Ông nội tôi có ba người con, nhưng chỉ có cha tôi là trai. Sau khi cha tôi bị bắt vì tội làm cộng sản, ông nội tôi sốt ruột chuyện “nối giòng”. Có người mai mối má tôi là Nguyễn Thị Thâm ở làng Giồng Tre (xã An Ngãi Trung) cho cha tôi. Ông tôi đã chọn ngày tốt làm lễ “coi mắt”, nhưng cha tôi không chịu đi. Ông tôi rút chiếc roi mây bảo, nếu không chịu đi thì nằm xuống phản “ăn roi”. Chàng trai 20 tuổi đã ngoan ngoãn nằm xuống chịu đòn.
Một tháng sau, nhân có việc tới Giồng Tre, cha tôi hỏi các bạn ở đây về cô Nguyễn Thị Thâm đã khiến mình bị ăn roi. Cậu Tư Đáo, con người chú thứ mười của má tôi tìm ra cớ để đưa cha tôi tới làm khách của ông ngoại tôi mà được má tôi pha trà đem ra mời. Buổi sáng đó đã nên “duyên kỳ ngộ”. Hôm sau, cha tôi vui vẻ rót rượu mời ông bà nội tôi, xin nhận lỗi vì đã cãi cha mẹ, này xin được làm lễ “coi mắt”! Ông nội tôi cứ nghĩ cha tôi đã ưng cô gái nào khác, đến khi biết vẫn là cô gái ở Giồng Tre, ông tôi bật cười: “Tại sao để ăn đòn rồi mới chịu đi”?
Sau lễ ra mắt, hai họ quyết định các bước kế tiếp theo tập tục. Cha tôi phải tới “ở rể” tại nhà ông bà ngoại tôi. Trong bữa cơm đầu tiên, ông ngoại tôi cầm chai rượu lên hỏi: “Con có biết uống rượu không?” Cha tôi đáp: “Dạ, có chút đỉnh”. Ông ngoại tôi rót đầy ly nhỏ, đưa cho cha tôi. Cha tôi cầm lấy, cảm ơn và uống cạn. Ông ngoại tôi cười lớn nói bỗ bã: “Tao thích mày! Trong trường hợp này nhiều thằng sẽ ỏn ẻn, dạ thưa, con không biết rượu chè. Sau khi lấy được con gái người ta rồi thì nó mới lộ ra bộ mặt Lưu Linh!” Một hôm, bà ngoại tôi sai cha tôi chặt trái dừa cho cậu út tôi uống. Cha tôi cầm quả dừa xoay qua, trở lại mãi. Bà ngoại tôi nhìn thấy biết con rể mình thuộc tuýp người “dài lưng tốn vải”, đã bảo má tôi “kíp cứu nguy cho chàng”.
Tết Tân Mùi, 1931 cha má tôi làm lễ cưới và ngày rằm tháng chín năm Nhâm Thân, 1932, tôi được ra đời. Có lần cha tôi nói, ông không dám tiếp tục nhận nhiệm vụ của đảng là vì nghĩ đến sự hiểm nguy cho má con tôi. Cha tôi giải thích tên Công của tôi không phải là công hầu, cũng không phải công tư, mà là công nhân thợ thuyền. Như vậy là ngày vừa mới sinh ra, tôi đã được giao cho ông Mã Khắc Tư (Karl Marx)! Một lần, cha tôi đưa tôi đến ông thầy nổi danh coi tướng Đại Lục Tiên. Ông này nói: “Nếu sau này cháu làm thợ bạc thì khó ai bì kịp, thứ hai mới là làm biện lý.” Ra về, cha tôi bảo, con chớ có làm thợ bạc, nếu làm thợ thì làm thợ mộc. Cha tôi được cho biết đảng Cộng sản là đảng của giai cấp công nhân, nhưng ông không thể hình dung được công nhân là một tập thể lao động trong xưởng máy. Theo ông, thợ mộc, thợ hồ, thợ hớt tóc… là giai cấp công nhân.
Tôi có may mắn là suốt tuổi thơ được sống trong một gia đình đầy tình yêu thương. Ông bà tôi dù túng thiếu bao giờ cũng dành tiền gạo cho người ăn xin. Một lần, từ vùng tản cư, tôi trốn theo mấy anh lớn vào vùng Pháp chiếm. Quá lo sợ đến tức giận, ông nội tôi buộc phải phạt roi đứa cháu đích tôn. Tôi biết mình có lỗi đáng bị ăn đòn, nên không khóc, nhưng ông tôi vừa khẽ nhịp roi, vừa nức nở nghẹn ngào. Trái lại, bà nội tôi không bao giờ vì tức giận mà đánh cháu, bà tôi đánh vì “thương cho roi, cho vọt”. Một lần, bà giê lúa, Tôi chạy nhảy làm đổ lúa, bà bảo không nghe, đến khi tôi làm đổ lúa lần thứ hai, bà ra lệnh: “ Về nhà, nằm sẵn ở bộ ván”. Tôi về nằm khóc một lúc thì ngủ. Đến bữa cơm chiều, được gọi dậy, tôi mừng vì nghĩ đã thoát khỏi ăn đòn. Nhưng không thoát được, sau bữa cơm, bà thong thả ngoái trầu, ăn trầu xong mới khẽ gọi, “Công đâu? Ra cúi xuống đây!” Bà không hề nóng giận, chậm rãi phân tích cái hư cái sai của cháu đến mức không thể tha thứ. Còn cha tôi thì ông chỉ vung roi với con khi nổi giận. Ông thường dặn: “Hể thấy cha nổi nóng thì con mau mau chạy biến đi! Đừng có đứng đó, cha đánh chết.”
Ông nội và cha má tôi đều mua rất nhiều sách. Lúc nhỏ tôi thích nằm nghe má đọc Truyện Kiều và các loại thơ. Nghe nhiều lần, tôi thuộc từng đoạn, dù không hiểu gì. Khi biết đọc, chủ nhật, ngày hè, tôi thường đọc truyện Tàu cho ông nội, bà nội nghe. Tôi sớm được biết quê mình có những chí sĩ yêu nước đồng thời là những nhà thơ như Phan Thanh Giản, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Tòng, bà Sương Nguyệt Anh nhà thơ sáng lập Nữ Giới Chung, tờ báo đầu tiên của phụ nữ Việt Nam… Tôi thích Phan Thanh Giản, một ông quan suốt triều vua, đã có những câu thơ cảm thương người vợ: “ Đường mây cười tớ ham rong ruổi; trướng liễu thương ai kẻ lạnh lùng…” Khi biết nghĩ đến vận nước, tôi thích câu “Non nước tan tành hệ bởi đâu” của cụ Đồ. Năm 18 tuổi vào Vệ Quốc Đoàn, tôi động viên mình “mặc kệ thằng Tây, đạn nhỏ, đạn to, xô cửa xông vào như chẳng có” trong Lời Điếu Nghĩa Sĩ Cần Giuộc.
Bất hạnh lớn nhất của tôi là má tôi bị viêm phổi qua đời năm tôi mới lên bảy. Cha tôi là thầy thuốc Đông y giỏi chữ Nho, Nhưng ông lập bài vị thờ má tôi bằng chữ quốc ngữ. Ở giữa nần giấy màu xanh kẻ hai chữ lớn màu trắng: VỢ TÔI. Hai bên là hai câu đối tiếng Việt: “Chồng khóc, con kêu thấy chỉ đáp thăng dòng nước mắt”. “Vợ hiền, dâu thảo, tìm nơi họa cô cảnh chiêm bao”. Rất nhiều buổi, cha tôi ngồi bên bàn thờ làm thơ như trao gởi tâm linh với má tôi. Đáng tiếc là tôi chỉ nhớ được một vài câu mà trái tim non nớt cảm nhận được: “Xuống đất hóa bùn sẽ gặp nhau.”
Đọc bài trước: Từ theo cộng đến chống cộng (2): Cha tôi bị nhà nước thực dân quản thúc
Đọc bài tiếp theo: Từ theo cộng đến chống cộng (4): Ông già Ba Tri