Seite auswählen

GS Lê Hữu Khóa

2-1-2019

Tiếp theo phần 1

Tuổi… yêu.  Tình âm dương chan chứa xoay trong vòng tử sinh – Phạm Duy.

Tuổi một… thành đôi. Khi gặp tình yêu, một người tự do bỗng nhiên thành hai người chung một nhịp đời, rồi có chung một hướng nhìn, rồi cùng một hướng đi, để cả hai nhìn cuộc sống cùng một nhân sinh quan mới, theo hướng xây dựng một thế giới quan mới, để biết sẻ chia.

Chuyện sẻ chia trong tình yêu mang một chân lý thật đặc sắc: hai kẻ rất khác nhau, gặp nhau trong ngẫu nhiên, chấp nhận nhau, rồi vượt mọi khác biệt của mỗi bên trong thử thách, để cảm nhận (và cam nhận) gồng gánh các thăng trầm, để sự sẻ chia trưởng thành qua chung lưng đấu cật, qua sóng gió… giờ đây: đi đâu… xin đi cùng, mặc dầu có khi đi về phía không gian vô định, về phía thời gian vô biên. Đi đến… bạc đầu chưa hết tình đâu! (Trịnh Công Sơn). Tình yêu biến chuyện gặp gỡ ngẫu nhiên thành chấp nhận mọi “thử lửa”, để biết đá vàng, vì tình yêu luôn ẩn dụ một niềm tin là hạnh phúc sẽ được sáng tạo bởi tình yêu luôn đi trên lưng, trên vai, trên cao mọi con tính ích kỷ cá nhân.

Tuổi tuyệt… thành đối.  Tình yêu đòi hỏi sự tuyệt đối, chỉ yêu một người và yêu cả đời, sự tuyệt đối tình yêu có ngay trong tuyên bố của tình yêu: yêu suốt kiếp… yêu để chia kiếp. Tình yêu tuyệt đối cấm yêu nhiều người, và cấm triệt để các lời nói tương đối: xin chỉ được yêu một ngày, xin chỉ được yêu một tháng, xin chỉ được yêu một năm, mà phải yêu cả đời, yêu cả kiếp. Vì nếu lấy thời điểm để định vị tình yêu thì không phải là tình yêu, mà chỉ là sự bông đùa, giỡn cợt, mông lung, mà Bùi Giáng tạm gọi là “rỡn”: Anh xin em rỡn một ngày Rồi xin ngừng rỡn suốt ngày hôm sau. Tuổi tuyệt… thành đối, lấy tuyệt diệu tình yêu để thử thách mọi đối trọng, và không có đối trọng nào khi cân, đo, đong, đếm xong có thể khỏa lấp, có thể tương đối hóa được tình yêu.

Tình yêu mang trong tự thân của nó một chân lý: sự tuyệt đối của hai kẻ hoàn toàn khác biệt, giờ đã thành đôi, đủ sức biến cái không có của mỗi người thành cái chung có: chung đời và chung chăn, chung nhà rồi chung con, chung bổn phận vì chung trách nhiệm… Chuyện ham muốn nhau một giờ, đam mê nhau một ngày, say đắm nhau một tháng để rồi xa nhau khi ham muốn, đam mê, say đắm không còn, đó không thể gọi là tình yêu. Ta cứ gọi tên bình thường của chúng: ham muốn, đam mê, say đắm. Vì tình yêu thật sự luôn có nội công, có bản lĩnh, có tầm vóc để tái tạo ham muốn, đam mê, say đắm, bất chấp không gian, bất kể thời gian.

Tuổi tránh an... xua toàn Cuộc sống hiện tại trong xã hội hiện nay tưởng là hiện đạinhưng đang đưa quan niệm tình yêu xuống thấp, khi chuyện tìm bạn bốn phương, biến chuyện đi tìm người yêu thành chuyện đi tìm sự an toàn, không muốn có trắc trở trong tình yêu, đòi hỏi người mà mình muốn gặp phải là người giống mình, theo mình, hiểu mình, ủng hộ mình, thỏa mãn mình… đó là chuyện đi tìm sự tự thỏa mãn cho riêng cá nhân mình, chớ không phải đi tìm tình yêu… Chưa yêu mà đã đặt ra bao điều kiện bảo hiểm, bảo hành, bảo đảm… để bắt, để bó, để buộc kẻ “bị yêu” vào khuôn vị kỷ của sự tự thỏa mãn mình: kể lể trong lý lịch cá nhân trong hồ sơ chọn bạn “để yêu” là tôi thích cái này, ghét cái kia… đây không phải là tình yêu!

Tình yêu là sự gặp gỡ của hai cá thể khác biệt biết khám phá sự khác biệt để khám phá tình yêu, khi một giờ đã thành đôi trong tình yêu; nên mọi tư lợi giờ đã bị đẩy lùi xuống hàng thấp, để tình yêu được thăng hoa trong sự khám phá lẫn nhau. Nếu tìm tình yêu để áp đặt cái giống, mà không nhận cái khác mình, thì chỉ là chuyện đi tìm cái vị kỷ của mình ở người khác, rồi đẩy kẻ “bị mình yêu” sa vào nhà tù của mình. Chính nhờ nội tính vô tư lợi của tình yêu, nên tình yêu luôn mang nội lực cho nghệ thuật, từ tiểu thuyết tới thi ca, tự hội họa tới ca khúc… vì tình yêu dường như là một sinh hoạt độc nhất của nhân sinh khi kẻ yêu chấp nhận nhận toàn bộ, tiếp nhận trọn vẹn sự khác biệt của người được yêu, để từ đó được chia đời, chia kiếp, để được trao thân, gởi phận.

Tuổi tình… tuổi tin. Tình yêu đòi hỏi được dựng xây một cuộc đời đôi mới giữa hai cuộc đời thường, trong cuộc đời mới này, tình yêu đòi hỏi một niềm tin tuyệt đối: lòng tin lẫn nhau, để vượt thoát thử thách, vượt thắng thăng trầm. Khi lòng tin lẫn nhau không còn thì tình yêu sẽ bị đe dọa, từ hoạn bịnh tình cảm tới ung thư tình thương. Nếu lòng tin lẫn nhau chỉ còn đơn phương một bên, thì thử thách sẽ tàn phá cái đơn phương này cho tới khi tình yêu thật sự mất, thật sự chết.  Khi yêu thì nhân sinh quan của mỗi kẻ yêu nhau được thay đổi, thế giới quan của mỗi kẻ yêu nhau được hoán chuyển, cùng lúc làm biến đổi nhiều quan hệ xã hộichung quanh, nên khi tình yêu bị đe dọa bởi chuyện mất lòng tin, thì sẽ có sự khủng hoảng không những quan hệ của hai kẻ yêu nhau, mà mang theo sự suy thoái về nhân sinh quan, thế giới quan, quan hệ xã hội… Thất tình như trời sập!

Tuổi … tuổi ẩn. Có loại tình yêu như lửa muốn thiêu rụi tất cả, nhưng cũng có tình yêu kín đáo, biết gói niềm tin của tình yêu qua sự thân tín của thầm lặng, thân mật trong lắng đọng, giúp tình yêu biết giữ vì muốn bền, biết soi vì muốn sáng, biết thức vì biết tỉnh.  Loại tình yêu bền bỉ trong thân mật trong thầm lặng này, muốn xây mà không muốn đốt, muốn dựng mà không muốn thiêu, lấy sáng suốt để đối phó các thử thách của thời gian, đó là loại tình yêu bền bỉ, giờ đã biến thành tình yêu có hậu. Chỉ vì thời gian là thử thách lớn nhất của tình yêu, đẩy tuổi trẻ qua tuổi già, đẩy ham muốn qua chán chường. Chán nhau sẽ bỏ nhau, tình yêu sẽ chấm dứt! Tình yêu có hậu là tình yêu biết có đôi khi bạc đầu, Trịnh Công Sơn biến câu chuyện bạc đầu qua một nhân sinh quan cao, sâu, xa, rộng bằng quan hệ hay đẹp, tốt, lành,giữa người này với người kia, hai người riêng rẽ giờ đã thành đôi:  “Áo xưa dù nhàu, cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau” – (Hạ Trắng) “Bao nhiêu năm em nợ bạc đầu, trả nợ bạc đầu chưa hết tình đâu”… (Xin trả nợ người).

Tuổi đậu… tuổi bay. Tình yêu như cành – lúc chắc, lúc yếu – là nơi đậu của hai con chim quấn quýt nhau trong tình yêu, vì tình yêu… Cành sẽ không không thấy nặng, khi lứa vẫn còn đôi, nhưng thật lạ: cành này sẽ gãy khi có một trong hai bỏ bay xa… Một thành hai,  lứa  đôi khi tình yêu còn, nhưng khi tình yêu mất, tình yêu bay, tình yêu chết, thì nhiều đất trời chung quanh cành này cũng gãy sụp theo, nắng sớm mưa chiều để giờ đây vật đổi sao dời, nhiều chuyện đời chung quanh hai kẻ từng yêu nhau cũng xoay theo hướng khác, hướng lạ… Tình yêu lạ lùng và vô lường, nó ham phỏng đoán những chuyện không bao giờ xảy ra; nó mê dự đoán những chuyện không bao giờ có được, vì tình yêu dựa vào sự mong cầu, mơ ước, tâm nguyện… lấy ý nguyện đôi thay nhân thế, lấy ý lực cặp thay nhân tình. Nguyễn Du thấy rõ chuyện thay lòng đổi dạ trong tình yêu, khi sự phản bội xé cái đôi để cái lẻ giờ thành cái riêng: Trong khi chắp cánh liền cành Mà lòng rẻ rúm đã giành một bên… Cái lẻ giờ đã rẻ rúm: mất tình yêu kiếp người rẻ hẳn đi!

Tuổi giăng… tuổi đan. Tình yêu khi xây dựng thế giới đôi, vũ trụ lứa, không gian cặp, tình yêu tạo ra những thói quen mới, thói quen đam mê nhau, thói quen say đắm nhau, thói quen mê mệt nhau… nghiện nhau không rời, vì yêu nhau để nhập thân, vì yêu nhau để chung kiếp Thói quen mới nghiện nhau này không những là lâu đài tình yêu luôn đóng kín cửa, chẳng muốn ai vào, vì không chia sẻ được với người khác. Loại tình yêu này mà có ma lực xua nhân thế xa tình yêu, đuổi nhân sinh, gạt nhân tri, sự hiểu biết đời giờ đã bị thay bởi sự mê người để quên đời, mà thi sĩ Cung Trầm Tưởng thấy yêu nhau là đan kín cõi yêu lại, kẻ lạ không nên vào: …Hai tâm linh giăng kín lại… (Bên ni, bên nớ). Tình yêu đưa đẩy hai kẻ yêu nhau thói quen nghiện nhau, như ma lực, như ngọn lửa thiêu dần, có thể thiêu rụi sự sáng suốt, thiêu hết sự tỉnh táo, thiêu tan sự bình tâm, cần thiết để nuôi tình yêu qua thời gian, lấy năm dài tháng tận chống lại ma lực nuốt tình, xua đời. Tình yêu sẽ bất lực trước hai kẻ yêu nhau vìnghiện ngập nhau, vì đây là thói quen khó bỏ nhất, trừ khi một trong hai người muốn dứt nó, trước người kia…

Tuổi… nghệ thuật… yêu. Trên đời, không còn gì tuyệt đối hơn khi chính mắt kẻ mới yêuthấy tình yêu nở giữa cuộc đời mình, tình yêu dẫn dắt kẻ mới yêu này phải biết bảo vệ tình yêu đang chớm lớn giữa đời người, không chỉ bằng tình cảm mà phải bằng nghệ thuật của tình cảm (ngôn ngữ, thái độ, hành vi…) giờ đây đã mang tên: tình yêu! Nghệ thuật của tình yêu này đòi hỏi kẻ đang yêu phải biết nghĩ, biết nói, biết làm những chuyện gây xúc động hay, cảm xúc đẹp của kẻ được yêu mà không làm vỡ tim, nát lòng kẻ được yêu này. Aristote khuyên: “Yêu ai thì mang những điều hay, đẹp, tốt, lành tới người mình yêu”. Kant còn biết khuyên ta hãy lấy tình yêu để giáo dưỡng nhân sinh: “Nếu chỉ biết yêu mình, mà không biết yêu ai ngoài mình, thì đây chính là nguồn cội của cái ác!”. Tình yêu đặt mỗi kẻ muốn yêu trước một thử thách: gạt cá nhân tính của mình để đón nhận một kẻ lạ giờ đã là người yêu của mình, xua cái vị kỷ xa ra để tiếp nhận một kẻ khác giờ đã là người mình yêu.

Tuổi… yêu thật.  Tình yêu thật của hai kẻ yêu nhau là khát cùng lúc, đói cùng phút, chớ không phải là loại tình cảm khống chế nhau, áp đặt nhau, để kẻ này có thể ăn tươi, nuốt sốngkẻ kia, biến kẻ “được yêu” thành “bị yêu” rồi thành nô bộc, nô tỳ, nô lệ. Tình yêu thật biết biến chuyện yêu nhau thành chuyện chung nhau, biến cái ngẫu nhiên thành cái tâm giao, biến tâm linh thành đắc khí, biến ý hợp, tâm đầu thành ý lực “tát bể đông cũng cạn”. Tình yêu thậtthản nhiên sống giữa nhân thế đang cạn nhân tính, giữa nhân tình đang mất dần nhân tri, tình yêu biết nuôi dưỡng nhân tâm giữa nhân loại đang như sa mạc của sự dửng dưng, sự thờ ơ, sự lãnh đạm, nơi mà ích kỷ lấy tư lợi làm nhân tri. Tình yêu thật biến thân mật thành gần gũi, biến chung đời thành chung kiếp, nơi mà tình yêu đã điều khiển được ngôn ngữ, biến Việt ngữthành tuyệt ngữ, khi hai hai kẻ yêu khi thành vợ, thành chồng, họ gọi nhau: “mình ơi!”.

Tuổi… yêu người. Yêu nhau mà chỉ thấy nhau thì là loại tình yêu chật hẹp, mơ sớm nở khi chán thì tối tàn. Nhưng yêu nhau mà biết cùng nhau nhìn về một phía, thấy được chân trời mới, để sáng tạo ra một dự phóng, chế tác ra một tương lai, để nuôi dưỡng cho bằng được tình yêu với thời gian, đây là đúng là tình yêu đã vượt qua ham muốn của dục tính. Tình yêu cũng có thể bị hạn hẹp hơn nếu các con tính của mai sau chỉ dựa trên sự ích kỷ của mỗi bên, loại tình yêu này càng ngày càng bị đe dọa bởi xã hội tiêu thụ hiện nay, chưa nhai đã nuốt, trong bối cảnh của sự cung phụng quá đáng chủ nghĩa cá nhân, nhất là loại cá nhân thích tranh giành chụp giựt hơn là đồng cam, cộng khổ với tha nhân. “Yêu nhau chín bỏ làm mười”,đó là nội công của vị tha, nội lực của khoan dung, mà động từ “xí xóa” sẵn sàng có mặt trong tình yêu lấy nội chất của rộng lượng để cứu tình yêu, cùng lúc cứu người mình yêu. Tình yêu là thượng nguồn của tình thương, yêu người yêu để yêu (tất cả) mọi người, trong nhân sinh. Cứ theo Trịnh công Sơn, sẽ rõ: “Yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ…” “Tôi yêu mọi người cỏ cây, nhân loại….” “Tôi là ai mà yêu quá đời này…”

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen