PHIM HÀNH TRÌNH 50 NĂM
Do Thanh Tâm Film thưc hiện
Điệp Mỹ Linh (Bút ký)
Khoảng 1977/1978, đọc tin tức trên nhiều báo Việt Nam, tôi nhận ra thân phận rất mong manh của thuyền nhân trong câu được “truyền tụng” lúc bấy giờ: “Một là con nuôi má. Hai là con nuôi cá. Ba là Má nuôi con!” nhưng, tôi không hiểu “mong manh” đến độ nào!
Giữa khi tôi tò mò muốn tìm hiểu về tình trạng “mong manh” của thuyền nhân, tôi nhận được điện thoại của giáo sư Nguyễn Ngọc Linh – chủ nhiệm bán nguyệt san Ngày Nay mà tôi cộng tác thường xuyên. Sau vài câu thăm hỏi xã giao, giáo sư Nguyễn Ngọc Linh hỏi tôi:
-Nếu Ngày Nay chi trả mọi phí tổn để phóng viên sang các trại tỵ nạn tại Đông Nam Á, viết phóng sự riêng cho Ngày Nay về thuyền nhân, “bà” dám đi hay không?”
-Dạ, đi liền!
Không ngờ ông Minh – Bố của các con tôi – đứng cạnh, hỏi tôi:
-Đi đâu mà “đi liền”?
Tôi che điện thoại rồi lập lại lời của ông Nguyễn Ngọc Linh cho ông Minh nghe. Ông Minh hỏi:
-Bỏ bốn đứa nhỏ cho ai mà đi?
Không ngờ, ông Nguyễn Ngọc Linh nghe được câu nói của ông Minh, vội đổi ý:
-Thôi! Ông chồng của “bà” không đồng ý thì thôi.
Thế là từ cuối thập niên 70 cho đến nay, tôi cũng vẫn chưa thể hiểu rõ được nỗi gian nan và sự hiểm nguy của những người Việt can đảm, đã trốn chạy khỏi chế độ cộng sản Việt Nam (csVN) bằng đường thủy.
Cách nay vài hôm, đạo diễn Thanh Tâm mời đồng bào Việt Nam tại Houston và gia đình tôi đến chùa Liên Hoa xem phim tài liệu Hành Trình 50 Năm, do chính đạo diễn Thanh Tâm thực hiện, Ethnic Channels Group và Lunar Village Production sản xuất và được chính phủ Canada – Canada Media Fund – tài trợ một phần.
Vì đây là một phim tài liệu, quay cảnh thật/người thật, cho nên, tình cảm trong tôi biến chuyển theo từng hành động của mỗi thuyền nhân. Khi thấy chiếc ghe cố vượt cơn sóng dữ hoặc thuyền nhân bị công an cộng sản Việt Nam (csVN) bắt, đánh đập/hành hạ tôi chỉ biết cúi đầu, niệm kinh! Chính lúc đó tôi mới cảm nhận được sự “mong manh” của thân phận thuyền nhân!
Phần làm cho tôi xúc động nhiều trong phim Hành Trình 50 Năm không phải là cảnh thuyền nhân bị hành hạ hoặc thuyền nhân đến được bến bờ Tự Do mà là sự hủy hoại Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân và khung cảnh buồn thảm của Nghĩa Trang, nơi những thuyền nhân thiếu may mắn đã phải an nghỉ nghìn thu!
Đối với tôi, phần quan trọng của phim Hành Trình 50 năm là phần sau cùng, do nhiều vị từng là thuyền nhân hay là những vị có uy tín trong cộng đồng, góp ý về phim Hành Trình 50 Năm hoặc kể lại chuyến hải trình đầy gian khổ mà họ đã dự phần.
Trong cuộc đời của tôi, hơn ¾ thế kỷ, tôi đã chứng kiến hai cuộc di cư vĩ đại của người Việt Nam.
Năm 1954 – sau khi Hiệp Định ngưng chiến được ký kết tại Liên Hiệp Quốc, nước Việt Nam bị chia đôi tại vĩ tuyến 17 – một cuộc di cư vĩ đại từ miền Bắc Việt Nam (thuộc quyền kiểm soát của csVN) vào miền Nam Việt Nam (thuộc Việt Nam Cộng Hòa).
21 năm sau – năm 1975 – sau nhiều cuộc xâm lăng rất dã man/tàn bạo/điên cuồng/dai dẳng/đầy máu lửa, csVN cưỡng chiếm được miền Nam thì, người Việt Nam không còn lối thoát, đành phải “tuôn” ra biển…
Qua hai cuộc di cư vĩ đại của người Việt Nam trong dòng lịch sử điêu linh, tôi nhận ra có hai phim “xi-nê” rất giá trị, đã diễn dạt được phần nào nỗi oan khiên/nghiệt ngã của người Việt Nam cùng thời đại với chúng ta; đó là phim Chúng Tôi Muốn Sống, được thực hiện sau khi nước Việt Nam bị chia cắt tại vĩ tuyến 17 và phim Hành Trình 50 năm do Thanh Tâm Films thực hiện – đến tháng Năm, 2025, là đúng 50 năm người Việt phải “bỏ nước ra đi!”.
Trong phim Chúng Tôi Muốn Sống có tài tử và nhạc đệm.
Trong phim Hành Trình 50 Năm, tài tử là những thuyền nhân/hải tặc; nhạc đệm là tiếng sóng gào và tiếng thét hãi hùng/đau đớn của những phụ nữ bị hải tặc hảm hiếp!
Sau khi phim Hành Trình 50 chấm dứt, tôi được tiếp xúc với đạo diễn Thanh Tâm. Lúc này tôi mới biết đạo diễn Thanh Tâm không phải là thuyền nhân.
Một người trẻ – sinh năm 1981 – không phải là thuyền nhân mà đạo diễn Thanh Tâm chịu khó góp nhặt nhiều tài liệu/hình ảnh/chi tiết để thực hiện được phim Hành Trình 50 Năm thì quả thật đạo diễn Thanh Tâm là một người rất nặng lòng với thuyền nhân./.