Lao động Đài Loan
Lê Giang Lam, 5/1/2019
Ở phố cổ Thập Phần, nơi nổi tiếng với trải nghiệm thả đèn lồng ở Đài Loan, tôi gặp dòng chữ thân thuộc “Việt Nam quán”. Chị nhân viên bán đèn lồng là người Ninh Bình, sang Đài Loan xuất khẩu lao động được vài năm.
Chị hỏi tôi về chi phí cho chuyến đi và thủ tục xin visa. “Dễ lắm,” tôi đáp, “Visa du lịch làm miễn phí qua mạng, được lưu trú hai tuần. Còn tiền vé máy bay, chỗ ở thì chỉ bằng chuyến đi chơi từ Hà Nội vào Sài Gòn”. “Thế thì có thể sang, tìm việc rồi trốn ở lại nhỉ?” chị hỏi.
Cuộc trò chuyện sau đó cứ nhạt dần vì chị dường như né tránh điều gì, còn tôi cũng không dám tiết lộ thêm với chị rằng visa chỉ dễ như vậy với ai trước đó đã có visa của Mỹ hay châu Âu.
Sau khi gặp và phỏng vấn thêm 10 lao động Việt Nam khác ở Đài Loan, tôi mới hiểu tại sao cuộc nói chuyện ở phố đèn lồng lại không thể cởi mở như mong đợi. Bởi đi lao động là tình huống khác xa so với du dịch, đặc biệt về chi phí. Khi chi phí và thủ tục với người đi du lịch vừa rẻ vừa dễ, chỉ 15-25 triệu đồng cho một tour năm ngày, thì tổng chi phí không chính thức lao động Việt phải trả cho môi giới để có một chỗ trong nhà máy lên tới 5.200 USD đến 6.000 USD, tức 110 tới 130 triệu đồng. Con số này, theo Diễn đàn Di cư Châu Á, là mức cao nhất lao động Đông Nam Á phải trả để sang làm cùng một công việc cũng ở Đài Loan. Nó cao gấp đôi đến gấp ba mức phí một lao động Thái Lan hay Philippines phải chịu.
Anh Nghĩa – người Hải Phòng – là một ví dụ khác cho hàng nghìn lao động Việt ở vùng lãnh thổ này. Anh quyết định đi xuất khẩu lao động vì với mức lương lao động tự do khoảng năm triệu đồng mỗi tháng, anh không thể nuôi một vợ và hai con. Khi nghe môi giới quảng cáo đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan lương cao, 22.000 Đài tệ một tháng – khoảng 717 USD – lại có nhiều cơ hội tăng ca, Nghĩa quyết định vay tiền để đi. Thế nhưng cơ hội tăng ca gần như không có, sau khi trừ hết các khoản thuế và phí bắt buộc, số tiền lao động thực lĩnh hàng tháng chỉ có 400 đến 500 USD, trừ tiếp chi phí sinh hoạt và khoản nợ vay để đi, coi như anh làm việc không công trong năm đầu tiên.
“Môi giới thực chất chả biết gì,” anh nói. Anh Nghĩa tự mình “tăng ca”. Tại thời điểm cả nước đang theo dõi trận đấu giữa đội tuyển bóng đá Việt Nam và Philippines ở vòng bán kết AFF Cup 2018, anh bận bán khoai lang nướng ở chợ đêm. Anh xác định muốn có lãi sau cuộc đầu tư xuất khẩu lao động này, phải mất sáu năm.
Anh Nghĩa không phải trường hợp duy nhất có “cảm giác như bị lừa”. Theo Mạng lưới Di cư Châu Á, thị trường môi giới xuất khẩu lao động bị chi phối bởi các công ty tư nhân cạnh tranh với nhau để có được hợp đồng với nhà tuyển dụng vốn luôn cần lao động với chi phí rẻ nhất. Bởi thế, môi giới tìm đủ cách để tuyển càng nhiều người càng tốt. Sở dĩ lao động phải trả mức cao như vậy là vì công tác quản lý các công ty môi giới ở Việt Nam chưa đủ chặt và có dấu hiệu của tham nhũng. Theo nghiên cứu xuất bản năm 2013 của hai tác giả Daniele Bélanger and Hong-zen Wang, nhiều công ty môi giới tư nhân đi thuê danh nghĩa của các đơn vị được chỉ định tuyển lao động hợp pháp. Phí thuê giấy phép đó lại chồng vào phí của lao động xuất khẩu.
Hơn nữa, những công ty môi giới lại cạnh tranh để có được hợp đồng với công ty ở Đài Loan và họ tìm cách né giảm những chi phí nhà tuyển dụng thường phải trả như chi phí tập huấn, visa, vé máy bay sang người lao động – vốn ở thế bất lợi khi không biết tiếng và không được trang bị đầy đủ kiến thức về quyền lợi của mình.
Không ít người còn bị lừa bởi công ty ma thu phí môi giới cả trăm triệu, đưa họ sang bằng visa du lịch rồi bỏ rơi nơi đất khách quê người. Còn số khác, nhờ người quen ở Đài Loan nên tìm được công việc chui, đã chủ động du lịch sang đây rồi trốn đi làm. Con đường này ít tốn kém hơn kênh hợp pháp mà lại được trả lương cao vì không bị trừ thuế hay bảo hiểm y tế. Hai chủ quán Việt ở Đài Bắc nói với tôi, làm chui hai tháng ở nhà hàng bằng tiền công làm ba tháng ở nhà máy. Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi Cơ quan Di trú Đài Loan (NIA) công bố, Việt Nam dẫn đầu về tỉ lệ người “mất tích”, tiếp sau đó là Indonesia. Nó trùng hợp với thực tế, công dân hai nước này cũng lần lượt phải trả mức phí môi giới cao nhất và cao nhì để sang Đài Loan làm việc.
Nhưng phận làm chui có cái giá của nó. Họ phải sống chui lủi và không được pháp luật bảo vệ. Chị Phạm Thảo Vân, người từng phụ trách quỹ Trái tim yêu thương hỗ trợ lao động Việt gặp nạn ở Đài Loan, có hơn 200 người chết trong bốn năm qua, hầu hết do bị tai nạn hoặc bị ốm mà không dám đi bệnh viện, vì không có giấy tờ.
Mặc dù chính quyền hai nước đã đưa ra một số biện pháp để bảo vệ người lao động tốt hơn, thực thi sao cho hiệu quả lại là vấn đề. Bộ Lao động quy định chi phí xuất khẩu lao động sang Đài Loan không được quá 4.000 USD. Từ đầu năm 2018, Bộ cũng tiến hành chương trình tuyển trực tiếp với chi phí dịch vụ chỉ có 13 triệu đồng/người, nhưng các công ty môi giới vẫn hoạt động, vẫn có thể dễ dàng thu thêm phụ phí mà không có hoá đơn.
Công ước 181 của Tổ chức Lao động Quốc tế đã cấm các công ty tuyển dụng tư nhân thu phí từ người lao động. Tuy nhiên, trong số 33 quốc gia phê chuẩn công ước này, không có Việt Nam.
Nhiều nguồn thống kê rằng khoảng 25.000 lao động Việt bất hợp pháp ở Đài Loan. Con đường trở thành người chui, theo Diễn đàn Di cư Châu Á, đã manh nha khởi nguồn từ nơi họ xuất phát, bởi các công ty ma không bị kiểm soát, bởi chính hàng chục nghìn lao động không được trang bị đầy đủ kiến thức nên dễ dàng nghe theo các công ty ma kia. Trường hợp công ty chưa có giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế như Twin Bright, nhưng vẫn đưa được khách du lịch sang Đài Loan trong vụ 152 người bỏ trốn, là một biểu hiện của công tác kiểm soát thị trường xuất khẩu lao động thiếu chặt chẽ.
“Chẳng ai muốn sống lưu vong”, anh Nghĩa nói với tôi. Nhưng khi nguồn việc ở quê không có, con đường xuất khẩu lao động chính thống lại quá đắt đỏ, lao động nghèo sẽ vẫn phải đối mặt với nhiều lựa chọn khó khăn. Và “lưu vong” không phải một ngoại lệ.