GS Lê Hữu Khóa
4-1-2019
Chao ôi ghê quá trong tư tưởng
Một vũng cô liêu cũ vạn đời.
Hàn Mạc Tử
Ngỏ
Tri luận xin được hiểu là luận trên tri; lý luận trên tri thức để tri thức – sự hiểu biết – trở thành kiến thức, được mô hình hóa, được công thức hóa qua lập luận, diễn luận và giải luận để trở thành lý thuyết luận, từ đó ta có thể dùng lý thuyết như kỹ thuật, như công cụ của trí thức để nhận diện, phân tích, giải thích, phê bình các hiện tượng của nhân sinh, nhân tình, để hiểu rõ về nhân tính, để nhận rõ nhân phẩm, để thấu rõ nhân tri trong nhân thế.
Tựa
Tuổi trẻ soi để có tuổi trẻ sáng, nếu biết soi để sáng, thì phải biết tự soi sáng để trưởng thành, soi sáng để có sáng suốt, có sáng suốt thì sẽ có tỉnh táo, sáng suốt và tỉnh táo luôn là bạn đồng hành với trí khôn, lực của sự thông minh.
Tuổi trẻ trước hết là một thế hệ vào tuổi trưởng thành cùng lúc phải xây dựng tương lai bằng nghề và nghệ để làm nên nghiệp của kiếp người. Tuổi trẻ là một thành phần của xã hội, nếu may mắn, sẽ được được hệ thống giáo dục gầy dựng qua học lực để nhận học hàm để có học vị trong xã hội; qua chuyên ngành để có chuyên môn, để được công nhận là chuyên gia.
Tuổi trẻ còn là một nhân tố sinh động của xã hội có hoài bão, nên có lý tưởng vì biết nhận ra các giá trị của nhân tính, nhân phẩm, nhân đạo. Tuổi trẻ chắc chắn là một sinh lực sống động của dân tộc, của đất nước, tiếp nhận những giá trị hay, đẹp, tốt, lành, của tổ tiên, trước là để bảo vệ các giá trị tâm linh của tiền nhân, sau là tìm cách làm hay hơn, đẹp hơn, tốt hơn, lành hơn những gì mà ông bà, cha mẹ đã làm được trong quá khứ, trong lịch sử.
Nhập
Cuộc đời của mỗi các nhân trước hết là thân thể của cá nhân đó, trong thân thể không chỉ có thể lực (nội lực của thể chất), mà còn có tâm lực (nội công của tâm hồn) có cảm xúc, biết cảm động, để được đồng cảm với đồng loại; trong đó trí lực (nội chất của tri thức) biết lý luận để phân tích, biết lập luận để giải thích, biết diễn luận để phê bình, biết giải luận để nhận diện các giá trị của nhân sinh, nhân tình, nhân thế. Thể lực có thể già theo tuổi tác, nhưng tâm lực không để các chuyện xấu, tồi, tục, dở tác động vào nhân tính, nhân nghĩa, nhân từ, vì nó luôn được trí lực bảo vệ bằng nhân tri, nhân trí, nhân phẩm. Thể lực có thể bị già, nhưng tâm lực không để bị xói mòn, nhờ trí lực soi-để-sáng cả kiếp làm người, để sống sao cho đúng, tức là sống sao cho đáng sống!
Ý
Ý niệm khi rời định nghĩa để trở thành khái niệm, sẽ là gốc, rễ, cội, nguồn cho lý thuyết (mô hình tổng hợp của kiến thức tổng kết), từ đó ý niệm chuyển dần thành ý lực, đủ sức cõng, bồng, đội, gánh các hệ thống tri thức để đưa vào ý muốn, rồi tạo tiền đề cho ý định, lấy các lý hoàn chỉnh, bày các luận chỉnh chu để tạo ra ý nguyện vì biết nghĩ trúng để sống đúng, để kiếp người là cơ may, mà không là nghiệp chướng.
Nguyện
Ý nguyện đủ bản lĩnh để tạo ra tâm nguyện làm nền, gốc, cột, trụ cho nhân sinh quan của chúng ta để ta được sống cao, sâu, xa, rộng trong kiếp người. Ý nguyện đủ tầm cỡ để tạo ra thiện nguyện làm nên chất, thể, vai, vóc cho thế giới quan của chúng ta để ta sống với tha nhân bằng từ tâm, vị tha, bác ái. Ý nguyện đủ gân cốt để tạo ra trí nguyện dùng tri để tạo trí, dùng lý để tạo luận cho vũ quan của chúng ta, biết lấy tôn trọng chúng sinh để quý yêu muôn loài.
Tuổi trẻ của… tự do
Xa tuổi thơ, rời ngây thơ, để tránh ngây ngô, lìa ngây dại, nhưng không vào tuổi cao, trẻ để vạch lý lẻ, chọn lý trí để mời đồng hành là lý tưởng đi về hướng nhân lý. Tuổi trẻ không được định vị qua tuổi tác, có người rời tuổi thiếu niên đã chuyển ngay qua tuổi già, cũng có kẻ không sao rời được tuổi thiếu nhi, thiếu niên, sống mà không sao có được tuổi trẻ, lại có người sống đã cạn tuổi, cạn đời, vậy mà luôn thấy mình trẻ, trẻ trong tư duy, trẻ trong sáng tạo, trẻ trong lý luận, trẻ trong hào khí. Tuổi trẻ lẳng lặng mang ba ẩn số, mà cũng là hằng số để định chất, không cần định lượng: dự phóng, biểu tượng và thực tế, cả ba có lúc sống chung, có lúc kình chống nhau, đôi khi nuôi dưỡng nhau, đôi khi truy diệt nhau, nếu biết nuôi cả ba thì kiếp người thật đáng sống!
Dự phóng, nhìn về phía chân trời để xây dựng tương lai, nhận ngày mai vừa như hứa hẹn, vừa như thử thách để được làm người, theo nghĩa chân, thiện, mỹ. Nhưng phải nhìn về phía chân trời với chính tự do của mình mà đừng để ai dắt tay, kéo tay, sau đó lại bị họ nắm tóc, xỏ mũi để phục vụ mục đích của họ chớ không phải của mình. Biểu tượng, phải mang tầm vóc của tri thức, nội công của kiến thức, bản lĩnh của đạo lý hay, đẹp, tốt, lành, chọn công bằng để chống bất công, chọn nhân tính để bảo vệ nhân quyền, chọn tự do để duy trì dân chủ, lấy giá trị làm hải đăng cho tương lai. Thực tế, của chén cơm manh áo, thu con người thành loại người nộm trong chuyện giá áo, túi cơm, mà Nguyễn Du đã mượn lời của Từ Hải để xác thực thực tế của mình: “những phường giáo áo túi cơm sá gì!”. Chọn tự do dù trong nổi loạn của Từ Hải còn hơn chọn kiếp mọn của Kim Trọng, Thúc Sinh, kiếp tà của Mã Giám Sinh, kiếp tồi của Sở Khanh, kiếp độc của Hồ Tôn Hiến. Chính Thực tế của tự do sẽ quyết định số kiếp của mỗi người, kiếp khôn là kiếp mở, kiếp dại là kiếp hẹp, kiếp khờ là kiếp đóng.
Tuổi trẻ của… nhận thức
Tuổi (không) trẻ, có thể là tuổi thơ dại, cũng có thể là tuổi già úa, đó là các tuổi không biết chia sẻ, vì không có ý niệm gì về việc hy sinh, không biết quyền lợi của nhân quyền, chỉ thấy tư lợi của ích kỷ cá nhân. Tuổi (không) trẻ, vì không nhận ra được nhân tính vì nhân nghĩa để nhân sinh có đất sống, để nhân tình có lối ra. Tuổi (không) trẻ làm người mà chưa có chất người, sống chung với người mà không thấy tình người.
“Sống lâu mới biết lòng người có nhân”, làm người cả đời mà chưa chắc thành nhân, muốn thành nhân phải có tri thức, tới từ kiến thức người xưa, kẻ nay, để nhận được ý thức nơi mà kinh nghiệm khi được trải nghiệm sàng lọc thành thực nghiệm làm nên cho trí tri, thì lúc đó đạo lý và luân lý sẽ dìu dắt tuổi trẻ về phía hướng thiện để thăng hoa. Dụng kiến thức để dựng tri thức. Dựng tri thức để xây ý thức. Nâng ý thức để vực dậy nhận thức, để sống thật trẻ trong “tỉnh thức”, vì luôn được “đánh thức” bởi cái hay, đẹp, tốt, lành, để biết gạt ra cái xấu, tồi, tục, dở, để loại luôn cái thâm, độc, ác, hiểm đang lan tràn, đang đầy rẫy trong xã hội ngày nay.
Tuổi trẻ là tuổi can của can đảm, can đảm nhận lý tưởng vì biết giá trị của nhân quyền, can đảm dấn thân để bảo vệ tự do, can đảm đón hy sinh để bảo vệ công bằng, can đảm nhận tiếp thử thách để duy trì nhân cách.
Tuổi trẻ là tuổi kham, để gánh trách nhiệm với cộng đồng, với tập thể, với dân tộc, với quê hương, với nhân loại, với muôn loài, để cõng những trách nhiệm của nhân thế vì nhân đạo, của nhân tình vì nhân nghĩa.
Tuổi trẻ là tuổi khả, thấy được khả thi qua khả luận, chuyện có thể làm thì làm, chuyện biết là tốt thì cứ làm, chuyện biết là hay thì cứ dấn thân, chuyện biết là lành thì cứ thực thi, chuyện biết là đẹp thì cứ sáng tạo!
Tuổi trẻ là tuổi thấu, tức là hiểu được cái khổ của nhân sinh, cái đau của nhân thế, trước bạo quyền đe dọa nhân từ, bạo động nạo hủy nhân tính, bạo hành truy diệt nhân đạo, hiểu “nỗi khổ niềm đau” của tha nhân, để khai thị, mở mắt để soi, để lòng được sáng, để chuẩn bị làm người tốt, sống một cuộc sống đáng sống.
Tuổi trẻ của… hội
Tuổi thanh niên mang theo sự mạnh dạn trong các thái độ, hành vi xã hội hóa, như sức hút của một quá trình hội nhập -mà cũng là nhập hội– vào các sinh hoạt xã hội, vào thẳng đời sống xã hội, trực diện với các cơ chế của xã hội, từ nghiệp vụ tới thu nhận kiến thức… Nhưng khi thanh niên được xem là trưởng thành qua tuổi tác, thì chưa chắc được xem trưởng thành qua tri thức; phản xạ chung quanh khuyên ta phải trải nghiệm, để có kinh nghiệm, qua thực nghiệm, mà ta thấy như đang bị thí nghiệm ngay trong cuộc đời mình, với thử thách, với thất bại, với đau đớn khi thảm bại, đang rình chờ mỗi thanh niên.
Từ trải nghiệm như loại dao nhiều lưỡi, mà ta lại không được “cầm dao bằng chuôi”, thuật ngữ trải nghiệm làm ta vừa sợ, vừa lo; làm ta lúng túng, phân vân, đắn đo, ngần ngại trước ngưỡng cửa các chân trời. Vậy muốn tới các chân trời của hoài bão, của hoài vọng của ta, thì phải cần chuẩn bị những gì? Chuẩn bị ngay trên thượng nguồn của tri thức để hội nhập vững vào hạ nguồn trong các phân định xã hội, giúp ta có đủ tỉnh táo để sáng suốt, có đủ lý luận để lập luận, đủ sức soi các ẩn số, để làm sáng các biến số trong chính xã hội mà ta đang hội nhập.
Trong xã hội luôn có hai phận định ngầm: mạng lưới xã hội và phân tầng xã hội. Mạng lưới xã hội tổ chức các sinh hoạt xã hội theo tính tạo quan hệ xã hội qua học đường, huấn nghiệp, dịch vụ, trao đổi… trong đó quan hệ nghề nghiệp tạo ra quan hệ xã hội giữa các đồng nghiệp; nên phân biệt quan hệ công đoàn, đảng phái tạo ra những quan hệ mang nội dung sách lược và chương trình qua đấu tranh, rất khác các sinh hoạt tôn giáo, từ thiện, nhân đạo, tạo ra các quan hệ xã hội khác, khác từ nội dung mong cầu tới hình thức tổ chức.
Phân tầng xã hội mang tổ chức của xã hội theo lực, theo vốn đầu tư của gia đình, cha mẹ, thống tộc, chính quyền vào cá nhân từ huấn nghiệp tới huấn luyện, trong đó đào tạo có giáo khoa, giáo trình, giáo án qua trường lớp, có bằng cấp, có thể làm thay đổi vị trí, vai trò, chức năng của một cá nhân ngay trong xã hội mà cá nhân đang sống và đang tiến thân. Như vậy đầu tư để có chỗ làm rồi chỗ đứng vững và cao trong bậc thang phân tầng xã hội luôn mang tính “thay đời đổi kiếp” theo hướng thăng hoa hơn là đầu tư vào mạng lưới xã hội chỉ dựa vào “quan hệ quen biết”.
Tuổi trẻ của… nhập
Những xã hội rơi vào để rồi sa lầy vào mạng lưới xã hội qua “quan hệ quen biết”, không tôn trọng huấn nghiệp, huấn luyện, qua trường lớp có giáo khoa, giáo trình, giáo án, có bằng cấp trong đó học vị bảo đảm học hàm vì được bảo chứng bằng học lực, thì chính xã hội đó đang bị ung thư cơ chế, đưa thanh niên vào kiếp nô lệ, mà trong toàn cầu hóa hiện nay, chúng ta biết số kiếp của các thanh niên trong các chương trình xuất khẩu lao động, với điều kiện lao động mà mọi người gọi là: lao nô! Bi đát hơn là một chế độ tồi sẽ đưa thanh niên, sinh viên đến vị nhục-chức hèn qua chuyện biển lận giáo dục: học giả-thi giả-bằng giả, để tràn lan chuyện “mua bằng, bán chức”, sau đó là tiếp tục qua chuyện “mua chức, bán quyền” rồi cũng có ngày rơi vào vòng: lao lý!
Xây dựng chỗ đứng cho chính mình, qua tuổi thanh niên để gầy dựng 3T: thành công trong nghề nghiệp, thành tựu trong kinh tế, thành đạt trong xã hội; ở đây không chỉ đòi hỏi bằng cấp! Mà còn là quá trình thấu đáo phương trình 3C (bối cảnh + hoàn cảnh + tâm cảnh) của mỗi cá nhân, từ đó khai mở 3K: khai thác vốn, khai phá lực, khai sáng trí. Trong đó bối cảnh của một xã hội không hề tách biệt với hoàn cảnh của một gia đình, tạo ra tâm cảnh của một cá nhân, một thanh niên, trong đó tâm lý được gầy dựng phần nhiều bởi môi trường giáo dục, tâm trạng được thử thách phần lớn qua sinh hoạt xã hội.
Như vậy, cá nhân là sự đúc kết của gia đình, cùng cố gắng của mỗi cá nhân qua giáo dục, có kinh tế tham dự, trong đó vai trò môi trường xã hội sẽ tiếp nhận hoặc từ chối 3C, sẽ hỗ trợ hoặc thiêu hủy 3K, để thăng hoa hoặc vùi dập 3T.Trong sinh hoạt xã hội luôn có chuyện ý thức xã hội là “dàn binh, bố trận”, để hiện tại phải phục vụ tích cực cho tương lai, nên thanh niên phải chuẩn bị chu đáo, phải tổ chức kỹ lưỡng, phải vận dụng linh hoạt phương trình 3C+ 3K= 3T.
Phương trình 3C+ 3K= 3T này linh động hơn số học, linh hoạt hơn toán học, nó đòi hỏi mỗi thanh niên phải có thông minh để nắm giữ: đạo lý nhẫn (đá mòn nhưng dạ chẳng mòn), luân lý lao (thức khuya, dậy sớm), đạo đức công (một nắng, hai sương) để hiểu ra nhân lý sống (sóng to không ngả tay chèo) để rồi một ngày kia được nhận đáp số vững, bền, chắc, dài trong kiếp người là: thành người!
Tuổi nhìn diện thấy tà
Thử thách lớn của tuổi trẻ Việt hiện nay vẫn là bản lĩnh trẻ tạo ra nghị lực trẻ để nhìn thẳng vào thể diện chế độ để thấy bản chất tà quyền, đang ẩn nấp qua cơ chế đảng độc quyền, qua lãnh đạo của đảng đang tham quyền, sẵn sàng dùng tà quyền để tạo ra tà lực. Thấy tà cách để nhận ra tà chất; thấy hành vi, thấy động thái của lãnh đạo hiện nay để lột trần được bản chất tham quyền, sẵn sàng dùng tà quyền để diệt nhân quyền. Quyền lợi khi nhập vào quyền lực, sẽ sinh ra tham quyền, mang phản xạ lạm quyền, phương trình quyền lợi–quyền lực–tham quyền–lạm quyền mang bốn quy trình như bốn chỉ báo để nhận định, để định nghĩa tà quyền. Tham quyền cố vị thì dễ đổi trắng thay đen, bằng cách đánh lận con đen qua hành vi ném đá dấu tay, sẵn sàng hành động kiểu ngậm máu phun người.
Chính các kho tàng ngạn ngữ, châm ngôn, ca dao là những chỉ báo xã hội để quần chúng nhận diện được tà quyền, để công chúng đánh giá đúng tà lực, luôn ẩn náu sau quyền lực: cướp ngày là quan! Là cán bộ với lương tháng ít ỏi làm sao có biệt thự mà ở; làm tướng tá công an hay quân đội tiền ở đâu ra để xây dinh thự; với lương của ủy viên trung ương đảng làm sao có tài lực để xây biệt phủ; từ lương bổng trong chính phủ, trong bộ chính trị thì lấy tiền đâu ra để xây thủ phủ.
Chính những hiện tượng biệt thự-dinh thự-biệt phủ-thủ phủ của cán bộ, của lãnh đạo nói lên rõ nét bản chất của tà quyền: biến công thành tư, biến công sản thành tư sản, còn lại dùng tà ngữ là cộng sản. Lấy đất của dân bằng cách đổi luật đất là của chính phủ, khi cướp đất xong rồi thì mua bán lại với tà nhóm, tà phái, tà đảng của mình, mặc cho dân chúng giờ thành dân đen, dân tộc giờ thành dân oan.
Tuổi trẻ hãy nhận trách nhiệm nhận diện ra tà quyền để sẵn sàng nhận bổn phận đấu tránh chống tà lực. Hãy nắm chắc đạo lý hay, đẹp, tốt, lành trong giá trị của nhân phẩm để chống lại độc quyền sinh sôi nẩy nở trong xấu, tồi, tục, dở do tà quyền tạo nên từ thâm, độc, ác, hiểm đang thiêu hủy nhân cách của Việt tộc, đang truy diệt nhân quyền của bao thế hệ trẻ! Đứng thẳng để thẳng lưng! Thẳng lưng để nhìn thẳng! Nhìn thẳng để phân tích thẳng! Phân tích thẳng để giải thích thẳng! Giải thích thẳng để hành động thẳng, để gạt, trừ, loại, bỏ tà quyền! Thẳng ngược lại với tà! Tà ẩn nấp trong bóng tối, thẳng đứng giữa ánh sáng!
Tuổi nhìn nổi thấy chìm
Nhìn nổi thấy chìm, trước hết là nhìn hình thức mà thấy được nội dung, nhìn chủ trương để thấy các con tính ngầm, nhìn hành động mà thấy được tư lợi kẻ hành động, hiểu ý định để thấu ý đồ của kẻ này, hiểu ý muốn để nắm thâm ý của nó. Đây là phương pháp luận trưởng thành của tuổi trẻ, đã rời ngây thơ để tránh rơi vào ngây ngô, đã xa khờ dại để tách khờ khạo trước các biến cuộc của thời thế, ngày ngày đang tác động xấu vào vận mệnh của đất nước, vào số phận lầm than của Việt tộc.
Muốn nhìn nổi thấy chìm, thì phải vận dụng từ dữ kiện tới chứng từ, từ lý luận tới giải luận, mà không quên đặt các giả thuyết mà điều tra và nghiên cứu sẽ sát minh, sát thực để sự thật chính xác trở thành chân lý, chuyển giả thuyết sang thực thuyết. Thí dụ cụ thể là diễn biến (hình thức) “chính sách” chống tham nhũng hiện nay chỉ là (nội dung) một cuộc “sách động” là thanh trừng nội bộ, trong đó nội dung chính và sâu là lãnh đạo chóp bu thanh toán lẫn nhau để giành quyền lực, phục dịch cho quyền lợi của lợi ích nhóm, mà từ chính xác là các mafia đỏ, trong đó tư lợi của mỗi cá nhân, luôn ở trên số phận của tập thể.
Nhìn nổi thấy chìm, cũng là chuyện mức độ của các thâm ý, đòi hỏi trình độ của nhận thức, mức độ và trình độ lại là chuyện phân tầng các quyền lực-quyền lợi, quyết định tầng số trong xung đột, trong đấu đá, trong thanh trừng giữa các lực lượng có tư quyền- tư lợi khác nhau, mâu thuẫn nhau. Trong liên minh (tạm thời) của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để diệt chủ tịch nước Trần Đại Quang, và sẽ lần mò tới cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sau khi đã thanh trừng được bè nhóm của Đinh La Thăng, ta phải thấy để nhận ra mặt chìm thứ ba (sau hai mặt chìm đầu tiên là thanh trừng nội bộ, thanh toán lẫn nhau giữa các lãnh đạo) là thực tế chết giết lẫn nhau giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.
Trong lịch sử cận đại và hiện đại sau 1975 thì Bộ Công an là kẻ giành của cải của dân tộc; và Bộ Quốc phòng là kẻ chiếm đất đai của đất nước, từ đây phải thấy để nhận ra luồng nước chìm (luồng nước độc ngầm) thứ tư là vai trò và quá trình tha hóa của Tổng cục 5 của Bộ Công an, cũng như của Tổng cục 2 của Bộ Quốc phòng. Tại đây, các đầu sỏ lãnh đạo của hai Tổng cục này đã tha hóa bản chất bảo vệ trật tự của công an và bảo vệ an ninh của quốc phòng để biến chất như hiện nay là tham quyền-tham ô-tham nhũng, lũng đoạn đất nước bằng quyền lực ngầm-quyền lợi chìm. Không những qua hối lộ bằng cách bòn rút sinh lực của dân chúng, tài nguyên của đất nước, mà còn lũng đoạn kinh tế, tài chính, ngân hàng, ngân sách quốc gia trên mọi sinh hoạt xã hội, đối với chúng quyền lợi dân tộc, tương lai đất nước không hề là ưu tiên một của chúng.
Tuổi nhìn chìm thấy gian
Đầy dẫy những trường hợp như Vũ “nhôm” mà dân tình không phân biệt được là đại tá tình báo của Bộ Công an hay đại gia trục lợi qua buôn đất, bán nhà. Bọn buôn đất, bán nhà này, trước đó chúng đã buôn quyền, bán chức, và vì không có đạo lý, không biết các giá trị tâm linh, nên chúng đã buôn thần, bán thánh từ thưở còn là thành niên. Chúng ôm của cải bỏ chạy ra nước ngoài với quốc tịch phương Tây trong túi đã có từ lâu, thì ta đừng mong chờ chúng yêu nước, thương dân! Nếu quyền lợi dân tộc, tương lai đất nước không hề là ưu tiên một của đám lãnh đạo hiện nay, thì khi hận thù thanh toán nhau đã cao lên ngất trời, thì không ai tự kiềm chế được, đó là quy trình của bạo (bạo động, bạo lực, bạo hành…) chỉ biết leo thang chém giết mà không ai “nắm dao được đằng chuôi”, nơi mà khoa học chính trị đã biết thành luận thuyết: “bất phương trình của bạo ác chính trị”, tức là không lùi khi chưa tiêu diệt đối phương, không thoái trào khi chưa hủy diệt được đối thủ.
Như vậy chuyện gì sẻ xẩy ra? Như vậy còn mặt chìm nào nữa không? Như vậy còn luồng nước độc ngầm nào nữa không? Xin rất buồn-và-lo để trả lời là: còn! Và lần này số phận Việt tộc sẽ như “chỉ mành treo chuông”, vì nhân sử “được làm vua, thua làm giặc” đã có tiền lệ trong Việt sử qua Trần Ích Tắc, Kiều Công Tiễn, Lê Chiêu Thống, vì khi thua mà muốn thắng thì sẵn sàng bán nước cho giặc để trở lại chính trường. Mà hậu nạn là mang voi (tầu tặc) vào dày mồ tổ (Việt tộc)! Chúng có thể biến Việt tộc thành Việt nô!
Giả thuyết mất nước là có vì khả năng bán nước của một số lãnh đạo sẽ thua cuộc là có; vì chúng chỉ thấy tư lợi đi kèm với hận thù tiêu diệt cho bằng được đối phương, vì họ chỉ thấy chuyện bị truất quyền luôn song hành với khuất lợi, được nuôi dưỡng bằng tâm lý thù địch “không đội trời chung” với đối thủ. Nhìn nổi thấy chìm để có kiến thức về phạm trù quyền lực-quyền lợi hiện nay trong ĐCSVN, mà chung quy chỉ là hệ lụy của tư quyền-tư lợi; từ đó có ý thức về số phận của Việt tộc sẽ không sáng sủa! Vì vận mệnh đó không sáng sủa đó nên tất cả chúng ta phải sáng suốt trong nhận thức, càng tỉnh táo trong tri thức, càng bình tĩnh (và can đảm) trong nhân thức.
Tuổi thật giữa đời thật
Tuổi thật giữa đời thật để được sống thật là một ý tưởng thật bình thường và có thể có thật nếu tuổi trẻ muốn, nó không dựa vào hoài tưởng viển vông, nó không tựa vào lý tưởng trừu tượng, có (sự) thực tuổi trẻ sẽ vực được đạo (đạo làm người thật). Đời thật để được sống thật trong cuộc sống không phải lấn áp nhau, chà đạp nhau để sống; không phải tranh giành, chụp giật để tồn tại, không phải bè đảng, vây cánh để tiến thân, không cần độc quyền, độc tôn, độc trị, độc đảng để chuyên chính với tha nhân, với đồng loại, đồng bào
Sống thật giữa đời thật trong sự tôn trọng lẫn nhau; trong đó nhân sinh biết bảo vệ kẻ yếu, người côi; trong đó nhân tình biết che chở kẻ già, người tàn tật; trong đó nhân thế của nam giới biết tôn trọng phụ nữ như đã quý trọng bà của mình, mẹ của mình, chị của mình cũng là phụ nữ. Vì nam giới mà đi hiếp đáp nữ giới thì chỉ biến hành vi khốn nạn của kẻ mạnh biến chuyện khốn kiếp của chính đời mình.
Tuổi thật-đời thật-sống thật cũng là đam mê sống với ý nguyện yêu quý muôn loài như yêu chính nhân kiếp của mình, thương người như thể thương thân, lấy nhân từ vạch nhân đạo, lấy nhân nghĩa soi nhân tính, lấy nhân trí làm sáng nhân tri, dầy nhân bản, đầy nhân văn, ngập nhân… thức!
Tuổi trẻ của… hệ mở
Khoa học xã hội và nhân văn xác nhận được vài chân lý, vài nhưng chủ yếu để hiểu người, để tính chuyện làm người: phạm trù nhân sinh không bị khuôn cứng vào phạm trù sinh học; dấu ấn sinh học trong cơ thể không đóng vai trò chủ đạo trong việc hình thành các sinh hoạt xã hội. Trong đó quan hệ tình cảm trong nhân tình là sự trả lời cụ thể về nhu cầu hệ mở của mỗi cá nhân luôn đi tìm các quan hệ xã hội mới; chính quan hệ tình cảm (tình bạn, tình yêu, tình thương…) tạo ra quan hệ dài lâu trong đời sống xã hội (tình yêu thành đám cưới, thành gia đình, có con để thành chuyện liên thế hệ). Và, chính các quan hệ dài lâu này sẽ thành các định chế cho các quan hệ xã hội, được truyền đạt để được trao truyền qua các thế hệ. Giải thích thượng nguồn của quan hệ xã hội phải bắt đầu bằng tình cảm cá nhân, có cảm xúc khi nhận quan hệ tình cảm trong xã hội, có đủ lực để biến một cuộc gặp gỡ tình cờ, một cuộc hẹn hò ngẫu hứng, một cuộc trao tin bất chợt thành quan hệ dài lâu. Cái chóng chầy giờ đây đã có lời hứa hẹn dài lâu: tình bạn thì “cắn máu ăn thề”, tình yêu thì “suốt kiếp yêu nhau”, chuyện phút giây giờ đây được đầu tư cho cả kiếp, cho tới “răng long, tóc bạc”.
Không vội cũng không nên giải thích quan hệ tình cảm trong sinh hoạt xã hội chỉ bằng cảm xúc cá nhân, mà phải đào để hiểu cái lý của mọi cảm xúc cá nhân để thấu hệ vấn đề cảm động mang chất kích thích của cảm hứng để cảm nhận một niềm tin mới, tới từ một con người mới, vừa xa vừa lạ, nhưng đầy lực cảm thông với ta. Niềm tin mới tới từ cảm xúc-cảm động-cảm nhận-cảm thông này là một nhân tính đầy nhân lý: nó biến một cá thể của hệ đóng thành một chủ thể của hệ mở, chính đây là rễ của phân tâm học, là cội của xã hội học, là gốc của văn học, là nguồn của nhân học. Niềm tin hiến dâng tình yêu, đủ sức trả lời dục vọng tức khắc, nhưng ham muốn tình dục cũng chỉ chóng chầy, còn tình yêu thì dài lâu để đủ lực tái tạo tình dục thường xuyên, để chế tác ham muốn thường kỳ.
Nhưng khi niềm tin thành tin yêu dài lâu thì nó có ngày gặp cái chết! Ở đây, xã hội học nhập nội cùng tâm lý học để thấu đáo môt phương trình nhân tình khác: gặp một người rồi yêu người đó, sống với người đó cho tới chết, để khi người đó chết đi, thì người sống đau khổ vô cùng, chỉ vì kẻ chết đã mang theo bao sự sống của kẻ đang sống đi rồi! Các bạn trẻ quý yêu hãy có ý thức về chuyện người chết mang đi sức sống của người sống nhé, chỉ để yêu cuộc sống hơn, yêu người đang sống hơn!
Tuổi trẻ của… hệ lụy
Tuổi trẻ là một chuỗi hệ vấn đề trưởng thành, được vận hành qua quan hệ giữa cá nhân và xã hội, giữa chủ thể và chính kiến, giữa số lượng và chất lượng trong quan hệ bạn bè, nghề nghiệp… trong đó có tình bạn và tình yêu. Hành động xã hội của một cá thể vừa mang tính xã hội hóa qua tập thể, qua cộng đồng, vừa mang tính vụ lợi hóa các quyền lợi của cá nhân mình. Tuổi trẻ sinh hoạt trong hệ vấn đề trưởng thành của tuổi thanh niên qua kinh nghiệm hợp tác hoặc xung đột với tập thể, liên minh hoặc chống đối với cộng động, hòa hợp hoặc đối kháng với lãnh đạo, lãnh tụ. Trong đó, xếp hạng đồng minh qua chất lượng của liên minh, xếp loại các đối phương để hiểu chiến thuật, chiến lược của đối thủ, cũng để thấu một bi kịch phức tạp của cuộc sống là đối phương khi thành đối thủ có thể trở thành tử thù hay không?
Có tử thù là sẽ có hệ lụy! Nếu hệ lụy sinh ra, thì không còn là chuyện “nắng sớm, mưa chiều” của bất thường, cũng không phải là chuyện “sớm nở, tối tàn” của vô thường, mà là chuyện hậu quả sinh ra hậu nạn của câu chuyện hậu sinh trong hậu kiếp: “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, như hệ truyền kiếp. Chuyện tình bạn biến thành chuyện hận thù, chuyện tình yêu biến thành chuyện oán thù… Hậu quả vừa dài lâu, vừa không lường trước được! Khi bạo động đã lên ngôi, để điều khiển bạo lực, để điều hành bạo hành, thì không còn ai có chủ động khi bạo khí leo thang.
ELIAS, giải luận hệ lụy của con người trong xã hội học theo quá trình chuyển ngược, thật lạ lùng là từ ý muốn đẹp nhất của một giấc mơ về một thế giới thái hòa, có thể dẫn tới các cuộc đại chiến đầy hệ lụy, rồi biến giấc mơ đẹp thành nắm mồ kinh hoàng của nhân sinh: ”L’histoire entière n’est au fond qu’un cimetière où gisent les rêves de l’humanité” (Lịch sử của nhân loại rốt cuộc chỉ là một nghĩa địa nơi chôn bao nhiêu giấc mơ của nhân sinh).
Trong hệ lụy không sao lường trước được, không những kéo theo quá trình chuyển ngược, chuyện tốt hóa xấu, chuyện lành hóa dữ, chuyện hay hóa tồi … còn có một loại hậu quả dây chuyền khác là sức xâm nhập của các độc tố nhỏ nhưng sức tác hại lớn: từ vô tình “giật dây động rừng”, mà sinh ra “con sâu làm rầu nồi canh ”, tới lạc hướng “sai một ly, đi một dặm”. Sống vui trong tuổi trẻ, để sống trọn tuổi thanh xuân, để hưởng đầy tuổi thanh niên, nhưng không vô trách nhiệm, nghĩa là không tạo ra hệ lụy, để cả đời “ôm hận”!
Xem Phần 2