Đã quá nhiều lần người ta cố tình gán ghép cho người khác những chuyện mà người khác không hề làm mà cũng chẳng hề hay biết. Thế nhưng mà dù có mưu ma chước quỷ đi chăng nữa cũng chẳng thể nào hại được người lành vì người lành chẳng hề làm điều mà người ta gán ghép, bịa đặt.
Còn đó những câu chuyện hết sức thực tế, hết sức kinh nghiệm cho con người về chuyện phán quyết về một sự việc nào đó, về con người nào đó.
Về chuyện phán quyết sai lầm, tôi chợt nhớ đến một câu chuyện đọc được trong tập sách Lẽ Sống.
Chuyện kể rằng có một cô gái xinh đẹp bị chửa hoang, cha mẹ giận dữ tra hỏi gắt gao nhưng cô không nói. Đến lúc không thể chịu nổi được những đòn roi thì cô gái mới khai ra tác giả bào thai ấy là của vị thiền sư đang ở trên núi. Thế là cha mẹ, bà con dâng làng kéo đến gặp vị thiền sư chửi vị thiền sư là tại sao lại làm như thế. Vị thiền sư nghe những tiếng rủa xả xong chậm rãi nói “thế ư !”. Ông không đáp lại một lời nào nữa dù rằng tác giả bào thai ấy không phải là ông.
Sau thời gian nở nhụy khai hoa, cô gái bế đứa trẻ ấy đến giao lại cho vị thiền sư. Vị thiền sư ôm lấy đứa bé và cũng chậm rãi nói “thế ư !”. Sau đó ông nuôi đứa bé như đứa con ruột của mình. Từ ấy, vị thiền sư bị dân làng ruồng bỏ và phải chịu biết bao nhiêu lời tiếng thị phi.
Ngày qua dần, cho đến một ngày nọ, mẹ của đứa bé bị lương tâm cắn rứt vì tội nói dối của mình, cô thú tội với cha mẹ rằng tác giả bào thai ấy không phải là vị thiền sư mà là của chàng thanh niên đầu làng. Thế là cha mẹ và bà con dân làng kéo đến tạ lỗi với vị thiền sư. Vị thiền sư không hề buông một lời ai oán, ông chỉ nói “thế ư”.
Cô gái, cha mẹ và dân làng đã đem “một cục lửa” thật to bỏ vào tay của vị thiền sư. Họ làm như thế để hạ nhục thanh danh, uy tín của vị thiền sư cho đến tột cùng.
Con người ta, ai cũng có tự do muốn nói sao cũng được, nói phải cũng được mà nói quấy cũng xong – nhưng còn phải đối diện với lương tâm – tiếng nói này mới thật là quan trọng.
Vị thiền sư này đã thực sự muốn dậy cho dân trong làng rằng dù các quý vị nghĩ thế nào, nhưng sự thật vẫn là sự thật, cây ngay không sợ chết đứng. Sợ công chúng chỉ trích chỉ ảnh hưởng đối với người thiếu tự tin. Riêng đối với những người tự tin, họ tin vào sự thật nên không lo sợ gì cả.
Nguồn: Thanh Tâm