Seite auswählen

Khủng hoảng kinh tế : Khi « người ốm » Đức lây nhiễm cho châu Âu…

 

Ngày 15/01/2025, Cơ quan Thống kê Liên bang công bố kết quả hoạt động kinh tế của Đức trong năm 2024. Giới chuyên gia dự báo nguy cơ đình trệ, thậm chí tăng trưởng bị giảm nhẹ. Đây sẽ là năm thứ ba liên tiếp kinh tế Đức lâm vào suy thoái. Trọng lượng của nền kinh tế hàng đầu Liên Hiệp Châu Âu và cường độ trao đổi thương mại của nước này trong khu vực lớn đến mức sự trì trệ của nền kinh tế Đức đang ảnh hưởng đến toàn khối Liên Âu.

Công nhân hãng xe Volkswagen biểu tình phản đối cắt giảm việc làm và giảm lương, Wolfsburg, Đức, ngày 09/12/2024.Công nhân hãng xe Volkswagen biểu tình phản đối cắt giảm việc làm và giảm lương, Wolfsburg, Đức, ngày 09/12/2024. AFP – MARTIN MEISSNER

Hiện trạng

Mọi chỉ dấu đều đỏ tại Đức. Số người thất nghiệp trong năm 2025 có nguy cơ lên đến ba triệu người, một ngưỡng mà nước này chưa bao giờ vượt qua kể từ năm 2010. Năm 2024 được đánh dấu bởi các kế hoạch cắt giảm việc làm khổng lồ tại những tập đoàn lớn của Đức như Volkswagen dự trù sa thải 35 ngàn lao động từ đây đến năm 2030 ; Bosch giảm 10 ngàn người hay như ThyssenKrupp 11 ngàn…

Không chỉ tại những tập đoàn lớn, hàng chục hãng quy mô trung bình cũng đã lặng lẽ biến mất : hơn 360 doanh nghiệp có doanh thu trên 10 triệu euro đã nộp đơn xin phá sản, tăng vọt 30% so với năm 2023. Theo nhận định của Jonas Eckhardt, giám đốc văn phòng tư vấn FalkenSteg, được Le Monde ngày 14/01/2025 trích dẫn, « sự gia tăng chóng mặt về số vụ phá sản là triệu chứng của một cuộc khủng hoảng niềm tin sâu sắc. Các doanh nghiệp, các nhà đầu tư và người tiêu thụ có một tầm nhìn bi quan về tương lai kinh tế đất nước ».

Vị giám đốc này còn dự báo tỷ lệ phá sản sẽ tăng từ 20% đến 25% trong năm 2025, do những rủi ro bổ sung sẽ đè nặng lên nền kinh tế xuất khẩu Đức như xung đột thương mại và khả năng tăng cường chính sách bảo hộ mậu dịch của Mỹ dưới thời tổng thống Trump. Trung tuần tháng 12/2024, Ngân hàng Trung ương Đức Bundesbank đã giảm dự phóng tăng trưởng cho các năm 2025 và 2026 lần lượt xuống còn 0,2% thay vì là 1,1% như ban đầu và 0,8% thay vì là 1,4%.

Nguyên nhân

Làm thế nào giải thích về cuộc khủng hoảng kinh tế mà Đức – nền kinh tế hàng đầu châu Âu – đang phải đối mặt ? Jan Mischke, nhà kinh tế học tại McKinsey Global Institut, chuyên gia về năng lực cạnh tranh và tăng trưởng, trả lời phỏng vấn Le Figaro (đăng ngày 10/01/2025), cho rằng mọi nền tảng của mô hình Đức đang bị lung lay cùng một lúc :

« Từ nhiều thập niên qua, nền kinh tế Đức đã tạo dựng được sự thành công nhờ vào một nền công nghiệp xuất sắc. Nền kinh tế này được hưởng lợi từ một nguồn năng lượng giá rẻ đến từ Nga, đáp ứng nhu cầu gần như vô độ của Trung Quốc và dựa vào chuỗi giá trị công nghiệp được tổ chức hoàn hảo. Chính mô hình tuyệt vời này đã tạo ra một sức tăng trưởng vững chắc. Nhưng nay nguồn năng lượng có giá cả phải chăng đã biến mất, Trung Quốc tăng trưởng trì trệ và nhất là đang trở thành một đối thủ cạnh tranh, còn chuỗi sản xuất thì bị rối loạn bởi những gián đoạn về công nghệ như quá trình chuyển đổi sang xe điện hay xe tự hành. Tất cả những nền tảng của mô hình Đức đã bị lung lay cùng một lúc, đây thực sự là một khủng hoảng về mặt cơ cấu ».

Tình trạng lây lan

Chỉ có điều, « Đức, người ốm của châu Âu, đang lây bệnh cho châu lục », Le Figaro ngày 13/01/2025 chạy tựa lo lắng. Trong ¾ thế kỷ, việc xây dựng châu Âu cũng như nền kinh tế của khối hơn bao giờ hết dựa trên vai của Đức. Hơn ¼ tổng sản phẩm nội địa GDP của khu vực đồng euro và gần 1/3 sản xuất công nghiệp được tạo ra ở Đức. Trong năm 2023, Đức đóng góp khoảng 17 tỷ euro cho ngân sách của Liên Hiệp Châu Âu.

Kinh tế Đức suy thoái chắc chắn sẽ kềm hãm hoạt động kinh tế trên toàn châu lục. Cuộc khủng hoảng đang lan rộng qua vành đai thương mại giữa các nước. Khủng hoảng còn có nguy cơ trầm trọng hơn khi Đức là đối tác hàng đầu của ít nhất 12 nước, trong đó có Pháp và Ý.

Charles-Henri Colombier, giám đốc bộ phận kinh tế tại Rexecode, đưa ra phân tích : « Tăng trưởng đã biến mất tại Đức, GDP trong quý III/2024 ở mức tương đương như cách nay năm năm. Trong giai đoạn này, đầu tư thậm chí bị giảm. Tuy nhiên, đầu tư có tác động lớn hơn vào ngành ngoại thương hơn là tiêu thụ các hộ gia đình. Điều này giải thích vì sao xuất khẩu sang Đức đặc biệt bị ảnh hưởng nhiều. »

Ví dụ, với Pháp, các doanh nghiệp Đức là các nhà cung cấp và cũng là khách hàng chính. Năm 2024, tổng giá trị hàng hóa Pháp bán sang Đức đạt 82 tỷ euro, theo như ghi nhận của Stephane Colliac, kinh tế gia tại BNP Paribas, với Le Figaro : « 40% xuất khẩu của Pháp sang Đức là những sản phẩm đầu vào công nghiệp. Tình trạng suy thoái kinh tế tại Đức đang lan sang Pháp thông qua nhiều nhà thầu phụ trong các lĩnh vực lắp ráp ô tô, hóa học, nhựa, cao su, điện tử… »

Trung Âu : Sự phụ thuộc vào Đức

Không chỉ với Pháp, khủng hoảng kinh tế tại Đức đang làm suy yếu nhiều nước láng giềng Đông – Trung Âu như Áo, Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Séc, và Slovakia. Nền kinh tế của những nước này phụ thuộc một phần vào ngoại thương và tình hình sức khỏe tốt của nền kinh tế Đức. Chẳng hạn, xuất khẩu hàng hóa sang Đức của Ba Lan chiếm đến 27% tổng kim ngạch xuất khẩu, Cộng hòa Séc là 29%, hay Hungary là 24%.

Theo giải thích từ nhà tư vấn Anita Wolfl, Viện Kinh tế IFO, trụ sở tại Munich, với đài phát thanh France Culture, sự xích lại gần về kinh tế giữa Đức và khối các nước thành viên Liên Xô cũ đã diễn ra trong những thập kỷ gần đây :

« Sự hợp tác này đã bắt đầu cách nay khoảng 30 năm cùng với sự sụp đổ của bức tường Berlin và sau đó được củng cố mạnh mẽ hơn cách nay 20 năm vào thời điểm Liên Hiệp Châu Âu mở rộng sang phía Đông. Chẳng hạn, các điểm sản xuất của Ba Lan và Cộng hòa Séc rất hấp dẫn cho nền kinh tế Đức và ngành công nghiệp ô tô vì chi phí sản xuất và nhân công rất thấp. Hơn nữa, cả hai nước này đều đã có một ngành công nghiệp ô tô phát triển trong quá khứ, đặc biệt là xe Skoda, được thành lập vào đầu thế kỷ XX tại Cộng hòa Séc và từng rất được ưa chuộng. Điều này đã mang lại cho nền công nghiệp ô tô Đức một nền tảng rất vững chắc. »

Những nước may mắn

Dù vậy, trong số các nước Trung Âu, Ba Lan là nước khôn khéo thoát được cảnh khốn khó nhờ có được một nền kinh tế đa dạng và tự chủ trên một số lĩnh vực như sản xuất « bình điện, các thiết bị điện tử gia dụng hay linh kiện bán dẫn » theo như ghi nhận từ Alexandre Mirlicourtois, giám đốc tài chính tại Xerfi, được Le Figaro trích dẫn.

Về phần Hungary, chính phủ thủ tướng Viktor Orban từ nhiều năm qua đã tìm cách xích lại gần hơn với Bắc Kinh nhằm thu hút đầu tư từ các nhà sản xuất xe ô tô và bình điện Trung Quốc như các hãng BYD và CATL.

Nước Pháp, tuy cũng lao đao, nhưng vì đã « phi công nghiệp hóa, nên sự phụ thuộc vào xuất khẩu sang Đức cũng rất ít so với nhiều nước khác như Áo hay Hà Lan », ông Charles-Henri Colombier ghi nhận. Trong cuộc khủng hoảng này, theo France Culture, Áo dường như bị ảnh hưởng nặng nề nhất do việc Đức là đối tác thương mại lớn nhất. Năm 2024, lần thứ hai liên tiếp, Áo kết thúc năm trong báo động đỏ, điều chưa từng có từ năm 1950. Giá khí đốt cao và lạm phát, mức cao nhất trong khu vực đồng euro, đang đè nặng nền kinh tế Áo.