Kỷ niệm 70 năm (1954 – 2024) hành trình từ Bắc vào Nam đi tìm tự do

 

Đỗ Trường 

Saigon Nhỏ

  

Một góc ngôi chùa ở Chợ Lớn năm 1954. (Hình minh họa: Ernst Haas/Ernst Haas/Getty Images)

Những nhà văn, nhà thơ gốc Bắc di cư vào miền Nam có sự khác biệt gì khác so với những nhà văn, nhà thơ ở miền Nam khi đó?

Nhìn chung Văn học miền Nam có tính chất, phong cách đại chúng, bình dân với khẩu ngữ thường nhật. Đặc trưng này, cho ta thấy, văn xuôi, tiểu thuyết dường như chủ yếu đi vào khai thác những cốt truyện ly kỳ, và thiên về hành động. Vì vậy, những trang văn ở đó nghiêng về kể chuyện, đối thoại, ít chú trọng đến diễn biến, cùng phân tích tâm lý nhân vật. Có lẽ, ngoài cái tính cách chân chất, giản đơn của người Nam Bộ, thì văn xuôi, tiểu thuyết dài kỳ đăng báo (feuilleton, theo ngôn ngữ thời nay, gọi là mỳ ăn liền) cũng đã góp phần không nhỏ làm nên đặc điểm này của Văn học miền Nam. Mà điển hình các nhà văn: Phú Đức, Vĩnh Lộc, Cửu Lang… Bởi, báo chí Nam Bộ ra đời sớm, và khá tự do cởi mở so với Bắc và Trung Kỳ vào thời điểm đó.

 

Trên các sạp báo miền Nam sau 1954, đã thấy những dấu ấn của giới trí thức miền Bắc 1954 qua sách, báo chí… (Facebook)

Về thơ ca, trước bối cảnh xã hội, báo chí khá cởi mở như vậy, ta có thể thấy xuất hiện hàng loạt các nhà thơ như: Manh Manh (Nguyễn Thị Kiêm), Lư Khê, Hồ Văn Hảo, Vân Đài, Huy Hà, Nguyễn Hữu Trí, Khổng Dương, Sơn Khanh làm cho Văn học miền Nam khá sinh động. Thơ ca của họ đã đi thẳng vào tâm hồn cởi mở, dân dã của độc giả miền Nam. Tuy nhiên, có thể nói thơ ca miền Nam lúc đó chưa thực sự hay, nhiều bài còn vụng về, ngượng nghịu. Ta thử đọc lại vài câu thơ trong bài: Con nhà thất nghiệp, viết ở thời kỳ đó của Hồ Văn Hảo một trong những nhà thơ hàng đầu của Nam Bộ (thời điểm đó), để thấy rõ điều đó:

“…Cha con gần về tới,
Con ôi,
Nín đi nào!”
Dạ như bào,
Miệng cười, hàng lệ xối
Cánh cửa tre từ từ mở…
Một luồng gió lạnh chen vô,
Đèn vụt tắt; tối mò…
– Ai đó?
– Ai? Mình về đây!
Chút nữa đã bị còng;
Mới chen vào, họ la ăn trộm!
Nếu chân không chạy sớm
Mặt vợ con còn thấy chi mong!“

Tuy không được cởi mở về báo chí như ở Nam Bộ, nhưng những tinh hoa văn học đều tập trung ở đất Bắc. Đặc biệt sự ra đời của Tự lực văn đoàn do anh em nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam sáng lập. Dường như đây là nhóm văn học đầu tiên tại Việt Nam (Hà Nội). Vì vậy, giai đoạn này Văn học miền Bắc (Bắc Kỳ) có khác so với Văn học miền Nam (Nam Bộ). Bởi, ngoài tài năng quần tụ, thì tính đặc trưng văn học vùng, miền này hiện lên khá rõ nét trong các tác phẩm của nhà văn, nhà thơ.  Nếu Văn học phương Nam giản dị, thì Văn học đất Bắc trau chuốt lắt léo, ẩn dụ, đa tầng ngữ nghĩa, với nhiều hình tượng trong sự liên tưởng. (Nói theo sách vở của mấy ông phê bình hiện nay: phép tu từ). Từ những đặc điểm ấy, ta có thể thấy, không chỉ thi ca, mà ở văn xuôi, tiểu thuyết cũng đã tạo dựng được những nhân vật chân thực, sinh động có tầm khái quát, mang ý nghĩa xã hội sâu sắc, và giá trị thẩm mỹ cao.

Cho nên nói, năm 1954 những nhà thơ, nhà văn như: Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Vũ Bằng, Doãn Quốc Sỹ, Vũ Khắc Khoan, Dương Nghiễm Mậu…mang hồn vía thơ văn đặc trưng khác lạ đất Bắc vào Nam là vậy.

 

(Hình: sachxua)

Giới trí thức thế hệ di cư 1954 đã đóng góp gì cho nền văn học Việt Nam thời Việt Nam Cộng Hòa, và để lại những di sản như thế nào?

Các văn nghệ sĩ miền Bắc đã đem một luồng gió mới làm thức tỉnh Văn học miền Nam đang gà gật lúc đó (1954). Cái văn hóa, ngôn ngữ vùng miền đã đem sự sinh động cho Văn học, cũng như các bộ môn nghệ thuật khác của miền Nam. Hơn thế nữa cái ngôn ngữ, văn hóa đặc trưng vùng miền này, ảnh hưởng ít, nhiều đến tâm hồn những văn nghệ sĩ phương Nam. Và cũng chính mảnh đất và con người rộng mở phương Nam, không chỉ đã mở rộng tâm hồn (sáng tạo) cho các văn nghệ sĩ đã thành danh kể trên, đến từ đất Bắc, mà còn sản sinh ra hàng loạt các nhà văn, nhà thơ như: Duyên Anh, Du Tử Lê, Nguyên Sa, Thảo Trường, Dương Nghiễm Mậu, Nguyên Vũ, Thế Uyên…Sự giao thoa văn hóa, ngôn ngữ này làm cho Văn học miền Nam thật phong phú. Nhất là từ khi các tạp chí, nhà xuất bản do các văn nghệ sĩ đến từ miền Bắc sáng lập. Đặc biệt là Tạp chí Sáng Tạo (Sài Gòn) hầu hết là do các văn nhân đất Bắc: Mai Thảo, Doãn Quốc Sỹ, Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Sĩ Tế, Thái Tuấn, Ngọc Dũng, Duy Thanh… chủ trương, và thành lập. Ở đó, tôi nghĩ ít nhiều không chỉ tác động đến khuynh hướng, nghệ thuật sáng tạo cho các nhà văn đã thành danh như Võ Phiến, mà còn ảnh hưởng đến các nhà thơ nhà văn mới cầm bút như Tô Thùy Yên, hay Luân Hoán. Rất kỳ lạ, khi đviết về điều này, facebook của tôi bật lên bài thơ của Luân Hoán vừa viết xong. Và cái ảnh hưởng việc sử dụng từ ngữ địa phương ấy của thi sĩ phương Nam Luân Hoán cho đến tận hôm nay, khi ông đã quá bát tuần, và ở mãi tận Canada ngồi viết. Nếu không có động từ “táy máy” đặc sệt tiếng địa phương miền Bắc trong câu: từng sợi táy máy vân vê, thì khó có thể cho người đọc sự lạ lùng, sinh động, hồn nhiên, đầy tinh nghịch đến vậy:

“…đường xa đi miết hóa gần
chân quen bụi cỏ-cú nằm lẻ loi
vừa đi vừa nhớ tóc dài
em thơm chẳng mấy chốc vai ngồi kề
từng sợi táy máy vân vê
hai làn hơi thở tìm về dòng chung…”
(Khi mặt trời chưa mọc – ngày 17-2-2024)

Do vậy, ta có thể thấy cuộc di cư của các văn nghệ sĩ từ Bắc vào Nam năm 1954 đưa đến sự giao thoa, bổ sung cho nhau của 2 đặc trưng văn học (nêu ở phần trên) làm cho Văn học miền Nam mới mẻ, phong phú hơn.

Giá trị, di sản để lại cho Văn học miền Nam nói riêng, và Văn học Việt Nam nói chung của các văn nghệ sĩ thuộc các thế hệ di cư, có thể nói là vô giá. Nhiều lúc, tôi có cảm tưởng: Nếu không có trường thiên Khu Rừng Lau của nhà giáo, nhà văn Doãn Quốc Sỹ, Lửa Từ Bi của Vũ Hoàng Chương, Mưa Núi của Mai Thảo, Thần Tháp Rùa của Vũ Khắc Khoan, Gia tài người mẹ của Dương Nghiễm Mậu, Mây Trên Đỉnh Núi của Nguyên Vũ… thì Văn học Việt Nam sẽ có một khoảng trống vô cùng to lớn. Những tác phẩm văn học hội tụ cả hai giá trị nhân đạo, và giá trị hiện thực như vậy, dù sau 1975 người ta có cố tình hủy diệt, thì cũng như âm nhạc miền Nam, nó vẫn sống và còn sinh sôi nảy nở, không chỉ ở nơi đã sinh ra.

 

(Hình: Facebook)

Với âm nhạc, sự góp sức quan trọng từ trí thức Bắc 1954 di cư

Cũng như văn học và các bộ môn nghệ thuật khác, năm 1954 có nhiều ca, nhạc sĩ tài hoa di cư vào Nam. Họ đã đem cái trang nhã, cầu kỳ phương Bắc trộn vào cái bình dị, ấm áp của phương Nam, tạo ra hồn vía mới cho âm nhạc miền Nam.  Những ca khúc trữ tình ấy, tuy nhẹ nhàng, gần gũi mang tính tự sự cá nhân, song rất sang trọng, đi sâu vào mọi giới thưởng ngoạn. Nó làm cho người nghe, tưởng như Tân nhạc miền Nam đã được thay da đổi thịt vậy. Việc đưa dân ca vào Tân nhạc, mà điển hình là nhạc sĩ Phạm Duy không chỉ đưa người nghe trở về với hồn vía dân ca truyền thống, mà còn làm phong phú nền Tân nhạc Việt.

Thành tựu to lớn đó không chỉ đào tạo sản sinh ra các thế hệ ca, nhạc sĩ tài năng, đa dạng với phong cách, nghệ thuật riêng biệt, độc đáo, mà còn cho hướng người nghe, nhất là giới trẻ đến với âm nhạc chân thực cùng giá trị thẩm mỹ. Những thành tựu đó, phải kể đến các tên tuổi các nhạc sĩ, ca sĩ: Phạm Duy. Phạm Đình Chương, Cung Tiến, Chung Quân, Văn Phụng, Đức Huy…Thái Thanh, Khánh Ly, Tuấn Ngọc, Duy Quang, Thanh Lan…

Đặc biệt, riêng sự nghiệp sáng tạo của Phạm Duy có thể nói là kho báu, một tượng đài cho Tân nhạc miền Nam nói riêng, và cho nền âm nhạc Việt Nam nói chung.

 Văn hóa miền Nam đã tác động không ít đến trí thức di cư

Sự di cư của các văn nghệ sĩ miền Bắc vào Nam, không chỉ là sự giao thoa văn hóa, ngôn ngữ vùng miền, mà còn bổ sung, ảnh hưởng nhau về thi pháp, khuynh hướng sáng tác. Có thể nói, đất và con người phương Nam đã cho các nhà văn đến từ đất Bắc có cái nhìn rộng mở, phóng đãng hơn. Một số hạn chế, sự bàng buộc nơi đất Bắc trong tư tưởng nhà văn đã được nới lỏng, cởi bỏ. Hành động, và ngôn ngữ mộc mạc phương Nam ấy, đã hòa trộn vào những trang văn trau chuốt lắt léo, ẩn dụ, đa tầng ngữ nghĩa, làm cho (giọng) văn của họ thẳng thắn, nhẹ nhàng, nhanh gọn và sâu sắc hơn. Sự sinh động, khi vay mượn, sử dụng ngôn ngữ, lời thoại bình dân đặc trưng của các vùng miền, đia phương miền Nam, dù câu thơ, trang văn ấy, viết về đất Bắc, đi sâu vào mọi tầng lớp người đọc. Có thể nói, hầu hết các nhà văn di cư ít nhiều đã thay giọng điệu, hay nghệ thuật dẫn truyện, hoặc tâm lý nhân vật của mình. Đặc biệt có một số nhà văn như có sự tiếp nối, và làm mới văn xuôi, tiểu thuyết dài kỳ đăng báo (feuilleton) của những nhà văn miền Nam: Phú Đức, Vĩnh Lộc, Cửu Lang. Mà điển hình là Duyên Anh với những tác phẩm thiên về hành động, giang hồ đường phố: Điệu ru nước mắt, Luật hè phố, Dzũng ĐaKao…hoặc Nguyễn Thụy Long với: Bước Giang Hồ, Loan Mắt Nhung…

*(Tuy nhiên, tiểu thuyết dài kỳ đăng báo cũng đã có trên các báo ở Hà Nôi từ thập niên ba mươi, song dường như rất hiếm tác phẩm về hành động giang hồ này)

 

(Hình: Facebook)

Và rồi, di sản đó, sau 1975…

Sau 1975 không chỉ tác phẩm của các nhà văn, và các nhà xuất bản gốc Bắc, mà toàn bộ nền Văn học miền Nam bị khai tử. Toàn bộ sách, báo…nghĩa là tất tần tật những gì dính dáng đến chế độ cũ in ấn xuất bản, kể cả tình yêu tình iếc, hay những sách vô thưởng vô phạt đều tịch thu, và hóa vàng. Tuy nhiên, vẫn có một số sách báo được cất giấu, do chính những người buộc phải thi hành mang ra Bắc, như truyện của Duyên Anh, Nguyễn Thụy Long hay Dương Nghiễm Mậu. Chúng tôi lúc đó bắt đầu vào trung học cũng lén lút thay nhau đọc, khoái lắm. Khoái đến độ, có anh bạn họa sĩ, sau này dứt khoát đặt tên con gái là Duyên Anh.

Tất nhiên, cũng như nhưng tác phẩm của mình, các nhà văn di cư này đều vào rọ cả. Có những bác bị cải tạo tù đày đến trên dưới chục năm như: Nguyên Vũ, hay Thảo Trường…đặc biệt Doãn Quốc Sỹ bị bắt thả, bắt thả nhiều lần tổng cộng đến 14 năm tù đày. Tôi nghĩ, dường như có sự trả thù, hay gì đó, như nhà thơ Vũ Hoàng Chương. Một cụ già chuyên thi ca thơ phú tình yêu trong cái lạc loài của kiếp người, vậy cũng bị tù đày cho đến chết. Hay những tác phẩm của ông thơ tình Đinh Hùng cũng đốt bằng sạch cho tuyệt nọc.

Gần đây, nhà nước đã hồi sức cấp cứu cho một số tác phẩm như của Đinh Hùng, Duyên Anh…sống lai. Tuy nhiên, các bác đã lầm. Bởi, đã bị chôn, nhưng những tác phẩm ấy có bị chết bao giờ đâu.

(Leipzig, Tháng Sáu 2024)