Seite auswählen

Trung cộng xây dựng ở Biển Đông như ‘chuẩn bị cho Thế Chiến III’

Tàu hải quân Trung cộng trong một cuộc tập trận.

Chủ tịch Ủy ban Quân Ủy Thượng viện Mỹ hôm 29/1 nói rằng việc Trung cộng tiếp tục quân sự hóa Biển Đông giống như “chuẩn bị cho Thế Chiến III”. Theo Navy Times, bình luận của Thượng nghị sĩ Cộng hòa James Inhofe được đưa ra trong buổi điều trần bàn về những thách thức gây ra bởi Trung cộng và Nga.

Trang tin này dẫn lời ông Inhofe nói rằng trong khi quân đội Mỹ hiện diện quanh Biển Đông và Thái Bình Dương, Hoa Kỳ gần như đứng nhìn Trung cộng tuyên bố chủ quyền đối với các bãi đá và các đảo nhỏ trước khi biến chúng thành các pháo đài được trang bị vũ khí.

Trong một bài phân tích đăng tải cuối năm 2018, tạp chí The National Interest cho rằng Biển Đông là một trong 5 nơi có thể xảy ra Chiến tranh Thế giới III trong năm 2019.

Cũng trong ngày 29/1, tờ The Straits Times dẫn một đánh giá tình báo của Mỹ nói rằng Trung cộng nhiều khả năng sẽ tiếp tục gia tăng sự hiện diện hàng hải ở Biển Đông cũng như xây dựng cơ sở quân sự.

Hồi năm 2015, Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ khi đó là Đô đốc Harry Harris Jr. nói rằng Trung cộng “xây vạn lý trường thành bằng cát” ở Biển Đông.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung cộng Hoa Xuân Oánh giữa tháng này nói rằng Bắc Kinh và Hà Nội “cùng cho rằng hàng hải là vấn đề duy nhất vẫn chờ được giải quyết giữa Trung cộng và Việt Nam”.

VOA

30/01/2019

Trung cộng đưa tàu cứu hộ tới Đá Chữ Thập, Biển Đông

Bắc Kinh đã thiết lập một trung tâm cứu hộ hàng hải trên bãi Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef – FCR), một trong những tiền đồn quân sự mà Trung cộng đã xây dựng trên vùng biển tranh chấp tại Biển Đông, theo Philstar.

Bộ Giao thông Vận tải Trung cộng đã khai trương một trung tâm cứu hộ để hoạt động cứu hộ tại khu vực phía nam của tuyến đường thủy đang tranh chấp. Vào tháng 7/2018, Trung cộng đã cử một tàu cứu hộ đến bãi đá Subi. Con tàu này đã bố trí ít nhất 8 nhân viên cứu hộ với thiết bị lặn. Bãi Đá Chữ Thập, đã trở thành căn cứ không quân kiên cố với các cơ sở quân sự, Philstar trích dẫn Tân Hoa Xã.

Trung cộng có khả năng sử dụng Đá Chữ Thập làm trung tâm tình báo ở Trường Sa, theo báo cáo của một nhóm nghiên cứu thuộc tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI).

Tình báo Hoa Kỳ: Trung cộng tiếp tục quân sự hóa Biển Đông

Trung cộng dường như tiếp tục tăng cường hiện diện ở Biển Đông, xây dựng các cơ sở quân sự trái phép ngụy trang bằng lớp vỏ dân sự, báo cáo đánh giá mới công bố của tình báo Mỹ cho biết.

Cơ quan tình báo Mỹ ngày 29/1 đã trình Thượng viện bản báo cáo đánh giá thường niên. Báo cáo này nói rằng, Trung cộng đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng cả về chính trị và kinh tế với các nước ở sân sau trong khi tìm cách hạn chế tầm ảnh hưởng của Mỹ và các đồng minh ở khu vực.

“Năng lực và tầm ảnh hưởng của quân đội Trung cộng tiếp tục mở rộng khi họ đổ tiền phát triển các vũ khí hiện đại, Bắc Kinh sẽ dùng sức mạnh quân sự để mở rộng tầm ảnh hưởng cả về kinh tế, chính trị như chúng ta đã thấy với dự án Một vành đai, Một con đường”, Straits Times dẫn lời Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ Dan Coats nhận định.

Ông Coats cũng bình luận thêm: “Theo xu hướng này, chúng tôi dự đoán Trung cộng sẽ tiếp tục tìm cách củng cố và tăng cường kiểm soát hơn tầm ảnh hưởng ở Biển Đông và sự hiện diện ở nước ngoài”.

Báo cáo nói rằng, Trung cộng tìm cách giành sự kiểm soát đối với các vùng biển trên Biển Đông, buộc cách bên tranh chấp chấp nhận yêu sách của mình. Trong khi đó, Trung cộng dường như tiếp tục xây dựng trái phép các cơ sở hạ tầng hỗn hợp dân sự và quân sự ở quần đảo Trường Sa.

Bắc Kinh cũng tìm cách rêu rao rằng, vai trò và sự hiện diện của Mỹ ở khu vực đang giảm dần với việc Mỹ rút khỏi các hiệp định thương mại và rằng các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông là “đe dọa sự ổn định của khu vực”.

Trong báo cáo 42 trang này, cơ quan tình báo Mỹ cũng coi Trung cộng là mối đe dọa trực tiếp với Mỹ bởi các hoạt động tấn công mạng nhằm đánh cắp thông tin, làm gián đoạn các cơ sở hạ tầng quan trọng. Báo cáo cảnh báo, Trung cộng có thể thực hiện các vụ tấn công mạng làm gián đoạn tạm thời các hệ thống quan trọng của Mỹ như hệ thống đường ống khí đốt trong vài ngày thậm chí vài tuần.

Sputnik News

Hoa Kỳ: Đạo luật cắt đứt đường lưỡi bò của Trung cộng trên biển Đông

Nhằm cắt đường lưỡi bò, ngăn chặn mọi hoạt động xâm lược của Trung cộng trên biển Đông, Thượng Viện Hoa Kỳ thông qua ĐẠO LUẬT “NATIONAL DEFENSE AUTHORIZATION ACT 2019 (NDAA)”

NDAA tức Đạo luật ủy quyền quốc phòng đã được thông qua tại Thượng viện Hoa Kỳ với đa số 87 phiếu thuận và chỉ có 10 phiếu chống. Dự luật quốc phòng Hoa Kỳ có trị giá 716 tỷ đô la sẽ được sử dụng làm kinh phí và tài nguyên để nhằm ngăn chặn :

1- Các hoạt động xâm chiếm đất đai biển đảo của Trung cộng trong vùng biển Đông Nam Á.

2 – Các hoạt động gián điệp của Trung cộng chống lại Hoa Kỳ và thế giới.

3 – Các kế hoạch của Trung cộng làm suy yếu Hoa Kỳ. NDAA sẽ củng cố lệnh cấm Trung cộng tham gia cuộc tập trận hàng hải của Lầu Năm Góc và các hoạt động hàng hải đa phương của Vành đai Thái Bình Dương được tổ chức hàng năm.

Lệnh cấm sẽ chỉ được dỡ bỏ khi Trung cộng dừng lại tất cả các hành động xâm chiếm biển đảo và loại bỏ các hệ thống vũ khí ra khỏi các tiền đồn ở Biển Đông.. Quy định này về cơ bản tương đương với lệnh cấm vĩnh viễn.

Bộ trưởng quốc phòng Úc: Bắc Kinh gây lo lắng ở Biển Đông

Đảo nhân tạo Trung cộng xây trên đá Subi ở quần đảo Trường Sa (ảnh tư liệu ngày 21/4/2017)

Bộ trưởng Quốc phòng Úc vừa đưa ra một số tuyên bố mạnh mẽ nhất về những nỗ lực của nước ông tăng cường ảnh hưởng ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, trong đó có chỉ trích Trung cộng gây “lo lắng” bằng những hành động của họ ở Biển Đông.

Trong bài phát biểu tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế Fullerton tại Singapore hôm thứ Hai 28/1, Bộ trưởng Quốc phòng Christopher Pyne nói rằng Bắc Kinh nên sử dụng sức mạnh ngày càng tăng của mình để tạo dựng niềm tin và sự tự tin trong khu vực.

Ông Pyne nói: “Ví dụ, việc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông đã không làm tăng niềm tin của khu vực đối với các ý đồ chiến lược của Trung cộng. Ngược lại, nó gây lo lắng.”

Tuy nhiên ông Pyne cũng nhấn mạnh rằng Úc không tìm cách ngăn chặn Trung cộng.

Phát biểu của nhà lãnh đạo quốc phòng Úc được đưa ra khi mối quan hệ giữa Canberra và Bắc Kinh đang căng thẳng sau vụ Trung cộng bắt giữ nhà văn người Úc gốc Hoa Dương Hằng Quân vì nghi ngờ gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.

Ông Rory Medcalf, người đứng đầu Trường An ninh Quốc gia thuộc Đại học Quốc gia Úc ở Canberra, được báo South China Morning Post trích lời, nói rằng những bình luận của Pyne đã là một biểu hiện “cứng rắn” và “cân bằng” về lợi ích của Úc trong khu vực.

Ông Medcalf nói: “Tuyên bố đó thể hiện sự tự tin và quyết đoán mới của Úc trong việc bảo vệ lợi ích khu vực của mình, nhưng không đi theo hướng khiêu khích. Các tuyên bố đó không đụng đến vấn đề hệ thống chính trị của chính Trung cộng hay cách đối xử với dân chúng. Trên hết, nó xác nhận rằng Úc rất nghiêm túc về bước tiến của mình ở Thái Bình Dương, đồng thời vươn ra Ấn Độ Dương.”

Ông Pyne, người đã hội đàm với người đồng cấp Trung cộng Ngụy Phượng Hòa vào tuần trước ở Bắc Kinh, nói rằng Úc đang tăng cường tham gia để đảm bảo rằng khu vực tiếp tục rộng mở, mạnh mẽ, tự do và không bị ép buộc.

Trong bối cảnh đầu tư của Trung cộng vào các quốc gia Thái Bình Dương ngày càng tăng, Canberra đã bắt đầu phát triển căn cứ hải quân trên đảo Manus, Papua New Guinea, tăng cường chi tiêu quân sự và tăng cường hợp tác an ninh với các nước như Vanuatu và Fiji.

Nhưng ông Pyne cũng nói rằng Úc không muốn kiềm chế Trung cộng, và cảnh báo không nên xem sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Bắc Kinh và Washington là một cuộc chiến tranh lạnh mới.

(SCMP, Philstar.com)

VOA

Mỹ phát triển vũ khí siêu thanh chống Trung cộng trên Biển Đông

Bộ trưởng Lục quân Hoa Kỳ Mark Esper. (Ảnh: Chip Somodevilla/ Getty Images)

Quân đội Hoa Kỳ đang nghiên cứu một siêu đạn pháo có tầm bắn 1.600km có khả năng phá hủy tàu hải quân Trung cộng, nếu có một trận chiến xảy ra trên Biển Đông, theo Sputnik News.

Trong một cuộc hội thảo bàn tròn hôm thứ Tư (24/1), Bộ trưởng Lục quân Hoa Kỳ Mark Esper cho biết quân đội Mỹ đang tiến hành thử nghiệm các hệ thống pháo hạng nặng tầm siêu xa ERCA (Extended-range Cannon Artillery). Phương tiện này có thể được sử dụng trong một cuộc tấn công chiến lược hoặc chiến thuật nhằm yểm trợ cho các lực lượng bộ binh tấn công. 

Hệ thống ERCA, được phát triển với ứng dụng công nghệ siêu thanh, lần đầu tiên được các quan chức quân đội Mỹ đề cập đến vào tháng 10/2018, khi đó Đại tá John Rafferty, Giám đốc Hiện đại hóa các phương tiện Hỏa lực chiến lược tầm xa, nói với các phóng viên trong một hội nghị quân sự.

Ông Esper nói: “Chúng ta luôn muốn có lợi thế khi có thể tấn công đối phương mà không bị đánh trả. Đó là những gì mà pháo binh tầm xa mang lại cho chúng ta, ví dụ trong trường hợp đối phó với người Nga”.

Một siêu pháo như vậy có thể được sử dụng trên Biển Đông, trong điều kiện gia tăng căng thẳng tới mức các tàu Trung cộng chặn các tàu Mỹ đi qua khu vực này, ông Esper bổ sung.

Mối lo ngại của cộng đồng quốc tế ngày càng gia tăng trong bối cảnh Trung cộng đã quân sự hóa các đảo nhân tạo trên Biển Đông. Mới đây, Trung cộng còn cung cấp những “thông tin sai sự thật” cho học sinh và sinh viên về tình trạng Biển Đông, Phó Chánh án Tòa tối cao Phi Luật Tân Antonio Carpio cho biết hôm 17/1, theo Gmanetwork.

Phi Luật Tân, hôm 22/1 đã phát hành một cuốn sách có tựa đề “The South China Sea Arbitration: Understanding the Awards and Debating with China” (tạm dịch: Trọng tài Biển Đông: Tìm hiểu về Giải thưởng và Tranh luận với Trung cộng). 

Cuốn sách được phát hành vào cùng ngày kỷ niệm 6 năm trước Phi Luật Tân chính thức thông báo cho Trung cộng rằng họ đang đưa tranh chấp Biển Đông ra tòa án quốc tế. Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Albert del Rosario, một trong những nhân vật hàng đầu trong chiến thắng trọng tài của Manila chống lại Trung cộng, cho biết cuốn sách này là một tập hợp các thông tin, biên tập và phân tích, là một cuốn sách mà mọi người Phi Luật Tân yêu nước đều cần đọc.

Nhật Bản cũng đã hợp tác với Pháp, Canada tăng cường phòng thủ Trung cộng trước những động thái trên biển của Bắc Kinh. 

Về phía Australia, Bộ trưởng Quốc phòng Christopher Pyne cho biết, nước Úc sẵn sàng tiến hành các cuộc tập trận với các lực lượng quân đội khác tại Biển Đông để gửi đi một thông điệp tới Bắc Kinh rằng đó là vùng biển quốc tế, theo Sydney Morning Herald (SMH).

Thành Minh

Quân đội Mỹ lên kế hoạch giả định lấy các đảo do Trung cộng kiểm soát ở Biển Đông

Hình minh hoạ. Hình chụp của Hải quân Mỹ hôm 5/3/2018 cho thấy hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson đến cảng Đà Nẵng  AFP

Trang tin Business Insider hôm 24/1 cho biết Thuỷ quân lục chiến Mỹ đang có một kế hoạch giả định cho phép thuỷ quân lục chiến Mỹ chiếm các đảo mà Bắc Kinh kiểm soát ở Biển Đông khi có một trận chiến tên lửa lớn ở Thái Bình Dương.

Cố vấn an ninh quốc gia: Mỹ sẽ khai thác dầu khí ở Biển Đông bất chấp Trung cộng

Business Insider trích thông tin từ USNI News cho biết các chỉ huy Thuỷ quân lục chiến Mỹ tại một hội thảo thường niên của Hải quân quốc gia đã nói với hãng tin này rằng cách thức vận hành của hải quân hiện tại không phải là cái mà quân đội Mỹ tìm kiếm để có thể chiếm lấy các căn cứ của Trung cộng ở Thái Bình Dương.

USNI News trích lời tướng David Coffman của Thủy quân lục chiến Mỹ cho biết việc lấy các đảo do Trung cộng kiểm soát là trung tâm của kế hoạch này. Ông nói “các hoạt động hải quân phối hợp là cần thiết để lấy một đảo dù là đảo tự nhiên hay nhân tạo”, ý muốn nói đến các tiền tiêu mà Trung cộng cho xây dựng trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Trung cộng trong các năm gần đây đã gia tăng các nỗ lực xây lấp các đảo nhân tạo ở Biển Đông và tiến hành quân sự hoá các đảo này bất chấp những phản đối từ Mỹ và các nước khác.

Hoa Kỳ thường xuyên đưa các tàu chiến đi qua vùng nước quanh các đảo này để thách thức các đỏi hỏi về chủ quyền của Trung cộng đối với vùng nước đang tranh chấp. Tuy nhiên Trung cộng luôn phản ứng hoặc bằng cách lên tiếng phản đối hoặc đưa tàu chiến ra để theo dõi.

Một đô đốc hải quân Trung cộng mới đây còn lên tiếng nói rằng Trung cộng phải đánh chìm các hàng không mẫu hạm của Mỹ để bảo vệ chủ quyền.

Cố vấn an ninh quốc gia: Mỹ sẽ khai thác dầu khí ở Biển Đông bất chấp Trung cộng

Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton tại một họp báo ở Nhà Trắng, Washington DC hôm 3/10/2018 AFP

Cố vấn An ninh Mỹ John Bolton mới đây lên tiếng cảnh báo Trung cộng đã lợi dụng trật tự thế giới quá lâu trong khi Hoa Kỳ đã thất bại trong việc đối phó với Trung cộng. Ông đồng thời cũng nói đến khả năng Mỹ sẽ hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông dù có Trung cộng hay không. Ông John Bolton không nói cụ thể Mỹ sẽ hợp tác khai thác với nước nào trong số các quốc gia đòi chủ quyền ở Biển Đông bao gồm Việt Nam, Phi Luật Tân, Malaysia, Brunei, Đài Loan.

Ông John Bolton nói điều này trong cuộc phỏng vấn của chương trình Hugh Hewitt nổi tiếng của Mỹ hôm 11/10 vừa qua. Ông cho rằng sẽ có thêm những khai thác tài nguyên thiên nhiên ở vùng Biển Đông dù có hợp tác với Trung cộng hay không. “Họ cần phải biết rằng họ không thể đạt được sự đã rồi tại khu vực này. Đây không phải là một tỉnh của Trung cộng và sẽ không bao giờ là một tỉnh của Trung cộng”, Cố vấn An ninh John Bolton nói.

Phát biểu của giới chức cao cấp chính phủ Mỹ được đưa ra sau khi có tin cho biết Hoa Kỳ có kế hoạch có những phô diễn sức mạnh ở Biển Đông vào tháng 11 tới, trùng hợp với chuyến thăm của Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình tới Phi Luật Tân.

Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ có kế hoạch thực hiện một loạt các hoạt động ở Biển Đông trong thời gian một tuần để cảnh cáo Trung cộng và cho thấy sự quyết tâm của Mỹ trong việc đối phó với những hoạt động quân sự hoá của Trung cộng tại vùng nước tranh chấp.

Cố vấn An ninh John Bolton cũng nói đến chương trình tự do hàng hải mà Mỹ đã tiến hành ở Biển Đông trong những năm qua để thách thức các đòi hỏi quá đáng của Trung cộng ở khu vực này. Ông nói Hoa Kỳ và các nước đồng minh sẽ còn tiếp tục cho tàu đi qua khu vực này nhiều hơn trong thời gian tới.

RFA

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen