Nhiều tổ chức kêu gọi EU không cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam

 


 

Hàng chục tổ chức nhân quyền và hội đoàn gốc Việt ở Mỹ vừa kêu gọi Liên hiệp châu Âu (EU) không coi Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Lời kêu gọi này được đưa ra vài tuần sau khi Washington tiếp tục xác định Hà Nội là nền kinh tế phi thị trường dù quốc gia do đảng cộng sản cai trị đã cố gắng vận động để được nâng cấp.

Nhóm 70 tổ chức ở Mỹ gửi bức thư đến Uỷ ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của EU, vào ngày 20/8, trong đó họ nêu ra rằng chính quyền Việt Nam gửi yêu cầu tới EU để xóa Việt Nam khỏi danh sách các nền kinh tế phi thị trường, nhưng họ muốn EU bác yêu cầu này của Hà Nội.

“Trước khi Việt Nam bị Bộ thương mại Hoa Kỳ từ chối công nhận nước này có nền kinh tế thị trường thì họ đã có ý định gửi yêu cầu đến EU để xóa Việt Nam ra khỏi danh sách các nền kinh tế phi thị trường”, ông Trần Quốc Hưng ở Texas, đại diện của Liên minh vì Dân Chủ cho Việt Nam, một trong những tổ chức ký tên trong thư, chia sẻ với VOA.

“Lá thư này có mục tiêu là giải thích cho EU biết là đã có quyết định như vậy từ phía Mỹ và hy vọng EU sẽ từ chối cứu xét đơn xin của Việt Nam”, ông Hưng bày tỏ kỳ vọng.

Như VOA đã đưa tin, ngày 2/8, Bộ Thương mại Mỹ ra thông cáo nói rằng Hoa Kỳ vẫn tiếp tục xếp Việt Nam thuộc diện quốc gia có nền kinh tế phi thị trường. Quyết định này đã gây thất vọng cho Hà Nội.

Bức thư của các nhóm người Mỹ gốc Việt phân tích các tiêu chí bao gồm mức độ ảnh hưởng của chính phủ trong việc quản lý doanh nghiệp và phân bổ nguồn lực, sự lũng đoạn nền kinh tế tư nhân, việc thực hiện hiệu quả luật phá sản, quyền sở hữu trí tuệ, các quy tắc quản trị doanh nghiệp và sự tồn tại của một lãnh vực tài chính minh bạch.

Đây là những tiêu chí để EU duy trì danh sách các nền kinh tế phi thị trường, trong số này có Việt Nam, Trung Quốc, Kazakhstan, Triều Tiên, bức thư cho biết.

Ngoài ra, bức thư còn lưu ý rằng hiện nay EU vẫn tiếp tục theo dõi Việt Nam liên quan đến cáo buộc bán phá giá. Ví dụ, vào tháng 11/2023, EC đã tiến hành điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam.

VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và EU, đề nghị họ đưa ra bình luận về bức thư nói trên, nhưng chưa được phản hồi.

Theo Cục Phòng vệ Thương mại thuộc Bộ Công Thương Việt Nam, cho đến nay các thị trường lớn của nước này như Mỹ hay EU cũng giữ nguyên quan điểm xem Việt Nam là kinh tế phi thị trường.

Hà Nội kỳ vọng rằng nếu được Mỹ và EU công nhận là kinh tế thị trường sẽ “có ý nghĩa rất lớn cho các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam”, bao gồm việc doanh nghiệp Việt sẽ không chịu bất lợi khi đối mặt với các vụ kiện chống trợ cấp, chống bán phá giá.

Chính quyền Việt Nam xem EU là thị trường nước ngoài quan trọng thứ ba đối với hàng Việt từ năm 2020, khi Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực.

Theo số liệu của Bộ Công Thương Việt Nam, tính từ khi EVFTA có hiệu lực từ tháng 8/2020 đến đầu tháng 8/2024, Việt Nam đã xuất sang thị trường EU các hàng hóa trị giá 170 tỷ USD.

Vẫn thông tin từ Cục Phòng vệ Thương mại cho thấy rằng hồi năm 2015, khi đang đàm phán EVFTA, đại diện phái đoàn Liên hiệp châu Âu lưu ý với báo giới rằng việc ký kết hiệp định này không đồng nghĩa với việc công nhận Việt Nam là kinh tế thị trường.