Phạm Chí Dũng, 3.11.2018
Phải mất tròn một con giáp kể từ tháng Mười Một năm 2006 khi nhà hoạt động nhân quyền Đoàn Huy Chương cùng một số người khác thành lập Hội Đoàn kết công nông để đấu tranh cho quyền lợi của công nhân và nông dân, nhưng ông Chương đã bị bắt chỉ vài ngày sau đó và liên tục bị cầm tù suốt nhiều năm, tháng Mười Một năm 2018 mới đi vào lịch sử của phong trào Công đoàn độc lập ở Việt Nam bằng thái độ buộc phải thừa nhận và chấp nhận định chế công đoàn tự do này, nhưng không phải chỉ bằng miệng lưỡi mà trên cơ sở một khuôn khổ pháp lý mang tính quốc tế hóa rất cao theo cách không còn lựa chọn nào khác – của chính thể độc đảng ở Việt Nam.
Lịch sử đó vừa hiện ra, ứng với sự kiện “Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)”.
Vào buổi sáng 2/11/2018, nhân vật vừa được gắn thêm chức danh ‘tân chủ tịch nước’ Nguyễn Phú Trọng đã trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn CPTPP.
Theo một tính toán của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng có thể tăng thêm 3,8% nhưng do thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi.
“Việc tham gia và sớm phê chuẩn CPTPP giúp Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; khẳng định vai trò và vị thế địa – chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á, cũng như châu Á – Thái Bình Dương” và “Với những cam kết đã đủ rõ, đủ chi tiết và có thể áp dụng trực tiếp theo quy định của Luật Điều ước quốc tế, Chính phủ kiến nghị áp dụng trực tiếp hiệp định này” – ‘Tổng chủ’ Nguyễn Phú Trọng ‘chỉ đạo’ Quốc hội.
Gần như chắc chắn rằng kỳ họp quốc hội tháng 10 – 11 năm 2018 sẽ thông qua CPTPP, để cùng với việc 6 quốc gia đã thông qua hiệp định này, CPTPP – hay còn gọi là TPP – 11 khi không còn Mỹ tham gia – sẽ có hiệu lực triển khai ngay vào đầu năm 2019 như một món ăn ngay và nhanh dành cho Việt Nam, trong bối cảnh chế độ này đang sa chân vào đêm đen kinh tế với nhiều tử huyệt về nợ công quốc gia, nợ xấu ngân hàng, khủng hoảng ngân sách, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và cũng cạn kiệt luôn các nguồn ngoại viện từ viện trợ ODA ưu đãi và kiều hối gửi về nước từ ‘khúc ruột ngàn dặm’…
Những nhà hoạt động nhân quyền tiền thân của Công đoàn độc lập, những con người đầu tiên dấn thân đấu tranh cho quyền lợi của giai cấp công nhân Việt Nam – Đoàn Huy Chương, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Trương Minh Đức… đang có thể mỉm cười rạng rỡ. Công sức và quá nhiều năm tháng tù đày của họ đã không hề uổng phí. Mục tiêu của cuộc đời họ đã được cộng đồng quốc tế công nhân và khẳng định, bất chấp chính quyền độc trị ở Việt Nam luôn quay quắt trong phản ứng sắc máu và đê tiện.
Trong rất nhiều năm trời, chính quyền Việt Nam đã chỉ trích Công đoàn Đoàn kết của Ba Lan vào những năm 80 của thế kỷ trước, gán ghép Công đoàn độc lập ở Việt Nam với Công đoàn Đoàn kết và coi đó là “một thủ đoạn nguy hiểm của Diễn biến hòa bình”, đồng thời cấm tiệt tất cả các cuộc đình công chính đáng và phù hợp hiến pháp của công nhân Việt Nam
Trong khi đó, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam – tổ chức được xem là ‘cánh tay nối dài của đảng’ – đã chỉ hiện hình như một cơ chế trung gian ‘ăn’ 3% và quá vô tích sự, nếu không nói là đã ‘phản động’ đến mức đi ngược lại quyền lợi của hàng chục triệu công nhân.
Trong rất nhiều năm qua, bằng một quy định tài chính tự đặt ra, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam đã nghiễm nhiên hưởng thụ ít nhất 3% trên tổng quỹ lương doanh nghiệp (gồm 2% do doanh nghiệp phải ‘đóng góp’ và 1% từ thu nhập của người lao động), nhưng lại chưa bao giờ đồng thuận, càng không hề lãnh đạo, tổ chức bất kỳ vụ đình công nào với bất kỳ yêu cầu biểu thị chính đáng nào của công nhân trong gần 1.000 cuộc đình công tự phát hàng năm.
Nhiều nguồn tin còn khẳng định rằng nhiều lãnh đạo công đoàn nhà nước đã được trả lương cao để phục vụ cho giới chủ đầu tư và bảo vệ lợi ích của đảng cầm quyền, thay vì bảo vệ người lao động. Ngay cả một số nhà nghiên cứu thuộc chính quyền cũng không che giấu rằng không phải là điều bất thường khi các nhà quản lý trở thành lãnh đạo công đoàn và sử dụng công cụ này để thao túng các cuộc bầu cử công đoàn. Rất nhiều ví dụ trong thực tế đã cho thấy giới lãnh đạo công đoàn ở nhiều địa phương đã thỏa hiệp và toa rập với giới chủ và công an địa phương để theo dõi công nhân, chỉ điểm những người đứng đầu phong trào đình công để công an truy xét, sách nhiễu và bắt bớ họ.
Thực trạng độc trị khốn quẫn trên là một trong những nguồn cơn chính yếu dẫn đến nhu cầu phải có công đoàn độc lập mà không thể và không bao giờ có thể dựa vào Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam.
Quyền được tự thành lập một tổ chức công đoàn độc lập của công nhân càng trở nên bức bách trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đã bị các nhóm lợi ích tham tàn ở đất nước này đẩy vào tình thế suy thoái và khủng hoảng trong suốt hàng chục qua. Không những không được cải thiện, mức thu nhập bình quân của công nhân còn bị giảm tương đối 25-30% trong khi mặt bằng giá cả tăng vọt từ 2-3 lần từ ít nhất năm 2011 đến nay. Tại nhiều nhà máy và xí nghiệp, công nhân phải làm việc ít nhất 10 giờ mỗi ngày và sáu ngày một tuần, nhưng chỉ kiếm được trung bình khoảng 70 USD/tháng.
Điều kiện sống eo hẹp đã dẫn đến tình cảnh quá khó khăn của công nhân ở rất nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp nhà nước. Ngược lại, những điều kiện sử dụng lao động lại ngày càng hà khắc, không chỉ biểu tả cho một “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” mà còn thêu dệt cho bức tranh thời kỳ đầu của “chủ nghĩa tư bản dã man” tại quốc gia đang quá sức nhập nhoạng và như thể đang chen lấn lao xuống địa ngục trong cơn khủng hoảng về ý thức hệ này.
Tình trạng thảm thương đó vẫn tiếp tục tăng tiến cứ sau mỗi năm và khiến hố phân hóa giữa 5% số người có thu nhập cao nhất với 5% người nghèo nhất ước tính lên đến ít nhất hàng trăm lần…
Ngay giờ đây, ở Việt Nam đã có mặt hai tổ chức về Công đoàn độc lập: Phong trào Lao động Việt và Liên đoàn Lao động Việt tự do. Theo quy định của CPTPP, Việt Nam sẽ phải chấp nhận cho phép tổ chức cộng đoàn độc lập của người lao động liên kết với nhau theo ngành hoặc theo vùng, trong một khu vực hay cả nước để thành lập tổ chức của ngành hoặc vùng.
Nguồn: Việt Nam Thời Báo