chỉ xét đăng ký cho vùng bị tranh chấp nếu tất cả những nước trong tranh chấp đồng thuận.

Tuy nhiên, để đạt được đồng thuận là điều rất khó, nếu không nói là không thể làm được.

Thí dụ đơn cử khu vực Bắc Biển Đông nơi có quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.

Tiến sĩ Ian Storey, lúc bấy giờ là chủ biên tạp chí Đông Nam Á Đương đại (Contemporary Southeast Asia) thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) đặt tại Singapore, nói với BBC trong một phỏng vấn vào năm 2009: „Hiện Trung cộng đã chiếm hoàn toàn quần đảo này, và Bắc Kinh thậm chí còn không chấp nhận đề cập tới chủ quyền của bất cứ nước nào khác tại đây.“

„Nhưng Việt Nam cũng không bao giờ từ bỏ tuyên bố chủ quyền của mình tại Hoàng Sa. Vấn đề Hoàng Sa, theo tôi, sẽ mãi mãi không bao giờ giải quyết nổi.“

Theo UNCLOS 1982, mỗi nước ven biển được hưởng một vùng đặc quyền kinh tế rộng tối đa là 200 hải lý tính từ đường cơ sở của nước đó.

UNCLOS cũng quy định là nếu thềm lục địa của nước ven biển kéo dài ra xa hơn 200 hải lý thì nước đó có đặc quyền khai thác tài nguyên dưới đáy biển trong một vùng bên ngoài 200 hải lý gọi là thềm lục địa mở rộng.

Phạm vi thềm lục địa mở rộng mà các nước đăng ký không khỏi có chỗ chồng lấn, phát sinh bất đồng và tranh chấp.

 

BBC (18.07.2024)

 

 

 

 

Trung cộng và Nga tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông

Hãng tin Anh Reuters ngày 17/07/2024 trích dẫn báo chí chính thức tại Matxcơva cho biết Trung cộng và Nga đã khởi động chương trình tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông. Theo thông cáo của bộ Quốc Phòng Nga trên mạng Telegram, cuộc tập trận mang tên « Hợp Tác Hàng Hải-2024 » đã được khởi động từ cảng Trạm Giang, Quảng Đông, phía nam Trung cộng. Phía Trung cộng chỉ cho biết chiến dịch đã được mở ra trong ba ngày từ 15 đến 17/07/2024 và tránh nêu cụ thể vị trí cuộc tập trận với Nga.

Chiến hạm Nga Gromkiy vào cảng Trạm Giang (Zhanjiang) tham gia cuộc tập trận với Trung cộng, ngày 13/07/2024. via REUTERS – Russian Defence Ministry

 

Hạm Đội Thái Bình Dương của Nga đã huy động hai tàu hộ tống Gromky và Rezky đến cảng Trạm Giang để tham gia cùng với Hải Quân Trung cộng. Hãng thông tấn Nga RIA hôm 16/07/2027 lưu ý « một số bài tập bắn đạn thật đã được đưa vào chương trình » lần này. Hai bên cũng đã thực hiện « các bài tập phối hợp trên không, các bài tập chống tầu ngầm ». Bộ Quốc Phòng Nga không cho biết thêm chi tiết.  Còn về phía Trung cộng, theo hãng tin Anh Reuters, « thông cáo của quân đội Trung cộng tránh nêu rõ vị trí diễn ra các cuộc tập trận chung với Nga trong vùng Biển Đông, nơi đang có tranh chấp chủ quyền lãnh hải ».

Tờ báo Anh ngữ Global Times của Trung cộng cho biết, cuộc tập trận đã mở ra từ hôm Thứ Hai 15/07/2024 và « mỗi bên đã huy động ba tàu chiến ». Thượng tướng Vương Quán Trung (Wang Guangzheng) của Quân Giải Phóng Nhân Dân Trung cộng, trả lời đài truyền hình Nhà nước, khẳng định cuộc tập trận chung với Nga nhằm « nâng cao khả năng của đôi bên đối mặt với những mối đe dọa về an ninh trên biển ».

 

Mỹ – Phi Luật Tân diễn tập tìm kiếm cứu hộ

Cùng ngày hôm qua, 16/07/2027 và cũng tại khu vực Biển Đông, lực lượng thuộc Hạm Đội 7 của Hoa Kỳ và tuần duyên Phi Luật Tân đã có một cuộc tập luyện chung về công tác tìm kiếm và cứu hộ nạn nhân trên biển. Thông tin được Hải Quân Mỹ công bố hôm nay.

Tất cả các hoạt động nói trên diễn ra vào lúc căng thẳng tại Biển Đông tăng lên trở lại từ tháng 6/2024 sau hàng loạt các sự cố giữa tuần duyên Philipines và hải cảnh Trung cộng trong khu vực có tranh chấp chủ quyền gần Bãi Cỏ Mây, thuộc quần đảo Trường Sa. Hãng tin Mỹ AP hôm 16/07 ghi nhận « có một số dấu hiệu cho thấy văn phòng tổng thống Phi Luật Tân và phủ chủ tịch Trung cộng chuẩn bị thiết lập kênh liên lạc, để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, tránh để các cuộc đối đầu có thể vượt tầm kiểm soát ».

 

RFI (17.04.2024)

 

 

 

 

 

Nhà ngoại giao Mỹ: Hoa Thịnh Đốn ‘tiếp tục thúc giục’ Trung cộng ngừng gây hấn ở Biển Đông

Những người biểu tình tham gia cuộc mít tinh kỷ niệm phán quyết trọng tài năm 2016 về Biển Đông, tại một công viên ở Manila, Phi Luật Tân, hôm 12/07/2024. Phi Luật Tân sẽ “giữ vững lập trường” trong tranh chấp với Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông, một quan chức an ninh hàng đầu cho biết vào ngày đánh dấu tám năm sau phán quyết quốc tế bất lợi cho Trung cộng trong cuộc tranh chấp lãnh thổ này. (Ảnh: Ted Aljibe/AFP qua Getty Images)

 

Theo một nhà ngoại giao Mỹ, Hoa Kỳ vừa tiếp tục kêu gọi chính quyền Trung cộng chấm dứt các hành động gây hấn ở Biển Đông, đặc biệt là nhắm vào Phi Luật Tân, khi một mạng lưới các đồng minh ủng hộ Hoa Thịnh Đốn trong việc duy trì luật lệ ở vùng biển tranh chấp này.

Trình bày tại một diễn đàn ở Manila, Phi Luật Tân, hôm 12/07, Đại sứ Hoa Kỳ tại Phi Luật Tân MaryKay Carlson cùng những người đồng cấp từ các đồng minh chủ chốt của phương Tây và châu Á đã bày tỏ sự ủng hộ của họ dành cho Phi Luật Tân trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Trung cộng cộng sản ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

“Với sự hậu thuẫn của một mạng lưới liên minh và đối tác ngày càng liên kết chặt chẽ với nhau, Hoa Kỳ tiếp tục thúc giục [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC)] chấm dứt hành vi gây rối nguy hiểm và ngày càng leo thang nhắm đến các tàu Phi Luật Tân đang hoạt động hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân,” bà Carlson nói.

Bà cũng kêu gọi Bắc Kinh “ngừng vi phạm các quyền của Phi Luật Tân trong việc khai thác, bảo tồn, và quản lý các tài nguyên thiên nhiên; và ngừng can thiệp vào sự tự do hàng hải và hàng không của tất cả các quốc gia hoạt động hợp pháp trong khu vực này.”

Kể từ năm ngoái (2023), chính quyền Trung cộng đã quấy rối các hoạt động của Phi Luật Tân tại Bãi cạn Second Thomas (Bãi Cỏ Mây) thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Manila. Vụ va chạm mới đây nhất xảy ra hôm 17/06, khi Hải cảnh Trung cộng đụng vào thuyền Phi Luật Tân và thu giữ súng, làm một số người Phi Luật Tân bị thương, một trong số họ bị mất một ngón tay trong vụ va chạm này.

Diễn đàn này đánh dấu tám năm phán quyết năm 2016 của Tòa án Trọng tài Thường trực được ban hành. Tòa án này đã ra phán quyết có lợi cho Phi Luật Tân — bác bỏ các yêu sách trái luật lệ của Đảng Cộng sản Trung cộng đối với gần như toàn bộ Biển Đông — dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Hàng Hải. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã phớt lờ phán quyết này và tiếp tục sách nhiễu Phi Luật Tân và các quốc gia khác cũng có chung vùng biển tranh chấp.

Bà Carlson cho biết Hoa Thịnh Đốn và các đồng minh “tự hào” vì “đã liên tục lên tiếng chỉ trích” hành vi gây hấn của chính quyền Trung cộng trong khu vực.

“Mức độ lên án từ cộng đồng quốc tế ngày càng lớn, và điều này nói lên quyết tâm chung của chúng ta trong việc ủng hộ các quy tắc và chuẩn mực quốc tế có lợi cho tất cả chúng ta,” bà nói.

Hàng chục người biểu tình đã tổ chức một cuộc mít tinh ở ngoại ô thành phố Quezon, Phi Luật Tân, để đánh dấu ngày phán quyết trọng tài này được ban hành. Họ vẫy những lá cờ Phi Luật Tân nhỏ và trưng bày các bích chương có dòng chữ “Trung cộng cút đi!” và “Chiến thắng của phán quyết trọng tài mãi trường tồn.”

Trong bài diễn văn của mình, bà Carlson cũng ca ngợi liên minh kéo dài 73 năm qua giữa Hoa Kỳ và Phi Luật Tân, với việc cả hai nước tiến hành hơn 500 cuộc tập trận quân sự chung vốn vẫn tiếp tục tiến triển. Hoa Thịnh Đốn đã nhiều lần tái khẳng định cam kết “bền chặt” của mình đối với hiệp ước phòng thủ Hoa Kỳ-Phi Luật Tân năm 1951, trong đó yêu cầu cả hai quốc gia phải tương trợ nếu một trong hai nước bị tấn công.

Cũng tại diễn đàn này, Cố vấn An ninh Quốc gia Phi Luật Tân Eduardo Año kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế, yêu cầu Bắc Kinh tuân thủ phán quyết trọng tài. Ông nói Manila sẽ đề nghị các giải pháp hòa bình cho các tranh chấp nhưng sẽ tiếp tục giữ vững lập trường và “đẩy lùi sự cưỡng ép, can thiệp, ảnh hưởng thâm độc, và các chiến thuật khác” nhằm gây nguy hiểm đến an ninh của họ.

 

Aaron Pan

Bản tin có sự đóng góp của Associated Press.

The Epoch Times (16.07.2ß24)

 

 

 

 

 

Việt Nam trước chiến lược “mưa dầm thấm lâu” của Trung cộng để độc chiếm Biển Đông

 

Ngày 12/07/2024 đánh dấu tròn 8 năm Tòa Trọng Tài Quốc Tế xác định rằng các yêu sách hàng hải mở rộng của Trung cộng ở Biển Đông là không phù hợp với luật pháp quốc tế. Phán quyết cuối cùng của Tòa đã được Việt Nam “hoan nghênh” cùng với tuyên bố “ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình”.

Ảnh lưu trữ : Tàu hải cảnh Trung cộng phun vòi rồng vào một tàu tiếp liệu Unaizah của Phi Luật Tân trong khu vực Bãi Cỏ Mây (Thomas Second Shoal), Biển Đông, ngày 04/03/2024. REUTERS – Adrian Portugal

 

Tám năm sau, Việt Nam, Phi Luật Tân vẫn phải đối phó với những hành động bạo lực, hăm dọa của Trung cộng trong chiến lược “mưa dầm thấm lâu” độc chiếm Biển Đông (1). “Các hành động của Trung cộng phản ánh sự coi thường trắng trợn đối với luật pháp quốc tế”, theo thông cáo của ngoại trưởng Mỹ ngày 11/07. Phía Liên Hiệp Châu Âu khẳng định trong một tuyên bố ngày 12/07 rằng phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực năm 2016 có giá trị ràng buộc pháp lý đối với các bên liên quan. Tuy nhiên, đối với Bắc Kinh, chỉ có luật quốc gia của Trung cộng mới có giá trị ở Biển Đông, theo nhận định của nhà phân tích, nghiên cứu độc lập Lénaïck Le Peutrec trong buổi phỏng vấn với RFI Tiếng Việt ngày 11/07/2024.

Chiến lược này được ban thành luật về vùng lãnh hải tháng 02/1992. Thoạt nhìn định nghĩa “lãnh hải” của Bắc Kinh phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 mà Trung cộng là thành viên. Nhưng điểm nguy hiểm nằm ở tuyên bố 1958, được nhắc lại trong bộ luật 1992, theo đó lãnh thổ đất liền của Trung cộng bao gồm Đài Loan và các nhóm đảo khác như Sankaku/Điếu Ngư (tranh chấp với Nhật Bản), Bành Hồ, Đông Sa, Tây Sa (quần đảo Hoàng Sa), Nam Sa (quần đảo Trường Sa). 

 

 

RFI : Lénaïck Le Peutrec, bà là tác giả bài phân tích “Trung cộng trong những xung đột ở Biển Đông : giải mã một trật tự mới mang màu sắc Trung Hoa”, đăng trên Asia Focus tháng 05/2024 của Viện Nghiên Cứu Quốc Tế và Chiến lược Pháp – IRIS (2). Trong bài viết, bà nhấn mạnh rằng luật về lãnh hải năm 1992 là một bộ luật quốc gia, thúc đẩy Trung cộng tiếp tục những đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông theo từng chặng, để tạo thành những “chuyện đã rồi” bất chấp luật pháp quốc tế. Theo thời gian, những tích tụ đó chuyển thành một sự thay đổi chiến lược quan trọng. Vậy chiến lược của Trung cộng là gì ? Liệu vì những yêu sách đó, Trung cộng sẽ không bao giờ nhân nhượng ở Biển Đông ?

 

Lénaïck Le Peutrec : Những yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh ở Biển Đông nằm trong nỗ lực toàn vẹn lãnh thổ rộng lớn hơn của Trung cộng. Cho nên chúng được ghi khắc trong những lợi ích cơ bản của Trung cộng, giống như đối với đảo Đài Loan. Bắc Kinh đưa ra lập luận đòi chủ quyền dựa vào các quyền lịch sử, nguyên tắc hiện diện lâu đời được cho là được chứng thực bằng các văn bản có từ thời nhà Tống, tức là từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ 13.

Do đó, Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với 80 đến 90% diện tích Biển Đông. Yêu sách này được chính thức ghi trong tài liệu “đường 9 đoạn”, lần đầu tiên được chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa công bố chính thức bằng một công hàm ngoại giao gửi tới Liên Hiệp Quốc vào tháng 05/2019. Bản thân tuyên bố này đã là một hành động kiểu “chuyện đã rồi”. Thêm vào đó còn có rất nhiều luật quốc gia khác củng cố cho những đòi hỏi chủ quyền của Trung cộng ở Biển Đông và Bắc Kinh viện vào đó để biện minh cho hành động của họ.

 

Như vậy luật về vùng lãnh hải năm 1992 đã chọn định nghĩa rộng hơn về các vùng biển của Trung cộng, trên thực tế bao gồm cả quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, trong khi Phi Luật Tân, Việt Nam và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền. Chính nhờ dựa vào những quyền lịch sử từ xa xưa, không thể chối cãi ở Biển Đông và dựa trên luật pháp quốc gia xác quyết chủ quyền – được coi là “chuyện đã rồi” – mà Trung cộng liên tục đưa tầu đánh cá vào các vùng biển có tranh chấp, thường xuyên tổ chức tuần tra hải cảnh, tiến hành hoạt động bồi đắp, xây dựng đảo và thành lập các đơn vị, cơ quan hành chính mà trên thực tế là để thiết lập chủ quyền.

 

RFI : Tháng 03/2024, Trung cộng thông báo xác lập đường cơ sở ở vịnh Bắc Bộ. Thêm vào đó là hành động hung hăng, ví dụ những sự cố với Phi Luật Tân ở Bãi Cỏ Mây và bãi cạn Scarborough trong thời gian gần đây… Phải chăng tất cả những hành động đó nằm trong chiến lược khẳng định chủ quyền của Trung cộng ?

 

Lénaïck Le Peutrec : Việc phân định đường cơ sở là một chủ đề hết sức nhạy cảm ở Biển Đông để chúng ta có thể hiểu được bản chất chiến lược. Bởi vì Biển Đông là nơi chồng chéo những yêu sách chủ quyền giữa phần lớn các quốc gia ven biển. Các đường cơ sở có tính chiến lược mạnh mẽ vì chúng chi phối việc tính toán đường biên giới lãnh thổ của quốc gia ven biển, vùng nội thủy và các vùng biển nằm trong quyền tài phán của họ. Những vùng biển này là các vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế.

 

Qua đó, người ta có thể thấy đó là “cánh tay nối dài” trong hành động áp đặt chủ quyền của Trung cộng trên thực tế. Như tôi giải thích, phương thức hoạt động của Bắc Kinh bắt đầu từ một “chuyện đã rồi”. Trường hợp này chính là một ví dụ vì Trung cộng đơn phương tuyên bố một đường cơ sở mới. Điều đáng quan ngại là Trung cộng tiếp tục áp dụng cách hành động duy nhất đó, có nghĩa là viện đến luật quốc gia để áp đặt cơ sở pháp lý cho những hành động của họ.

Những sự cố gần đây trong khu vực Bãi Cỏ Mây và bãi cạn Scarborough nằm trong chiến lược hành động của Trung cộng ở Biển Đông từ năm 2004. Cần phải lưu ý rằng những hành động này còn được củng cố thêm nhờ những biện pháp mới trong luật hải cảnh, có hiệu lực từ ngày 15/06/2024, cho phép bắt giữ tàu nước ngoài ở Biển Đông và giam giữ thủy thủ đoàn mà không cần xét xử.

 

RFI : Vẫn trong bài viết trên Asia Focus của Viện IRIS, bà nhấn mạnh rằng “chính sách láng giềng hữu hảo của Trung cộng hiện nay, được suy tính để cổ vũ việc hội nhập kinh tế trong vùng, có thể được coi là một tầm nhìn được cập nhật về hệ thống triều cống của đế quốc Trung cộng”. Tại sao nên cảnh giác với chính sách này ? Các nước láng giềng sẽ gặp rủi ro gì trong xung đột chủ quyền ở Biển Đông với Trung cộng ?

 

Lénaïck Le Peutrec : Trong câu hỏi này có những yếu tố lịch sử và văn hóa mà tôi cho rằng cần phải nêu bật, song song với những yếu tố thực tế, để hiểu đầy đủ hơn về hành động của Trung cộng.

Yếu tố đầu tiên mà tôi muốn lưu ý là tầm nhìn mang tính chu kỳ về lịch sử mà Trung cộng vẫn chia sẻ. Điều này có thể được tóm tắt hoàn hảo trong câu tục ngữ Trung cộng, tạm dịch “thống nhất lâu dài thì phải chia cắt, chia rẽ lâu thì phải đoàn tụ”. Nền văn minh Trung cộng được đánh dấu bằng một lập luận lịch sử, theo đó “sau phân chia sẽ là sự thống nhất”.

Điểm thứ hai, tôi muốn đề cập đến cách nhìn của Trung cộng về vị trí trung tâm. Ngay tên gọi “Trung cộng” – có nghĩa là “vùng đất ở giữa” – đã thể hiện rõ cách nhìn đó. Xuất phát từ vị trí trung tâm, Trung cộng sống theo cách hiểu về địa lý thế giới xung quanh được định nghĩa theo cách nhìn của họ. Có thể thấy đa số những vùng lãnh thổ mà Trung cộng tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông được đặt tên theo vị trí của chúng so với Trung cộng, ví dụ quần đảo Hoàng Sa (Paracels) được gọi là Tây Sa, Trường Sa (Spratleys) là Nam Sa, bãi ngầm Macclesfield là Trung Sa.

 

Chính sách láng giềng hữu hảo của Bắc Kinh cũng thể hiện một phần tầm nhìn về vai trò trung tâm của Trung cộng. Trên thực tế, chính sách – được lập ra để khuyến khích hội nhập kinh tế khu vực – có thể được coi như là một quan niệm được cập nhật về hệ thống triều cống của đế chế Trung Hoa, dựa trên tính trung tâm của họ. Những điều kiện dễ dàng về kinh tế và thương mại được Trung cộng chấp thuận thời nay thay thế cho sự bảo vệ của họ ngày trước, còn quyền lực và những lợi ích mà họ thu được thay cho những cống vật của các nước chư hầu ngày xưa. Tình thế này để lại rất ít khả năng hành động cho các nước ven biển láng giềng – những nước không có sức mạnh kinh tế hoặc năng lực tấn công quân sự như Trung cộng.

Cuối cùng phải nhắc đến việc ASEAN gần như tê liệt. Nội bộ Hiệp hội các nước Đông Nam Á bất đồng nhau trong xung đột lãnh thổ với Trung cộng. Từ nhiều năm nay, ASEAN tìm cách thông qua một Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) mà họ muốn có tính ràng buộc về mặt pháp lý nhưng đến giờ vẫn bị Bắc Kinh một mực phản đối.

 

RFI : Tại sao Biển Đông lại là một khu vực thử nghiệm để Trung cộng áp đặt tầm nhìn của họ về một trật tự thế giới mới, như bà nêu trong bài phân tích ?

 

Lénaïck Le Peutrec : Trước tiên, tôi nghĩ là cần phải hiểu được những yêu sách chủ quyền của Trung cộng ở Biển Đông hay đúng hơn là những động cơ của họ. Theo tôi, có ba động cơ.

Thứ nhất về mặt khai thác, việc bảo đảm tiếp tục các hoạt động đánh bắt hải sản, bảo vệ và khai thác các nguồn năng lượng, khoáng sản là việc cần thiết cho sự thúc đẩy phát triển của Trung cộng. Tiếp theo là phải bảo đảm các nguồn tiếp cận với các tuyến hàng hải, đặc biệt là ưu tiên tiếp cận Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương vì đây là những tuyến đường thiết yếu để dòng chảy thương mại của Trung cộng được luân chuyển. Về mặt an ninh, việc tự do lưu thông ở Biển Đông là phương tiện quan trọng cho uy tín về năng lực răn đe trên biển của Trung cộng. Phần lớn các căn cứ tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của Trung cộng nằm trên đảo Hải Nam, ở phía bắc Biển Đông.

 

Cũng đừng quên sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ trong khu vực làm tăng thêm cảm giác bất an của Trung cộng, cũng như việc Hoa Kỳ tăng cường rõ rệt các liên minh với các nước trong khu vực trong thời gian gần đây để công khai chống lại sự trỗi dậy ngày càng tăng của Trung cộng. Cấu trúc địa lý của Biển Đông cũng đặt Trung cộng vào thế bị lọt thỏm và phụ thuộc lớn vào eo biển Malacca, tuyến đường thương mại chính của nước này. Từ năm 2023, Trung cộng đã nhấn mạnh đến sự phụ thuộc quá mức của họ vào điểm trung chuyển này, cùng với sự bấp bênh về nguồn cung năng lượng do thiếu tuyến hàng hải thay thế.

Bị thúc đẩy vì cảm giác bất an, Trung cộng quyết tâm bảo đảm các lợi ích cơ bản của họ, bao gồm cả việc thống nhất đất nước, vốn là trọng tâm trong chính sách tái sinh vĩ đại của Trung cộng và cũng là chính sách quan trọng hàng đầu của kỷ nguyên Tập Cận Bình. Những động cơ này của Trung cộng khiến chúng ta nghĩ rằng Bắc Kinh có lẽ sẽ thử phản ứng của cộng đồng quốc tế về Biển Đông bằng cách dần dần gặm những không gian mà họ tuyên bố thuộc về mình. Do đó, Biển Đông sẽ là địa điểm thử nghiệm đầu tiên về một trật tự mới mang màu sắc Trung Hoa, trước khi chuyển sang giai đoạn tiếp theo, đó là thống nhất với đảo Đài Loan.

 

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà phân tích, nghiên cứu Lénaïck Le Peutrec.

 

 

(1) Bắc Kinh phối hợp đồng bộ nhiều hoạt động : ru ngủ các nước láng giềng bằng lợi ích kinh tế “đôi bên cùng có lợi” nhưng không ngừng củng cố các tiền đồn, như đang tiến hành ở bãi Sa Bin (Sabina shoal), theo nghi ngờ hồi tháng 05 của Phi Luật Tân, ngang nhiên tự cho quyền bắt giữ lên tới 30 ngày mà không cần xét xử đối với người nước ngoài xâm phạm hoặc có hành vi hỗ trợ xâm phạm lãnh thổ hoặc vùng biển mà Trung cộng tự khẳng định chủ quyền theo một quy định có hiệu lực từ ngày 15/06/2024, liên tục hăm dọa, phun vòi rồng, kể cả dùng vũ lực như vụ xô xát gây thương tích cho phía Phi Luật Tân vào tháng 06 ở Bãi Cỏ Mây (Second Thomas shoal), đẩy căng thẳng lên cao trào để đưa lực lượng áp đảo về số lượng đến đánh bật đối thủ nhằm chiếm quyền kiểm soát, như từng làm đối với Phi Luật Tân ở bãi cạn Scarborough năm 2012.

(2) Lénaïck Le Peutrec, „La Chine dans les conflits en mer de Chine méridionale : décryptage d’un nouvel ordre aux caractéristiques chinoises“, Asia Focus, mai 2024, IRIS.

 

RFI (15.07.2024)

 

 

 

 

Chuyên gia Phi Luật Tân kêu gọi Manila mời Hà Nội cùng tham gia kiện Bắc Kinh về Biển Đông

Các tàu cá Phi Luật Tân đang đánh bắt gần bãi cạn Scarborough

 

Một chuyên gia Phi Luật Tân về luật hàng hải quốc tế đã kêu gọi Manila mời Hà Nội cùng kiện Trung cộng lên tòa trọng tài về việc nước này đơn phương áp đặt các hạn chế đánh bắt cá ở bãi cạn Scarborough, tờ South China Morning Post cho biết.

Ông Antonio Carpio, cựu thẩm phán Tòa án Tối cao Phi Luật Tân, đã đưa ra lời kêu gọi này tới đại sứ các nước hôm 12/7, trong đó có đại diện của Đại sứ quán Việt Nam, các doanh nhân trong và ngoài nước, các học giả, các quan chức quân sự và chính phủ cao cấp.

Các vị đại sứ này đã tề tựu để đánh dấu kỷ niệm 8 năm ngày Tòa Trọng tài Thường trực ra phán quyết bác bỏ đòi hỏi chủ quyền của Trung cộng đối với gần như toàn bộ Biển Đông trong cái gọi là đường 9 đoạn.

Buổi lễ kỷ niệm do Viện Stratbase ADR (Albert del Rosario) tổ chức này là lần đầu tiên ít nhất 26 nước cùng nhau bày tỏ ủng hộ Manila, vốn một mình khởi xướng vụ kiện nhằm vào Bắc Kinh hồi năm 2013 về việc nước này vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.

Cựu thẩm phán Carpio đã phát biểu một trong những phương án tiếp theo là khởi xướng một vụ kiện mới ‘vì Trung cộng không cho phép ngư dân Phi Luật Tân đánh bắt trong bãi cạn Scarborough’, và nói thêm rằng Manila có thể mời Hà Nội cùng tham gia.

Phán quyết do Tòa trọng tài đưa ra vào ngày 12/7 hồi năm 2016 đã nói rằng ‘lãnh hải trong bãi cạn Scarborough là ngư trường truyền thống chung của ngư dân Phi Luật Tân, Trung cộng và Việt Nam’, ông nói.

“Đầm phá của bãi cạn Scarborough nằm trong lãnh hải của bãi cạn Scarborough vì xung quanh đầm phá chỉ có một vài tảng đá nhô lên ở mức thủy triều cao,” ông Carpio nói, theo SCMP.

Tuy nhiên, hải cảnh Trung cộng đã ngăn cản ngư dân Phi Luật Tân vào đánh bắt trong đầm phá của bãi cạn Scarborough ngay cả khi ngư dân Trung cộng được tự do đánh bắt cá bên trong khu vực này.

“Phi Luật Tân có thể đệ trình lên trọng tài việc soạn thảo các quy tắc đánh bắt chung trong đầm phá. Chẳng hạn mỗi nước được phép đánh bắt bao nhiêu tấn cá; mùa đánh bắt là những tháng nào; những tháng nào không được phép đánh bắt để tái tạo nguồn lợi thủy sản; và những ngư cụ nào được phép sử dụng trong khu vực,” ông được SCMP dẫn lời nói rõ.

“Những quy tắc này, vốn sẽ được áp dụng đồng đều cho ngư dân Phi Luật Tân, Trung cộng và Việt Nam, là cần thiết để giúp cho việc đánh bắt cá được bền vững trong đầm phá của bãi cạn Scarborough,” cũng theo lời vị thẩm phán Phi Luật Tân này được SCMP dẫn lại.

Mặc dù ‘Trung cộng sẽ một lần nữa tẩy chay vụ kiện này’, nhưng ông Carpio lưu ý tòa án có thể ra phán quyết chấp thuận các khuyến nghị của Phi Luật Tân về các quy tắc quản lý đánh bắt trong bãi cạn.

Một chiến thắng mới sẽ rất có ý nghĩa, ông nói, bởi vì ‘nó sẽ là một phán quyết nữa để vùi lấp đường 10 đoạn của Trung cộng hơn nữa’.

Tại buổi kỷ niệm, 5 vị đại sứ đã lên tiếng lên án hành động của Bắc Kinh và ca ngợi Manila không chùn bước trước sức mạnh quân sự của Trung cộng.

Đại sứ các nước Mỹ, Pháp, Úc và Canada đã nhấn mạnh tầm quan trọng của phán quyết hồi năm 2016 trong việc gìn giữ hòa bình ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong khi một số vị đại diện ngoại giao lên án hành vi gây hấn và chiến thuật của Trung cộng trong vùng biển tranh chấp.

Mặc dù Việt Nam đã từng tỏ dấu hiệu cho thấy họ đang cân nhắc đệ đơn kiện Trung cộng, ông Lê Hồng Hiệp, chuyên gia cao cấp và điều phối viên Chương trình Nghiên cứu Việt Nam của Viện ISEAS – Yusof Ishak ở Singapore, nói với SCMP hôm 14/7 rằng ít có khả năng Hà Nội chấp thuận đề nghị của Manila.

“Tôi tin rằng tương tự như vụ kiện năm 2013, khó có khả năng Việt Nam sẽ cùng Phi Luật Tân thách thức đòi hỏi chủ quyền của Trung cộng đối với bãi cạn Scarborough,” ông Hiệp được dẫn lời nói.

Theo ông Hiệp thì Việt Nam xem duy trì quan hệ hòa bình và ổn định với Trung cộng là ưu tiên hàng đầu, và không muốn làm Bắc Kinh bực bội vì những điều không quan trọng đối với lợi ích quốc gia của Hà Nội.

“Mặc dù Việt Nam muốn bảo vệ quyền đánh bắt cá của ngư dân họ ở đó, nhưng bãi cạn này không nằm trong vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa của Việt Nam. Do đó, Việt Nam có thể muốn bảo vệ các quyền của mình bằng các biện pháp ngoại giao, hoặc thông qua các con đường không dẫn đến đối đầu trực tiếp, căng thẳng với Trung cộng,” ông nói.

Nhưng ông cho rằng Hà Nội sẽ ‘hỗ trợ nỗ lực của Manila về mặt ngoại giao’ ngay cả khi họ không tham gia vụ kiện.

 

VOA (15.07.2024)

 

 

 

 

 

Chiến lược Biển Đông của Phi Luật Tân và Việt Nam đều thất bại

 

“Việt Nam và Phi Luật Tân áp dụng hai chiến lược khác nhau để đối phó với Trung cộng tại Biển Đông đều thất bại.”

Đó là nhận định của nhà phân tích Derek Grossman thuộc viện nghiên cứu Rand, Hoa Kỳ, viết trên tạp chí Nhật Bản Nikkei ngày Thứ Hai, 15 Tháng Bảy, 2024. Ông Grossman từng là cố vấn phân tích tình báo tại Ngũ Giác Đài trước khi trở thành nhà phân tích tại Rand.

Tàu Hải Cảnh và Dân Quân Biển Trung cộng ngăn chặn tàu tiếp tế của Phi Luật Tân tiếp cận nhóm lính TQLC Phi ở Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) hồi Tháng Ba, 2024. (Hình: Jam Sta Rosa/AFP/Getty Images)

 

Ông Grossman dẫn lời phát ngôn viên Hải Quân Phi Luật Tân, Đề Đốc Roy Vincent Trinidad, bình luận sau sự việc căng thẳng tại Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) đầy kịch tính giữa lực lượng Phi Luật Tân và lực lượng Trung cộng ngày 17 Tháng Sáu vừa qua: Việc xảy ra là “dấu hiệu gây hấn nghiêm trọng nhất của đảng Cộng Sản Trung cộng tại Biển Đông.”

Ông Trinidad không quá lời, theo ông Grossman. Vào ngày đó, Phi Luật Tân đưa tàu tiếp tế cho nhóm Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) trấn giữ trên chiếc hải vận hạm phế thải ủi bãi nhằm xác định chủ quyền lãnh thổ tại Bãi Cỏ Rong (từ năm 1999). Tuy khu vực này nằm hoàn toàn trong phạm vi đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Phi Luật Tân xác định bởi Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS) mà cả Phi Luật Tân và Trung cộng đều ký công nhận, Trung cộng lại tuyên bố khu vực này là thuộc quần đảo Trường Sa và nằm trong phạm vi “lưỡi bò” tưởng tượng chủ quyền của Bắc Kinh.

Ngày kể trên, tàu Trung cộng lớn hơn đã đâm vào tàu Phi Luật Tân, tịch thu võ khí của lính Phi Luật Tân. Trong vụ này, nhiều thủy thủ Phi Luật Tân đã bị thương trong đó một người đã bị cụt ngón tay.

Phần lớn những gì xảy ra trên biển được chính phủ Phi Luật Tân cố ý phơi bày qua các video công bố trên các kênh truyền thông. Mấy năm gần đây, Manila thực hiện kế hoạch “sáng kiến minh bạch” hay “minh bạch quyết đoán” (transparency initiative, assertive transparency) nhằm phơi trần cách hành sử tồi bại của Bắc Kinh tại Biển Đông. Ông Grossman đã thảo luận với các giới chức Phi Luật Tân về chiến lược khi ông có chuyến thăm viếng Manila mới đây.

Trong khi đó, ở phía bên kia Biển Đông, Việt Nam tuy cũng có nhưng tranh chấp rộng lớn với Trung cộng nhưng điều đáng nói là, kể từ năm 2020 đến nay, Việt Nam chọn cách đối phó ngược lại.

Ông Grossman gọi đó là “sáng kiến không rõ ràng” (opacity initiative). Theo ông CSVN đã đạt thỏa thuận ngầm với Bắc Kinh là không công khai hóa các xung đột giữa họ tại khu vực. Đồng thời, giải quyết các bất đồng và căng thẳng giữa hai nước hoàn toàn trong hậu trường nhằm tránh các leo thang không cần thiết.

Theo Grossman, cả hai cách đối phó như kể trên đều không thành công. Bắc Kinh vẫn điều hòa gia tăng áp lực đối với Phi Luật Tân với chiến thuật “vùng xám” (gray zone tactics – bán quân sự) như đâm tàu, bám theo, chặn đường, bao vây, xịt vòi rồng và dùng cả tia laser chiếu vào cả tàu dân sự và quân sự của Phi Luật Tân. Biến cố xảy ra ngày 17 Tháng Sáu nói trên nghiêm trọng đến nỗi cả Manila và Washington đều tin rằng nó đủ để kích hoạt Hiệp Định Tương Trợ Quốc Phòng (MDT) ký giữa Mỹ và Phi Luật Tân từ năm 1951.

Về phía Việt Nam, Grossman cho hay ông nói chuyện với một số chuyên viên của chế độ thì được biết là nhiều leo thang cũng đang tiếp diễn chứ không phải không có. Trung cộng tiếp tục mở rộng phạm vi của họ ra khắp Biển Đông và đẩy lực lượng Việt Nam ra ngoài hoặc ngăn chặn họ tới các khu vực tranh chấp. Không thấy ông Grossman nêu ra nhưng người ta biết Trung cộng cho hàng đoàn tàu Hải Cảnh và Dân Quân Biển bỏ neo thường trực hay tuần tiểu ở các khu vực tranh chấp.

Một trong những sự việc hiếm hoi được nhóm “Sáng Kiến Minh Bạch Biển Đông” (AMTI thuộc tổ chức CSIS ở Washington) viết tường trình mấy tháng gần đây cho thấy Hà Nội hối hả bồi đắp hay mở rộng một số đảo và bãi đá ngầm ở Trường Sa nhằm đối phó lại với các căn cứ trên đảo nhân tạo mà Trung cộng xây dựng từ thập niên trước. Hà Nội có vẻ muốn quân sự hóa một trong những nơi đó.

Tại sao hai cách đối phó từ minh bạch đến lờ mờ không không tác dụng? Theo Grossman, câu trả lời nằm trong bản chất hiện nay của chế độ Bắc Kinh.

Dưới thời lãnh đạo cũ như Hồ Cẩm Đào, Giang Trạch Dân, Trung cộng đã được đưa vào trong câu thần chú của Mỹ thời Tổng Thống George W. Bush: Bắc Kinh phải hành sử như một bên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Thời đó Trung cộng cũng hô hò “trỗi dậy ôn hòa” để người ta không nghi ngờ họ có ý định xung đột với các lân bang hoặc với Mỹ.

Với Tập Cận Bình bây giờ là thứ người Hoa đã mặc quần áo khác. Từ 2012 trở lại đây, Trung cộng ngày càng độc tài hơn và càng nghi ngờ phương Tây. Họ càng ngày càng coi thường những lời chỉ trích hay tiếng tăm. Thậm chí họ còn coi thường các cam kết quốc tế miễn đem lợi ích cho họ.

Chỉ riêng vấn đề Biển Đông, họ tảng lờ và đạp lên bản Công Ước Luật Biển (UNCLOS) mà họ ký tham gia. Thực tế cho thấy hai cách đối phó Trung cộng của Việt Nam và Phi Luật Tân đều lỗi thời, áp dụng đối phó với một chiến lược Trung cộng không còn tồn tại.

Phơi bày cái xấu của Bắc Kinh trước dư luận không đủ để Phi Luật Tân thuyết phục nhiều nước khác tiếp tay với Phi Luật Tân đối phó với tình thế. Tập Cận Bình vẫn tuyên bố quyết liệt chủ quyền Biển Đông bất kể cái giá của tai tiếng.

Với Hà Nội, cách đối phó âm thầm cũng sai luôn vì cho rằng nếu những video hay tin tức về các trò lấn át của họ bị phơi bày, điều này sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của Bắc Kinh. Suy nghĩ này bắt nguồn từ vụ hai bên kình chống nhau hơn hai tháng trời ở phía Nam quần đảo Hoàng Sa khi Bắc Kinh đưa giàn khoan HD981 khoan tìm dầu khí. Họ chỉ ngừng lại khi tai tiếng khắp thế giới là họ bất chấp UNCLOS.

Dân Hà Nội biểu tình hồi năm 2016 tưởng niệm những người lính đã hy sinh bảo vệ quần đảo Trương Sa bị Trung cộng sát hại năm 1988. (Hình: Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images)

 

Tuy nhiên, khi đó, Tập Cận Bình mới nổi, chưa mấy mạnh như bây giờ. Cả khối ASEAN và Mỹ ra tuyên bố lên án nên họ đã rút về hay việc dò tìm sơ khởi đã xong? Dù sao Hà Nội có vẻ tin rằng cho vụ việc chìm xuồng là tốt nhất hay nếu cần, trừng phạt Bắc Kinh bằng cách công bố tất cả các hành vi xâm lấn của họ ở khu vực. Dù sao, không có bằng cớ cho thấy cách tiếp cận này hữu hiệu.

Theo ông Grossman, thay vì đối phó như trên, cả Hà Nội và Manila nên có những chiến lược thực chất và hữu hiệu hơn. Phi Luật Tân nên tính đến việc kích hoạt hiệp định hỗ tương với Mỹ. Còn Việt Nam cũng có thể tiến tới tập trận với Mỹ hoặc phối hợp chặt chẽ hơn với Lực Lượng Tuần Duyên Mỹ (US Coast Guard) tại Biển Đông.

Theo ông, không có cách đối phó nào là tuyệt hảo nhưng ít nhất cả hai cách phơi bày công khai hành vi của Bắc Kinh hay âm thầm đối phó đều thất bại. 

 

Nguoi Viet (15.07.2024)