Seite auswählen

Những gì không nghĩ tới có thể xảy ra

 

12.2.2025

Bastian Brauns

T-Online

VNC chuyển ngữ

Donald Trump tại Nhà Trắng: Sắc lệnh chống lại nền dân chủ. (Nguồn: Kevin Lamarque)

Một Donald Trump với quyền lực không thể kiềm chế được. Tổng thống Hoa Kỳ làm suy yếu sự phân chia quyền lực như thế nào. – với J. D. Vance , Elon Musk và một quốc hội phục tùng bên cạnh ông.

Nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump khác với nhiệm kỳ đầu như thế nào đã có thể nhận ra sau 3 tuần điều hành. Ngay cả trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình , Trump đã cố gắng vượt quá giới hạn quyền hành pháp của mình. Đặc biệt là về thẩm quyền của quốc hội quyết định về ngân sách. Lúc đó không chỉ quốc hội mà còn một vài thành viên trong chính phủ đã phá hỏng kế hoạch của ông. Cả tòa án cũng nhiều lần ngăn chặn các dự định của ông.

Tuy nhiên trong năm 2025 thì nhiều điều khác hẳn. Trump bây giờ đã tập hợp một đội ngũ trung thành theo đuổi chương trình nghị sự của mình. Ở quốc hội những người của ông không chỉ chiếm đa số, ông còn kiểm soát cả những dân biểu và thượng nghị sĩ , những người mà trước đây cho phép mình có những ý kiến độc lập. Nếu họ chống đối, ông có thể dọa họ, sẽ đưa người ra tranh cử đối nghịch trong khu vực bầu cử của họ. Với các thẩm phán bảo thủ chiếm đa số rõ ràng tại tòa án tối cao, Trump ngoài ra còn hy vọng tòa án tối cao sẽ về phe ông khi đưa ra phán quyết sau cùng.

Với sự bảo đảm này trong tay, Trump cố gắng thực hiện các biện pháp toàn diện cùng với phó tổng thống J. D. Vance , và người đồng minh quan trọng Elon Musk. Mục đích: Mở rộng quyền lực của tổng thống Mỹ. – với một tốc độ áp đảo và gây tổn hại nhánh lập pháp và tư pháp. Nước Mỹ do đó đang trên đường tiến tới một cuộc khủng hoảng hiến pháp nghiêm trọng.

Sự phản kháng đối với sự xói mòn của sự phân chia quyền lực dường như vẫn còn hạn chế trong Quốc hội và công chúng cho đến nay. Và vì vậy, tòa án hiện đang biểu hiện như tuyến phòng thủ chính và có thể nói là cuối cùng chống lại chính quyền Trump, vốn quyết tâm hơn bao giờ hết trong việc định nghĩa lại các chuẩn mực quản trị. Đặc biệt, các thẩm phán liên bang hiện đã đưa ra một số biển báo dừng để ngăn chặn hoặc làm chậm lại ít nhất các hành động hành pháp cực đoan nhất của Trump.

Thoạt nhìn, điều này nhánh tư pháp có vẻ như là một cơ quan kiểm soát tự nhiên trong một nền dân chủ chống lại sự khống chế hành pháp. Cái gọi là “kiểm tra và cân bằng” ở Hoa Kỳ có hiệu quả.

Tuy nhiên, khi nhìn lại, rõ ràng là Trump và nhóm của ông, cùng với nhiều đảng viên Cộng hòa, đang có ý định cắt giảm mạnh mẽ vai trò của tòa án.

Bất chấp tất cả những can thiệp của tòa án, chính quyền Trump vẫn liên tục phát tín hiệu trong nhiều ngày qua rằng họ thực sự sẵn sàng làm suy yếu hoặc coi thường thẩm quyền của tòa án. Do đó, có một bầu không khí báo động ở Mỹ. Những nghi ngờ về hiệu quả của hệ thống tư pháp đang ngày càng gia tăng. Các chính trị gia và nhà bình luận nói về một cuộc chính biến và đảo chính, về chế độ chuyên chế, khủng hoảng hiến pháp và cướp chính quyền. Người ta lo sợ về điều thiêng liêng nhất ở Hoa Kỳ, Hiến pháp gần 250 năm tuổi.

Các thẩm phán liên bang Hoa Kỳ là cơ quan kiểm soát nhánh hành pháp

Chính quyền Trump đang phải đối mặt với làn sóng thách thức pháp lý chưa từng có, với hơn 40 vụ kiện từ các tổng chưởng lý tiểu bang, các công đoàn và tổ chức phi lợi nhuận thách thức những cáo buộc vi phạm Hiến pháp. Các thẩm phán đã ban hành một số lệnh tạm thời chống lại các hành động hành pháp của Trump. Những quyết định quan trọng nhất bao gồm:

Quyền công dân theo nơi sinh: Các thẩm phán liên bang đã chặn nỗ lực của Trump nhằm chấm dứt quyền công dân tự động đối với trẻ em là con của những người nhập cư không có giấy tờ. Họ đề cập đến sự bảo vệ được quy định trong Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp.

Quyền truy cập vào Bộ Lao động: Một thẩm phán liên bang đã ra phán quyết chống lại sáng kiến ​​của Elon Musk về việc cho Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) của ông tiếp cận dữ liệu nhạy cảm từ Bộ Lao động vì lý do bảo mật và quyền riêng tư.

Quyền kiểm soát Bộ Tài chính: Một thẩm phán liên bang ở New York đã hạn chế quyền truy cập của nhóm của Musk vào hệ thống thanh toán và dữ liệu của Bộ Tài chính với lý do có nguy cơ “gây ra tác hại không thể khắc phục”.

Đóng băng các khoản tài trợ của liên bang: Chính quyền Trump đã cố gắng giữ lại hàng tỷ đô la trong các quỹ đã được Quốc hội phê duyệt, một thẩm phán liên bang đã phán quyết rằng hành động này vi phạm hiến pháp đối với thẩm quyền ngân sách của Quốc hội.

Đặc biệt, Elon Musk và Phó Tổng thống Hoa Kỳ J. D. Vance đã nổi lên như những người ủng hộ mạnh mẽ trong các tuyên bố công khai nhằm hạn chế sự kiểm soát của tư pháp đối với ngành hành pháp.

J. D. Vance: “Thẩm phán không được kiểm soát”

Ví dụ, J. D. Vance đã chia sẻ một bài đăng của luật sư và nhà hoạt động bảo thủ cánh hữu Kurt Schlichter, người đã đặt câu hỏi về tính hợp pháp của các quyết định tư pháp: “Điều gì sẽ xảy ra nếu một quyết định tư pháp là bất hợp pháp? Một phần cốt lõi của khuôn khổ hiến pháp là sự khiêm tốn của tư pháp”, Schlichter viết.

Sau đó, Vance đã chia sẻ một bài đăng của luật sư hiến pháp Adrian Vermeule tại Harvard, người mơ ước về một loại chính phủ Công giáo thế giới. Vermeule lập luận: “Sự can thiệp của tư pháp vào các hành vi hợp pháp của nhà nước, đặc biệt là hoạt động nội bộ của một nhánh chính quyền có cấp bậc ngang nhau, là hành vi vi phạm nguyên tắc phân chia quyền lực.”

Phó tổng thống của Trump cuối cùng đã không còn để nghi ngờ gì nữa về suy nghĩ của ông về sự phân chia quyền lực ở Hoa Kỳ: “Các thẩm phán không được phép kiểm soát quyền lực hợp pháp của cơ quan hành pháp”, J. D. Vance đã viết.

Phó Tổng thống Hoa Kỳ J. D. Vance: Ông phản đối sự kiểm soát tư pháp không mong muốn. (Nguồn: Benoit Tessier)

Đây là những quan điểm mới nhưng không hề gây ngạc nhiên từ cấp phó của Trump. Trong một podcast năm 2021, Vance trước đây đã gợi ý rằng chính quyền Trump trong tương lai nên “sa thải mọi viên chức cấp trung, mọi công chức trong bộ máy hành chính và thay thế họ bằng người của chúng ta”. Sau đó, ông tiếp tục: “Khi tòa án ngăn cản bạn, bạn phải đứng trước đất nước, giống như [cựu Tổng thống Hoa Kỳ] Andrew Jackson đã làm, và nói rằng, ‘Chánh án đã đưa ra quyết định của mình. Bây giờ hãy để ông ấy đạt được quyết định đó.'”

Việc trích dẫn lời của cựu Tổng thống Hoa Kỳ thể hiện sự khinh thường chế giễu đối với các thẩm phán. Vào đầu thế kỷ 19, Jackson đã phớt lờ phán quyết của Tòa án Tối cao và tiến hành di dời cưỡng bức khoảng 60.000 người Mỹ bản địa, hành động này đã đi vào lịch sử Hoa Kỳ với tên gọi “Con đường nước mắt”.

Elon Musk: “Khi bạn coi thường một quyết định của tòa án”

Song song với tuyên bố của J. D. Vance, Elon Musk cũng chỉ trích nhiều biện pháp can thiệp pháp lý chống lại hành động quá mức của mình. Musk tuyên bố rằng tòa án đang bị lợi dụng để cản trở thực tế  là những hành động hành pháp hợp pháp: “Điều đang xảy ra là những người muốn tình trạng tham nhũng và lãng phí của chính phủ tiếp tục diễn ra trên khắp đất nước đang tìm kiếm một thẩm phán hoạt động để đại diện cho quyền lợi của họ”, CEO của Tesla viết.

Musk đề xuất một biện pháp quá khích: “1% thẩm phán được bổ nhiệm tệ nhất, do các cơ quan dân cử quyết định, sẽ bị sa thải mỗi năm”. Musk cho biết cách tiếp cận như vậy sẽ “lọc bỏ những thẩm phán tham nhũng và kém năng lực nhất”.

Ông chủ Tesla và SpaceX Elon Musk: Là người thực thi lệnh của Trump, ông yêu cầu được tiếp cận không bị cản trở vào hàng triệu dữ liệu. (Nguồn: Chip Somodevilla)

Ông thậm chí còn gợi ý rằng có thể cần phải phớt lờ các quyết định của tòa án: “Tôi không thích tiền lệ được thiết lập bằng cách coi thường phán quyết của tòa án. Nhưng những thẩm phán này còn để lại cho chúng ta những lựa chọn nào khác khi họ công khai bỏ qua Hiến pháp vì mục đích chính trị đảng phái của riêng họ?”

Ngay cả các thành viên Đảng Cộng hòa trong Quốc hội, chẳng hạn như Nghị sĩ California Darrell Issa, hiện cũng đang tham gia cùng Vance và Musk. Ông viết: “Hiến pháp không có điều khoản nào quy định rằng bất kỳ thẩm phán nào được trao quyền lực tuyệt đối đối với Tổng thống hoặc người dân Hoa Kỳ.”

Những tuyên bố của J. D. Vance, Elon Musk và các chính trị gia như Darrell Issa là bằng chứng cho một chiến dịch rộng lớn hơn. Mục đích rõ ràng của nó là làm mất tính hợp pháp và làm suy yếu sự kiểm soát của ngành tư pháp tại Hoa Kỳ và cuối cùng mở đường cho các hành động hành pháp hung hăng hơn và không được kiểm soát.

Ngồi tại Phòng Bầu dục ở Washington vào tối thứ Ba, Donald Trump đảm bảo rằng ông “sẽ luôn tuân thủ các phán quyết của tòa án”. Nhưng sau đó ông sẽ phải kháng cáo, điều này sẽ dẫn tới sự chậm trễ lớn. Tuy nhiên, lời nói của Tổng thống Hoa Kỳ rõ ràng trái ngược với hành động của ông. Một thẩm phán liên bang tại tiểu bang Rhode Island phán xét hôm thứ Hai rằng chính quyền Trump đã phớt lờ lệnh của tòa án yêu cầu giải ngân hàng tỷ đô la trợ cấp liên bang.

Mối đe dọa đối với cơ quan lập pháp

Diễn biến đáng báo động nhất cho đến nay trong hành trình bành trướng quyền lực của chính quyền Trump là việc tiếp quản Bộ Tài chính và kiểm soát hàng nghìn tỷ đô la trong các giao dịch tại đó. Nhiều biện pháp đe dọa đến thẩm quyền hiến định của Quốc hội đối với ngân sách.

Trong bài viết của khách mời trên tờ “New York Times” có tựa đề “Nền dân chủ của chúng ta đang bị tấn công”, năm cựu Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ – Robert E. Rubin, Lawrence H. Summers, Timothy F. Geithner, Jacob J. Lew và Janet L. Yellen – đã đưa ra cảnh báo mạnh mẽ về những diễn biến hiện tại trong tuần này. Chúng không chỉ gây nguy hiểm cho nền dân chủ mà còn cho cả an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.

Những mối quan tâm chính của các cựu bộ trưởng tài chính là:

Chính trị hóa Bộ Tài chính: Việc bổ nhiệm các chính trị gia thay vì các quan chức lâu năm để giám sát hệ thống thanh toán quốc gia gây nguy hiểm đến tính công bằng và liêm chính của cơ quan tài chính hàng đầu Hoa Kỳ.

Xung đột lợi ích và rủi ro an ninh: Những người được bổ nhiệm chính trị không phải tuân theo các quy tắc đạo đức nghiêm ngặt như công chức. Ít nhất một người vẫn có mối quan hệ với một công ty tư nhân, điều này làm tăng nguy cơ xung đột lợi ích tài chính, xử lý không đúng cách dữ liệu nhạy cảm (như số an sinh xã hội, tài khoản ngân hàng) và khả năng vi phạm lỗ hổng an ninh đối với đối thủ. Người mà được nói tới này là Elon Musk.

Rủi ro về an ninh mạng và cơ sở hạ tầng: Việc những người được bổ nhiệm thiếu kinh nghiệm trong việc xử lý cơ sở hạ tầng tài chính có thể gây nguy hiểm cho các hệ thống chính phủ nhạy cảm và dẫn đến sự cố ngừng hoạt động hoặc lỗ hổng bảo mật.

Kiểm soát chính trị bất hợp pháp đối với các khoản thanh toán của liên bang: Những nỗ lực rõ ràng của chính phủ nhằm tùy tiện quyết định khoản thanh toán nào được Quốc hội cho phép sẽ được thực hiện và khoản thanh toán nào sẽ không, đe dọa đến nguyên tắc hiến pháp rằng chỉ có Quốc hội mới kiểm soát được chi tiêu của chính phủ.

Mối đe dọa đối với các phúc lợi của chính phủ và các chương trình xã hội: Sự can thiệp vào hệ thống thanh toán có thể dẫn đến sự chậm trễ hoặc thất bại trong các phúc lợi An sinh xã hội, lương hưu của cựu chiến binh, phúc lợi chăm sóc sức khỏe, tiền lương của nhân viên liên bang và binh lính, và tiền lãi trái phiếu chính phủ, ảnh hưởng đến hàng triệu người Mỹ.

Mối đe dọa đến uy tín tài chính của Hoa Kỳ: Bất kỳ hành động đình chỉ thanh toán có chọn lọc nào cũng sẽ cấu thành hành vi vi phạm lòng tin và bị coi là một hình thức vỡ nợ. Điều này có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín và sự ổn định tài chính của chính phủ Hoa Kỳ cả trong nước và quốc tế.

Những cảnh báo này từ năm cựu Bộ trưởng Tài chính chỉ là những lời cảnh báo nghiêm trọng nhất trong một loạt những lời kêu cứu ngày càng cấp bách ở Mỹ. Trump, Musk và Vance quyết tâm củng cố quyền lực của mình. Khi đối mặt với những tuyên bố chống tư pháp của phó tổng thống, tổng thống Hoa Kỳ gần đây chỉ nói với các phóng viên ở Washington: “Tôi không biết các ông bà đang nói gì. Các ông bà có biết không?”