Seite auswählen

Từ vụ việc kể trên, tôi tò mò tìm hiểu về anh Hoàng Nghinh.

Anh hơn tuổi tôi đúng một giáp, lúc ấy vừa tròn 40, nhưng đầu tóc bạc phơ như ông lão 80. Những người quen biết anh nói ông ấy lo nghĩ còn hơn cả Ngủ Tử Tư (nhân vật trong tiểu thuyết Đông Châu Liệt Quốc sau một đêm suy nghĩ không ngủ được, toàn bộ râu tóc biến thành trắng xoá).

Sau khi tốt nghiệp trường kỹ nghệ, anh bị sung vào lính thợ đưa sang Pháp trong Chiến tranh Thế Giới Thứ Nhì. Có học vấn, tính tình thẳng thắn, trung thực, quan tâm chăm sóc anh em, nên không bao lâu anh được tập thể lính thợ tính nhiệm bầu làm tổng thư ký nghiệp đoàn lính thợ Việt Nam ở Pháp. Khi Hồ Chủ tịch và phái đoàn Phạm Văn Đồng sang hội nghị Fontainebleau, anh Hoàng Nghinh không đồng tình, cho rằng thương lượng và nhân nhượng quá nhiều đối với bọn thực dân Pháp là sai lầm. Anh tổ chức một cuộc biểu tình của hàng ngàn lính thợ Việt Nam với những khẩu hiệu: “Không thể nhân nhượng bọn thực dân”, “Độc lập chỉ có thể giành lại bằng máu”. Lẽ ra, những người cộng sản Việt Nam nên coi đó là biểu hiện lòng yêu nước đáng mừng của anh em lính thợ và hành động đó gây sức ép với bọn thực dân, chứ không nên oán giận cho là họ chống mình.

Sau ngày 19-12-1946, toàn quốc kháng chiến bùng nổ. Đọc lời kêu gọi kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh Hoàng Nghinh lập tức tìm cách rời nước Pháp, về chiến khu Bình Trị Thiên tham gia kháng chiến và được kết nạp vào Đảng. Một năm sau, anh được Ban Tổ chức Trung ương Đảng điều ra Việt Bắc, làm trưởng ban Quốc tế của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam do ông Hoàng Quốc Việt làm chủ tịch. Sau khi Trung Cộng giải phóng lục địa và Việt Cộng giải phóng biên giới phía Bắc thì nhiều đại biểu Cộng sản Pháp tới Việt Bắc bằng đường bộ. Một đảng viên Cộng sản Pháp báo cho Hoàng Quốc Việt biết Hoàng Nghinh là người cầm đầu cuộc biểu tình của lính thợ Việt Nam chống Hồ Chủ tịch đàm phán với Pháp ở hội nghị Fontanebleau. Hoàng Quốc Việt gọi Hoàng Nghinh tới vỗ bàn xài xể để anh về hành động gây rối phá hoại hoạt động ngoại giao của lãnh tụ. Mặc cho Hoàng Nghinh thanh minh về sự ấu trĩ của mình, anh vẫn bị kết tội là một phần tử có lý lịch rất xấu, phải giáng xuống làm Trưởng ban Quốc tế của báo Lao Động. Tức là từ cương vị ngang và có phần hơi nhỉnh hơn ông tổng biên tập báo Lao Động, thì từ đây anh trở thành cấp dưới của ông ta. Vụ mang lý lịch có “tì vết chính trị”, là điều tệ hại nhất trong xã hội do đảng Cộng sản lãnh đạo, nhưng không vì thế mà anh rụt rè không dám lên tiếng trước những điều sai trái. Trong cuộc họp chi bộ đấu tranh với Tổng biên tập về cách quản lý phóng viên theo lối hành chính, thái độ thẳng thắn của anh hoàn toàn thuyết phục tôi.

Đến thập niên sáu mươi, quan hệ Trung Xô căng thẳng, Trung ương Đảng ra nghị quyết 9 chống chủ nghĩa xét lại hiện đại, thực chất là đứng về phía Trung Quốc, chống Liên Xô. Ông Hoàng Quốc Việt chỉ thị: tình hình thế giới rất phức tạp, phải thanh lọc kĩ cán bộ làm công tác đối ngoại. Một lần nữa anh Hoàng Nghinh bị ban tổ chức Tổng Liên đoàn Lao động theo lệnh chủ tịch Hoàng Quốc Việt xem xét lại tội tổ chức lính thợ Việt Nam biểu tình chống lãnh tụ Hồ Chí Minh ở Paris là “không đủ tiêu chuẩn làm công tác đối ngoại trong tình hình mới”. Anh bị giáng chức trưởng ban quốc tế báo Lao Động, xuống làm phóng viên cùng lứa với tôi. Tổng Liên đoàn Lao động bổ nhiệm anh Võ Thế Dân, thương binh thời chống Pháp, người được anh Nghinh kèm cặp nghề báo lên làm trưởng bản quốc tế.

Ngày đầu tiên anh Hoàng Nghinh nhận quyết định làm phóng viên, tôi có gặp anh chia sẻ chuyện không vui. Anh bảo, không nên coi đây là chuyện không vui, mà là một thử thách mới không dễ có của đời người. Anh còn nói vui: “Mình làm báo hàng chục năm mà chưa biết làm phóng viên. Chú Công phải kèm cặp cho mình nha”. Tôi không được vinh dự kèm cặp anh, vì sao đó anh được giao nhiệm vụ đi làm phóng viên thường trú vùng tuyến lửa Quảng Bình, Vĩnh Linh, được coi là “túi bom” của miền Bắc. Anh em trẻ chúng tôi đều cho rằng đưa một người có tuổi vào một nơi “mưa bom bão đạn” là vô nhân đạo. Nhưng anh Hoàng Nghinh muốn bằng hành động của mình, trả lời những người “thù dai” rằng anh vẫn có đủ phẩm chất của một chiến sĩ vì độc lập tự do của dân tộc, sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh. Ngày ngày, trên chiếc xe đạp tung hoành trên các vùng “đất lửa”, đêm xuống rút vào hầm trú ẩn đốt đèn dầu ngồi viết tin, anh không chịu kém các phóng viên trẻ. “Người lính già đầu bạc” là biệt danh bọn trẻ chúng tôi ca ngợi anh.

Thời ấy ở miền Bắc, cán bộ đảng viên rất sợ hai chữ liên quan. Chị Thanh, vợ anh phải chịu sự săm soi, mỗi khi đến dịp xét lên lương, đề bạt. Có lẽ nhờ hành động dũng cảm của anh xông xáo nơi đất lửa Quảng Bình, Vĩnh Linh, chị được đề bạt lên chức cục phó ở Bộ Giao thông Vận tải mà không bị những tiếng xì xầm làm cản trở. Chị lên cục phó, theo tiêu chuẩn được cấp căn nhà rộng hơn. Ngày dọn về nhà mới, mọi người châm chọc anh là “thực lộc chi thê”, là “ăn theo vợ”. Anh cười: “Nói như vậy là còn trọng nam khinh nữ đấy”. Đôi khi vì thương anh, tôi phàn nàn: “Nhiều tài liệu của Đảng đề cao khả năng tự tu dưỡng, rèn luyện quan điểm giai cấp nhưng trong thực tế thì đâu đâu cũng thấy chủ nghĩa lý lịch, định kiến với quá khứ xa lắc”. Anh bỗng trở thành nhà biện hộ: “Dù lý thuyết tuyệt vời đến đâu cũng do con người thực hiện, Công à! Cán bộ, đảng viên chúng ta đều từ nông dân, làm sao khỏi bệnh ấu trĩ, hẹp hòi. Phải chờ đợi thôi!”

Nhớ lời bào chữa đó, tôi càng băn khoăn: Sao bệnh ấu trĩ, hẹp hòi sống dai thế! Liệu có đúng căn nguyên là do ấu trĩ?

Năm 1988, tôi ra Hà Nội làm tổng biên tập báo Lao Động. Anh Hoàng Nghinh đã về hưu hơn 10 năm. Anh vừa vui vừa mừng, vừa lo lắng cho tôi: “Công là cây bút viết tốt, nhưng làm lãnh đạo thì anh lo, nghề này, tập thể này phải có thủ đoạn chính trị, cái khoản này anh thấy chú mày ngờ nghệch lắm”. Tôi nói: “Thủ đoạn của em là không để ai đoán mò ý mình, cứ nói thẳng ra với nhau.” Anh vui hẳn lên: “Ừ, ngày xưa anh cứ phải đoán mò ý của ông tổng biên tập và cấp trên! Không gì tốt hơn là công khai hết, em ạ”. Anh bị bệnh tiểu đường rất nặng, có người mách ăn trái cóc miền Nam có tác dụng tốt. Tôi nhắn vợ tôi, mỗi tuần gửi ra cho anh 10 trái cóc, nhưng chỉ được sáu tháng sau anh qua đời!

Đọc bài trước: Từ theo cộng đến chống cộng (24): Truyện ngắn “Dũng” đưa tôi vào nghề báo

Đọc bài tiếp theo: Từ theo cộng đến chống cộng (26): Suốt đời không thể sửa sai!