Seite auswählen

Dân quân biển Trung cộng vây đảo Thị Tứ ngăn cản ngư dân Phi Luật Tân   

Khoảng 50 tàu Trung cộng đã di chuyển gần đảo Pagasa, còn gọi là đảo Thị tứ trên quần đảo Trường Sa, và đe dọa ngư dân Phi Luật Tân, trang GMA News cho biết.

Theo một bài báo trên News To Go của GMA News hôm 5/3, ông Roberto Del Mundo, Thị trưởng Kalayaan, cho biết từ ngày 11/1 đến ngày 2/2, ông liên tục phát hiện hàng chục tàu Trung cộng có mặt gần đảo Pagasa, đảo có tên quốc tế là Thị Tứ.

Ngư dân địa phương bị các dân quân Trung cộng xua đuổi xa khỏi một cồn cát gần đảo này.

Ngoại Trưởng Phi Luật Tân Teodoro Locsin Jr. cho biết các tàu cá của cả Phi Luật Tân và Trung cộng đều có mặt ở vùng biển xung quanh đảo Thị tứ. Ông nói thêm rằng cả hai nước đều có ra tuyên bố chủ quyền đối với khu vực này.

AP trích lời ông Salvador Panel, Phát ngôn viên của tổng thống, hôm 5/3, cho biết Bộ Quốc phòng Phi Luật Tân đang kiểm tra các tin tức cho rằng các tàu Trung cộng đã ngăn chặn ngư dân Phi Luật Tân tiếp cận các bãi cát gần đảo Thị Tứ do Phi Luật Tân kiểm soát.

Trong khi đó, ông Richard Heydarian, nhà phân tích của GMA, nói rằng Trung cộng đang sử dụng chiến thuật này để đe dọa ngư dân các nước khác có tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển giàu tài nguyên.

Ông cũng lưu ý rằng Trung cộng đã giám sát việc nâng cấp các cơ sở quân sự của Phi Luật Tân tại đảo Thị Tứ, chẳng hạn như việc xây dựng một bến cảng và đoạn đường đi xuống bãi biển.

Các nhà hoạt động Phi Luật Tân hôm 4/3 đã biểu tình bên ngoài đại sứ quán Trung cộng tại Manila phản đối việc các tàu của Bắc Kinh đuổi theo ngư dân Phi Luật Tân.

Các cuộc biểu tình này diễn ra 3 ngày sau khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo tới thăm Manila. Ông Pompeo bảo đảm với chính phủ Phi Luật Tân về sự hỗ trợ của quân đội Hoa Kỳ nếu như có xảy ra vụ tấn công ở Biển Đông.

VOA

March 5, 2019

Tầm quan trọng của Sandy Cay đối với Thị Tứ và Đá Xu Bi

Vừa qua, Trung cộng bị tố cáo là có những nỗ lực hòng kiểm soát các bãi cát nằm gần đảo Thị Tứ mà Phi Luật Tân đang chiếm giữ ở quần đảo Trường Sa.

Những thông tin về việc Trung cộng dòm ngó các bãi cát này đã châm ngòi cho nhiều tin đồn, tin giả về việc “Trung cộng nổ súng chiếm đảo Thị Tứ”. Để góp phần gạn lọc thông tin và ngõ hầu có thể dựa vào đó dự báo các bước đi của Trung cộng ở Trường Sa, xin phép được phân tích về ý nghĩa pháp lý của các bãi cát này, mà nổi bật nhất trong đó là Sandy Cay.

Sandy Cay (khác với Sand Cay là đảo Sơn Ca mà Việt Nam kiểm soát) là bãi cát nằm trên các rạn san hô ở phía tây đảo Thị Tứ mà Phi Luật Tân đang chiếm giữ. Điểm đáng chú ý và cũng là lý do khiến nó có ý nghĩa về mặt pháp lý là nó nằm cách Đá Xu Bi mà Trung cộng chiếm đóng và bồi đắp đảo nhân đạo chưa đến 12 hải lý.

Trong phán quyết của Toàn Trọng tài Thường trực ở The Hague về vụ Phi Luật Tân kiện Trung cộng vào tháng 7 năm 2016, tòa kết luận Đá Xu Bi là bãi cạn lúc nổi lúc chìm (low-tide elevation), vì vậy không có quyền có vùng lãnh hải 12 hải lý quanh đảo này.

Nằm cách Xu Bi hơn 12 hải lý một chút là đảo Thị Tứ, được tòa xác định là đá, tức có lãnh hải 12 hải lý. (Lưu ý tòa không xem xét vấn đề tranh chấp lãnh thổ, nghĩa là không phân định các thực thể này là thuộc sở hữu của ai, mà chủ yếu chỉ kết luận quy chế pháp lý của chúng).

Tuy nhiên, tòa chỉ ra sự phức tạp là Sandy Cay nằm cách Đá Xu Bi chưa đến 12 hải lý và tòa cũng xác định Sandy Cay là một thực thể địa lý luôn nổi ở triều cao (high-tide feature). (Ở đây có một chút thú vị là trong tranh biện của mình Phi Luật Tân lập luận Sandy Cay không tồn tại, nhưng tòa kết luận ngược lại là có một thực thể địa lý luôn nổi ở triều cao nằm ở phía tây đảo Thị Tứ).

Với quy chế thực thể địa lý luôn nổi ở triều cao thì Sandy Cay có thể tạo ra vùng lãnh hải (không quan trọng là ai nắm giữ).

Và Điều 13 (1) của Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển quy định về bãi cạn lúc chìm lúc nổi: “Bãi cạn lúc chìm lúc nổi là những vùng đất nhô cao tự nhiên có biển bao quanh, khi thủy triều xuống thấp thì lộ ra, khi thủy triều lên cao thì bị ngập nước. Khi toàn bộ hay một phần bãi cạn đó ở cách lục địa hoặc một đảo một khoảng cách không vượt quá chiều rộng của lãnh hải, thì ngấn nước triều thấp nhất ở trên các bãi cạn này có thể được dùng làm đường cơ sở để tính chiều rộng của lãnh hải”.

Theo quy định này thì vì Đá Xu Bi nằm cách Sandy Cay chưa đến 12 hải lý nên Xu Bi sẽ được dùng làm điểm cơ sở để tính lãnh hải của Sandy Cay. (Tức là từ Đá Xu Bi có thể mở ra thêm 12 hải lý lãnh hải nữa cho ai thực thi chủ quyền hợp pháp ở Sandy Cay).

Chính vì dzích dzắc từ Sandy Cay này mà Mỹ mỗi khi tiến hành chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) ở Đá Xu Bi đều phải áp dụng chế độ qua lại vô hại (innocent passage), chứ không áp dụng tự do biển cả (high sea freedom) như khi tiến đến gần Đá Vành Khăn.

Nghĩa là Mỹ thừa nhận có một vùng lãnh hải của ai đó ở khoảng cách 12 hải lý so với Đá Xu Bi nên Mỹ vẫn tôn trọng, còn chuyện của ai thì Mỹ giữ trung lập nên không quan tâm.

Chính vì Xu Bi bị tòa phán quyết không có lãnh hải (ở đây chúng ta giả định trường hợp Trung cộng một ngày nào đó sẽ phải quay trở lại với thế giới văn minh, dựa vào phán quyết của PCA và luật Biển để định nghĩa các vùng biển ở Trường Sa), nên để củng cố cái gọi là vùng lãnh hải ở Đá Xu Bi, Trung cộng cần kiểm soát Sandy Cay, để sau này tính lãnh hải ở Xu Bi.

Việc tàu Trung cộng cố gắng kiểm soát Sandy Cay từng được Phi Luật Tân ghi nhận từ tháng 8.2017, khi hai tàu hộ vệ, một tàu tuần duyên và một số tàu dân binh giả dạng tàu cá xuất hiện tại khu vực.

Tìm cách khống chế Sandy Cay phù hợp với chiến lược của Trung cộng là đi từng bước khiêu khích nhỏ nhưng không đủ để tạo xung đột.

Việc tấn công chiếm đảo Thị Tứ là một bước theo thang dữ dội có nguy cơ tạo xung đột trực tiếp và kéo theo cả đồng minh hiệp ước của Phi Luật Tân là Mỹ vào nên khó có khả năng Trung cộng thực hiện bước đi này trong tương lai gần.


Tóm lại, Sandy Cay mới là mục tiêu trước mắt của Trung cộng chứ không phải đảo Thị Tứ.

Những bài báo nước ngoài khi đề cập đến câu chuyện này có sự nhập nhằng giữa Sandy Cay và Thị Tứ, cộng với cách giật tít khiến nảy sinh câu chuyện “Trung cộng nổ súng chiếm đảo Thị Tứ” hôm 5.3.

Còn vì sao báo chí Phi Luật Tân và một số quan chức cấp địa phương nhắc lại và nhấn mạnh đến diễn biến xung quanh Sandy Cay trong những ngày qua dù việc này đã xảy ra lâu nay? Có thể lý do là Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mới đây công khai khẳng định hiệp ước đồng minh giữa Mỹ và Phi Luật Tân năm 1951 áp dụng cho tàu bè và máy bay Phi Luật Tân ở khu vực Biển Đông. (Điều này trước đây Mỹ từng kín đáo cam kết với giới chức Phi Luật Tân nhưng chưa chịu công khai khẳng định).

Với sự cam kết công khai của Mỹ, báo chí và các quan chức địa phương ở Phi Luật Tân có thể muốn chính quyền của Tổng thống Duterte có những động thái mạnh mẽ hơn để bảo vệ ngư dân của họ trước những hành vi quấy nhiễu của Trung cộng ở Sandy Cay.

Lý do là nếu Phi Luật Tân điều tàu chiến hay tàu công vụ xuất hiện ở khu vực Sandy Cay thì chí ít cũng đã được Mỹ cam kết “bảo kê”, khác với sự yếu thế như thời xảy ra vụ khủng hoảng ở bãi cạn Scarborough năm 2012.

Những phân tích trên là đứng dưới góc độ pháp lý và thực tế, nên xin không phán xét về chuyện tại sao không đề cập chủ quyền của Việt Nam ở đó. Tóm lại, Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam!

FB Đặng Duân

6-3-2019

Bộ trưởng Quốc Phòng Phi Luật Tân kêu gọi sửa đổi hiệp ước với Hoa Kỳ

Bộ trưởng Quốc Phòng Phi Luật Tân (áo trắng) và các viên chức Mỹ (Ảnh chụp ngày 7/5/2018)  AFP

Hiệp ước Phòng thủ chung giữa Hoa Kỳ và Phi Luật Tân cần phải sửa đổi nếu không sẽ có nguy cơ khiến Manila bị lôi kéo vào một cuộc chiến với Bắc Kinh.

Bộ trưởng Quốc phòng Phi Luật Tân, Delfin Lorenzana, vào ngày 5 tháng 3 có ý kiến như vừa nêu sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, Mike Pompeo tuyên bố Washington sẽ can thiệp trong trường hợp lực lượng vũ trang Phi Luật Tân bị tấn công tại khu vực Biển Đông đang có tranh chấp giữa Trung cộng và một số nước trong vùng.

Trong thông cáo đưa ra, Delfin Lorenzana cho rằng điều khiến ông  quan ngại không phải là thiếu sự đảm bảo từ phía Mỹ; mà đó là sự can dự vào một cuộc chiến mà Phi Luật Tân không hề muốn hay nhắm đến.

Các giới chức Phi Luật Tân từng đề nghị Hiệp ước Phòng thủ chung ký năm 1951 giữa Washington và Manila không áp dụng đối với tuyến đường biển chiến lược bởi lẽ Hoa Kỳ không ngăn chặn được việc Trung cộng bồi lấp nên các đảo nhân tạo từ những đá mà Phi Luật Tân và một số nước khác trong khu vực có tuyên bố chủ quyền chồng lấn.

Hoa Kỳ luôn nói không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền tại khu vực Biển Đông; trong khi đó Washington cho thực hiện các chuyến tuần tra tự do hàng hải áp sát những đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi lấp nên. Hoạt động này được nói nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung cộng tại vùng biển tranh chấp.

Bộ trưởng Quốc Phòng Phi Luật Tân, Delfin Lorenzana, cho rằng hoạt động của Hải quân Hoa Kỳ như thế có thể tạo nên nguy cơ lôi kéo Phi Luật Tân vào xung đột vũ trang. Ông lập luận rằng trong trường hợp hoạt động tuần tra bảo đảm tự do hàng hải mà phía Hải quân Hoa Kỳ tiến hành tại khu vực biển tranh chấp xảy ra đụng độ vũ trang, thì trên cơ sở Hiệp ước Phòng thủ chung, Manila tự động phải can dự vào.

Do đó Ông Delfin Lozenzana cho rằng cần thiết phải sửa đổi lại.

Cũng tin liên quan, hiện nay ngư dân Phi Luật Tân khi ra đánh bắt tại ngư trường đảo Thị Tứ bị tàu Trung cộng xua đuổi.

Hãng AFP loan tin ngày 5 tháng 3 dẫn phát biểu của Ông Roberto del Mundo, thị trưởng Kalayaan, nói với Mạng báo Inquirer về thực tế ngư dân địa phương Palawan bị tàu Trung cộng xua khỏi đảo Thị Tứ như vừa nêu.

RFA

03.05.2019

Hoa Kỳ điều máy bay B-52 bay gần các đảo ở Biển Đông

CC BY 2.0 / Wilson Hui / USAF B-52 Bomber

Lực lượng không quân Thái Bình Dương của Mỹ cho biết, máy bay ném bom B-52 của nước này đã bay gần các đảo trên Biển Đông ngày 04.03.

Hãng tin CNN dẫn tuyên bố từ lực lượng này nêu rõ: “Hai máy bay ném bom B-52H đã khởi hành từ căn cứ không quân Andersen ở đảo Guam và tham gia các hoạt động huấn luyện định kỳ ngày 4/3. Một máy bay ném bom đã thực hiện chuyến bay huấn luyện ở khu vực lân cận Biển Đông trước khi trở lại đảo Guam, trong khi đó, chiếc còn lại bay ở khu vực gần Nhật Bản, phối hợp với Hải quân Mỹ và Không quân Nhật Bản trước khi trở lại Guam”.

Hoạt động nêu trên là một phần trong sứ mệnh kéo dài mang tên “Duy trì sự hiện diện của máy bay ném bom” của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ,  nhằm củng cố khả năng sẵn sàng ứng phó của lực lượng này. Tuyên bố cũng nêu rõ, các chuyến bay đều được tiến hành phù hợp với luật pháp quốc tế.

Mặc dù Mỹ thường xuyên triển khai máy bay ném bom thực hiện các chuyến bay định kỳ gần khu vực Biển Đông, nhưng đây là lần đầu tiên kể từ tháng 11/2018, nước này sử dụng máy bay B-52 có năng lực hạt nhân.

Mỹ đã luân phiên điều các máy bay ném bom B-1, B-52 và B-2 ra khỏi căn cứ không quân Andersen ở đảo Guam để thực hiện các chuyến bay trong khuôn khổ  sứ mệnh “Duy trì sự hiện diện của máy bay ném bom” kể từ năm 2004. Sự hiện diện quân sự của Mỹ gần những khu vực trên Biển Đông đã khiến Trung cộng lo ngại

VOV

2 tàu huấn luyện lực lượng tự vệ trên biển Nhật Bản thăm Đà Nẵng

© ẢNH : TRẦN LÊ LÂM – TTXVN. Hai tàu huấn luyện là JS SETOYUKI và JS SHIMAYUKI thuộc Lực lượng tự vệ trên biển Nhật Bản cập cảng Tiên Sa (Đà Nẵng).

Sáng 6/3, 2 tàu huấn luyện JS Setoyuki và JS Shimayuki thuộc lực lượng Tự vệ trên biển Nhật Bản cập cảng Tiên Sa, bắt đầu chuyến thăm hữu nghị TP. Đà Nẵng từ ngày 6 đến 9 tháng ba. Theo VTCNews, đoàn gồm 380 sĩ quan và thủy thủ, do Đại tá Nakagama Yoshiyuki, Chỉ huy trưởng Đơn vị huấn luyện số 1 lực lượng Tự vệ trên biển Nhật Bản làm Trưởng đoàn.

Trong 3 ngày lưu lại Đà Nẵng, sĩ quan và thủy thủ đoàn sẽ thăm tàu Hải quân Việt Nam, giao lưu thể thao với Vùng 3 Hải quân, chào xã giao lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng và Bộ Tư lệnh Quân khu 5, thăm viếng thành phố.

“Tôi kỳ vọng chuyến thăm hữu nghị TP. Đà Nẵng sẽ góp phần thắt chặt quan hệ hợp tác hữu nghị giữa lực lượng Tự vệ trên biển Nhật Bản và Hải quân nhân dân Việt Nam và cao hơn nữa là góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ hữu nghị giữa hai nước”, Đại tá Nakagama Yoshiyuki cho biết.

Tàu JS Setoyuki (TV-3518) và JS Shimayuki (TV-3513) nguyên là tàu khu trục lớp Hatsuyuki (lớp tàu khu trục thế hệ thứ ba được phát triển bởi công nghiệp quốc phòng Nhật Bản kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2), có vai trò chính là chống ngầm.

Theo tiêu chuẩn, tàu dài 130m, rộng 13,6m. Trên tàu trang bị nhiều hỏa tiễn phòng không và chống hạm, săn ngầm. JS Shimayuki được chuyển đổi thành tàu huấn luyện tháng 3/1999 và JS Setoyuki chuyển thành tàu huấn luyện hồi tháng 3/2012.

Sputnik News

Tương quan lực lượng Mỹ-Trung trên biển Đông: Mỹ lo sợ điều gì nhất?

© AFP 2018 / HO/US Navy/PH3 David E. Carter

Không phủ nhận được một điều là năng lực quân sự của Trung cộng đang tăng lên, nhưng điều đáng ngại nhất, là “giới quân sự Trung cộng đang đạt tới trạng thái mà từ đó họ có thể nói với lãnh đạo cấp cao của họ rằng họ tự tin với năng lực của quân đội”, một viên chức Mỹ nói với Reuters.

Và sự tự tin, trong nhiều trường hợp có thể trở thành thái quá, có thể dẫn tới tai họa vì một sự tính toán sai lầm. Đó là điều có thể xảy ra khi Mỹ và Trung cộng đối đầu nhau trên biển Đông.

Hãy xem tương quan lực lượng giữa đôi bên. Ngoài các căn cứ không quân trên đất Nhật Bản và đảo Guam, Mỹ có 10 nhóm hàng không mẫu hạm tấn công, mỗi nhóm có một hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân, đi kèm là các tàu hộ tống trạn bị vũ khí đến tận răng. Trung cộng chỉ có hai hàng không mẫu hạm, trong đó chỉ một chiếc đang trong biên chế (và cả hai đều lạc hậu). Họ vẫn đang học hỏi để sử dụng chúng.

Để kiểm soát các hải lộ quan trọng trên biển Đông, tàu ngầm có lẽ quan trọng hơn tàu mặt nước. Nhưng về mặt này, Mỹ đang vượt trội với 40 tàu ngầm hạt nhân tấn công hiện đại. Trung cộng có 9  tàu loại này (và các chuyên gia nói chúng kém hơn hẳn về tính năng, mức độ hiện đại so với tàu Mỹ). Mỹ cũng vượt trội so với Trung cộng về năng lực chống ngầm.

Thứ mà Trung cộng dùng (hoặc tuyên bố) để cân bằng tương quan đôi bên là các hỏa tiễn đạn đạo chống hạm, được xem là thứ vũ khí dùng cho kẻ yếu hơn chiến thắng kẻ mạnh hơn bằng một cuộc tấn công bất ngờ.

© AP PHOTO / XINHUA, LI TANG. Hàng không mẫu hạm Trung cộng Liêu Ninh

Trung cộng đang nỗ lực để phát triển các vũ khí dạng này. Với chính sách khuyến khích giáo dục về khoa học-công nghệ, Trung cộng nay trở thành trung tâm nghiên cứu công nghệ cao của thế giới.

“Mỗi năm chúng ta có thêm 1 triệu cử nhân ngành khoa học kỹ thuật, trong khi Mỹ chỉ có thêm 440.000”, giáo sư Kim Xán Vinh của Đại học Nhân dân nói tại một hội nghị ở Hong Kong, theo tường thuật của Popular Mechanics. Và chiến lược đầu tư phát triển giáo dục công nghệ đã phát huy tác dụng ở nhiều lĩnh vực, trong đó có quân sự.

© FLICKR/ U.S. PACIFIC FLEET. Hàng không mẫu hạm của Mỹ USS Ronald Reagan

Điều cho đến nay vẫn chưa hề rõ là hiệu quả thực tế của các hỏa tiễn đạn đạo chống hạm, ví dụ như DF-21D, đến mức độ nào. Bởi một hàng không mẫu hạm không giống như các mục tiêu cố định, ví dụ một căn cứ không quân. Ngay cả khi chỉ trong ít phút trước khi hỏa tiễn bắn tới, tàu đã di chuyển 1-2km. Để bắn trúng tàu, hỏa tiễn cần được dẫn bắn tốt trong giai đoạn cuối, và cho đến nay DF-21D mới chỉ được thử nghiệm với các mục tiêu tĩnh. Nó có lẽ là sát thủ đối với đảo Guam, nơi đặt căn cứ không quân của Mỹ hơn là các hàng không mẫu hạm.

Có lẽ vì thế mà quân đội Trung cộng đang phát triển phương tiện khác để giải quyết lợi thế mà phía Mỹ tạo ra khi sở hữu các nhóm hàng không mẫu hạm: hỏa tiễn siêu thanh. Bay ở tốc độ cao trong bầu khí quyển, những hỏa tiễn này không gặp phải vấn đề dẫn bắn như các hỏa tiễn đạn đạo chống hạm. Trung cộng đã tuyên bố hỏa tiễn DF-17 của họ “không thể bị đánh chặn” ở tốc độ siêu thanh và 8 quả DF-17 có thể đánh chìm hàng không mẫu hạm.

Trung cộng cũng đang phát triển súng điện từ gắn trên tàu chiến. Tuy nhiên chưa có bằng chứng chứng tỏ nó hoạt động hiệu quả.

Tất nhiên Mỹ không ngồi yên chờ Trung cộng đuổi kịp mình. Các hệ thống phòng không Aegis đã được nâng cấp, và trong một cuộc thử nghiệm năm 2016, hai hỏa tiễn SM-6 đã đánh chặn một hỏa tiễn đạn đạo tầm trung. Nói tóm lại, họ đã sẵn sàng bắn hạ các hỏa tiễn đạn đạo chống hạm DF-21.

Nhưng sự tự tin thái quá và những tính toán sai lầm có thể dẫn đến thảm họa. Khả năng đụng độ giữa Mỹ và Trung cộng trên biển Đông là hoàn toàn khả dĩ.

Sputnik News

Koh Kong – Kampuchia: Tiền đồn quân sự Trung cộng ‘khoác vỏ bọc’ khu du lịch ?

Một công ty tư nhân Union Development Group (UDG) của Trung cộng là chủ đầu tư phát triển một dự án du lịch có tên Mecca tại tỉnh Koh Kong, Kampuchia , nhưng nhiều dữ kiện cho thấy, Bắc Kinh sử dụng khu du lịch này cho mục đích quân sự lâu dài của Bắc Kinh.


Chính phủ Campuchia đã cấp 45.000 héc ta đất ở tỉnh Koh Kong, bao gồm 20% đường bờ biển ở tỉnh này cho Union Development Group (UDG) của Trung cộng. Tập đoàn tư nhân này sẽ xây dựng khu du lịch, phi trường, cảng nước sâu với giá thuê đất chỉ 1 triệu USD/năm, South China Morning Post cho biết.

Sự hoài nghi về dự án gia tăng, khi Cơ quan Vũ trụ châu Âu công bố ảnh vệ tinh chụp khu vực dự án với đường băng dài hơn nhiều so với yêu cầu dành cho máy bay dân sự.

Phi trường lớn trong khu vực hẻo lánh
Phi đạo đang được thực hiện có chiều dài khoảng 3.400 m, lớn hơn phi trường quốc tế ở Phnom Penh và có thể tiếp nhận bất kỳ máy bay nào của không quân Trung cộng, ông Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết.

Ảnh vệ tinh chụp phi trường đang xây dựng ở dự án Koh Kong. Ảnh: Cơ quan Vũ trụ châu Âu.


Mặt khác, địa điểm xây dựng nằm ở vị trí khá hẻo lánh đối với một phi trường lớn như vậy, nếu chỉ dùng cho mục đích dân sự. Gần phi trường là các dự án sòng bạc, khu du lịch cho đến nay vẫn còn gặp nhiều trục trặc, theo ông Poling.

Về câu hỏi dự án có dành cho mục đích quân sự hay không, ông Poling cho rằng “không có lửa làm sao có khói”. Vị chuyên gia của CSIS nhận định nếu có bất kỳ quốc gia nào ở Đông Nam Á mà Trung cộng có thể đạt được sự hiện diện quân sự luân phiên, đó sẽ là Campuchia.

Các hình ảnh vệ tinh phản ánh một loạt hoạt động xây dựng trên phi đạo, sau khi Phó tổng thống Mỹ Mike Pence gửi thư cho Thủ tướng Campuchia Hun Sen vào tháng 11-2018, bày tỏ lo ngại về dự án có thể sử dụng cho mục đích quân sự.

Phần lớn đường băng đã được hoàn thành chỉ trong tháng 2 và kích thước của nó lớn hơn đáng kể so với khuyến nghị của Cục Hàng không Liên bang (Mỹ) là 2.800 m đối với máy bay Boeing 787-900.

Trên thực tế, ngay cả diện tích đất khổng lồ được cấp cho dự án Koh Kong cũng có vấn đề về pháp lý. Dự án chiếm tới 45.000 héc ta trong khi luật đất đai Campuchia chỉ cho phép thuê đất không quá 10.000 héc ta.

Dự án núp bóng công ty tư nhân

Union Development Group vốn là một công ty tư nhân, nhưng sự phát triển của nó từ lâu đã bị nghi ngờ liên quan tới Bắc Kinh. Cựu phó thủ tướng Trung cộng Trương Cao Lệ, lãnh đạo cấp cao của Sáng kiến Vành đai và Con đường, là người chủ trì việc ký kết giữa UDG và chính phủ Campuchia.

Phi trường ở Koh Kong được cho là quá lớn so với một dự án dân sự ở khu vực khá hẻo lánh. Ảnh: Khmertimeskh.


Một chuyên gia quân sự phương Tây khác nói rằng quy mô của UDG dường như không phù hợp với tiềm năng thương mại của dự án. Vị này đặt ra câu hỏi về khả năng tài chính, tính bền vững, ứng dụng cho mục đích dân sự, quân sự cũng như ý định cuối cùng của các bên liên quan.

South China Morning Post đã tìm cách liên lạc với phát ngôn viên bộ quốc phòng Campuchia để tìm hiểu vấn đề nhưng chưa nhận được phản hồi. Trong khi đó, Phay Siphan, phát ngôn viên chính phủ Campuchia nói rằng ông không thể bình luận về việc chính phủ có giám sát dự án hay không.

Paul Chambers, nhà phân tích thuộc Đại học Naresuan, Thái Lan trước đó đã nói với South China Morning Post, rằng các quan chức cấp cao ở Campuchia thừa nhận Thủ tướng Hun Sen đang xem xét phê duyệt một căn cứ hải quân Trung cộng trong khu vực.

Trung cộng có thể tìm cách kiểm soát vĩnh viễn
Dự án Koh Kong ở Campuchia được cho là tương tự số phận các dự án khác của Trung cộng ở Lào và Sri Lanka. Đặc biệt là trường hợp của Sri Lanka, để cấn trừ khoản nợ hơn 1 tỉ USD cho Bắc Kinh, nước này đã buộc phải để 1 doanh nghiệp nhà nước Trung cộng thuê cảng Hambantota tới 99 năm. 

Trường hợp của Sri Lanka, sự phụ thuộc quá mức vào đầu tư Trung cộng đã buộc họ phải trao lại quyền kiểm soát cơ sở đó cho Trung cộng. Điều tương tự cũng có thể xảy ra với Campuchia”, ông Chambers phân tích.


Năm 2016, Trung cộng đã cung cấp tới 36% tổng viện trợ kinh tế cho Campuchia và 30% vốn đầu tư tại nước này. Chỉ trong năm nay, Bắc Kinh đã cam kết viện trợ 558 triệu USD và hứa nhập khẩu 400.000 tấn gạo.

Trong bối cảnh Liên minh châu Âu và Mỹ dự tính áp đặt các lệnh trừng phạt với Phnom Penh về vấn đề nhân quyền, sự phụ thuộc của Campuchia vào đầu tư của Trung cộng sẽ càng lớn hơn. Đất cho dự án UDG dự kiến sẽ được trả lại cho Campuchia khi hết hạn thuê vào năm 2108, nhưng một số chuyên gia dự đoán Trung cộng sẽ tìm cách tận dụng tình hình để thiết lập quyền sở hữu vĩnh viễn.

Yun Sun, giám đốc chương trình Trung cộng tại Trung tâm Stimson, có trụ sở tại Washington, Mỹ, nhận định mô hình cảng của UDG có năng lực sử dụng cho quân sự, tương tự mô hình cảng mục đích kép của Trung cộng tại Djibouti, Sri Lanka, Pakistan và Myanmar.

Cảng Koh Kong nằm đối diện với một kênh đào được đề xuất ở Thái Lan cho phép Trung cộng đi qua eo biển Malacca, tuyến đường nhập khẩu năng lượng chiến lược của Trung cộng. Căn cứ ở Koh Kong có thể mang lại lợi thế cho Trung cộng trong vấn đề tranh chấp Biển Đông.

Theo VietBF

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen