Câu hỏi: Xin cho biết về sự đàn áp, khủng bố người dân và những người đấu tranh, phong trào dân chủ của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam?
Trả lời: Với mục đích thống trị nhân dân, việc duy trì nỗi sợ hãi thường trực trong nhân dân là một yêu cầu thường xuyên đối với nhà cầm quyền cộng sản. Điều đó đồng nghĩa với việc sử dụng đàn áp, khủng bố như một bản năng của đảng cộng sản và nhà cầm quyền. Tuy nhiên, mỗi giai đoạn khác nhau thì tính chất, hình thức đàn áp, khủng bố sử dụng cũng khác nhau. Giai đoạn đầu cầm quyền, yêu cầu xác lập vị thế thống trị của đảng cộng sản đòi hỏi đảng sử dụng việc đàn áp, khủng bố bằng bạo lực là công cụ chính yếu. Trải qua thời gian, việc duy trì sự thống trị đã có các phương thức, công cụ khác hỗ trợ, ví dụ nhà tù, cho thôi việc, cắt gạo… vv… thì hình thái đàn áp, khủng bố bạo lực tàn khốc dần được thay thế bằng các hình thức bớt tàn bạo và ít bạo lực hơn. Trong giai đoạn hiện nay, đã có những hoàn cảnh và môi trường khác với giai đoạn đầu đảng cộng sản cầm quyền.
Với bối cảnh hội nhập, đồng thời người dân đã thức tỉnh và có nhiều người tham gia phản biện xã hội cũng như đấu tranh cho dân chủ, nhà cầm quyền Việt Nam đã phải thay đổi cách thức sử dụng đàn áp, khủng bố. Có thể nói rằng, việc đàn áp của nhà cầm quyền hiện nay chỉ còn tập trung vào ba biện pháp chính: nhà tù, bạo lực giới hạn (tức là đánh đập gây thương tích chứ không đánh chết) và khủng bố tinh thần.
Câu hỏi: Xin hỏi việc sử dụng nhà tù để khủng bố và đàn áp người dân và những người đáu tranh?
Trả lời: Việc sử dụng nhà tù đã có từ lâu, nhưng tính chất đàn áp và khủng bố được che đậy bằng các bản án vi phạm pháp luật hình sự. Trong việc đàn áp, bắt giam và kết án những người đấu tranh, những người hoạt động dân sự, nhà cầm quyền luôn sử dụng một luận điệu, những người này đã vi phạm các điều khoản trong luật hình sự, Việt Nam không có tù chính trị. Việc lập lờ và lươn lẹo như vậy hầu như không còn lừa được ai. Tuy nhiên, việc bắt giam và kết án những người bất đồng chính kiến, người đấu tranh vẫn thường xuyên xảy ra, bất chấp sự lên án của cộng đồng quốc tế, các tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới. Trong thời gian gần 2 năm vừa qua, đã có hơn hàng trăm người bị bắt bởi các điều luật phi pháp và phi lý của nhà cầm quyền Việt Nam. Mặc dù bị quốc tế lên án gay gắt, nhưng nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vẫn đang liên tục bắt bớ, xét xử những người đấu tranh, những người yêu nước. Sự mong manh (trong việc tồn tại) của chế độ tỷ lệ thuận với việc bắt bớ đang diễn ra hiện nay.
Câu hỏi: Xin cho biết về việc sử dụng bạo lực nhắm vào phong trào dân chủ?
Trả lời: Bạo lực giới hạn, đánh người là một biện pháp ưu tiên, phổ biến của nhà cầm quyền Việt Nam. Có thể nói rằng, có tới 70-80% số người tham gia vào công cuộc đấu tranh, vào phong trào dân chủ đã bị công an, an ninh hoặc côn đồ do an ninh chỉ đạo hành hung, đánh đập. Trong năm 2017 vừa qua, tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế Human Rights Watch( HRW) công bố bản phúc trình về việc nhiều nhà hoạt động nhân quyền và các blogger ở Việt Nam thường xuyên bị hành hung, đe dọa. Dưới tiêu đề “Không chốn dung thân cho các nhà hoạt động nhân quyền: Các nhà vận động dân chủ và blogger ở Việt Nam bị hành hung”, bản phúc trình của HRW dài 65 trang nêu ra 36 trường hợp những người hoạt động nhân quyền và blogger bị những kẻ mặc thường phục tấn công, đánh đập, nhiều người bị thương tích nặng, trong khoảng thời gian từ tháng Giêng năm 2015 đến tháng Tư năm 2017. Việc sử dụng bạo lực của công an, an ninh thường được áp dụng trong các trường hợp sau:
+ Biểu tình của những người đấu tranh, của dân oan và nhân dân. Hiện nay, việc biểu tình của người dân bị đàn áp nặng nề, nhất là việc biểu tình liên quan tới chống Trung Quốc và Formosa, cũng như phản đối Luật Đặc Khu. Ở Sài Gòn, gần đây nhất, sau cuộc Tổng biểu tình 10/6, đến ngày 17/6, đã có hơn 200 người bị bắt ở Sài Gòn đưa về công viên Tao Đàn, phần lớn bị khủng bố tinh thần, một số người bị đánh đập vô cùng dã man, tàn bạo.
+ Đánh người trong các sự việc, sự kiện. Việc sử dụng bạo lực của an ninh trong các sự kiện của giới bất đồng chính kiến nhiều và rất đa dạng. Từ việc kỷ niệm thành lập hội nhóm, tới việc đi thăm, đón tù nhân lương tâm mới ra tù, đến việc gặp gỡ giao lưu… có thể nói không thể kể hết được các trường hợp và tình huống người đấu tranh bị đánh đập.
+ Tấn công người có lựa chọn. Việc tấn công người có lựa chọn nhằm vào một số ít cá nhân đang hoạt động đơn lẻ, có thể một người, có thể là hai, ba người. Những người bị tấn công có lựa chọn thường bị đánh đập cực kỳ dã man, tàn bạo. Bị cướp hết đồ đạc và gây thương tích trầm trọng. Đây là cách thức tàn bạo nhất trong việc sử dụng bạo lực của nhà cầm quyền nhắm vào giới đấu tranh.
Câu hỏi: Xin cho biết việc đàn áp bằng các hình thức khủng bố tinh thần?
Trả lời: Có thể nói, việc đàn áp bằng các hình thức khủng bố tinh thần của nhà cầm quyền nhắm vào giới đấu tranh là muôn hình vạn trạng. Không thể nói hết được mức độ kỳ quái của các biện pháp mà nhà cầm quyền đã sử dụng. Có thể nêu một vài ví dụ: đổ keo vào khóa cửa nhà người đấu tranh, dùng khóa khóa cửa nhà họ khi không muốn họ ra ngoài tham dự một sự kiện nào đó, ném gạch đá vào nhà, cắt điện, cắt nước… Tuy nhiên, tựu trung lại, việc khủng bố tinh thần người đấu tranh tập trung vào các biện pháp sau đây.
+ Áp lực lên người thân trong gia đình người đấu tranh. Đây là biện pháp khủng bố tinh thần được áp dụng nhiều nhất đối với giới bất đồng chính kiến. Hầu như ai cũng bị nhà cầm quyền sử dụng biện pháp này với cách thức và mức độ khác nhau. Nhiều người đã không thể vượt qua được thủ đoạn này của nhà cầm quyền. Tuy nhiên, xét về tổng thể, phần lớn người đấu tranh vượt qua được hoặc tìm cách thích nghi.
+ Áp lực về công việc, thu nhập. Đây là thủ đoạn hèn hạ nhất, triệt đường sống của người đấu tranh. Không ít người đã bị đuổi việc vì tham gia đấu tranh. Người không bị đuổi việc thì cũng bị cô lập, phân biệt đối xử. Điều đáng nói là, có nhiều người không làm việc trong hệ thống nhà nước vẫn bị công an dùng quyền lực để ép chủ doanh nghiệp đuổi việc.
+ Áp lực về cư trú. Một thủ đoạn không kém phần bẩn thỉu là việc công an áp lực lên những người chủ thuê nhà để người đấu tranh không có nơi cư trú tại các thành phố lớn để hoạt động. Đây là những người ở các tỉnh về các trung tâm lớn để học tập, công tác có tham gia đấu tranh.
+ Canh giữ nhà người đấu tranh trong các sự kiện, hoạt động. Với cách thức vi phạm thô bạo và nghiêm trọng quyền tự do đi lại của người dân, nhà cầm quyền đã sử dụng việc cho người canh giữ, không cho người đấu tranh ra khỏi nhà để vô hiệu hóa các hoạt động của giới đấu tranh. Các cuộc biểu tình, các sự kiện gặp gỡ giới ngoại giao quốc tế, các cuộc họp, gặp mặt… chỉ cần khi có thông tin và không muốn sự kiện xảy ra, an ninh sẽ cho người canh giữ người đấu tranh, sẵn sàng ngăn chặn và khống chế người để họ không ra được khỏi nhà. Thủ đoạn này hầu như người đấu tranh nào cũng phải trải qua./.
Hà Nội, ngày 25/11/2018
N.V.B
Hỏi và Đáp về Phong trào Dân chủ Việt Nam (bài 6)
Câu hỏi: Xin cho biết một số vấn đề về phương pháp đấu tranh?
Trả lời: Về phương pháp đấu tranh có ba vấn đề cần quán triệt. Một là, phương pháp chung áp dụng cho những vấn đề thuộc về vận động xã hội, đó là đặt mục tiêu, mục đích, xây dựng chương trình, kế hoạch, các biện pháp thực hiện qua từng giai đoạn, thời kỳ, các công cụ hỗ trợ… tóm lại, đó là phương pháp chung cho việc vận động xã hội. Hai là, đấu tranh có tổ chức. Về nguyên tắc, đấu tranh có tổ chức là phương pháp hoàn toàn đúng, nó nâng hiệu quả của việc đấu tranh so với đấu tranh cá nhân, đơn lẻ lên gấp nhiều lần, cấp số nhân. Tuy nhiên, trong môi trường độc tài toàn trị hiện nay, vấn đề tổ chức đang là điều cấm kỵ, là mục tiêu đánh phá số một của chế độ. Các tổ chức xã hội dân sự được thành lập và hoạt động mấy năm trước đây đã phải hạn chế các hoạt động, thậm chí bị rã đám, ngưng hoạt động do sự đàn áp nặng nề. Chính vì vậy, việc đấu tranh theo phương pháp tổ chức đúng nghĩa hiện nay còn hạn chế, chưa thực hiện được. Ba là, nên đấu tranh theo phương thức công khai, hạn chế phương thức bí mật bởi sự chi phối các phương tiện, hệ thống thông tin liên lạc của nhà cầm quyền, sự cài cắm nhân sự của an ninh, và người đấu tranh không được đào tạo về hoạt động bí mật.
Câu hỏi: Có thể chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình hoạt động?
Trả lời: Có một số kinh nghiệm xin được chia sẻ để mọi người tham khảo.
– Luôn xác định và tâm niệm việc đấu tranh trong xã hội độc tài toàn trị là nguy hiểm, bản thân có thể bị bắt, cầm tù bất cứ lúc nào và sẵn sàng chấp nhận. Khi đã tâm niệm như vậy, cá nhân sẽ không còn sợ hãi, từ đó có thể thanh thản làm việc theo các dự định, kế hoạch của bản thân. Một điều quan trọng nữa, nếu việc tù đày xảy ra, khi đã có sự chuẩn bị tinh thần thì trước hết cá nhân không bị sốc, sau đó là việc chịu đựng những năm tháng tù đày bớt nặng nề rất nhiều. Kinh nghiệm cho thấy, nhiều người không chuẩn bị những tình huống này, khi xảy ra sự việc, rất lúng túng và có nhiều điều đáng tiếc xảy ra.
– Tự trau dồi kiến thức về thực tế các chế độ cộng sản nói chung và cộng sản Việt Nam nói riêng. Hiện nay tài liệu, sách báo về những vấn đề này rất phong phú. Cùng với đó là tìm hiểu về Phong trào Dân chủ. Đây là hai vấn đề kiến thức cần thiết nhất khi tham gia đấu tranh trong Phong trào Dân chủ. Việc tìm hiểu có thể thông qua các tác giả hoặc tác phẩm. Luôn đặt ra các câu hỏi và tự trả lời, trường hợp không trả lời được, có thể nhờ sự giúp đỡ của những người di trước, những người có đủ kiến thức.
– Gặp gỡ, giao lưu, trao đổi với nhiều người trong Phong trào Dân chủ với tinh thần cầu thị, khiêm tốn học hỏi. Việc này có những lợi ích sau.
+ Học hỏi được kiến thức, kinh nghiệm của những người đi trước
+ Khi có nhiều mối quan hệ, sẽ phần nào tăng thêm khả năng bảo vệ bản thân. Nếu hoạt động đơn lẻ, không ai biết hoặc ít người biết thì khả năng bị đàn áp bắt bớ sẽ tăng cao. Và khi bị bắt sẽ ít người quan tâm, lên tiếng đấu tranh cho cá nhân sẽ là một bất lợi.
+ Khi giao lưu, trao đổi và chia sẻ sẽ nảy sinh nhiều vấn đề, nhiều ý kiến và sáng kiến. Từ đó có thể giúp cho hoạt động được hiệu quả hơn./.
Hà Nội, ngày 26/11/2018
N.V.B