Seite auswählen

FB Vũ Kim Hạnh

14-2-2019

Ngày 17/1/2019, báo Thanh Niên đăng lời cựu ngoại trưởng John Kerry: “Hà Nội ô nhiễm hơn Bắc Kinh, New Delhi”. Trang FB anh Nguyễn Hà Hùng nhắc: Gần đây, chỉ số chất lượng không khí (AQI) nhiều nơi ở Hà Nội được cảnh báo là cực kỳ nguy hại, đặc biệt với trẻ nhỏ.
10 ngày trước, ngày 3/2/2019, tôi viết trên trang cá nhân: “Tết này ai đi du lịch Bangkok” về tình hình thủ đô Thái Lan chìm trong bụi mịn, đã có một số bạn hỏi, thật không, mình vừa đi du lich Thái về, chẳng thấy gì…

CHẲNG THẤY GÌ? Vâng, cái chết người, chết thực sự, chính ở chỗ đó. Báo chí không đưa tin, phân tích, đặc biệt là chẳng cảnh báo và nêu giải pháp gì. Mỗi ngày tất thảy chúng ta đều vô tư hít BỤI SIÊU MỊN và lặng lẽ, phổi bạn nhiễm độc, chết dần, còn phổi của con cháu bạn thì… Ai bảo vệ chúng? Sao người lớn chúng ta đành đoạn thế nhỉ?

Hãy xem người Thái đối mặt với con quái vật “Bụi siêu mịn” này như thế nào? Báo chí đưa nhiều thông tin hơn. Họ đăng thông tin tập trung hơn VN gấp gần 20 lần và quan trọng là phân tích nguy hại, cảnh báo người dân, yêu cầu chính phủ hành động. Trong khi báo Thái kiến nghị, “Mười điều chính phủ phải làm để chế ngự khói bụi”, hoặc “Chính phủ phải hành động”, báo Việt Nam đến nay không thấy có bài nào tương tự. Trên Facebook thì cũng thấy câu chuyện bụi siêu mịn nhưng thật thưa thớt. Và khi nạn ô nhiễm ở Bangkok còn ít nghiêm trọng hơn VN, đã thấy, Thủ tướng Thái xin lỗi nhân dân, Thống đốc Bangkok, được ủy quyền dẫn đầu một chiến dịch xử lý bụi mịn. Toàn bộ 437 trường công lập và các trường tư thục khác đóng cửa, học sinh nghỉ học. Người Thái đã nhận được nhiều khuyến cáo, trong đó có thông tin về sự cần thiết phải dùng khẩu trang chất lượng cao.

Người VN mình, phản ứng như thế nào trước nạn bụi mịn: -Đành chịu chứ nói ai? -Thì mình kiếm đường di tản cả nhà từ từ, ai cũng phải tự cứu gia đình mình chứ? -Trăm ngàn thứ phải lo, ô nhiễm thì còn lâu chết hơn (!?!) -Thiếu điện thì than, muốn có điện phải chịu, cứ bài bác nhiệt điện nữa đi (ý kiến này chắc của DLV?).

Những ngày qua, chưa thấy quan chức nào của Việt Nam thừa nhận hoặc phản bác. Càng chưa thấy ai nhận trách nhiệm. Chủ tịch UBND Hà Nội cho biết, “Hà Nội phấn đấu lắp 95 trạm quan trắc không khí vào năm 2020″. Ngoài ra, HN thực hiện chương trình trồng một triệu cây xanh”. “Trắc” chỉ để chẩn đoán, không phải giải pháp. Còn cây xanh chừng nào mới trồng, mới lớn?

Và chúng ta bỏ mặc trẻ con. Trang bị đủ thứ, nhà đẹp, trường tốt, xe sang, quần áo hiệu, du lịch châu Âu… nhưng chúng không thở được, không, chúng vẫn thở nhưng thở toàn bụi kịch độc siêu mịn, sao chúng ta bỏ mặc? Báo chí còn mãi mê đi theo các đám đông, đông nghìn nghịt ở vô số chùa, đền, ai cũng lâm râm khấn cầu cho “quốc thái dân an” (!!!). Các bạn thanh niên thì mãi bận Valentine, rồi mai mốt đã có sẵn những xì xăng đan khác của mấy người nổi tiếng.

Có phút nào chúng ta giật mình nghĩ về tử thần “siêu mịn” đang bao trùm cuộc sống chúng ta, chuẩn bị cướp đi sức khỏe, an toàn, tương lai và sinh mạng bọn trẻ?

Cần nghĩ và hành động, trước khi quá muộn.

 

Bụi siêu mịn nguy hiểm đến sức khỏe con người

26/04/2017

Mức độ ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn đang trở nên ngày càng nghiêm trọng tại Việt Nam. Các chuyên gia cảnh báo chất lượng không khí Việt Nam đang ở tình trạng báo động. Riêng tại Thủ đô Hà Nội, ô nhiễm không khí bụi siêu mịn đã gấp 5 lần ngưỡng trung bình năm của Tổ chức Y tế thế giới WHO.

 

Hầu hết các bệnh hô hầu đều bị tác động bởi không khí ô nhiễm. Theo thống kê của Bộ Y tế trong những năm gần đây, tỷ lệ mắc các bệnh hô hấp cao nhất trên toàn quốc và nguyên nhân chủ yếu là ô nhiễm không khí.

Tại nước ta, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và hen phế quản là hai bệnh thường gặp nhất do tác động trực tiếp của không khí ô nhiễm. Ngoài ra, một số tác nhân có hại trong không khí cũng có thể gây ra các bệnh lý nhiễm trùng ở phổi, làm tái phát các đợt cấp, đợt nặng của bệnh.

Theo BS. Đặng Hùng Minh,Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, thành phần nguy hiểm đầu tiên phải kể đến là các hạt bụi PM2.5, còn gọi là bụi siêu mịn hay bụi phân tử với kích thước siêu nhỏ có thể xâm nhập vào sâu trong phổi và gây bệnh ung thư phổi.

Tác nhân tiếp theo là các loại hóa chất, thường gặp nhất là NO2. Khi NO2 được trộn với hơi nước sẽ tạo thành HNO3 – một chất gây hại cho phổi. Số người bị tử vong sớm mỗi năm do hai thủ phạm chính là PM 2.5 và NO2 ước tính lên đến hơn 2 triệu người. Ngoài ra, các khí CO, NO, lưu huỳnh, chì và các phần tử khói… cũng ảnh hưởng trực tiếp tới việc trao đổi khí trong phổi và sức khỏe tổng thể nếu hít phải.

Nguồn gốc chủ yếu của các chất ô nhiễm trong không khí là khí thải công nghiệp, khí thải giao thông. Các hoạt động thường ngày cũng có thể gây ô nhiễm như đun nấu bằng bếp than tổ ong, đốt rác, hút thuốc lá…

ThS.BS Vũ Xuân Đán, Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và Môi trường TP.HCM, cho biết quá trình hô hấp là đưa oxi vào phổi. Tại phổi, oxi tiếp xúc với máu. Trong máu có chất hemoglobin, chất này kết hợp với oxi, mang oxi đến các tế bào. Bụi PM 2.5 cộng với khí CO hay SO2, NO2 nhiều, sẽ cản hemoglobin kết hợp oxi khiến tế bào thiếu oxi. Đây là căn nguyên gây ra kích ứng mắt, mũi, họng và phổi, ho, hắt hơi, chảy nước mũi, khó thở, viêm phế quản mạn tính, suy giảm chức năng phổi và làm nặng thêm tình trạng bệnh hen và bệnh tim.

Bụi siêu mịn PM 2.5 còn ảnh hưởng đến cấu trúc của ADN do lượng oxi bị cản trở làm hủy hoại tế bào. Ngoài ra, các kim loại chuyển tiếp trong thành phần bụi như Cr, Cd, Ni, As và chất aldehyde cũng gây cản trở cơ chế sửa lỗi của DNA gây nên bệnh ung thư phổi.

Do hệ miễn dịch chưa phát triển đầy đủ, trẻ em chịu tác động nhiều nhất của ô nhiễm không khí. Cùng một nồng độ khí ô nhiễm hít phải, lượng chất trực tiếp đi vào cơ thể trẻ em có thể cao gấp 2 lần người lớn.

Trẻ nào càng sống gần mặt đường, gần các công trình xây dựng hay nhà máy công nghiệp, nguy cơ bệnh hô hấp cao từ 19-25% so với bình thường. Đây cũng là nguyên nhân khiến trẻ khó phát triển chiều cao toàn diện nếu liên tục sống trong môi trường ô nhiễm không khí.

Cách phòng tránh

Theo các chuyên gia, khẩu trang được kỳ vọng sẽ hạn chế không khí ô nhiễm. Tuy nhiên, khẩu trang chỉ có thể chặn phần nào loại bụi mịn PM10, còn với bụi siêu mịn PM2.5 thì không hiệu quả.

Do đó, không nên ra ngoài khi tình hình ô nhiễm không khí ở nơi bạn sống đang ở mức cao. Việc ở ngoài trời vào những thời điểm này có thể làm tăng nguy cơ bệnh phổi, đau tim, bệnh hen và các vấn đề sức khỏe khác.

Một chế độ dinh dưỡng rau xanh, trái cây giàu vitamin A, vitamin C và beta-caroten (bơ, khoai lang, cà rốt, đu đủ, súp lơ xanh, gan động vật, cá, trứng, sữa…) giúp hình thành và duy trì lớp niêm mạc ở đường hô hấp và đường tiêu hóa, chống lại tổn thương tế bào, tăng cung cấp oxi cho tế bào và nhờ đó tăng cường hệ miễn dịch./.

Thủy Lưu (Tổng hợp)

Nguồn: Bảo hiểm xã hội

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen