13-4-2019
Định không nói gì nữa về vụ Trịnh Vĩnh Bình, nhưng đọc cái “Thông cáo báo chí” của Bộ Tư pháp thấy ngứa mắt. Đó là một văn bản vô trách nhiệm có đóng dấu quốc huy. Mấy hôm nay người dân đang muốn Nhà nước xác nhận thông tin về kết quả vụ kiện, nhưng với văn bản này, Bộ Tư pháp gián tiếp “lùa” công chúng vào xem các bản tin của nước ngoài.
Sau khi vụ kiện kết thúc, thông tin tràn ngập trên các phương tiện truyền thông tiếng Việt ở nước ngoài và mạng xã hội, báo chí chính thống vẫn đồng loạt im lặng, sau đó đồng loạt đăng cái “Thông cáo báo chí” kia. Những người quản lý báo chí cũng gián tiếp “lùa” công chúng vào xem các bản tin phi chính thống.
Viện dẫn các bên “giữ bí mật Phán quyết”, lại nói các nguồn tin phi chính thống “phản ánh không chính xác nội dung Phán quyết” nhưng như thế nào là không chính xác và như thế nào là chính xác thì không chịu nói. Cứ cho rằng cơ quan nhà nước giữ nguyên tắc nên không nói đi, nhưng đã có thông tin rồi thì chứng tỏ một bên nào đó trong vụ kiện đã công bố ra. Đã vậy phải để cho báo chí tự tìm hiểu thông tin mà nói chứ, báo chí nói thì có liên quan gì đến việc “giữ bí mật Phán quyết” của cơ quan nhà nước.
Vụ án Trịnh Vĩnh Bình là một trong những vụ oan sai đáng xấu hổ của nền tư pháp nước ta mấy chục năm trước. Sự oan sai bắt nguồn từ một đám mafia đội lốt công an ở Vũng Tàu. Đám mafia này được các thế lực rất to ở Trung ương bảo kê, bọn chúng che chắn mọi sự thật, khiến cho những nhà lãnh đạo cấp cao lúc đó phạm sai lầm nghiêm trọng khi chỉ đạo xử lý. Có thể xem thêm bài viết của cựu Tổng Biên tập báo Thanh Niên tại đây.
Những người làm báo Thanh Niên chúng tôi phản đối vụ án này và thất bại khi tìm cách đưa sự thật đến các cấp có trách nhiệm, nay vẫn còn sống để nhìn thấy hậu quả. Chúng tôi chẳng vui mừng gì khi nhìn thấy tiền thuế của dân được mang ra bồi thường cho hậu quả mà đám mafia kia gây ra. Chúng tôi chỉ muốn sự thật phải được phơi bày cho dân chúng biết, để những ai ngày nay đang tiếp tục có ý định bảo kê cho đám mafia mới phải chùn tay, để cho đất nước được phát triển lành mạnh.
Chúng tôi trước sau đều là những nhà báo bảo vệ kiên trì nhất đường lối Đổi Mới, bảo vệ thể chế kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền còn non trẻ của chúng ta. Đi theo con đường đó là chấp nhận đối đầu với các thế lực đen tối, đối đầu với các nhóm lợi ích sừng sỏ nhất lũng đoạn chính quyền. Đã có người vào tù vì sự kiên trì đó, đã có nhiều người bị tước thẻ nhà báo, bị cách chức, bị kỷ luật vì sự kiên trì đó, nhưng chẳng nhằm nhò gì. Số phận của các nhà báo chẳng đáng vào đâu so với số phận bi đát của hàng triệu người dân nếu như pháp quyền bị xé bỏ.
Hôm qua, một nhà báo trẻ nhắn tin cho tôi, em cũng quyết đứng về phía công lý, bảo vệ sự minh bạch của nhà nước pháp quyền, nếu như có bị làm sao thì em sẽ về quê trồng cây nuôi heo nấu cơm cho vợ. Điều đáng mừng là những nhà báo như vậy vẫn có nhiều lắm, họ vẫn đang là lực lượng hậu thuẫn cho công lý, cho công cuộc Đổi Mới tiếp diễn.