Trong số anh em cùng vào làm báo Lao Động tháng Một năm 1960 với tôi có anh Phạm Duy Từ học sinh trung học ở Khánh Hòa tập kết ra Bắc theo diện con em cán bộ (có anh là trung đoàn trưởng bộ đội Liên khu 5). Duy Từ được học đại học ở Bắc Kinh, rồi tu nghiệp ở Liên Xô, về nước làm phiên dịch cho chuyên gia Trung Quốc ở công trường xây dựng nhà máy phân đạm Bắc Giang. Anh viết bài về công trường này gửi cho báo Lao Động, được lãnh đạo của báo công nhận là cộng tác viên đắc lực suốt nhiều năm. Anh không chỉ viết bài rất hay mà còn vẽ biếm họa được bạn đọc yêu thích và thường góp ý đổi mới cách trình bày trang báo. Ở thời quan hệ Việt-Trung như môi với răng, thì một người thông thạo ngôn ngữ của Mao chủ tịch và cả Lênin là vô cùng sáng giá. Được một người như vậy về tòa báo, ban biên tập rất mừng, bố trí anh vào ban thư ký tòa soạn làm việc bên cạnh ông Ngô Tùng phó tổng biên tập kiêm trưởng ban thư ký tòa soạn. Nơi ở của anh Từ cũng được sắp xếp ưu tiên. Chúng tôi bốn người ở cùng trong một phòng tập thể 20 mét vuông. Duy Từ được ở riêng một phòng 10 mét vuông. Người ta giải thích sự ưu tiên đó là do đã không câu nệ về bậc lương mà chiếu cố một người ham học hỏi đã có số sách chiếm gần một nửa gian phòng.
Duy Từ làm việc khoảng một tuần thì xảy ra sự cố chính trị làm náo động cả tòa báo. Anh đưa lên cái “tít” (titre) của một bản tin “vơ đét” giữa trang nhất: Hồ Chí Minh nói “đảng viên, cán bộ là công bộc của dân”. Hồi này báo chí miền Bắc chưa bao giờ đưa tên các vị trong bộ chính trị mà không kèm theo chức vụ, huống hồ lại là Hồ Chí Minh, làm sao dám gọi gọn lỏn, vô cùng thất lễ đối với vị “cha già dân tộc”! Người liên lạc đã mang bài, maquette các trang báo đi nhà in thì bất chợt ông Ngô Tùng nhớ chuyện gì đó đã gọi lại, xem. Sau này không biết bao nhiêu lần ông suýt xoa “May quá! Mình linh cảm có chuyện gì!” Sự việc đã bị quy kết thành quan điểm lập trường, hơn nữa còn nghi vấn “chỉ là ấu trĩ hay có ý đồ gì?” Ban biên tập quyết định đưa Duy Từ đi giáo dục cải tạo qua lao động tập thể ở một công trường xã hội chủ nghĩa. Hai hôm sau đại diện cơ quan đưa anh đến công trường thuỷ lợi Bắc Hưng Hải (tên ba tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương) lớn nhất miền Bắc. Hằng tuần tòa soạn báo và công trường thông báo trao đổi thông tin về người lao động cải tạo Phạm Duy Từ. Qua mấy tháng lao động ở công trường, Duy Từ có sáng kiến cải tiến cách chuyển đất từ nơi đào đến bờ đê nhanh hơn. Tin tốt lành đó được ban biên tập phổ biến trước cơ quan trong cuộc họp hằng tuần. Mọi người đều mừng cho anh và hy vọng cứ theo đà này chẳng bao lâu nữa Duy Từ sẽ được trở về, còn nếu tiếp tục ở đó thì anh sẽ trở thành anh hùng lao động! Nhưng khoảng hai tháng sau lại xảy ra một chuyện động trời: Phạm Duy Từ bị bắt vì âm mưu tổ chức một đảng phản động! Cơ quan công an cho biết Phạm Duy Từ viết bản tuyên ngôn thành lập đảng Trung Chính Việt Nam. Tuyên ngôn cho rằng cuối thập niên năm mươi thế giới đã có những bước chuyển mới, nền công nghiệp gồm những nhà máy được giai cấp công nhân áo xanh lao động sản xuất đã được thay thế bởi những dây chuyền máy tự động, điều khiển bằng máy tính, những nhân viên áo trắng thay cho công nhân áo xanh. Cuộc đấu tranh suốt ba thế kỷ của các quốc gia công nghiệp hóa là phân phối của cải. Ngày nay với nền kinh tế tri thức, các nước giàu đấu tranh trong cuộc phân phối tri thức và chiếm lĩnh tri thức. Tri thức quyết định quyền lực trên quy mô toàn thế giới. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, thế giới chia hai phe: tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa. Ngày nay với kinh tế tri thức, thế giới chia ra: những nước nhanh và những nước chậm. Nhanh là do nắm được tri thức và thông tin để rút ngắn thời gian. Nước Việt Nam chúng ta do đảng Lao Động Việt Nam, đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo ngày nay không còn phù hợp với thời đại. Để đất nước tiến lên ngang tầm thời đại phải có một đảng mới do trí thức lãnh đạo.
Ngày chủ nhật, Duy Từ từ công trường Bắc Hưng Hải mang bản thảo tuyên ngôn của đảng Trung Chính Việt Nam về Hà Nội đến một cửa hàng đánh máy thuê ở phố Hàng Hành, đóng tiền cọc, thuê đánh máy ra 20 bản, lấy hóa đơn có ghi ngày hẹn làm xong là ngày chủ nhật tuần sau. Đúng hẹn, Duy Từ đến trả tiền, nhận 20 bản tuyên ngôn, khi anh vừa bước ra Hàng Hành thì gặp ngay xe cảnh sát, họ tra tay anh vào còng số tám đưa về chạy giam.
Chị Phan Dung trưởng ban tổ chức của báo Lao Động đã thay mặt ban biên tập đến làm việc với lãnh đạo Sở Công an Hà Nội trình bày nhận định về hành động của Phạm Duy Từ: do được đi học, đi công tác nước ngoài và biết nhiều ngoại ngữ, hay nghe đài địch, đọc sách phương tây, nên nhiễm quan điểm tự do tư sản. Việc anh ta viết tuyên ngôn thành lập đảng, rồi đem tới thuê đánh máy ở một cửa hàng không hề quen biết, chứng tỏ anh ta rất hồn nhiên không hề nghĩ làm như thế là phạm tội. Chị Phan Dung đề nghị chị nên cảnh cáo răng đe rồi thả, cho anh về công trường, tiếp tục lao động để cải tạo tư tưởng. Chị Phan Dung có người em là phó giám đốc Công an Hà Nội cho nên việc trao đổi ý kiến vừa là đại diện cơ quan, nhưng cũng vừa là giữa những người trong gia đình. Phía công an đồng ý với nhận định của chị, hứa sẽ làm các thủ tục cần thiết để trả tự do cho Duy Từ trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên ngày mấy hôm sau, công an Hà Nội mời chị Phan Dung tới để cho biết đã có kết luận mới. Chuyện là thế này: Duy Từ chất vấn trại giam hết sức gay gắt: “Tôi là tù chính trị của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đúng không? Vậy mà các anh giam tôi trong một xà lim chật hẹp, bẩn thỉu, bắt nằm trên sàn xi măng. Theo tôi được biết, chế độ Sa Hoàng đã cho người tù chính trị Lênin ở trong một gian phòng có bàn làm việc, có sách nghiên cứu. Chẳng lẽ chế độ Dân chủ Cộng hòa của các ông lại quá tệ so với chế độ Sa Hoàng?”
Duy Từ bị đưa đi cải tạo bằng hình thức giam giữ vô thời hạn ở trại giam Hà Giang nơi có những tù nhân được gọi là “nguy hiểm đối với chế độ” như Nguyễn Hữu Đan, Thụy An… Trại tù Hà Giang khắc nghiệt gấp nhiều lần so với các trại cải tạo trong Chuyện kể năm 2000 của nhà văn Bùi Ngọc Tấn.
Đến thập niên 80 thế kỷ 20, nhờ chủ trương mở cửa, tôi mới được đọc Alvin Toffler, nhà dự báo tương lai của người Mỹ. Do không biết gì, chỉ làm theo lãnh đạo, tôi trở thành tổng biên tập, Duy Từ biết sớm quá, phải đi tù!
Sau 30-4-1975 Duy Từ mới được ra tù. Anh đến thăm tôi ở Sài Gòn khi tôi làm tổng biên tập báo Lao Động Mới của Liên hiệp Công đoàn Giải phóng miền Nam. Anh kể những khổ ải trong tù, chuyện nhà văn Thụy An kêu oan không thấu vì bị kết án làm gián điệp cho Pháp, quá căm phẫn bà cầm kim tự đâm mù mắt mình. Dù bị tù 15 năm, anh vẫn còn giữ tính trào lộng y như ngày xưa. Dạo đó các báo đăng tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình, hạn chế sinh đẻ. Duy Từ bảo tôi: “Đảng của tụi mày chủ trương cái vụ này e lợi bất cập hại! Bởi vì chỉ bọn trí thức nghiêm chỉnh thực hiện hạn chế sinh đẻ, còn dân ngu khu đen thì ‘trời sanh voi sanh cỏ’! Cuối cùng chủ trương này sẽ tiêu diệt những cái gien thông minh của dân tộc và phát triển loại gien ngu ngốc! Vài chục năm nữa dân tộc này dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng chúng mày, sẽ trở thành một dân tộc đần độn nhất thế giới!” Tôi hỏi anh sắp tới định làm gì để sống. Anh cười đáp: “Nếu tao bảo muốn được mày nhận vô làm báo thì tao quá ác. Bởi vì như vậy là đẩy mày vào chân tường, buộc phải thú nhận là một thằng hèn không dám nhận bạn vô làm việc. Đúng không? Cho nên tao sẽ mở lớp dạy vẽ và mở tiệm cà phê.” Sau đó ít lâu, anh báo tin đã tìm được nơi cư trú ở đường Trần Bình Trọng quận 5, mở cửa hàng cà phê và một lớp dạy vẽ. Anh cũng biết phê bình hội họa và giới thiệu các họa sĩ mà anh yêu thích.
Đọc bài trước: Từ theo cộng đến chống cộng (27): Học làm báo cách mạng
Đọc bài tiếp theo: Từ theo cộng đến chống cộng (29): Con đường dẫn tới ghế tổng biên tập