Seite auswählen

Khoảng lên năm tuổi, tình cờ tôi được biết cha tôi, Tống văn Thêm, bút danh Tăng Ích, là người đang bị nhà nước thuộc địa Pháp quản thúc. Hôm đó, cha má sắp đưa tôi về quê ngoại thì bà nội gặng hỏi: “Con đã xin phép ban Hội tề chưa? Mình phải giữ cho đúng lề luật”.

Tôi thắc mắc hỏi cô Ba tôi và cô kể: Cha tôi lên Sài Gòn học trung học, ở trọ nhà ông Đồ Nam thầy thuốc Bắc. Ông Đồ Nam là học trò của Nguyễn Ái Quốc phái về hoạt động cộng sản. Bác Nguyễn Tư con ông Đồ Nam học cùng lớp, chơi thân với cha tôi. Có lẽ vì thế mà trong nhiều học trò ở trọ, ông Đồ Nam chọn cha tôi để tuyên truyền cộng sản. Sau một năm, cha tôi bỏ học, về nhà xin ông nội tôi sắm máy chụp hình để đóng vai thợ ảnh đi hoạt động cách mạng (khi tôi biết thì ở góc nhà vẫn còn một đống phim bằng kiếng cỡ 20×30 cm). Lý lẽ “học cho giỏi chỉ để làm mọi cho Tây” của cha tôi đã thuyết phục được ông nội, bà nội tôi.

Ngày một tháng 5 năm 1930 cha tôi tham gia cuộc biểu tình hơn 200 người ở xã Tân Xuân, huyện Ba Tri và bị bắt. Sau này tôi được nghe người bạn của cha tôi là chú Huỳnh Dư Bì (sau này là Cục phó Cục Quản lý Thi công, Bộ Xây dựng thời ông Đỗ Mười làm bộ trưởng) kể: “Cha mày với hơn chục người làng An Bình Tây bị bắt, nhốt vô Nhà Việc (còn gọi là Nhà Vuông), trụ sở Ban Hội Tề của xã). Thằng Đội Xôm được chủ quận Ba Tri phái vô chỉ huy tra tấn những người cộng sản. Nhà chú ở gần Nhà Việc, cho nên suốt đêm nghe tiếng kêu la của những người bị đánh đập, không sao chợp mắt!” Ông nội tôi phải bán nhiều ruộng đất để đưa tiền nhờ ông Sáu Lục, anh ruột ông nội, đang làm Hương Chủ (vị trí thứ nhì trong ban Hội Tề gồm 12 vị) lo lót, chuộc cho cha tôi, không bị đày ra Côn Đảo mà chỉ bị quản thúc tại nhà.

Sau khi đi học biết đọc, tôi giở từ điển Hán Việt của cụ Đào Duy Anh soạn từ 1932, xem định nghĩa từ Cộng sản: “Cái chủ nghĩa muốn tiêu diệt quyền tư hữu, đem tất cả các cơ quan sinh sản và sinh sản phẩm trên xã hội làm của chung của tất cả mọi người, đặt cơ quan thống kê và quản lý chung; về mặt chính trị thì chủ trương liên hiệp tất cả giai cấp lao động để đánh đổ chế độ tư bản”. Tôi lại tìm định nghĩa chế độ tư bản cũng trong sách này: “Chế độ sản nghiệp lấy mưu lợi là mục đích, chế tạo ra hàng hóa là cốt mưu lợi, chứ không có cung cấp cho sự cần dùng”. Dù chỉ hiểu lơ mơ, nhưng tôi cũng cảm nhận “tư bản” gắn liền với “thực dân Pháp”, kẻ xâm chiếm nước mình, “cộng sản” chống Pháp như vậy thì chắc chắn là tốt.

Có điều lạ, tuy bị quản thúc, đi đâu phải xin phép, vậy mà cha tôi lại thường xuyên ngồi ở Nhà Việc đánh cờ tướng với ông Hương Cả Nga, đứng đầu Ban Hội Tề. Mỗi khi bà nội sai tôi đi tìm gọi cha tôi về ăn cơm, tôi biết ngay là phải chạy tới Nhà Việc, tìm lý do để chấm dứt cuộc đấu cờ say mê giữa một ông đứng đầu nhà chức trách của chế độ thực dân với một đảng viên cộng sản đang bị quản thúc! Khoảng năm 1980, em tôi là Tống Văn Cảnh, cán bộ ban tuyên giáo huyện ủy Ba Tri được giao viết quyết lịch sử đảng bộ Cộng sản xã An Bình Tây. Quyển Lịch sử có đoạn “cuối năm 1938 tên Hương Quản Nga theo lệnh tên Quận Mẫn đã khủng bố kềm kẹp nhân dân, truy tầm bắt bớ cán bộ, đảng viên xã An Bình Tây, bắt đàn ông hàng đêm phải mang cây đi ngủ tập trung, để canh chừng cộng sản”. Năm 1938, tôi đã lên sáu, đến nay còn nhớ nhiều chuyện thời ấy, nhưng không nhớ chuyện này. Tôi hỏi cha tôi về đoạn văn trên, ông cười: “Nó viết theo chủ trương tuyên truyền hiện nay đó mà. Từ lúc làm Hương quản cho tới khi lên Hương cả, ổng có bắt cán bộ, đảng viên nào đâu. Đảng viên mà không đi biểu tình hô hào lật đổ chế độ thực dân Pháp thì họ cũng không bắt. Ông Dương Bạch Mai đảng viên đảng Cộng sản Pháp sang Liên Xô học đại học Đông Phương của Stalin, năm 1932 về Sài Gòn làm báo cộng sản, vẫn đắc cử Hội đồng Thành phố Sài Gòn. Ông Huỳnh Thúc Kháng hoạt động chống Pháp, bị tù Côn Đảo 11 năm, ra tù lập báo Tiếng Dân tuyên truyền lý thuyết Duy Tân, vẫn được bầu vào Viện Đại biểu Trung Kỳ”.

Hóa ra thời thực dân Pháp ranh giới thù địch giữa nhà nước thuộc địa với người dân không chia thành chiến tuyến quyết liệt như hiện nay giữa Đảng Cộng sản với người dân đòi dân chủ tự do!

Đọc bài trước: Từ theo cộng đến chống cộng (1): Trước khi vào chuyện

Đọc bài tiếp theo: Từ theo cộng đến chống cộng (3): Gia đình yêu thương

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen