Seite auswählen

„Bản chất keo kiệt và hèn mọn của Trung Cộng cả thế giới đều biết. Họ không chỉ keo kiệt, tàn ác với người ngoài mà keo kiệt và tàn ác lẫn nhau như đã chứng tỏ suốt dòng lịch sử, cụ thể nhất là dưới thời cộng sản.“

Trần Trung Đạo

 

Giới thiệu: Theo bản tin mới nhất sáng nay của TTXVN “Quốc tế hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và mưa lũ”, tính đến ngày 16 tháng 9, hàng loạt các quốc gia và các tổ chức thiện nguyện quốc tế đã hỗ trợ nạn nhân bão Yagi như Thụy Sĩ, Nam Hàn, Úc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Anh v.v…

Các cơ quan quốc tế “Save the Children”, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Trung tâm Điều phối ASEAN v.v… Hoa Kỳ tặng 1 triệu trong tổng số 7,7 triệu Mỹ kim trong 5 năm qua để phòng chống bão lụt dù thời gian đó không có bão lớn và không có quốc gia nào hỗ trợ.

Trong danh sách dài không có nước “cùng chung vận mệnh” Trung Cộng.

Thật ra điều đó không có gì lạ. Bản chất keo kiệt và hèn mọn của Trung Cộng cả thế giới đều biết. Họ không chỉ keo kiệt, tàn ác với người ngoài mà keo kiệt và tàn ác lẫn nhau như đã chứng tỏ suốt dòng lịch sử, cụ thể nhất là dưới thời cộng sản. Hàng chục tác phẩm của các sử gia thế giới viết về nạn đói tại Trung Cộng với mấy chục triệu người chết, ăn thịt nhau trong khi Mao Trạch Đông sống như một đế vương.

Khi các chính sách “đổi mới”của Đặng Tiểu Bình tạo điều kiện người dân có cơ hội cải thiện đời sống thì họ chỉ biết lao đầu vào vật chất để làm giàu. Tại các nước tự do, các tôn giáo đóng vai trò như những ngọn hải đăng hướng dẫn con người vốn dễ bị vật chất hóa trở về với các giá trị đạo đức và tinh thần, với tình yêu và lòng nhân ái. Những ngọn hải đăng đó đã bị dập tắt tại các nước cộng sản. Tôn giáo tại các nước này chỉ là một loại “công an tinh thần” của đảng cộng sản.

Bài viết này không nhằm “trả thù” cách hành xử của Trung Cộng sau cơn bão Yagi, nhưng đã viết khi nhìn cách viện trợ của họ đối với Philippines trong trận bão Haiyan hơn mười năm trước. 

 

 ***

 

Bangladesh là quốc gia có dân số 147 triệu ở vùng Nam Á. Sau cuộc chiến tạm gọi là nội chiến Pakistan dài phát xuất từ các lý do văn hóa, tôn giáo, địa lý, quốc gia Bangladesh được thành lập vào năm 1971. Về kinh tế, Bangladesh được xếp vào hạng thứ 151 trên thế giới, nghĩa là rất nghèo. Nhiều triệu trẻ em Bangladesh vẫn còn thiếu dinh dưỡng.

Chẳng những thế, các nước chung quanh cũng là những nước nghèo không thua kém nên các quan hệ kinh tế thương mại trong khu vực chẳng phát triển gì nhiều. Nhưng khi trận bão lụt Katrina xảy ra ở New Orleans, Mỹ, tháng Tám 2005, Bangladesh là một trong những quốc gia đầu tiên đáp ứng về cả nhân lực lẫn tài chánh. Chính phủ Bangladesh đã tặng nạn nhân Katrina 1 triệu đô la và sẵn sàng đưa chuyên viên sang giúp xây dựng các đê điều ở New Orleans mà họ vốn có nhiều kinh nghiệm.

Đa số các nhà bình luận đều đồng ý, trên tất cả những khía cạnh chính trị, kinh tế, nghĩa cử của chính phủ Bangladesh đã nói lên tấm lòng nhân ái của những người cùng cảnh ngộ. Năm 1974, Bangladesh vừa mới thành lập đã phải chịu một trong những cơn lụt lớn nhất trong lịch sử nhân loại với gần 30 ngàn người chết. Những cơn mưa mùa kéo dài suốt tháng đã làm xứ sở này sống với lũ lụt thường xuyên như chúng ta thấy trên các phóng sự truyền hình. Không ai hiểu được nỗi lòng của người chịu đựng lũ lụt hơn những người phải than thở “trời hành cơn lụt mỗi năm” như người dân Bangladesh.

Ngày 4 tháng 11, bão Haiyan hay Yolanda theo cách gọi của Philippines được cảnh báo và ngày 7 tháng 11, Tổng thống Phi Benigno Aquino III kêu gọi dân chúng trong vùng bão sẽ đi qua di tản tức khắc. Nhưng nhiều khu vực không biết tin tức và dù có nhận được lịnh cũng không biết đi đâu. Và vài giờ sau, lúc 6 giờ sáng cơn bão với sức gió 275 kilomet giờ vào đất liền.

Theo ước lượng của các cơ quan thiện nguyện quốc tế nhiều chục ngàn người dân Phi tại các đảo miền trung Philippines đã chết do cơn bão Haiyan gây ra. Chỉ riêng đảo Leyte Island đã có 10 ngàn người chết. Theo ước lượng của cơ quan National Disaster Risk Reduction and Management Council (NDRRMC) thuộc chính phủ Phi, khoảng 9.5 triệu người bị ảnh hưởng và 630 ngàn người đang lâm cảnh màn trời chiếu đất.

Trong điêu tàn đổ nát do siêu bão Haiyan gây ra những hạt giống tình thương đang được gieo trồng. Hàng trăm quốc gia, hàng ngàn tổ chức từ thiện khắp thế giới đang đổ về Philippines không chỉ với thuốc men, áo quần, thực phẩm mà cả nhân lực để góp phần hàn gắn vết thương. Chính phủ Mỹ chỉ vài giờ sau cơn bão đã thông báo viện trợ khẩn cấp 20 triệu đô la, Anh tặng 16 triệu đô la, Nhật Bản tặng 10 triệu đô la. Đó chỉ là tiền mặt, ngoài ra, các hàng không mẫu hạm HMS Illustrious của Anh, USS George Washington của Mỹ chuyên chở thuốc men và vật dụng cần thiết đến Phi.

Và Trung Cộng, quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới đã viện trợ 100 ngàn đô la.

Đừng nói gì các công ty như Ikea cam kết 2,7 triệu đô la, Coca-Cola cam kết 2,5 triệu đô la, số tiền viện trợ của cường quốc thứ hai trên thế giới có thể còn thấp hơn số tiền do các cựu thuyền nhân và đồng hương Việt Nam tại hải ngoại đóng góp.

Báo Times bình luận 100 ngàn đô la là một sỉ nhục đối với Philippines.

Trước phản ứng của dư luận thế giới mới đây Trung Cộng đã gia tăng viện trợ lên đến 1,64 triệu đô la nhưng không phải tiền mặt mà là mùng mền, chăn chiếu. Những món “Made in China” này nghe qua là đã sợ.

Nhiều nhà bình luận dù phê bình Trung Cộng đã yểm trợ chỉ bằng sáu phần trăm số tiền New Zealand đã hứa nhưng không ai hiểu tại sao các lãnh đạo Trung Cộng lại có thể làm như thế, chẳng lẽ chúng không biết thế nào là xấu hổ hay sao. Ngay cả tờ Global Times có khuynh hướng dân tộc cực đoan cũng viết trong phần bình luận ngày 12 tháng 11, 2013 “Trung Quốc như một cường quốc có trách nhiệm nên tham gia vào các hoạt động cứu trợ để giúp đỡ nạn nhân của quốc gia láng giềng. Nếu Trung Cộng làm nhục Philippines lần này, Trung Quốc sẽ chịu tổn thất lớn lao.”

Lãnh đạo Trung Cộng không phải là không nhận ra điều đó, nhưng Trung Cộng ngày nay không phải là một Trung Cộng mà Chu Ân Lai từng thề nguyền sát cánh cùng các nước nghèo, láng giềng, từng bị thực dân cai trị tại hội nghị Bandung ở Nam Dương 1955. Trung Cộng ngày nay cũng không phải là một Trung Cộng mà Đặng Tiểu Bình đã hứa chia ngọt sẻ bùi với các quốc gia Đông Nam Á bằng những lời đường mật trong chuyến viếng thăm của y năm 1978. Cơn bĩ cực đã qua, thời thái lai đang tới, lãnh đạo Trung Cộng ngày nay là một đám kiêu căng đang giương cao ngọn cờ chủ nghĩa dân tộc Đại Hán, và chủ nghĩa này sẽ là chảo dầu của chiến tranh thế giới lần thứ ba phát xuất tại Á Châu.

Trung Cộng là một trong những nước có nguồn dự trữ vàng lớn nhất thế giới, là nước chủ nợ lớn nhất thế giới và GDP có khả năng sẽ vượt qua Mỹ vào năm 2020 với ước lượng khoảng 24 ngàn tỉ đô la. Trung Cộng có rất nhiều cái nhất nhưng những điều đó không làm nên giá trị của một quốc gia, không làm cho nhân loại kính trọng Trung Cộng hơn Bangladesh, bởi vì giá trị của một quốc gia không phải được xác định bằng của cải mà bằng các tiêu chuẩn đạo đức, dân chủ, văn minh và văn hóa.

Khi bàn về những phẩm chất để làm một quốc gia trở nên vĩ đại và được kính trọng, nhà văn Thomas Fann, trong một tiểu luận xuất sắc đã nêu ra 10 yếu tố gồm tự do, công lý, danh dự, đạo đức, lòng thương cảm, thành thật, giá trị cuộc sống, sáng tạo, khả năng vượt trội, bảo vệ môi trường cho các thế hệ tương lai. Thomas Fann nhấn mạnh đến việc nghĩ đến các thế hệ tương lai khi nhắc câu chuyện Disneyland. Ông Walt Disney chết năm năm trước ngày Disney World ở Florida, Mỹ, khai mạc. Trong lễ khai mạc, có người than phải chi ông còn sống để thấy những khu chơi dành cho cho thiếu nhi huy hoàng tráng lệ như ngày nay. Thật ra, với tầm nhìn xa và tư duy khai phóng, ông Walt Disney đã thấy những nụ cười rạng rỡ, những ánh mắt vui tươi của trẻ em từ lâu trước ngày khai mạc Disneyland.

Trung Cộng không đạt bất cứ một phẩm chất nào trong mười phẩm chất nêu trên. Nhưng nếu phải xếp hạng, có lẽ nên được xếp Trung Cộng cùng thời đại với các nhóm dân bộ lạc bán khai ăn thịt người còn sống tản mác trong các khu rừng ở Congo, vùng West Indies và khu vực Amazon hoang dã.

Tại sao?

Cách đây không lâu Trung Cộng là một trong số ít quốc gia mà cha mẹ đã làm thịt con đẻ của mình để sống qua ngày. Cách đây không lâu đã có hơn ba chục triệu người dân Trung Cộng phải chết đói, ăn thịt nhau một cách công khai trong thời kỳ Bước tiến nhảy vọt và Công xã nhân dân, tức giai đoạn người dân phải đem nồi niêu xoong chảo ra các “nhà luyện kim sau vườn” để “đúc thép” theo chủ trương của Mao Trạch Đông. (The Great Famine in China, 1958-1962: A Documentary History, Edited by Zhou Xun. Published by: Yale University Press. Copyright Date: 2012.)

Không chỉ trong 40 năm trước, mà ngay cả ngày nay cũng thế, trong lúc đại đa số nhân loại đã qua khỏi thời kỳ dã man cả ngàn năm nhưng tại Trung Cộng việc ăn thịt người là một thức ăn sang trọng. Tờ Next Magazine phát hành tại Hong Kong cho rằng tại Trung Cộng, thai nhi là thức ăn phổ biến.

Tháng Năm, 2012, trên tờ Washington Times, nhà văn và nhà nghiên cứu Youngbee Dale cho biết sở quan thuế Nam Hàn đã tịch thu 17 ngàn viên thuốc chế bằng thai nhi sản xuất tại Trung Cộng. Chính sách một con đã buộc các cặp vợ chồng chọn phá thai dù ở giai đoạn nào khi biết đứa bé sắp chào đời là con gái. Đài truyền hình Nam Hàn chiếu một phóng sự kinh hoàng, trong đó, các bác sĩ người Hoa thực hiện các ca phá thai và ăn bào thai ngay tại chỗ. Một bác sĩ người Hoa khác để dành bào thai trong tủ lạnh như để dành tôm cá. Việc ăn thịt người xảy ra nhiều nơi ở các bộ lạc bán khai Phi Châu, Nam Mỹ nhưng ăn thịt người được nhà nước cho phép chỉ xảy ra tại quê hương của Tập Cận Bình.

Trung Cộng như một cường quốc kinh tế và theo thông lệ chính trị quốc tế, phải hành xử đúng tư cách của một cường quốc dù đối với bạn hay thù. Nhưng không, lãnh đạo Trung Cộng không có trái tim và lòng nhân đạo và cũng không quan tâm đến sĩ diện của quốc gia. Đối với chúng tiền bạc là vũ khí, là cây gậy. Philippines là quốc gia tranh chấp với Trung Cộng về chủ quyền Biển Đông nên những đứa bé Philippines đang hấp hối ở Tacloban phải chết thay cho chính phủ của các em.

Lãnh đạo Trung Cộng là những kẻ nói như Bá Dương nhận xét về nước của ông ta “Người Tây phương có thể đánh nhau vỡ đầu rồi vẫn lại bắt tay nhau, nhưng người Trung Quốc đã đánh nhau rồi thì cừu hận một đời, thậm chí có khi báo thù đến ba đời cũng chưa hết.”

Tại sao người Nhật không ghét Mỹ dù Mỹ đã ném hai trái bom nguyên tử giết 240 ngàn người Nhật tại hai đảo Hiroshima và Nagasaki? Bởi vì đó là lịch sử. Con người cũng như quốc gia, không ai có thể quay ngược lại bánh xe thời gian và chỉ có thể vượt qua nỗi đau quá khứ bằng cách xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho các thế hệ mai sau. Trung Cộng thì khác. Mối nhục một trăm năm được ghi đậm ngay trong phần mở đầu của hiến pháp và lòng thù hận nước ngoài đã được đảng cộng sản khai thác tận tình.

Trung Cộng sẽ đồng nghĩa với bản chất ti tiện, dã man, kiêu căng, thù vặt và thù dai. Bản chất đó là “sự kết hợp hài hòa và nhuần nhuyễn” của dòng máu bành trướng Đại Hán và đặc tính Cộng Sản độc tài.

Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, Trung Cộng là quốc gia có tổng sản lượng nội địa năm 2012 hơn bảy ngàn tỉ đô la nhưng trong mắt của phần lớn nhân loại, trị giá của cường quốc này chỉ đáng 100 ngàn.

Trung Cộng là một cường quốc hèn mọn.

TRẦN TRUNG ĐẠO