Seite auswählen

Trần Cẩm Tú lên ghế Thường trực Ban Bí thư, “con mồi khó nuốt” đối với Tô Lâm !

Thái Hà, Thoibao.de, 28/10/2024

Sau khi ông Lương Cường rời ghế Thường trực Ban Bí thư, thì ngay sau đó, ghế này cũng được bổ sung.

trancamtu1

Ngày 25/10, báo chí nhà nước thông báo, ông Trần Cẩm Tú – Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, được bổ nhiệm làm Thường trực Ban Bí thư.

Đây là chiếc ghế quyền lực thứ 5, chỉ sau 4 vị trí “Tứ trụ”. Ông Trần Cẩm Tú là một trong số ít người, là Ủy viên Bộ Chính trị nhưng sẽ không quá 65 tuổi tại Đại hội 14. Ông Tú rất có triển vọng vào “Tứ trụ”, nếu không bị hạ vì một lý do nào đó.

Ông Tú hiện nay 63 tuổi, người Hà Tĩnh, được ông Nguyễn Phú Trọng bổ nhiệm vào chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương từ năm 2018, khi ấy, ông chỉ là Ủy viên Trung ương Đảng. Tuy nhiên, để tăng sức mạnh gom củi “đốt lò”, năm 2021, ông Trọng đã đưa ông Tú vào Bộ Chính trị.

Chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương được xem là người chọn củi cho ông Trọng, còn Tô Lâm là người mang rìu đi đốn củi. Đấy là 2 cơ quan thường xuyên phối hợp với nhau, dưới bàn tay điều khiển của ông Trọng. Tuy nhiên, hiện nay, Tổng bí thư đã là Tô Lâm, có lẽ, cần sự thay đổi nhân sự ở ghế Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, để bộ máy “đốn củi” chạy trơn tru hơn.

Hiện nay, Hà Tĩnh có đến 2 uỷ viên Bộ Chính trị và gần 10 ủy viên Trung ương Đảng. Hà Tĩnh cùng với Nghệ An, là 2 thế lực bành trướng thanh thế rất mạnh, dưới thời ông Trọng. Nay ông Tô Lâm làm Tổng bí thư, có lẽ, ông cần hạn chế sự bành trướng của 2 nhóm lợi ích chính trị này, để tạo khoảng trống cho nhóm Hưng Yên của ông phát triển.

Hồi tháng 8, ông Tô Lâm cho khởi tố vụ án Công ty Cây xanh Công Minh. Đây được xem là sân sau của ông Tú, tương tự như Phúc Sơn của Võ Văn Thưởng, và Thuận An của Vương Đình Huệ. Tuy nhiên, cho đến nay, đã gần 3 tháng, nhưng vụ án Công Minh vẫn dậm chân tại chỗ. Tô Lâm chưa thể ép được Trần Cẩm Tú phải rời chính trường, như từng ép Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ. Xem ra nhân vật Trần Cẩm Tú không phải là “con mồi dễ nuốt” đối với Tô Lâm.

Cho đến nay, ông Tô Lâm chỉ mới hạ được Đặng Quốc Khánh, một con cá mập tầm trung của nhóm lợi ích Hà Tĩnh. Còn “cá gộc” Trần Cẩm Tú thì vẫn ung dung. Xem ra, ông Tô Lâm chưa thể nhanh chóng dọn cỏ, ngay tại Ban Bí thư của ông.

Ông Tô Lâm từng đánh vào 2 vị trí “Tứ trụ”, và cả 2 đều nhanh chóng gục ngã. Nhưng một vị trí “Bí thư Trung ương Đảng” nhỏ hơn, thì ông lại không thể đánh đổ. Những người này được xem như “có nội lực”, khi chỉ là Bí thư Trung ương Đảng mà buộc được ông Tô Lâm phải nhượng bộ. Như vậy, liệu, khi người này thành công ngồi vào ghế “Tứ trụ”, thì có dễ dàng cho ông Tô Lâm hay không ?

Nhiệm kỳ 2021 – 2026 được xem là đầy giông bão đối với Bộ Chính trị và Tứ trụ, tính cả số ủy viên chết lẫn ngã ghế, thì giông bão đã đẩy ngã đến 8 ghế trong Bộ Chính trị. “Tứ trụ” thì có đến 5 lần thay ngựa giữa dòng, chỉ riêng ghế Chủ tịch nước đã bị thay đến 3 lần.

Tuy nhiên, trong cơn giông bão cuồng nộ như thế, mà có những nhân vật vẫn sừng sững, không ngã, thì đấy chính là những nhân tố tiềm ẩn mối nguy cho ông Tô Lâm về sau. Khi ông Trần Cẩm Tú lên ghế Thường trực Ban Bí thư, thì xem như, quá gần với “Tứ trụ” rồi. Chỉ cần có thêm biến động trong “Tứ trụ”, thì ông Tú sẽ có cơ hội để nhảy vào trám.

Phe Hà Tĩnh đông đúc, Trần Cẩm Tú như con chim đầu đàn. Dù đàn này đã bị rụng bớt, nhưng đầu đàn vẫn tiến về phía trước. Không biết, ông Tô Lâm đã cảm thấy hơi thở của Trần Cẩm Tú “phà vào gáy” mình hay chưa. Nhóm Hà Tĩnh rất có thể lại vươn lên, lại trở thành nhóm mạnh, thách thức Hưng Yên.

Liệu Tô Lâm có thấy lo hay không ?

Thái Hà

Nguồn : Thoibao.de, 28/10/2024

*****************************

Tại sao Tổng bí thư Tô Lâm phải cảnh giác sự “trỗi dậy” của phe Nghệ Tĩnh ?

Trà My, Thoibao.de, 28/10/2024

Ngày 25/10, truyền thông nhà nước đưa tin, Tổng bí thư Tô Lâm trao quyết định của Bộ Chính trị phân công Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú, giữ chức Thường trực Ban Bí thư, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

trancamtu2

Tượng đài Xô viết Nghệ Tĩnh tại thị trấn Nghèn (Can Lộc). Ảnh minh họa

Theo Tổng bí thư Tô Lâm, Bộ Chính trị đã thống nhất cao, để ông Tú đảm nhiệm chức danh Thường trực Ban Bí thư kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Vị trí Thường trực Ban Bí thư, là vị trí quan trọng đứng thứ 5 trong hệ thống nhân sự lãnh đạo cao cấp, sau “Tứ trụ”. Chức vụ này còn được mệnh danh là Phó Tổng bí thư trong cơ cấu của Đảng cộng sản Việt Nam, là nhân vật đứng thứ 2, sẽ thay thế cho Tổng bí thư trong thời gian vắng mặt.
Ông Trần Cẩm Tú hiện là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, đương kim Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Như vậy, ông Trần Cẩm Tú có thể vừa giữ chức Thường trực Ban Bí thư, vừa kiêm nhiệm chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, giống như ông Trần Quốc Vượng tại nhiệm kỳ Đại hội 12 (2016 – 2021), đã được phân công giữ thêm chức Thường trực Ban Bí thư, thay cho ông Đinh Thế Huynh nghỉ chữa bệnh.

Đến lúc này, cán cân quyền lực trong nội bộ Đảng đã cho thấy, ông Tô Lâm đang suy giảm quyền lực rõ rệt. Trong khi, Ban lãnh đạo Bắc Kinh được cho là đã công khai việc không “hài lòng” với Tổng bí thư Tô Lâm, đồng thời ra mặt công khai ủng hộ tân Chủ tịch nước Lương Cường.

Với tham vọng độc chiếm quyền lực cao nhất trong Đảng theo mô hình nhất thể hóa, phe Hà Tĩnh cũng như nhóm lợi ích Nghệ An là mục tiêu xóa bỏ hàng đầu của ông Tô Lâm. Nhắc đến phe thân Bắc Kinh trong Đảng, không thể không nhắc tới 2 phe cánh chính trị này, vốn do cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thiết lập như bệ đỡ cho hệ thống quyền lực sâu rộng của ông trong hơn 15 năm cầm quyền.

Nếu một khi nhổ được hai cái gai lớn Trần Cẩm Tú và Phan Đình Trạc, Tổng bí thư Tô Lâm sẽ rảnh tay, và dễ dàng thâu tóm trọn quyền lực trong Đảng vào Đại hội 14, sẽ diễn ra vào đầu năm 2026.

Trước đây, mối quan hệ giữa Tô Lâm và Trần Cẩm Tú được cho là khá ăn ý trong việc điều tra xử lý các vụ án tham nhũng lớn. Tuy nhiên, kể từ khi ông Tô Lâm bộc lộ tham vọng “tảo thanh” phe Nghệ Tĩnh, thì thái độ của ông Tú đối với ông Tô Lâm đã thay đổi hoàn toàn.

Theo giới thạo tin, đã có những cáo buộc cho rằng, ông Trần Cẩm Tú đã từng nhận 2 triệu USD của bà Hoàng Thị Thúy Lan – cựu Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc, liên quan đến Tập đoàn Phúc Sơn.

Hay đã có những đồn đoán cho rằng, đứng đằng sau Tập đoàn Cây xanh Công Minh là ông Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Trước đây, vào tháng 5/2024, vụ án này đã bất ngờ dừng lại, nhưng ngày 5/10 vừa qua, Cục An ninh Điều tra Bộ Công an A09 đã quyết định “Mở rộng điều tra vụ án Công ty Cây xanh Công Minh trúng thầu 3.500 tỷ đồng”.

Cho đến nay, tham vọng “tảo thanh” phe Nghệ Tĩnh rõ ràng đã dậm chân tại chỗ. Các nhân vật “cộm cán” như Trần Cẩm Tú, Phan Đình Trạc hay Trần Hồng Hà vẫn bình an vô sự. Phải chăng Tổng bí thư Tô Lâm đã ở trong tình thế “lực bất tòng tâm”, dù muốn nhưng không thể thực hiện nổi ?

Đến nay, các phe phái chống ông Tô Lâm trong Đảng đã thắt chặt sự liên kết, thông qua hệ thống các Ban Đảng, đã khiến tình thế có sự thay đổi. Việc ông trùm phe Hà Tĩnh – Trần Cẩm Tú được kiêm nhiệm chức Thường trực Ban Bí thư và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, là điều Tổng bí thư Tô Lâm cần phải cảnh giác. Phe Nghệ Tĩnh đã và đang có nhiều biểu hiện “trỗi dậy” để tính sổ với ông Tô Lâm và phe cánh.

Trà My

Nguồn : Thoibao.de, 28/10/2024

“Tiến sĩ chân vịt” Bùi Văn Cường “vuốt râu hùm”, bị Tô Đại hất văng khỏi võ đài?

 

 

Ông Bùi Văn Cường. Ảnh: Media Quốc hội

 Ngày 25/10, báo chí đồng loạt đưa tin, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết số 157/2024 về việc miễn nhiệm các chức vụ đối với ông Bùi Văn Cường. Theo đó, ông Cường sẽ thôi giữ chức các chức gồm: Tổng Thư ký Quốc hội; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thôi làm nhiệm vụ Đại biểu Quốc hội khóa XV. Trước đó dư luận xã hội đã đồn đoán về số phận của ông Tổng thư ký Quốc hội này và sau đó, vẫn như thường lệ, báo chí chính thức công bố tin tức như lời đồn.

Có thể đây chỉ là những bước đi dọn đường để chuẩn bị khởi tố ông “tiến sĩ chân vịt” một thời tai tiếng này.

Hồi Tháng Tư, Tô Lâm cho khởi tố vụ án tập đoàn Thuận An bắt đầu chiến dịch đánh vào chân trụ Chủ tịch Quốc hội của Vương Đình Huệ. Sang Tháng 6, Tô Lâm yêu cầu tỉnh Đắk Lắk phải cung cấp hồ sơ  có liên quan đến quy hoạch sử dụng đất tỉnh Đắk Lắk đã được phê duyệt từ năm 2017 – 2020; kế hoạch sử dụng đất năm 2017, 2018, 2019, 2020 tại địa bàn huyện Ea Súp. Được biết, ông Bùi Văn Cường làm Bí thư tỉnh Đắk Lắk từ năm 2019 đến 2021. Đây được xem là bước đi của Tô Lâm nhắm vào Bùi Văn Cường.

Năm 2021, Vương Đình Huệ thua đau trước Phạm Minh Chính phải nhận chức Chủ tịch Quốc hội. Khi đó, ông Huệ cũng kéo Bùi Văn Cường về Quốc hội phân công cho chức Tổng thư ký kiêm Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội. Việc ông Vương Đình Huệ ngã ngựa thì nhiều người cũng dự đoán, trước sau gì Bùi Văn Cường cũng sẽ bị loại khỏi vũ đài chính trị theo ông sếp của ông ta ở Quốc hội.

Ông Bùi Văn Cường là nhân vật không xa lạ gì với dư luận xã hội. Năm 2020, ông bị một giáo viên thể dục Trường Tiểu học dân lập Nguyễn Khuyến, Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk tên là Hoàng Minh Tuấn đã gửi đơn tố cáo lên Ban tổ chức Trung ương cùng nhiều lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk và Trung ương, cáo buộc ông Bùi Văn Cường đạo luận án tiến sĩ. Ngoài ông Hoàng Minh Tuấn, một giảng viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng là Phạm Đình Quý cũng tố cáo ông Bùi Văn Cường với nội dung tương tự.

Đáng nói là, ngày 25/9/2020 ông Bùi Văn Cường lúc đó là bí thư tỉnh ủy Đắk Lắk đã cho công an tỉnh này xuống tận TP. HCM bắt cóc ông Phạm Đình Quý về Đắk Lắk xử lý. Sau đó, ông Quý bị cáo buộc đã có hành vi “phát tán tài liệu nhằm hạ thấp uy tín, xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự người khác”, phạm tội vu khống quy định tại điều 156 bộ luật Hình sự.

Không biết khi đó, Bùi Văn Cường dựa vào ai mà ngang nhiên mang quân sang tỉnh khác bắt người về xử lý? Với hành động đó, ông Cường chỉ bịt miệng được người tố cáo chứ không thể bịt miệng được dư luận. Cũng chính vì tiêu cực đấy mà dư luận đã đặt cho ông Tổng thư ký Quốc hội nickname là “tiến sĩ chân vịt”, tên gắn liền với đề tài tiến sĩ đầy tai tiếng của ông này.

Tiến thân bằng cách dựa vào thế lực mạnh để leo lên cao, khi thế lực đỡ đầu gục ngã thì Bùi Văn Cường cũng bị đá văng khỏi vũ đài chính trị, âu cũng là điều dễ hiểu. Thủ đoạn thì có thừa, tri thức thì lại thiếu, đấy không chỉ là bản chất của ông Bùi Văn Cường mà nó còn là mẫu số chung cho hầu hết các quan chức hiện nay.

Cùng với Đặng Quốc Khánh, Bùi Văn Cường được xem là đàn em thứ 2 của Vương Đình Huệ bị Tô Lâm triệt hạ. Đây phải chăng là cách mà Tô Lâm muốn triệt mầm họa từ xa, tránh cho những đàn em này luồn sâu leo cao sau đó vào Bộ Chính trị rồi trả thù chăng?

Có thông tin cho rằng, hồi Tháng 8, ông Cường bất ngờ thông báo với báo giới rằng, vào Tháng 10 Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước, trong khi đó Tô Lâm vẫn đang miễn cưỡng chưa muốn nhả chức trước áp lực của phe quân đội. Hành động này của Bùi Văn Cường giống như “ép chuối chín non”, cố tình đặt Tô Lâm vào chuyện đã rồi. Đây được xem là giọt nước làm tràn ly khiến cho Bùi Văn Cường bị Tô Lâm đưa lên thớt. Xem ra Bùi Văn Cường không phải là kẻ thức thời. Yếu nhưng dám “vuốt râu hùm” nên nhận hậu quả.

Trần Chương-Thoibao.de

Được ‘điều’ lên Trung Ương, ngày tàn sắp đến của ‘ông trùm’ Nghệ An?

Ông Thái Thanh Quý (trái) cười gượng khi bị nhận chức phó ban kinh tế Trung Ương. (Hình: báo Thanh tra)

Bí thư Nghệ An Thái Thanh Quý vừa được chuyển ra Hà Nội làm phó ban kinh tế Trung Ương. Từ trước đến nay, những lãnh đạo tỉnh bị chuyển vào vị trí này đều không có tương lai tốt đẹp.

Tô Lâm dụ rắn ra khỏi hang

Thái Thanh Quý là một lãnh đạo có máu mặt ở Nghệ An, với thời gian dài nắm giữ những vị trí chủ chốt tại tỉnh này từ chánh văn phòng tới bí thư Tỉnh Uỷ. Suốt từ 2016 tới nay ông Quý tiến thân thần tốc từ trưởng Ban Dân Vận Tỉnh Ủy, lên chủ tịch Uỷ Ban tỉnh, rồi bí thư tỉnh ủy kiêm chủ tịch HĐND tỉnh, trưởng Đoàn đại biểu Quốc Hội khóa XV tỉnh Nghệ An. Ông Quý còn là ủy viên Trung Ương Đảng khóa XIII.

Ông Thái Thanh Quý (trái) cười gượng khi bị nhận chức phó ban kinh tế Trung Ương. Hình: báo Thanh tra.

Là lãnh đạo một tỉnh nghèo, thường xuyên phải xin gạo cứu đói như Nghệ An, mà được đưa lên làm Phó Ban Kinh Tế Trung Ương thì có thể thấy rõ một tương lai u ám cho nền kinh tế Việt Nam. Nhưng đó là nếu ông Quý có thực quyền. Còn trên thực tế, ghế phó ban kinh tế Trung Ương lại không có quyền lực, mà thực chất lại là chức vụ dành để “lưu đày” những viên quan có sai phạm, sắp bị kỷ luật. Nói cho chính xác, đây là chiêu “dụ rắn ra khỏi hang” mà bộ chính trị thường dùng từ thời ông Trọng, bây giờ Tô Lâm chỉ “kế thừa và phát huy.”

Ví dụ trường hợp ông Triệu Tài Vinh, bí thư tỉnh Hà Giang suốt gần 9 năm (2010 tới 2019). Cha của ông Vinh là ông Triệu Đức Thanh, từng là chủ tịch tỉnh Hà Giang. Cha truyền con nối, gia tộc họ Triệu được coi như lãnh chúa ở Hà Giang, khi cho cả dòng họ vào nắm các vị trí chủ chốt trong tỉnh. Năm 2018, gia đình họ Triệu bị phát hiện chạy điểm cho con ruột ông Vinh và hai cháu họ. Sau vụ này, ông Vinh bị điều đi làm phó ban kinh tế Trung Ương vào Tháng Bảy 2019, tới Tháng Giêng năm 2020 thì bị kỷ luật do liên quan tới gian lận trong thi cử.

Hoặc vụ ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch TP.HCM gần 6 năm (2015 tới 2021). Ông này là cánh tay đắc lực của ông Lê Thanh Hải, một lãnh chúa ở Thành Hồ. Tháng Tám năm 2021, ông Phong bị buộc phải bỏ chức chủ tịch Thành Hồ để chuyển ra Hà Nội ngồi ghế phó ban kinh tế Trung Ương. Cứ ngỡ ra trung ương là lên chức, nhưng thực ra là chờ bị xử. Tháng Bảy năm 2022, Bộ Chính Trị ra quyết định kỷ luật Nguyễn Thành Phong vì có những vi phạm nghiêm trọng, khó khắc phục trong thời gian làm chủ tịch Thành Hồ.

Tương lai nào cho Thái Thanh Quý?

Nhìn vào những tấm gương đi trước, bây giờ ông Thái Thanh Quý có lệnh triệu tập về Hà Nội thì nguy cơ là lành ít dữ nhiều. Trong thời gian ông Quý làm lãnh đạo tại Nghệ An, có rất nhiều hồ sơ được bổ nhiệm thần tốc, hoặc các dự án mua bán cấp khống giấy phép cho nhưng công ty không đủ điều kiện có thể khai thác các mỏ cát, mỏ khoáng sản ở Nghệ An…

Ngoài ra, có thông tin ông Quý nhận hối lộ của Nguyễn Văn Hậu (Hậu “pháo”) và Nguyễn Duy Hưng trong các dự án ở Nghệ An có liên quan đến hai tập đoàn Phúc Sơn và Thuận An. Hồi đầu năm, ông Quý và ông Nguyễn Đức Trung (chủ tịch tỉnh Nghệ An) bị Bộ Công An “mời ra làm việc” nhiều lần.

Nguồn cơn là do Hậu “pháo” khai biếu cho hai ông Quý và Trung mỗi người 1 triệu đôla, do liên quan đến các dự án của Tập đoàn Phúc Sơn tại Nghệ An, trong đó có dự án khu đô thị Hưng Hoà 1 và 2 tại thành phố Vinh với tổng quy mô hơn 200ha. Còn ông Nguyễn Duy Hưng, chủ tịch Tập đoàn Thuận An, khai biếu cho Quý $700,000, Trung $500,000. Vụ việc liên quan đến các dự án cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam nối thị xã Cửa Lò (Nghệ An), gói thầu 14 nâng cấp QL15A đi qua tỉnh Nghệ An do tập đoàn Thuận An thi công.

Là bí thư Nghệ An, ông Quý cũng có quan hệ đồng hương mật thiết với phe Nghệ An – Hà Tĩnh trong bộ chính trị của ông Vương Đình Huệ, Phan Đình Trạc, Trần Cẩm Tú. Hiện nay Vương Đình Huệ đã bị phế truất, các tay chân của ông Huệ như Đinh Tiến Dũng (bí thư Hà Nội) cũng đã phải về vườn. Mới đây nhất là tổng thư ký Quốc Hội Bùi Văn Cường, cấp dưới trực tiếp của ông Huệ cũng bị buộc phải từ chức.

Còn hai ông Phan Đình Trạc và Trần Cẩm Tú cho dù không bị phế truất thì cũng chỉ làm được thêm khoảng một năm rưỡi nữa là hết nhiệm kỳ. Không còn là đối trọng lớn có thể ảnh hưởng tới phe Tô Lâm, nhưng ông Quý còn khá trẻ (48 tuổi,) đường quan lộ còn rất rộng, nên phe Tô Lâm phải có biện pháp răn đe chứ không thể để tới ngày… đủ lông đủ cánh.

Dĩ nhiên, ông Quý vẫn có thể tìm cách hạ cánh an toàn nếu chung chi đúng đường, hoặc cam kết ngả hẳn theo phe Tô Lâm. Là phó ban kinh tế Trung Ương, ông Quý sẽ nằm ngay dưới trướng Trần Lưu Quang (trưởng ban), thân tín của Tô Lâm, cho nên nếu biết điều thì có thể ông Quý vẫn được giữ lại “mua vui cũng được một vài trống canh.”