Cuối năm 1950, trường trung học Huỳnh Phan Hộ (trường tôi học) đăng cai cuộc họp học sinh của ba trường trung học kháng chiến (Huỳnh Phan Hộ, Thái Văn Lung, Nguyễn Văn Tố) để nghe huấn thị của đại diện Trung ương Cục miền Nam. Dù ba trường này cách nhau hàng chục cây số đường sông, nhưng 7 giờ sáng tất cả đã có mặt đầy đủ ở hội trường trung học Huỳnh Phan Hộ. Ông Nguyễn Thượng Tư hiệu trưởng trường Huỳnh Phan Hộ thông báo, hôm nay chúng ta được vinh dự nghe bác Sáu Lê Đức Thọ, Phó bí thư Trung ương Cục miền Nam nói về tình hình thế giới, trong nước và nhiệm vụ mới.
Từ lâu, bọn học trò chúng tôi truyền miệng chuyện tình của bác Sáu Lê Đức Thọ. Ông tên thật là Phan Đình Khải, lúc ở ngoài Bắc đã có vợ là cán bộ, đảng viên, sinh một con trai tên Phan Đình Dũng. Ông là ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng làm trưởng đoàn cán bộ từ Việt Bắc vào tăng cường cho Trung ương Cục miền Nam. Đoàn lên đường tháng 6/1948 đến Cà Mau tháng 6/1949. Năm 1950, một lần đến thăm trường trung học Nguyễn Văn Tố, nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng bị cô nữ sinh tên Th. hớp hồn; từ đó ông thường xuyên tìm cớ đến thăm nhà trường để gặp nàng. Rủi cho ông, cô Th. đã có người yêu là một bạn học đẹp trai học giỏi tên L. Thấy bác Sáu đầy quyền lực tấp cập tiến công, L. sợ bị thua cuộc, bèn tìm gặp, nói thẳng: “Thưa bác Sáu, Th. là người yêu của cháu, mong bác thông cảm.” Bác Sáu buộc phải “thông cảm”, nhưng cô Th. bất bình hỏi L.: “Anh làm như vậy là rất hèn và đã xúc phạm tôi. Anh nói với ông Sáu là vì anh e rằng trước một người có quyền thế như ông, tôi không thể đứng vững? Như vậy là chúng ta nhầm nhau rồi!” Anh chàng đẹp trai học giỏi L. đã cạo trọc đầu để mong nàng tha thứ, nhưng kết quả chỉ thêm một nét hài cho cuộc tình tay ba dang dở. Không lâu sau, Lê Đức Thọ phó bí thư Trung ương Cục miền Nam Đảng Cộng sản lấy bà Lê Thị Chiếu con một gia đình đại địa chủ ở tỉnh Cần Thơ.
Sau lời giới thiệu trịnh trọng của hiệu trưởng Nguyễn Thượng Tư, Ông Lê Đức Thọ da xanh nhợt, răng hơi hô, mặc bộ bà ba xám tro, bước lên bục tươi cười: “ Hôm nay bác nói với các cháu về chiến tranh Triều Tiên và cuộc kháng chiến của chúng ta chuyển sang giai đoạn cực chuẩn bị tổng phản công.”
Về cuộc chiến tranh Triều Tiên, chúng tôi đã được biết qua thông tin thời sự trên các báo kháng chiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh ĐX. có bài “Mỹ là xấu” mở đầu như sau: “Mỹ nữ là gái đẹp. Mỹ đức là nét tốt. Nhưng Mỹ quốc lại là nước xấu. Xấu không chỉ vì Mỹ gây chiến tranh, vì Mỹ xâm lược Triều Tiên…” Với bút danh C.B. ông viết bài “Nhất trên thế giới” lên án Mỹ “tội ác xâm phạm Triều Tiên”. Các văn nghệ sĩ kháng chiến cũng viết nhiều bài với nội dung đó. Tôi thuộc lòng bài thơ của Minh Giang có tựa đề “Gửi anh bạn Triều Tiên”, mở đầu tác giả đặt câu hỏi:
“Anh bạn Triều Tiên ơi,
Tôi chưa hề gặp mặt,
Có phải quê hương anh,
Có đồng lúa xanh xanh,
Có núi nhiều tuyết trắng.
Tuyết bay trên cả Hán Thành.
Ai gây khói lửa tuyết thành lệ ơi?”
Tác giả buộc người đọc phải hiểu rằng kẻ “gây khói lửa” là phía Đại Hàn Dân Quốc, Mỹ và 15 nước thành viên Liên Hiệp Quốc. Đoạn cuối bài thơ:
… Hắn cướp lúa chín,
Hắn bắn trâu cày,
Lửa hờn cháy nám thân cây,
Lều nghiên nửa mái, đường đầy khăn tang.
Anh bạn Triều Tiên ơi!
Máu anh và máu tôi rơi,
Trên hai đất nước, một trời thù chung!”
Cũng với tinh thần đó, ông Lê Đức Thọ phân tích lý lẽ về sự gắn bó giữa hai đồng minh Việt Nam Triều Tiên cùng chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Hơn 30 năm sau, đến thời Internet, tôi mới được biết Bắc Triều Tiên là bên bất thần mở cuộc tấn công mau chóng xâm chiếm Nam Hàn, chỉ trong mấy ngày họ đến Seoul. Trước tình hình đó, Liên Hiệp Quốc quyết định cho Mỹ và 15 nước thành viên đầy lùi quân Bắc Triều Tiên trở về bên kia vĩ tuyến 38. Trung Cộng đã phải đưa hàng triệu quân do nguyên soái Bành Đức Hoài chỉ huy làm cuộc “kháng Mỹ viện Triều”.
Nhận định tình hình trong nước, Lê Đức Thọ lập lại lý thuyết trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi của Trường Chinh, gồm ba giai đoạn: 1 – phòng ngự, 2 – cầm cự, 3 – tổng phản công. Sau này, tôi mới biết quyển sách của Trường Chinh sao chép từ quyển “Luận trì cứu chiến” (Bàn về đánh lâu dài) của Mao. Ông Lê Đức Thọ cho rằng từ 10/1949, Trung Cộng giải phóng lục địa đã tạo ra cục diện mới, thời cơ mới cho Việt Nam chuyển sang giai đoạn tổng phản công. Ông kết luận: “Đây là cơ hội để tuổi trẻ lập công với Tổ quốc. Các em phải xếp sách vở, hăng hái tòng quân, tích cực tham gia công cuộc tổng phản công. Sau ngày chiến thắng nhà trường sẽ mở rộng cửa mời các em trở lại.” Ngay chiều hôm đó, chúng tôi, học sinh ba trường trung học kháng chiến đã nộp đơn xin đóng cửa trường, tất cả ghi tên tòng quân.
Đọc bài trước: Từ theo cộng đến chống cộng (9): Bác Hai nói về đảng Cộng Sản và đảng Dân Chủ
Đọc bài tiếp theo: Từ theo cộng đến chống cộng (11): Cuộc tranh luận về tư pháp trên báo Sự Thật