Seite auswählen

Hà Giang/Người Việt

Ngày 20 tháng Giêng, 2017, đảng Việt Tân (Vietnam Reform Party – Unincorporated Association) nộp đơn tại tòa Northern District Court của California, kiện Viet Tan (a California non-profit corporation), ông Nguyễn Thanh Tú, và bà Michelle Dương tội tiếm danh (trademarks infringement), đòi bồi thường thiệt hại, và yêu cầu được xét xử bởi một phiên tòa có bồi thẩm đoàn.

Vụ kiện này được đảng Việt Tân công bố qua thông cáo báo chí gửi đi hôm 26 tháng Tư, hơn ba tháng sau ngày khởi kiện.

Trả lời câu hỏi của nhật báo Người Việt về mục đích vụ kiện, ông Hoàng Tứ Duy, phát ngôn nhân của Việt Tân, nói: “Trong hơn một năm qua, ông Nguyễn Thanh Tú đã xuyên tạc đảng Việt Tân và một số cơ quan truyền thông cũng như tổ chức hoạt động nhân quyền. Những việc làm của ông không giúp tìm ‘công lý’ cho cha ông mà thật sự chỉ nhằm đập phá và tạo hoang mang trong dư luận. Đảng Việt Tân là một thực thể có tư cách pháp nhân, hoạt động hợp pháp tại Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác trên thế giới từ năm 2004. Trước hành vi tiếm danh bất chính của nhóm Nguyễn Thanh Tú, chúng tôi bắt buộc phải khởi kiện để làm sáng tỏ trước dư luận mọi nỗ lực xuyên tạc và phá hoại đối với đảng Việt Tân nói riêng và công cuộc đấu tranh nói chung.”

Đầu đuôi câu chuyện

Hôm 9 Tháng Tám, 2016, bà Michelle Dương, cư dân Oakland, nộp đơn xin giấy phép lập một công ty hoạt động tại California, với tên “Viet Tan – Vietnam Reform Party,” trùng với danh xưng của đảng Việt Tân.

Ngày 26 Tháng 8, 2016, ông Nguyễn Thanh Tú ra thông báo: “Tôi và một số thân hữu đã đăng ký tổ chức Việt Tân, tức Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng (Viet Nam Reform Party), với chính quyền California, như là một công ty với số đăng bạ là C3934658 và số đăng ký với Sở Thuế Liên Bang Hoa Kỳ là EIN 81-3675984.”

Cũng trong thông cáo này, ông Tú đưa ra yêu cầu với đảng Việt Tân: “Bắt đầu từ ngày hôm nay tuyệt đối không được dùng tên ‘Việt Tân’ hay ‘Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng’ hay ‘Viet Nam Reform Party’ trong bất kỳ trường hợp hay hoàn cảnh nào;
Trong vòng hai tuần lễ, kể từ ngày hôm nay, phải gỡ bỏ trang mạng http://viettan.org và trang facebook.com/viettan;
Phải xoá bỏ và ngưng sử dụng bất kỳ tài liệu nào mang các tên kể trên. Nếu không tuân thủ, chúng tôi sẽ lập tức đưa ra toà vì vi phạm luật của tiểu bang California (Title 2, Division 7, Chapter 8.5 of the California Code of Regulations – Sections 21002, 21004, 21004.5, 21005.5 và 21006). Chúng tôi đã có sẵn văn phòng luật sư để lo việc này.”

Ngày 28 tháng Tám, 2016 đảng Việt Tân gởi ra thông báo khẳng định: “Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng (gọi tắt là đảng Việt Tân) tức Vietnam Reform Party, là danh xưng chính thức của tổ chức chúng tôi. Đây là một thực thể có tư cách pháp nhân trong dạng ‘unincorporated association’ hoạt động hợp pháp tại Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác trên thế giới từ năm 2004… Chủ tịch của đảng Việt Tân là ông Đỗ Hoàng Điềm… Chúng tôi sẽ tận dụng mọi biện pháp pháp lý tại Hoa Kỳ để chặn đứng những hành vi mạo nhận danh xưng đảng Việt Tân qua bất cứ hình thức nào. Chúng tôi sẽ thông báo đến đồng hương diễn tiến và kết quả.”

Ngày 20 Tháng Giêng, 2017, đảng Việt Tân nộp đơn kiện, nhưng đến cuối Tháng Tư, mới công bố tin này.

“Phải sau rất nhiều cố gắng, đại diện của công ty luật Frank Raldoslovich (luật sư đại diện Việt Tân) mới có thể tống đạt (đưa đến tận tay những văn bản tố tụng) ông Tú và bà Michelle. Luật sư chúng tôi cho biết ông Tú cố tình tránh bị tống đạt bằng cách giả vờ không có nhà,” ông Duy giải thích.

Theo luật định, quan tòa không thể đưa ra quyết định hay phán quyết nào cho đến khi bên bị nhận được thông báo từ bên nguyên là họ đã bị kiện. Tài liệu tòa cho biết văn phòng luật sư Frank Raldoslovich tống đạt được bà Michelle Dương hôm 22 Tháng Ba, và ông Tú Nguyễn ngày 11 Tháng Tư.

Hoạt động với danh xưng Việt Tân tức Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng (Viet Nam Reform Party) tại Hoa Kỳ và trên khắp thế giới từ năm 2004, nhưng đảng Việt Tân, vì hoạt động dưới dạng “unincorporated association” nên không nộp đơn với chính quyền để xin giấy phép hoạt động dưới tên này.

Ngược lại, ông Nguyễn Thanh Tú và bà Michelle Dương tuy đã nộp đơn xin giấy phép hoạt động với chính quyền California, và với Sở Thuế Liên Bang Hoa Kỳ, với tên y như tên của đảng Việt Tân, tức Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng (Viet Nam Reform Party), nhưng trên thực tế, từ ngày xin giấy phép hoạt động đến giờ, đảng Việt Tân (có giấy phép) chưa thấy có hoạt động gì ngoài những thông báo do ông Nguyễn Thanh Tú gửi đi, hay một vài buổi họp báo, cũng do ông Nguyễn Thanh Tú tổ chức.

Theo trang mạng của California Secretary of State, bà Michelle Dương cần phải nộp thêm cho tiểu bang California một bản “Statement of Information” trong đó liệt kê tên chủ tịch, tổng thư ký, và thủ quỹ của công ty Việt Tân, thì thủ tục xin giấy phép mới hoàn tất, và “Statement of Information” phải được nộp trong vòng 90 ngày. Ở nguyên trạng, giấy phép xin hoạt động có thể bị tiểu bang California đình chỉ, vì hồ sơ xin giấy phép chưa xong.

Đạo luật Lanham Act

Vào cuối tháng Tám, 2016, cả hai tổ chức mang tên đảng Việt Tân đều tuyên bố là sẽ dùng luật pháp để ngăn chặn đối phương không được “mạo danh” “Việt Tân.” Nhưng cho đến giờ, chỉ mới thấy đảng Việt Tân do ông Đỗ Hoàng Điềm làm chủ tịch đâm đơn kiện.

Tài liệu khởi kiện cho thấy bên nguyên, đảng Việt Tân, cáo buộc ông Nguyễn Thanh Tú và bà Michelle Dương vi phạm những luật: a) điều 43(a) (15 U.S. Code § 1125) của Đạo Luật Lanham Act), b) Điều 17200 và 14247 của Luật Thương Mại và Nghề Nghiệp California, c) Luật Vi Phạm Nhãn Hiệu của California và d) Luật Cạnh Tranh Bất Chính của California.

Trong những điều bị cáo buộc trên, vi phạm điều 43(a) (15 U.S. Code § 1125) (a) của Đạo Luật Lanham Act được xem là quan trọng nhất.

Theo website của Cornell University Law School, (trường luật của đại học Cornell), Đạo Luật Lanham – The Lanham Act, (còn được gọi là Đạo Luật Về Nhãn Hiệu năm 1946) là một đạo luật liên bang quy định những điều lệ về danh xưng/nhãn hiệu cho sản phẩm, dịch vụ và cạnh tranh không lành mạnh trên thương trường. Đạo luật có hiệu lực ngày 5 Tháng Bảy năm 1947.

Nhãn hiệu (hay danh xưng) có thể là một từ, một cụm từ, một biểu tượng, một họa đồ, hay những thiết bị khác dùng để xác định nguồn gốc của sản phẩm (như nhãn hiệu Ford hay Betty Crockers) hoặc dịch vụ (như nhãn hiệu FedEx) và dùng để phân biệt sản phẩm hay dịch vụ của một công ty với sản phẩm của đối thủ cạnh tranh.

Đạo Luật Lanham quy định thủ tục cầu chứng tại tòa với chính quyền liên bang, nêu rõ rằng sở hữu chủ của nhãn hiệu được chính phủ liên bang bảo vệ, để chống lại những hành vi xâm phạm, cũng như thiết lập nguyên tắc và biện pháp đòi đền bù khi bị tiếm danh.

Điều 42(a) (15 U.S. Code § 1125) (a) của Đạo Luật Lanham ghi rõ rằng nhãn hiệu của một công ty hay tổ chức được bảo vệ dựa trên sử dụng chứ không phải dựa trên việc có cầu chứng tại tòa hay không.

Trong trường hợp một nhãn hiệu đã được sử dụng trước, rồi một người nào đó sau này sử dụng nhãn hiệu tương tự gây ra nhầm lẫn – dù có cầu chứng tại tòa hay không – vẫn có thể bị xem là vi phạm điều 43(a) của đạo luật này.

Để chứng minh là mình bị tiếm danh theo điều 43(a) của Đạo Luật Lanham, nguyên đơn phải chứng minh rằng: 1) họ là người đầu tiên sử dụng nhãn hiệu đó trong cùng một thị trường; 2) nhãn hiệu đó hợp lệ; Và 3) việc tiếm danh của bị cáo có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu thụ.

Vẫn theo tài liệu đại học Cornell University, nguyên đơn trong vụ kiện liên quan đến Đạo Luật Lanham, nếu thắng, có thể có quyền đòi bồi thường gấp ba phí tổn luật sư, cộng với bồi thường những tổn thất do việc tiếm danh gây ra. Sau khi bên nguyên đưa ra được đầy đủ chứng cớ để thuyết phục rằng mình là sở hữu chủ của nhãn hiệu, tòa án, ngoài việc bắt bồi thường, còn buộc bên vi phạm phải ngừng không được tiếp tục sử dụng nhãn hiệu đó.

Nhiều doanh nghiệp hay tổ chức sử dụng nhãn hiệu hay danh xưng không cầu chứng tại tòa thường hiểu sai rằng họ không có biện pháp khắc phục nếu chẳng may bị người khác tiếm danh, mà không biết là mình được Đạo Luật Lanham bảo vệ.

Vào ngày 17 Tháng Ba, Luật Sư Frank Radoslovich, đại diện cho đảng Việt Tân nộp một thỉnh nguyện (motion) đề nghị tòa ra một “án lệnh sơ khởi” (preliminary injunction) để cấm hai bị đơn: 1) không được dùng những danh xưng “Việt Tân,” “Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng,” và “Viet Nam Reform Party”; 2) công bố mình là sở hữu chủ của những danh xưng này; 3) gửi thông cáo báo chí hay thư từ đòi cấm đảng Việt Tân không được dùng những danh xưng này. Ngoài những điều cấm trên, Luật Sư Frank Radoslovich cũng đề nghị tòa, trong cùng “án lệnh sơ khởi” này, yêu cầu hai bị đơn phải công bố án lệnh sơ khởi trên website của mình trong vòng tối thiểu 90 ngày.

Tòa Northern District Court của California sẽ có một phiên xử để cứu xét thỉnh nguyện nói trên vào lúc 2 giờ chiều ngày 25 tháng Năm.

Luật Sư Frank Radoslovich từ chối bình luận vụ kiện “trong lúc này”.

Cho đến khi báo lên khuôn, chúng tôi không liên lạc được với bà Michelle Dương, còn ông Tú từ chối bình luận, với lý do: “Vì vụ kiện đang diễn ra…”

Nguồn: Người Việt