Seite auswählen

Tổng Bí thư Tô Lâm, ngày 14/1/2025.

 

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói hôm 16/1 trong Báo cáo Thế giới 2025 rằng việc ông Tô Lâm lên nắm quyền ở Việt Nam sau quá trình thay đổi quyền lực vào giữa năm 2024 không làm giảm bớt tình trạng đàn áp nhân quyền liên tục của chính quyền. Thay vào đó, chính quyền nước này tiếp tục cấm các nhóm nhân quyền, công đoàn, truyền thông, nhóm tôn giáo độc lập và tất cả các tổ chức khác hoạt động ngoài tầm kiểm soát của họ.

“Việc Tổng Bí thư Tô Lâm trở thành lãnh đạo không làm được gì để hạn chế sự đàn áp nghiêm trọng và có hệ thống của chính phủ Việt Nam đối với các quyền dân sự và chính trị”, bà Patricia Gossman, phó giám đốc khu vực Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), nói trong thông cáo hôm 16/1.

Trong phần báo cáo tình hình nhân quyền Việt Nam trong năm 2024 dài 4 trang, HRW mô tả rằng một cuộc đấu tranh quyền lực nội bộ căng thẳng đã thay thế 5 thành viên Bộ Chính trị Việt Nam, trong đó ông Tô Lâm, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an khét tiếng, cuối cùng đã giành được vị trí tổng bí thư cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 7/2024.

“Dưới thời ông Tô Lâm, công an Việt Nam đã bỏ tù nhiều người chỉ trích trong thập kỷ qua, tàn phá xã hội dân sự đang chớm nở của Việt Nam. Cuộc đàn áp này tiếp tục kéo dài đến năm 2024, nhắm vào các nhà báo, nhà hoạt động vì quyền lao động và những người bảo vệ nhân quyền”, HRW viết.

Tổ chức nhân quyền có trụ sở ở Mỹ đánh giá rằng chính quyền Việt Nam đàn áp các quyền cơ bản của công dân về tự do ngôn luận, lập hội, hội họp, phản đối ôn hòa và tự do tôn giáo.

“Các công đoàn lao động độc lập, tổ chức nhân quyền, phương tiện truyền thông độc lập và các đảng phái chính trị vẫn bị cấm. Cơ quan tư pháp không độc lập và tòa án thường xuyên từ chối các quyền tố tụng hợp pháp của bị cáo. An ninh tuần tra trên mạng và bắt giữ những người mà họ cho là đe dọa đến sự độc quyền của Đảng Cộng sản”, vẫn theo báo cáo của HRW.

HRW điểm qua một số trường hợp vi phạm điển hình trong năm 2024, cho rằng các tòa án ở Việt Nam đã kết tội sai sự thật và kết án ít nhất 43 nhà vận động nhân quyền và bất đồng chính kiến, trong đó có các nhà bảo vệ nhân quyền Nguyễn Chí Tuyến, Nguyễn Vũ Bình, Phan Văn Bách và nhà hoạt động môi trường Ngô Thị Tố Nhiên.

Cuối cùng, HRW kêu gọi chính phủ Việt Nam cần chấm dứt ngay việc vi phạm nhân quyền có hệ thống và trả tự do cho tất cả tù nhân và người bị giam giữ vì thực hiện các quyền cơ bản của mình.

“Các nhà tài trợ quốc tế và các đối tác thương mại của Việt Nam muốn thấy chính phủ tiến hành cải cách hãy lên tiếng phản đối hồ sơ nhân quyền tệ hại của họ”, bà Gossman kêu gọi, nói thêm rằng “cần thúc ép chính quyền Việt Nam tôn trọng các quyền dân sự và chính trị”.

VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị họ bình luận về báo cáo nêu trên của HRW, nhưng chưa được trả lời.

Hà Nội lâu nay bác bỏ các cáo buộc cho rằng họ vi phạm nhân quyền, khăng khăng rằng các quyền căn bản của người dân luôn được đảm bảo và tôn trọng.

Mặc cho các tổ chức nhân quyền quốc tế, trong đó có HRW, chỉ trích hồ sơ nhân quyền bị xem là tệ hại của Việt Nam, chính quyền nước này vào tháng 12/2024 công bố rằng Việt Nam sẽ tái ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2026-2028.

VOA (17.01.2025)

 

 

Báo cáo của HRW và CPJ: Tô Lâm lên nắm quyền lực, nhân quyền Việt Nam càng đi xuống

Tổng bí thư Tô Lâm (bên phải) và Chủ tịch nước Lương Cường tại Hà Nội hôm 21/10/2024 AP

Chính phủ Việt Nam tiếp tục giam giữ 170 nhà bất đồng chính kiến, tăng 10 người so với năm trước, trong khi đó, nước này vẫn ở trong nhóm các quốc gia giam giữ nhiều nhà báo nhất thế giới, theo phúc trình toàn cầu của hai tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) và Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) công bố trong cùng ngày 16/1/2025.

Quốc gia này đang là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 và vừa công bố tái ứng cử nhiệm kỳ mới 2026-2028 hồi tháng rồi, nhưng hai báo cáo cho thấy bức tranh không mấy khởi sắc về tình hình nhân quyền ở quốc gia độc đảng.

Trong phần về Việt Nam, HRW nói dưới trướng Bộ trưởng Công an Tô Lâm, cơ quan công an đã bỏ tù hàng chục nhà phê bình, tàn phá xã hội dân sự đang phát triển và xu hướng này tiếp diễn vào năm 2024 nhắm vào các nhà báo, nhà hoạt động vì quyền lao động và những người bảo vệ nhân quyền, kể cả khi ông Tô Lâm nắm giữ vị trí quyền lực nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 8/2024.

Theo thống kê của RFA, có ít nhất 12 người bị bắt tạm giam và 14 người bị kết án theo các tội danh ở Điều 331 và 117 của Bộ luật hình sự chỉ từ tháng 8 tới nay.

Về điểm này, cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Viết Dũng khẳng định với phóng viên:

Việc Tô Lâm đảm nhận vị trí Tổng Bí thư, cùng với lịch sử đàn áp dân sự của Bộ Công an dưới sự lãnh đạo của ông, làm gia tăng lo ngại rằng những hành động vi phạm nhân quyền sẽ tiếp tục leo thang.

Trong bối cảnh này, việc Việt Nam tìm kiếm thêm một nhiệm kỳ trong Hội đồng Nhân quyền LHQ đặt ra câu hỏi lớn về sự cam kết thực chất với các giá trị nhân quyền phổ quát của Hà Nội.”

Ông Dũng mãn án sáu năm tù hồi tháng 9/2023 với tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước.” Hai tháng sau đó ông đào thoát khỏi đất nước sau khi bị cơ quan an ninh dọa bắt giam lần thứ ba.

Báo cáo của tổ chức chuyên giám sát nhân quyền của các quốc gia trên thế giới cũng chỉ ra rằng, ở Việt Nam, cơ quan công an giám sát chặt chẽ mạng xã hội và bắt giữ những người mà họ cho là đe dọa đến độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Một phúc trình khác của Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) xếp Việt Nam nằm trong nhóm chín quốc gia có nhiều nhà báo bị giam giữ nhất thế giới trong năm 2024, với 16 người hiện đang bị cầm tù.

Báo cáo một năm trước đó cho thấy, Việt Nam ở vị trí thứ năm với 19 nhà báo bị giam cầm.

Việc xếp hạng được cải thiện do một số nhà báo được trả tự do trong năm qua như Huỳnh Thục Vy, Trần Huỳnh Duy Thức…, trong khi tình hình tự do báo chí tệ hơn ở các quốc gia có chiến tranh và bất ổn kinh tế như Israel, Iran, Ai Cập, Bangladesh…

Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam với đề nghị bình luận về hai phúc trình của HRW và CPJ nhưng chưa nhận được ngay phản hồi.

Trong các năm trước, Chính phủ và báo chí Nhà nước thường bác bỏ các báo cáo của hai tổ chức này, cho rằng các báo cáo dựa trên các thông tin bịa đặt, xuyên tạc và thiếu thiện chí về Việt Nam.

RFA (16.01.2025)

 

 

Việt Nam: Đàn áp trầm trọng thêm dưới thời lãnh đạo mới

Human Rights Watch

Các nhà hoạt động Việt Nam, từ trái sang phải: Nguyễn Chí Tuyến mang biểu ngữ No-U (nói Không với Đường Chín Đoạn của Trung Quốc) trên đỉnh Ky Quan San; Nguyễn Vũ Bình; Phan Vân Bách mang biểu ngữ ủng hộ tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức giờ đã được trả tự do; Hoàng Việt Khánh. Nguồn: © 2024 Tổ chức Theo dõi Nhân quyền

Không nới lỏng các hạn chế ngặt nghèo dưới thời Tổng Bí thư Tô Lâm

(Bangkok) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nhận định trong Phúc trình Toàn cầu 2025 của mình rằng việc thăng tiến của một nhà lãnh đạo mới ở Việt Nam sau đợt tái thiết quyền lực hồi giữa năm 2024 không mang lại một sự nương tay nào trong chính sách đàn áp nhân quyền ráo riết của chính quyền nước này. Nhà cầm quyền Việt Nam vẫn cấm các nhóm nhân quyền, công đoàn, báo chí, nhóm tôn giáo độc lập cũng như tất cả các tổ chức hoạt động bên ngoài sự kiểm soát của chính quyền.

Trong bản phúc trình toàn cầu lần thứ 35 dài 546 trang, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đánh giá việc thực hành nhân quyền trên hơn 100 quốc gia. Trong bài đề dẫn, Giám đốc Điều hành Tirana Hassan nói rằng chính phủ các quốc gia đàn áp, bắt và giam giữ trái phép các đối thủ chính trị, nhà hoạt động và nhà báo. Các nhóm vũ trang và các lực lượng của chính phủ giết hại bất hợp pháp nhiều thường dân, buộc nhiều người phải rời khỏi nơi cư trú, và ngăn cản đường tiếp cận viện trợ nhân đạo. Tại nhiều nơi trong số hơn 70 nước có kỳ bầu cử cấp quốc gia vào năm 2024, các nhà lãnh đạo độc tài giành được đất dụng võ bằng các chính sách và phát ngôn mang tính kỳ thị.

“Việc thăng tiến tới vị trí lãnh đạo cao nhất của Tổng Bí thư Tô Lâm không có tác dụng gì để hạn chế việc chính quyền Việt Nam đè nén gắt gao các quyền dân sự và chính trị một cách có hệ thống,” bà Patricia Gossman, Phó Giám đốc Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Các đối tác thương mại và các nhà tài trợ quốc tế có quan tâm tới viễn cảnh được chứng kiến chính quyền thực thi cải cách ở Việt Nam cần lên tiếng về hồ sơ nhân quyền tệ hại của nước này.”

Dưới đây là các diễn tiến trọng yếu ở Việt Nam trong năm 2024:

– Ông Tô Lâm, nguyên là thủ trưởng của Bộ Công an nhiều tai tiếng, đã giành được vị trí tối cao là tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam sau một đợt đấu đá quyền lực nội bộ căng thẳng khiến năm thành viên Bộ Chính trị bị loại ra ngoài vòng. Dưới sự chỉ đạo của Tô Lâm, công an Việt Nam đã bắt giam một cách sai trái hàng loạt nhà bất đồng chính kiến trong suốt thập niên qua, phá hủy xã hội dân sự đang phôi thai ở Việt Nam. Chính sách đàn áp này tiếp diễn suốt năm 2024.

– Trong năm 2024, các tòa án Việt Nam dựa trên các cáo buộc ngụy tạo để xử có tội và kết án ít nhất là 43 nhà vận động nhân quyền và bất đồng chính kiến, trong đó có các nhà bảo vệ nhân quyền Nguyễn Chí TuyếnNguyễn Vũ BìnhPhan Vân Bách, và nhà hoạt động môi trường Ngô Thị Tố Nhiên.

– Chính quyền Việt Nam kiểm soát hệ thống tư pháp hình sự, một hệ thống không độc lập cũng chẳng công bằng. Nhà cầm quyền thường xuyên dàn dựng các phiên xử di động để nêu danh và bêu xấu các bị cáo – và gián tiếp là gia đình họ – đồng thời “giáo dục” quần chúng, với tội trạng của các bị cáo đã được quyết định từ trước phiên xử.

– Chính quyền cũng tiếp tục hạn chế ngặt nghèo các quyền tự do lập hội, tự do tôn giáo và tự do đi lại.

Chính quyền Việt Nam ngay lập tức cần chấm dứt việc vi phạm nhân quyền một cách có hệ thống và phóng thích tất cả những người đang bị giam, giữ vì đã thực hành các quyền cơ bản của mình. Các đối tác thương mại và các nhà tài trợ quốc tế cần gây sức ép để nhà cầm quyền Việt Nam tôn trọng các quyền dân sự và chính trị.

VNTB (16.01.2025)

 

 

CPJ: Năm 2024 Việt Nam giam cầm 16 nhà báo, xếp thứ 7 trên thế giới

Nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến và Nguyễn Vũ Bình.

 

Chính quyền Việt Nam tiếp tục bị xem là một trong các nhà nước độc tài giam cầm nhiều nhà báo nhất trong năm 2024, với 16 nhà báo bị bỏ tù, đứng thứ 7 trên thế giới, theo thống kê mới nhất của Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ).

“Việt Nam giam giữ 16 nhà báo, đồng mức với Iran và Eritrea, là quốc gia giam cầm nhà báo thứ bảy trong năm qua”, CPJ cho biết trong thông báo ngày 16/1.

“Trong số ba tù nhân mới của Việt Nam trong năm 2024, hai người là ông Nguyễn Vũ Bình và Nguyễn Chí Tuyến – lần lượt bị kết án bảy và năm năm tù vì tội tuyên truyền chống nhà nước. Người thứ ba, ông Trương Huy San, đang bị tạm giam chờ xét xử sau khi viết bài bình luận chỉ trích hai nhà lãnh đạo hàng đầu của đất nước – người đứng đầu Đảng Cộng sản cầm quyền lúc bấy giờ là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Tô Lâm”, thông cáo đưa ra đánh giá.

Theo thống kê mới nhất của CPJ, Châu Á vẫn là khu vực có số lượng nhà báo bị bỏ tù cao nhất trong năm 2024, chiếm hơn 30%, với 111 người, trong tổng số 361 nhà báo bị bỏ tù trên thế giới, tính đến ngày 1/12/2024. Dẫn đầu trong danh sách này là Trung Quốc (50 người), Myanmar (35) và Việt Nam (16).

Con số 361 nhà báo bị giam cầm trong năm 2024 chỉ sau mức cao kỷ lục năm 2022 với 370 nhà báo bị bỏ tù vì công việc của họ. Nguyên nhân chính dẫn đến việc nhà báo bị bỏ tù trong năm 2024 là sự đàn áp độc tài đang diễn ra, chiến tranh và bất ổn chính trị hoặc kinh tế, theo CPJ, tổ chức có trụ sở ở New York, Mỹ.

“Những con số này sẽ là lời cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta. Sự gia tăng các cuộc tấn công nhằm vào các nhà báo hầu như luôn đi trước sự gia tăng các cuộc tấn công vào các quyền tự do khác – quyền tự do cung cấp và nhận thông tin, quyền tự do hội họp và đi lại tự do, quyền tự do biểu tình”, bà Jodie Ginsberg, giám đốc điều hành CPJ, cho biết trong thông cáo.

“Những nhà báo này đang bị bắt và bị trừng phạt vì vạch trần tham nhũng chính trị, suy thoái môi trường, sai phạm tài chính – tất cả những vấn đề quan trọng đối với cuộc sống hàng ngày của chúng ta”, bà Ginsberg nhấn mạnh.

VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị họ đưa ra bình luận về thống kê và phát biểu trên của CPJ, nhưng chưa được trả lời.

Trong khi chính quyền Việt Nam bác bỏ các cáo buộc cho rằng họ vi phạm quyền tự do báo chí, cho rằng những thông tin và dữ liệu của các tổ chức nhân quyền quốc tế, trong đó có CPJ, là “thiếu khách quan” và “không đúng sự thật”, giới hoạt động cho rằng việc bỏ tù các nhà báo trong nước là “vi phạm” các công ước quốc tế mà Hà Nội đã ký kết.

“Hiện tại ở Việt Nam bất kỳ một ai dù có ba livestream thôi hoặc ba bài viết phản biện thôi thì đều có thể bị bắt giam”, nhà hoạt động, blogger Đặng Thị Huệ chia sẻ với VOA. “Mức độ vi phạm nhân quyền cực kỳ lớn đối với những người bất đồng chính kiến, chính quyền càng ngày càng tàn bạo và mạnh tay hơn”.

Tương tự, bà Anh Thu Võ, trưởng phòng nghiên cứu và vận động chính sách của Trung tâm Tự do Sáng tác PEN/Barbey thuộc Văn Bút Hoa Kỳ (PEN America), chia sẻ quan điểm với VOA rằng quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam bị đàn áp mạnh mẽ trong năm qua, nơi có 19 nhà báo/ký giả bị bỏ tù.

“Việt Nam bị xếp hạng là quốc gia tồi tệ thứ ba trên thế giới về việc giam giữ các nhà văn/ký giả, chỉ sau Trung Quốc và Iran, với 19 nhà văn/ký giả đang bị giam giữ và con số này có khả năng sẽ tăng lên”, bà Anh Thu nói.

“Trong nhiều năm qua, chúng tôi đã chứng kiến nhiều nhà văn/ký giả bị bắt, bỏ tù vì những phát biểu ôn hòa của họ. Sự gia tăng phản ảnh sự đàn áp liên tục của chính quyền đối với bất đồng chính kiến… theo các điều luật ‘chống nhà nước’ rất mơ hồ”, vẫn bà Anh Thu.

Liên quan đến Trung Quốc, quốc gia bỏ tù các nhà báo nhiều nhất thế giới trong nhiều năm qua, và năm 2024 là 50 người, CPJ nhận định rằng do sự kiểm duyệt tràn lan ở Trung Quốc, việc thống kê chính xác số nhà báo thực sự bị bắt là rất khó khăn do gia đình quá sợ hãi khi lên tiếng việc chính quyền bắt giữ người thân. “Tình cảnh khắc nghiệt này phản ánh sự không khoan dung của Trung Quốc đối với tiếng nói độc lập”, CPJ đánh giá.

VOA (16.01.2025)

 

 

Hai cựu ĐBQH bị phạt 20 năm tù; giới quan sát đặt nghi vấn về công bằng tư pháp

Hai cựu đại biểu QH Lưu Bình Nhưỡng (trái) và Lê Thanh Vân.

 

Hôm 13/1, một tòa án ở tỉnh Thái Bình kết án cựu đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng 13 năm tù, Lê Thanh Vân 7 năm tù về các cáo buộc như “lợi dụng chức vụ, quyền hạn”, “cưỡng đoạt tài sản”, khiến giới quan sát nghi ngờ về nỗ lực thực sự nhằm chống tham nhũng của Việt Nam, cũng như có hay không việc lợi dụng hệ thống tư pháp để bịt miệng những tiếng nói phản biện trong Quốc hội.

Ông Nhưỡng bị phạt 3 năm về tội “cưỡng đoạt tài sản” và 10 năm về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đến người khác để trục lợi”, theo truyền thông Việt Nam hôm 13/1.

Cựu đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân bị tuyên phạt mức án 7 năm tù, về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.

Ngoài ra, cùng với cáo buộc trên, ông Nguyễn Văn Vương, cựu chuyên viên Vụ pháp luật- Văn phòng Chủ tịch nước, nhận bản án 14 năm tù.

Ông Lưu Bình Nhưỡng, từng là Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, và ông Lê Thanh Vân, một đại biểu kỳ cựu thuộc Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Việt Nam khóa 15.

Trang VNExpress hôm 13/1 dẫn cáo trạng cho biết các bị cáo đã dàn dựng nhiều hoạt động trái pháp luật, trong đó có tội tống tiền chi nhánh Tập đoàn Sao Đỏ ở tỉnh Thái Bình, can thiệp vào thủ tục tố tụng dân sự ở thành phố Hải Phòng, thao túng việc phê duyệt dự án ở Bắc Ninh và Quảng Ninh, cho rằng những hành vi này “đã ảnh hưởng đến trật tự xã hội và môi trường đầu tư ở địa phương”.

Cụ thể, ông Lưu Bình Nhưỡng bị cáo buộc đã 4 lần thực hiện hành vi phạm tội và nhiều lần nhận tiền, quà cảm ơn. Trong đó, ông Nhưỡng đã nhận 210 triệu đồng và 300.000 USD, một lô đất ở huyện Đông Anh (TP Hà Nội); được hứa tặng một lô đất hơn 1.000m2 ở Quảng Ninh, theo trang Công an Nhân dân (CAND) của Bộ Công an hôm 14/1.

Hội đồng xét xử cho rằng ông Lê Thanh Vân đã 2 lần thực hiện hành vi phạm tội; nhận 60 triệu đồng, một lô đất ở huyện Đông Anh và được hứa tặng một lô đất ở Quảng Ninh.

Còn bị cáo Nguyễn Văn Vương thông qua việc nhờ bị cáo Nhưỡng và bị cáo Vân tác động cơ quan chức năng theo hướng có lợi cho 2 doanh nghiệp nói trên nhằm mục đích hưởng lợi hơn 13.000m2 đất (trị giá hơn 26 tỷ đồng).

Từ Canada, luật sư Vũ Đức Khanh, nhận định với VOA rằng, trước khi bị bắt vào năm 2024, cả hai ông Nhưỡng và Vân “đều là những gương mặt nổi bật” trong Quốc hội Việt Nam.

“Ông Lưu Bình Nhưỡng từng gây tiếng vang qua các phát biểu mạnh mẽ về các vấn đề như tham nhũng, cải cách tư pháp và quyền lợi người dân”, Luật sư Vũ Đức Khanh viết cho VOA hôm 14/1. “Ông Lê Thanh Vân được biết đến như một đại biểu có tư duy độc lập và thẳng thắn, thường đưa ra các ý kiến phản biện mang tính xây dựng”.

Theo dõi diễn biến phiên tòa này, luật sư Khanh đặt nghi vấn rằng liệu đây có phải là nỗ lực thực sự nhằm chống tham nhũng hay là sự lợi dụng hệ thống tư pháp để bịt miệng những tiếng nói phản biện trong Quốc hội?

“Trong bối cảnh một chế độ không có tam quyền phân lập như Việt Nam, hệ thống tư pháp không hoàn toàn độc lập. Tòa án, viện kiểm sát, và các cơ quan điều tra chịu sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản. Điều này dẫn đến nguy cơ sử dụng luật pháp không chỉ để điều chỉnh xã hội, mà còn làm công cụ duy trì quyền lực chính trị”, Luật sư Khanh phân tích.

Luật sư Vũ Đức Khanh đánh giá rằng những vụ án như của Lưu Bình Nhưỡng và Lê Thanh Vân không chỉ gây ra tranh cãi về tính công bằng của hệ thống tư pháp, mà còn có thể để lại những hệ lụy lâu dài như “suy giảm lòng tin vào pháp luật; lo ngại về tự do ngôn luận; tăng cường kiểm soát chính trị”.

Trả lời phỏng vấn RFA hôm 13/1, luật sư Nguyễn Văn Đài ở Đức đưa ra nhận định: “Việc áp dụng tội danh đấy đối với ông Lưu Bình Nhưỡng là hoàn toàn bất công và việc áp dụng hình phạt 13 năm tù đối với hai tội danh càng thêm bất công nữa khi so sánh với cơ quan chức nhà nước gây thiệt hại cho nhà nước hàng nghìn tỷ đồng tới hàng chục nghìn tỷ đồng”.

“Phiên tòa không chỉ là màn kịch trả thù cá nhân mà còn là thông điệp răn đe dành cho bất kỳ ai dám đứng về phía nhân dân”, trang Nhật ký Yêu nước nhận định. “Những bản án khắc nghiệt dành cho ông Nhưỡng và ông Vân không hề xuất phát từ công lý, mà chỉ nhằm bịt miệng và loại bỏ những tiếng nói đối lập trong nội bộ đảng”.

“Vụ xét xử này không phải là công lý, mà là một vết nhơ trong lịch sử tư pháp Việt Nam. Đó là minh chứng cho sự bất công, đàn áp và thao túng của chế độ độc tài toàn trị. Một chính quyền mà công lý trở thành công cụ trả thù chính trị thì không bao giờ có thể đại diện cho lợi ích của nhân dân”, vẫn trang Nhật ký Yêu nước.

Ngược lại, trang CAND của Bộ Công an cho rằng, với tư cách đại biểu Quốc hội, các bị cáo Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân đã “không đại diện cho tiếng nói nhân dân một cách công tâm khách quan”, nhiều lần gọi điện, tác động cơ quan chức năng theo hướng có lợi cho người quen nhằm hưởng lợi ích vật chất.

Tờ báo của Bộ Công an cho rằng hành vi phạm tội của các bị cáo đã “gây bức xúc trong dư luận”.

VOA (15.01.2025)

 

 

Luật công đoàn (mới) cản trở hoạt động của các tổ chức lao động độc lập 

T.K.Tran 

Luật Công đoàn do chính Công đoàn Việt Nam soạn thảo sửa đổi. Một số điều luật có khả năng ngăn chận sự phát triển của các tổ chức lao động độc lập cũng đã được ghi trong luật: Tài chính của các tổ chức NLĐ tại DN sẽ bị giới hạn, phê bình công đoàn có thể sẽ bị kết tội

Luật Công đoàn (sửa đổi)2024 đã được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn ngày 27/11/2024, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/07/2025. Theo các quan chức công đoàn, có 3 lý do chính yếu để phải sửa đổi Luật Công đoàn, đó là: bổ túc hoàn chỉnh, khắc phục những thiếu sót trong luật Công đoàn 2012, sửa đổi luật để bảo đảm tương thích với những bộ luật khác như bộ luật Lao động 2019 và để thích ứng với những điều ước quốc tế sau khi Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại tự do. 

Cơ quan soạn thảo luật Công đoàn 2024 là Công đoàn Việt Nam.

Theo lời của các quan chức công đoàn thì việc sửa đổi luật kéo dài quãng 3 năm đã diễn ra kỹ lưỡng với nhiều hội thảo hội nghị để tham vấn. Đã có ít nhất là 4 bản dự thảo luật được đưa ra để thảo luận. Về phía chính phủ đã có tới 6 lần đưa ý kiến, việc mà theo các thông tin báo chí thì từ trước tới nay chưa từng xẩy ra. Việc sửa luật đã khó khăn như vậy có lẽ do luật phải đề cập tới những vấn đề mới mẻ, “nhạy cảm“, không có tiền lệ. Đó là những chương, điều lệ liên quan tới các tổ chức lao động độc lập gọi là “tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp“ (tổ chức của NLĐ tại DN). Thông thường – nhưng không chính xác – người ta gọi những tổ chức này là “công đoàn độc lập“.

 

“Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp “ là gì?

Từ 4 năm nay Bộ luật Lao động 2019 đã cho phép thành lập những tổ chức lao động độc lập này, song trên thực tế chính phủ VN tới nay vẫn trì hoãn, không ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành luật, nên tới nay chưa có bất cứ tổ chức lao động độc lập nào được thành lập hợp pháp.

Một cách tóm tắt: Tổ chức của NLĐ tại DN là những tổ chức lao động độc lập nằm ngoài Công đoàn Việt Nam, bình đẳng với công đoàn cơ sở (đơn vị nhỏ nhất của công đoàn). Khác với công đoàn nhà nước hiện tại, vốn là một tổ chức chính trị-xã hội của đảng CSVN, các tổ chức của NLĐ tại DN hoạt động thuần túy trong lãnh vực lao động, không có những mục tiêu chính trị.

 

Luật Công đoàn 2024 tác động vào tài chánh của những tổ chức lao động độc lập như thế nào?

Luật Công đoàn 2024 có tất cả 37 điều, nội dung chính yếu liên quan tới tổ chức, hoạt động, quyền, trách nhiệm của công đoàn, đoàn viên công đoàn… . Tuy chưa được thành lập, song các tổ chức lao động độc lập cũng sẽ phải chịu sự chi phối của luật công đoàn về một khía cạnh quan trọng nhất nhì của mọi tổ chức. Đó là khía cạnh tài chánh.

Đối với tổ chức công đoàn nhà nước (Công đoàn Việt Nam) thì quỹ tài chánh đến từ 4 nguồn:

– Đoàn phí do đoàn viên công đoàn đóng góp. Hiện nay là 1% tiền lương mà đoàn viên phải trích ra từ tiền lương của họ.

– Kinh phí công đoàn, đó là phí tổn mà chủ doanh nghiệp phải nộp cho công đoàn. Tiền này lấy ra từ lợi nhuận của doanh nghiệp, hiện nay theo quy định của luật là tương đương với 2% tiền lương của người lao động. Chủ doanh nghiệp phải đóng tiền này bất kể doanh nghiệp có hay không có công đoàn hay tổ chức lao động độc lập.

– Nguồn tài trợ của chính phủ lấy ra từ ngân sách nhà nước.

– Lợi nhuận thu được từ hoạt động văn hóa, thể thao hay từ nguồn tài trợ hợp pháp.

Nguồn tiền từ kinh phí công đoàn rất quan trọng, chiếm tới 60-70% tổng số tài chính của công đoàn. Nguồn tiền này sẽ phải chia bớt cho các tổ chức lao động độc lập khi những tổ chức này hoạt động.

Kinh phí công đoàn đã là đề tài được quan tâm nhiều nhất trong các cuộc thảo luận về sửa đổi luật công đoàn. Về việc phân phối kinh phí công đoàn, các dự thảo đầu tiên từ năm 2021 đã đưa ra phương án là công đoàn cấp trên được 25% kinh phí công đoàn, 75% còn lại chia cho công đoàn cơ sở và các tổ chức lao động độc lập theo một tỷ lệ nhất định. Một phương án khác không ghi việc phân phối trong luật mà giao cho chính phủ quy định sau này (2).

Tuy nhiên Luật Công đoàn 2024 lại cho phép Công đoàn toàn quyền phân phối kinh phí công đoàn (điều 31, khoản 4), mở đường cho các quan chức công đoàn có thể linh động gia giảm tùy ý phần tài chánh sẽ phải dành cho các tổ chức lao động độc lập. 

Như vậy là các tổ chức lao động độc lập có thể sẽ phải đối mặt với một bất công được pháp luật che chở. Một bất công mà các quan chức công đoàn gọi là làm luật “linh hoạt“, “theo hướng mở“, “sự mở là đổi mới lớn trong tư duy làm luật“… (3).

 

Luật Công đoàn 2024 tác động vào hoạt động của các tổ chức lao động độc lập như thế nào?

Một trong những sửa đổi quan trọng nhất của Luật Công đoàn 2024 là điều khoản về những hành vi bị nghiêm cấm (điều 10). So sánh với Luật Công đoàn 2012 thì điều khoản này gia tăng gấp đôi, từ 4 lên tới 8 hành vi nghiêm cấm. Trong đó đáng chú ý là khoản 7 với nội dung như sau: “Lợi dụng quyền công đoàn để vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân“, và khoản 8:“Thông tin không đúng sự thật, kích động, xuyên tạc, phỉ báng về tổ chức và hoạt động công đoàn“.

Theo đó, Luật Công đoàn có những điều khoản cho phép trấn áp những tiếng nói lao động đối lập. Phê phán công đoàn có thể sẽ bị ghép tội tương tự như nhà nước dùng điều 331 Bộ luật hình sự 2015 để bắt giam những nhà bất đồng chính kiến hay giải thể những tổ chức xã hội dân sự với cáo buộc “hành vi lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước…“.

 

Luật Công đoàn 2024 đã được Quốc hội thông qua. Bao giờ có Nghị định cho phép thành lập các tổ chức lao động độc lập?

Khi buộc phải giải trình lý do tại sao nhà nước trì hoãn việc ban hành Nghị định hướng dẫn việc thành lập các tổ chức lao động độc lập, các quan chức VN thường nêu lý do là cần phải sửa đổi luật Công đoàn trước đó. 

Điển hình là phát biểu của ông Ngô Hoàng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao Động-Thương Binh&Xã Hội) trong cuộc họp trực tuyến với Bộ Lao động Hoa kỳ ngày 15/11/2023 như sau:“ Việc ban hành Nghị định mất nhiều thời gian hơn so với dự kiến là do Nghị định…có nhiều nội dung mới, phức tạp, lần đầu tiên được quy định trong hệ thống pháp luật Việt Nam nên cần có quá trình nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng sao cho vừa phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, vừa phù hợp với điều kiện, đặc điểm và trình độ phát triển của quan hệ lao động của Việt Nam. …Nghị định có một số nội dung liên quan đến Luật Công đoàn trong khi Luật Công đoàn cũng đang trong quá trình xem xét để sửa đổi, bổ sung nên cần có sự phối hợp, điều phối bảo đảm sự thống nhất giữa các văn bản pháp luật“(4).

Hiện nay Luật Công đoàn do chính Công đoàn Việt Nam soạn thảo sửa đổi. Một số điều luật có khả năng ngăn chận sự phát triển của các tổ chức lao động độc lập cũng đã được ghi trong luật: Tài chính của các tổ chức NLĐ tại DN sẽ bị giới hạn. Phê bình công đoàn có thể sẽ bị tội. Quốc hội cũng đã thông qua luật không công bằng này.

Mặc dù vậy, cho tới nay vẫn chưa có dấu hiệu gì cho thấy nhà nước sẽ sớm ban hành Nghị định hướng dẫn việc thành lập những tổ chức lao động độc lập.

 T.K.Tran

_________________

Tham khảo: 

 

  1. https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/ho-tro-phap-luat/chinh-sach-moi/76673/da-co-luat-cong-doan-2024-thay-the-luat-cong-doan-2012
  2. https://vanbanphapluat.co/luat-cong-doan-sua-doi
  3. https://laodongcongdoan.vn/tap-chi-in/lao-dong-va-cong-doan-thang-11-nam-2024.paper, trang 2
  4. https://tapchilaodongxahoi.vn/doi-thoai-lao-dong-viet-nam-hoa-ky-gop-phan-lam-sau-sac-hon-nua-quan-he-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-giua-hai-nuoc-1329529.html

VNTB (13.01.2025)