Seite auswählen

Thuyền nhân vượt biển trong trại tị nạn ở Galang, Indonesia 1986. (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Sau bao nhiêu lần đi vượt biên không thành, lần sau cùng chuyến đi của gia đình tôi cũng vượt qua được cửa đại. Nhưng máy thuyền của chúng tôi bị ngưng nửa chừng, lúc vẫn còn nhìn thấy bến bờ của một hòn đảo thuộc địa phận Việt Nam. Tin rằng thế nào cũng bị bắt rồi bị tù đầy, nỗi đe dọa và tuyệt vọng xâm chiếm mọi người trên thuyền. May mắn thay máy được sửa và chạy trở lại gần ba tiếng sau đó. Nhưng sau đó bão và sóng lớn trong suốt chuyến đi đến nỗi con thuyền có thể bị tan thành từng mảnh và chìm đắm dưới đại dương bất cứ lúc nào. Sau cùng chúng tôi cũng đến được bến bờ tự do. Trong gần mười năm đầu tôi vẫn thỉnh thoảng nằm mơ tưởng mình bị bắt, bị bắn hoặc bị giết. Khi giật mình tỉnh giấc tôi mới biết đó là cơn ác mộng!

Những người bạn không phải Việt Nam của tôi, mỗi khi nghe tôi kể chỉ một phần nhỏ về hành trình tìm tự do của mình, đều kinh ngạc và đều yêu cầu tôi viết sách. Nhưng những chấn thương trong cuộc đời tôi, nếu có, cũng rất nhỏ nhoi, không đáng kể, so với bao người Việt Nam khác. Có những gia đình đi vượt biên mà cuối cùng không còn ai sống sót cả. Cũng có những người còn sống sót sau các chuyến đi hãi hùng nhưng mọi sự sau đó không còn bình thường. Cuộc đời của họ mãi mãi về sau là những chấn thương, và những ám ảnh bởi hậu chấn thương.

Thế nào là chấn thương (trauma)? Theo tự điển Oxford thì chấn thương là một kinh nghiệm sầu não hoặc rúng động. Nhà tâm lý điều trị (clinical psychologist) Ana Nogales cho rằng chỉ có những người trải nghiệm chấn thương mới biết được cảm giác ra sao. Nó là kinh nghiệm độc nhất và rất khó để có thể xóa nhòa từ tâm trí một người, kéo dài nhiều năm với cường độ cảm xúc lớn lao. Ts Nogales cho rằng chấn thương là hệ quả của nhiều tình huống khác nhau, từ những người đã trải qua chiến tranh, nạn nhân của bạo hành và thảm nạn, hoặc chỉ là nhân chứng của một hành động mà làm cho họ khiếp sợ cực độ.

Ts Diane Roberts Stoler Ed.D., nhà tâm lý thần kinh có 35 năm kinh nghiệm chữa trị chấn thương, cho rằng chấn thương có thể bị gây ra bởi sự mất mát đột ngột của một người mình thương yêu, hoặc vì bị hãm hiếp, ngược đãi, bỏ bê, mất nhà, tai nạn xe, bạo lực gia đình, thiên tai, bi kịch hay bệnh tật cá nhân, hoặc bất kỳ loại sự kiện rúng động nào khác [2]. Nó sẽ xảy ra cho phần lớn, nếu không phải tất cả, chúng ta, nếu sống đủ lâu, và không ai miễn nhiễm cả. Tôi biết những người được gia đình thương yêu, bảo bọc, không một lời nói hay hành động gây tổn thương, thế nhưng khi ra ngoài đời gặp phải môi trường thực tế khác với gia đình, hoặc ở chỗ làm, thì khi bị phê bình, khiển trách, dù chỉ là lời nói nhẹ nhàng thôi mà họ còn chịu không nổi, rồi trở nên đau khổ và trầm cảm. Nhưng dần dần họ cũng quen và khả năng chịu đựng cũng gia tăng.

Những cơn ác mộng, như đã xảy ra với tôi, là một trong vô số phản ứng khác nhau đối với chấn thương. Ts tâm lý Seth J. Gillihan liệt kê 21 loại phản ứng khác nhau khi bị chấn thương, trong đó có ác mộng (tuy không phải là tất cả) [3]. Một dạng là tái trải nghiệm chấn thương này: đầu óc và trí nhớ cứ trở lại như cuốn phim không chấm dứt; ác mộng; thoáng quay lại, nhất là khi có sự kiện hay dấu hiệu tương tự diễn ra. Dạng khác là phản ứng đầy cảm xúc: lo sợ và lo lắng; giận dữ; buồn phiền; cảm thấy tội lỗi; không cảm giác (numb). Dạng nữa là cố tránh những điều liên quan đến chấn thương: cố không muốn nghĩ về biến cố đó; tránh những gì liên quan đến biến cố đó. Dạng nữa là những thay đổi sâu sắc về cách nhìn của mình về thế giới và chính mình: khó tin tưởng được ai; tin rằng thế giới là cực kỳ nguy hiểm; đổ lỗi cho chính mình về hậu quả, nhất là khi nghĩ rằng lẽ ra mình có thể giúp tránh đi bi kịch đó; nghĩ rằng lẽ ra mình nên xử lý chấn thương khác đi; nhìn thấy mình yếu đuối hoặc bất xứng; chỉ trích chính mình về phản ứng đối với chấn thương. Dạng khác nữa là hệ thần kinh rất hiếu động: cảm thấy lúc nào cũng đề phòng; cảm thấy đe dọa khắp nơi; dễ giật mình; khó ngủ; và mất hứng về tình dục, nhất là khi mình là nạn nhân của vụ sách nhiễu tình dục.

Một khi chấn thương quá lớn, quá khả năng bình thường của một người để đối phó, và lại kéo dài một thời gian dài, nó có khả năng đưa đến bệnh Rối loạn Căng thẳng Hậu Chấn thương (Post-Traumatic Stress Disorder/PTSD), một loại chấn thương tâm lý không phải không điều trị được nhưng mất rất nhiều thời gian để hồi phục. Triệu chứng của PTSD là rất dễ bị trở lại, bởi nó đã ăn sâu vào tâm khảm của nạn nhân, dễ bị kích hoạt, muốn tránh xa những gì có thể gợi lại quá khứ đau thương này, dễ bị kích thích đưa đến mất ngủ và tập trung v.v… Nó làm cho người ta luôn lo lắng, bồn chồn, hoảng loạn, không ngưng nghỉ, cảnh giác cao độ v.v…

Nguyên do? Một trong các chức năng quan trọng nhất của bộ óc con người là đối phó với mối đe dọa để sống còn. Sợ hãi có khi quá chủ quan, chưa được đối chiếu và cân nhắc, lắm khi chưa phải nguy hiểm đến tính mạng hay manh tính sống còn, mà hốt hoảng cả lên. Sự sợ hãi vô lý làm cho con người mất chủ động và mất lý trí! Khi gặp đe dọa, bộ phận Amygdala trong não được kích hoạt, tạo phản ứng chiến đấu, bỏ chạy hoặc cứng đơ (fight, flight or freeze). Nhìn thấy đe dọa, mang tính hoàn toàn cảm xúc, phản ứng này sẽ kích hoạt hệ thống thần kinh tự trị của mình, không cần phải mất thời gian suy nghĩ, vì sự sống còn có khi chỉ là tích tắc, phụ thuộc vào khả năng tìm cách ra khỏi tình huống nguy hiểm đối diện. Tuy nhiên, nếu được hướng dẫn điều trị để biết tập luyện, biết ý thức và chủ động được cảm xúc của mình, và tìm cách sử dụng bộ não đằng sau trán gọi là pre-frontal cortex/PFC, thì dần dần nạn nhân sẽ điều khiển được cảm xúc, chinh phục được sợ hãi. PTSD là trường hợp mà PFC không còn khả năng chủ động được tình huống, để cho chấn thương tác động lên Amygdala lấn chiếm bộ não, làm mất đi sự điều khiển đối với cảm xúc của một người.

Dù nguyên nhân gây ra chấn thương là gì đi nữa thì các cuộc nghiên cứu đều đưa đến kết luận rằng PTSD liên quan đến các hoạt động của phần não mà xử lý cảm xúc nhiều hơn, như lo sợ, và ít sử dụng phần não xử lý về lý trí, như lý luận. Tóm lại, đối với những người bị chấn thương, và nặng hơn, PTSD, thì phần não đã thật sự bị hư hại về cấu trúc, ít hay nhiều tùy thuộc từng người và từng trường hợp chấn thương. Và nếu bị thường xuyên và lâu dài, ngay cả khi lúc còn nhỏ, thì tác hại về sau sẽ vô cùng lớn lao và khó điều trị. Chẳng hạn, một con chó thường xuyên bị một người dùng cuốn báo liệng vào đầu nhiều lần, thì sau này nó nhìn thấy tờ báo cuốn là hốt hoảng lên, mặc dầu người chủ mới của nó không hiểu nguồn gốc sợ từ đâu. Con người cũng vậy, khi từng bị đánh đập, mắng nhiếc, khủng bố tinh thần, thì từ âm thanh, cử chỉ, cây roi cho đến bất cứ biểu tượng nào gắn liền với sự hành hạ đó, dù có trở lại mấy chục năm sau, thì nạn nhân cũng sẽ không quên. Đó là lý do vì sao người ta có thể tha thứ cho người mình thương yêu đã làm mình tổn thương, nhưng họ không thể quên, dù rất muốn đi nữa. Quên là điều rất khó, trừ phi bị lãng trí, bộ nhớ bị hỏng. Bộ óc con người được thiết kế để tồn tại, để tránh tối đa đe dọa và hiểm nguy.

Trong những năm qua, tôi có dịp làm việc trực tiếp cũng như gián tiếp với nhiều người đã từng trải qua những chấn thương khủng khiếp trong đời họ. Tuy không phải là một nhà tâm lý và không được đào tạo chuyên môn trong lĩnh vực này, tôi đã được gửi đi đào tạo các khóa ngắn hạn về lĩnh vực này, và cũng tự mình tìm hiểu thêm qua sách vở, báo chí và kinh nghiệm thực tiễn. Lý do tôi được gửi đi đào tạo là vì nếu tôi tiếp xúc thường xuyên và lâu dài với những người từng trải nghiệm chấn thương, tôi vẫn có thể bị chấn thương gián tiếp (vicarious trauma). Nó tích tụ dần dần, mà nếu không để ý và kiểm soát bằng ý thức, đến một lúc nào đó chính mình bị vạ lây. Nó gia tăng căng thẳng và thay đổi tính tình, rồi thay đổi suy nghĩ và hành động của mình. Một người làm việc trong tình huống này cần phải ý thức và cảnh giác để không bị rơi vào trạng thái căng thẳng và mất chủ động. Tóm lại, chúng ta cần ý thức tập luyện và vận dụng phần não lý trí PRC để điều khiển cảm xúc và kiểm soát mối đe dọa một cách thực tế, đừng để Amygdala cướp điều khiển.

Qua kinh nghiệm bản thân, qua lý thuyết và những nghiên cứu chuyên môn nghiêm túc của các học giả uy tín, và qua các bài học lịch sử, tôi nhận ra được ba bài học.

Một, không một ai miễn nhiễm từ chấn thương cả. Những người được bao bọc và che chở đến mấy thì một lúc nào đó, khi chấn thương xảy ra, họ sẽ dễ suy sụp và đổ gẫy hơn là những người được hướng dẫn, cung cấp thông tin và nâng đỡ, đặc biệt từ nhỏ. Vì thế điều quan trọng là xây dựng một thể lực cường tráng, một tinh thần vững chắc, trong đó kiên trì và không ngại thất bại là chìa khóa. Khi càng tìm hiểu về những lãnh đạo quốc gia lỗi lạc của Hoa Kỳ, như Abraham Lincoln, Theodore Roosevelt, hay Franklin Roosevelt, họ đều trải qua nhiều chấn thương, cũng bị khủng hoảng tinh thần, bị trầm cảm một thời gian dài, và từ từ vực dậy từ những chấn thương lớn lao đó. Như đã chia sẻ trong bài trước, Leigh Sales và John Roberts (từng bị đột quỵ hai lần, năm 1993 và 2007) cũng đều trải qua chấn thương lớn trong đời. Tất cả những trải nghiệm này giúp cho họ mạnh mẽ khi hiểu được yếu điểm của mình, và qua đó giúp cho họ có sự cảm thông và đồng cảm với những công dân bình thường trong xã hội. Điều đó làm cho họ kiên trì hơn thay vì yếu đuối. Tình thương và đồng cảm chính là sức mạnh.

Hai, một người chưa từng trải, chưa nếm mùi cay đắng, chưa từng thất bại, chưa ở trong địa vị người khác, thì khó thể nào hiểu được những gì người đó đã trải qua, những cảm nhận và những ảnh hưởng đến tâm lý của họ. Không có sự cảm nhận thì khó có sự thông cảm, khoan nói đến đồng cảm. Cảm thông (sympathy), kể cả thương hại người khác, vì thấy họ đau khổ, hoạn nạn, là mức độ thấp. Đồng cảm (empathy), là biết đặt mình vào địa vị của người khác để thấu hiểu, để biết những cảm xúc họ trải qua, để từ đó chia sẻ những cảm xúc và buồn phiền của họ [4]. Bài phát biểu của Tổng Chánh án John Roberts, như đề cập trong bài trước, hoàn toàn có mục đích chia sẻ với các em học sinh các giá trị nền tảng để họ phát huy tinh thần khiêm tốn và khả năng đồng cảm, và để các em sau này trở thành những công dân hữu ích cho xã hội, chứ không phải là những cá nhân ích kỷ, thủ đoạn và sẵn sàng chà đạp lên người khác để leo lên đỉnh cao danh vọng.

Ba, khi biết được nguyên lý rằng tất cả chúng ta đều là con người, đều dễ bị tổn thương (vulnerable), thì sự đoàn kết hay thống nhất cho mục tiêu chung dễ đạt được. Bởi chúng ta hiểu rằng đến một lúc nào đó, lúc mà ai cũng đều có những chấn thương khi trải đời, và ai cũng bằng da bằng thịt, cũng đạn bắn xuyên thủng, thì ai cũng như nhau. Như thế, thay vì phân biệt đối xử, thay vì mạt sát nhau vì khác biệt quan điểm chính trị hay tôn giáo, chẳng hạn, thì chúng ta nhận ra rằng mình không nên đối xử với người khác những gì mà mình không muốn bị đối xử. Cùng nhau xây dựng một xã hội văn minh, dựa trên pháp luật chứ không phải sự tùy tiện của con người có lúc này lúc kia (the rule of law, not of man), thì tất cả mọi người hôm nay và các thế hệ mai sau đều được hưởng. Còn không thì quyền lực rơi vào tay một thiểu số, và mọi tai họa, hư hỏng, tham nhũng, từ đó mà ra.

Có được sự cảm thông, hoặc cao hơn, sự đồng cảm, chúng ta dễ dàng chấp nhận khác biệt, và sẵn sàng lên tiếng bảo vệ cho những người bị phân biệt đối xử, bị luật pháp ngược đãi, hoặc bị đẩy ra ngoài lề xã hội. Tinh thần tương thân tương trợ, có qua có lại, hỗ tương, tiếng Anh là reciprocity, chính là nền tảng của những xã hội dân chủ phát triển bền vững. Mặc dầu trên bình diện cá nhân ai cũng có vẻ tính toán, nhưng nhìn kỹ thì tinh thần công dân đối với trách nhiệm chung được duy trì và phát huy tối đa. Bởi phần lớn các công dân trong xã hội này hiểu rằng khi một tiếng nói, một bi kịch, một chuyện phi lý bất công xảy ra cho một người mà luật pháp không bảo vệ được họ, thì xác suất xảy ra cho tất cả mọi người khác cũng rất cao, là nguy cơ dành chỗ dẫn đến nạn cường quyền.

Mỗi cá nhân, và mỗi dân tộc, trong suốt chiều dài lịch sử, đều trải qua những chấn thương rất lớn, có khi quá lớn, để có thể vượt qua. Chiến tranh, nhất là nội chiến, là một trong các chấn thương lớn như thế. Nhưng sau mỗi chấn thương, dù đó là ngoại xâm hay nội chiến, vấn đề quan yếu là lãnh đạo quốc gia chủ trương ra sao, chính sách và hành động cụ thể là gì, để hàn gắn vết thương của dân tộc hầu xây dựng lại tiềm năng quốc gia cho mục tiêu phát triển, cho tương lai của đất nước và các thế hệ mai sau, thay vì vẫn cứ tiếp tục các chính sách phân biệt đối xử với tâm lý hận thù không dứt?

Một chính quyền thật sự quan tâm đến vận nước lẽ ra phải làm sao toàn dân tộc có thể phát huy phần não lý trí Pre-frontal Cortex thay vì chủ trương sử dụng và áp đặt phần não cảm tính Amygdala lên họ!

Phạm Phú Khải – VOA

Úc Châu, 11/04/2019

Tài liệu tham khảo:

1. Ana Nogales, “Trauma”, Psychology Today, 19 February 2014.

2. Diane Roberts Stoler Ed.D, “Trauma and PTSD: More Common Than You Think”, Psychology Today, 18 March 2019.

3. Seth J. Gillihan, “21 Common Reactions to Trauma”, Psychology Today, 7 September 2016.

4. Neel Burton, “Empathy Vs Sympathy”, Psychology Today, 19 February 2014.