Seite auswählen

Đoàn Dự

THƯA QUÝ BẠN, cách đây khoảng 12 – 13 năm, khi nhạc sĩ Tô Vũ còn sống, bà Q.Việt “Nữ công gia chánh” ở bên Úc, hình như sang chơi bên Mỹ, có gửi cho tôi 200 đôla Mỹ nhờ tôi chuyển giùm cho nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý (tác giả bản nhạc Dư Âm chắc quý bạn vẫn còn nhớ) và nhạc sĩ Tô Vũ (tác giả bản nhạc Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa), mỗi người 100 đô la. Sau đó bà gọi điện thoại cho biết bà quen với hai vị nhạc sĩ này từ khi còn ít tuổi và vẫn nghe nhạc của họ.

Nhạc sĩ Tô Vũ


Nhà nhạc sĩ Tô Vũ ở đường Lê Văn Sỹ tức đường Trương Minh Giảng cũ, Sài Gòn; còn nhà nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý ở đường Nguyễn Phi Khanh gần chợ Tân Định. Cả hai vị lúc tôi đến trao tiền đều đã ngoài 80 tuổi (NS Tô Vũ sinh năm 1923, lớn hơn NS Nguyễn VănTý 2 tuổi) nhưng rất vui tính, thích kể những kỷ niệm thời còn trẻ tuổi, nhất là các kỷ niệm về tình yêu khiến các vị viết nên những bản nhạc trữ tình mãi mãi đi sâu vào lòng người. 


NS Tô Vũ có lối kể chuyện rất hấp dẫn, nghe không biết chán, trong khi đó tôi lại ưa tò mò, thích tìm hiểu những điều mình vẫn thắc mắc. Ví dụ tôi hỏi ông rằng tên thật của ông là Hoàng Phú – em ruột của nhạc sĩ Hoàng Quý -như vậy cả hai anh em đều họ Hoàng, tại sao ông lại lấy bút hiệu là “Tô Vũ” nghe như nhân vật… Tô Vũ chăn dê trong truyện Chiêu Quân cống Hồ bên Tàu? Ông cười ha hả và nói: “Ấy đấy, bút hiệu của tớ đúng là “Tô Vũ chăn dê” đời Hán bên Tàu thật đấy. Chả là vì khoảng năm 1946, lúc ấy tớ 23 tuổi, đi kháng chiến, lên Việt Bắc, làm cán bộ văn hoá, văn nghệ. 

Theo kháng chiến tất nhiên thời đó anh nào cũng nghèo, có gì mặc nấy. Đã vậy tớ lại hay đội chiếc mũ dạ cũ, thủng lỗ, tay chống cây gậy tre để đi rừng cho tiện. Anh em thường nói đùa: “Trông cậu giống như Tô Vũ chăn dê mà chả có con dê nào cả…”. Họ nói đùa riết rồi quên mất cái tên thật Hoàng Phú của tớ mà quen miệng gọi là “Tô Vũ chăn dê”, tớ thấy cũng hay hay. Năm sau, 1947, tớ làm bản nhạc Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa, chẳng biết đề bút hiệu là gì, thôi thì lấy đại cái tên Tô Vũ cho rồi. Không ngờ cái tên đó trở thành bút hiệu suốt đời của tớ…”.


Thì ra thế. Ở đời, có những chuỵện nho nhỏ, bất ngờ nhưng nó trở thành  vĩnh viễn mà người ta không tưởng tượng được. Tôi xin lấy ví dụ, nhà văn kiêm học giả Toan Ánh (1913 – 2009), giảng viên Đại học Huế và Đại học Vạn Hạnh. Ông đã viết tới hơn 20 tác phẩm rất nổi tiếng tại Sài Gòn trước năm 1975, cả về nghiên cứu văn học, phong tục tập quán Việt Nam lẫn tiểu thuyết.. 

Đặc biệt là ông rất yêu cô hoa khôi mới 17 tuổi tại quê nhà Bắc Ninh và cũng năm ấy hai người kết hôn. Vì còn nhỏ tuổi nên “nàng” có thói quen gọi chồng bằng mấy tiếng “Anh Toán ơi” hết sức ngọt ngào. Sau khi di cư vào Nam năm 1954, ở tại Sài Gòn rồi dần trở thành một giảng viên đại học, một nhà nghiên cứu và một nhà văn, nhưng khi viết và xuất bản sách, ông vẫn lúng túng chưa biết mình nên lấy bút hiệu gì. Cuối cùng, vốn rất yêu vợ, ông bèn đổi hai tiếng “Anh Toán” vợ vẫn gọi thành “Toan Ánh” theo kiểu nói lái ngoài Bắc và hai tiếng đó trở thành bút hiệu của ông mãi mãi.

Tuy nhiên, “ý tại ngôn ngoại”, nhiều khi ý của tác giả một khác mà mọi người hiểu lầm, nghĩ theo cách khác. Ví dụ cụ Thượng Sĩ (thân phụ của Sài Gòn Cô Nương, một nhà báo hiện nay). Cụ là một nhà văn, nhà báo viết rất nhiều sách nhưng tại cụ ký tên là “Thượng Sĩ”, hơn nữa lại viết nhiều cho báo Tiền Tuyến và báo Quân Đội VNCH trước năm 75 nên nhiều người tưởng lầm cụ là một thượng sĩ quân đội. 

Sự thực không phải như thế, theo quan niệm của các cụ ta ngày trước, “sĩ” hay “kẻ sĩ” là người đi học hoặc có học vấn uyên thâm. “Sĩ” gồm 3 bậc: “thượng sĩ” là bậc cao nhất, biết nhiều hiểu rộng, đạo cao đức trọng được quý trọng nhất; thứ nhì tới “trung sĩ” và thứ ba là “hạ sĩ”, bậc “sĩ” thấp nhất. Thân phụ của Sài Gòn Cô Nương ký bút hiệu “Thượng Sĩ” là ý rất cao nhưng ítngười hiểu được ý đó.

Trở lại câu chuyện hai anh em nhạc sĩ Hoàng Quý và Tô Vũ với bản nhạc “Cô láng giềng” bất hủ, một bản nhạc đã vô tình gây nên sự “mang tiếng oan” cho “cô láng giềng” xinh đẹp rất thân yêu của vị nhạc sĩ tài hoa nhưng mệnh yểu này. (NS Hoàng Quý mất năm 1946 do bạo bệnh, khi mới 26 tuổi). 


                           Hoàng Quý và cuộc tình không đẹp như mơ

Có khá nhiều bài báo trong nước tạo nên sự hiểu lầm, khiến người ta nghĩ là Hoàng Quý bị tình phụ, đại loại như câu chuyện dưới đây:

Nhạc sĩ Hoàng Quý

   
… Nhạc sĩ Hoàng Quý là người Hải Phòng, sinh năm 1920. Ông là người yêu văn nghệ từ nhỏ nhưng không có tiền đi học nên thường leo tường nhìn vào vũ trường, vừa xem vừa học lỏm. (Sự thực anh em NS Hoàng Quý không “học lỏm” mà có thầy dạy đàng hoàng, một trong các thầy dạy đó là NS Lê Thương, tác giả ba nhạc phẩm “Hòn Vọng Phu”- ĐD). Cuộc sống của ông khá chật vật, năm 16 tuổi, thân mẫu qua đời, là anh cả nên Hoàng Quý phải cáng đáng mọi việc, kể cả nuôi dạy, chăm lo cho các em. 

Ông là một trong số rất ít nhạc sĩ tiên phong sáng tác hùng ca, lịch sử ca và nhạc cho thanh niên. Mặc dù là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng nhưng nhắc đến Hoàng Quý, mọi người đều nhớ đến nhạc phẩm Cô láng giềng. Bài hát gắn liền với tên tuổi của ông khởi nguồn từ một chuyện tình buồn.

Chuyện kể rằng, người con gái ấy có dung nhan mỹ miều. Cô được tôn vinh là hoa khôi của phố Cảng Hải Phòng lúc bấy giờ, không đếm xuể người si mê, thương thầm nhớ vụng. Hoàng Quý gặp cô như có sự an bài, đôi trai tài, gái sắc sớm dìu nhau đi vào cuộc tình thơ mộng. Dù vậy, Hoàng Quý vốn kín đáo, chuyện tình của ông hầu như không ai hay biết. Mỗi lần hẹn hò, họ lại thường đưa nhau ra ngoại ô nên người thân chẳng ai bắt gặp cặp đôi sánh vai bao giờ.. 

Cô láng giềng là người trọng tài, lại mến phục tính nết biết hy sinh, lo lắng của người yêu nên lúc đó, dẫu có nhiều công tử con nhà giàu, quyền thế chức sắc trọng vọng theo đuổi vẫn một lòng yêu thương Hoàng Quý.

Được một thời gian, ông đã phải chia tay với “bóng hồng” của mình để bí mật tham gia Mặt trận Việt Minh, đi hoạt động cách mạng… Thỉnh thoảng ghé thăm nhà, ông có đến gặp người yêu cho thỏa lòng nhung nhớ, để rồi sau đó lại lặng lẽ rời xa, dấn thân theo tiếng gọi quê nhà: “Hôm nay trời xuân bao tươi thắm/Dừng gót phiêu linh về thăm nhà/Chân bước trên đường đầy hoa đào rơi/ Tôi đã hình dung nét ai đang cười/Tôi mơ trời xuân bao tươi thắm/ Đôi mắt trong đen màu hạt huyền/Làn tóc mây chiều cùng gió ngàn dâng sóng/Xao xuyến nỗi niềm yêu…”.

Nhưng rồi, cuộc tình đẹp đó đã nhanh chóng tàn phai khi người con gái xinh tươi như hoa kia đã không chịu được cảnh côđơn, chờ đợi. Cô láng giềng đã phụ tình người nghệ sĩ tài hoa, nghèo khó để chạy theo một kẻ thứ ba – vốn giàu sang nhung lụa, săn đón cô nhiệt tình.

Năm 1945, Hoàng Quý bất ngờ trở về. Ông vẫn chẳng hề hay biết người tình đã bạc lòng thay đổi. Nhưng, cái kim giấu kỹ trong bọc lâu ngày cũng lòi ra huống chi cả một sự gian dối lớn.. Người con gái của Hoàng Quý đã quyết tâm sang ngang, theo một bến khác: “Trước ngõ vào thôn vang tiếng pháo/ Chân bước phân vân lòng ngập ngừng/ Tai lắng nghe tiếng người nói cười xôn xao/ Tôi biết người ta đón em tưng bừng…”.

Có nỗi đau nào hơn khi một người tình si bị phụ bạc; khi lời hẹn ước đợi chờ bên hàng tường vi hôm nào vẫn còn vẳng bên tai: “Đành lòng nay tôi bước chân ra đi /Giơ tay buồn hái bông hồng tường vi/Ghi chút tình em nói chờ đợi tôi/Đừng nói tới phân ly…”.

Hoàng Quý không nguôi nhớ về ngày xưa thân ái, nỗi buồn càng thấm đượm trong tim, những câu ca xuất tự đáy lòng: “Cô láng giềng ơi/ Không biết cô còn nhớ đến tôi/ Đến phút êm đềm ngày xưa kia/ Khi còn ngây thơ…”.“Cô láng giềng” ra đời trong hoàn cảnh ấy, trở thành nhạc phẩm bất hủ với thời gian.


Năm 1946, Hoàng Quý mắc bệnh nan y, ông vẫn không sao quên được cuộc tình đẹp phút chốc như khói mây ngang trời. Nửa năm sau, ông trút hơi thở cuối cùng, khi mới 26 tuổi. Trước phút lâm chung, người cũ có tìm đến xin thăm nhưng không được ông chấp thuận, vì lòng từ lâu đã coi như chết một cuộc tình. Hoàng Quý không muốn nhìn người phụ bạc, dù chỉ một lần thôi. 

Dù vậy, trong suốt mấy ngày diễn ra tang lễ, người ta có nhìn thấy cô láng giềng của Hoàng Quý đi lẫn trong đám đông đến tận phần mộ để ném được một hòn đất xuống. Cô đau xót vĩnh biệt con người cao quý từng hết mực yêu thương mình bằng tất cả niềm hối hận và tiếc thương sâu xa…


                       Sự thực về tình yêu của cô láng giềng xinh đẹp

Trong ca khúc “Cô láng giềng” của nhạc sĩ Hoàng Quý có lời của đoạn thứ II:”Trước ngõ vào sân vang tiếng pháo. Chân bước phân vân lòng ngập ngừng. Tai lắng nghe tiếng người nói cười xôn xao. Tôi biết người ta đón em tưng bừng… Cô láng giềng ơi.Nay mối duyên thơ đành đã lỡ rồi… Chân bước xa xa dần miền quê. Ai biết cho bao giờ tôi về…”.

Từ Lời 2 của bản nhạc nói trên, nhiều thế hệ nghe nhạc vẫn ngỡ rằng “cô láng giềng” đã phụ tình chàng trai lãng mạn. Theo nhà văn Gia Quan, thì thật ra cô có một mối tình rất đẹp.

Nhạc sĩ Hoàng Quý là thủ lãnh của nhóm nhạc Đồng Vọng nức tiếng ở Hải Phòng một thời. Thân phụ của nhạc sĩ Hoàng Quý vốn là một ông lang từ Quốc Oai – Hà Tây ra Hải Phòng lập nghiệp, nên tuổi thơ của Hoàng Quý gắn liền với các địa danh Hàng Kênh, Cầu Đất, Tam Bạc…

Khi phong trào tân nhạc bắt đầu bùng lên, Hoàng Quý cùng với các nhạc sĩ Canh Thân, Văn Cao, Tô Vũ, Phạm Ngữ… lập nhóm Đồng Vọng và làm nên một dấu son trong dòng âm thanh tiền chiến. Hoàng Quý là học trò của nhạc sĩ Lê Thương ở trường Trung học Lê Lợi, Hải Phòng. Khi biết ý định ra mắt nhóm Đồng Vọng của Hoàng Quý, nhạc sĩ Lê Thương với tư cách thầy dạy nhạc đã đứng ra làm cố vấn về chuyên môn. Sau này, trong các cuộc trò chuyện về nghệ thuật, nhạc sĩ Lê Thương thường gọi đùa nhóm Đồng Vọng bằng cái tên thân mật là nhóm “hippi tiền chiến”, đồng thời bộc bạch rằng chính sức trẻ và tinh thần của nhóm Đồng Vọng đã thôi thúc ông viết bản trường ca bất hủ “Hòn vọng phu”. Mùa hè năm 1939, nhóm Đồng Vọng có buổi biểu diễn chào sân tại Nhà hát Hải Phòng.

Nhạc sĩ Hoàng Quý nổi lên với những bản nhạc hùng tráng như “Bên sông Bạch Đằng”, “Nước non Lam Sơn”, “Bóng cờ lau”, “Tiếng chim gọi đàn”…
Ngoài ra, Hoàng Quý còn theo đuổi dòng nhạc trữ tình mang âm hưởng dân ca mà tiêu biểu là bài “Chiều quê” được viết vào năm 1941, với mơ ước thanh bình: “Sáo diều êm nào khác lời thơ. Lúa vàng reo ngàn muôn sóng nhấp nhô. Ôi chiều quê chiều sao xiết êm đềm. Nhìn xem tơ khói vương chờ giây phút mến thương.. Trông người ra ngồi hay đứng bên thềm. Chuyện trò chung với nhau đời sống thần tiên…”.

Nói về nhạc sĩ Hoàng Quý và nhóm Đồng Vọng, nhạc sĩ Phạm Duy cho rằng: “Đánh giá Hoàng Quý không nên chỉ thu hẹp vào những sáng tác của ông, bởi vì sự hoạt động cho nền nhạc hùng còn là một điều khiến chúng ta phải ghi ơn. Ông là linh hồn của đám nhạc sĩ trẻ ở Hải Phòng, thúc đẩy mọi người sáng tác và ông làm cho những sáng tác đó có một đời sống hẳn hoi, nghĩa là in ra, hát lên trong những sinh hoạt hướng đạo hay học sinh”.

Còn nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thuỵ Kha thì chia sẻ: “Từ cuối năm 1943 đến tháng 2-1945, Hoàng Quý đã tập hợp được ngót 100 bài hát tươi sáng, khởi động lịch sử và NXB Lửa Hồng cho in, phổ biến nhiều tập nhạc Đồng Vọng.
Nhiều bài hát của Hoàng Quý cũng như Văn Cao, Hoàng Phú, Phạm Ngữ đã được biết đến ở Hải Phòng rồi loang rộng ra khắp đất nước. Có người đã ví Hoàng Quý trong nhạc như Nguyễn Nhược Pháp trong thơ. Cả hai đều tươi sáng, hồn nhiên, rũ sạch ủy mị và buồn nản.

Tuy nhiên, nhắc đến nhạc sĩ Hoàng Quý hôm nay thì công chúng ưu ái nhắc đến ca khúc “Cô láng giềng”. Cô láng giềng có phải một nhân vật tưởng tượng không?

Không, nhân vật trong bài hát có nguyên mẫu thực sự ngoài đời. Đó là một thiếu nữ tên Oanh, quê ở huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, vừa xinh đẹp lại vừa hát hay. Hầu hết những ca khúc của nhóm Đồng Vọng đều do cô Oanh hát thử lần đầu tiên. Trong nhóm Đồng Vọng có đến ba người cùng ngưỡng mộ cô, đó là nhạc sĩ Hoàng Quý, nhạc sĩ Văn Cao, và ca sĩ Kim Tiêu.

Cô Oanh từng là cảm hứng để nhạc sĩ Văn Cao viết ca khúc “Bến xuân” dạt dào: “Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước. Em đến tôi một lần… Bao lũ chim rừng họp đàn trên khắp bến xuân…Mắt em như dáng thuyền soi nước. Tà áo em rung theo gió nhẹ thẹn thùng ngoài bến xuân…”.

Chính nhạc sĩ Văn Cao tự mình đóng vai Văn Cao trong phim chân dung “Văn Cao – Giấc mơ đời người” do Hãng phim Trẻ sản xuất năm 1995 đã thừa nhận: “Ngày xưa tôi có thầm yêu một người con gái mà không dám nói ra. Nhưng người ấy hiểu lòng tôi và đến thăm tôi. Vì thế nên mới có câu hát “Em đến tôi một lần” và có bài hát Bến Xuân”. Tại sao em chỉ đến tôi một lần? Tại vì trái tim em đã trao cho nhạc sĩ Hoàng Quý.

Cho nên, dù ca khúc “Bến xuân” náo nức “Nghe réo rắt tiếng Oanh ca” thì cũng chỉ còn dư âm xao xuyến: “Nhà tôi sao vẫn còn ngơ ngác? Em vắng tôi một chiều. Bến nước tiêu điều, còn hằn in nét đáng yêu. Từng đôi chim trong nắng khe khẽ ru. Lệ mùa rơi lá chan hòa… Người đi theo mưa gió xa muôn trùng. Lần bước phiêu du về chốn cũ. Tới đây mây núi đồi chập chùng. Liễu dương tơ tóc vàng trong nắng.. Gột áo phong sương du khách còn ngại ngùng nhìn bến xưa”.


Ca khúc “Bến xuân” được nhạc sĩ Văn Cao viết năm 1942, có thể là mốc thời gian để xác định mối tình của nhạc sĩ Hoàng Quý dành cho cô Oanh cũng đã nảy nở từ lúc này. Năm 1943, Hoàng Quý lên Sơn Tây làm quản lý trang trại bò cho một người bà con, không còn ở Hải Phòng nữa.

Sự ngăn cách làm nhớ nhung dâng đầy, và nhạc sĩ Hoàng Quý đã viết ca khúc “Cô láng giềng” để tặng cô Oanh: “Hôm nay trời xuân bao tươi thắm. Dừng bước phiêu du về thăm nhà. Chân bước trên đường đầy hoa đào rơi, tôi đã hình dung nét ai đang cười… .Tôi mơ trời xuân đôi môi thắm.Đôi mắt nhung đen màu hạt huyền. Làn tóc mây cùng gió ngàn dâng song, xao xuyến nỗi niềm yêu… Cô láng giềng ơi! Tuy cách xa phương trời tôi không hề, quên bóng ai bên bờ đường quê Đôi mắt đăm đăm chờ tôi về…”.

Nhạc sĩ Tô Vũ – em ruột của nhạc sĩ Hoàng Quý, lúc còn sống đã kể rằng: “Anh Hoàng Quý có dáng dong dỏng cao và rất khôi ngô tuấn tú. Chung quanh anh luôn có rất nhiều bóng hồng nhưng anh chỉ say đắm một mình cô Oanh. Mọi người trong gia đình tôi đều ra sức vun đắp cho hai người”.

Nhạc sĩ Hoàng Quý chỉ ở Sơn Tây có 6 thángrồi về Hải Phòng vì không thể sống xa cô Oanh. Trên hành trình từ Sơn Tây trở lại Hải Phòng, Hoàng Quý đã ghé thămTô Vũ ở Hà Nội và đưa cho em trai xem ca khúc “Cô láng giềng”.

Nhạc sĩ Tô Vũ rất thích giai điệu của “Cô láng giềng” nên xin phép anh trai cho viết thêm lời 2 của ca khúc. Tất nhiên nhạc sĩ Hoàng Quý không có gì phải từ chối với em trai.

Vì vậy, ca khúc “Cô láng giềng” có thêm lời 2: “Trước ngõ vào sân vang tiếng pháo. Chân bước phân vân lòng ngập ngừng. Tai lắng nghe tiếng người nói cười xôn xao, tôi biết người ta đón em tưng bừng…Đành lòng nay tôi bước chân ra đi. Giơ tay buồn hái bông hồng tường vi. Ghi chút tình em nói chờ đợi tôi. Đừng nói đến phân ly… Cô láng giềng ơi! Nay mối duyên thơ đành lỡ rồi. Chân bước xa xa dần miền quê. Ai biết cho bao giờ tôi về…”.
NS Tô Vũ (1923-2008).

Lời 2 của nhạc sĩ Tô Vũ làm nhiều người tưởng lầm”cô láng giềng” đã bỏ rơi người yêu để lên xe hoa theo cuộc tình khác.

Nhưng nhạc sĩ Tô Vũ cho biết rất tường tận: “Thật ra lời 2 này không phải của anh Hoàng Quý mà là do tôi hư cấu ra và anh Hoàng Quý đã đồng ý. Chúng tôi xem đó như một tác phẩm nghệ thuật chứ không phải sự miêu tả một mối tình tan vỡ, vì thực tế anh Hoàng Quý không có bi kịch nào về tình yêu như nội dung trong lời 2 do tôi viết”.

Trên thực tế, sau khi đem bản”Cô láng giềng” về Hải Phòng, nhạc sĩ Hoàng Quý đã làm đám cưới với cô Oanh. NS Tô Vũ kể lại: “Trong đám cưới đó, chính anh Hoàng Quý đã đệm đàn cho “cô dâu” hát bản “Cô láng giềng”rất tự nhiên, rất ấm áp và ngọt ngào”.

Đáng tiếc, hạnh phúc của vợ chồng nhạc sĩ Hoàng Quý hơi ngắn ngủi. Năm 1946, Hoàng Quý qua đời vì một căn bạo bệnh, để lại “cô láng giềng” tên Oanh goá bụa cùng “đôi mắt nhung đen màu hạt huyền”.

Đoàn Dự

Nguồn: Tình yêu của cô láng giềng

(Nguyệt San Việt Nam)