Bài điểm hai quyển sách Tổ Quốc Ăn Năn của Nguyễn Gia Kiểng
và Văn Hóa Trì Trệ Nhìn Từ Hà Nội Đầu Thế Kỷ 21 của Lê Thị Huệ
Cách đây mấy năm, khi cuốn Người Trung Quốc Xấu Xí của Bá Dương được Nguyễn Hồi Thủ dịch sang tiếng Việt và xuất bản thì một số người Việt Nam tự hỏi với nhau rằng: Những dân tộc lớn như Mỹ, Pháp, Trung Hoa đều có người viết sách tự nhìn lại những khuyết điểm của dân tộc họ; dân Việt Nam chắc cũng giống như nhiều dân tộc khác trên thế giới, có điểm hay và cũng lắm điểm dở, vậy mà chờ mãi chẳng thấy tác giả nào viết về các yếu kém của dân tộc mình. Người Việt tự bằng lòng mình đến thế ư?
Nhưng “có mong có gặp,” khoảng ba năm sau thôi, chúng ta có hai tác phẩm ra đời hầu như cùng một thời gian, làm công việc mà nhiều người chờ đợi là phê phán chính dân tộc mình, mà làm một cách tận tụy, hết mình, đến độ so với tác phẩm của Bá Dương thì người Trung Quốc cũng chưa đến nỗi xấu xí cho lắm. Đó là cuốn Tổ Quốc Ăn Năn của Nguyễn Gia Kiểng (tác giả xuất bản, tại Pháp) và Văn Hóa Trì Trệ Nhìn Từ Hà Nội Đầu Thế Kỷ 21 của Lê Thị Huệ (Văn Mới xuất bản, tại Hoa Kỳ), cả hai đều được xuất bản vào đầu năm 2001.
Đây có thể nói là lần đầu tiên chúng ta có những người cầm bút chịu khó nhìn lại con người và đất nước Việt Nam một cách khá toàn diện và cũng khá khắt khe, để vạch ra cho mọi người thấy những “khuyết điểm Việt Nam” là như thế nào. Trước đây lác đác cũng đã có một số người viết về một vài thói hư tật xấu của người mình. Như Nguyễn Văn Vĩnh từ thập niên 10 của thế kỷ 20 đã nói rằng người mình thì “gì cũng cười,”
“xét ra cái cười của ta nhiều khi có cái vô tình độc ác; có cách láo xược khinh người; có câu chưởi người ta; có nghĩa yên trí không phải nghe hết lời người ta mà đã gièm trước ý tưởng người ta, không phải nhìn kỹ việc người ta làm mà đã chê sẵn công cuộc người ta.”
(Xét tật mình – Đông Dương tạp chí)
Hoặc như Trần Trọng Kim thì cho người mình
“có tính tinh vặt, có khi quỷ quyệt, và hay bài bác nhạo chế. Thường thì nhút nhát, hay khiếp sợ… Tâm địa thì nông nổi, hay làm liều, không kiên nhẫn, hay khoe khoang và ưa trương hoàn bề ngoài, hiếu danh vọng, thích chơi bời, mê cờ bạc. Hay tin ma tin quỷ, sùng sự lễ bái… Kiêu ngạo và hay nói khoác…”
(Việt Nam Sử Lược)
Đào Duy Anh trong Việt Nam Văn Hóa Sử Cương cũng có một số nhận xét tính tình và bản chất của người Việt Nam tương tự.
Các cụ là lớp người đầu tiên bước vào Tây học, nhận thấy cái lợi ích của tinh thần thẳng thắng nơi người Tây phương, trong đó có việc tự phê bình, nên đã có cái nhìn rất chính xác một số đặc tính của người Việt Nam mà tổ tiên chúng ta vào các thế kỷ trước không mấy khi thấy nhắc đến trong các tác phẩm để lại.
Nhưng sau những nhận xét một cách bình tĩnh và khách quan mặc dù hãy còn chung chung của các học giả vào tiền bán thế kỷ 20 như thế, từ khi các phong trào cách mạng chống thực dân Pháp thành hình và vận động mạnh thì cách nhìn con người Việt Nam đổi khác. Đúng ra lúc bấy giờ người ta không nhìn với con mắt tìm hiểu khách quan nữa, mà người ta nói lên những điều mơ ước, người ta thúc đẩy những điều Việt Nam “phải là” để rủ nhau cùng dấn thân vào công cuộc chung. Về đất nước thì phải là non sông gấm vóc, rừng vàng biển bạc và sông núi thì luôn luôn phải có một “hồn thiêng,” về con người thì anh dũng, bất khuất, với một tinh thần yêu nước cao độ. Phải nói đó là những tự kỷ ám thị liên tục để khơi lên những phẩm chất tốt đẹp có sẵn nơi người Việt Nam mà cuộc sống nô lệ lâu ngày đã làm thui chột đi.
Lên giây cót tinh thần là một điều cần thiết trong cuộc tranh đấu mất còn, nhưng một khi cuộc đấu đã xong, quay về đời thường với những lo toan cụ thể thì những thái độ anh hùng trong cuộc chiến xem ra không còn đắc dụng. Đó là ngọn lửa rơm bùng lên vào thời điểm cần thiết, nhưng khi cái hào quang rực rỡ đã thành các tàn lửa rơi rụng xuống hết rồi thì người ta sẽ “hiện nguyên hình,” giống như những nhân vật yêu quái trong truyện Tây Du bị Tôn Hành Giả đập chết thì cái xác hiện nguyên hình thành những con vật thô thiển. Trong thời gian một phần tư thế kỷ sau khi cuộc chiến chấm dứt, người Việt Nam phải dần dần trở lại con người bình thường chân thật của mình, với những cái hay cái dở cố hữu. Đó mới là thời điểm để người ta nhìn rõ mặt nhau hơn, những hóa trang cho một tấn tuồng một thời đã rơi xuống để cho cái chân tướng được lộ ra. Đối với quân nhân công chức miền Nam, môi trường trại cải tạo đã là nơi phô bày “bản lai diện mục” rất chân thực: thường trực với tình trạng giam cầm, kìm kẹp và đói khát, người ta dễ để lộ con người thật của mình ra nhất. Ở đối cực bên kia, nơi kẻ chiến thắng miền Bắc, sự tàn rụng các dụng cụ hóa trang xảy ra nhanh chóng và rất thành thực trước một vùng của cải chiến lợi phẩm mênh mông, và về lâu về dài, trong sự cai trị toàn trị của bè đảng, tình trạng tham nhũng của người có chức có quyền Việt Nam đã trở thành vào hạng vô địch thế giới. Dân chúng hai miền ra khỏi cuộc chiến tranh vận dụng khả năng của mình để tạo lại cuộc sống, và “khả năng” ấy gồm không biết bao là yếu tố tiêu cực lẫn tích cực. Cho nên không lạ là vào đầu năm 2001 bắt đầu có những tác phẩm có tính cách “tả thực” chân tướng của con người Việt Nam, vì chưa bao giờ chân tướng của chúng ta lộ rõ hơn, dễ quan sát nắm bắt hơn như trong một phần tư thế kỷ qua. Lại thêm tình trạng bê bết của đất nước kéo dài quá lâu và không có dấu hiệu tìm được ngõ thoát đã khiến những ai quan tâm đến đất nước không thể không đặt vấn đề tìm hiểu nguyên nhân sâu xa gây ra tình trạng ấy, những điều nằm trong bản chất văn hóa Việt Nam.
Cuốn Tổ Quốc Ăn Năn của Nguyễn Gia Kiểng là một cuộc phản tỉnh đồ sộ, đưa sự ăn năn vượt khỏi mỗi cá nhân đến một tầm cỡ trừu tượng hơn, tập thể hơn, từ đó đề cập khá toàn diện đến nhiều vấn đề.
Suốt cuốn sách, độc giả không phải đọc lại những gì mà những quyển sách địa lý, lịch sử và văn hóa Việt Nam đã nói đến, hoặc những điều vẫn được mặc nhiên coi là thuộc tính Việt Nam, vẫn được thừa nhận bởi đông đảo người Việt Nam từ đời này qua đời khác. Những gì viết trong sách rất mới, có thể nói là ngược lại những gì ta thường đọc và nghe.
Do khuynh hướng tự nhiên, dân tộc nào cũng nói tốt về mình, từ nguồn gốc, tính tình, đến tài nguyên, cảnh trí… Nhất là dân tộc Việt Nam trong thế kỷ qua, vì nhu cầu xây dựng lại niềm tự hào để quật khởi giải phóng chính mình khỏi ách nô lệ ngoại bang, sự tự ca tụng lại nhiều điều, lắm vẻ, riết rồi qua nhiều thế hệ người ta dần dần tin vào một số cái tốt đẹp mà chính mình không hề có. Nhưng khi sống với các ảo tưởng như thế, người Việt Nam vẫn liên tiếp bị các tai họa lớn lao đổ xuống đầu mình mà hầu như chẳng bao giờ chịu tìm hiểu các nguyên do chủ quan, tức là những yếu kém của mình, đã khiến các tai họa không buông tha. Các điều tốt đẹp ảo do một sự tự kỷ ám thị tích tụ nhiều đời đã điều kiện hóa trí óc và tâm hồn chúng ta, khiến chúng ta chỉ biết làm động tác gạt đỡ, cam chịu và trốn chạy, hơn là đương đầu nghịch cảnh với một tấm lòng đầy hùng khí và một cái đầu tỉnh táo.
Nguyễn Gia Kiểng đã làm một cuộc duyệt xét lại hết, để nhìn ra những yếu kém, tật nguyền đã thành nếp trong con người Việt Nam. Đó là công việc lội ngược dòng cực kỳ khó khăn. Ngược dòng với chính mình, rồi ngược dòng với truyền thống vốn là một cái gì kiên cố không những hóa thạch nơi ý thức mà cả nơi vô thức của mỗi người. Nói theo ngôn ngữ nhà Phật đó là một cuộc phá chấp, phá vỡ vô minh (tức là ngu dốt, hoặc tin mù quáng, không cần đến ánh sáng của trí tuệ). Vì vậy công việc của tác giả rất khó nhọc, vừa phải có khả năng nội quan mãnh liệt để nhìn lại từ đáy sâu hồn mình cũng như dân tộc mình, vừa phải học hỏi một cách rất là bách khoa để chứng minh cho những luận cứ có thể là hoàn toàn mới của mình, về đất nước, lịch sử, ngôn ngữ, tâm lý… Việt Nam. Tác giả không muốn nói mọi điều dễ dãi theo cảm tính để tự kỷ ám thị, đại loại như đất nước ta giàu đẹp, dân tộc ta anh hùng. Ông muốn lời nói của mình phải thuyết phục, và một khi đã tìm ra đủ bằng chứng và luận cứ, ông không ngần ngại nói ra những điều “động trời” đối với não trạng sẵn có của người Việt Nam. Chẳng hạn ông khẳng định trong một mệnh đề ngắn gọn: người Việt Nam không yêu nước, hoặcchúng ta là một dân tộc không biết đọc, không biết viết, và không biết nói. Những khẳng định như thế rất nhiều, về mọi lãnh vực, đều có đặc điểm chung là tiêu cực, đi ngược lại với những gì đầy tự tín mà người Việt vẫn tin vẫn nói về mình.
Nhưng những trang sách để chứng minh những điều “ngược ngạo” đó mới là đáng kể, tất cả tài năng và tâm huyết của tác giả bộc lộ ở đây. Đó là công việc của một người đã thấy kết quả rất xấu và lần mò đi tìm hiểu tại sao như thế, và mỗi khi khám phá thấy được một nguyên nhân thì không kềm giữ được mà la lớn lên. Dĩ nhiên nhân nào thì quả đó (hay ngược lại), cho nên những khám phá của tác giả sẽ đụng chạm đến niềm kiêu hãnh đã được đào tạo của chúng ta nhiều lắm. Có điều lạ là dù có bị đau, nhiều khi đau lắm, chúng ta vẫn không dừng được mà vẫn say sưa, thích thú nữa, theo dõi từng bước đường tìm tòi chẩn đoán của tác giả. Trước tiên là nhờ vào lối trưng tài liệu độc đáo và luận giải rất thông minh và có văn tài, nhưng lý do thâm sâu hơn, đó là tự nơi thâm tâm, mỗi chúng ta đều ngầm thấy khoan khoái thỏa mãn, thấy một sự “đã đời” khi chạm đến các phanh phui ấy, chẳng khác nào như đang được bàn tay thầy thuốc nặn mủ cho một mụt nhọt bị nung đã lâu ngày. Khi bị liên tiếp các tai ương giáng xuống đầu trong suốt hơn một thế kỷ qua, người Việt Nam không mấy khi nhìn lại xem mình có cái gì không ổn hay không, mà chỉ hay phân tích tình thế bên ngoài. Ngay cả các cụ hồi đầu thế kỷ khi hô hào duy tân, theo thực học, mở thương hội, gửi người xuất dương v.v… là cũng đã thấy cái yếu của mình rất rõ rồi, nhưng chỉ coi là hậu quả của chế độ phong kiến trọng cái học từ chương, chứ vẫn không ngờ cái yếu đó đã biến thành não trạng, tâm lý, tiềm thức như Nguyễn Gia Kiểng phát giác ra bây giờ. Bởi vì các cụ không tham dự cuộc chơi của nửa sau thế kỷ, một cuộc chơi kinh hoàng nhất của người Việt Nam với nhau trong suốt lịch sử của mình. Sau một cơn như thế mà không biết nhìn lại mình một cách toàn diện, không tự vấn xem bản thân của mỗi người Việt Nam có góp phần nào của chính mình trong cái thảm kịch chung ấy hay không, thì quả là có một cái gì… không ổn thật. Có lẽ ai trong chúng ta cũng có cái nhu cầu ấy, có thể mỗi người trong âm thầm lặng lẽ có nhìn thấy một số vấn đề, nhưng do thói quen thụ động, lại buông trôi. Nhưng như nhiều hiện tượng khác trong thiên nhiên hay trong xã hội, khi một yêu cầu hay một tình trạng nào đó đã đến cực điểm đến chỗ đe dọa, thì tự nhiên sẽ nảy ra giải pháp. Trong rừng một khi lá chết, cành khô thân cây gãy đã quá nhiều trên mặt đất thì sẽ có một trận cháy rừng giải quyết hết một lần, một khu rừng mới sau đó sẽ có đủ điều kiện sinh thái để lại mọc tốt tươi. Xã hội loạn lạc mãi, ai cũng mong ước một minh chúa ra đời thì cuối cùng, nhu cầu mạnh mẽ của tập thể sẽ quy kết vào một người, người ấy sẽ thành lãnh đạo đáp ứng được mong ước chung. Nếu trong nội tại người Việt Nam bị những chứng bịnh trầm kha mà một thời gian dài không ai có gan mổ xẻ ra để cứu sống chính mình, thì trong cơn thập tử nhất sinh, sẽ có người đề xướng để cùng nhau việc ấy (hoặc nếu không thì… chết luôn, hoặc sống không ra sống, chết không ra chết).
Chưa nói đến nội dung cuốn sách, chỉ riêng bản chất công việc của tác giả đã là cái rất cần thiết cho mọi người Việt Nam hiện nay. Cần phải nhìn lại mình với một ý thức phản tỉnh cao độ, rà xét từng ngóc ngách của đời sống với con mắt tỉnh táo không bị che mờ bởi các tiên kiến, thì sẽ nhìn ra các khuyết tật của ta. Tất cả các “công bố” mới mẻ của tác giả dĩ nhiên chưa có thể coi là kết luận chung cuộc, mà chỉ là phát súng đầu để làm giật mình, làm động tâm động não con người Việt Nam xưa nay vẫn thụ động, im lìm trong công việc nhìn lại chính mình. Hãy cùng nhau tiếp tục đào xới, thảo luận với những gì Nguyễn Gia Kiểng đưa ra, đó là một bước khởi đầu đề nghị rất tốt, đầy táo bạo, mới mẻ đồng thời cũng đầy sự khả tín của một trí tuệ và một tấm lòng thiết tha với đất nước và dân tộc.
Mổ xẻ là công việc của khoa học, nghĩa là của lý trí lạnh lùng. Sự sống của một con người không thể chỉ được định nghĩa bởi những hiện tượng sinh lý của một thể xác, có thể được phanh phui rõ rệt dưới những đường dao giải phẫu. Đời sống của một dân tộc lại càng không thể chỉ khoanh tròn trong vùng ánh sáng của ngọn đèn chiếu lý trí, mặc dù mọi cái hiện ra rất rõ rệt, rất hợp lý dưới ánh đèn ấy. Lý trí hãy làm công việc của mình, nếu cần cứ xin mạnh tay, nhưng nên nhớ lý trí không phải là tất cả. Đó chỉ là phần mặt nổi. Phải nể nang những phần ẩn đàng sau, sức mạnh thật sự nằm ở đấy, trong cuộc phản tỉnh hãy chiêm nghiệm cho ra chỗ ấy thì mới giúp cho sự hồi sinh được hiệu quả trọn vẹn.
Chắc chắn con người Việt Nam mang rất nhiều tật nguyền, chúng ta sẽ đồng ý và cám ơn Nguyễn Gia Kiểng về nhiều phát giác của ông. Nhưng hãy còn phần hồn tính Việt Nam, nó luôn luôn mách bảo cho ta biết ta là ai, và dù sao chăng nữa cái hồn ấy nó cũng không cho phép chúng ta tự xóa mình đi. Trường hợp Nguyễn Gia Kiểng là rõ ràng nhất: cả cuốn Tổ Quốc Ăn Năn không gì khác hơn là một lời xỉ vả và một thất vọng não nề về chính Việt Nam. Tác giả đã tỉ mẩn nghiên cứu tìm tòi để phanh phui ra hết. Tại sao và để làm gì? nó xấu xa tệ hại đến thế thì sao chẳng bỏ mặc nó đi cho khỏe? Thì chính tại vì Nguyễn Gia Kiểng vẫn mang cái hồn Việt Nam, và từ đó, dù thất vọng đến bao nhiêu, vẫn luôn luôn muốn mưu cầu cho đất nước dân tộc mình được tươi sáng hơn.
Đọc cuốn sách này có thể có người nghĩ rằng giữa mình và Nguyễn Gia Kiểng chẳng còn một mẫu số chung nào nữa để mà bàn cãi, vì những cái mình vẫn tin là phẩm chất tốt đẹp của mình đã bị tác giả phủ nhận hết trơn. Nhưng nghĩ thế là lầm. Chính vì mong muốn cái tốt đẹp nhất mà tác giả đã làm công việc gian nan này.
Tác giả Vương Hữu Bột khi góp ý kiến về cuốn Tổ Quốc Ăn Năn, đã viết: ”Biết một con người có thiện chí và trái tim nhiệt thành, ngay cả khi nghe những lời trái tai chúng ta cũng không vội phê phán ngay, mà tự hỏi động cơ nào đã khiến người đó viết như vậy. Khi hiểu rõ động cơ thì mình dễ thông cảm hơn.”
Trong một bài khác về cuốn sách này, tác giả Từ Thức kết luận rằng: ”Nguyễn Gia Kiểng viết Tổ Quốc Ăn Năn không phải để ‘chưởi cả nước.’ Đó là một công trình suy nghĩ đáng kể. TQAN đưa ra những nhận xét sâu sắc, đôi khi độc đáo, cần thiết cho sự phản tỉnh của một dân tộc, bên cạnh những ý kiến làm người ta bực mình, muốn ngồi nhỏm dậy, viết bài phản bác. TQAN đặt vấn đề một cách thẳng thắn, dứt khoát, can đảm, khác hẳn cái lối nghị luận nửa nạc nửa mỡ, vô thưởng vô phạt, rào trước đón sau của người Việt Nam. Đó là một cuốn sách phải đọc. Khẩn cấp.”
****
Cuốn sách thứ nhì ra đời gần như cùng thời gian lẫn cùng chủ đề, là cuốn Văn Hóa Trì Trệ Nhìn Từ Hà Nội Đầu Thế Kỷ 21 của Lê Thị Huệ, Văn Mới xuất bản.
Bỏ qua một số khuyết điểm không quan trọng về hình thức và nội dung, chúng ta sẽ thấy đây là một cuốn sách có giá trị của một tác giả có cái nhìn thông minh và sắc sảo về văn hóa Việt Nam thông qua sự sống, sự học của chính mình cùng các nhận xét tận chỗ xã hội Việt Nam đương đại.
Lê Thị Huệ sinh quán ở Hà Tĩnh, lớn lên ở miền Nam, đã theo học Đại học Đà Lạt từ 1971-1975. Qua Mỹ năm 1975, bà đã tốt nghiệp Cao học ngành Tâm Lý và Hướng Dẫn Giáo Dục tại các đại học San Francisco và San Jose, và hiện đang là giáo sư hướng dẫn tại đại học cộng đồng Evergreen Alley College ở San Jose, Hoa Kỳ. Bà về thăm Việt Nam lần đầu năm 1992, sau đó tiếp tục về nhiều lần, và đến niên khóa 1999-2000, bà được đại học của mình cấp cho một năm nghiên cứu văn hóa Việt Nam tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong dịp này bà đã đi nghiên cứu nhiều sinh hoạt văn hóa và thăm thú nhiều địa phương trong nước.
Với một quá trình như thế, tác giả Lê Thị Huệ có đủ điều kiện để nhìn văn hóa Việt Nam như một người tự nhìn mình, đồng thời như một “người ngoài” nhìn vào các đặc điểm của một nước khác. Hai cái nhìn ấy bổ túc cho nhau tạo cho quyển sách này nhiều nét độc đáo. Mấy chữ “đầu thế kỷ 21” nơi tên của cuốn sách khẳng định thời gian khảo sát của tác giả rất mới, những hiện tượng xã hội, chính trị, kinh tế, tâm lý v.v… của Việt Nam mà tác giả đề cập, ngoài đặc điểm truyền thống, lại còn nóng hôi hổi tính chất thời sự.
Không hẹn mà hai tác giả Lê Thị Huệ và Nguyễn Gia Kiểng hầu như cùng một lúc cho ra đời tác phẩm phê phán văn hóa Việt Nam. Cũng thời gian này, báo Cánh Én bên Đức tổ chức một cuộc thảo luận về đặc tính người trí thức Việt Nam mà bài thuyết trình chính của nhà văn Phạm Thị Hoài đã vạch ra nhiều điều tiêu cực rất tiêu biểu của tầng lớp này. Ngay ở trong nước, giới trí thức cũng có cái nhìn tương tự, năm ngoái “Trung tâm nghiên cứu tâm lý dân tộc tại Tp. HCM” đã tổ chức buổi tọa đàm “Tâm lý Việt Nam nhìn từ nhiều góc độ” trong đó nhiều cái dở của người Việt Nam đã được mổ xẻ, như “tâm địa nông nổi, nói liều,” “tâm lý tiểu nông,” “tính ưa nói khoác, ít xem trọng chữ tín, ý thức trách nhiệm không cao, địa phương chủ nghĩa v.v…” Hình như đến một thời điểm người Việt Nam không thể không làm công việc soi xét lại mình, vì thực trạng bê bết của đất nước trong suốt một hoặc nhiều thế kỷ qua đang kéo dài trong hiện tại và đang thẳng tiến vào tương lai. Tự huyễn hoặc mình bằng các ảo tưởng rút ra từ lịch sử hoặc từ huyền thoại và cá tính dân tộc thì chỉ có thể tạo được cái dũng khí nhất thời, lửa rơm, chứ không hữu hiệu để chữa bệnh nghèo đói lạc hậu cho bằng nhìn mình cho rõ và sửa đổi những chỗ yếu kém căn bản.
Cuốn sách của Lê Thị Huệ là một cái nhìn khá toàn diện những yếu kém cơ bản của người Việt Nam, nhưng điều đặc biệt là những khuyết điểm ấy đã được chế độ giảo hoạt, ngu dân, chèn ép của Cộng sản khai triển cho thêm phong phú, tô đậm cho chúng một màu sắc thời đại rất khó gột rửa. Đó là những yếu kém đã được “hiện đại hóa” trong cái lò toàn trị. Nhiều căn bịnh cổ truyền tưởng đã được quên đi, tự chữa lành rồi trong đời sống tương đối dân chủ, no đủ và văn minh ở miền Nam trước kia, bây giờ lại tái phát tăng trưởng song song với chế độ hiện hành. Kèn cựa vì miếng ăn chẳng hạn, miền Nam trước kia xem là chuyện đời xưa của các bức hý họa trong báo Phong Hóa, Ngày Nay, bỗng sống dậy mạnh mẽ theo đoàn quân chiếm đóng cộng sản. Chế độ đó đã có tác dụng làm mạnh thêm cái xấu cũ và sáng tác ra vô số điều tệ hại mới trong đời sống tinh thần của con người Việt Nam. Lê Thị Huệ đã có công về sống tận nơi “nghìn năm văn vật” đồng thời cũng là cái nôi nhung nhúc vi trùng của bệnh lạ nhiễm vào phủ tạng của dân tộc nửa thế kỷ qua, quan sát, nghiên cứu, ghi nhận và sắp xếp thành chương hồi hẳn hoi. Nếu Nguyễn Gia Kiểng chỉ đưa ra nhận xét mà không trưng bằng chứng, thì ngược lại Lê Thị Huệ rút nhận định của mình ra từ đời sống hàng ngày, từ từng tờ nhật báo, từng chương trình truyền hình mà mình tiếp xúc và theo dõi trong những ngày sống tại Hà Nội. Bà đi từ cụ thể đến phổ quát, và viện dẫn rất nhiều kho tàng túi khôn của người Việt là ca dao tục ngữ để nối kết cái bây giờ với cái ngày xưa. Thử xem qua một ít chương trong cuốn sách của Lê Thị Huệ.
Theo nhận xét của tác giả, đối với người Việt Nam, vấn đề “thần tượng” không quan trọng, mà “thần thánh” mới quan trọng. Thần tượng là một hình ảnh lý tưởng để người ta noi theo, trong khi thần thánh là đối tượng để tôn thờ, có tính cách tín ngưỡng, nặng về tình cảm hơn là lý trí.
“Người Việt Nam có khuynh hướng thích thần thánh hóa chứ không có khuynh hướng thần tượng hóa những nhân vật nổi bật. Thần thánh hóa là dựa vào niềm tin. Thứ niềm tin mang tính cách tôn giáo là không còn cần đặt câu hỏi mà chỉ biết cắm cổ tin. Trong khi thần tượng hóa thì mong muốn trở thành như thần tượng. Và chính vì muốn trở thành như thần tượng nên kẻ ngưỡng mộ sẽ đặt nhiều câu hỏi để biết rõ hơn về thần tượng. Thần thánh hóa là đưa đẩy người khác lên cao hơn mình trong khi thần tượng hóa thì lôi kéo người khác xuống bằng với mình.”
Sự phân biệt khéo léo này đã làm lộ rõ một đặc tính của người mình mà trước kia Trần Trọng Kim cũng đã có nhận xét là “hay tin ma tin quỷ, sùng sự lễ bái.” Cái tệ này đã bị đảng cộng sản Việt Nam lợi dụng khai thác triệt để khi bắt người dân tin vào Hồ Chí Minh và đảng cộng sản như thần như thánh. Đây có lẽ là một sự ngu dân lớn nhất lịch sử Việt Nam, với một chiến dịch thường trực không ngơi nghỉ, được thực hiện không những do đám quần thần của Hồ Chí Minh mà còn do ngay cả đương sự nữa. Trong một năm sống đời sinh viên ở Hà Nội, đây có lẽ là điều khiến cho Lê Thị Huệ khó chịu nhất, vì là người đứng ngoài không bị xông thuốc mê, nên bà thấy rõ cái hiện tượng suy tôn thần thánh ấy nó kỳ quặc, nó lố bịch và nó nguy hiểm cho tinh thần con người như thế nào.
“Hiện tượng ra sức ca ngợi lãnh tụ của chế độ xảy ra trong các nước Cộng sản mà Việt Nam đã rập khuôn theo, càng làm gia tăng bệnh sính niềm tin của người Việt. Biến hiện tượng này thành một chứng chỉ cuồng tin của nét văn hóa trì trệ.”
Trong khi ở miền Nam từ năm 1954 đến 1975, sự hóa giải cái tính ưa thần thánh hóa của người Việt có cơ đạt nhiều thành tựu bởi lối sống cởi mở và tương đối dân chủ, thì đảng cộng sản ở miền Bắc lại tô đậm thêm tinh thần trì trệ ấy, biến cả xã hội thành một đàn cừu, cản trở nặng nề óc sáng tạo và tiến bộ của người dân, nhất là thành phần trẻ.
Từ cuộc sống hàng ngày ở Hà Nội, Lê Thị Huệ phát giác một nét văn hóa mà bà gọi là “văn hóa xin.”
“Người Việt Nam dùng chữ ‘xin’ để chỉ những kết quả cụ thể đạt được từ sự giao tế với những kẻ phân phát kết quả ấy. Đến trường lo thủ tục nhập học thì gọi là đi “xin” học. Đến công tư sở để mẫu đơn thì gọi là đi ‘xin’ đơn. Khi trình bày lý do muốn nghỉ ở nhà không sinh hoạt như thường lệ thì gọi hành động này là ‘xin’ nghỉ. Con trai đến nhà con gái nói chuyện hôn nhân thì kêu là ‘xin’ cưới. Làm cái việc ngửa tay kêu người ta giúp tiền hay giúp thực phẩm để sống thì gọi là ‘xin’ ăn.”
Khi nhận một cái gì từ tay người khác, người Bắc thường nói “Cháu xin bác” hoặc “Cho tôi xin.” Đó là một lối nói đã thành nếp trong giao tế, vừa tỏ lòng cám ơn, vừa tỏ sự lễ phép. Nhưng phát giác của Lê Thị Huệ về thái độ “xin” như một nét văn hóa thì lại chứng tỏ người Việt Nam ít khi nhận ra cái quyền của mình được hưởng những gì trong xã hội, mà xem mọi thứ đến với mình đều với tính cách ban phát, và mình phải xin mới có được. Có thể thái độ đó bắt nguồn từ chế độ phong kiến, rồi qua thực dân, và cuối cùng chế độ cộng sản lại tô đậm hơn bao giờ hết tính cách nô lệ của người dưới đối với người trên. Giao tiếp xã hội trong tinh thần dân chủ thì không có chữ “xin.” Mọi thứ phải có định chế rõ rệt, không ai ban phát cho ai cái gì cả, mọi người đều có nghĩa vụ và có quyền lợi. Đảng Cộng sản thừa hưởng tinh thần xin xỏ ấy của dân Việt Nam mà đặt lên đầu dân chế độ toàn trị, nắm toàn bộ sinh mệnh của người dân, từ cơm ăn, áo mặc, việc làm, chữa bệnh, học hành, giải trí… nhất nhất đều do đảng điều động phân phối hết. Và lại còn bắt dân nói những lời làm lộ rõ thân phận hèn mọn, làm mất nhân cách của mình: “Ơn bác, ơn đảng.” Chỉ là một dạng khác của lối nói thời phong kiến “Ơn vua, lộc nước” hoặc “Bẩm lạy quan lớn, con mang ơn quan lớn” của thời thực dân Pháp cai trị. Cộng sản chọn một phương cách dã man là đấu tố coi như là một lối trả thù cho các đè nén ngày xưa, và sau đó lại đặt lên đầu dân một sự đè nén khác toàn diện hơn nhiều.
Và cuối cùng, cái “văn hóa xin” vẫn còn y nguyên trong tâm lý người dân bị trị, cho đến khi nào người dân được độc lập trong đời sống kinh tế, tự do trong đời sống chính trị, văn hóa.
Trong chương bảy của cuốn sách, Lê Thị Huệ lại nhìn ra một nét văn hóa độc đáo khác của người Việt Nam, mà bà gọi là “Văn hóa nghiện cái nghèo.” Lại một khám phá bất ngờ. Cái nghèo đối với người Việt Nam thì có gì là lạ, nhưng nhìn ra cái tâm lý quý trọng nâng niu sự nghèo khổ của người Việt thì quả là một khám phá. Thật ra giàu sang sung sướng thì ai mà không mơ ước, nhưng khi cái mơ ước thành xa xôi quá thì người ta đâm ra vuốt ve sự nghèo khổ của mình như là một cái gì thân thiết. Cảnh trí thôn quê chẳng hạn, đi xa ai cũng nhớ thương, nhưng nhớ thương nhất vẫn là “mái tranh nghèo” và cảnh làm lụng cực nhọc một sương hai nắng như cày bừa, tát nước… chứ chẳng ai thương nhớ nhà ngói cây mít hay là cảnh ngồi mát ăn bát vàng của hạng người giàu có. Cái nghèo gần như trở thành một nguồn cảm hứng, một nguồn yêu mến cho người dân Việt, và ta có thể tìm thấy đầy rẫy trong văn, thơ, nhạc và nhất là trong truyện cổ tích. Trích Lê Thị Huệ:
“Lãng mạn tình tứ với cái nghèo đến thế này thì thôi:
Chồng em áo rách em thương
Chồng người áo gấm xông hương mặc người.
…Nếu quan sát kỹ hành vi ứng xử trong đời thường của người Việt Nam, bạn sẽ thấy khi họ gặp một người nghèo, họ rất dễ mủi lòng. Họ sẵn sàng đứng về phía người nghèo đó để giúp đỡ bênh vực. (…) Đó là văn hóa mà chúng tôi thường đùa gọi là: ‘Lá nghèo đùm lá rách. Lá rách đùm lá tả tơi.’ Nguyên thủy câu nói của người Việt là ‘Lá lành đùm lá rách.’ Câu này dạy người Việt Nam nên biết giúp người nghèo khổ hơn mình.
… Ca dao tục ngữ có một câu thần chú mà tôi bảo đảm là bất kỳ trẻ em Việt Nam nào cũng đã từng phải ít ra một lần bình luận nó trong giờ tập làm văn bậc tiểu học. Đấy là câu ‘Đói cho sạch, rách cho thơm.’
Tất cả mọi người Việt Nam đều in trong đầu câu tục ngữ này. Câu tục ngữ này mở đầu [bằng] hai chữ ‘đói, rách’ nhưng lại chấm dứt câu văn bằng hai chữ ‘sạch, thơm.’ Có một mối tương quan âu yếm và kính trọng hiện tượng đói rách trong câu này biết là bao. Đói và Rách được tôn thờ trong câu tục ngữ này biết bao.”
Kể ra nghèo mà biết hành xử với cái nghèo như người Việt Nam thì thật là đẹp. Nó chứng tỏ một trình độ cao trong đời sống tinh thần và tâm thức. Dĩ nhiên người ta than vãn, phẫn hận về cái nghèo cũng nhiều lắm, ví dụ ”Chém cha cái khó, chém cha cái khó, khôn khéo mấy ai, khó khăn một nó”, nhưng thái độ chung vẫn là nâng niu cái nghèo, và hậu quả là người ta ít nghĩ cách để thoát khỏi cảnh nghèo, mà chỉ chịu đựng nó, thậm chí “thưởng thức” nó: ”Ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no; đêm năm canh yên giấc ngáy kho kho, thời thái bình cửa thường bỏ ngỏ”. Có thái độ như vậy thì thật khó mà thoát ra khỏi cảnh nghèo khó.
Nhưng cái hay của Lê Thị Huệ là biết liên kết những chứng bịnh kinh niên của dân tộc với chứng bịnh ngoại nhập, là cái bịnh “vô sản” mà người cộng sản mang từ bên Nga bên Tàu về. Đến chế độ này thì nghèo thành hẳn một cái “đạo,” đạo truyền rằng tất cả mọi người đều phải nghèo hết, cào bằng cho mọi người đều nằm rạp sát đất, cho trơ trụi, cho đúng với tên đạo là vô sản. Con người không còn gì hết, và như đoạn trên đã nói, cơm ăn, áo mặc, học hành, giải trí, chữa bệnh… nhất nhất phải nhận lãnh từ một nguồn ban phát, là đảng cộng sản. Từ cái “học thuyết” căn bản đó, ngày nay dù đảng cộng sản có cố gắng làm một số động tác gọi là đổi mới, Việt Nam vẫn còn là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Đúng là đã “nghèo mà lại mắc cái eo!”
Cuộc sống tại Hà Nội giúp Lê Thị Huệ nhận chân ra được nhiều điều tiêu cực, có lẽ vốn là những căn bịnh kinh niên của dân Việt Nam thực, nhưng thay vì được sửa chữa dần theo với thời gian thì lại bị đời sống nghèo cực, chèn ép, bưng bít và giả dối của chế độ cộng sản làm cho nặng nề thêm. Những bệnh phét lác của những con ếch ngồi đáy giếng, thiếu trách nhiệm, vọng ngoại, đầu óc sáng tạo bị thui chột v.v… đang là những thứ vi trùng đục khoét thân thể dân tộc, làm cho bạc nhược ốm yếu không chạy đua nổi với thế giới.
Sau 1975, khi cộng sản cai trị cả nước thì người ta phải nghe những điều tự kỷ ám thị hơi nhiều, toàn là những “tiến nhanh tiến mạnh,” những “ưu việt, anh hùng, giàu mạnh” với “đỉnh cao trí tuệ.” Nhưng nói mãi một phần tư thế kỷ mà kinh tế Việt Nam vẫn cầm đèn đỏ trên thế giới, tuyệt đại đa số dân chúng vẫn quá nghèo cực, thì đã đến lúc người ta bắt buộc phải ngưng nói để nhìn lại chính mình. Phong trào phản tỉnh của người Việt hình như đang bắt đầu. Những cuốn sách như “Văn Hóa Trì Trệ…” này nên được coi là những gợi ý suy nghĩ của các tác giả có can đảm bắn phát súng đầu tiên. Sách loại này cần được đọc ngay bởi người Việt Nam trong nước và ngoài nước, nội dung của nó cần mổ xẻ, góp ý, trao đổi.
Người Việt Nam đi tị nạn ở nước ngoài dĩ nhiên cũng còn mang rất nhiều khuyết điểm cố hữu, nhưng không ít thì nhiều, một khi đã phải hội nhập vào một nền văn hóa khác thì mình cũng phải thích ứng với cái mới, và đó là cơ hội hiếm có để ta có thể gột rửa dần những cái không hay. Tác giả Từ Thức đã viết trong một bài đăng trên tạp chí Thế Kỷ 21như sau: “Bảo người Việt Nam có cái tội ganh ghét, đố kỵ nhau, phá phách nhau thì đúng. Và riêng cái tính quái lạ ấy cũng đủ để cái xứ ấy không ngửng đầu lên được”. Người Việt hải ngoại, một khi đã tập họp nhau đủ đông để thành một cộng đồng, thì lập tức những món ganh ghét, đố kỵ, phá phách lại có đất để mà sống dậy. Đó là chưa kể, trong cuộc sống lưu vong của phía bại trận, một số biểu hiện đã cho người ta thấy một loại tâm lý không mấy bình thường của một số bà con, từ trong đời sống gia đình ra đến xã hội. Phanh phui, trình bày phân tích những nét lệch lạc ấy là việc rất nên làm, để giúp chúng ta ra khỏi những bất mãn, dồn nén cũng như ảo tưởng bệnh hoạn đã không ít làm khổ gia đình và đồng hương của chính chúng ta. Trong một cộng đồng tị nạn nối kết với nhau chỉ vì tình nghĩa đồng bào chứ không phải do một định chế nhà nước hay xã hội, chúng ta có thể tự bảo ban nhau trong tinh thần hiểu biết và cầu tiến, và trong việc này không ai thích hợp hơn là các cơ quan truyền thông của người Việt Nam đứng ra đề xướng và hướng dẫn. Ước mong các cơ quan truyền thông tiếng Việt sẽ mở ra các diễn đàn để mọi người thảo luận cùng nhau một cách thẳng thắn, hiểu biết và với lòng thương yêu, tránh hẳn cái không khí chưởi bới nhau, “khích bác nhau cho sâu cho cay cho thật đau” như nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang đã nhìn thấy như một đặc tính Việt Nam từ hơn ba mươi năm trước.
Tự ca tụng mình thì dễ, đọc sách vở ca ngợi những cái tốt đẹp thì khoan khoái, trong khi nghiêm khắc vạch chỗ yếu kém sai lầm của mình thì không mấy người muốn làm. Nhưng đó là việc nên làm, phải làm. Phải biết ơn những người đã bỏ công tìm tòi hộ cho ta những khuyết điểm của chính ta, phải đọc họ chăm chú kỹ lưỡng với một tấm lòng cầu tiến chứ đừng vội lên án họ chỉ vì lời nói thẳng không thuận tai. Không vượt qua được cái chướng ngại tối thiểu ấy thì rất khó lòng có thể tiến những bước xa hơn. /.
PXĐ – 2001
* Bài điểm hai quyển sách Tổ Quốc Ăn Năn của Nguyễn Gia Kiểng (tác giả xuất bản, tại Pháp) và Văn Hóa Trì Trệ Nhìn Từ Hà Nội Đầu Thế Kỷ 21 của Lê Thị Huệ (Văn Mới xuất bản, tại Hoa Kỳ), cả hai đều được xuất bản vào đầu năm 2001.
nguồn: Diễn Đàn Thế Kỷ
Nhà văn Phạm Xuân Đài từng là chủ bút các tạp chí Thế Kỷ 21, nhà xuất bản Thế Kỷ 21 ở hải ngoại.
Ông hiện điều hành tạp chí mạng Diễn Đàn Thế Kỷ @ https://www.diendantheky.net/