11.3.2019
Hà Nội vẫn nằm đầu trong danh sách các thành phố ô nhiễm nhất thế giới, xét trên nồng độ bụi mịn trong không khí.
Báo cáo chất lượng không khí năm 2018 của Tổ chức Thông tin về Chất lượng không khí toàn cầu IQAir AirVisual cho hay Hà Nội đứng thứ 12 trong 62 thành phố ô nhiễm nhất thế giới.
Ở khu vực Đông Nam Á, Hà Nội ô nhiễm thứ hai, sau Jakarta của Indonesia. Sài Gòn đứng thứ 15 trong danh sách này.
Còn theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Hà Nội chỉ có 38 ngày không khí sạch trong một năm, riêng trong năm 2017.
Khảo sát của IQAir AirVisual có trụ sở tại Thụy sỹ được thực hiện trên 3.000 thành phố bằng cách đo nồng độ bụi mịn PM2.5, được coi là tác nhân ô nhiễm không khí nguy hại nhất cho sức khỏe con người.
Cũng theo báo cáo này, không khí Hà Nội năm 2018 khá hơn một chút so với năm 2017.
Cụ thể, nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình của thành phố năm ngoái là 40,8 microgam trên một mét khối không khí so với 45,8 năm 2017.
Theo WHO ô nhiễm không khí là rủi ro môi trường lớn nhất đối với sức khỏe con người hiện nay, ước tính 4.2 triệu ca tử vong mỗi năm liên quan đến ô nhiễm không khí ngoài trời và 3,8 triệu ca liên liên quan đến ô nhiễm không khí trong nhà.
Còn theo WHO, 6 trong 10 ca bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất liên quan đến ô nhiễm không khí.
Mục lục
Hà Nội làm gì để giảm bụi mịn?
Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam cho hay khí thải từ các phương tiện tham gia giao thông là nguyên nhân hàng đầu của tình trạng không khí ô nhiễm tại Hà Nội.
Tuy nhiên cho đến nay dường như lãnh đạo Hà Nội chưa có bước đi nào quyết liệt để giảm tình trạng này.
Dưới sức ép của WHO, mới đây Hà Nội vừa đưa ra kế hoạch hành động kiểm soát chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.
VnExpress cho hay theo bản kế hoạch này, các bộ và cơ quan liên quan có nhiệm vụ thực hiện nhiều giải pháp để hạn chế ô nhiễm không khí, bao gồm sản xuất xanh, đầu tư vào công nghệ xanh, lắp đặt các trạm quan trắc không khí bổ sung, hạn chế sử dụng các công nghệ sản xuất lạc hậu.
Tác giả Anton Hansen viết trên VnExpress rằng cũng giống như loại khẩu trang chỉ có tác dụng ngăn bụi tạm thời, các giải pháp nói trên không thể mang lại hiệu quả về mặt lâu dài.
Anton Hansen nhận định rằng hầu hết mọi người ở Việt Nam không nhận thức được rủi ro về sức khỏe do ô nhiễm không khí. “Chỉ một phần nhỏ dân số Việt Nam được giáo dục về các phòng chống tác hại của việc phơi nhiễm với ô nhiễm.”
“Hầu hết người dân Việt Nam khi ra đường đều đeo khẩu trang cotton, nhưng nó chỉ dùng để ngăn tia UV chứ không hiệu quả với bụi mịn.”
Một cách nữa hay được người Việt Nam dùng là đeo khẩu trang bệnh viện. Đây là loại khẩu trang mỏng, chỉ có tác dụng ngăn không cho bệnh qua đường hô hấp lây lan chứ cũng không lọc được bụi mịn. Hơn nữa đây là khẩu trang dùng một lần nên lại góp thêm phần làm ô nhiễm môi trường khi bị vứt bỏ, ông Anton Hansen viết.
Giải pháp lâu dài mà Hà Nội cần làm, theo ông Anton Hansen, là các thay đổi sâu rộng về hạ tầng, giảm số lượng phương tiện giao thông cá nhân, khuyến khích giao thông công cộng, nhân rộng quy mô nông nghiệp công nghiệp và chăn nuôi sang sản xuất hữu cơ hoặc tránh các công nghệ nguy hiểm như biến đổi gien.
Bàn nhau mua máy lọc không khí
Không khí ô nhiễm báo động của Hà Nội cũng là đề tài được bàn tán sôi động trên các diễn đàn cho người nước ngoài đang sống tại đây.
Trên trang Nonstop Newcomer, một người tên Colin viết:
“Tôi yêu rất nhiều điều ở Hà Nội, như những hồ nước tuyệt đẹp, các quán cà phê, mức sống rẻ. Nhưng không khí ô nhiễm là nguyên nhân chính khiến tôi không muốn sống ở đây lâu. Và tôi ghét phải check chất lượng không khí mỗi khi tôi quyết định có chạy quanh Hồ Tây hay không.”
Người này cũng bày vài cách để giảm nguy cơ tổn hại phổi khi sống ở Hà Nội: thường xuyên đeo khẩu trang và bật máy lọc không khí cả ngày cả đêm ở nhà.
Trên diễn đàn Hanoi Massive Community, nhiều người hỏi nhau kinh nghiệm mua máy lọc không khí của hãng nào, giá cả và địa chỉ mua.
Đầu năm 2019, có thời điểm nồng độ bụi mịn trong không khí tại một khu vực nội thành Hà Nội vượt ngưỡng 200 microgram/m3, rất nguy hại cho sức khỏe. Trong khi theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới, mức tiêu chuẩn là 24 microgram/m3.
Thành viên có tên Tom Druk của Hanoi Masive Community khuyên ‘những người chưa quen với ô nhiễm không khí Hà Nội’ hãy ở yên trong nhà những ngày không khí trở nên tệ hại, và nếu có phải ra ngoài thì nhất thiết phải đeo khẩu trang loại đặc biệt có thể lọc được các hạt bụi kích cỡ nhỏ.
Bụi mịn là gì?
Bụi mịn được coi là yếu tố giết người thầm lặng.
Bụi mịn PM1.5 (Particulate Matter 2.5) chỉ những hạt rắn, lỏng có đường kính nhỏ hơn 2,5 micoromet trôi nổi trong không khí.
Environmental Health Perspectives cho hay do kích thước siêu nhỏ, bụi mịn dễ đi sâu vào hệ hô hấp, luồn lách vào phổi, gây tắc và tổn thương phổi. Nó có thể ảnh hưởng đến cấu trúc DNA.
Nghiên cứu của giới khoa học còn chỉ ra rằng, bụi siêu nhỏ còn có thể là tác nhân gây ra bệnh rối loạn tâm lý, nhồi máu cơ tim, giảm trí nhớ.
Trẻ em, trẻ còn trong bụng mẹ, người già, người có các bệnh phổi và hô hấp là những người dễ bị tổn thương nhất bởi bụi mịn.
Nguồn: BBC
The 2018 World Air Quality Report