Nguyễn Cát Thịnh
Nó và tôi không xa lạ. Thời sinh viên, tôi là gia sư của anh em nó. Trái với đứa anh, nó thông minh, có cá tính, nhưng ham chơi biếng học. Tôi mất nhiều thì giờ dậy dỗ nên nhớ nó rất rõ.
Sau cuộc biển dâu, gặp lại nhau trên đất khách quê người. Dù nó đã lột xác, tôi vẫn nhận ra.
Thật là thích thú được nghe câu chuyện đời tư của nó.
Tôi chỉ viết lại theo lời kể, không thêm bớt.
Ghi chú: nhân vật xưng “Tôi” chính là nó.
***
TÀI XẾ VÀ TIỂU THƠ
Tôi là một người Việt gốc Hoa. Nhà tôi có 3 anh em. Trên tôi là anh Hai, hơn tôi gần 2 tuổi. Dưới tôi là gái út, kém tôi 4 tuổi.
Thuở nhỏ, tôi và anh Hai học cùng lớp. Anh sáng dạ, học rất khá. Tôi lười học, chỉ giỏi mầy mò tháo ráp máy móc, thích đánh lộn..
Đến tuổi quân dịch, anh Hai nhận được giấy gọi nhập ngũ. Anh buồn lắm, nhìn thấy tương lai mờ mịt, suốt ngày than thở. Thương anh phải bỏ dở chuyện học hành, tôi ngỏ lời tình nguyện đi thay. Tôi và anh hoán đổi lý lịch.
Sau này, dù đáo hạn tuổi, anh vẫn được hoãn dịch, lý do gia cảnh, vì anh trở thành con trai duy nhất còn lại trong gia đình.
Cha mẹ đồng ý.
Phường khóm chỉ biết chúng tôi với những cái tên ở nhà nên khi tôi cầm giấy tờ của anh trình diện, không ai nghi ngờ. Vả lại, anh em tôi nhìn không khác nhau nhiều.
Sau khi mãn khoá quân trường, ông nội lo lót cho tôi về phục vụ trong ban quân xa của một đơn vị ngoại thành.
Một dịp ngẫu nhiên, tôi được điều động đi sửa chữa khẩn cấp xe jeep của một vị sĩ quan cấp tá chết máy khi đang trên đường công tác. Thấy tôi nhanh nhẹn, tay nghề vững chắc, vị sĩ quan rất hài lòng. Mấy tuần sau tôi nhận được sự vụ lệnh thuyên chuyển về làm tài xế cho vị sĩ quan đó.
Cuộc đời tôi bước vào một ngã rẽ, và số mệnh đã được định đoạt từ đây.
Ngoài công tác lái xe, tôi được ông Tá (tên vị sĩ quan) xem như người nhà. Khi rảnh rỗi, tôi tình nguyện giúp sửa chữa những việc lặt vặt tại tư gia của ông. Thỉnh thoảng được mời ngồi ăn cơm chung với gia đình.
Ông bà có 4 người con, 2 trai 2 gái. Tất cả đều học trường Pháp. Cô gái lớn tên Sylvie xinh đẹp, có dáng dấp khỏe mạnh tây phương, rất tự nhiên với tôi. Nhưng tôi thì không tự nhiên khi tiếp xúc, có cảm tưởng cô chỉ xem tôi như một gia nhân. Tự ti mặc cảm, tôi chấp nhận, không thắc mắc.
Một ngày nọ, bà Tá bận việc không đón cô tan học như thường lệ nên ông Tá nhờ tôi.
Hôm đó trời mưa tầm tã suốt buổi.
Chiếc xe jeep nhà binh không có vạt che 2 bên, mưa tạt mạnh vào trong. Trông cô như một tài tử đang diễn cảnh vừa rơi xuống hồ bơi mặc nguyên quần áo, bước lên xe. Run rẩy.
Chiếc chemise trắng và chiếc jupe vàng dán sát làm phông, nổi bật nội y. Lồ lộ một bông hoa đang hé nở. Toàn thân phác họa sẵn những đường nét hình thành một thần vệ nữ tương lai.
Tôi không ướt nhiều mà cũng run rẩy. Mặt nóng bừng bừng, mê man trong cơn sốt ảo.
Chỉ đến khi cô nhắc cho xe chạy tôi mới sực tỉnh.
Tôi cởi chiếc áo khoác lính đưa cô che đậy. Tránh ánh mắt nhìn hau háu, chiêm ngưỡng, ghen tỵ của những chàng trai qua đường.
Tôi sung sướng suốt mấy ngày. Cười nói huyên thuyên. Chiếc áo khoác tôi treo sát đầu giường, không bao giờ phơi, không bao giờ giặt. Hương thơm phảng phất cho tôi quên hết mệt nhọc sau ngày dài làm việc và ban đêm dìu tôi vào giấc ngủ dễ chịu êm ái nhất.
Hình ảnh hôm ấy của cô khắc sâu trong tâm trí. Nếu là họa sĩ tôi có thể vẽ không thiếu một chi tiết.
DI TẢN VÀ ĐỊNH CƯ
Ngày di tản. Dòng người hối hả chen lấn xô đẩy khi chiếc máy bay chưa kịp ngừng hẳn. Tôi xách 2 chiếc vali định trao cho ông Tá rồi trở về nhưng bị chèn ép, không thoát ra được. Bị nhét vào bên trong máy bay, trở thành người di tản bất đắc dĩ.
Chúng tôi được định cư ở Grand Rapids thuộc tiểu bang Michigan.
Tại Mỹ, tôi hội nhập dễ dàng hơn gia đình ông bà. Hội nhà thờ giới thiệu tôi và ông Tá làm công nhân trong một xưởng sản xuất phụ tùng xe hơi. Tôi học thêm nghề hàn, sống khá thoải mái. Bà Tá vẫn còn hoài niệm mệnh phụ phu nhân, không chấp nhận lao động chân tay. 4 người con được xếp vào các lớp học theo độ tuổi.
Trong hãng xưởng có nhiều công nhân Việt Nam thuộc đủ mọi thành phần xã hội. Buổi ăn trưa chúng tôi thường tách thành nhóm riêng, nói tiếng Việt rôm rã.
Một hôm, có một thanh niên không hiểu sao sừng sỏ, nói bóng gió, ở VN làm tướng làm tá hách dịch, qua đây thằng nào cũng như thằng nấy, cũng cu li như nhau. Tôi không dằn được cơn giận, định dậy cho anh ta một bài học nhưng ông can ngăn.
Tôi lớn tiếng, ông thầy tôi đã ngã ngựa nhưng vẫn khí khái. Không nề hà công việc nào, miễn là lương thiện, anh phải kính phục hơn là khinh thường. Hơn nữa tuổi của ông ta bằng tuổi cha chú của anh, anh không được hỗn xược gọi ông là thằng.
Mọi người vỗ tay hoan nghênh, anh ta xấu hổ bỏ đi, từ đó bị tất cả xa lánh.
Ông Tá lủi thủi bước, cúi mặt, nói với chính mình, “Thằng ông lưu vong ơi, đã đủ nhục chưa?”.
Cô Sylvie bỏ học, theo đám bạn bè cùng lứa, sống bầy đàn khiến ông bà phiền lòng không ít. Ông vốn sống lặng lẽ lại càng lặng lẽ. Tôi là người duy nhất hầu chuyện ông, giúp ông khuây khỏa.
Có lần ông nói với bà mà tôi vô tình nghe được, phải chi con Sylvie chịu lấy thằng … thì đâu đến nỗi.
Bà trừng mắt nói, ông muốn gả con gái ông cho ai? Cho nó ư? Nó chỉ là thằng lính tài xế!
Ông nhỏ nhẹ, tuy thế nó biết trên dưới, biết lễ độ, biết chí thú làm ăn, không khá hơn cái đám bạn bè ăn chơi của con bà ư?
Tôi không khỏi suy nghĩ. Tự nhủ, phải quyết tâm tìm chút công danh cho mở mắt với đời. Tôi dành thời giờ buổi tối, ôn luyện chương trình trung học. Sau đó nhờ bà láng giềng tốt bụng hướng dẫn ghi danh học ở Kalamazoo Valley Community College 2 năm và tiếp theo 2 năm nữa ở University of Michigan-Flint.
Bốn năm học tập vất vả rồi cũng qua. Tôi nhận được văn bằng tốt nghiệp Cử nhân Khoa học Kỹ thuật Cơ khí. Ông Tá chúc mừng, đãi tôi bữa cơm thân mật. Ông nói với bà:
-Bà thấy chưa? Mỹ là đất nước của cơ hội. Mọi người đều bình đẳng. Có ý chí phấn đấu sẽ thành công. Từ thằng tài xế nó đã trở thành ông kỹ sư. Không tiến thủ, ỷ lại, sẽ bị bỏ rơi phía sau như con gái bà. Đấy! Cô tiểu thơ của bà, dân trường tây trường đầm bây giờ có ra gì!
Bà Tá tỏ vẻ bất cần, không đáp trả.
Tôi tìm được công việc mới, phù hợp với khả năng. Ông Tá thay đổi công việc vài lần rồi tới tuổi hưu trí.
Mỗi cuối tuần tôi đều rủ ông đi uống cà phê, đi câu cá, đi ăn ngoài hoặc đi gặp các bạn già của ông.
Ông rất quý mến tôi. Riêng tôi vẫn kính trọng ông như ngày xưa, nói với ông, tôi lúc nào cũng là lính của ông.
Tôi âm thầm theo dõi sinh hoạt của cô Sylvie, vẫn tôn thờ thánh nữ của tôi. Đồng thời cùng chia sẻ sự lo lắng của ông bà Tá.
Tôi hứa với cô, bất cứ khi nào cô cần đều có tôi, không điều kiện. Những lần cô gọi tôi giúp giải vây đám côn đồ, tôi đều hăng hái. Cô xem đó như là nhiệm vụ của tôi phải bảo vệ cô. Buồn ít nhưng vui nhiều.
ĐÔI MẮT TIỂU THƠ
Những năm sau này tôi nhận ra mắt thường bị khô, cộm. Đôi lúc nhạy cảm với ánh sáng, nhất là với ánh sáng chói. Tôi nghĩ, có lẽ do hậu quả của thời gian làm nghề hàn nên không quan tâm.
Tôi hối hận đã không mua thêm bảo hiểm cho dịch vụ khám mắt định kỳ, ngoài Medicaid của tiểu bang. Nếu được phát hiện sớm tôi đã không lâm vào hoàn cảnh ngặt nghèo.
Cho đến khi thị lực giảm, nhìn mờ. Soi gương thấy có đốm trắng trên giác mạc, tôi hoảng hốt, đến bệnh viện nhãn khoa khám thì tỉnh trạng đã khá nghiêm trọng.
Bác sĩ chẩn đoán thoái hóa giác mạc nặng, thị lực có thể suy giảm theo thời gian. Nguy cơ mù vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời.
Các loại thuốc nhỏ mắt và thuốc nhỏ nước mắt nhân tạo chỉ giúp giảm khô mắt và bảo vệ giác mạc tạm thời.
Hai giải pháp được bác sĩ đưa ra. Hoặc cấy ghép mô nhân tạo bằng phương pháp hiện đại giúp tái tạo giác mạc, hoặc phẫu thuật ghép giác mạc của người hiến tặng. Giải pháp thứ hai có lẽ thích hợp với tôi hơn, nhưng danh sách chờ ghép quá dài, vì hiếm nguồn hiến tặng.
Tôi được giới thiệu ghi danh tại chi nhánh của tổ hợp “Northwest Eye Surgeons” ở Chicago, với hy vọng rất mỏng manh.
Tin dữ ập đến với gia đình ông bà Tá. Cô Sylvie bị tai nạn giao thông! Tình trạng nguy kịch. Bệnh viện tiên liệu xấu, khó qua khỏi. Gia đình họp khẩn cấp. Không ai giữ nổi bình tĩnh ngoại trừ ông Tá.
Tôi nghe tin mà bất lực, mắt đã mờ hẳn, không thể di dịch xa như ý muốn. Cậu em trai của cô chở tôi đến bệnh viện gặp mọi người.
Cô Sylvie đã chết não. Bà Tá khóc lóc thảm thiết, ôm con nói trong nước mắt ràn rụa, con tôi chết trẻ, chết oan uổng, làm sao có thể nhắm mắt.
Ông Tá nghe thế, đột nhiên có một ý nghĩ nảy sinh trong đầu. Ông đề nghị hiến giác mạc của cô Sylvie cho tôi để cặp mắt của cô sẽ sống mãi.
Bà Tá không đồng ý nhưng dưới áp lực và lời khuyên chân thành cuối cùng chấp nhận.
Quá bất ngờ, tôi không kịp suy nghĩ, bất động, cảm kích không nói nên lời.
Việc lấy giác mạc phải được thực hiện trong vòng 6-24 giờ sau khi người hiến qua đời để bảo đảm chất lượng mô nên xe cứu thương đưa xác cô Sylvie và tôi đến bệnh viện nhãn khoa “Northwest Eye Surgeons” tức thời.
Cuộc phẫu thuật thành công như mong đợi. Ghép giác mạc là một phẫu thuật ngoại trú.
Sau khi theo dõi vài giờ, không thấy có nguy cơ biến chứng, tôi đã được xuất viện cùng ngày. Phải giữ băng mắt trong 2 ngày và dán nắp kính bảo hộ khi ngủ, để tránh vô tình chạm dụi mắt.
Sau 2 ngày thì tháo băng. Không có cảm giác khó chịu và sưng nên tôi lại nhờ cậu em trai đưa về nhà ông bà Tá để cảm ơn tấm lòng nhân đạo bao la của ông bà và cũng để đến trước di ảnh cô Sylvie thành tâm tưởng nhớ.
Ông bà muốn xem đôi mắt tôi nhưng không được vì vẫn còn mang kính do nhạy cảm với ánh sáng và chảy nước mắt. Chỉ khi thị lực ổn định mới được để mắt trần.
Điều kỳ lạ, mỗi khi nhìn vào gương, tôi không thấy chính mình, mà thấy hình bóng cô Sylvie. Đôi mắt ấy, cái nhìn ấy – là của cô!
Mỗi lần nhắm mắt, tôi đều cảm nhận như cô vẫn ở bên cạnh, cười với tôi, nói chuyện với tôi bằng chính đôi mắt đó.
Bà Tá vẫn chưa hoàn toàn chấp nhận sự thật. Bà không biểu lộ thiện cảm với tôi vì nghĩ tôi không xứng với con gái bà. Nhưng giờ đây, mỗi lần nhìn tôi, bà lại thấy đôi mắt ấy – đôi mắt của cô Sylvie, trong veo mà day dứt.
Có lần bà buồn bã nhìn tôi, chợt hỏi:
– Dạo này… con có nhớ Sylvie nhiều không?
Tôi sững lại. Bà chưa từng gọi tôi là “con”. Tôi khẽ gật đầu:
– Mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút bà ạ.
Bà Tá im lặng nhìn tôi. Gọi tôi là con nhưng có bao giờ bà xem tôi như con đâu. Giờ đây, từng ánh nhìn, từng cử chỉ của tôi đều gợi cho bà hình bóng cô Sylvie. Có lẽ, định mệnh đã sắp xếp để chàng trai này cùng chung sống với một phần cơ thể của con gái bà.
Một buổi chiều muộn, tôi ghé thăm nhà. Ông Tá ra mở cửa, vỗ nhẹ lên vai tôi, vẫn ánh mắt ấm áp:
– Vào đi con, lâu rồi sao con không tới ăn cơm với gia đình?
Căn nhà từng đóng kín cửa vì nỗi đau mất con, hôm nay lại mở rộng với tôi. Bước vào, thấy trên bàn thờ di ảnh cô Sylvie, rạng rỡ như ngày nào. Tôi khẽ cúi đầu, thì thầm trong lòng:
-Cô…, cô vẫn đang đồng hành củng tôi trên con đường đời, đúng không?
Ngoài hiên, gió nhẹ lay lay những chùm hoa giấy, nghe như tiếng động gật đầu.
Từ ngày bước vào căn nhà của ông bà với tư cách một người thân, tôi dần quen với sự hiện diện của bà và ông trong cuộc đời mình.
Bà Tá vẫn không thể gọi tôi là “con rể”, nhưng sự quan tâm của bà dành cho tôi không khác gì mẹ lo cho con.
Bà kín đáo quan sát tôi. Mỗi lần đến thăm, bà đều cho tôi thưởng thức những món ăn Sylvie từng thích.
Đôi khi bà hỏi han chuyện công việc của tôi, rồi chuyện nọ chuyện kia. Nhắc nhở tôi giữ gìn sức khỏe.
Tôi không biết từ khi nào tôi đã trở thành một thành viên của gia đình ấy.
Mỗi khi ở bên ông bà, tôi cảm thấy gần cô Sylvie hơn, như thể cô vẫn hiện diện đâu đây, qua từng món ăn, từng bức ảnh, từng kỷ niệm nhỏ mà mọi người kể lại.
Sau ca ghép giác mạc, tôi phát hiện ra một điều lạ lùng. Đôi mắt tôi không chỉ giúp tôi nhìn rõ hơn mà dường như còn chứa đựng một phần ký ức.
Có những lúc mơ màng, mơ mà như thực. Tôi thấy mình lái xe dưới cơn mưa tầm tã đón cô ở cổng trường, thấy bàn tay mình cầm một cuốn sổ nhỏ với những dòng chữ quen thuộc tôi chưa từng viết.
Một đêm nọ, tôi giật mình tỉnh dậy, tim đập thình thịch. Trong giấc mơ, tôi thấy mình đang đứng trước gương, nhưng khuôn mặt phản chiếu không phải của tôi, mà là của cô. Cô cười vui, hàm răng trắng bóng, ánh mắt tràn đầy yêu thương.
– Cô vẫn ở đây, bên tôi, đúng không? Tôi lẩm bẩm, nhìn chằm chằm vào gương.
Đôi mắt trong gương loé lên ánh nhìn linh động. Không có tiếng trả lời, nhưng tôi có cảm giác như cô đang mỉm cười với tôi qua chính đôi mắt ấy.
Tôi không kể điều này với ai. Tôi sợ nếu nói ra, người ta sẽ bảo tôi bị bệnh hoang tưởng. Dần dần cảm giác đó không ám ảnh nữa. Nó trở thành một sự hiện hữu quen thuộc, một niềm an ủi đích thực.
Tôi không còn thấy cô đơn, vì biết rằng cô vẫn ở bên tôi, theo một cách đặc biệt.
Bà Tá lúc đầu vẫn giữ khoảng cách với tôi, nhưng càng ngày, bà càng thấy hình ảnh của chính con gái mình rõ nét hơn trong từng ánh mắt, từng cử chỉ của tôi.
Bà lặng lẽ nhìn tôi chăm sóc chậu hoa giấy con gái bà từng yêu thích, thấy tôi cẩn thận lau chùi từng món đồ kỷ niệm của Sylvie, thấy tôi thỉnh thoảng lặng người nhìn về phía bàn thờ, như đang trò chuyện với cô.
Một hôm trong bữa cơm, bà bỗng giật mình, dí sát, nhìn vào mắt tôi, rơi cả đũa. Ảo giác khiến bà lạc giọng:
– Đúng rồi! Đúng đứa con gái bé nhỏ của mẹ đây rồi! Con tôi đã trở về! Con tôi! Mẹ đã thấy con trong đôi mắt con. Mẹ…mẹ muốn…cho mẹ ôm con vào lòng…
Bà giang hai tay ôm một chiếc bóng vô hình rồi hôn lên mắt tôi. Bà nếm những giọt nước mắt lăn dài mà tôi không biết chảy từ lúc nào.
Bà nói trong nước mắt:
-Cứ khóc đi con! Mẹ và con cùng khóc ! Những giọt nước mắt hạnh phúc của hai mẹ con mình!
Qua cơn xúc động, bà trìu mến hôn lên mắt tôi một lần nữa:
-Hay là con dọn về ở đây đi. Mẹ muốn thấy con của mẹ mỗi ngày.
Rồi giọng bà mềm đi:
–Ừ!, mẹ biết… con thương Sylvie. Con hãy xem nơi này như nhà nghe con.
Tôi nghẹn lời. Đã vài lần bà gọi tôi là “con”, nhưng lần này gọi con xưng mẹ một cách tự nhiên. Cảm giác nhận được chân tình của bà tràn ngập trong lòng, tôi khẽ gật đầu.
Từ hôm đó, tôi qua lại nhà ông bà hàng ngày. Tôi chăm sóc họ như cha mẹ mình, còn họ xem tôi như con trong gia đình. Bà không khách sáo, mà dần chấp nhận sự thật.
Bằng tâm linh, con gái bà vẫn tiếp tục sống trong thế giới này, với đôi mắt ấy, thông qua chàng trai trước mặt bà.
Thời gian trôi qua, tôi vẫn không yêu ai khác. Trong lòng tôi, cô chưa bao giờ rời xa.
Tôi vẫn giữ thói quen đi dạo trên những con đường cô từng đi, vẫn giữ quyển sổ nhật ký của cô bên mình, dù chưa một lần mở ra. Tôi sợ biết những điều không muốn biết.
Một buổi chiều, khi đang ngồi bên hiên nhà ngắm nhìn hoa giấy bay trong gió, bà Tá chợt hỏi:
– Con vẫn không định tìm một ai khác sao?
Tôi mỉm cười lắc đầu. Không cần phải nói gì thêm, vì bà đã hiểu.
– Thôi được rồi… Bà thở nhẹ, không còn băn khoăn như trước. Dù sao thì, con vẫn là con của gia đình.
Tôi nhìn bà, cười tươi. Tôi biết, dù cô đã không còn, nhưng tôi thay chỗ cô trong gia đình, vẫn cùng cô đi đi về về.
Và dẫu cuộc sống có ra sao, tôi vẫn luôn mang theo đôi mắt tiểu thơ, để nhìn thế gian này bằng ánh mắt của cô, để yêu thương mọi thứ theo cách cô từng yêu thương.
Hoàng hôn buông xuống, nhuộm vàng cả khung trời. Qua làn gió thoảng, dường như có ai đó đang cười bằng mắt.
***
Đồng cảm, người viết gửi tặng người trong truyện mấy câu:
Một đôi mắt, nhập hai tâm hồn,
Vui buồn cười khóc với thế nhân.
Sống-chung đời-lòng thề không đổi,
Nhắm mắt cùng nhau lúc lìa trần.
Nguyễn Cát Thịnh
Ngày 10 tháng 2 năm 2025