Seite auswählen

Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung cộng tham gia cuộc tập trận quân sự ở phía tây Thái Bình Dương vào ngày 23/4/2018 Reuters

 

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung cộng hôm 15/10 xác nhận rằng, nhóm tàu ​​sân bay Liêu Ninh gần đây đã đến Biển Đông để tiến hành các cuộc tập trận thường kỳ và họ sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc tập trận tương tự một cách thường xuyên.

Văn phòng Tham mưu Liên hợp Nhật Bản trước đó ra thông cáo báo chí đính kèm những tấm ảnh cho thấy, hàng không mẫu hạm Liêu Ninh (Liaoning số hiệu 16), tuần dương hạm Anshan (số hiệu 103) và khu trục hạm Urumqi (số hiệu 118) đã được phát hiện đang di chuyển trong khu vực cách Đảo Yonaguni 409km về phía nam vào chiều thứ Ba. 

Sau đó, các tàu này đã di chuyển về phía Biển Đông trong cùng ngày.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung cộng Ngô Khiêm (Wu Qian) sau đó cho rằng phía Nhật Bản đã cường điệu về vụ việc. Hãng tin AP dẫn lời ông Ngô nói nhưng không cho biết vị trí cụ thể: 

“‘Nhiếp ảnh gia’ người Nhật Bản đang cố gắng thu hút sự chú ý của mọi người một lần nữa. Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung cộng (PLA) gần đây đã tổ chức nhóm tàu ​​sân bay Liêu Ninh để tiến hành các cuộc tập trận thường kỳ ở vùng biển Biển Đông.

Đây là một phần trong lịch trình huấn luyện hàng năm, với mục tiêu nâng cao năng lực chiến đấu. Trong tương lai, PLA sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc tập trận tương tự một cách thường xuyên.”

Nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm này đã tham gia cuộc tập trận Joint Sword 2024B (Liên hợp lợi kiếm) kéo dài một ngày vào ngày 14/10 bao quanh đảo Đài Loan. 

Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản xác nhận rằng Liêu Ninh đã thực hiện 90 lần phóng và thu hồi máy bay chiến đấu trên tàu và 50 lần cất cánh và hạ cánh trực thăng trên tàu. 

Theo thông cáo, tàu khu trục JS Kirisame (DD-104) của JMSDF đã tiến hành giám sát và thu thập thông tin, trong đó lưu ý rằng máy bay chiến đấu của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản đã cất cánh để đáp trả các đợt phóng máy bay chiến đấu của Liêu Ninh.

 

RFA (16.10.2024)

 

 

 

 

 

Mã Lai quyết thăm dò dầu khí ở Biển Đông, bất chấp Trung cộng phản đối

Thủ tướng Mã Lai Anwar Ibrahim ngày 15/10/2024 nói Mã Lai có tranh chấp lãnh thổ với nhiều nước láng giềng, bao gồm Thái Lan, Phi Luật Tân và Indonesia, và cho biết sự tập trung nhiều hơn đã được đặt vào những bất đồng với Trung cộng.

 

Thủ tướng Mã Lai hôm 15/10 tái khẳng định Petronas, công ty năng lượng của nhà nước Mã Lai, sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động thăm dò dầu khí tại vùng đặc quyền kinh tế của Mã Lai ở Biển Đông, bất chấp sự phản đối của Trung cộng.

Điều này bao gồm các hoạt động thăm dò tại mỏ khí đốt Kasawari của Petronas ngoài khơi bang Sarawak thuộc đảo Borneo, ông Anwar Ibrahim tuyên bố trước quốc hội.

“Chúng ta sẽ tiếp tục, nhưng chúng ta sẽ không đóng cửa các cuộc thảo luận với bất kỳ quốc gia nào”, ông Anwar cho biết.

Ông nói Mã Lai có tranh chấp lãnh thổ với nhiều nước láng giềng, bao gồm Thái Lan, Phi Luật Tân và Indonesia, và cho biết sự tập trung nhiều hơn đã được đặt vào những bất đồng với Trung cộng.

“Chúng ta có vấn đề nhưng những vấn đề này không ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao. Những vấn đề này không ảnh hưởng đến quan hệ thương mại và tình bạn thân thiết với các nước láng giềng của chúng ta”, ông nói.

Tháng trước, ông Anwar tuyên bố các hoạt động thăm dò của Mã Lai nằm trong lãnh thổ của mình và không nhằm mục đích khiêu khích hoặc thù địch với Trung cộng, sau khi truyền thông rò rỉ một công hàm ngoại giao từ Bắc Kinh.

Trong công hàm do một hãng tin Phi Luật Tân đăng tải, Bắc Kinh khẳng định rằng hoạt động thăm dò dầu khí của Mã Lai ở Biển Đông đã xâm phạm lãnh thổ của mình.

Trung cộng tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết toàn bộ Biển Đông và đã triển khai một đội tàu cảnh sát biển vào sâu trong Đông Nam Á, bao gồm cả vùng đặc quyền kinh tế của Mã Lai, Brunei, Phi Luật Tân và Việt Nam, làm phức tạp thêm các nỗ lực thăm dò của các quốc gia này.

Trung cộng bác bỏ phán quyết năm 2016 của Tòa án Trọng tài Thường trực tại Hague rằng các yêu sách mở rộng của Bắc Kinh không có cơ sở theo luật pháp quốc tế.

Các dự án dầu khí của Petronas ở Biển Đông đã có một số lần chạm trán với các tàu Trung cộng trong những năm gần đây.

Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á, một nhóm nghiên cứu của Hoa Kỳ, cho biết trong một phúc trình trong tháng này rằng các tàu cảnh sát biển Trung cộng đã thường xuyên ghé thăm các giếng thăm dò của Mã Lai ngoài khơi Sarawak trong năm nay, tiến sát các giàn khai thác khí đốt tại Timi, Kasawari và Jerun trong phạm vi 1.000 mét.

Mỏ Kasawari của Petronas ước tính có trữ lượng khí đốt là khoảng 3 nghìn tỷ mét khối và bắt đầu đi vào sản xuất lần đầu tiên vào tháng 8 năm nay.

 

VOA (16.10.2024)

 

 

 

 

 

Việt Nam xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông để đối trọng lại Trung cộng

Đảo Nam yết ở quần đảo Trường Sa với phần mở rộng đáng kể trong năm qua. Hình chụp hôm 18/4/2023 Planet Labs

 

Các lực lượng vũ trang Việt Nam đang xây dựng một mạng lưới đảo nhân tạo ở Biển Đông để đối trọng lại phía quân đội Trung cộng. 

Một nghiên cứu của báo Wall Street Journal (WSJ) sử dụng các hình ảnh vệ tinh cho thấy hoạt động này. Cụ thể, những đảo nhân tạo của phía Việt Nam xây dựng tăng gấp 10 lần trong vòng ba năm qua. Những đảo đó là nơi nước này có kế hoạch bố trí chiến đấu cơ, các hệ thống chống tàu phòng không. Và thực tế tăng cường mở rộng đảo nhân tạo của Việt Nam bao gồm công cuộc Xây dựng các bến cảng, hào phòng thủ, và có thể cả kéo dài những đường băng cho mục tiêu quân sự. 

Theo WSJ, hầu hết các đảo nhân tạo của phía Việt Nam được xây dựng tại khu vực quần đảo Trường Sa. 

WSJ dẫn lại số liệu mà Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) công bố hồi tháng 6 vừa qua là Việt Nam đã bổ sung thêm 2,8 kilomet vuông tại 10 khu vực thuộc quyền quản lý của nước này ở Trường Sa kể từ tháng 11 năm 2023. Như thế tổng diện tích nạo vét và bồi lấp lên đến gần 9,5 kilomet vuông. 

Còn phía Trung cộng, tổng diện tích mở rộng thêm được cho biết lên đến 18,8 kilomet vuông và trên đó đã có những cơ sở quân sự, gồm cả sân bày cho chiến đấu cơ, được xây dựng. 

WSJ cho biết phía Trung cộng chưa lên tiếng về hoạt động xây dựng đảo nhân tạo của Việt Nam tại Trường Sa như vừa nêu. 

Tại khu vực này, Trung cộng, Đài Loan, Brunei, Mã Lai, Phi Luật Tân và Việt Nam đều có tuyên bố chủ quyền; tuy nhiên Trung cộng tuyên bố gần trọn Biển Đông trong đường đứt khúc mà họ tự vạch ra cũng như là nước tích cực nhất trong hoạt động chiếm cứ ở nơi có tuyến đường biển quan trọng và giàu tài nguyên thiên nhiên dầu khí, hải sán đó.

 

RFA (15.10.2024)

 

 

 

 

Việt Nam, Trung cộng đàm phán về việc xoa dịu căng thẳng ở Biển Đông

Thủ tướng Trung cộng Lý Cường (trái) và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính bắt tay nhau trước cuộc họp tại Hà Nội, ngày 13 tháng 10 năm 2024.

 

Việt Nam và Trung cộng đã nhất trí xoa dịu căng thẳng trong tranh chấp Biển Đông, AFP đưa tin hôm 15/10, hơn một tuần sau khi Hà Nội cáo buộc Bắc Kinh “hành xử thô bạo” khi tấn công ngư dân của mình ở quần đảo Hoàng Sa.

“Hai bên trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển”, AFP dẫn trang thông tin chính thức của chính phủ Việt Nam tường thuật về cuộc hội đàm hôm 13/10 giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính với Thủ tướng Trung cộng Lý Cường, người đã có chuyến thăm 3 ngày tới Hà Nội vào cuối tuần qua.

Hai lãnh đạo cũng “nhất trí tiếp tục thực hiện nghiêm nhận thức chung cấp cao, ‘Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung cộng’, kiểm soát thỏa đáng bất đồng, tích cực tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều chấp nhận được”, tờ báo của chính phủ cho biết thêm.

Vấn đề Biển Đông cũng được nhắc đến khi Thủ tướng Lý gặp Tổng bí thư-Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm ở Hà Nội vào tối 12/10. Hai bên đã nhất trí về tầm quan trọng của sự ổn định trên tuyến đường thủy chiến lược này.

Ông Lâm đề nghị hai bên “tích cực tìm các phương thức, biện pháp hiệu quả để kiểm soát và giải quyết tốt hơn bất đồng” và “tăng cường hợp tác phù hợp với tầm mức quan hệ song phương trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS)”, TTXVN đưa tin.

Trước đó, vào ngày 2/10, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối cuộc tấn công “thô bạo” của lực lượng thực thi pháp luật Trung cộng, mà Hà Nội cho biết đã khiến 10 ngư dân Việt Nam bị đánh đập bằng gậy sắt và bị cướp mất cá và thiết bị trị giá hàng nghìn đô la.

Sự việc xảy ra chỉ hơn một tháng sau cuộc gặp giữa Tổng bí thư-Chủ tịch nước Trung cộng Tập Cận Bình và ông Lâm hồi tháng 8 ở Bắc Kinh, khi hai lãnh đạo cao nhất đồng ý “nỗ lực kiểm soát và giải quyết tốt hơn các bất đồng” trên biển, theo trang tin của chính phủ Việt Nam.

Tờ South China Mornig Post (SCMP) nhận định rằng chuyến đi lần này của ông Lý đến Việt Nam được coi là dịp để Bắc Kinh xoa dịu căng thẳng giữa hai nước.

Tờ báo có trụ sở ở Hong Kong cho rằng có vẻ như Bắc Kinh đang tăng cường nỗ lực để lấy lòng quốc gia láng giềng Cộng sản giữa bối cảnh cạnh tranh chiến lược trong khu vực với Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, tuyên bố của Trung cộng về cuộc họp không đề cập đến các cuộc thảo luận về Biển Đông. SCMP dẫn tin từ Tân Hoa Xã cho biết ông Lý đã nói với ông Lâm rằng Trung cộng sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để “thực hiện sự đồng thuận quan trọng mà các nhà lãnh đạo cấp cao của hai đảng và hai nước đã đạt được”.

Ông Lý cũng cho biết Bắc Kinh mong muốn “phát huy tình hữu nghị truyền thống, tăng cường trao đổi cấp cao, tăng cường giao tiếp chiến lược, tăng cường đoàn kết và phối hợp” và thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng một “cộng đồng chia sẻ tương lai Trung cộng – Việt Nam”.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Lý tới Việt Nam kể từ khi nhậm chức thủ tướng vào tháng 3 năm ngoái. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của một thủ tướng Trung cộng đến Việt Nam sau 11 năm.

Trong chuyến thăm, Việt Nam và Trung cộng đã ký kết 10 thỏa thuận, từ hợp tác nông nghiệp cho đến thanh toán mã QR xuyên biên giới và ký một văn bản về việc cập nhật tiến độ các tuyến đường sắt xuyên biên giới, theo Reuters.

“Trung cộng sẵn sàng tiếp tục mở rộng miếng bánh hợp tác kinh tế và thương mại với Việt Nam”, Tân Hoa Xã dẫn lời ông Lý nói với ông Lâm trong cuộc gặp hôm 12/10.

Ông Lý cũng cam kết rằng Trung cộng sẽ mở rộng hơn nữa thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam và hỗ trợ thành lập các văn phòng xúc tiến thương mại của Việt Nam tại Trung cộng.

Bộ Ngoại giao Trung cộng hôm 14/10 nói rằng chuyến thăm của ông Lý đến Việt Nam “đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp”.

Người phát ngôn Mao Ninh của Bộ này cho biết chuyến thăm thể hiện tầm quan trọng chiến lược của việc xây dựng cộng đồng chung vận mệnh, nhất trí làm sâu sắc hơn hợp tác chiến lược toàn diện, đồng thời tái khẳng định lập trường nguyên tắc về các vấn đề lớn, trong đó Việt Nam (và Lào) đều tái khẳng định cam kết kiên định với nguyên tắc một nước Trung cộng, kiên quyết phản đối các hoạt động ly khai đòi “độc lập của Đài Loan” dưới mọi hình thức và kiên quyết ủng hộ Sáng kiến Phát triển Toàn cầu, Sáng kiến An ninh Toàn cầu và Sáng kiến Văn minh Toàn cầu của Trung cộng.

Việt Nam khẳng định việc thực hiện chính sách “Một Trung cộng” và công nhận Đài Loan là một phần không thể tách rời của Bắc Kinh trong tuyên bố chung được hai bên đưa ra sau hôm 14/10 khi ông Lý kết thúc chuyến thăm Hà Nội.

Về vấn đề Biển Đông, tuyên bố chung, được báo Chính phủ trích dẫn, còn nói rằng hai bên cam kết “không có hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp, cùng duy trì ổn định trên biển.”

Theo tuyên bố chung, “Trung cộng luôn coi Việt Nam là hướng ưu tiên trong ngoại giao láng giềng” trong khi “Việt nam khẳng định luôn coi quan hệ với Trung cộng là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại” của mình.

Tuyên bố cũng khẳng định lại rằng Việt Nam và Trung cộng “kiên trì tuân theo phương châm ‘láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt.”

 

VOA (15.10.2024)

 

 

 

 

 

Mỹ và Phi Luật Tân tập trận ngay sau các hoạt động quân sự của Trung cộng

 

Hàng nghìn thủy quân lục chiến Mỹ và Phi Luật Tân hôm nay, 15/10/2024, bắt đầu đợt tập trận 10 ngày ở phía bắc và tây Phi Luật Tân. Sự kiện này đã được lên kế hoạch từ lâu nhưng diễn ra đúng một ngày sau khi Trung cộng kết thúc các hoạt động quân sự rầm rộ xung quanh đảo Đài Loan.

Ảnh tư liệu : Tàu tuần duyên Hoa Kỳ Stratton (WMSL 752) (P) và tàu cảnh sát biển Phi Luật Tân Melchora Aquino ngoài khơi tỉnh Bataan, Phi Luật Tân, ngày 06/06/2023. AP – Aaron Favila

 

Phát biểu tại lễ khai mạc ở Manila, Phi Luật Tân, đại tá Stuart Glenn, đại diện cho thủy quân lục chiến Mỹ, tuyên bố rằng cuộc tập trận này cho phép các « đối tác và đồng minh (của Mỹ) trong vùng tập hợp để cải thiện trình độ » và có thể « đáp trả bất kỳ cuộc khủng hoảng hay tình huống khẩn cấp nào ».

Nội dung đợt luyện tập bao gồm bắn đạn thật ở bờ phía bắc đảo Luzon của Phi Luật Tân, chỉ cách đảo Đài Loan khoảng 800 km. Một số hoạt động khác sẽ diễn ra ở quần đảo Palawan, đối diện với Biển Đông. Theo một thông cáo, các bài tập đổ bộ và huấn luyện « các kỹ thuật phòng thủ » đối phó với chiến tranh hóa học và sinh học cũng được dự trù.

Trước giới báo chí, chuẩn tướng Vicente Blanco, chỉ huy chiến dịch phía Phi Luật Tân, cho biết « học thuyết phòng thủ bờ biển » này nhằm đề phòng một « kẻ gây hấn tiềm tàng có thể nhắm vào lãnh thổ » Phi Luật Tân, đồng thời tái khẳng định Phi Luật Tân không huấn luyện để tham gia chiến sự.

Tham gia đợt luyện tập quân sự này còn có các nước Úc, Anh, Nhật Bản và Hàn Quốc. Các nước Pháp, Thái Lan và Indonesia chỉ gởi quan sát viên.

Theo AFP, đợt tập trận thường niên này diễn ra một ngày sau khi Trung cộng kết thúc các hoạt động quân sự rầm rộ xung quanh đảo Đài Loan mà Bắc Kinh xem đấy như là « lời cảnh cáo nghiêm khắc » đối với các thế lực đòi ly khai.

Ngay khi chiến dịch tập trận bắt đầu, chính quyền Manila hôm nay cho biết một trong số các tầu tuần tra dân sự của Phi Luật Tân đã hỏng nhẹ hôm 11/10 sau khi đã bị một « tầu dân quân biển » Trung cộng « cố tình » đâm phải tại vùng biển cách đảo Thị Tứ 9 km.

 

RFI (15.10.2024)

 

 

 

 

Hoa Kỳ lo ngại về các hành động “nguy hiểm” của Trung cộng ở biển Đông

“Chúng tôi rất lo ngại về các hoạt động ngày càng nguy hiểm và phi pháp của Trung cộng ở Biển Đông, gây thương tích cho người dân, gây hại cho tàu thuyền của các quốc gia ASEAN và trái ngược với các cam kết giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục ủng hộ quyền tự do hàng hải và quyền tự do bay qua Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

 

Antony Blinken

 

The Peninsula

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã nói với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á vào thứ Sáu rằng Hoa Kỳ lo ngại về các hoạt động “ngày càng nguy hiểm và phi pháp” của Trung cộng ở Biển Đông trong một cuộc họp thượng đỉnh thường niên và cam kết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục duy trì quyền tự do hàng hải trên tuyến đường thương mại quan trọng trên biển.

Những bình luận của ông tại một cuộc họp với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á gồm 10 thành viên đã nhanh chóng bị Bắc Kinh lên án, đổ lỗi cho Hoa Kỳ và các lực lượng quân sự khác từ bên ngoài khu vực gây ra tình trạng bất ổn trên tuyến đường thủy mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ ở đó.

Trung cộng có các yêu sách chồng lấn với các thành viên ASEAN là Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai và Brunei, cũng như Đài Loan. Khoảng một phần ba thương mại toàn cầu đi qua vùng biển này, nơi này cũng giàu trữ lượng cá, khí đốt và dầu mỏ. Một loạt các cuộc đối đầu bạo lực gần đây giữa Trung cộng và Phi Luật Tân cũng như Việt Nam đã làm dấy lên lo ngại rằng các hành động ngày càng hung hăng của Trung cộng trên biển có thể leo thang thành một cuộc xung đột toàn diện.

Bắc Kinh đã từ chối công nhận phán quyết trọng tài quốc tế năm 2016 của một tòa án trực thuộc Liên hợp quốc tại The Hague, trong đó tuyên bố vô hiệu các yêu sách mở rộng của Bắc Kinh, đồng thời xây dựng và quân sự hóa các đảo mà họ kiểm soát.

“Chúng tôi rất quan ngại về các hoạt động ngày càng nguy hiểm và phi pháp của Trung cộng ở Biển Đông, gây thương tích cho người dân, gây hại cho tàu thuyền của các quốc gia ASEAN và trái ngược với các cam kết giải quyết tranh chấp một cách hòa bình”, Blinken phát biểu trong bài phát biểu khai mạc tại hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN. “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục ủng hộ quyền tự do hàng hải và quyền tự do bay qua Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

Hoa Kỳ không có yêu sách nào ở Biển Đông, nhưng đã đưa các tàu hải quân và máy bay chiến đấu đến tuần tra vùng biển này nhằm thách thức các yêu sách của Trung cộng.

Tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung cộng Mao Ninh cho biết sự hiện diện của Hoa Kỳ và các lực lượng quân sự khác từ bên ngoài khu vực là nguồn bất ổn chính trên biển.

“Việc triển khai quân sự và các hoạt động ở Biển Đông ngày càng tăng của Hoa Kỳ và một số quốc gia ngoài khu vực khác, gây ra xung đột và căng thẳng, là nguồn bất ổn lớn nhất đối với hòa bình và ổn định ở Biển Đông”, Mao Ninh nói.

Các tàu của Trung cộng và Phi Luật Tân đã nhiều lần đụng độ trong năm nay, và tuần trước Việt Nam cho biết Trung cộng đã tấn công ngư dân Việt Nam ở vùng biển tranh chấp. Trung cộng cũng đã điều tàu tuần tra đến các khu vực mà Indonesia và Mã Lai tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế.

Hoa Kỳ đã nhiều lần cảnh báo rằng Hoa Kỳ có nghĩa vụ phải bảo vệ Phi Luật Tân – đồng minh hiệp ước lâu đời nhất Washington ở châu Á – nếu quân đội, tàu hoặc máy bay của Phi Luật Tân bị tấn công vũ trang, ví dụ như ở Biển Đông.

Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr. đã phàn nàn với các nhà lãnh đạo hội nghị thượng đỉnh vào thứ năm rằng Phi Luật Tân “tiếp tục phải chịu sự quấy rối và đe dọa” từ các hành động của Trung cộng, mà ông cho là vi phạm luật pháp quốc tế. Ông đã kêu gọi các cuộc đàm phán ASEAN-Trung cộng cấp bách hơn về một bộ quy tắc ứng xử để quản lý Biển Đông. Các quan chức các bên đã nhất trí cố gắng hoàn thành bộ quy tắc vào năm 2026, nhưng các cuộc đàm phán đã bị cản trở bởi các vấn đề khó khăn như bất đồng về việc liệu hiệp ước có nên mang tính ràng buộc hay không.

Trong một thông điệp chắc chắn khác gửi tới Trung cộng, Blinken cho biết Hoa Kỳ cũng cam kết giúp bảo vệ sự ổn định trên eo biển Đài Loan. Trong những năm gần đây, Hoa Kỳ đã tăng cường hỗ trợ cho Đài Loan, gồm cả khoản tài trợ quân sự mới vào tháng trước đã bị Trung cộng phản đối.

Blinken cũng đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á gồm 18 quốc gia, cùng với thủ tướng Trung cộng, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov và các nhà lãnh đạo từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand.

ASEAN đã thận trọng trong tranh chấp trên biển với Trung cộng, quốc gia là đối tác thương mại lớn nhất của khối và là nhà đầu tư lớn thứ ba của khối. Điều này không làm tổn hại đến quan hệ thương mại, với việc hai bên tập trung vào việc mở rộng khu vực thương mại tự do bao phủ thị trường 2 tỷ người.

Blinken cho biết các cuộc hội đàm thượng đỉnh ASEAN thường niên là một nền tảng để giải quyết các thách thức chung khác bao gồm nội chiến ở Myanmar, “hành vi gây bất ổn” của Triều Tiên và hành động xâm lược chiến tranh của Nga ở Ukraine. Cuộc khủng hoảng Trung Đông cũng được nêu ra, với các quốc gia Hồi giáo ủng hộ Palestine như Mã Lai và Indonesia lặp lại lời kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức của Israel khi cuộc chiến đánh dấu kỷ niệm một năm vào thứ Hai.

Blinken cũng cho biết chiến dịch leo thang của Israel ở Lebanon chống lại Hezbollah có lý do “rõ ràng và hợp pháp”, nhưng cho biết Hoa Kỳ đang cố gắng tìm giải pháp ngoại giao cho cuộc chiến. Ông cho biết điều quan trọng là phải bảo vệ thường dân trong cuộc giao tranh ở Lebanon và Gaza, đồng thời nói thêm rằng không có đủ viện trợ nhân đạo đến được phía bắc Gaza và các khu vực khác.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã tổ chức một cuộc họp riêng với các nhà lãnh đạo ASEAN. Ông Antonio Guterres kêu gọi giải pháp chính trị cho cuộc xung đột đang lan rộng ở Trung Đông. “Mức độ tử vong và tàn phá ở Gaza là điều không thể so sánh với bất kỳ tình huống nào khác mà tôi từng thấy”, ông nói. Ông cũng lên án các cuộc tấn công nhằm vào hai nhân viên gìn giữ hòa bình của Indonesia bị thương do hỏa lực của Israel khi nói rằng “những người gìn giữ hòa bình phải được tất cả các bên trong cuộc xung đột bảo vệ”.

Guterres cũng bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về cuộc khủng hoảng đang ngày càng trầm trọng ở Myanmar và kêu gọi ASEAN hợp tác với đặc phái viên của Liên hiệp quốc để tìm ra bước đột phá. Ông cho biết một phần ba dân số Myanmar đang rất cần viện trợ nhân đạo, với gần 3,5 triệu người phải di dời do nội chiến kể từ khi quân đội lật đổ chính phủ được bầu vào năm 2021 và từ chối tuân thủ kế hoạch hòa bình của ASEAN.

 

Ngân Bình dịch

 

 

______________________

Nguồn: Blinken to ASEAN leaders: US is worried about China’s ‘dangerous’ actions in disputed sea

 

VNTB (15.10.2024)

 

 

 

Biển Đông: Tham vọng lãnh thổ của Trung cộng buộc ASEAN đoàn kết hơn

 

Hoạt động bành trướng lãnh thổ của Trung cộng ở Biển Đông khiến nhiều quốc gia Đông Nam Á, thậm chí là toàn khối, lo ngại. Theo nhiều nhà quan sát, trong thời gian gần đây, đã có nhiều dấu hiệu cho thấy ASEAN đoàn kết hơn trong hồ sơ Biển Đông. Xu thế này thể hiện khá rõ trong hợp tác gia tăng giữa nhiều nước ASEAN. Hội nghị Cấp Cao ASEAN mở rộng tại Lào, hồi tuần trước, với sự tham gia của Trung cộng và nhiều cường quốc ngoài khu vực, cũng cho thấy xu thế này.

Hội nghị ASEAN – Trung cộng tại Lào, ngày 10/10/2024. AP – Dita Alangkara

 

Lần đầu tiên Hội nghị ASEAN – Trung cộng thảo luận về Biển Đông

Một sự kiện tiêu biểu được nhiều nhà quan sát chú ý: lần đầu tiên nhiều nước ASEAN đã lên tiếng về mối quan ngại với Trung cộng ở Biển Đông ngay trong khuôn khổ cuộc họp Trung cộng-ASEAN. Trong nhiều năm qua, Bắc Kinh vẫn cố gắng hướng các thảo luận, bất đồng về Biển Đông sang các diễn đàn song phương. Tuy nhiên, lần này, Phi Luật Tân, quốc gia tuyến đầu của ASEAN tại Biển Đông, thường xuyên bị tàu thuyền Trung cộng xâm phạm và quấy rối trong vùng biển đặc quyền kinh tế, đã yêu cầu đối thoại trực diện với Trung cộng.

Theo trang mạng Ấn Độ First Post, trong hội nghị ASEAN – Trung cộng ngày 10/10, thủ tướng Trung cộng Lý Cường đã đáp trả theo cách thông thường của Bắc Kinh là đổ lỗi cho Mỹ và các nước phương Tây can thiệp vào khu vực, làm đảo lộn quan hệ cân bằng giữa Trung cộng và ASEAN. Tuy nhiên, theo một số ghi nhận, một số nước ASEAN đã thể hiện rõ ràng hơn những lo ngại và thất vọng. Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr. đã kêu gọi thảo luận ”nghiêm túc” về Biển Đông. Manila đã nhận được sự ủng hộ từ Việt Nam, Thái Lan và Singapore. Bản tóm tắt về lịch trình thảo luận của chủ tọa hội nghị không cho phép thể hiện được các bất đồng như trên, nhưng cuộc họp rõ ràng đã không diễn ra theo đúng kịch bản của Trung cộng, cho dù về mặt chính thức, Trung cộng vẫn được ca ngợi là ‘‘đối tác lớn của ASEAN’’.  

 

Chống ‘‘quốc tế hóa’’ hồ sơ Biển Đông : Thất bại của Bắc Kinh

Từ nhiều thập kỷ nay, Trung cộng vẫn luôn chống lại việc ‘‘quốc tế hóa’’ các tranh chấp ở Biển Đông, và cổ vũ cho các đàm phán song phương. Việc Bắc Kinh vốn luôn ở thế thượng phong trong quan hệ song phương với các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung cộng ở Biển Đông, khiến các đàm phán song phương trên thực tế chỉ giúp cho Trung cộng khẳng định các đòi hỏi chủ quyền chiếm đến gần 90% diện tích vùng biển này, bất chấp phán quyết của Tòa án quốc tế.

Việc nhiều nước ASEAN nêu bật quan ngại về Biển Đông trong hội nghị với Trung cộng cho thấy tranh chấp chủ quyền Biển Đông đã không chỉ còn là việc riêng giữa các nước tranh chấp, mà còn là vấn đề chung của khu vực và quốc tế.

 

Thông cáo chung ASEAN – Ấn Độ lần đầu tiên nêu Biển Đông

Đây cũng là lần đầu tiên thông cáo chung của ASEAN – Ấn Độ trong dịp Hội nghị Cấp cao thường niên mở rộng của ASEAN nêu ra vấn đề căng thẳng Biển Đông. ASEAN – Ấn Độ hối thúc các bên sớm đúc kết Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC), mà Trung cộng và ASEAN đã khởi sự đàm phán từ hơn 20 năm nay, để xử lý các tranh chấp, hay va chạm ở Biển Đông một cách hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế.

Về Hội nghị Cấp cao Đông Á – EAF, với sự tham gia của 10 nước ASEAN và 8 quốc gia ngoài khu vực, hôm 11/10, theo một quan chức Mỹ, khối ASEAN đã đạt được đồng thuận về một số nội dung liên quan đến Biển Đông, để đưa và Tuyên bố chung. Rút cục, do sự phản đối của Nga và Trung cộng, các điều khoản này đã bị loại khỏi Tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao Đông Á. Dù sao, nếu thông tin này là xác thực, điều đó cũng cho thấy các nước Đông Nam Á đã thu hẹp được bất đồng, bước đầu tìm thấy đồng thuận về hồ sơ Biển Đông, vốn thường gây chia rẽ trong hầu hết các hội nghị cấp cao thường niên của khối từ hàng chục năm nay.

 

Trung cộng, đối tác kinh tế số một của ASEAN, đang trở thành mối đe dọa với khối

Chuyên gia về Biển Đông và địa chính trị Richard Javad Heydarian, Đại học Polytechnic University of the Phi Luật Tân, có bài tổng hợp đáng chú ý về chủ đề này trên trang mạng Hồng Kông South China Morning Post, hôm 14/10/2024, nhan đề ‘‘How South China Sea disputes are uniting Asean states’’ (Các tranh chấp ở Biển Đông đang đoàn kết các nước ASEAN như thế nào). Chuyên gia Richard Javad Heydarian nêu bật sự tương phản giữa vị thế cường quốc của Trung cộng về kinh tế, đối tác thương mại số một của ASEAN, và tham vọng lãnh thổ, hành xử lấn lướt của Trung cộng ở Biển Đông đang biến Trung cộng trở thành một đe dọa với không chỉ một số thành viên ASEAN có tranh chấp trực tiếp, mà đe dọa cả hòa bình và ổn định chung của khu vực.

 

Vị chuyên gia này nhấn mạnh, bất chấp những hạn chế ASEAN và bất chấp các khác biệt về chế độ chính trị, ‘‘các quốc gia Đông Nam Á chủ chốt’’ không chỉ giữ vững lập trường khẳng định chủ quyền tại các vùng biển mà Trung cộng muốn chiếm đoạt, mà còn thúc đẩy các hợp tác chiến lược song phương và đa phương để củng cố thế phòng thủ.

 

Việt Nam – Phi Luật Tân hợp tác bảo vệ ‘‘các lợi ích cốt lõi’’

Tiêu biểu gần đây là các hợp tác giữa Việt Nam và Phi Luật Tân. Năm 2024, lần đầu tiên Việt Nam và Phi Luật Tân diễn tập chung giữa lực lượng cảnh sát biển hai nước. Hoạt động phối hợp này mở đường cho các hợp tác giữa hải quân hai nước trong tương lai. Việt Nam ủng hộ vụ Phi Luật Tân kiện lên Tòa án Trọng tài Thường trực của Liên Hiệp Quốc chống lại các yêu sách của Trung cộng, trong lúc Manila bày tỏ đoàn kết với Hà Nội, lên án các cuộc tấn công của Trung cộng nhắm vào ngư dân Việt Nam hoạt động tại quần đảo Hoàng Sa.

Về mặt ngoại giao, Việt Nam và Philippine cũng gia tăng hợp tác để tìm kiếm thỏa hiệp về các đòi hỏi chủ quyền chồng lấn trên biển. Hợp tác giữa hai nước Đông Nam Á nói trên có thể ‘‘cung cấp một khuôn mẫu cho các thỏa thuận tương tự’’ trong tương lai cho tất cả các quốc gia ASEAN có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. Các nước ASEAN ‘‘có thể có những cách xử sự khác nhau về mặt ngoại giao với Trung cộng, nhưng tất cả đều có lợi ích chung trong việc bảo vệ các lợi ích cốt lõi của nước mình thông qua hợp tác’’.

 

Mã Lai và Indonesia cứng rắn hơn

Chính quyền Mã Lai, sau khi bị dư luận trong nước chỉ trích dữ dội về diễn đạt úp mở hồi năm ngoái, nhắc đến khả năng thăm dò dầu khí chung với Trung cộng tại các khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế nước này, đã kiên quyết hơn trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia. Indonesia, quốc gia được coi là ‘‘lãnh đạo trên thực tế’’ của ASEAN cũng đã trực tiếp phản đối các yêu sách bành trướng của Trung cộng, đặc biệt trong vùng đặc quyền kinh tế tại vùng biển phía bắc đảo Natuna. Indonesia cũng lần đầu tiên chủ trì cuộc diễn tập hải quân của toàn ASEAN. 

Năm nay, với hậu thuẫn của Mỹ và các đồng minh đối tác trong và ngoài khu vực, Phi Luật Tân đang trở nên mạnh mẽ hơn trước Trung cộng, trực tiếp ‘‘tuyên chiến với chiến thuật vùng xám’’, thường được Trung cộng sử dụng để lấn dần từng bước một trong tham vọng bành trướng ở Biển Đông.

 

Tham vọng Trung cộng thách thức ‘‘vị thế trung tâm’’ của ASEAN

Theo nhiều nhà quan sát, nỗ lực tranh đấu của Phi Luật Tân trên thực địa tại Biển Đông cũng như trên trường ngoại giao, đặc biệt tại các hội nghị tại Lào vừa qua, dường như đã và đang là một động lực quan trọng giúp ASEAN tìm được thêm đồng thuận trước Trung cộng. Mã Lai – quốc gia đang có lập trường cứng rắn hơn với Trung cộng về tranh chấp ở Biển Đông – sẽ là chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm tới.

Tham vọng lãnh thổ của Trung cộng ở Biển Đông thách thức không chỉ quyền lợi của từng quốc gia có tranh chấp, mà cả ‘‘vị thế trung tâm’’ của ASEAN trong kiến trúc an ninh khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, đang được xác lập. Việc khẳng định được tiếng nói chung về Biển Đông tiếp tục là thách thức hàng đầu với Hiệp hội các nước Đông Nam Á trong thời gian tới.

 

RFI (14.10.2024)