Seite auswählen

Tôi vào báo Lao Động thì anh Nguyễn Anh Tài đang làm phóng viên thường trú ở khu 4 (Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh). Anh vừa tốt nghiệp trường kỹ nghệ thì Cách Mạng Tháng Tám, rồi kháng chiến chống Pháp. Anh vào làm ở binh công xưởng. Một lần anh trộn thuốc bị nổ, gãy xương cánh tay và mù một mắt. Anh vào nghề viết lách bằng bài thơ ‘Con đường Lâm’, ca ngợi một anh hùng hy sinh thời chống Pháp, tên được đặt trong một con đường ở thị xã Quảng Bình. Anh lấy vợ là một ca sỹ trong đội đồng ca đoàn Văn công Tổng cục Chính trị Quân đội. Anh hay kể với giọng tự hào về cô vợ xuất thân bần nông của mình: “Cô ấy kể từ năm lên tám đã khéo léo tự leo lên lưng con trâu cổ.” Những lúc như vậy, anh tỏ ra là một đảng viên thấm nhuần lập trường giai cấp của đảng Cộng sản. Khi thân nhau, không ít lần tôi được anh thổ lộ nỗi khổ về sự thô bạo “dùi đục chấm mắm cáy” của cô vợ bần nông. Sau đó anh kể về mối tình đầu đẹp đẽ nhưng trái ngang của mình với một chị tên Hương. Từ năm 1969 tôi chuyển nhà từ nơi cùng khu phố với anh ở quận Hoàn Kiếm về quận Đống Đa. Vậy mà khi có chuyện không vui với vợ, ngay dưới nắng hè cháy da anh vẫn đạp xe đạp tới nhà tôi để tâm sự. Tôi phải nghe đi nghe lại không biết là lần thứ mấy câu chuyện cũ mà vì thương bạn, tôi cứ tỏ ra chăm chú lắng tai như mới được nghe lần đầu!

Ngày anh làm kỹ thuật viên ở binh công xưởng, chị làm cán bộ Phụ nữ Cứu quốc. Những chiều chủ nhật hẹn hò, cùng dắt tay vào bìa rừng, anh trao bài thơ mới làm, chị ngâm nga diễn cảm, khi đanh thép lúc mượt mà. Chị có khả năng ‘thôi xao’ một từ chưa thật chỉnh. Giữa khi “hương càng đượm lửa càng nồng” thì từ quê chị báo tin dữ: Gia đình chị bị quy thành phần địa chủ. Nông dân đấu tố đã từng bị bố mẹ chị bóc lột áp bức rất dã man. Họ đòi phải trừng trị bố chị bằng hình thức treo cổ. Chị đến tìm anh, những mong được chia sẻ nỗi đau quá lớn. Chi bộ binh công xưởng biết chuyện đã quyết định giáo dục anh “giác ngộ giai cấp, chấm dứt ngay mối quan hệ với con gái của địa chủ, kẻ thù của cách mạng đang phải kiên quyết tiêu diệt”. Anh đề nghị với chị, tạm ngưng mối quan hệ vì đó là mệnh lệnh của Đảng. Chị khóc khi nhớ lại những lời ngọt ngào tình yêu mà mới hôm qua chị vẫn tin chắc rằng không có một thế lực nào có thể chia cắt được. Chỉ một tháng sau, cụ Hồ đọc báo cáo sửa sai. Bố mẹ chị báo tin đã được “hạ thành phần”. Anh vô cùng mừng rỡ, vội vàng tìm đến chị. Nhưng trước sự vui mừng của anh, chị lạnh lùng, đanh thép: “Chẳng lẽ, anh không hiểu rằng tình yêu đã chết khi phải đối mặt với sự toan tính hèn hạ?” Anh Thanh Minh, anh cầu xin và anh chờ đợi. Nhưng con người dịu dàng ấy, con người mẫn cảm với từng ý thơ ấy đã coi anh như người xa lạ! Cho đến khi chị Hương lập gia đình, anh mới chấm dứt niềm hy vọng. Khi mái đầu đã muối nhiều hơn tiêu, con gái Thùy Dương của anh du học ở Tiệp Khắc, anh vẫn bùi ngùi nhắc lại mối tình đầu: “Đảng tuyên bố sửa sai cải cách ruộng đất đã hơn 20 năm. Không biết vết thương trong hồn dân tộc đã lành lặn chưa. Nhưng mà cái sai của mình thì tới hết đời rồi vẫn không sửa được!”

Đọc bài trước: Từ theo cộng đến chống cộng (25): Người có lý lịch rất xấu và bị nhiễm dân chủ tư sản

Đọc bài tiếp theo: Từ theo cộng đến chống cộng (27): Học làm báo cách mạng