16.8.2024
VNExpress
Từng được gọi là “công chúa” của gia tộc Shinawatra, bà Paetongtarn, con gái ông Thaksin, đã trỗi dậy trên chính trường để trở thành thủ tướng trẻ nhất Thái Lan.
Hạ viện Thái Lan ngày 16/8 bỏ phiếu bầu bà Paetongtarn Shinawatra làm tân Thủ tướng, kế nhiệm ông Srettha Thavisin vừa bị Tòa án Hiến pháp phế truất.
Ở tuổi 37, bà Paetongtarn là thủ tướng trẻ nhất lịch sử của quốc gia Đông Nam Á này. Bà là người thứ ba trong gia tộc Shinawatra làm thủ tướng, sau cha ruột Thaksin Shinawatra và cô ruột Yingluck Shinawatra.
Paetongtarn sinh năm 1986, là con út của cựu thủ tướng Thaksin, lớn lên tại Bangkok và có biệt danh Ung Ing. Bà có anh trai Oak-Panthongtae hơn 6 tuổi và chị gái Aim-Pintongta hơn 4 tuổi.
Bà lớn lên trong giai đoạn chính trường Thái Lan nhiều biến động. Từ doanh nhân thành đạt, ông Thaksin dấn thân vào chính trị năm 1994, thành lập đảng Thai Rak Thai năm 1998, tiền thân của Pheu Thai.
“Khi tôi 8 tuổi, cha tôi tham gia chính trường. Kể từ ngày đó, cuộc sống của tôi cũng gắn liền với chính trị”, bà Paetongtarn cho biết hồi tháng 3.
Ông Thaksin đắc cử thủ tướng năm 2001, rồi được bầu tiếp năm 2005 nhờ làn sóng ủng hộ lớn từ cử tri vùng nông thôn, nhưng bị quân đội đảo chính năm 2006, khi đang trong nhiệm kỳ hai. Ông sau đó phải sống lưu vong nhiều năm ở nước ngoài để tránh bị bắt theo các cáo buộc về tham nhũng do chính quyền quân sự đưa ra.
Bố bị lật đổ khi Paetongtarn đang là sinh viên năm cuối tại Đại học Chulalongkorn. Bà mô tả thời gian này là một trong những giai đoạn khó khăn nhất cuộc đời.
Giáo sư Thitinan Pongsudhirak, giảng viên Đại học Chulalongkorn, kể lại rằng Paetongtarn lúc đó luôn có cận vệ đi kèm mỗi khi đến trường vì lo ngại người biểu tình quá khích.
“Tôi thường nhìn thấy ảnh cha bị gắn lên tường, gạch chéo và vẽ bậy”, bà cho hay. “Rất khó vượt qua khi bị sự thù ghét bủa vây ở tuổi 20”.
Paetongtarn tốt nghiệp cử nhân Khoa học chính trị tại Đại học Chulalongkorn, sau đó theo học ngành quản trị khách sạn tại Anh. Bà trở về nước và điều hành hoạt động kinh doanh của gia đình, trở thành cổ đông lớn nhất tại công ty bất động sản SC Asset và thành viên hội đồng quản trị Thaicom Foundation.
Năm 2019, bà kết hôn với phi công Pidok Sooksawas và có hai con. Bà gia nhập chính trường năm 2021, và nhanh chóng thu hút sự ủng hộ của nhóm cử tri trẻ tuổi, những người ngưỡng mộ sự năng động của Paetongtarn, giúp bà củng cố uy tín và vị thế trong nền chính trị Thái Lan.
Trong cuộc tổng tuyển cử ở Thái Lan năm 2023, Paetongtarn trở thành một trong ba ứng viên thủ tướng của đảng Pheu Thai, cùng với cựu bộ trưởng tư pháp Chaikasem Nitisiri và trùm bất động sản Srettha. Bà khi đó đang mang thai sắp sinh, nhưng vẫn xông xáo hoạt động tranh cử, khiến cử tri càng thêm ngưỡng mộ và gọi bà là “công chúa nhà Shinawatra”.
“Bố của Paetongtarn là một trong những thủ tướng được mến mộ nhiều nhất trong lịch sử Thái Lan, nhưng cô ấy hiểu rằng không thể chỉ dựa vào nhóm cử tri trung thành với ông Thaksin, mà phải đề ra những chính sách cấp tiến hơn”, Aim Sinpeng, chuyên gia về khoa học chính trị thuộc Đại học Sydney ở Australia, nói.
Bà sinh con thứ hai đầu tháng 5/2023, ngay trước thềm cuộc tổng tuyển cử diễn ra cùng tháng. Sau khi sinh con, Paetongtarn thường chia sẻ thông tin về phong cách sống của mình trên Instagram. Tài khoản của bà có hơn một triệu lượt đăng ký theo dõi.
Pheu Thai về nhì trong cuộc tổng tuyển cử, nhưng được phép thành lập chính phủ sau khi ứng viên thủ tướng Pita Limjaroenrat của đảng Move Forward bị quốc hội Thái Lan tước tư cách. Pheu Thai sau đó cùng 10 đảng khác lập liên minh, ông Srettha được bầu làm thủ tướng trong khi bà Paetongtarn lãnh đạo đảng.
“Pheu Thai sẽ tiếp tục sứ mệnh quan trọng của mình là cải thiện sinh kế cho người dân”, bà Paetongtarn tuyên bố trước hàng trăm thành viên đảng này.
Sau gần một năm lãnh đạo đất nước, ông Srettha, 62 tuổi, bị Tòa án Hiến pháp Thái Lan bãi nhiệm ngày 14/8 vì bổ nhiệm Pichit Chuenban, cựu luật sư từng ngồi tù làm bộ trưởng. Ông Srettha chấp nhận phán quyết của tòa và rời chức vụ ngay lập tức.
Ứng viên kế nhiệm ông Srettha phải là người được đăng ký với ủy ban bầu cử từ trước cuộc tổng tuyển cử tháng 5/2023. Điều này đồng nghĩa Pheu Thai còn hai lựa chọn là bà Paetongtarn và ông Chaikasem, 75 tuổi.
Nguồn tin từ đảng Pheu Thai cho biết bà Paetongtarn được chọn bởi có lợi thế sức trẻ, trong khi ông Chaikasem được cho là có vấn đề về sức khỏe. Giới quan sát cho rằng các nghị sĩ Pheu Thai lo ngại Chaikasem có thể bị Tòa án Hiến pháp nhắm đến, do khi đương nhiệm, ông đã chỉ đạo công tố viên từ bỏ cáo buộc hối lộ nhằm vào Pichit.
Lựa chọn của Pheu Thai khiến một số nhà phân tích chính trị bất ngờ. Họ từng cho rằng ông Thaksin, với sức ảnh hưởng của cá nhân, sẽ bảo vệ con gái út khỏi chính trường khốc liệt Thái Lan thêm một thời gian nữa, để bà có thêm kinh nghiệm đối phó với sóng gió trên chính trường.
Paetongtarn là nữ thủ tướng thứ hai của Thái Lan, sau cô ruột Yingluck. Bà sẽ phải đối mặt hàng loạt khó khăn trước mắt.
Vực dậy nền kinh tế sẽ là nhiệm vụ đầy thách thức với Paetongtarn, khi Thái Lan đang chật vật phục hồi sau đại dịch Covid-19. Ngoài ra, bất ổn chính trị liên quan các cuộc đảo chính càng khiến tình trạng trì trệ kéo dài. Cựu thủ tướng Thaksin từng nhận xét rằng kinh tế Thái Lan hiện tại khó khăn hơn nhiều so với khi ông còn là lãnh đạo.
Trên mạng xã hội, những clip vận động tranh cử của bà Paetongtarn, trong đó có cam kết cải thiện sinh kế người dân, được dùng để chế giễu, thậm chí công kích bà. Họ cho rằng chính phủ Thái Lan không thể đạt được những mục tiêu như vậy.
Ngoài ra, giới quan sát còn đặt câu hỏi liệu bà Paetongtarn có tránh được số phận chính trị như ông Thaksin và bà Yingluck hay không. Hai cựu thủ tướng nhà Shinawatra bị quân đội đảo chính vào năm 2006 và 2014, và phải sống lưu vong. Ông Thaksin đã trở về Thái Lan tháng 8/2023, sau 15 năm sống ở nước ngoài.
“Bà ấy sẽ bị công kích”, Titipol Phakdeewanich, nhà khoa học chính trị tại Đại học Ubon Ratchathani nhận định. “Paetongtarn đối mặt nhiều rủi ro hơn. Nếu Pheu Thai không thể nhanh chóng thay đổi tình hình, gia tộc Shinawatra sẽ đối mặt nhiều khó khăn hơn trên chính trường”.
Thái Lan hỗn loạn và sự trở lại của triều đại Shinawatra
Nguoi-Viet
Trúc Phương
Ngày 16 Tháng Tám 2024, Hạ Viện Thái Lan đã bầu lãnh đạo đảng Pheu Thai, bà Paetongtarn “Ung Ing” Shinawatra, làm thủ tướng thứ 31, với 319 phiếu thuận, 145 phiếu chống và 27 phiếu trắng. Và ngày 18 Tháng Tám, Vua Maha Vajiralongkorn đã chính thức phê chuẩn Paetongtarn Shinawatra…
Cái bóng của Thaksin
37 tuổi, Paetongtarn Shinawatra trở thành thủ tướng trẻ nhất lịch sử Thái Lan. Bà kế nhiệm Srettha Thavisin, người bị Tòa Án Hiến Pháp hất khỏi ghế thủ tướng bởi tội “vi phạm đạo đức.” Là thành viên thứ ba của gia đình Shinawatra ngồi ghế lãnh đạo chính trường Thái Lan, Paetongtarn không ai khác hơn chính là con gái của cựu Thủ Tướng Thaksin Shinawatra, nhân vật từng khuynh đảo một thời…
Cái bóng của dòng họ Shinawatra từng bao phủ chính trường Thái Lan, bắt đầu từ Thaksin. Sinh trong một gia đình trung lưu, Thaksin Shinawatra bắt đầu sự nghiệp bằng việc gia nhập cảnh sát (sau đó lấy bằng tiến sĩ tội phạm học ở Mỹ). Năm 1982, ông cùng vợ thành lập công ty mà sau đó phát triển thành Shinawatra Computer (có quan hệ kinh doanh với IBM). Năm 1998, Thaksin thành lập đảng Thai Rak Thai (Người Thái Yêu Người Thái).
Thaksin Shinawatra giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử Thái Lan (với sự tham gia của 37 đảng) vào ngày 6 Tháng Giêng 2001. Nhật báo Thái The Nation từng viết rằng chiến thắng của Thaksin đã đánh dấu một kỷ nguyên mới cho chính trường Thái Lan. “Đây là lần đầu tiên một doanh nhân nắm quyền điều hành đất nước,” The Nation bình luận.
Trong chiến dịch vận động tranh cử, Thaksin Shinawatra có mặt mọi nơi, tại bất kỳ góc phố nào, bất kỳ ngôi đền nào và bất kỳ nhà dân nào. Ông là trung tâm của cơn bão thông tin bám sát mọi ngả. Thaksin Shinawatra là chính trị gia đầu tiên ở Thái biết khai thác truyền hình và Internet cho cuộc vận động tranh cử.
Trước Thaksin Shinawatra, các thủ tướng Thái gần như tránh xa truyền hình, hạn chế sự có mặt trong phạm vi các buổi lễ khai mạc lớn, dịp kỷ niệm quân đội và yết kiến Hoàng Gia. Tên tuổi Thaksin từng quen thuộc tại Thái, với hình ảnh là một trong những người giàu nhất với tài sản trị giá hơn $1.2 tỷ (cuối thập niên 1990). Hồi chiến dịch tranh cử, gần như nơi nào cũng xuất hiện logo trắng-xanh-đỏ của Thai Rak Thai, và tài xế taxi ở Bangkok hay tài xế tuk tuk tại Chiang Mai thường nở nụ cười đồng thời giơ ngón cái biểu thị hài lòng và tin tưởng, khi nghe nói đến tên Thaksin: “Thaksin biết kiếm tiền cho người Thái,” họ nói. Thaksin hứa tặng một triệu baht, tương đương $23,000, cho mỗi trong 77,000 ngôi làng ở Thái Lan nếu đắc cử.
Trước khi bước vào chính trường, Thaksin phục vụ trong ngành cảnh sát. Sau khi tốt nghiệp Học Viện Cảnh Sát Hoàng Gia năm 1973, Thaksin Shinawatra nhận được học bổng du học Mỹ. Ông lấy thạc sĩ tội phạm học tại Đại Học Eastern Kentucky (Richmond, Kentucky) và tiến sĩ tại Đại Học Sam Houston (Huntsville, Texas). Trở về Thái Lan, Thaksin gia nhập cảnh sát, được thăng chức đại tá. Thaksin lập gia đình với Pojarmarn Damapong (con gái một tướng cảnh sát). Vị thủ tướng tương lai của Thái Lan từng kiếm tiền nơi đất khách bằng việc phục vụ tại một cửa hàng ăn thuộc Kentucky Fried Chicken và vợ mình thì làm nghề giữ trẻ. Đứa con đầu lòng của họ sinh ở Mỹ.
Lương tháng của Cục Cảnh Sát Đô Thị Bangkok cấp cho Thaksin chỉ khoảng $150. Trong khi nhiều cảnh sát lúc đó kiếm thêm từ các “nguồn” khác thì Thaksin dành dụm đầu tư doanh nghiệp, từ làm lụa, sản xuất-phân phối phim cho đến mua bán hàng hóa linh tinh… Tất cả đều thất bại!
Tuy nhiên, nhờ vợ, Thaksin thiết lập mối quan hệ doanh nghiệp mới với ngành cảnh sát, bằng cách cho các phòng ban cảnh sát thuê máy tính. Lần này, Thaksin thành công. Từ đó, ông đầu tư vào thị trường máy nhắn tin và điện thoại di động, tung ra vệ tinh thương mại đầu tiên ở Thái, vào thời điểm mà không ai tin rằng ông có thể thu lợi. Cuối cùng, Thaksin trở thành tỷ phú…
Năm 2006, Thủ Tướng Thaksin dính vào loạt cáo buộc tham nhũng và cuối cùng bị phế truất trong cuộc đảo chính quân sự ngày 19 Tháng Chín 2006. Đảng của ông bị cấm hoạt động và ông bị cấm tranh cử. Thaksin sống lưu vong suốt 15 năm (trừ một lần trở về ngắn ngủi vào năm 2008), trước khi về hẳn vào Tháng Tám 2023.
Trong thời gian lưu vong, ông bị kết án vắng mặt hai năm tù vì lạm dụng quyền lực. Từ nước ngoài, Thaksin Shinawatra tiếp tục tạo ra nhiều ảnh hưởng đến chính trường Thái Lan, đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành đảng Pheu Thai (“đảng cho người Thái Lan”). Thaksin có vai trò nhất định trong việc thực hiện chiến dịch tranh cử giúp đưa em gái mình, bà Yingluck Shinawatra, lên ghế thủ tướng (từ 2011 đến năm 2014). Và hiển nhiên không thể không có dấu tay Thaksin trong việc đưa con gái của ông, Paetongtarn, lên ghế thủ tướng lần này…
Paetongtarn Shinawatra
Được biết với biệt danh “Ung Ing,” Paetongtarn trở thành nhân vật quen thuộc đối với công chúng kể từ khi lãnh đạo đảng Pheu Thai trong cuộc tổng tuyển cử năm 2023. Tương tự Thaksin, Paetongtarn có mặt mọi lúc mọi nơi trong chiến dịch vận động, phát biểu tại các cuộc mít tinh cho đến tận tháng cuối cùng của thai kỳ đứa con thứ hai.
Sinh ngày 21 Tháng Tám 1986 tại Bangkok, Paetongtarn Shinawatra tốt nghiệp cử nhân Khoa Học Chính Trị, Xã Hội Học và Nhân Chủng Học tại Đại học Chulalongkorn năm 2008; và sau đó du học Anh, lấy bằng thạc sĩ quản lý khách sạn quốc tế tại Đại Học Surrey. Tại một cuộc họp đảng Pheu Thai ngày 20 Tháng Ba 2022, Paetongtarn được bầu làm “người đứng đầu Gia Đình Pheu Thai”.
Paetongtarn có quan điểm tự do trong hầu hết vấn đề. Ủng hộ quyền LGBT (cộng đồng người đồng tính, chuyển giới), Paetongtarn từng tham dự chương trình diễu hành “Bangkok Pride” năm 2023.
Paetongtarn ủng hộ việc soạn lại hiến pháp và bãi bỏ chế độ nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, bà phản đối việc sửa đổi luật về tội khi quân của Thái Lan.
Bà lập gia đình với Pitaka Suksawat, một doanh nhân người Thái, hiện là phó giám đốc đầu tư của Rende Development Co., Ltd. và là thành viên hội đồng quản trị của Thaicom Foundation. Họ có hai con: con gái Thitarn Suksawat, chào đời năm 2021; con trai Pruethasin Suksawat, chào đời năm 2023, hai tuần trước cuộc tổng tuyển cử Thái Lan năm 2023.
Bắt đầu đánh bóng hình ảnh quốc tế của mình, Tháng Sáu 2024, Paetongtarn Shinawatra đã tháp tùng Ngoại Trưởng Maris Sangiampongsa dự cuộc họp BRICS ở Nga, nơi Thái Lan chính thức nộp đơn xin gia nhập khối các nền kinh tế mới nổi.
Việc chọn Paetongtarn Shinawatra vào ghế thủ tướng dường như giải quyết được một giai đoạn chính trị bế tắc, ít nhất ở thời điểm hiện tại. Dù vậy, sự lộn xộn chính trường vẫn làm tăng sự thất vọng của cử tri và giới nhà hoạt động chính trị từng làm việc trong hệ thống dân chủ nước này.
The New York Times tường thuật, việc đưa bà Paetongtarn lên ghế thủ tướng là kết quả cuộc đàm phán bí mật kéo dài hai ngày, bắt đầu vài giờ sau khi cựu Thủ Tướng Srettha Thavisin bị Tòa Án Hiến Pháp phế truất vì cáo buộc vi phạm đạo đức.
“Điều này cho thấy lá phiếu của người dân Thái không thực sự quan trọng, vì chỉ trong vòng một tuần, tòa án đã tước quyền bầu cử của hơn 14 triệu cử tri và phế truất một thủ tướng được bầu một cách dân chủ,” nhận định của Napon Jatusripitak, nghiên cứu viên thỉnh giảng của Chương Trình Nghiên Cứu Thái Lan thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore).
Thái Lan và Mỹ
Nền dân chủ Thái Lan trong thực tế luôn dễ vỡ. Tờ The Bangkok Post cho biết, có đến hơn 120 đảng phái chính trị đã bị giải tán kể từ năm 1998 và khoảng 249 ứng cử viên bị ngăn cản không cho ra tranh cử. Biến động chính trị mới nhất đang ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế từng tăng trưởng mạnh của Thái Lan. Hiện nước này là một trong những nền kinh tế yếu nhất khu vực. Nhiều chuyên gia trẻ tài giỏi đã bỏ ra nước ngoài, bởi sự hỗn loạn chính trị quốc gia.
Sự xáo trộn Thái Lan đang đặt ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan cho Mỹ. Bangkok vẫn là đồng minh quan trọng của Washington ở Đông Nam Á. Duy trì việc tổ chức tập trận chung hàng năm với Thái Lan, Mỹ cũng đang tìm cách bán chiến đấu cơ hiện đại F-16 Block 70 cho Không Quân Thái Lan.
Kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 2014, Thái Lan ngày càng hướng về Trung Quốc. Bất chấp nhiều nỗ lực của Washington nhằm lôi kéo Bangkok trở lại quỹ đạo của Mỹ, những hành động trong nước và quốc tế gần đây của Thái Lan cho thấy việc tái liên kết với phương Tây khó có thể diễn ra trong thời gian sớm.