Seite auswählen

Bà Hoàng Thị Minh Hồng (Photo AFP) và ông Trần Huỳnh Duy Thức (Photo Facebook Trần Huỳnh Duy Thức).

 

Hôm 25/9, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói họ hoan nghênh việc chính quyền Việt Nam trả tự do cho hai nhà hoạt động nhân quyền của Việt Nam trước khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thực hiện chuyến công du đầu tiên tới Mỹ với tư cách là nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam.

“Hoa Kỳ hoan nghênh việc tha tù cho bà Hoàng Thị Minh Hồng và ông Trần Huỳnh Duy Thức”, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho VOA biết qua email vào ngày 25/9.

“Chúng tôi đã liên tục kêu gọi trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ bất công”, người phát ngôn nhấn mạnh.

Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa phản hồi ngay khi VOA đề nghị họ đưa ra bình luận về việc tha tù trước hạn đối với bà Hồng và ông Thức.

Theo các tổ chức nhân quyền, ngoài việc phóng thích bà Hồng trước hạn 20 tháng tù so với bản án 3 năm tù về tội “trốn thuế”, và trước hạn tù 8 tháng đối với ông Thức so với bản án 16 năm tù về tội “lật đổ chính quyền”, chính quyền Việt Nam hôm 21/9 còn trả tự do cho luật sư Hoàng Ngọc Giao trước hạn hơn 8 tháng so với bản án 28 tháng tù về tội “trốn thuế”.

Ngoài chính quyền Hoa Kỳ, các nghị sĩ trong cơ quan lập pháp của nước này trước đây cũng nhiều lần kêu gọi chính quyền Việt Nam phóng thích bà Hồng và ông Thức, cùng những nhà báo, blogger khác bị giam cầm vì phát biểu ôn hòa mang tính chỉ trích chính quyền.

Việt Nam từ trước đến nay bác bỏ những cáo buộc cho rằng họ giam giữ giới bất đồng chính kiến hay tù nhân chính trị, theo lập luận của họ, Việt Nam chỉ bắt giam và xét xử những ai “vi phạm pháp luật”.

 

VOA (26.09.2024)

 

 

 

 

Đề nghị ‘thiêu cái xác Hồ Chí Minh,’ ông Lâm Đồng bị kết án 8 năm tù

 

Bị cáo Hoàng Việt Khánh, 41 tuổi, bị Tòa Án Tỉnh Lâm Đồng kết án tám năm tù với cáo buộc viết trên trang cá nhân “thiêu cái xác Hồ Chí Minh, làm đúng cái di chúc của Hồ Chí Minh.”

Theo báo Lao Động hôm 24 Tháng Chín, bị cáo Khánh bị bắt hồi trung tuần Tháng Hai do bị quy kết tội danh “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước.”

Bị cáo Hoàng Việt Khánh tại phiên tòa. (Hình: Hoài Thanh/Lao Động)

 

Cáo trạng cho rằng, bị cáo Khánh đăng tải 126 bài viết, một video clip “đả kích các chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội; xuyên tạc lịch sử; nói xấu, xúc phạm lãnh tụ hoặc bôi nhọ lãnh đạo cấp cao của đảng; tung tin không đúng sự thật…”

Trong số này, một bài đăng trên trang cá nhân của bị cáo Khánh từ hồi năm 2019 bị cho là tang chứng trong vụ án do ông này lên tiếng kêu gọi đảng “thiêu cái xác Hồ Chí Minh,” “bỏ lá cờ đỏ sao vàng,” “bỏ bài quốc ca hiện tại” và “bỏ Điều 4 Hiến Pháp.”

Bị cáo Khánh lập luận rằng chính quyền cần làm các điều trên để “đất nước phát triển.”

Do trang cá nhân của bị cáo Hoàng Việt Khánh có hơn 45,000 lượt follower, Công An Tỉnh Lâm Đồng cho rằng hành vi của ông này “có tính chất, mức độ rất nghiêm trọng và nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến an ninh quốc gia, gây ảnh hưởng xấu tới tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.”

Bản tin của tờ Lao Động cho rằng, tại phiên tòa, bị cáo Khánh “thừa nhận mọi hành vi vi phạm pháp luật của bản thân” và “bày tỏ sự ăn năn, hối cải.”

Một bài đăng trên trang cá nhân của bị cáo Hoàng Việt Khánh bị cho là tang chứng trong vụ án. (Hình: Chụp qua màn hình)

 

Trước phiên tòa xử bị cáo Hoàng Việt Khánh, chính quyền tỉnh Lâm Đồng từng mở nhiều phiên xử nhắm vào giới bất đồng, với những bản án nặng nề.

Hồi trung tuần Tháng Tư, báo Công An Nhân Dân cho hay, bị cáo Dương Tuấn Ngọc, 39 tuổi, thầy giáo ở huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, bị tòa án tỉnh này kết án bảy năm tù cũng với cáo buộc “chống phá nhà nước.”

Cáo trạng vụ án này quy chụp rằng bị cáo Ngọc đăng tải các bài viết, video clip, biên soạn lời ca khúc, cất giữ tài liệu khác “sai sự thật, bóp méo tình hình thực tế, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, nói xấu chế độ xã hội chủ nghĩa…” 

 

Nguoi Viet News, Inc. (25.09.2024)

 

 

 

Kiến nghị trả tự do cho nhà báo Huy Đức

 

Ngày 24 tháng 9 năm 2024

 

Kính gửi:

Ông Tô Lâm, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước

Ông Phạm Minh Chính, Thủ tướng

Ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Quốc hội

 

Nhà báo Huy Đức, tức công dân Trương Huy San, đã bị công an bắt giam ngày 1.6.2024 về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước” theo điều 331 của Bộ luật Hình sự.

 

Chúng tôi thấy rằng:

 

Tất cả các bài viết của nhà báo Huy Đức từ trước đến nay, đặc biệt giai đoạn 2000-2024, đều tập trung chống tiêu cực, chống tham nhũng. Ông luôn là người ủng hộ mạnh mẽ và nhất quán cho những cải cách của Đảng và chính phủ. Ông chưa bao giờ ủng hộ bạo lực hoặc lật đổ chính quyền. Sự chỉ trích của ông về tình trạng tham nhũng và sự độc đoán là những chỉ trích ôn hoà, không câu chữ nào nói xấu bôi nhọ cá nhân hay chế độ. Do đó hoàn toàn không có cái gọi là “xâm phạm lợi ích của Nhà nước.”

 

Bộ sách Bên thắng cuộc dù có gây tranh cãi nhưng đó là cuốn sử chỉ nói sự thật, không nói gì ngoài sự thật. Cuốn sách đó giúp cho chính quyền và các nhà làm sử nhìn lại một giai đoạn Đất nước một cách chính xác, từ đó rút ra nhiều bài học nhằm đưa Đất nước đến một tương lai Hoà Bình – Giàu Mạnh – Hạnh Phúc. Do đó không thể coi Bên thắng cuộc là “xâm phạm lợi ích của Nhà nước.”

 

Sinh ra trong một gia đình cách mạng, Huy Đức là một người yêu nước và là một cựu chiến binh được nhiều khen thưởng. Ông là một người lính đã phục vụ đất nước một cách xuất sắc trong các cuộc chiến chống lại quân xâm lược Trung Quốc và Khmer Đỏ. Bốn năm trở lại đây, 2020-2024, Huy Đức là người chủ trương chương trình Nhịp cầu Hoàng Sa xây hàng chục nhà tình nghĩa cho thương binh và thân nhân liệt sĩ. Đồng thời chủ trương chương trình VARS: Góp Một Cây Để Có Rừng nhằm khôi phục các vùng rừng bị phá trong chiến tranh, trước mắt là vùng rừng đầu nguồn Sông Gianh, rất được dân chúng ca ngợi và ủng hộ.

 

Vì những lý do trên chúng tôi khẩn thiết kiến nghị trả tự do cho nhà báo Huy Đức. Việc trả tự do cho nhà báo Huy Đức là bằng chứng rõ ràng nhất, thuyết phục nhất Việt Nam là một nước tôn trọng mọi chính kiến và bảo vệ các phản biện của mọi công dân và trí thức vì một đất nước tự do và giàu mạnh.

 

ĐỒNG KÝ TÊN

 

  1.      Nguyễn Quang A, TS, Hà Nội
  2.     Tạ Duy Anh, nhà văn, Hà Nội
  3.      Đỗ Thái Bình, kỹ sư, Sài Gòn
  4.      Nguyễn Nguyệt Cầm, giảng viên, Đại học California tại Berkeley, Hoa Kỳ
  5.      Nguyễn Huệ Chi, GS Ngữ Văn, Hà Nội
  6.      Song Chi, nhà báo độc lập, Anh Quốc
  7.      Nguyễn Trọng Chức, nhà báo, Sài Gòn
  8.      Ngô Thị Kim Cúc, nhà văn, Sài Gòn
  9.      Nguyễn Chí Cư, Vũng Tàu
  10.  Uông Ngọc Dậu, nhà báo, Thanh Hóa
  11.  Đỗ Hoàng Diệu, nhà văn, Hoa Kỳ
  12.  Hoàng Dũng, PGS TS, Sài Gòn
  13.  Nguyễn Duy, nhà thơ, Sài Gòn
  14.  Nguyễn Hương Giang, nhân viên văn phòng, Hà Nội
  15.  Lê Minh Hà, nhà văn, Đức
  16.  Lê Văn Hồng Hải, kỹ sư Tin học, Hoa Kỳ
  17.  Phan Tấn Hải, nhà báo, California, Hoa Kỳ
  18.  Trần Hạnh, dịch giả, Hoa Kỳ
  19.  Alec Holcombe, Giáo sư Lịch sử, Hoa Kỳ
  20.  Phaolô Nguyễn Thái Hợp, nguyên Giám mục Giáo phận Hà Tĩnh
  21.  Trương Thị Huê, hưu trí, Sài Gòn
  22.  Hoàng Hưng, nhà thơ – dịch giả, Sài Gòn
  23.  Nguyễn Quang Lập, nhà văn, Sài Gòn
  24.  Thuỳ Linh, nhà văn, Hà Nội
  25.  Thẩm Hoàng Long, cựu nhà giáo, Paris
  26.  Trần Thuỳ Mai, nhà văn, Hoa Kỳ
  27.  Trương Mạnh, cựu chiến binh, Sài Gòn
  28.  GB. Huỳnh Công Minh, linh mục Tổng Giáo phận Sài Gòn
  29.  Đỗ Quang Nghĩa, kỹ sư, Đức
  30.  Nguyên Ngọc, nhà văn, Hội An
  31.  Nguyễn Trâm Ngọc, nhà truyền thông, Sài Gòn
  32.  Nguyễn Đình Nguyên, TS Y Khoa, Australia
  33.  Phạm Xuân Nguyên, nhà nghiên cứu phê bình, Hà Nội
  34.  Ý Nhi, nhà thơ, Sài Gòn
  35.  Phan Hoàng Oanh, TS hóa học, TP HCM
  36.  Nguyễn Mai Oanh, Thạc sĩ Kinh tế Phát triển, Sài Gòn
  37.  Hà Sĩ Phu, TS Sinh học, Đà Lạt
  38.  Dạ Thảo Phương, nhà thơ, Đức
  39.  Bùi Minh Quốc, nhà thơ, nhà báo, Đà Lạt
  40.  Andre Menras-Hồ Cương Quyết, Pháp
  41.  Kiều Hồng Sơn, nhà báo, Vinh
  42.  Tô Lê Sơn, hưu trí, TP. HCM
  43.  Hiếu Tân, dịch giả, Vũng Tàu
  44.  Nguyễn Quốc Thái, nhà báo, Sài Gòn
  45.  Đặng Xuân Thảo, Giáo sư Tin học, Pháp
  46.  Đỗ Ngọc Thống, PGS TS, Hà Nội
  47.  Đoàn Ánh Thuận, nhà văn, Pháp
  48.  Bùi Thanh Thủy, họa sĩ, Hoa Kỳ
  49.  Nguyễn Thị Tịnh Thy, TS, Huế
  50.  Phạm Anh Thư, nội trợ,  Hà Nội
  51.  Nguyễn Lê Tiến, kỹ sư, Hoa Kỳ
  52.  Trịnh Y Thư, nhà thơ, dịch giả, California, Hoa Kỳ
  53.  Nguyễn Thị Khánh Trâm, hưu trí, Sài Gòn
  54.  Nguyễn Đức Tùng, bác sĩ, nhà thơ, Canada
  55.  Nguyễn Lệ Uyên, nhà văn, Bình Dương
  56.  Ái Vân, ca sĩ, Hoa Kỳ
  57.  Lê Thị Thấm Vân, nhà văn, Hoa Kỳ
  58.  Trương Vấn, dịch giả, Texas, Hoa Kỳ
  59.  Nguyễn Viện, nhà văn, Sài Gòn
  60.  Peter Zinoman, Giáo sư, Đại học California tại Berkeley, Hoa Kỳ

Mời bấm vào link này ký tên: https://tinyurl.com/4272ndyf

 

Change (25.09.2024)

 

 

 

 

Văn bút Hoa Kỳ kêu gọi bảo vệ quyền tự do biểu đạt ở Việt Nam

Một số tù nhân lương tâm tiêu biểu đang bị giam cầm ở Việt Nam HRW

 

Tổ chức phi chính phủ Văn bút Hoa Kỳ (PEN America) kêu gọi tiếp tục bảo vệ quyền tự do biểu đạt ở Việt Nam ngay trước cuộc gặp giữa Tổng thống Joe Biden và Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự kiến diễn ra vào ngày 25/9 tới đây.

Trong thông cáo báo chí phát hành ngày 23/9, PEN America viết cảm thấy vui khi biết tin nhà hoạt động, nhà bình luận trực tuyến, nhà thơ Trần Huỳnh Duy Thức cùng với nhà hoạt động khí hậu Hoàng Thị Minh Hồng và luật sư Hoàng Ngọc Giao được trả tự do.

Ông Trần Huỳnh Duy Thức và nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng vừa được trả tự do, trở về nhà vào rạng sáng 21/9/2024, ngay trước chuyến đi Mỹ của ông Tô Lâm.

“Mặc dù việc trả tự do cho Trần Huỳnh Duy Thức là điều tuyệt vời nhưng việc ông phải ngồi tù hơn 15 năm vì bài viết của ông là vô lương tâm”. PEN America viết, đồng thời nhắc lại lời kêu gọi chính phủ Việt Nam hãy trả tự do cho tất cả các nhà văn, nhà báo và nhà hoạt động đang bị cầm tù vì những biểu đạt của họ.

“Tự do biểu đạt là điều cần thiết cho một xã hội thịnh vượng, công bằng và thúc đẩy nhân quyền, trách nhiệm giải trình và tiến bộ. Nếu Chủ tịch Tô Lâm muốn thể hiện cam kết lãnh đạo toàn cầu thì trước tiên ông phải ưu tiên và thực thi nhân quyền ở đất nước mình.”, PEN America viết trong thông cáo.

Giám đốc Nghiên cứu và Vận động của PEN America Anh-Thu Võ cho biết: “Chúng tôi cũng kêu gọi Tổng thống Biden và chính phủ Hoa Kỳ tập trung vào nhân quyền trong quan hệ ngoại giao với Việt Nam và vận động trả tự do cho những người khác vẫn đang bị giam giữ oan uổng”.

Theo Chỉ số Tự do Viết lách của PEN America 2023, Việt Nam là quốc gia giam giữ các nhà văn nhiều thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Iran và ngang hàng với Ả Rập Saudi. Năm 2023, Việt Nam bỏ tù 19 nhà văn, trong đó có người được trao giải PEN/Barbey Freedom to Write 2024, Phạm Đoan Trang. Qua đó, PEN America viết: “Chúng tôi nhắc lại lời kêu gọi chính phủ Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc đối với Phạm Đoan Trang cũng như tất cả các nhà văn và nhà bất đồng chính kiến ​​đang bị cầm tù vì quyền tự do ngôn luận”.

PEN America hôm 11/4 công bố giải thưởng về tự do viết lách năm 2024 cho nhà báo Phạm Đoan Trang, người đang phải thụ án tù chín năm tại Việt Nam về tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước.”

Nhà hoạt động nhân quyền này đã được nhận nhiều giải thưởng quốc tế như Giải Người Phụ nữ Can đảm 2022 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, giải Tự do Truyền thông (Media Freedom 2022) của hai chính phủ Anh và Canada, giải Homo Homini năm 2017 của People In Need (Cộng hoà Séc), Giải thưởng Tự do Báo chí năm 2019 của Phóng viên Không Biên giới (RFS), Giải thưởng Martin Ennals năm 2022, và giải Tự do Báo chí Quốc tế 2022 của Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ).

 

RFA (24.09.2024)

 

 

 

 

Quốc tế lên tiếng về việc ‘đặc xá’ ông Trần Huỳnh Duy Thức và bà Hoàng Thị Minh Hồng

Getty Images/HRW

 

Việc chính phủ Việt Nam trả tự do cho ông Trần Huỳnh Duy Thức và bà Hoàng Thị Minh Hồng ngay trước chuyến đi Mỹ của ông Tô Lâm tiếp tục thu hút sự chú ý của công luận, đặc biệt là từ các tổ chức nhân quyền quốc tế.

Ông Tô Lâm lên đường đi Mỹ vào sáng 21/9 thì hai tù nhân nói trên được trả tự do, trở về nhà vào rạng sáng cùng ngày.

Đây là chuyến công tác tới Mỹ lần đầu tiên của ông Tô Lâm trên cương vị chủ tịch nước và tổng bí thư.

Dù không phải là chuyến thăm Mỹ chính thức, nhưng ông Tô Lâm đã và sẽ tham gia nhiều hoạt động quan trọng, trong đó có cuộc gặp dự kiến với Tổng thống Joe Biden hôm 25/9.

Trước đó, ông Tô Lâm đã có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Thượng đỉnh tương lai và tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 79.

Ông cũng đã phát biểu tại Hội Á châu với chủ đề quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.

Hôm 23/9, ông Tô Lâm đã có buổi tọa đàm tại Đại học Columbia, nơi ông trả lời các câu hỏi của người điều phối là Giáo sư Nguyễn Thị Liên Hằng và của sinh viên.

Đại học Columbia cũng là nơi bà Hoàng Thị Minh Hồng từng theo học sau khi trở thành người Việt Nam đầu tiên được Quỹ Obama trao học bổng năm 2018.

Nguồn hình ảnh,Gia đình cung cấp, Ông Trần Huỳnh Duy Thức (thứ 2 từ phải) cùng một số bạn bè và người thân, trong đó có luật sư Lê Công Định (bìa phải) vào sáng 21/9/2024 sau khi ông được trả tự do

 

‘Nỗ lực tô vẽ hình ảnh’

Nguồn hình ảnh,Facebook Chụp lại hình ảnh,Bà Hoàng Thị Minh Hồng (bên phải) sáng 21/9/2024 sau khi được trả tự do

 

Bà Patricia Gossman, Phó Giám đốc và biên tập viên cấp cao Bộ phận châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW), nói với BBC Tiếng Việt rằng “việc trả tự do cho hai tù nhân này chỉ là một nỗ lực để tô vẽ danh tiếng về nhân quyền của ông Tô Lâm, trước khi ông có các cuộc gặp gỡ ở New York”.

“Họ lẽ ra ngay từ đầu đã không nên bắt giữ Trần Huỳnh Duy Thức và Hoàng Thị Minh Hồng.

“Tổng thống Joe Biden, lãnh đạo các doanh nghiệp và các nhà báo gặp ông Lâm trong tuần này không nên bị đánh lửa.

“Hơn 160 người hiện vẫn đang bị cầm tù tại Việt Nam vì chỉ trích chính phủ.”

“Các chính phủ muốn lôi kéo Việt Nam để thay thế Trung Quốc nên cảnh giác – khi quyền lực của ông Tô Lâm tăng lên thì đó cũng là một dấu hiệu cho thấy sự đàn áp ở Việt Nam cũng sẽ tăng lên.”

Trong khi ông Trần Huỳnh Duy Thức ngay sau khi ra tù đã hoạt động tích cực trên mạng xã hội và gia đình ông công khai nói với BBC Tiếng Việt việc ông sẽ “tiếp tục đấu tranh” để chống “cường quyền”, cuộc trở về của bà Hoàng Thị Minh Hồng có vẻ lặng lẽ hơn.

Bà Hoàng Thị Minh Hồng (hàng đầu, thứ ba từ trái) chụp cùng cựu Tổng thống Obama và các học giả Quỹ Obama tại Đại học Columbia, Mỹ năm 2018

 

BBC chưa thể liên lạc với bà Hồng và gia đình bà. Có một bức ảnh bà Hồng chụp cùng một người bạn được cho là ra đón bà hôm bà trở về nhà ngày 21/9 được chia sẻ trên mạng xã hội.

Bà Hồng chưa bao giờ nhận mình là nhà hoạt động, hay nhà bất đồng chính kiến.

Bà chưa bao giờ đưa ra những ý kiến phản biện về chính trị, xã hội. Công việc của bà Hồng được nhìn nhận chỉ đơn thuần về bảo vệ môi trường, đào tạo người trẻ và vận động chính sách về khí hậu và năng lượng sạch.

Việc bà Hồng bị bắt giữ, phạt tù, và tổ chức CHANGE – một tổ chức phi lợi nhuận trong lĩnh vực môi trường – do bà thành lập bị đóng cửa, được coi là một cú sốc đối với cộng đồng NGO Việt Nam.

Hôm 23/9, Liên minh Bảo vệ Khí hậu Việt Nam, một nhóm gồm hơn 30 tổ chức môi trường, khí hậu và nhân quyền quốc tế và khu vực, đã ra thông cáo bày tỏ sự vui mừng khi bà Hồng được trả tự do sớm hơn thời hạn.

“Trong khi Hồng được tự do, tổ chức của bà vẫn đóng cửa và những nhà bảo vệ môi trường và khí hậu khác ở Việt Nam vẫn ở phía sau song sắt,” liên minh này viết, đồng thời điểm lại sự kiện sáu nhà hoạt động môi trường khác bị bắt và bỏ tù trong chỉ hai năm qua.

Những người này trước khi bị bắt đã tích cực tham gia vào các dự án với một số tổ chức quốc tế để vận động Việt Nam sửa đổi luật, chính sách và cách thực hành để có thể loại bỏ dần than, chuyển sang năng lượng sạch.

Trong số sáu người này, Liên minh Bảo vệ Khí hậu Việt Nam đặc biệt kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho ông Đặng Đình Bách.

Ông Bách nguyên là giám đốc luật và chính sách của Trung tâm nghiên cứu phát triển bền vững (LPSD).

Ông bị bắt vào tháng 6/2021 và hiện đang chịu án tù năm năm với tội danh “trốn thuế” sau khi ông ủng hộ việc Việt Nam chuyển đổi khỏi than.

“Trốn thuế” cũng là tội danh mà bà Hồng và nhiều nhà hoạt động môi trường Việt Nam khác hiện đang ngồi tù bị khép vào.

“Luật thuế mơ hồ của Việt Nam đang được vũ khí hóa để bịt miệng các nhà bảo vệ môi trường… Điều này, cùng với các chính sách hình sự hóa việc công chúng tiếp cận thông tin và tham gia vào quá trình chuyển đổi năng lượng của đất nước, đã dẫn đến một hiệu ứng lo sợ trên toàn quốc. Nhiều tổ chức phi chính phủ đã buộc phải đóng cửa, cắt giảm các hoạt động hoặc đối mặt với sự sách nhiễu và kiểm duyệt kỹ lưỡng từ giới chức,” Liên minh Bảo vệ Khí hậu Việt Nam viết.

 

‘Chưa đủ’

Ngày 23/9, ông John Sifton, Giám đốc vận động Châu Á của HRW, có bài viết trên website của tổ chức này với tiêu đề: “Lãnh đạo mới của Việt Nam cũng chỉ là một kẻ vi phạm nhân quyền cũ”.

Bài viết đề cập đến chuyến đi Mỹ của ông Tô Lâm và rằng ông nằm trong số các lãnh đạo có “hồ sơ nhân quyền tệ hại”.

Ông John Sifton nhắc lại rằng ngay từ thời còn là Bộ trưởng Công an, ông Tô Lâm đã “giám sát các cuộc đàn áp sâu rộng giới bất đồng chính kiến, với hàng trăm nhà báo và những người bảo vệ nhân quyền đã bị bắt và giam giữ. Trong số đó có nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng – người đã theo học Đại học Columbia với tư cách là một học giả Quỹ Obama”.

“Có lẽ cộng đồng Columbia đã phản đối và buộc chính quyền Việt Nam phải trả tự do cho bà Hồng vào ngày 20/9, ngay trước khi ông Lâm tới New York,” theo bài viết.

Bài viết đề cập việc ông Trần Huỳnh Duy Thức sau khi ra tù đã cho hay ông không nộp đơn xin đặc xá và cũng từ chối lệnh đặc xá.

Bài viết của HRW nhắc lại sự kiện video ông Tô Lâm ăn bò bít tết dát vàng tại một nhà hàng ở London bị rò rỉ năm 2021.

“Sau đó, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ và kết án ông Bùi Tuấn Lâm 5,5 năm tù giam do ông đăng video giễu nhại sự việc lên mạng xã hội,” vẫn theo bài viết.

“Ông Biden và các giám đốc điều hành Meta và Google gặp ông Tô Lâm trong tuần này không nên cho rằng việc trả tự do hai tù nhân nói trên là bằng chứng của cải cách.

“Họ nên nêu lên quan ngại về tất cả những trường hợp bị xét sử sai trái chỉ vì các bài viết trên mạng, công khai kêu gọi trả tự do cho những người này và có các hành động để chứng minh rằng tự do ngôn luận trên mạng xã hội tại Việt Nam sẽ được bảo vệ.”

Tổ chức Văn bút Mỹ (PEN America) hôm 23/9 cũng phát đi thông cáo về sự kiện Việt Nam trả tự do cho hai tù nhân nổi tiếng, trong đó có đoạn:

“Mặc dù việc trả tự do cho Trần Huỳnh Duy Thức là điều tuyệt vời, nhưng việc ông phải ngồi tù hơn 15 năm vì những bài viết là điều vô lương tâm.”

“Văn bút Mỹ PEN một lần nữa kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho tất cả các nhà văn, nhà báo và nhà hoạt động bị cầm tù vì những phát biểu của họ.

“Tự do ngôn luận là điều cần thiết cho một xã hội thịnh vượng, công bằng, thúc đẩy nhân quyền, trách nhiệm giải trình và tiến bộ.

“Nếu Chủ tịch nước Tô Lâm muốn chứng minh cam kết của mình đối với vai trò lãnh đạo toàn cầu, trước tiên ông phải ưu tiên và thực thi nhân quyền tại đất nước của mình”.

Trong một diễn biến liên quan, gần 100 trí thức Việt Nam và quốc tế đã ký vào thư ngỏ gửi cho ông Tô Lâm nhân dịp ông đi Mỹ, kêu gọi trả tự do cho nhà báo Huy Đức. Một cuộc vận động tương tự cũng được tiến hành trực tuyến với sự tham gia ký tên của nhiều người trong và ngoài nước.

Theo Chỉ số Tự do Viết của Tổ chức Văn bút Mỹ năm 2023, Việt Nam là quốc gia giam giữ nhiều nhà văn/người viết thứ ba thế giới, sau Trung Quốc, Iran và ngang bằng với Ả Rập Xê Út.

Năm 2023, Việt Nam đã giam giữ 19 nhà văn, trong đó có bà Phạm Đoan Trang, người được trao giải Tự do Viết của PEN/Barbey năm 2024.

 

BBC (24.09.2024)

 

 

 

HRW: Lãnh đạo Tô Lâm của Việt Nam ‘xưa nay vẫn là kẻ vi phạm nhân quyền’

Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh tương lai, Đại hội đồng Liên hiệp quốc, New York, ngày 22/9/2024.

 

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm 23/9 kêu gọi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và lãnh đạo các hãng Meta, Google chớ thấy việc Việt Nam phóng thích một số ít các tù nhân chính trị mà vội cho rằng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là nhà lãnh đạo có quan điểm cải cách.

HRW cho rằng Việt Nam chỉ thả “tượng trưng” một số ít tù nhân chính trị trong khi ông Tô Lâm vẫn ra tay “đàn áp khắc nghiệt” đối với giới tranh đấu cho nhân quyền.

“Ông Tô Lâm, tân chủ tịch nước của Việt Nam, là một trong số nhiều nhà lãnh đạo thế giới có hồ sơ nhân quyền kém cỏi đến thăm thành phố New York trong tuần này để tham dự cuộc họp cấp cao của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc”, ông John Sifton, Giám đốc vận động Châu Á của HRW viết trong thông cáo ngày 23/9.

Ông Lâm sẽ gặp Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vào ngày 25/9 và dự kiến sẽ gặp các giám đốc điều hành của Meta và Google, Nhà Trắng và truyền thông Việt Nam loan tin.

“Trước đây, khi còn là bộ trưởng công an, ông Tô Lâm đã giám sát một cuộc đàn áp lớn đối với những người bất đồng chính kiến, với hàng trăm nhà báo và người bảo vệ nhân quyền bị bắt và bị giam cầm”, ông Sifton điểm lại.

Đại diện của HRW cho biết trong số những người bị bắt có nhà hoạt động vì môi trường Hoàng Thị Minh Hồng, người đã theo học tại Đại học Columbia với tư cách là người nhận học bổng Obama. “Một sự phản đối trong cộng đồng đại học Columbia dường như đã buộc chính quyền Việt Nam phải thả bà Hồng vào ngày 20/9, ngay trước khi ông Tô Lâm khởi hành đi New York”, ông Sifton lưu ý.

 

Lịch làm việc của ông Tô Lâm bao gồm việc ông phát biểu về chính sách và giao lưu với sinh viên tại Đại học Columbia.

Vào tháng 6/2023, ngay khi bà Hồng bị bắt với cáo buộc “trốn thuế”, ông Ben Chang, người phát ngôn của trường Đại học Columbia cho biết trong một tuyên bố rằng trường rất “quan ngại”, đồng thời kêu gọi Việt Nam cần tôn trọng và bảo vệ quyền tự do ngôn luận và lập hội của bà.

Một người nữa là tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức cũng đã được ân xá và phóng thích sớm 8 tháng trước so với bản án đầy đủ là 16 năm tù. Ông Thức được cho là đã từ chối tuân thủ lệnh ân xá, cho biết rằng ông chưa nộp đơn xin ân xá, vẫn theo tổ chức HRW.

“Tôi không có tội cũng như [không] lý do gì để nhận đặc xá”, ông Thức viết trên Facebook hôm 21/9, nói rằng: “Một cách mặc nhiên, tôi đã góp phần quan trọng vào sự hỗ trợ chuyến công du Hoa Kỳ của ông Chủ tịch nước”.

Trong những điều mà ông Thức lên án là “vô lý”, ông thuật lại rằng “người của Trại giam số 6 đã xông vào buồng giam đọc thông báo rằng Chủ tịch nước đã ký Quyết định đặc xá số 940 ngày 20/9/2024 về việc ‘đặc xá’ cho tôi”. Ông được phía trại giam nói rằng ông “không có quyền tiếp tục ở lại trại giam”, và ông bị đưa ông lê

 

VOA (24.09.2024)

 

 

 

 

Tổ chức phi chính phủ gửi thư ngỏ đề nghị Mỹ và các nước phương Tây cấm vận TBT Tô Lâm

Người Việt Nam biểu tình phản đối TBT – Chủ tịch nước Tô Lâm ở New York hôm 22/9/2024 Facebook/Việt Tân

 

Một nhóm gồm sáu tổ chức phi chính phủ vào ngày 23/9 đã công bố một bức thư ngỏ gửi Tổng thống Mỹ Joe Biden, cùng lãnh đạo các nước phương Tây khác, đề nghị điều tra và có biện pháp cấm vận đối với tướng Công an Tô Lâm – người vừa trở thành Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/8 vừa qua.

Ông Tô Lâm – người đồng thời cũng là Chủ tịch nước Việt Nam – đang có chuyến thăm New York, Mỹ, để dự hội nghị tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, nơi ông có bài phát biểu đầu tiên trên cương vị mới hôm 22/9.

Bức thư ngỏ được gửi tới Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Anh Anthony Albanese, Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Charles Michel.

Các nhóm tham gia bức thư bao gồm Việt Tân, Hội Anh Em Dân Chủ, ACAT tại Bỉ, Pháp và Đức đã liệt kê trong bức thư năm điểm đáng chú ý về vấn đề vi phạm nhân quyền mà ông cựu Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã thực hiện bao gồm: bắt cóc quốc tế, sử dụng bạo lực với dân, đàn áp những người bảo vệ nhân quyền và các nhà hoạt động xã hội, bắt các nhà hoạt động phải sống lưu vong, kẻ thù của internet.

Những vụ bắt cóc quốc tế có sự tham gia của ông Tô Lâm được nêu trong thư bao gồm: vụ bắt cóc cựu quan chức Chính phủ Việt Nam Trịnh Xuân Thanh tại Đức hồi năm 2017, blogger của RFA Trương Duy Nhất ở Thái Lan năm 2019, và nhà báo tự do Đường Văn Thái ở Thái Lan năm 2023.

“Những hành động này là những vi phạm trắng trợn luật quốc tế – xâm phạm chủ quyền của nước khác và bất chấp các quyền con người cơ bản” – bức thư có đoạn viết.

Trong phần tố cáo ông Tô Lâm sử dụng bạo lực với người dân, các tổ chức phi chính phủ đề cập đến vụ cưỡng chế đất gây chết người ở ngoại thành Hà Nội vào tháng 1/2020 khi công an huy động lực lượng hàng ngàn người đến cưỡng chế đất đang tranh chấp, dẫn đến cái chết của cụ ông Lê Đình Kình. Những đàn áp đối với người thiểu số đặc biệt là người Thượng ở Tây Nguyên, bắt họ bỏ đạo, cũng được đề cập.

Liên quan đến việc đàn áp những người bảo vệ nhân quyền và các nhà hoạt động xã hội dân sự, theo bức thư, dưới thời ông Tô Lâm làm Bộ trưởng Công an, hàng trăm nhà hoạt động nhân quyền, hoạt động xã hội, blogger đã bị bắt giữ tuỳ tiện và kết án tù.

“Kể từ năm 2016, các nhà hoạt động Việt Nam phải chịu các án tù dài chỉ đơn giản bởi vì họ thực hiện các quyền tự do phát biểu và tự do hội họp như đã ghi nhận trong văn thư của Nhóm Làm việc của LHQ về bắt giữ tuỳ tiện” – theo nội dung thư ngỏ.

Ông Tô Lâm cũng bị cáo buộc phải chịu trách nhiệm “bắt buộc hàng chục nhà hoạt động phải sống lưu vong”.

Theo nội dung thư: “lo sợ bị bắt giữ, tra tấn, kết án, nhiều người lên tiếng về nhân quyền đã phải chạy khỏi Việt Nam, bỏ lại phía sau nhà cửa, gia đình để tị nạn ở nước ngoài”.

Trong phần về kẻ thù internet, bức thư tố cáo đội ngũ an ninh của ông Tô Lâm đã gây sức ép bắt các công ty nước ngoài phải kiểm duyệt nội dung mạng xã hội và nhắm mục tiêu vào những người bất đồng chính kiến trên mạng.

Các tổ chức tham gia ký thư ngỏ thúc giục chính phủ Mỹ và các nước phương Tây có hành động kiên quyết đối với các hành vi phạm tội của ông Tô Lâm với các biện pháp bao gồm sử dụng luật nhân quyền Magnitsky và các điều luật tương tự, đóng băng tài sản của ông Tô Lâm và cấm ông Tô Lâm vào nước khác, lên án công khai các hành vi vi phạm của ông Tô Lâm và ủng hộ cho những người Việt Nam đang là nạn nhân của các hành vi này.

 

RFA (23.09.2024)