Seite auswählen

Năm 1948 ông Hồ Văn Ngôi, trưởng Ty Xã hội Bến Tre (Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy) bổ nhiệm cha tôi làm ủy viên kiểm sát Ty Xã hội tỉnh Bến Tre. Lúc này ông Võ Văn Hưỡn (thời thuộc Pháp là đốc học) bạn cùng xóm và là bạn học của cha tôi đang làm Trưởng ty Giáo dục. Cha tôi xin cho tôi vào làm nhân viên của Ty. Phó Ty là bác Hai Trần Trung Trực, nhà giáo thời Tây (ba của Trần Trung Tín sau này là họa sĩ nổi tiếng); Trưởng phòng Tu thư là bác Ba Lê Văn Trương, nhà giáo thời Tây ở quận Sóc Sải. Hơn chục nhân viên ở tuổi 17,18. Võ Hoàng Lê sau này là đại tá, bác sĩ, giám đốc Bệnh viện Quân đội 175. Lê Huỳnh Thọ sau này là phó trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản. Cả cơ quan chỉ có ba nữ là chị Năm Quyến, sau 1975 là Bà Sáu, phó giám đốc Sở Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh. Chị Bình sau này là mẹ của đạo diễn Việt Linh và Nguyễn Thị Định, được gọi là “Định nhỏ” để phân biệt với bà chủ tịch hội Nguyễn Thị Định (sau này là Phó Tư lệnh quân giải phóng miền Nam). Công việc của số đông nhân viên chúng tôi là viết tài liệu giáo khoa bằng thứ mực pha đậm đặc, sau đó áp lên khuôn bột để in, rồi đóng thành tập, gửi cho các trường học cấp một trong các vùng giải phóng. Từ tháng tám 1945 đến năm 1951 Bến Tre có nhiều vùng giải phóng. Vùng rộng lớn nhứt gồm toàn bộ quận Thạnh Phú và quá nửa quận Mỏ Cày.

Tôi và Định cùng tuổi, từng cùng học lớp nhứt, nay ngồi cùng bàn, thường nói với nhau đủ thứ chuyện, rồi nảy sinh tình yêu. Nói là yêu nhau, nhưng chúng tôi chưa dám trao cho nhau một nụ hôn! Một hôm, Định hỏi: “Anh có biết trong cơ quan này ai là đảng viên Cộng sản không?” Do đã từng công tác ở Hội Phụ nữ Cứu Quốc tỉnh, nên Định biết rành các tổ chức chính trị. Tôi đáp, không biết và hỏi lại, ở đây ai là đảng viên Cộng sản? Định thì thầm: “Chỉ có bác Năm trưởng ty là Cộng sản. Còn bác Hai phó ty, bác Ba trưởng phòng và anh Chấp  phụ trách văn thư đều là đảng viên đảng Dân Chủ. Họ thường tuyên truyền với anh về đảng Dân Chủ mà anh không biết đó! Anh chớ có nghe họ mà xin vô đảng Dân Chủ đó nghe!” Tôi thắc mắc hỏi tại sao? Định nói: “Đảng Cộng Sản Đông Dương mới là Đảng lãnh đạo kháng chiến. Đảng Dân Chủ chỉ là một thứ cây kiểng, không có vai trò gì đâu.”

Một hôm tôi tò mò hỏi bác Hai Trần Trung Trực phó Ty, có phải Bác Hai là đảng viên Đảng Dân Chủ không? Bác vui vẻ đáp: “Ừ, mày cũng biết à?” Tôi nói: “Cháu muốn biết Đảng Dân Chủ khác với Đảng Cộng Sản như thế nào? Bác Hai gõ mấy cái lên vầng trán rộng: “Chà, nói sao cho mày hiểu đây ha!” Bác thò tay vô túi áo lấy ra bao thuốc lá đặt lên đầu bàn, nói: “Coi như cái Chủ nghĩa Xã hội, Chủ nghĩa Cộng sản đang ở trên đó. Còn chúng ta đang ở dưới này. Ai cũng muốn đi lên cái ‘thiên đàng’ đó cả. Điều khác nhau là đảng Cộng Sản gồm những người tả khuynh, họ quyết tiến lên thật nhanh, nên chọn con đường thẳng băng. Gặp núi cao? Vượt núi! Gặp sông sâu? Vượt sông! Đảng Dân Chủ của chúng tao cũng chủ trương đi lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, nhưng gồm những trí thức ôn hòa, muốn đi chậm rãi an toàn nhứt. Núi cao? Ta tránh núi, mở đường đi vòng! Sông sâu? Ta kết bè, đóng ghe hoặc bắc cầu! Rồi thì cũng tới đó thôi. Hai thằng con tao, Trần Trung Hiếu, Trần Trung Tín đang ở bộ đội, tụi nó trẻ, máu nóng, nên đều vô đảng Cộng Sản.”

Nguyễn Thị Định gợi ý và cùng tôi tìm hiểu các chức vụ lãnh đạo của tỉnh, hóa ra tất cả đều do đảng viên Cộng sản nắm. Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chánh tỉnh là ông Nguyễn Văn Diệp, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh là ông Phan Triêm, ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy; Tỉnh đội trưởng dân quân tự vệ là Nguyễn Tấu, ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy (trước đó ông là bí thư tỉnh ủy); Trưởng ty Thông tin Tuyên truyền là ông Nguyễn Chí Hữu, ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy; Trưởng đoàn Văn hóa Kháng chiến là ông Lê Hoài Đôn, ủy viên Thường vụ phụ trách Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy; Trưởng ty Xã hội là ông Hồ Văn Ngôi, ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy; Trưởng ty Giáo dục là ông Võ Văn Hưỡn, ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy; Chủ nhiệm báo Đoàn Kết của tỉnh là ông Trần Văn Anh, tỉnh ủy viên; tỉnh đoàn trưởng Đoàn Thanh niên Cứu quốc là ông Trần Chính, tỉnh ủy viên; chủ tịch Hội Phụ nữ Cứu quốc là bà Nguyễn Thị Định, tỉnh ủy viên…

Mấy tháng sau bọn trẻ chúng tôi xin thi vào trường trung học. Tôi và Lê Huỳnh Thọ trúng tuyển. Các trường trung học của kháng chiến đều đóng trong rừng U Minh. Từ Bến Tre đi bộ tới đó mất nửa tháng và tốn khá nhiều tiền. Tôi nói khó khăn này với cha tôi. Không thể ngờ, cha tôi giải quyết nhẹ như không: ông xin thôi chức kiểm sát viên của Ty Xã hội, một địa vị quan cách mạng, rồi mua mấy kílô thuốc nhuộm quần áo, mấy chục viên gạch xây bếp lò, một cái chảo đụng to, ra đứng giữa chợ Thạnh Phú, lắc cái trống kêu lung tung, kêu “Nhuộm đây! Nhuộm quần áo đây!” Hơn một tháng, cha tôi kiếm đủ số tiền cho tôi đi học. Nhưng ông bị coi là thiếu tinh thần cách mạng, phải rời Bến Tre đi vào Cà Mau, kiếm sống bằng việc bứt dây choại đem bán cho những người làm nghề bện đăng, bện đó bắt cá.

Năm 1951, giặc Pháp chiếm hết các quận Mỏ Cày, Thạnh Phú, ty giáo dục phải giải thể. Nguyễn Thị Định chạy lên Sài Gòn, học trường sư phạm, ra trường làm cô giáo ở trường Bông Sao, quận 8 và lấy chồng là một sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa.

Đọc bài trước: Từ theo cộng đến chống cộng (8): Hồng quân Platon – Thành vào lính lê dương

Đọc bài tiếp theo: Từ theo cộng đến chống cộng (10): Nghe ông Lê Đức Thọ thuyết giáo

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen