-
Trần Ngọc Dũng
Bài viết này giải thích một phần nguyên nhân tại sao chính Pháp chứ không phải Anh là người nổ súng xâm lược Việt Nam, thông qua quá trình chuyển biến quan hệ Anh – Việt trước năm 1858. Những phân tích về vị trí, vai trò kinh tế, chính trị của Việt Nam ở Đông Á dưới góc nhìn của “người bên ngoài” – người Anh sẽ đem đến lời giải cho bước ngoặt của lịch sử này.
Công ty Đông Ấn Anh tại Kẻ Chợ (Thăng Long) (1683-1697). Nguồn: S. Baron, “A description of the Kingdom of Tonqueen”, in J. Pinkerton (ed), A collection of voyages, p. 3.
Trước đó, mặc dù người Anh đã chuyển quan điểm nhìn nhận Việt Nam từ chỗ như một thị trường trung gian, bổ trợ cho hai thị trường tiềm năng Trung Quốc, Nhật Bản cho đến như một căn cứ có thể khống chế toàn bộ vùng biển Đông, con đường thương mại nối Ấn Độ Dương với Trung Quốc, và bàn đạp cho việc tiếp cận Trung Quốc từ phía Nam. Tuy nhiên, trong so sánh với tiềm năng của Xiêm, Singapore hay Hồng Kông, người Anh đã không lựa chọn Việt Nam, điều này phần nào dẫn đến việc Pháp có thể tiếp cận và tấn công xâm lược Việt Nam năm 1858.
Việt Nam – thị trường trung gian ở Đông Á thế kỷ XVII
Quan hệ giữa Anh và các chính quyền chúa Trịnh, Nguyễn trên lãnh thổ Việt Nam trong thế kỷ XVII gắn liền với hoạt động thương mại của công ty Đông Ấn Anh ở Đông Á. Người Anh lần lượt đặt chân đến cả hai vương quốc nhưng chỉ thiết lập và duy trì thương điếm ở Đàng Ngoài trong vòng 25 năm cuối thế kỷ XVII. Tại sao Việt Nam chỉ được quan tâm trong thời gian ngắn? Một là Việt Nam chỉ giữ vai trò thị trường trung gian, hỗ trợ khi Anh không thể tiếp cận Trung Quốc trực tiếp. Hai là những hạn chế về trình độ sản xuất của Việt Nam.
Các thương nhân phương Tây nhìn nhận vai trò quan trọng của Việt Nam – với tư cách là một mắt xích – trong duy trì mối quan hệ thương mại khăng khít với Trung Quốc, Nhật Bản và Đông Nam Á. Mặt hàng chính được người Anh và phương Tây hướng đến là lụa (cả tơ sống và lụa thành phẩm) để đổi lấy nguồn bạc từ Nhật Bản. Tuy vậy, kết quả thương mại giữa Anh và Việt Nam đầu thế kỷ XVII vô cùng hạn chế (Cocks, 2010). Trong khi đó, người Anh tại Bantam (Indonesia) lại nhìn nhận Đàng Trong như một cứ điểm quan trọng khống chế toàn bộ khu vực và tạo thế đối trọng với việc Hà Lan chiếm đóng Đài Loan năm 1624.
Do mục tiêu thương mại khác biệt, người Anh chỉ quay lại Việt Nam vào nửa cuối thế kỷ XVII với sự xuất hiện của thương điếm của Anh ở Đàng Ngoài (1672-1697) và chuyến đi sứ đến Đàng Trong (1695-1696).
Người Anh đã đưa ra các kế hoạch khác nhau xoay quanh việc buôn bán lụa nhằm xây dựng một hệ thống thương mại hoàn chỉnh và hiệu quả ở Đông Á, nhưng cuối cùng vẫn không thoát khỏi cái bóng quá lớn của Trung Quốc. Anh duy trì thương điếm Đàng Ngoài cũng chỉ nhằm mục tiêu gián tiếp tiếp cận Trung Quốc từ phía Nam. Ban đầu, Anh hướng đến việc trao đổi lụa – bạc với Nhật Bản, và cung cấp vàng cho Ấn Độ, hàng xa xỉ phẩm cho châu Âu. Ngược lại Đàng Ngoài là thị trường của hàng châu Âu như vải dạ, kính, nước hoa hồng, diêm tiêu, lưu huỳnh. Sau đó, Anh đã tìm cách buôn bán với Macao, Xiêm, Manila nhưng bất thành. London tiếp tục nỗ lực biến Đàng Ngoài thành thị trường thường xuyên trong hệ thống thương mại liên châu lục nhằm cung cấp tơ tằm và lụa cho châu Âu để phục vụ nền công nghiệp lụa đang phát triển ở Anh. Tuy vậy, kế hoạch này chỉ thực hiện được một vài năm (1674-1680) và người Anh một lần nữa quay trở lại mục tiêu biến Đàng Ngoài thành một cơ sở thu mua hàng hóa châu Á để xuất sang châu Âu, đặc biệt là đồ sứ, nhung, xạ hương và lụa chất lượng từ Trung Quốc.
Do chiến tranh Minh – Thanh, Thanh – Đài Loan và chính sách cấm biển của nhà Thanh, người Anh chưa thể trực tiếp buôn bán với đại lục nên càng phải chú trọng duy trì thương điếm Đàng Ngoài để thu mua những sản phẩm được thương nhân Trung Quốc mang đến. Anh chỉ chú tâm đến Việt Nam trong thế bắc cầu đến thị trường Trung Quốc khi nước này hạn chế tiếp xúc với phương Tây hơn là phát triển thị trường ở Việt Nam nên khi Trung Quốc mở cửa năm 1684, vai trò của Đàng Ngoài đi xuống nghiêm trọng và chấm dứt hoàn toàn cuối thế kỷ XVII.
Bên cạnh yếu tố Trung Quốc, điểm lưu ý thứ hai dẫn đến việc người Anh thiếu mặn mà với Việt Nam là chất lượng hàng hóa. Mặc dù lụa là mặt hàng chủ đạo của Việt Nam nhưng chất lượng lại vô cùng thấp, chỉ đóng vai trò thay thế tạm thời lụa chất lượng thấp của Trung Quốc trong một giai đoạn nhất định. Chỉ trong một thời gian ngắn lụa Việt Nam đã phải chấm dứt chuyến “phiêu lưu” sang châu Âu do chất lượng hàng hóa không đáp ứng được nhu cầu, và số lượng hàng hóa cũng không lớn. Người Anh đã nỗ lực tìm cách đưa kĩ thuật sản xuất lụa tiên tiến từ châu Âu cùng với việc cử những nhân viên có am hiểu lĩnh vực này đến Đàng Ngoài những năm 1678, 1681 nhưng hầu như không thay đổi được chất lượng sản phẩm. Thói quen sản xuất thủ công chỉ trong phạm vi hộ gia đình của Đàng Ngoài nhằm phục vụ nhu cầu nội tại và xuất sang Nhật Bản cùng với việc thiếu vốn đầu tư đã dẫn đến hạn chế nhu cầu thay đổi kĩ thuật sản xuất. Hệ quả tất yếu là lụa Đàng Ngoài thất thế trong việc cạnh tranh với lụa Trung Quốc và Bengal (Ấn Độ) (IOR/G/12/17).
Việt Nam – “căn cứ” chiến lược kiểm soát vùng biển Đông Nam Á
Khi đóng cửa thương điếm Đàng Ngoài, người Anh cũng bắt đầu có những chuyển biến rõ rệt trong việc nhìn nhận vai trò của Việt Nam, đặc biệt là Đàng Trong trong khu vực Đông Á. Then chốt của mối quan hệ vẫn là nhân tố Trung Quốc. Yếu tố kinh tế đơn thuần đã hầu như không còn tồn tại như giai đoạn trước mà vấn đề chính trị được gắn chặt trong quan hệ Anh – Việt. Chuyến đi đến Đàng Trong của Thomas Bowyear năm 1695-1696 đã lần đầu tiên nhắc đến những yêu cầu về quyền ‘lãnh sự tài phán’, ‘lãnh thổ ngoại giao’ của người Anh nằm trong vương quốc Đàng Trong. Mặc dù vậy, chúa Nguyễn Phúc Chu đã khước từ toàn bộ những yêu cầu của người Anh liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia mà chỉ hướng đến hợp tác thương mại hòa bình.
Tàu thuyền trên sông tại Hội An. Nguồn: John Barrow, A voyage to Cochin-China 1792-1793 (of George Macartney) (London, 1806), p. 320.
Quan hệ Anh – Việt trở nên căng thẳng, thiên hẳn sang yếu tố chính trị, quân sự với việc người Anh xây dựng pháo đài và thương điếm tại Côn Đảo giai đoạn 1702-1705 nhằm kiểm soát đường đến Trung Quốc từ phía Nam. Sự kiện này đánh một dấu mốc quan trọng trong sự chuyển biến về tham vọng, cách tiếp cận chính trị, quân sự của người Anh tại Đông Á. Vai trò của Việt Nam chính là cung cấp những ‘cứ điểm’ khống chế toàn bộ vùng biển Đông Nam Á. Chúa Nguyễn đã gửi thư cho người Anh năm 1703 với đề nghị, thiết lập quan hệ ngoại giao . Ông cũng khẳng định được yêu cầu về chủ quyền dân tộc, an ninh quốc gia sau đó khi Anh ngó lơ lời đề nghị hợp tác. Năm 1705 chúa Nguyễn đã giao cho Trấn thủ dinh Trấn Biên, Trương Phúc Loan, kết hợp với người dân Côn Đảo và nô lệ người Mã Lai tấn công và tiêu diệt toàn bộ pháo đài của người Anh (Danny, 2011). Sau vụ thảm sát này, người Anh hầu như không duy trì hoạt động kinh tế và gần như từ bỏ tham vọng tại Việt Nam, và chỉ quay lại vào cuối thế kỷ XVIII, trước áp lực mất ảnh hưởng tại Đông Á từ những cường quốc phương Tây khác.
Giai đoạn 1778 – 1858, bên cạnh yếu tố Trung Quốc thì dấu ấn của Pháp cũng có tác động đến quan hệ Anh – Việt dưới cả góc độ chính trị và ngoại giao. Tuy nhiên, quan hệ Anh – Việt có vẻ ‘nhạt nhòa’ hơn nếu so sánh với ảnh hưởng của Pháp tại Việt Nam. Việc người Pháp tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam, giúp Nguyễn Ánh chống lại Tây Sơn và thống nhất đất nước năm 1802 chính là nguy cơ tiềm tàng đối với vị thế của Anh, buộc Anh phải cân nhắc có can thiệp vào Việt Nam hay không. Đại diện của Anh từ Trung Quốc, Ấn Độ đã nhiều lần đi sứ đến Việt Nam với mục tiêu chính mở rộng ảnh hưởng về mặt chính trị tại khu vực Đông Á trước áp lực cạnh tranh từ Pháp. Đó là các chuyến đi của Charles Chapman (1778), George Macartney (1792-1793), David Lance (1803), John W. Robert (1804), John Crawfurd (1822), John Francis Davis (1847), và Thomas Wade (1855). Một loạt các hoạt động trên cho thấy Anh vẫn ý thức rõ vai trò của Việt Nam trong khu vực, đặc biệt trong việc tạo lập ảnh hưởng chính trị và quân sự trong so sánh với Xiêm, Singapore, và Hồng Kông (Lamb, 1970). Đặc biệt, vị trí của Đà Nẵng (Tourane Bay) – nơi năm 1858 người Pháp đã nổ súng mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam, được nhắc đến nhiều lần như một cảng biển, cứ điểm quan trọng để tiến lên Trung Quốc.
Tại sao người Anh chỉ quan tâm đến Việt Nam trong thời gian ngắn? Vì, một là Việt Nam chỉ giữ vai trò thị trường trung gian, hỗ trợ khi Anh không thể tiếp cận Trung Quốc trực tiếp, hai là những hạn chế về trình độ sản xuất của Việt Nam.
Tuy nhiên, Anh lại chỉ dừng ở mức cân nhắc vị trí, vai trò của Việt Nam mà không hề có một động thái rõ ràng, nghiêm túc trong việc can thiệp vào tình hình Việt Nam suốt gần một thế kỷ. Anh từ chối can thiệp, giúp đỡ cả chúa Nguyễn lẫn nhà Tây Sơn giai đoạn cuối thế kỷ XVIII mặc dù cả hai nhóm đều đặt vấn đề liên minh và nhờ cậy việc cung cấp vũ khí hiện đại với người Anh. Trong so sánh giữa Việt Nam với Xiêm, Anh đã cân nhắc và đặt lợi ích nhiều hơn vào Xiêm (Tarling, 1966). Nhất là sau khi Anh chiếm được Singapore năm 1819 và Hồng Kông năm 1841 thì vai trò của Việt Nam đối với Anh càng trở nên kém quan trọng, dẫn đến việc mối quan hệ hai nước hầu như không có những thay đổi đáng kể. Năm 1855, người Anh định ký hiệp ước thiết lập quan hệ ngoại giao lâu dài với vua Tự Đức nhưng rồi cũng không thành. Sau đó, Pháp không gặp phải bất cứ động thái ngăn chặn nào từ phía Anh khi tiến hành tấn công xâm lược Việt Nam năm 1858.
Bên cạnh những hoạt động ngoại giao, những tiếp xúc khác giữa người Anh và Việt Nam khá hạn chế. Về kinh tế, mặc dù việc trao đổi buôn bán giữa hạ lưu Mekong và Singapore thuộc Anh khá mạnh sau năm 1819, nhưng vai trò của nhà Nguyễn và người Anh không thực sự nổi bật như thương nhân Hoa kiều. Tài liệu từ phía Anh có nhắc đến việc trao đổi, mua bán vũ khí của vua Gia Long hay nỗ lực mua tàu hơi nước của vua Thiệu Trị từ người Anh ở Ấn Độ. Tuy vậy, những hoạt động này vô cùng hạn chế, không đủ để đánh dấu những thay đổi về góc nhìn của người Anh về Việt Nam. Cuối cùng, người Pháp với những mục tiêu rõ ràng hơn, những hoạt động ráo riết hơn đã tấn công xâm lược Việt Nam năm 1858 trong khi Anh từ bỏ ảnh hưởng của mình tại Việt Nam để nhìn về Xiêm, Singapore trong mối liên kết với Đông Á.
Nhìn chung, đối với người Anh, dù ở khía cạnh kinh tế hay chính trị, quân sự, thì vị trí của Việt Nam luôn gắn liền với Trung Quốc, cần thiết hay không cần thiết cũng tùy thuộc vào sự hiện diện và mối quan hệ của người Anh với Trung Quốc. Điều đó đem đến một thực tế không thể phủ nhận rằng, trong cuộc chơi với các cường quốc Việt Nam cần nhìn nhận rõ yếu tố Trung Quốc có tác động như thế nào, Việt Nam cần tận dụng ra sao để xác lập được quan hệ phù hợp với các quốc gia khác.
Tham khảo
IOR/G/12/17/1-10, Tonkin factory 1672-1697. British Library, London, UK.
IOR/H/628, Miscellaneous collection firmans & treaties 1602-1753, King of Cochin-China to the Great General in Pulo-Condore, 2 August 1703, pp. 469-479.
S. Baron, ‘A Description of the Kingdom of Tonqueen’ [first published in 1685], in J. Pinkerton (eds.), A Collection of the Best and Most Interesting Voyages and Travels in All Parts of the World, Vol. 9 (London, 1811), pp. 656-707.
R. Cocks, Diary of Richard Cocks, Cape-Merchant in the English Factory in Japan, 1615-1622, 2 Vols [first published 1883] (Cambridge, 2010).
Trần Ngọc Dũng, “Chính sách của công ty Đông Ấn Anh ở Đông Á trong thế kỷ XVII”, Nghiên cứu Đông Bắc Á, 10/2017, pp. 66-76.
A. Lamb, The Mandarin road to Old Hue: The narrative of Anglo-Vietnamese diplomacy from the seventeenth century to the eve of the French conquest(London, 1970).
N. Tarling, ‘British relations with Vietnam, 1822-1858’, Journal of the Malaysian Branch of the Royal Asiatic Society, 39 (1966), pp. 19-51.
D.W. Tze-Ken, ‘The Destruction of the English East India Company Factory on Condore Island, 1702-1705’, Modern Asian Studies, 46 (2012), pp. 1097-1115.
Nguồn: http://tiasang.com.vn