“Để nhân loại có thể sống trong hòa bình và hạnh phúc, đế chế này (Trung Quốc) cần phải bị đập tan thành từng mảnh!”
21.7.2014
Liêu Diệc Vũ sinh năm 1958, năm đầu của “công cuộc” “Đại Nhảy Vọt” do “lãnh tụ vĩ đại” Mao Chủ Xị phát động, tại tỉnh Tứ Xuyên. Cuộc “Đại Nhảy Vọt” này đã dẫn đến nạn đói khủng khiếp, trong đó Diệc Vũ bị phù nề và suýt chết. Năm 1966, trong cuộc “Đại Cách Mạng Văn Hóa Vô Sản”, cha ông bị quy là phản động. Trước nguy cơ cả những đứa con còn nhỏ cũng bị trừ khử theo cha, mẹ của Diệc Vũ buộc phải ly hôn với cha ông. Sau đó, chính bà cũng bị bắt vì buôn phiếu mua hàng ngoài chợ đen.
Rất may mắn là Diệc Vũ vẫn học được hết bậc trung học. Sau đó, ông đi nhiều nơi trên khắp đất nước. Để tìm hiểu thế giới bên ngoài, ông tìm đọc những cuốn sách về phương Tây, bấy giờ bị cấm đọc và tàng trữ. Trong số tác giả ông được đọc, ông đặc biệt ngưỡng mộ John Keats và Charles Baudelaire. Ông cũng bắt đầu tập sáng tác thơ và gửi đăng ở vài tờ báo văn nghệ. Ông bị trượt trong kỳ thi đại học, và xin làm cho một tờ báo. Khi một số bài thơ của ông đã được chú ý, ông được bộ văn hóa công nhận là “nhà thơ”.
Mùa xuân 1989, ông công bố hai bài thơ, “Thành phố màu vàng” và “Thần tượng”. Trong hai bài thơ này, ông phê phán hệ thống chính quyền, nói nó đang bị hội chứng ung thư máu tập thể. Ngay lập tức, ông bị quy là chống cộng, bị thẩm vấn và khám nhà.
Tháng 6 năm 1989, khi được biết về sự kiện Thiên An Môn, Liêu sáng tác bài thơ “Thảm sát”. Biết rằng nó sẽ không thể được công bố, ông đã ngâm và ghi âm để phát tán. Tiếp sau đó, ông và một số người bạn làm một bộ phim với tên gọi “Cầu hồn” để tưởng nhớ những người đã bỏ mạng trong cuộc đàn áp đẫm máu.
Tháng 2 năm 1990, Liêu Diệc Vũ bị bắt, cùng lúc với vợ và 5 người bạn, nhưng bị cách ly. Liêu bị tù 4 năm, và tên ông bị đưa vào danh sách đen vĩnh viễn của công an. Trong tù, do bị tra tấn dã man, ông bị rối loạn tâm thần và đã vài lần định tự sát. Ông được gọi là “tên mất trí vĩ đại”. Tuy nhiên, ông được một người bạn tù, vốn là một tu sỹ, yêu mến, hàng ngày tâm sự và dạy ông thổi tiêu. Khi đã khá bình tâm, Liêu bắt đầu hỏi han bạn tù để tìm hiểu hoàn cảnh và tâm tư của họ.
Khi Liêu ra tù thì bị vợ (cùng con gái nhỏ) bỏ rơi và bạn bè xa lánh. Ông lang thang thổi tiêu trên đường phố ở Thành Đô, lân la tìm hiểu những cảnh đời. Ông cũng thuật lại cảnh sống trong tù của ông và bạn tù trong cuốn sách “Chứng thực”. Năm 2010, nó đã được dịch ra tiếng Đức.
Năm 1998, ông tập hợp những bài thơ đã viết từ 1970 thành một tập, lấy tên là “Sự sụp đổ của ngôi đền thiêng”. Một quan chức cấp cao của Trung Quốc đã gọi nó là “mưu toan lật đổ chính phủ, được các nhóm phản động hỗ trợ.”
Năm 2001, bộ sách nhiều tập “Phỏng vấn những con người dưới đáy xã hội” của ông được xuất bản ở Đài Loan và nhanh chóng được phát tán rộng rãi trên mạng Internet. Ông bị bắt nhiều lần vì “tội phỏng vấn bất hợp pháp” và “tội bôi nhọ đảng”. Nhiều bài trong bộ sách này đã được dịch và xuất bản bằng tiếng Pháp, Anh và Đức.
Năm 2008, Liêu ký Tuyên Ngôn 08 của Lưu Hiểu Ba, bạn ông, mặc dù nói rằng ông không quan tâm đến hoạt động chính trị của Lưu, mà chỉ quan tâm đến tác phẩm.
Tháng 5 năm 2008, sau nạn động đất ở Tứ Xuyên, Liêu đến thăm vùng bị nạn và được dân vùng đó cho biết về những vụ ăn bẩn của quan chức địa phương. Những tư liệu này được ông công bố trong “Ký sự động đất” in tại Hồng Kông năm 2009. Sau đó một năm, cuốn sách được dịch sang tiếng Pháp.
Sau nhiều lần bị từ chối cho xuất cảnh, tháng 2 năm 2010, Liêu viết thư cho thủ tướng Đức Angela Merkel. Trong năm đó, nhà chức trách buộc phải cho ông xuất ngoại. Ông được mời tham gia các sự kiện văn chương ở Hamburg, Berlin và Cologne, và lần nào cũng được mời phát biểu chính thức. Ông cũng hát và thổi tiêu phục vụ khán giả.
Tháng 6 năm 2011, Liêu Diệc Vũ sang Đức lần thứ hai. Lần này ông trốn qua ngả Việt Nam, sau nhiều lần đòi xuất cảnh không thành công. Từ đó đến nay, ông vẫn đang ở Đức.
Sự nghiệp viết văn, làm báo và đấu tranh kiên cường cho công lý của Liêu Diệc Vũ được ghi dấu bằng nhiều giải thưởng quốc tế có giá trị.
Ngoài danh hiệu “quỷ dữ”, chí sỹ Trung Quốc này còn “tặng” cho chính quyền những cái tên khác như “nguồn gốc của những thảm họa toàn cầu” và “đống rác ngày càng lớn”. Bài nói của ông tại lễ trao giải hòa bình cho ông tại Paulskirche kết thúc bằng câu:
“Để nhân loại có thể sống trong hòa bình và hạnh phúc, đế chế này (Trung Quốc) cần phải bị đập tan thành từng mảnh!”
TRẦN DƯƠNG
Nguồn: Lề Trái