Seite auswählen

„Về nguyên tắc đảng lãnh đạo, cần hiểu rằng đây là sản phẩm đặc thù của khối xã hội chủ nghĩa và những nước độc đảng, độc tài…

 

Dân phải chấp nhận sự lãnh đạo ấy, bởi muốn khác cũng không được. Đảng là một dạng siêu nhà nước, siêu chính phủ, nắm tất cả mọi thứ lớn nhỏ, chuyện trong nước ngoài nước, từ trung ương tới thôn ấp.“

 

 Nguyễn Thông

 

 

Đã từ lâu ở nước này, bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị được xác định và tồn tại theo nguyên tắc “đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.

 Đảng lãnh đạo thì quá rõ, thậm chí còn được ghi vào hiến pháp (điều 4). Nhà nước cũng vậy, chính phủ và chính quyền các cấp không chỉ quản lý mà còn trực tiếp làm đủ mọi chuyện to nhỏ, nếu đúng thì dân-nước được nhờ, sai thì dân-nước gánh chịu. Còn dân có được làm chủ hay không thì rất mơ hồ. Mơ hồ như người ta thường nhắc tới dân chủ vậy.

 

Phụ vào với đảng còn có cả hệ thống trùng điệp đoàn thể, hội này hội nọ, tay phải tay trái, tạo nên cái gọi là hệ thống chính trị. Ở xứ này, chính trị là thống soái, không có thứ gì lọt khỏi vòng chính trị, kể cả cơm ăn áo mặc. Làm gì có chuyện vô chính trị, không quan tâm, thờ ơ với chính trị. Làm thơ, viết nhạc còn phải vuốt ve chính trị nữa là. Không tin cứ hỏi các nhà thơ, nhạc sĩ.

 

Lứa chúng tôi, khi sinh ra đảng đã có rồi. Mặc nhiên nghĩ “đảng là cuộc sống của tôi/mãi mãi đi theo người” khi loa đài, báo chí, sách vở tuyên truyền như vậy suốt ngày, chỉ trừ lúc đã ngủ.

 

Hầu như ai cũng biết, dưới đảng còn có nhà nước (một thực thể rất chung chung, không thể hình dung nó là thứ gì, như thế nào, ngoài sự cụ thể có chủ tịch và phó chủ tịch nước) ; quốc hội (cơ quan cao nhất của quốc gia, nhưng trên thực tế thì rất thấp, đến nỗi khi ghi danh sách tứ trụ thì chủ tịch quốc hội chỉ được xếp thứ 4, hạng chót) ; chính phủ, còn gọi là cơ quan hành pháp (thực hành pháp luật), đứng đầu là thủ tướng, dưới thủ có các phó thủ, đội ngũ bộ trưởng, thứ trưởng.

 

Dưới nữa là chủ tịch ủy ban hành chính (dân đùa gọi thành “hành là chính”, về sau bề trên thấy nhột đổi thành ủy ban nhân dân) các tỉnh/thành phố, các quận huyện, phường xã. Có lẽ trong bộ máy đông đảo ấy, chỉ duy nhất trưởng thôn/ấp/khu phố là không được tính vào danh sách 70 % mà ông Tô Lâm đã chỉ thẳng ra. Vừa rồi đứa cháu tôi bảo trưởng thôn không được coi là cán bộ, không có lương nhưng gần đây được điều chỉnh hưởng phụ cấp cao phết, mà tiền ấy cũng từ ngân sách, ông nhé. Tự dưng tôi đâm nghi cái con số 70 kia.

 

Về nguyên tắc đảng lãnh đạo, cần hiểu rằng đây là sản phẩm đặc thù của khối xã hội chủ nghĩa và những nước độc đảng, độc tài. Chỉ có một đảng thì đương nhiên đảng đó được quyền lãnh đạo, chứ chả nhẽ giao cho ai. Liên Xô, Trung cộng, Cuba, Lào, Việt Nam… đều vậy. Dân phải chấp nhận sự lãnh đạo ấy, bởi muốn khác cũng không được. Đảng là một dạng siêu nhà nước, siêu chính phủ, nắm tất cả mọi thứ lớn nhỏ, chuyện trong nước ngoài nước, từ trung ương tới thôn ấp.

 

Ở Việt Nam, đảng được ghi rõ ràng trong hiến pháp là lực lượng quyết định mọi thắng lợi của cách mạng. Chỗ này xin nói thêm, xứ ta việc gì cũng được coi là cách mạng, chiến dịch, kể cả tiêm chủng, sinh đẻ có kế hoạch… đều cách mạng hết. Mà đã làm điều này nọ thì luôn có thành bại, nhưng đảng chỉ nhận phần thắng lợi.

 

Đảng lãnh đạo toàn diện, mọi mặt, nên đã hình thành bộ máy cơ quan, tổ chức đảng từ trung ương tới địa phương, trong mọi lĩnh vực, mọi hệ thống (lập pháp, hành pháp, tư pháp ; các ban bộ ngành, quân đội, công an, tòa án, viện kiểm sát, công ty, trường học, đoàn thể…). Tôi đố ông bà nào chỉ ra được ví dụ một thực thể dạng ấy mà không có bộ máy đảng đó.

 

Tồn tại trùng lặp, chồng chéo, dư thừa, dẫm lên nhau, nên cái gì cũng nhân đôi, phình gấp đôi. Kể cả con người, trụ sở, trang bị, công cụ…, và nhất là tiền bạc ngân sách nuôi. Trụ sở đảng thường to hơn cả trụ sở chính quyền (ủy ban), quyền hành quyền lực người đứng đầu đảng mặc nhiên lớn hơn chủ tịch, tiền lương bên đảng luôn cao hơn bên hành pháp. Chia ra nhưng cũng chỉ làm mỗi việc lo cho nước cho dân.

Đó là sự thực tồn tại quá lâu rồi. Người dân đều biết nhưng không dám nói. Các trí thức, học giả, giáo sư tiến sĩ, ông nọ bà kia cũng biết cả nhưng cứ ngậm tăm, họ đợi ông Tô Lâm phát ngôn đã rồi mới ùa nhau xông ra, lý luận phải thế này, phải thế nọ ; vừa an toàn, vừa cấp tiến.

 

Cuộc đổi mới lần này đang ẩn chứa hy vọng, dĩ nhiên kết quả thế nào còn phải chờ. Có thể là cuộc sinh nở dữ dội, đổi thay gần tận gốc (chỉ gần thôi, bởi kết luận của hội nghị trung ương 11 khóa 13 đã khẳng định gốc vẫn như cũ rồi). Nhưng biết đâu cũng chỉ như cuộc cách mạng ở làng Mùi mà Lỗ tiên sinh đã tả.

 

 NGUYỄN THÔNG 

(Bàn trà Chủ nhật – 6)

14.04.2025