Seite auswählen

Ông Lê Hữu Minh Tuấn và Trại giam Xuyên Mộc – nơi ông đang thụ án RFA edit

 

Sức khoẻ của tù nhân lương tâm Lê Hữu Minh Tuấn – biên tập viên trang Thời báo của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam – đang sa sút nghiêm trọng trong tù khiến người thân lo ngại và tổ chức quốc tế phải lên tiếng đề nghị Chính phủ Việt Nam trả tự do cho ông vì mục đích nhân đạo.

Ông Lê Hữu Minh Tuấn, 35 tuổi, hiện đang thụ án tù 11 năm về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” trong cùng vụ án với Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam Phạm Chí Dũng và Phó Chủ tịch Nguyễn Tường Thuỵ- người cũng là blogger của Đài Á Châu Tự Do (RFA).

Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam là một tổ chức đấu tranh cho tự do báo chí ở trong nước nhưng không được Nhà nước công nhận.

Tổ chức Văn Bút Hoa Kỳ (PEN America) hôm 31/10 có thông cáo báo chí bày tỏ lo ngại về sức khoẻ và tình trạng giam giữ trong tù của ông Lê Hữu Minh Tuấn. Theo tổ chức này, “tình trạng sức khoẻ của ông Tuấn đã sa sút nghiêm trọng kể từ khi bị bắt vào tháng 1/2021”.

“Trong những tháng gần đây, ông Tuấn đã không thể ăn bất cứ thức ăn rắn nào và kết quả là bị sụt cân nặng, khó chịu trong bao tử triền miên, thường đi ngoài phân lỏng, có bọt, bị tê chân” – PEN America mô tả về tình trạng sức khoẻ của ông Tuấn trong bức thư mới nhất.

Chị Lê Na, em gái của ông Tuấn, vào ngày 1/11 xác nhận thông tin này với RFA qua điện thoại:

“Ngày 26/10 anh Tuấn gọi về bảo sức khoẻ ngày càng tệ. Bây giờ anh đau quá, khám thì người phụ trách sức khỏe của anh Tuấn Trần Văn Thành chỉ khám qua loa, cán bộ đó bảo là không sao chỉ là rối loạn tiêu hóa thôi.

Nhà có gửi sữa vào nhưng ảnh nói đừng có gửi nữa, vì bây giờ uống vào rất là khó chịu. Bụng đau quá, kể cả hai bắp chân trở xuống tê hết.

Thuốc mình gửi vào nếu mà không kèm theo toa của bác sĩ thì trong này người ta không nhận còn nếu mà giám thị đi mua thì giá lại cao, có khi lại không có thuốc.”

Theo PEN America, “vào tháng 4/2024, ông Tuấn đã được đi khám bệnh tại bệnh viện ở Bà Rịa, nơi bác sĩ thực hiện việc soi đại tràng. Tuy nhiên, ông Tuấn cho biết thủ thuật này rất ngắn, làm dấy lên quan ngại về độ tin cậy của việc xét nghiệm và tính chính xác của kết quả”.

PEN America cũng bày tỏ quan ngại về việc ông Tuấn bị đối xử khắc nghiệt trong tù, nhất là việc liên lạc với gia đình. Theo quy định của luật Việt Nam, ông Tuấn được phép gửi hai thư về gia đình mỗi tháng, nhưng gia đình ông cho biết chỉ nhận được bốn thư trong vòng năm tháng qua (từ tháng 6 đến tháng 10 năm 2024).

“Sự gián đoạn này gây ra những lo ngại lớn về khả năng kiểm duyệt và có thể là ngăn cản trái pháp luật việc trao đổi thông tin của ông Tuấn” – PEN America nhận định.

Đây không phải là lần đầu tiên, quốc tế phải lên tiếng về tình trạng sức khoẻ của tù nhân lương tâm này.

Hồi tháng 3 vừa qua, một nhóm năm chuyên gia nhân quyền LHQ gửi thư chung bày tỏ sự quan ngại về sức khoẻ của ông Tuấn.

Trong thư chung này, năm chuyên gia nhân quyền LHQ nhấn mạnh:

“… Chúng tôi bày tỏ mối quan ngại sâu sắc liên quan đến tình trạng sức khỏe của ông Tuấn suy giảm nghiêm trọng trong thời gian ông phải chịu án tù dài hạn 11 năm. Chúng tôi lo ngại rằng tình trạng sức khỏe kém của ông Tuấn dường như trở nên trầm trọng hơn do không được chăm sóc và điều trị y tế đầy đủ trong thời gian bị giam giữ.

Chúng tôi còn lo ngại hơn nữa về các báo cáo về điều kiện sống được cho là tồi tệ trong nhà tù…”

Như tin RFA đã đưa, sau một thời gian bị giam giữ ở Trại giam Xuyên Mộc, vào cuối năm 2022, ông Tuấn có vấn đề về đường tiêu hoá và được chuẩn đoán bị viêm đại tràng và viêm gan, bên cạnh việc bị ghẻ ngứa khắp người.

Từ cuối năm 2023, ông đi ngoài ra máu, đau khắp vùng bụng và có những biểu hiện theo gia đình là “rất giống với ung thư đại tràng.”

Vào đầu tháng 11/2023, ông Tuấn được đưa vào bệnh viện Vũng Tàu và được chẩn đoán mắc bệnh viêm dạ dày và viêm tá tràng, bệnh trào ngược dạ dày-thực quản kèm theo viêm thực quản, hội chứng ruột kích thích, tiêu chảy và được kê một số loại thuốc khiến tình trạng của ông trở nên tồi tệ hơn.

Các chuyên gia Liên Hiệp quốc vào năm 2021 đã đưa ra kết luận việc bắt giữ ông Lê Hữu Minh Tuấn là tuỳ tiện và việc xét xử ông là không công bằng.

Trong bức thư mới nhất, PEN America “khẩn cấp kêu gọi Chính phủ Việt Nam trả tự do cho ông ngay lập tức, bỏ mọi cáo buộc đối với ông và cung cấp các chăm sóc y tế cần thiết đối với ông”.

 

RFA (01.11.2024)

 

 

 

 

 

Mỹ và các tổ chức nhân quyền lên tiếng bênh vực ông Đường Văn Thái

CPJ kêu gọi trả tự do cho ông Đường Văn Thái.

 

Hôm 31/10, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói họ quan ngại về bản án “quá khắc nghiệt” đối với blogger Đường Văn Thái.

“Chúng tôi cũng vô cùng lo ngại trước những báo cáo cho rằng ông Đường Văn Thái bị chính quyền Việt Nam bắt cóc ở Thái Lan và cưỡng bức đưa về Việt Nam”, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho VOA biết qua email.

“Chúng tôi kêu gọi Việt Nam duy trì các nghĩa vụ và cam kết quốc tế về nhân quyền và nỗ lực thúc đẩy sự tôn trọng và bảo vệ nhân quyền”, người phát ngôn nói.

Chính phủ Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam tôn trọng quyền của cá nhân được thực hiện các quyền tự do hội họp, biểu đạt và lập hội một cách ôn hòa. “Chúng tôi nhắc lại lời kêu gọi Việt Nam trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ bất công”, vẫn phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ.

Tương tự, các tổ chức Uỷ ban Bảo vệ Ký giả, Phóng viên Không Biên giới và Theo dõi Nhân quyền cũng lên án bản án đối với ông Thái, đồng thời kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do ngay cho ông.

“Việc Việt Nam tuyên án khắc nghiệt đối với blogger Đường Văn Thái là lố bịch và gây phẫn nộ, đặc biệt trong bối cảnh có cáo buộc ông bị bắt cóc ở Thái Lan và cưỡng bức đưa về Việt Nam, bị khởi tố oan”, ông Shawn Crispin, đại diện cấp cao tại khu vực Đông Nam Á của Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ), tổ chức có trụ sở tại New York, Mỹ, nói trong thông cáo báo chí ngày 31/10.

“Người phạm tội thực sự trong trường hợp này chính là nhà nước Việt Nam. Ông Thái cần được trả tự do ngay lập tức và được phép rời khỏi Việt Nam”, ông Crispin nhấn mạnh.

Hơn một năm sau khi nhà báo, blogger Đường Văn Thái được cho là bị bắt cóc ở Thái Lan, chính quyền Việt Nam hôm 30/10 đã kết án ông 12 năm tù vì tội “tuyên truyền chống nhà nước”, tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) “kinh hoàng” trước bản án “quá đáng” này và kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho ông, RSF có trụ sở tại Paris, Pháp, nói trong thông cáo hôm 31/10.

“Qua việc bắt cóc ông Đường Văn Thái, một nhà báo đưa tin về nạn tham nhũng của nhà nước và bị tuyên một bản án tù cực kỳ nặng nề, chế độ Việt Nam cho thấy mức độ coi thường quyền tự do báo chí của họ”, ông Cédric Alviani, Giám đốc Văn phòng châu Á-Thái Bình Dương của RSF, nói trong thông cáo.

“Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường áp lực lên Hà Nội để bảo đảm trả tự do cho ông cũng như trả tự do cho 36 nhà báo và người bảo vệ tự do báo chí khác hiện đang bị giam cầm tại Việt Nam”, ông Alviani kêu gọi.

Trước đó, hôm 30/10, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) có trụ sở tại Mỹ, kêu gọi chính quyền Việt Nam nên hủy bỏ “bản án có động cơ chính trị” đối với ông Thái và trả tự do cho ông ngay lập tức.

Bà Patricia Gossman, phó giám đốc khu vực châu Á của HRW, nhận xét: “Ông Đường Văn Thái trốn khỏi Việt Nam vì sợ bị chính phủ đàn áp. Các chính phủ nên nhận ra vụ bắt cóc ấy và phiên xét xử giả hiệu đối với nhà hoạt động dân chủ này là ví dụ mới nhất về hành vi mang tính côn đồ coi thường luật pháp quốc tế và quyền công dân của chính phủ Việt Nam”.

Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa phản hồi ngay khi VOA đề nghị họ bình luận về các phát biểu nêu trên của Bộ Ngoại giao Mỹ, CPJ, RSF và HRW.

Như VOA đã đưa tin, hôm 30/10, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội tuyên án 12 năm tù và 3 năm quản chế đối ông Đường Văn Thái về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” quy định trong Điều 117 Bộ Luật Hình sự.

Theo HRW, hồi năm 2019, ông Thái trốn sang Thái Lan bởi nỗi lo sợ bị đàn áp vì các hoạt động báo chí và được Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người Tị nạn tại Bangkok cấp quy chế tị nạn.

Theo giới hoạt động tại Thái Lan, trong khi ông Thái đang chờ định cư ở nước thứ ba vào tháng 4/2023, ông bị bắt cóc và đưa về Việt Nam. Ba tháng sau, chính quyền Việt Nam chính thức khởi tố ông theo Điều 117.

Chính quyền Việt Nam lâu nay bác bỏ cáo buộc cho rằng họ vi phạm quyền tự do biểu đạt, tự do báo chí, mặc dù CPJ và RSF liên tục xếp nhà nước cộng sản này vào nhóm thấp nhất thế giới về tự do báo chí.

Việt Nam là nước giam cầm nhà báo nhiều thứ 5 trên thế giới, với ít nhất 19 nhà báo đang ngồi tù tính đến ngày 1/12/2023, theo dữ liệu mới nhất của CPJ.

Trong bảng xếp hạng chỉ số tự do báo chí 2024 của RSF, Việt Nam đứng thứ 174 trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, xếp cuối bảng, đồng thời nằm trong số những quốc gia giam cầm nhà báo tồi tệ nhất thế giới.

 

VOA (01.11.2024)

 

 

 

 

Ông Đường Văn Thái lãnh án 12 năm tù: các tổ chức nhân quyền quốc tế phản đối

Ông Đường Văn Thái (hay còn gọi là Thái Văn Đường), một nhà hoạt động người Việt từng tìm kiếm tị nạn tại Thái Lan, vừa bị tuyên 12 năm tù, ba năm quản chế, về tội tuyên truyền chống nhà nước theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự, trong một phiên tòa kín tại Hà Nội hôm 30/10.

 

Luật sư Lê Văn Luân, một trong hai luật sư bào chữa cho ông Thái, viết trên Facebook cá nhân rằng “đây là mức án chưa từng có trong lịch sử về loại tội danh Điều 117 BLHS 2015, trước đây tương ứng với Điều 88 BLHS 1999”.

Ông Thái, 42 tuổi, đã chạy khỏi Việt Nam sang Thái Lan vào năm 2019 và được Cơ quan Tị nạn Liên Hợp Quốc (UNHCR) cấp quy chế tị nạn.

Trong khi đang chờ tái định cư ở một quốc gia thứ ba, vào tháng 4/2023, ông Thái được cho là đã bị một số người không rõ danh tính bắt cóc ở Bangkok và cưỡng bức đưa ông trở về Việt Nam.

Trong khi đó, chính quyền Việt Nam nói ông đã bị bắt khi đang từ Lào xâm nhập trái phép vào Việt Nam vào tháng 4/2023.

Sau phiên tòa xét xử ông Thái và những người liên quan, truyền thông Việt Nam đưa tin rằng “các bị cáo bày tỏ ăn năn, hối cải, mong muốn nhận được sự khoan hồng của pháp luật”.

Báo chí Việt Nam cũng viết rằng hội đồng xét xử nhận định việc truy tố các bị cáo là “đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật.”

Mặc dù chính quyền Việt Nam chưa bao giờ thừa nhận bắt cóc ông Thái thông qua cảnh sát Thái Lan, camera an ninh mà Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW) được xem cho thấy vào ngày ông Thái mất tích, một người đàn ông đang la hét khi bị những người đàn ông khác dùng vũ lực kéo và đẩy vào một chiếc xe hơi.

Bạn bè của ông Thái sau đó cũng nói rằng họ tin chắc ông “đã bị bắt cóc đưa về Việt Nam”.

 

“Chính phủ Việt Nam nên hủy bỏ bản án có động cơ chính trị đối với nhà hoạt động dân chủ Đường Văn Thái và trả tự do cho ông ngay lập tức,” HRW tuyên bố trong một thông cáo gửi đi hôm 30/10.

“Ông Đường Văn Thái đã trốn khỏi Việt Nam vì sợ bị chính quyền đàn áp,” bà Patricia Gossman, Phó Giám đốc khu vực châu Á của HRW, cho biết.

“Các chính phủ nên công nhận vụ bắt cóc và phiên tòa xét xử nhà hoạt động dân chủ này chỉ là ví dụ mới nhất về việc chính quyền Việt Nam coi thường luật pháp quốc tế và quyền của công dân.”

Ông Đường Văn Thái bị xét xử trong một phiên tòa kín kéo dài vài giờ, cùng với một số bị cáo khác được cho là nhân viên nhà nước đã cung cấp thông tin cho ông.

Ông Đường Văn Thái đã có nhiều năm hoạt động tại Việt Nam và tham gia các cuộc biểu tình liên quan đến môi trường.

Truyền thông Việt Nam cáo buộc ông có liên quan đến các nhóm “phản động” bị cấm, bao gồm Hội Anh em Dân chủ và Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam.

Từ tháng 2/2019 đến khi “bị bắt cóc” vào tháng 4/2023, ông Đường Văn Thái đã đăng lên Facebook và YouTube các bài viết và video về tình hình chính trị ở Việt Nam.

Theo HRW, vụ bắt giữ ông Đường Văn Thái xảy ra trong một cuộc đàn áp các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ dưới thời bộ trưởng Công an lúc bấy giờ là Tô Lâm, người đã trở thành Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 2024.

Lực lượng an ninh dưới quyền của ông Lâm bị tình nghi liên quan đến các vụ việc khác ở ngoài biên giới Việt Nam, bao gồm vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, một cựu quan chức bị cáo buộc tham nhũng, ở Berlin (Đức) vào tháng 7/2017 và vụ bắt cóc nhà báo Trương Duy Nhất ở ​​Bangkok vào tháng 1/2019. Tuy nhiên, chính phủ Việt Nam luôn phủ nhận việc bắt cóc, thay vào đó nói rằng những người này về nước đầu thú.

Cả ông Thanh và ông Nhất đều đang chịu các án tù dài hạn.

“Một đội bắt cóc của chính quyền Việt Nam đã bắt cóc Đường Văn Thái trên đường phố Thái Lan vào ban ngày, ép ông ta lên xe trong khi các nhân chứng người Thái Lan kinh hoàng chứng kiến, rồi lôi ông ta qua Lào trở về Việt Nam một cách bất hợp pháp. Đây là một trường hợp rõ ràng về hoạt động đàn áp xuyên quốc gia, rất giống với vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh của Việt Nam tại Berlin năm 2017, vụ việc bị lên án rộng rãi ở Đức và khắp châu Âu,” ông Phil Robertson, Giám đốc Tổ chức Bảo vệ Nhân quyền và Lao động châu Á (AHRLA), phát biểu trước khi phiên tòa diễn ra.

Ông Phil Robertson khẳng định rằng ông Đường Văn Thái là “người tị nạn, không phải tội phạm” và rằng “chính quyền Việt Nam đã bất chấp mọi khía cạnh của luật nhân quyền quốc tế, bao gồm cả luật bảo vệ người tị nạn khỏi bị trục xuất, bằng cách bắt cóc ông ta từ Thái Lan. Chính quyền Việt Nam cũng đã trắng trợn vi phạm chủ quyền của Thái Lan bằng cách tiến hành một âm mưu bí mật như vậy trên đất Thái Lan.”

Theo ông Robertson, vụ việc ông Đường Văn Thái chỉ ra rằng ông là nạn nhân của chính sách tư duy của Hà Nội rằng “quyền lực tạo nên lẽ phải” và “họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn đối với người dân Việt Nam, bất kể họ ở đâu trên thế giới và bất kể địa vị hay quốc tịch của họ là gì”.

Ông Phil Robertson kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng phản đối sự đàn áp của chính phủ Việt Nam đối với những người bất đồng chính kiến ​​ở nước ngoài bằng cách điều tra và trừng phạt những người chịu trách nhiệm cho sự đàn áp xuyên quốc gia.

Bản án 12 năm tù dành cho ông Đường Văn Thái “đã làm trầm trọng thêm các vi phạm của Hà Nội”, theo ông Phil Robertson.

Tổ chức Văn bút Hoa Kỳ (PEN America) hôm 30/10 cũng lên án mức án 12 năm tù đối với ông Đường Văn Thái, cho rằng bản án này “rõ ràng là vi phạm quyền tự do ngôn luận”.

“Việc bịt miệng những người viết vì bất đồng chính kiến ôn hòa là vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế,” tổ chức này viết trên mạng xã hội X, và kêu gọi chính quyền Việt Nam “hủy bỏ bản án khắc nghiệt này và trả tự do cho ông Thái”.

Phiên tòa xét xử ông Đường Văn Thái diễn ra ở Việt Nam trong thời gian tòa án Thái Lan đang thụ lý vụ án của ông Y Quynh Bđăp, một nhà hoạt động khác cũng đang tị nạn tại Thái Lan và đang chờ định cư ở Canada.

Chính quyền Thái Lan đã thừa nhận bắt giữ ông Bđăp hôm 11/6 theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam.

Ông Bđăp đang trong thời gian kháng cáo, trong khi chính phủ Việt Nam đã khẳng định ông sẽ bị dẫn độ về nước – điều mà các tổ chức quốc tế lên án, cho rằng ông Bđăp sẽ đối mặt với án tù dài hạn, tra tấn và nhục hình, thậm chí là cái chết, nếu ông bị trục xuất về Việt Nam.

 

‘Không còn an toàn’

Nhiều nhà hoạt động như ông Đường Văn Thái, Y Quynh Bđăp, không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước Đông Nam Á khác, nhiều năm qua đã chọn Thái Lan làm nơi trú ẩn.

Tuy nhiên, những năm gần đây, Thái Lan dường như không còn an toàn cho người tị nạn nữa khi chính phủ nước này bắt tay với chính phủ các nước khác để trục xuất những người bất đồng chính kiến.

Báo cáo của HRW ‘Chúng tôi tưởng rằng chúng tôi an toàn’: Đàn áp và trục xuất người tị nạn ở Thái Lan cho thấy những vụ chính quyền Thái Lan bắt tay với các chính phủ khác để bắt và trục xuất người ngày càng thường xuyên hơn sau cuộc đảo chính quân sự vào tháng 5/2014 tại Thái Lan.

Dưới thời chính quyền quân sự của Thủ tướng Prayut Chan-ocha và Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwon, đều là tướng quân đội, đã có sự gia tăng rõ rệt trong hoạt động đàn áp nhằm vào công dân nước ngoài tìm kiếm sự bảo vệ tị nạn tại Thái Lan, cũng như đối với công dân Thái Lan đang sống lưu vong tại các nước láng giềng là Lào, Campuchia và Việt Nam.

Mặc dù chính phủ Thái Lan cung cấp hỗ trợ và viện trợ nhân đạo cho những người tị nạn, nhưng những người này không được công nhận hợp pháp là người tị nạn, họ dễ bị cảnh sát bắt và giam giữ, bị mất tích cưỡng bức, dẫn độ và bị trục xuất, bất chấp việc họ có được UNHCR cấp quy chế tị nạn hay không.

Kể từ năm 2014, hơn 150 người tị nạn ở Thái Lan đã trở thành nạn nhân của sự đàn áp xuyên quốc gia, theo số liệu của Freedom House.

Chính phủ Thái Lan đã trục xuất nhiều người Duy Ngô Nhĩ, Campuchia, Lào, Việt Nam về quê hương của họ.

Bà Nadthasiri Bergman, luật sư của ông Y Quynh Bđăp, nói với BBC:

“Nếu bạn nhìn lại lịch sử, có rất nhiều nhà hoạt động đã nhận được quy chế tị nạn và đang chờ tái định cư ở Thái Lan, đã biến mất khỏi Thái Lan và sau đó xuất hiện ở nước họ với các án tù.”

“Vụ việc ông Y Quynh Bđăp mới xảy ra gần đây, nhưng chúng ta có thể thấy chính trị ở Thái Lan đã biến động trong vài năm qua hoặc kể từ cuộc đảo chính gần đây nhất. Và chúng ta thấy các nhà hoạt động chính trị cũng phải chạy trốn khỏi Thái Lan.”

“Tình hình đang trở nên tồi tệ hơn. Thái Lan không còn an toàn như trước nữa.”

 

BBC (31.10.2024)

 

 

 

WDAG yêu cầu trả tự do cho nhà báo Phạm Chí Dũng

 Biện pháp khắc phục thích hợp là trả tự do ngay lập tức cho ông Phạm Chí Dũng và trao cho ông quyền được bồi thường và các khoản bồi thường khác theo luật pháp quốc tế.

 

Ngày 1 tháng 10 năm 2024, Nhóm công tác về giam giữ tùy tiện (WGAD) đã ban hành Ý kiến ​​số 39/2024 liên quan đến trường hợp của ông Phạm Chí Dũng (Việt Nam).

Ông Phạm Chí Dũng là một nhà báo, nhà văn và nhà phân tích độc lập làm việc với nhiều hãng thông tấn quốc tế. Ông là đồng sáng lập của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam với tờ báo mạng Việt Nam Thời Báo. Ông cũng là thành viên của Diễn đàn Xã hội Dân sự và Hội Cựu tù nhân lương tâm Việt Nam.

WGAD nhận thấy việc giam giữ ông Phạm Chí Dũng là tùy tiện theo Loại I, II, III và V, và yêu cầu Chính phủ Việt Nam thực hiện các bước cần thiết để khắc phục tình hình của ông Dũng mà không chậm trễ và đưa tình hình phù hợp với chuẩn mực quốc tế có liên quan. Theo WGAD, biện pháp khắc phục thích hợp là trả tự do ngay lập tức cho ông Phạm Chí Dũng và trao cho ông quyền được bồi thường và các khoản bồi thường khác theo luật pháp quốc tế.

WGAD lưu ý rằng vụ việc hiện tại là một trong số nhiều vụ việc được đưa ra trước Nhóm công tác trong những năm gần đây liên quan đến việc tước đoạt quyền tự do tùy tiện của con người, đặc biệt là những người bảo vệ nhân quyền, tại Việt Nam. Nhiều vụ việc trong số này tuân theo mô hình bắt giữ quen thuộc không tuân thủ các chuẩn mực quốc tế, giam giữ kéo dài chờ xét xử mà không được tiếp cận với tư pháp, bị từ chối hoặc hạn chế tiếp cận với cố vấn pháp lý, giam giữ biệt lập, truy tố theo các tội hình sự được diễn đạt mơ hồ vì thực hiện quyền con người một cách hòa bình, phiên tòa xét xử kín ngắn gọn mà không tuân thủ đúng trình tự tố tụng, tuyên án không cân xứng và bị từ chối tiếp cận với thế giới bên ngoài. Nhóm công tác lo ngại rằng mô hình này cho thấy một vấn đề mang tính hệ thống với việc giam giữ tùy tiện tại Việt Nam, nếu tình trạng này tiếp diễn, có thể dẫn đến vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.

Nhóm công tác cũng nhắc lại rằng họ hoan nghênh cơ hội được hợp tác xây dựng với Chính phủ Việt Nam để giải quyết vấn đề giam giữ tùy tiện. Một khoảng thời gian đáng kể đã trôi qua kể từ chuyến thăm Việt Nam gần đây nhất của nhóm vào tháng 10 năm 1994 và Nhóm công tác cho rằng hiện đã đến thời điểm thích hợp để tiến hành một chuyến thăm khác. Vào ngày 11 tháng 6 năm 2018, Nhóm công tác đã nhắc lại các yêu cầu trước đó của mình về việc thực hiện chuyến thăm quốc gia và sẽ tiếp tục tìm kiếm phản hồi tích cực.

Ý kiến ​​của WGAD là một tài liệu công khai của Liên hợp quốc, có thể được lưu hành thêm và sử dụng cho mục đích vận động. Ý kiến ​​đầy đủ được tại đây: A/HRC/WGAD/2024/39.

Vụ án của ông Phạm Chí Dũng đã được các Báo cáo viên đặc biệt giải quyết thông qua bốn Thư cáo buộc chung: VNM 6.2021, VNM 3.2020, VNM 5.2019, VNM 5.2014. Chính phủ Việt Nam đã trả lời cả bốn Thư: trả lời VNM 6.2021, trả lời VNM 3.2020; trả lời VNM 5.2019; trả lời VNM 5.2014.

Vụ việc của ông Dũng cũng được đưa vào Báo cáo thường niên của Tổng thư ký Liên hợp quốc về đe dọa và trả thù vì hợp tác với Liên hợp quốc trong ba năm: A/HRC/48/28 (2021), A/HRC/45/36 (2020) và A/HRC/27/38 (2014).

 

  1. Giam giữ tuỳ tiện theo loại I: việc tước quyền tự do của ông Dũng không có cơ sở pháp lý và do đó là tùy tiện: không có lệnh bắt giữ hoặc tương đương, bị biệt giam 14 tháng trước khi đưa ra xét xử, không được phép gặp hoặc liên lạc gia đình trước khi xử án, bị chuyển trại giam mà không thông báo cho gia đình
  2. Giam giữ tuỳ tiện theo loại II:  ông Dũng bị bắt giam theo điều 117 do thực hiện quyền tự do ngôn luận và tự do biểu đạt, trái với điều 19 của Công ước và Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.
  3. Giam giữ tuỳ tiện theo loại III: bị biệt giam trước khi xét xử và phiên toà xét xử không công bằng.
  4. Giam giữ tuỳ tiện theo loại V: bị phân biệt đối xử trong khi bị giam giữ vì không cùng quan điểm với nhà cầm quyền.

 

VNTB (31.10.2024)

 

 

 

 

Văn Bút Mỹ, giới hoạt động lên án phiên tòa xử ông Đường Văn Thái

Ông Đường Văn Thái phát biểu trên kênh YouTube Thái Văn Đường.

 

Việc chính quyền Việt Nam tuyên án 12 năm tù và 3 năm quản chế đối với blogger Đường Văn Thái là “quá hà khắc”, giới hoạt động nhận định với VOA. Họ cũng phê phán động thái xét xử kín và giấu thông tin về các bị cáo khác, chưa kể việc chính quyền bắt ông Thái hồi năm ngoái bị xem là có những điểm mờ ám.

“Hội đồng xét xử nhận định việc truy tố các bị cáo là đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật; tuyên phạt Đường Văn Thái 12 năm tù giam, quản chế 3 năm; các bị cáo còn lại nhận mức án từ 30 tháng đến 5 năm 6 tháng tù”, báo VietnamNet đưa tin hôm 30/10 về vụ án “tuyên truyền chống nhà nước” được xử theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự.

Tổ chức Văn bút Hoa Kỳ (PEN America) hôm 30/10 lên án mức án 12 năm tù đối với ông Đường Văn Thái, cho rằng bản án này “rõ ràng vi phạm quyền tự do ngôn luận”.

“Việc bịt miệng những người bất đồng chính kiến ôn hòa là đi ngược lại các tiêu chuẩn quốc tế”, tổ chức của Mỹ viết trên trang X, đồng thời kêu gọi chính quyền Việt Nam “lật ngược bản án khắc nghiệt này” và trả tự do cho ông Thái.

Khác với cách đưa tin về các phiên tòa trước đây cho cùng tội danh, truyền thông của nhà nước cộng sản hôm 30/10 không tiết lộ danh tính của các bị cáo khác và lý do gì họ bị phạt án tù.

“Tại phiên tòa, các bị cáo bày tỏ ăn năn, hối cải, mong muốn nhận được sự khoan hồng của pháp luật”, các trang báo mạng của nhà nước đồng loạt đưa tin vắn tắt, nhưng không trang nào dẫn ra cáo trạng, nêu các chứng cứ buộc tội hay vì sao các bị cáo “hối cải”.

Luật sư Lê Văn Luân, một trong hai người bào chữa cho ông Thái hôm 30/10, cho biết trên trang Facebook cá nhân sau phiên xử rằng ngoài ông Thái, còn có 7 bị cáo khác cùng vụ. Ông Luân viết: “Bị cáo nhận mức án cao thứ hai là 5,5 năm tù giam. Có 03 bị cáo được hưởng mức án 30 tháng tù giam”, đồng thời nhận định rằng “đây là mức án chưa từng có trong lịch sử” về loại tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”.

Trước đó, một luật sư bào chữa khác của ông Thái là luật sư Lê Đình Việt, chia sẻ với VOA rằng phiên tòa xử ông Thái là phiên xử kín và rằng tình hình sức khỏe của thân chủ ông là “tốt”.

“Đây là bản án quá nặng đối với ông Đường Văn Thái”, luật sư Đặng Đình Mạnh, người từng bào chữa cho những người bị quy kết vi phạm Điều 117 ở trong nước nhưng nay đang tị nạn chính trị tại Hoa Kỳ, nhận định với VOA.

“Tôi chú ý tới khía cạnh họ xử kín vụ án này, trong đó có một số người tôi cho là quan chức, những người đã tuồn thông tin cho ông Thái để ông Thái đưa tin trên kênh YouTube của mình”, ông Mạnh phán đoán.

“Điều này cho thấy trong hệ thống đảng của họ không phải lúc nào họ cũng thống nhất với nhau tất cả mọi vấn đề và luôn có các thế lực không tán thành, do vậy họ mới tìm cách đưa tin ra ngoài để ông Thái phát đi những thông tin họ giấu giếm”, vẫn luật sư Mạnh. “Do vậy mà họ xử kín để không để lộ những thông tin gì từng bị đưa ra ngoài và những quan chức nào liên quan đến sự việc”.

“Nhưng dù các quan chức đó có tuồn thông tin cho ông Thái như thế nào đi nữa, họ cũng như ông Thái, bị xét xử bất công trong vụ án này”, ông Mạnh nhấn mạnh.

Theo quy định của luật pháp Việt Nam, trong một số trường hợp “cần giữ bí mật nhà nước” toà án có thể xét xử kín nhưng sẽ phải tuyên án công khai.

Trong phiên tòa xét xử kín, chỉ có hội đồng xét xử, kiểm sát viên, thư ký phiên tòa, bị cáo, đương sự và những người tham gia tố tụng tham dự. Ngoài ra, không một ai khác được ở lại phòng xét xử để theo dõi diễn biến phiên tòa, kể cả nhà báo hay người thân của bị cáo, đương sự, theo Luật Tố tụng Hình sự 2015 của Việt Nam.

 

 “Đối với tôi, đó là một bản án bất công và không thể chấp nhận”, nhà hoạt động Đoàn Huy Chương ở Thái Lan, một người bạn theo dõi các bài nói chuyện và bài đăng của ông Thái trên Facebook và YouTube, bày tỏ quan điểm với VOA.

“Đường Văn Thái bị bắt cóc từ Thái Lan về chứ không phải như những gì mà tờ báo Hà Tĩnh nói là Đường Văn Thái ‘xâm nhập bất hợp pháp’”, ông Chương nêu ý kiến.

Trong một nhận định gửi đến VOA qua email, ông Phil Robertson, giám đốc của tổ chức Bảo vệ Nhân quyền và Quyền Lao động châu Á (AHRLA) có trụ sở ở Thái Lan, phản đối phiên tòa xét xử ông Thái, nhắc lại rằng vụ bắt cóc ông Thái cho thấy “bộ mặt thật của chính quyền Việt Nam là một chế độ độc tài bất hảo, sẵn sàng vi phạm mọi chuẩn mực quốc tế nhằm trấn áp những người chỉ trích họ ở nước ngoài”.

“Ông là người tị nạn, không phải tội phạm, và chính phủ Việt Nam đã thách thức mọi khía cạnh của luật nhân quyền quốc tế, bao gồm cả luật bảo vệ người tị nạn khỏi bị trục xuất, bằng cách bắt cóc ông từ Thái Lan. Chính phủ Việt Nam cũng vi phạm trắng trợn chủ quyền của Thái Lan khi phát động âm mưu bí mật như vậy trên đất Thái Lan”, ông Robertson bày tỏ.

“Thông qua bản án của Đường Văn Thái, chúng ta thấy rằng nhà cầm quyền Việt Nam luôn bịt miệng những người bất đồng chính kiến”, ông Đoàn Huy Chương, một cựu tù nhân chính trị, bình luận.

VOA đã liên lạc với Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội và Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị họ đưa ra quan điểm về những lời kêu gọi và nhận định trên, nhưng chưa được phản hồi.

Ông Chương, cùng những người bạn và giới hoạt động ở Thái Lan hồi tháng 4/2023 thu thập băng ghi hình và lời kể của nhân chứng về những khoảnh khắc cuối cùng của ông Thái ở Thái Lan để tìm manh mối về vụ mà họ cho là ông bị bắt cóc và đưa về Việt Nam.

Vào ngày 16/4/2023, báo Hà Tĩnh và truyền thông Việt Nam loan tin rằng ông Thái đã “xâm nhập trái phép” vào Việt Nam vào ngày 14/4/2023.

Ba tháng sau, chính quyền Việt Nam tuyên bố ông Đường Văn Thái, 42 tuổi, bị buộc tội “tuyên truyền chống nhà nước”, điều mà các tổ chức nhân quyền như Phóng viên Không biên giới (RSF), Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ), Theo dõi Nhân quyền (HRW) đồng thanh lên án và kêu gọi trả tự do cho ông.

Chính quyền Việt Nam lâu nay vẫn một mực bác bỏ các tố cáo vi phạm nhân quyền, cho rằng họ chỉ bắt giam và xét xử những ai vi phạm pháp luật. Còn trước những lời lên án về án tù dài hạn đối với những tiếng nói bất đồng và lời kêu gọi trả tự do, Hà Nội cho rằng đó là “những luận điệu xuyên tạc”, “không có cơ sở”.

 

VOA (31.10.2024)

 

 

 

Luật sư: Đường Văn Thái bị tuyên 12 năm tù trong phiên tòa xử kín

Nhà báo độc lập Đường Văn Thái phát biểu trên kênh YouTube Thái Văn Đường.

 

Blogger Đường Văn Thái, người được cho là bị Việt Nam bắt cóc đưa về khi đang tị nạn ở Thái Lan, bị tuyên bản án 12 năm tù vì tội “tuyên truyền chống nhà nước” trong một phiên tòa được xử kín tại Hà Nội hôm 30/10, theo một luật sư bào chữa cho biết.

Vị luật sư này nói với VOA trong điều kiện ẩn danh vì không được phép thông tin về phiên tòa xử kín rằng ông Thái bị truy cứu theo khoản 2 điều 117 của Bộ luật Hình sự, tức “làm, tàng trữ, phán tán hoặc tuyên truyền thông tin nhằm chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam,” vốn thường được chính quyền của Đảng Cộng sản sử dụng để tuyên án tù cho những người bất đồng chính kiến hay chỉ trích chính phủ.

“Điều 117 có 2 cấu thành, gồm cấu thành cơ bản là từ 5 năm đến 12 năm và Thái bị khoản 2 là cấu thành tăng nặng, từ 10 đến 20 năm. Tòa tuyên là 12 năm và 3 năm quản chế,” luật sư này nói và cho biết ông Thái bị xét xử cùng 7 bị cáo khác trong vụ án mà blogger này được cho là “người cầm đầu”.

Chính quyền Việt Nam cho biết họ bắt giữ ông Thái vào ngày 14/4/2023 vì tội “nhập cảnh trái phép” trong khi các tổ chức phi chính phủ và truyền thông độc lập đưa tin rằng YouTuber bất đồng chính kiến này bị chính quyền Việt Nam ở Thái Lan bắt cóc rồi cưỡng bức đưa về nước.

Khi được VOA hỏi vì sao ông Thái lại bị xét xử kín trong trong phiên tòa hôm 30/10, vị luật sư dấu tên cho biết vì vụ án “liên quan đến một số vấn đề nội bộ của một số cán bộ cấp cao”.

Ông Thái là một cựu nhà báo ở Việt Nam và từng tham gia vận hành trang Facebook chia sẻ thông tin về nhà cửa dinh thự của quan chức chính quyền có tên “Lều của đầy tớ”. Blogger này đã trốn sang Thái Lan vào năm 2018 và được cấp quy chế tị nạn tại đây. Ngay trước thời điểm ‘mất tích’, ông được phỏng vấn và cho phép sang một nước thứ 3 để tị nạn theo chương trình của LHQ.

“Bản án 12 năm tù vô lý và không thể chấp nhận được của tòa án ‘Chuột túi’ (Kangaroo court) tuyên cho Đường Văn Thái cho thấy chính phủ Việt Nam muốn trừng phạt ông ta nặng đến mức nào vì bất cứ điều gì ông đã làm để xúc phạm họ,” Phil Robertson, giám đốc của Tổ chức Bảo vệ Nhân quyền và Quyền lao động châu Á (AHRLA) nói với VOA sau phiên tòa hôm 30/10.

“Tòa án Việt Nam làm chính xác những gì họ được Đảng Cộng sản và chính quyền yêu cầu làm, nên không có nghi ngờ gì rằng họ muốn giam giữ ông ấy trong một thời gian dài,” ông Robertson, người từng làm cho ban Á châu của Tổ chức Nhân quyền Human Rights Watch tại Bangkok, nói qua email.

Trước phiên xét xử một ngày, tổ chức Văn bút Mỹ (PEN America) đã kêu gọi Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc đối với ông Thái và cho rằng “bằng cách tổ chức phiên tòa xét xử kín và cấm gia đình vào, Việt Nam phủ nhận quyền cơ bản của ông Thái đối với một quy trình pháp lý công bằng và minh bạch.”

Tổ chức chuyên cổ vũ cho tự do báo chí có trụ sở ở New York nói trong tuyên bố trên X rằng “công việc vạch trần tham nhũng của ông Thái không phải là phạm tội – mà là một hành động thực thi quyền tự do ngôn luận quan trọng, cần thiết cho nền quản trị có trách nhiệm.”

VOA đã gửi yêu cầu bình luận tới Bộ Ngoại giao Việt Nam. Bộ này thường xuyên nói rằng chỉ có những người phạm tội mới bị kết án tại Việt Nam. Truyền thông do nhà nước quản lý cho biết ông Thái đã tham gia các tổ chức hội nhóm bất hợp pháp như “Hội nhà báo độc lập” hay “Hội anh em dân chủ” và tiến hành nhiều hoạt động chống nhà nước.”

PEN American cũng đã bày tỏ lo ngại về việt ông Thái “bị bắt cóc và cưỡng bức trở về Việt Nam”.

“Điều này gợi lại những vụ cưỡng bức trở về trước đây của các nhà hoạt động và làm dấy lên những lo ngại nghiêm trọng về sự đàn áp xuyên quốc gia,” tổ chức của Mỹ nói trong tuyên bố hôm 29/10.

Ông Thái được Bộ Ngoại giao Mỹ nhắc đến trong Báo cáo nhân quyền 2023 như một trường hợp “đàn áp xuyên quốc gia” của chính quyền Việt Nam để chứng minh về việc không có tiến bộ về nhân quyền tại quốc gia Đông Nam Á.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng lúc đó nói rằng báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ “tiếp tục đưa ra một số nhận định không khách quan dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam.” Bà Hằng cho biết Việt Nam khẳng định chính sách nhất quán từ trước đến nay là “bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.”

Sau vụ ‘bắt cóc’ ông Thái, 22 tổ chức quốc tế đã kêu gọi Cao ủy LHQ về người tị nạn để lên tiến bảo vệ cho người tị nạn Việt Nam và những người xin tị nạn nói chung tại Thái Lan khỏi bị cưỡng bức đưa trở lại quê nhà.

Ông Thái là trường hợp người tị nạn thứ 2 được biết tới có sự tham gia của các đặc vụ Việt Nam trong quá trình bắt cóc và đưa về nước để xử phạt vì những thông tin mà họ đưa ra. Trước đó, nhà báo Trương Duy Nhất cũng đột ngột mất tích khi đang xin tị nạn ở Thái Lan và sau đó bị kết án 10 năm tù ở Việt Nam.

Ông Robertson kêu gọi “Cộng đồng quốc tế cần phải lên tiếng phản đối sự đàn áp vô luật pháp của chính phủ Việt Nam đối với những người bất đồng chính kiến ở nước ngoài bằng cách điều tra và trừng phạt những người chịu trách nhiệm cho sự đàn áp xuyên quốc gia như vậy.”

 

VOA (30.10.2024)

 

 

 

 Tòa đại sứ Mỹ tôn vinh người hoạt động bảo vệ quyền tự do tôn giáo

Những người Thượng đi ra từ một cánh rừng ở tỉnh Ratanakiri, Campuchia năm 2004. Họ đã trốn từ Việt Nam sang Campuchia do tình trạng đàn áp tôn giáo trong nước Minh họa Reuters

 

Nhân kỷ niệm 26 năm ngày ban hành Đạo Luật Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (IRFA), Tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đã tôn vinh những người hoạt động bảo vệ quyền tự do tôn giáo.

Trang Facebook U.S Embassy in Vietnam ngày 28/10 có dòng trạng thái viết bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh:

Nhân kỷ niệm ngày ban hành Đạo Luật Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, chúng tôi tôn vinh những người đã đứng lên bảo vệ quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng cho mọi người, đồng thời chỉ ra rằng nhiều người vẫn phải đối mặt với những hành vi ngược đãi dựa trên tôn giáo hoặc tín ngưỡng của họ.”

Các tổ chức tôn giáo độc lập thường xuyên bị chính quyền Việt Nam đàn áp là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo Thuần tuý, và Cao Đài Chơn truyền, nhiều nhóm Tin Lành chưa đăng ký ở Tây Nguyên…

Mục sư Tin Lành Nguyễn Mạnh Hùng cho hay Chính phủ Hoa Kỳ rất quan tâm và đã đưa ra các điều kiện trong công tác ngoại giao, trong đó có các điều kiện để tác động, thúc đẩy nhà nước Việt Nam cải thiện về tự do tôn giáo. 

Theo ông, việc Hoa Kỳ lên tiếng rất hữu ích dù Việt Nam vẫn còn vi phạm tự do tôn giáo một cách nghiêm trọng. Ông nói trong tin nhắn gửi RFA trong ngày 29/10:

Những năm gần đây Chính phủ Hoa Kỳ đã có nhiều hoạt động ngoại giao nhằm nâng cao quan hệ đối tác với Việt Nam, đặc biệt là quan hệ song phương nâng lên mức cao nhất là Đối tác Chiến lược Toàn diện để thúc đẩy nhân quyền của Việt Nam, trong đó có quyền tự do tôn giáo.”

Tuy nhiên, Hòa thượng Thích Không Tánh, Phó Viện trưởng Hội đồng Điều hành của Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, người là Đồng Chủ tịch của Hội đồng Liên Tôn Việt Nam, lại cho rằng việc lên tiếng của phía Mỹ về tự do tôn giáo không có tác động tích cực.

Phóng viên gửi email cho Đại Sứ quán Hoa Kỳ với đề nghị bình luận thêm về tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhưng chưa nhận được trả lời.

Ngày 27/10/1998, Quốc hội và Tổng thống Mỹ thông qua IRFA, tuyên bố chính sách của Hoa Kỳ là lên án các hành vi vi phạm quyền tự do tôn giáo, thúc đẩy và trợ giúp chính phủ các quốc gia khác trong việc thúc đẩy quyền cơ bản về tự do tôn giáo.

Cuối năm 2022, chính phủ Mỹ đưa Việt Nam vào ‘Danh sách Theo dõi Đặc biệt’ (Special Watch List) vì những vi phạm nghiêm trọng về quyền tự do tôn giáo.

Uỷ hội Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF), một đơn vị tham vấn độc lập, lưỡng đảng cho chính phủ Hoa Kỳ, trong những năm gần đây liên tục đề nghị đưa Hà Nội trở lại vào nhóm Các quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC).

 

RFA (29.10.2024)

 

 

 

Tổ chức nhân quyền Canada kêu gọi trừng phạt 14 viên chức Việt Nam

Trung tâm Nhân quyền Raoul Wallenberg kêu gọi chính phủ Canada áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 14 quan chức và hai cơ quan chính phủ Việt Nam, tháng 10/2024. Photo Raoul Wallenberg Centre for Human Rights.

 

Trung tâm Nhân quyền Raoul Wallenberg vừa kêu gọi chính phủ Canada áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 14 quan chức và hai cơ quan chính phủ Việt Nam do vi phạm nhân quyền “nghiêm trọng”, bao gồm việc “đàn áp xuyên quốc gia”.

Trung tâm Nhân quyền Raoul Wallenberg, với tư cách là Đồng Chủ tịch Liên minh Trừng phạt theo Đạo luật Magnitsky Toàn cầu, vừa đệ trình một khuyến nghị trừng phạt toàn diện lên Bộ Ngoại giao Canada, kêu gọi chính phủ có hành động trừng phạt 16 pháp nhân Việt Nam do có các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

“Có 14 cá nhân và 2 cơ quan bị đề nghị áp dụng các biện pháp trừng phạt nhân quyền có chủ đích. Danh sách này bao gồm các quan chức cấp cao, quan chức cấp trung và cấp thấp, kể cả trong Bộ Công an và cơ quan tư pháp, những người đã có hành vi vi phạm nhân quyền trắng trợn”, bà Kimberly Lenz, Điều phối viên của Trung tâm Nhân quyền Raoul Wallenberg (RWCHR), chia sẻ với VOA.

“Đảng Cộng sản Việt Nam, theo sự chỉ đạo của các nhà lãnh đạo, đã có hành vi ngược đãi nghiêm trọng đối với các nhà báo, các blogger, các nhà hoạt động dân chủ và môi trường, những người bảo vệ quyền đất đai, các nhóm dân tộc và tôn giáo thiểu số, các nhóm bản địa và những người xin tị nạn”, Trung tâm RWCHR, tổ chức nhân quyền có văn phòng ở thành phố Montreal, Canada, cho biết trong thông cáo báo chí ngày 2/10.

RWCHR cho biết họ phối hợp với tổ chức nhân quyền BPSOS ở bang Virginia của Mỹ, gửi đề xuất trừng phạt này lên chính phủ Canada.

“Chúng tôi đã đề nghị một số đơn vị công an như lực lượng Cảnh sát Cơ động, là lực lượng đã tấn công vào Đồng Tâm, bắn chết cụ Lê Đình Kình, và rất nhiều vụ biểu tình khác đã bị lực lượng này đàn áp đẫm máu”, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch của tổ chức BPSOS, chia sẻ với VOA về một pháp nhân của chính quyền Việt Nam bị đề nghị chế tài.

Báo cáo của chúng tôi nêu bật những hành vi vi phạm nghiêm trọng, bao gồm giết hại và giam giữ tùy tiện, đàn áp xuyên quốc gia, tra tấn và đàn áp các quyền tự do cơ bản tại Việt Nam, theo thông cáo của RWCHR.

“Tôi rất lo ngại rằng chính phủ đang trấn áp mọi hình thức chỉ trích, bất đồng chính kiến hoặc đối lập. Họ đã triệt bỏ hiệu quả các nhóm truyền thông độc lập và các tổ chức xã hội dân sự, nhắm vào những công dân bình thường đang thúc đẩy dân chủ và đấu tranh cho nhân quyền, quyền đất đai và quyền môi trường”, bà Lenz nhận định.

“Chúng tôi kêu gọi chính phủ Canada áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với những thủ phạm được liệt kê, không chỉ nhằm thúc đẩy lợi ích và giá trị quốc gia mà còn để bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, thúc đẩy các quyền con người được quốc tế công nhận và bảo vệ các cá nhân Việt Nam đang bị bức hại vì các lý do khác nhau, thực hiện các quyền tự do và quyền tự do cơ bản”, vẫn thông cáo của RWCHR.

 

 ‘Đàn áp xuyên quốc gia’

RWCHR đặc biệt quan ngại về hành động mà nhóm này gọi là “đàn áp xuyên quốc gia” của chính quyền Việt Nam.

“Chúng tôi cũng quan ngại về sự đàn áp xuyên quốc gia và các hình thức khác nhau của sự đàn áp này, bao gồm cả vụ bắt cóc ngoài lãnh thổ và sự mất tích cưỡng bức của những người tị nạn và người xin tị nạn từ các quốc gia như Thái Lan và Đức”, bà Lenz bày tỏ ý kiến. “Tôi cũng rất quan ngại về tình trạng sách nhiễu và đe dọa những người trốn khỏi cuộc đàn áp ở Việt Nam”.

“Đó là những quan chức cao cấp của Bộ Công an liên quan đến các vụ việc như bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, bắt cóc nhà báo Trương Duy Nhất… là những hành vi vi phạm nhân quyền một cách nghiêm trọng, đặc biệt đã xâm phạm vào chủ quyền lãnh thổ của quốc gia khác như Đức, Cộng hòa Cezch, Slovakia, và Thái Lan”, ông Nguyễn Đình Thắng đưa ra đánh giá với VOA.

Bộ Công an và Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa phản hồi khi VOA đề nghị họ bình luận về thông cáo nêu trên của RWCHR.

Giới hoạt động và truyền thông phương Tây cho rằng chính quyền Việt Nam bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, một cựu quan chức trong ngành dầu khí, ở Đức hồi năm 2017 và bị đưa về nước xử án tù chung thân với tội “tham ô”, sau khi ông xuất hiện tại Hà Nội “đầu thú”. Nhà báo Trương Duy Nhất được cho là bị bắt ở Thái Lan ngay sau khi ông sang Bangkok xin tị nạn vào năm 2019 và hiện ông đang thụ án tù 10 năm với tội danh “lợi dụng chức vụ quyền hạn”.

 

Chính phủ Canada: ‘sẽ xem xét cẩn thận’

“Bộ Ngoại giao Canada thường xuyên nhận được các đề xuất và đề xuất trừng phạt từ nhiều bên liên quan khác nhau. Những đệ trình này được xem xét cẩn thận như một phần của quá trình xem xét và phân tích liên tục của bộ”, bà Clémence Grevey, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Canada (Global Affairs Canada), phản hồi VOA qua email khi được hỏi về đề xuất trừng phạt của RWCHR.

“Canada hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế để đảm bảo các biện pháp của chúng tôi có tác động tối đa”, bà Grevey nhấn mạnh, đồng thời lưu ý rằng bộ ngoại giao nước này “không đưa ra bình luận về các trường hợp riêng lẻ để đảm bảo tính toàn vẹn của quy trình”.

Vào năm 2017, Canada thông qua Đạo luật Công lý cho Nạn nhân của Quan chức Nước ngoài Tham nhũng (JVCFOA), còn được gọi là Luật Sergei Magnitsky, để xử phạt các cá nhân nước ngoài chịu trách nhiệm về vi phạm nhân quyền hoặc tham nhũng.

Sergei Magnitsky là tên của một luật sư người Nga bị chính quyền Nga bắt và tống giam không qua xét xử sau khi ông điều tra một vụ đại án tham nhũng và lừa đảo thuế liên quan đến các cảnh sát và quan chức chính phủ Nga. Cảnh sát Nga bị tố cáo là đã đánh đập, tra tấn ông cho đến chết chỉ hơn một tuần trước khi ông hết hạn giam giữ để điều tra theo luật vào tháng 11/2009.

Tương tự như những luật Magnitsky của các nước khác, luật này của Canada trừng phạt đối tượng vi phạm thông qua hình thức cấm nhập cảnh, phong tỏa tài sản.

Trước đó, Luật Magnitsky Toàn Cầu (Global Magnitsky Act) được Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua cuối năm 2016. Tổ chức BPSOS cũng đã đề nghị chính phủ Hoa Kỳ chế tài một số quan chức Bộ Công an Việt Nam theo đạo luật này.

Từ tháng 8/2022 đến nay, RWCHR đảm nhận đồng chủ trì Liên minh Trừng phạt theo đạo luật Magnitsky Toàn cầu – một liên minh gồm hơn 375 tổ chức phi chính phủ lớn ủng hộ các biện pháp trừng phạt có mục tiêu chống lại thủ phạm của các hành vi vi phạm nhân quyền và tham nhũng nghiêm trọng nhất trên thế giới.

Hồi tháng 5/2024, trước phiên đối thoại thường niên về nhân quyền giữa Liên hiệp châu Âu (EU) và Việt Nam, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cũng đã đề xuất khối này áp dụng các biện pháp trừng phạt có chủ đích đối với các quan chức và pháp nhân Việt Nam có hành vi “đàn áp có hệ thống” nhân quyền ở trong nước.

VOA Tiếng Việt: Bài viết được cập nhật lúc 7:36 phút sáng ngày 30 tháng 10, bổ sung phát biểu của bà Kimberly Lenz liên quan đến quan ngại về tình trạng sách nhiễu và đe dọa những người trốn khỏi các cuộc đàn áp ở Việt Nam.

 

VOA (29.10.2024)