mysouthvietnam

 

Vào 2 giờ chiều Chủ Nhật, ngày 1/9/2024, tại Lavender (OC Entertainment), 14190 Beach Blvd, thành phố Westminster sẽ trình chiếu phim tài liệu My South Vietnam (song ngữ, lời Việt, phụ đề Anh ngữ).

Đầu năm 2022, Vietnam Film Club của đạo diễn Chu Lynh bắt đầu thực hiện bộ phim tài liệu My South Vietnam – Miền Nam Của Tôi, phát hành tháng 12 năm 2022. Trong 2 năm qua, phim được trình chiếu khắp nơi và lần nầy ra mắt tại Little Saigon.

Vietnam Film Club được thành lập năm 2010 bởi giáo sư Nguyễn Ngọc Bích và đạo diễn Chu Lynh.

GS Nguyễn Ngọc Bích (1937-2016), năm 1954 du học tại Hoa Kỳ, sau nhiều năm làm việc ở ngoại quốc, về nước năm 1972 cùng với hiền thê là TS Đào Thị Hợi thành lập Viện Đại Học Cửu Long ở Sài Gòn, Cục Trưởng Cục Thông Tin Quốc Ngoại của Bộ Dân Vận Chiêu Hồi, Tổng Giám Đốc sau cùng của Việt Tấn Xã.

Năm 1975 định cư ở Hoa Kỳ giảng dạy tại các đại học George Mason (1979-89), Trinity College (1979-81) và Georgetown University (1980-86). GS Nguyễn Ngọc Bích là Giám Đốc đầu tiên của Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do (RFA) từ ngày thành lập cho đến lúc về hưu năm 2003.

Đạo diễn Chu Lynh, sinh năm 1945 tại Quảng Bình, 1954 di cư vào miền Nam. Theo học tại các trường Institut de la Providence Huế, Bình Minh Huế, Lê Bảo Tịnh Sài Gòn.

Năm 1965 nhập ngũ khóa 22 tại Trường Sĩ Quan Bộ Binh Thủ Đức. Phục vụ trong ngành Quân Nhu. Sau năm 1975 bị tù hơn 10 năm.

Năm 1995, định cư tại Virginia, Hoa Kỳ theo diện H.O.

Năm 2005, thành lập Câu Lạc Bộ Đằng Phương (bút hiệu Đằng Phương của giáo sư Nguyễn Ngọc Huy). Trước khi thành lập Vietnam Film Club đã thực hiện các phim tài liệu. Từ đó đến nay đã thực hiện nhiều phim tài liệu giá trị. Ngoài ra Chu Lunh cũng là tác giả với tác phẩm Mảnh Da Vàng…

Chu Lynh rất tâm huyết khi thực hiện bộ phim My South Vietnam khoảng mười tập, mỗi tập một chủ đề riêng khoảng 30-50 phút, đề cập đến những lãnh vực của xã hội miền Nam trước năm 1975 và phần nào sau năm 1975.

Theo lời đạo diễn, bộ phim “Không những cho những người đã sống ở Miền Nam Việt Nam nhìn lại bức tranh miền Nam với những kỷ niệm, và những nỗ lực chiến đấu, xây dựng Miền Nam” của họ, mà còn cho người miền Bắc và giới trẻ không can dự vào chiến tranh hiểu được về xã hội thực của miền Nam.theo lời Chu Lynh VNCH đã thành quá khứ “Những cái gì xảy ra tại Miền Nam Việt Nam chỉ còn trong hồi tưởng và internet” vì vậy đạo diễn đã chịu khó đi khắp nơi phỏng vấn từ những vị thức giả, sĩ quan cao cấp, giới chức trong QLVNCH, những tù nhân chính trị, giới văn nghệ sỹ, giới truyền thông, giáo chức, thuyền nhân và người dân… tạo thành bức tranh toàn diện làm chứng nhân lịch sử.

Với tâm huyết của nhà làm phim, Vietnam Film Club không gây quỹ, không kêu gọi đóng góp, và cũng không có nhà bảo trợ. Các thành viên tự lo chi phí, và vì thế gặp nhiều khó khăn. Và khi trình diễn cũng “vào cửa miễn phí”.

Vẫn theo anh “Sở dĩ chúng tôi thực hiện các phim tài liệu, là vì chúng tôi thấy hải ngoại có nhiều video nói về lịch sử và chiến tranh Việt Nam trên internet, nhưng những video này chưa được thực hiện một cách có hệ thống về các khúc quanh lịch sử quan trọng”. Vả lại “Người Mỹ thường không hiểu và có cái nhìn sai lệch về cuộc chiến hoặc về Quân Đội VNCH, đa số những cuốn phim, những tác phẩm của họ là bào chữa cho sự rút quân khỏi Miền Nam Việt Nam, và đổ lỗi cho Quân Đội VNCH.

… Lịch sử Việt Nam quá nhiều đau thương. Nói đến người dân Việt Nam là nói đến những thảm kịch của chịu đựng, đau khổ, chết chóc, tan nát trong chiến tranh và sau chiến tranh.

Chúng ta nên nhìn lại căn cước của mình thuộc về tổ tiên xây dựng đất nước và chống ngoại xâm. Nhìn nhau như vậy thì thấy gần gũi nhau hơn, và không lấy một chi tiết nhỏ như ‘anh theo đảng này, tôi đảng kia’ rồi trở thành đả kích, chia rẽ”.

Với tâm tư tình cảm của người con, người lính khi rời khỏi quê hương: “Người Việt Nam nên nghĩ thân phận dân tộc Việt Nam đã đau khổ quá nhiều trong chiến tranh. Tìm hiểu quá khứ để có những bài học, để lý giải được hiện tại, từ đó có cái viễn kiến về tương lai.

Người Việt Nam làm được việc nếu hiểu được quá khứ lịch sử của đất nước mình, và coi trọng tinh thần dân tộc hơn tất cả quyền lợi cá nhân và đảng phái.”

Phim My South Vietnam – Miền Nam Của Tôi của đạo diện Chu Lynh tóm gọn 4 tập với từng chủ đề: Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa – Văn Hóa Giáo Dục – Truyền Thông Báo Chí và Y Tế VNCH… Tất cả thể hiện tinh thần nhân bản, khai phóng của nền dân chủ tự do trong suốt hai thập niên qua. Sau năm 1975 nhìn lại các lãnh vực trên đã đảo ngược hoàn toàn.

Nếu đạo diễn Chu Lynh có cùng ê-kíp đủ điều kiện để khi khắp nơi trên thế giới, gặp gỡ thân hào nhân sĩ và đồng hương hải ngoại thì phim My South Vietnam – Miền Nam Của Tôi trở thành tài liệu quý giá cho người Việt xa xứ. Không biết cuốn phim nầy đã phổ biến trên YouTube, người dân và giới trẻ có được theo dõi” Nếu được chuyển lửa là niềm vinh dự cho đạo diễn và cũng là hoài bão của chúng tôi.

Trước đây, khi phim My South Vietnam được trình chiếu, tôi viết tổng quát trong mục Văn Nghệ của tờ báo. Nay được trình chiếu ở Little Saigon nên viết đôi giòng giới thiệu với đồng hương.

Little Saigon, August 14, 2024

Vương Trùng Dương