Seite auswählen

Cải cách ruộng đất ở miền Bắc

Cải cách ruộng đất ở miền Bắc

Năm 1956, sau khi sắp xếp lại tổ chức xong, các đơn vị bộ đội miền Nam bắt đầu học chỉnh huấn về cải cách ruộng đất. Các chính trị viên giảng về lý luận của cuộc cách mạng “phản phong”, xóa bỏ hình thức bóc lột của địa chủ, phú nông ở nông thôn. Sau đó, “cốt cán chuỗi rễ” là những bần cố nông có thành tích đấu tố xuất sắc trong cải cách ruộng đất ở địa phương đến kể chuyện thực tế. Hồi này chưa phát hiện những sai lầm ghê gớm trong cải cách ruộng đất, chưa có từ “tố điêu” nói về những bịa đặt của bần cố nông cố gắng làm vừa lòng cán bộ đội cải cách. Tôi chỉ có thắc mắc: “Vì sao mà địa chủ ở miền Bắc ác hơn hẳn địa chủ ở miền Nam?” Các chính trị viên giải thích: “Vì địa chủ miền Bắc nghèo hơn nên cố vơ vét!” Từ các buổi nghe kể chuyện thực tế, tôi viết bài thơ “Chị Cả” đăng lên báo tường của đại đội và gửi một bản lên báo Quân đội Nhân dân. Không ngờ bài thơ này được vào chung khảo cuộc thi của ủy ban cải cách ruộng đất và được in trong tập mang tên “Đường Làng” tên bài thơ của Phác Văn. Tập thơ gồm những tác giả: Thanh Tịnh, Nguyễn Bao, Nguyễn Viết Lãm, Phác Văn, Hải Như, Hữu Thọ, Nguyễn Bùi Vợi, Quang Huy, Vượng. Dưới tên tôi, được chua thêm hai chữ “bộ đội”.

Sau này tôi mới biết, địa chủ miền Bắc cũng giống như địa chủ miền Nam, họ là những người có trí, có học, tổ chức công việc giỏi giang nên trở nên giàu có. Hầu hết họ đã đóng góp lớn cho Tuần Lễ Vàng, đã tham gia kháng chiến. Người địa chủ lớn tiêu biểu là bà Nguyễn Thị Năm đã bị đấu tố, giết hại thê thảm. Ngoài ra còn rất nhiều địa chủ miền Bắc lâm cảnh như thế. Bố anh Hữu Tính trưởng văn phòng miền Nam báo Lao Động tham gia cách mạng từ năm 1945, làm chủ nhiệm Ủy ban Mặt trận Việt Minh huyện, có con gái là bí thư đảng ủy các cơ quan trung ương, con rể là thư ký phó chủ tịch tôn Đức Thắng, đã bị đấu tố là một tên địa chủ chui vào hàng ngũ cách mạng, phải xử bắn! Anh Ngọc Liên, trưởng ban Bảo hộ Lao động của Tổng Liên đoàn Lao động thời ấy cũng bị đấu tố là địa chủ phản động, bị bắt giam, bỏ đói suýt chết.

Vào làm phóng viên báo Lao Động ngày 1 tháng 1 năm 1960, sau “sửa sai cải cách ruộng đất” đã 3 năm, tôi mới được biết bài thơ của mình được vào chung khảo một cuộc thi và in chung với nhiều tác giả đã nổi tiếng. Nhưng lúc ấy tôi không thấy vui mà cảm thấy xấu hổ vì đã được đọc bài thơ “Em bé lên sáu tuổi” của Hoàng Cầm cũng được viết khoảng thời gian đó, có những câu:

Chị bần nông cốt cán,

Ứa nước mắt quay đi:

Nó là con địa chủ,

Bé bỏng đã biết gì.

Hôm em cho bác cháo,

Chịu ba ngày hỏi truy,

Chi đội bỗng lùi lại,

Nhìn đứa bé mồ coi,

Cố tìm vết thù địch,

Chỉ thấy một con người!

Cùng trải qua một tình huống tương tự mà tôi cố viết theo ý đồ tuyên truyền, không có cảm xúc nhân văn như ông! Tiểu đội tôi đóng quân trong ngôi nhà của địa chủ nay cấp cho gia đình cố nông. Gia đình địa chủ bị dồn vô dãy nhà sau trước kia dành cho người làm, người ở. Một hôm chúng tôi đang ăn cơm thì bé gái con địa chủ đứng ngoài cửa sổ nhìn vào với vẻ thèm thuồng. Cảm thấy tội nghiệp, tôi xúc cho nó bát cơm đưa qua cửa sổ. Vì chuyện này tôi bị phê phán “mất lập trường giai cấp”. Sau khi học chỉnh huấn cách mạng ruộng đất, chi bộ xóa tên tôi khỏi danh sách “quần chúng cảm tình Đảng chuẩn bị kết nạp”. Cũng trong thời gian này Huỳnh Dư Khải ghé thăm tôi, báo tin buồn. Ra Bắc, Khải đã là thiếu úy, chi ủy viên của chi bộ đại đội trong Tiểu đoàn 308 nổi tiếng (chỉ đứng sau tiểu đoàn 307). Cấp trên cho biết với lý lịch vào bộ đội từ lúc 15 tuổi, “chiến công đầy mình”, nếu lãnh đạo cuộc chỉnh huấn đại đội đạt kết quả tốt, Khải sẽ được đề bạt vượt cấp. Khải đã trung thực khai cha mình là địa chủ, Hương cả Quỳnh Dư Khiêm đứng đầu Ban Hội tề. Khải sống với bác ruột là ông hội đồng Huỳnh Dư Thuần để gần trường học. Sao chỉnh huấn, cấp trên bảo Khải “từ trong trứng của giai cấp bóc lột, cần phải thử thách cải tạo nhiều hơn nữa”. Anh được đưa vào danh sách giảm quân giống như tôi, nhưng anh không thể chịu cam phận như tôi, bởi đã từng là một người hùng. Khải kể: “Tao đã xé giấy giới thiệu đảng viên vứt vô mặt thằng bí thư. Tao sẽ mua chiếc xe ba gác để chở hàng thuê và làm giường ngủ. Khi nào mày về Hà Nội thì kiếm tao ở chợ Hàng Da.”

Sau tháng Tư năm 1975, Huỳnh Dư Khải về quê. Cả làng An Bình Tây vô cùng ngạc nhiên khi thấy anh chiến sĩ Vệ Quốc Đoàn từ năm 1947 nay chỉ là một anh bạch đinh, đi làm thuê kiếm sống.

Đọc bài trước: Từ theo cộng đến chống cộng (22): Bác Hai lại nói về đảng Cộng sản và đảng Dân chủ

Đọc bài tiếp theo:Từ theo cộng đến chống cộng (24): Truyện ngắn “Dũng” đưa tôi vào nghề báo