Seite auswählen

Vietnam

GETTY IMAGES

BBC

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã từ chối nâng cấp Việt Nam từ nền kinh tế phi thị trường lên thành nền kinh tế thị trường.

Bộ Thương mại Hoa Kỳ hôm nay 2/8 đã ban hành kết luận chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường.

Cùng ngày, Bộ Công Thương Việt Nam cho biết „lấy làm tiếc“ về quyết định của phía Mỹ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến quyết định này, trong đó có việc nhà nước vẫn can thiệp sâu vào mọi khía cạnh của nền kinh tế, ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với hệ thống tư pháp và tệ nạn tham nhũng.

Đây được coi là một bước thụt lùi đối với nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu sang Mỹ – thị trường quan trọng nhất của Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam đã tăng cường vận động hành lang để Mỹ xem xét việc nâng cấp này kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ ngoại giao thành Đối tác Chiến lược Toàn diện trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden vào tháng 9/2023.

Mỹ coi Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường từ năm 2002 trong cuộc điều tra chống bán phá giá đối với xuất khẩu cá da trơn. Tình trạng này gây bất lợi cho Việt Nam trong thương mại với Mỹ.

Hiện chỉ có 12 quốc gia bị Mỹ xác định là có nền kinh tế phi thị trường, trong đó có Việt Nam.

Mỹ từ chối dựa trên lý do gì?

Chính phủ Việt Nam được xem là vẫn can thiệp sâu vào mọi khía cạnh kinh tế, xã hội của đất nước

GETTY IMAGES Chính phủ Việt Nam được xem là vẫn can thiệp sâu vào mọi khía cạnh kinh tế

Quá trình Mỹ xem xét đưa Việt Nam ra khỏi danh sách nền kinh tế phi thị trường – mà Bộ Thương mại Mỹ gọi là Cuộc đánh giá điều chỉnh tình huống (CCR) – được thực hiện theo Đạo luật Thuế quan 1930.

Theo đó, định nghĩa thuật ngữ “quốc gia với nền kinh tế phi thị trường” là một quốc gia mà Bộ Thương mại không xác định là “hoạt động theo các nguyên tắc thị trường về cấu trúc chi phí hoặc giá cả, để việc bán hàng hóa tại quốc gia đó không phản ánh giá trị công bằng của hàng hóa”.

Điều 771(18)(B) của đạo luật liệt kê sáu yếu tố mà Bộ Thương mại Mỹ phải xem xét trong bất kỳ cuộc điều tra nào được thực hiện để đánh giá một quốc gia là nền kinh tế thị trường hay phi thị trường, bao gồm:

  • Khả năng chuyển đổi đồng tiền.
  • Tiền lương được xác định thông qua thương lượng tự do
  • Cho phép đầu tư nước ngoài
  • Sở hữu nhà nước đối với các phương tiện sản xuất
  • Sự kiểm soát của nhà nước đối với giá cả và sản xuất của các công ty
  • Các yếu tố khác mà phía Mỹ xem là quan trọng

Văn bản của Bộ Thương mại Mỹ hôm 2/8 nêu:

Kể từ khi Bộ Thương mại Mỹ đưa ra quyết định về tình trạng nền kinh tế phi thị trường của Việt Nam (2002), Chính phủ Việt Nam đã thực hiện các cải cách đáng kể theo định hướng thị trường để thúc đẩy phát triển hệ thống kinh tế dựa trên thị trường hơn.

Những cải cách này đã giúp làm cho tiền đồng của Việt Nam dễ dàng chuyển đổi hơn, tăng cường sự mở cửa của Việt Nam đối với đầu tư nước ngoài, và dần giảm bớt sở hữu của chính phủ đối với các phương tiện sản xuất trong nền kinh tế.

Mặc dù đã có những cải cách theo định hướng thị trường, chính phủ vẫn giữ vai trò quan trọng và ảnh hưởng sâu rộng trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn chưa độc lập và tiếp tục can thiệp vào thị trường ngoại hối để ảnh hưởng đến giá trị của tiền đồng.

Các công đoàn lao động vẫn bị chi phối bởi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam do nhà nước kiểm soát, cản trở việc đàm phán tập thể và cuối cùng tạo điều kiện cho mức lương và chi phí lao động bị kìm hãm.

Mặc dù Việt Nam đã thực hiện các bước để làm cho môi trường đầu tư trực tiếp nước ngoài trở nên hấp dẫn hơn, các rào cản đối với tiếp cận thị trường, sự thiếu minh bạch của các quy định và luật lệ, các hạn chế về quyền kiểm soát doanh nghiệp và sở hữu nước ngoài vẫn tồn tại.

Ngoài ra, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn đặc trưng bởi sự sở hữu và kiểm soát đáng kể của nhà nước đối với các phương tiện sản xuất, đặc biệt là đối với các công ty và đất đai.

Chính phủ Việt Nam tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc định giá và phân bổ tín dụng ở Việt Nam.

Các doanh nghiệp nhà nước kiểm soát một lượng tín dụng cho vay không tương xứng, bên cạnh các lợi thế khác, mặc dù hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước tương đối thấp hơn so với các doanh nghiệp khu vực tư nhân.

Chính phủ Việt Nam cũng tuân theo chỉ đạo của nhà nước để truyền đạt các mục tiêu của mình cho nền kinh tế về kết quả kinh doanh và phân bổ tài nguyên, và các biện pháp kiểm soát giá cả do chính phủ thực hiện vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến giá hàng hóa ở Việt Nam.

Cuối cùng, ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với hệ thống tư pháp và tham nhũng vẫn xảy ra đã tiếp tục làm suy yếu một số sáng kiến cải cách của Việt Nam.

Hành trình Mỹ xem xét việc nâng cấp cho Việt Nam

Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Hà Nội tháng 9/2023 và hai nước nhân dịp này đã nâng cấp lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện

GETTY IMAGES Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Hà Nội tháng 9/2023 và hai nước nhân dịp này đã nâng cấp lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện

Tài liệu từ Cục Quản lý Thương mại Quốc tế thuộc Bộ Thương mại Mỹ mà BBC có trong tay, có tên „Kết quả cuối cùng của Đánh giá điều chỉnh tình huống đối với Thuế chống bán phá giá“, viết:

Bộ Thương mại Hoa Kỳ xác định rằng Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Việt Nam) vẫn là một quốc gia nền kinh tế phi thị trường (NME) theo Luật Thuế chống bán phá giá (AD) của Hoa Kỳ do sự ảnh hưởng liên tục và sâu rộng của chính phủ đối với các hoạt động kinh tế của quốc gia này.

Văn bản nêu bối cảnh từ khi Việt Nam bị Mỹ xếp vào nhóm các nước có nền kinh tế phi thị trường vào năm 2002 và hành trình Mỹ xem xét nâng cấp Việt Nam lên thành nền kinh tế thị trường theo đề nghị của Hà Nội.

Năm 2002: Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã nhất quán coi Việt Nam là một quốc gia có nền kinh tế phi thị trường trong tất cả các cuộc điều tra và xem xét hành chính liên quan đến các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam.

Vào ngày 8/9/2023, chính phủ Việt Nam đã gửi một bức thư đến Bộ Thương mại Hoa Kỳ yêu cầu xem xét lại tình trạng nền kinh tế phi thị trường (NME) của Việt Nam trong bối cảnh của một cuộc đánh giá điều chỉnh tình huống (CCR) đối với lệnh Thuế chống bán phá giá (AD) đối với mật ong thô từ Việt Nam.

Đáp lại, Bộ Thương mại Mỹ đã khởi xướng một cuộc CCR về NME và công bố trên Tạp chí Liên bang vào ngày 30/10/2023. Cuộc xem xét này kiểm tra liệu Việt Nam có vẫn là một quốc gia NME theo luật AD hay không.

Để đảm bảo sự tham gia đầy đủ của công chúng và các bên liên quan trong cuộc điều tra này, Bộ Thương mại Mỹ đã mời công chúng cho ý kiến về tình trạng kinh tế của Việt Nam như một quốc gia NME.

Tất cả các ý kiến và phản hồi đã được nhận vào ngày 21/12/2023 và 1/2/2024.

Vào ngày 8/3/2024, Bộ Thương mại Mỹ cũng đã nhận được thông tin mới từ một số ngành công nghiệp trong nước cáo buộc rằng Chính phủ Việt Nam đã gửi các tuyên bố sai lệch và bỏ sót các sự thật quan trọng liên quan đến các cải cách được cho là của Việt Nam.

Các cáo buộc này được gửi đến trong bối cảnh Mỹ đang xem xét tình trạng NME của Việt Nam.

Vì Bộ Thương mại Mỹ có quyền bảo vệ tính toàn vẹn của các thủ tục của mình, họ đã chấp nhận thông tin cáo buộc này như một phần của hồ sơ hành chính và cho phép tất cả các bên liên quan cũng như công chúng gửi ý kiến về những cáo buộc này cho đến ngày 5/4/2024.

Vào ngày 8/5/2024, Bộ Thương mại cũng đã tổ chức một phiên điều trần công khai về CCR liên quan đến tình trạng quốc gia NME của Việt Nam. Phiên điều trần này đã cho phép các bên liên quan và công chúng tham gia vào cuộc điều tra bày tỏ quan điểm của họ.

Giới lập pháp Mỹ hoan nghênh việc không cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam

 


Trụ sở Bộ Thương mại Hoa Kỳ ở thủ đô Washington.

Trụ sở Bộ Thương mại Hoa Kỳ ở thủ đô Washington.

Các nghị sĩ Hoa Kỳ vào ngày 2/8 hoan nghênh quyết định của Bộ Thương mại nước này về việc không công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, trong khi Hà Nội lên tiếng rằng họ “lấy làm tiếc” về quyết định này.

Thượng nghị sĩ Bill Cassidy ra tuyên bố có đoạn: “Việt Nam không phải là nền kinh tế thị trường và quyết định ngày hôm nay khẳng định thực tế đó”, ý nói đến tuyên bố của Bộ Thương mại Mỹ hôm 2/8 về việc tiếp tục xem Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường.

“Đây là một chiến thắng cho những người nuôi tôm, cá da trơn ở bang Louisiana và việc làm cho người Mỹ”, vị thượng nghị sĩ đại diện cho bang Louisiana viết.

Ông Cassidy lập luận rằng Việt Nam không có nền kinh tế thị trường vì đồng tiền nước này không được tự do chuyển đổi, thiếu quyền lao động và có sự can thiệp sâu rộng của nhà nước.

“Việc xem xét này là một ý tưởng tồi mà lẽ ra không nên được xem xét ngay từ đầu”, Thượng nghị sĩ Tom Cotton của bang Arkansas viết trên trang X. Ông bày tỏ rằng việc Việt Nam tiếp tục bị xếp vào diện nền kinh tế phi thị trường “là một thắng lợi cho bang Arkansas – đặc biệt đối với công nhân ngành thép và người nuôi cá da trơn”.

Tương tự, Dân biểu Rick Crawford, đại diện bang Arkanzas trong Hạ viện Mỹ, viết trên trang X: “Điều này lẽ ra không bao giờ nên là một cuộc tranh luận ngay từ đầu. Việt Nam là một nước cộng sản, nơi doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế”.

“Trao quy chế nền kinh tế thị trường cho Việt Nam sẽ tàn phá các ngành công nghiệp của Hoa Kỳ vốn đã bị thiệt hại do các hoạt động thương mại không công bằng của Việt Nam. Làm như vậy sẽ dẫn đến chuyện thuê mướn bên ngoài thay cho công ăn việc làm của người Mỹ và gây tổn hại cho người lao động Mỹ”, ông Cassidy nhận định.

Dân biểu Crawford lập luận rằng nếu trao quy chế nền kinh tế thị trường cho Việt Nam sẽ khuyến khích “các hành vi độc hại” như bán phá giá thép, kiểm soát giá cả và mở đường cho Trung Quốc lợi dụng đất nước láng giềng làm bàn đạp để lách các lệnh phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ.

 

Trước đó trong cùng ngày 2/8, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ra tuyên bố rằng họ quyết định là Việt Nam sẽ tiếp tục bị xác định là một nước có nền kinh tế phi thị trường, phục vụ mục đích tính thuế chống bán phá giá mà Hoa Kỳ áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.

“Kết luận này có nghĩa là phương pháp được sử dụng để tính thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam không thay đổi”, vẫn tuyên bố của DOC.

Vào tháng 9/2023, vài ngày trước chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Mỹ Joe Biden, chính quyền Việt Nam gửi đơn đề nghị Bộ Thương mại Mỹ xem xét về việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Từ tháng 10/2023, Bộ Thương mại Mỹ tiến hành quá trình xem xét yêu cầu của Hà Nội. Bộ này cho hay trong thời gian qua họ đã nhận được hơn 36.000 trang đóng góp ý kiến từ các ngành sản xuất nội địa của Mỹ cũng như từ chính phủ Việt Nam.

“Bộ Thương mại Hoa Kỳ đánh giá cao và trân trọng sự tham gia rộng rãi của các ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ cũng như của Chính phủ Việt Nam vào quá trình minh bạch và bán tư pháp của Bộ Thương mại Hoa Kỳ. Quyết định này được đưa ra dựa trên quá trình đánh giá kỹ lưỡng tất cả ý kiến được gửi đến”, tuyên bố viết.

Ngay sau tuyên bố của DOC, Bộ Công thương Việt Nam hôm 2/8 bày tỏ “lấy làm tiếc” về quyết định trên.

Bộ Công Thương nói thêm rằng họ sẽ “nghiên cứu, phân tích” các lập luận trong Báo cáo đánh giá nền kinh tế Việt Nam của Bộ Thương mại Hoa Kỳ “để bổ sung, hoàn thiện lập luận” và sẽ gửi hồ sơ yêu cầu Bộ Thương mại Hoa Kỳ xem xét lại quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam nhằm cụ thể hóa mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ. Mối quan hệ này được nâng cấp trong chuyến thăm Việt Nam của ông Biden hồi tháng 9/2023.

Trong năm qua, hàng chục các nhà lập pháp lưỡng đảng Hoa Kỳ, trong đó có cả Thượng nghị sĩ JD Vance, ứng cử viên phó tổng thống của đảng Cộng hòa, lên tiếng kêu cầu DOC không cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, do nước này chưa hội đủ các tiêu chí theo luật định của Mỹ.

“Tôi hy vọng chính phủ của chúng ta sẽ nỗ lực hợp tác với Việt Nam trong tương lai để khuyến khích thương mại công bằng và cải cách kinh tế có hệ thống để một ngày nào đó Việt Nam có thể được chào đón vào cộng đồng các nền kinh tế thị trường”, Dân biểu Crawford nêu kỳ vọng.