(Hình: Facebook)

Làn sóng đấu tố điên cuồng của các thành phần cuồng Cộng được được nuôi dưỡng trong Việt Nam, đang dẫn đến những tình huống kịch tính mới: Các ca sĩ nào xuất ngoại và hát dưới lá cờ vàng ba sọc đỏ, hay trong các chương trình bị coi là “nhạy cảm chính trị” với Hà Nội, đang bị các cuồng Cộng viên lùng sục hình ảnh trên mạng lưới để phô bày, và tấn công là “phản quốc”, hay chỉ trích vì có ý ủng hộ bọn “phản động”.

Tuần cuối Tháng Tám 2024, mạng xã hội Việt Nam chứng kiến nhiều cảnh xưng tội giữa đại chúng, của các ca sĩ đã tìm show diễn ở các cộng đồng người Việt tự do, nay bị bắt bẻ, đã hết mực trình bày là mình sai, mình là kẻ nông cạn. Chẳng hạn như ca sĩ Myra, cô nhấn mạnh là những “sai lầm” đã mắc phải là do sự “thiếu sót, thiếu hiểu biết của bản thân” và “không tìm hiểu cẩn thận” khi tham gia những chương trình ca nhạc của người Việt hải ngoại mà có treo cờ vàng. Mà dù hiện chưa có sự cấm đoán chính thức nào, cô Myra vẫn khẩn khoản “mong được tiếp tục cống hiến và tiếp tục phục vụ khán giả”.

Xã hội Việt Nam còn chưa hết ngạc nhiên với trò hô hoán ấu trĩ của lớp cuồng Cộng, cùng sự sợ hãi bất thường của giới ca nghệ sĩ thời xã hội chủ nghĩa, thì lại xuất hiện thư xin lỗi toàn thể đại chúng đang hung hăng, của ca sĩ Tóc Tiên.

Ca sĩ Tóc Tiên được nhiều người Việt hải ngoại biết đến, khi đến Hoa Kỳ và trở thành cộng tác thường xuyên với Thúy Nga Paris từ năm 2009. Sau đó, cô cũng quay về Việt Nam và trình diễn. Mới đây, trong chiến dịch “phong sát” của giới cuồng Cộng, Tóc Tiên cũng bị chỉ điểm những hình ảnh biểu diễn có lá cờ vàng trong đó, vốn đã hơn 10 năm. Có lẽ bị ảnh hưởng từ sự sợ hãi đang ngấm ngầm lan nhanh trong một số nghệ sĩ có cơ hội diễn ở ngoài nước, Tóc Tiên lập tức cho đăng thư xin lỗi trên trong facebook cá nhân của mình.

“Tiên vẫn còn là một người trẻ thiếu kinh nghiệm và chưa đủ cẩn trọng trong việc lựa chọn sân khấu biểu diễn. Tiên xin chân thành nhận lỗi vì đã không tìm hiểu kỹ lưỡng và thiếu sự quan sát cần thiết, dẫn đến việc tham gia một số sự kiện không phù hợp. Đây chắc chắn là một bài học không thể quên trong cuộc đời và sự nghiệp của Tiên”, thư viết.

Nhiều người nhận định rằng quả là hôm nay, Tóc Tiên đã rất kinh nghiệm với trong cuộc sống trong nước, biết phải nở nụ cười giả tạo, và biết ra vẻ thân thiện với lớp cuồng Cộng đang bao vây, nên đã vội viết thư ngay khi chưa có chuyện gì xảy ra với cô.

Nhưng trong xã hội Việt Nam, tất cả những làn sóng điên cuồng diễn ra trên các trang mạng xã hội bởi các dư luận viên – mà vốn lúc này được gọi nhanh thành phần cuồng Cộng – ai cũng thấy là đều xuất phát từ những chỉ đạo bí mật bên trong của ban tuyên giáo Cộng sản. Những nhà chính trị thao túng cao cấp này luôn ngồi trong căn phòng của mình, theo dõi và lợi dụng các tình huống, đẩy nhanh thành sự kiện, mà mới đây là chuyện giới cuồng Cộng kích động nhau cùng vẽ lên nóc nhà lá cờ đỏ.

Nếu diễn đàn mạng xã hội là một đường phố, thì người ta thấy lúc này lần lượt những nghệ sĩ quen thuộc đang quỳ mọp trên đường và xin lỗi những đám trẻ cuồng Cộng về sự ngu dại của mình. Có thể thấy tất cả nghệ sĩ bị bêu tên như Việt Hương, ca sĩ Phan Đinh Tùng, Phạm Khánh Hưng… cũng đang chuẩn bị phần “nông cạn và thiếu hiểu biết” của mình. Danh sách này sẽ còn dài, trong một xã hội đang bị Ban Tuyên giáo nhào nặn, thao túng từng ngày để gây chia rẽ và hận thù.

Về phía những người không phải là giới cuồng Cộng, khi nhìn thấy, có người buồn cười, có người phẫn nộ, nhưng cũng có những người nhiều kinh nghiệm hơn thì im lặng, và nhắc về Trung Quốc với những ngày tháng Cách mạng Văn hóa đẫm máu, mà trong đó những thành phần cuồng Cộng được chọn làm chủ nhân ông đất nước vì sự vô học. Sự vô học hôm nay ở Việt Nam cũng trở thành có giá, vì được tin cậy và giao nhận vai trò canh gác cánh cửa chuồng của giới chủ.

Chẳng có gì để nói về những thành phần cuồng Cộng, với những ngôn luận cực đoan và ngu xuẩn, chúng chỉ giúp che đậy cho sự sợ hãi của chính quyền Hà Nội về sự tồn tại nghiễm nhiên và bất biến của lá cờ vàng 3 sọc đỏ, của một chế độ bị cưỡng chiếm. Vàng bạc họ đã chiếm, con người họ đã giam cầm, và đất nước hôm nay trở thành một guồng máy lao động không ngừng nghỉ để tạo ra của cải cho bọn quan chức Cộng sản tham nhũng. Vì bởi sự bất lương của bộ mặt chính quyền Hà Nội ngày nào còn tồn tại, thì ngày đó lá cờ vàng của một quốc gia tự do vẫn còn là một đối trọng để người ta nhìn thấy sự thật.

Nhưng điều đáng nói ở đây, việc chọn lựa của giới nghệ sĩ trong nước, đi ra các cộng đồng người Việt tự do, kiếm sống bằng đồng đô la và hít thở Không khí tự do bên ngoài, không có ai ép uổng. Họ được quyền từ chối nếu thấy mình không muốn tham gia.

Sự “nông cạn và thiếu hiểu biết” mà họ quyền mọp xuống để thổ lộ với giới cuồng Cộng, cần được giải thích rõ bằng việc họ đến và biểu diễn ở các cộng đồng này, đã luôn được căn dặn cần có thái độ sống như một người tự do, và không được nói những điều như là một người đã bị Cộng sản nhồi sọ. Được biết hầu hết các bầu show tổ chức biểu diễn ở Mỹ đều phải bảo đảm điều này với tất cả những ca sĩ từ Việt Nam tới, để tránh cho trường hợp show diễn của họ bị biểu tình và hủy bỏ.

Do đó, không có chuyện “nông cạn và thiếu hiểu biết” bất ngờ như các thư xin lỗi nồng nàn, mà phải bàn đến lòng tự trọng và danh dự của một nghệ sĩ, đã bị hy sinh như thế nào trong một bối cảnh đáng thương hơn là đáng giận. Thậm chí là quá thương hại vì họ phủ nhận thật nhanh sự đóng góp nuôi dưỡng của cộng đồng có cờ vàng, cho đời nghệ sĩ của họ không ít. Nuốt nghẹn sự thật vào trong và suýt xoa xin lỗi giả tạo, nếu còn chút nhân tính, thật không dễ!

Chuyện đời hiện thực vẫn còn ghi rõ. Cô Nhíp (tên thật là Cao Thị Nhíp), người được chụp tấm ảnh có nụ cười rạng rỡ khi đưa xe tăng của quân Bắc Việt, ngày 29 Tháng Tư 1975, trên đường cưỡng chiếm chế độ Việt Nam Cộng Hòa ở cửa ngõ Sài Gòn, từ hướng Tây Bắc. Nhưng sau vài năm “giải phóng”, cô Nhíp im lặng bỏ sang Mỹ, giờ là một công dân Mỹ gốc Việt. Nghe nói là cô có nhà ở Garden Grove, miền Nam Califfornia. Cũng có người đi chợ nhận ra cô. Người thì im lặng, người chào đón như một con người mới của cô Nhíp ở vùng đất của người Việt không cộng sản.

Ai rồi cũng có một thời. Với những thành phần cuồng Cộng ở Việt Nam hay những ca sĩ đang sướt mướt xin lỗi trên các trang mạng cũng vậy.

Cô Nhíp không còn muốn nhắc về thời tự hào, cười, đầu đội mũ tai bèo, ngồi trên xe tăng của mình. Có người hỏi, nghe kể là cô quay đi “Tôi đã quên rồi. Quên lâu lắm rồi”. Dĩ nhiên, không có cách nói khác, thời tuổi trẻ đó, chắc chắn cô cũng là một thành phần cuồng Cộng. Nhưng rồi thời “nông cạn và thiếu hiểu biết” cũng qua đi, cô Nhíp hôm nay đã khác.

Mọi người, ai cũng có một thời “nông cạn và thiếu hiểu biết” của mình. Rồi mọi thứ sẽ đi qua, và từng người đều có cơ may lớn lên bằng nhận thức của chính mình. Nhưng với các ca sĩ, nghệ sĩ đang sụt sùi xin lỗi hôm nay, họ cũng nên có một lời thề cho đời mình – dẫu âm thầm cũng được – rằng thề là sẽ có một lần sống như một con người đúng nghĩa với sự có mặt trên cõi đời này, cải táng nhân cách một lúc nào đó thật tử tế, sau lần vùi dập, bán rẻ hôm nay.

Xem thêm:

Các nghệ sĩ Việt Nam tự xin lỗi vì biểu diễn trên sân khấu ‘không phù hợp’ ở hải ngoại